Theo Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (IISS), Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy những nỗ lực nhằm nâng cao ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, tạo ra mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2021. Tuy nhiên, triển vọng của các công ty này là không rõ ràng, do tình hình kinh tế không chắc chắn trong năm 2022 và 2023.
Các doanh nghiệp quốc phòng Trung Quốc tiếp tục giành được doanh thu mạnh mẽ khi nhiều doanh nghiệp lọt vào bảng xếp hạng Top 100 doanh nghiệp toàn cầu dựa trên doanh thu quốc phòng năm 2021 của Tạp chí Tin tức Quốc phòng (Defence News). Trong năm thứ hai liên tiếp, 7 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc có doanh thu liên quan đến quốc phòng được xếp hạng trong khoảng từ vị trí thứ 6 đến thứ 18 trong danh sách, một sự cải thiện so với 2 năm trước, khi họ chỉ xếp hạng từ thứ 6 đến thứ 24. Tổng doanh thu quốc phòng năm 2021 của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong danh sách Top 100 ước tính là 117 tỷ USD, con số này cao hơn đáng kể so với tổng doanh thu 23 tỷ USD của các công ty không phải Trung Quốc ở châu Á, và chỉ thấp hơn doanh thu tổng hợp của tất cả các công ty quốc phòng châu Âu.
Mặc dù 7 doanh nghiệp này tăng trưởng không đồng đều trong năm 2021, nhưng tất cả đều được hưởng lợi từ hoạt động tương đối mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc vào năm ngoái, với tăng trưởng GDP thực tế ở mức 8,1%, so với 2,2% vào năm 2020. Trong khi đó, theo số liệu từ IISS Military Balance+, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 5,1% tính theo giá trị thực từ năm 2020 đến năm 2021, so với mức giảm 1,7% theo điều kiện thực tế trong chi tiêu quốc phòng toàn cầu.
Tuy nhiên, triển vọng kém tích cực hơn với tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ chậm lại vào năm 2022, giảm xuống còn 3,3%. Dự báo thận trọng này của IMF là do chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Không COVID”, thiệt hại kinh tế của việc đóng cửa nhiều lần do đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ liên quan đến quốc phòng trong các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vào năm 2021 cũng có thể là do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiếp tục hiện đại hóa và mua sắm các năng lực hải quân, hàng không vũ trụ và trên bộ. Các công ty đóng tàu và phát triển các hệ thống không người lái, vũ khí tiên tiến và thiết bị điện tử quốc phòng đã tăng trưởng cao trong giai đoạn từ năm 2020-2021.
Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) giữ vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng Top 100 trong năm thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) có mặt vào Top 10 trong bảng xếp hạng năm 2021 và 2022 (xếp thứ 10 vào năm 2021 và thứ 8 vào năm 2022). Được thành lập sau khi tái hợp nhất hai doanh nghiệp nhà nước đóng tàu lớn nhất của Trung Quốc vào cuối năm 2019, CSSC được hưởng lợi từ vị trí dẫn đầu toàn cầu vào năm 2021 của ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc cũng như một năm bận rộn cung cấp tàu cho Hải quân PLA, với 8 tàu khu trục tên lửa dẫn đường, 2 tàu đổ bộ tàu tấn công và 1 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Sự tập trung của CSSC vào đổi mới trong các công nghệ mang tính chiến lược và đột phá, đồng thời tăng cường nghiên cứu công nghệ cơ bản và then chốt đã mang lại những cải tiến rõ rệt về hiệu quả và năng suất cho doanh nghiệp. Kể từ năm 2019, CSSC đã giảm số lượng công ty con từ 147 xuống còn 104, và nhân viên từ 310.000 xuống còn 220.000. Trong cùng kỳ, tài sản của doanh nghiệp này đã tăng từ 790 tỷ Nhân dân tệ (114 tỷ USD) lên 890 tỷ Nhân dân tệ (138 tỷ USD).
Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) – xếp thứ 11 – và Tập đoàn Công nghiệp Nam Trung Quốc (CSGC) – xếp thứ 13 – cũng có mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ trong năm 2021. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp mà doanh thu liên quan đến quốc phòng ước tính của CSGC tăng trên 20%, nhưng doanh thu của CSGC vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2016, sau đó doanh nghiệp đã chứng kiến mức giảm hàng năm 25% từ năm 2017 đến năm 2019.
Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã không lọt vào Top 5 của bảng xếp hạng Defense News năm thứ 3 liên tiếp. Trước đó, AVIC đã xếp thứ 5 trong danh sách năm 2019. Tuy nhiên, thực tế là tất cả 7 doanh nghiệp nhà nước này vẫn nằm trong top 18, với 3 trong top 10, cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn cạnh tranh trên toàn cầu và đã vượt qua các tác động kinh tế của đại dịch COVID-19. Các thực thể này cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước 3 năm (2020-2022) vốn được Quốc vụ viện Trung Quốc phê duyệt hồi tháng 6/2020. Tuy nhiên, rất khó để xác định mức độ mà những cải cách này đã đóng góp vào tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ trong năm 2021.
Triển vọng cho năm 2022 hiện không chắc chắn, do sự gián đoạn liên quan đến COVID-19 và những thách thức chuỗi cung ứng đang diễn ra. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đối mặt với các rủi ro nghiêm trọng hơn từ cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc, vụ bê bối ngân hàng nông thôn và lo ngại về việc trả nợ nước ngoài có thể làm suy yếu sức mạnh của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vốn đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây./.
(Theo TTXVN)
Người dịch: Nguyễn Bích Hạnh