Những diễn biến đột ngột thời gian qua đã buộc khối quân sự NATO phải điều chỉnh “Khái niệm Chiến lược” của họ. Nga và Trung Quốc là 2 nhân tố nổi bật được nêu trong văn bản này của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Bản Khái niệm Chiến lược của khối quân sự NATO năm 2022 nêu rằng khu vực châu Âu-Đại Tây Dương không hòa bình và NATO không thể xem nhẹ khả năng về một cuộc tấn công chống lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước đồng minh.
Đánh giá này tương phản rõ rệt với ngôn ngữ trong bản Khái niệm Chiến lược trước đó, được công bố vào năm 2010, mà trong đó khu vực châu Âu-Đại Tây Dương được đánh giá nằm “trong trạng thái hòa bình” và mối đe dọa tấn công vào lãnh thổ của NATO ở mức thấp. Có sự nhấn mạnh đến Khái niệm răn đe hạt nhân của NATO 2022, với từ khóa “quyết tâm” trong bảo vệ từng tấc đất của lãnh thổ đồng minh. Liên minh NATO được đánh giá có năng lực và quyết tâm gây thiệt hại lớn cho bất cứ đối thủ nào, đến mức vượt quá những ích lợi mà đối thủ đó thu được.
Theo NATO lúc này, các mối đe dọa từ các nước có chính quyền “cứng rắn” đã vượt qua mối nguy từ tình trạng phổ biến tên lửa đạn đạo và nguy cơ khủng hoảng, biến hai thứ này thành ưu tiên ở cấp độ 2 trong đánh giá của NATO về mối đe dọa. Cạnh tranh chiến lược với các nước này tác động lên đánh giá nguy cơ của NATO trong tất cả các mảng an ninh, nhưng rõ nhất là trong lĩnh vực an ninh mạng. NATO đánh giá, các thách thức từ các cuộc tấn công mạng năm 2022 lớn hơn hẳn năm 2010, nhắm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu, dịch vụ chính quyền, sở hữu trí tuệ và hoạt động quân sự.
Đánh giá của NATO về Trung Quốc
Theo NATO, Trung Quốc tạo ra “các thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương” nhưng không bị coi là một đối thủ hay mối đe dọa.
Năm 2020, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nhận xét rằng việc đưa Trung Quốc vào chương trình nghị sự của NATO “không phải là đưa NATO vào Biển Đông, mà là để tính tới việc Trung Quốc đang tiến sát chúng ta hơn”.
Hai năm sau, Khái niệm Chiến lược 2022 ưu tiên tăng cường sự dẻo dai của các nước thành viên NATO trước các hành động của Trung Quốc. Nói tóm lại, NATO vẫn tập trung vào an ninh châu Âu-Đại Tây Dương theo nghĩa rộng, không phải sự cạnh tranh quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Về Trung Quốc, NATO đóng một vai trò then chốt giúp đạt được sự thống nhất chiến lược và gắn kết giữa các quốc gia thành viên. Vai trò này đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng, khai thác các khác biệt trong nội bộ EU theo hướng có lợi cho mình.
Ngày nay ở châu Âu, EU thiếu năng lực tạo ra nhận thức chung về các xu hướng phát triển bên trong quân đội Trung Quốc (PLA), các quyết định liên quan đến thiết bị, cấu trúc lực lượng, triển khai ở nước ngoài, vị thế ở Đông Á, thay đổi định dạng lực lượng hạt nhân Trung Quốc….
Đối với EU, hiểu biết chung về các vấn đề quân sự của Trung Quốc đóng vai trò nền tảng để ngăn ngừa việc chuyển giao công nghệ lưỡng dụng có ích cho các chương trình của PLA.
Phản ứng của Bắc Kinh trước khái niệm chiến lược
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã cảnh báo NATO rằng “sẽ hoàn toàn vô ích khi cổ xúy cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc”, lặp lại quan điểm quen thuộc về chi tiêu quốc phòng thông thường của Trung Quốc và yêu cầu của NATO về an ninh quân sự tuyệt đối.
Trật tự ưu tiên đối phó của Trung Quốc khá rõ ràng, theo công thức 2-3-4-5: Các liên minh song phương của Mỹ ở Đông Á, Bộ tam an ninh AUKUS (Australia-Anh-Mỹ), Bộ tứ Quad (gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ), và liên minh tình báo Ngũ nhãn (gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ). Còn liên minh giữa châu Âu và Đại Tây Dương tập trung vào sự dẻo dai của khu vực này thì không tạo ra mối đe dọa với Trung Quốc.
Liệu NATO có thể đóng vai trò nào trong sự cân bằng quân sự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương? Rất ít khả năng xảy ra như vậy vào thời bình. Nhưng có sự mơ hồ về việc liệu phòng thủ tập thể của NATO (điều 5) có thể được kích hoạt trong trường hợp chiến sự xảy ra ở Thái Bình Dương và Đài Loan.
Phản ứng một cách chi tiết trước bản Khái niệm Chiến lược của NATO, phái đoàn Trung Quốc ở EU bày tỏ hoài nghi về tuyên bố của NATO rằng khu vực phòng thủ của họ sẽ không vượt quá khu vực Bắc Đại Tây Dương. Giới phân tích Trung Quốc có xu huớng nhìn ra khuynh hướng của NATO dính líu vào an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO 2022.
Khái niệm chiến lược làm gia tăng rủi ro của NATO trong xử lý quan hệ Nga – Trung?
Bản Khái niệm Chiến lược 2022 không coi Trung Quốc và Nga là 2 mặt của cùng một mối đe dọa. Có sự phân biệt rõ ràng giữa mối đe dọa cận kề từ Nga và các thách thức do Trung Quốc đặt ra đối với các lợi ích châu Âu-Đại Tây Dương.
Có nhận thức ngày càng gia tăng là các chính sách của phương Tây đối với Trung Quốc và Nga đã góp phần củng cố quan hệ giữa 2 nước này.
Có xu hướng Nga phụ thuộc Trung Quốc nhiều hơn. Khả năng Nga tranh thủ chống NATO khi Trung Quốc mải mê đối đầu với Đài Loan có lẽ cao hơn nguy cơ Trung Quốc tranh thủ hành động trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine.
Khái niệm Chiến lược 2022 tái khẳng định một cách rành rọt điều sau đây: NATO đóng vai trò hòn đá tảng của an ninh châu Âu-Đại Tây Dương. NATO cung cấp sự răn đe đáng tin cậy trước các cuộc tấn công nhằm vào các nước thành viên.
Khái niệm Chiến lược mới đề cập sức mạnh, độ tin cậy và quyết tâm nhưng trọng tâm vẫn là lãnh thổ NATO.
Việc Nga sử dụng “chiếc ô hạt nhân” để thực hiện cuộc chiến chinh phục và tiêu hao ở Ukraine cho thấy giới hạn trong năng lực của NATO bảo vệ hiện trạng và gìn giữ hòa bình ở châu Âu./.
Nguồn: Trung Hiếu/VOV.VN (lược dịch từ The Diplomat)
Xem thêm tại: VOV.VN