Philippines đã trải qua một nhiệm kỳ tổng thống vô cùng đặc biệt của ông Rodrigo Duterte, một người thường xuyên tạo ra nhiều cú sốc trong các hành động và tạo nên một phong cách đối ngoại ấn tượng, khó đoán định của Philippines. Thành công mà nó mang lại cho Philippines khá nhiều, nhưng thách thức để lại cho người kế nhiệm cũng không phải là ít. Đáng chú ý, trong quá trình tranh cử Tổng thống mới, quan hệ với các nước lớn đặc biệt là “tam cường” Mỹ, Trung Quốc, Nga và vấn đề Biển Đông trở thành 2 vấn đề then chốt đáng lưu ý hàng đầu. Sau khi trở thành tân Tổng thống Philippines, chính sách đối ngoại của ông Ferdinand Romualdez Marcos Jr. (Marcos con) liên quan đến 2 vấn đề này liệu sẽ đi theo chiều hướng nào?
Các yếu tố định hình chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Philippines
Tác giả Lucio Blanco Pitlo III – thành viên Ban Giám đốc của Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines cho rằng có 3 yếu tố quan trọng định hình nên chính sách của Marcos Jr. đối với Biển Đông:
1) Di sản của Ferdinand Sr.: Cha của tân Tổng thống Philippines là một nhà lãnh đạo đặc biệt, ông đã có những lựa chọn khác biệt trong chính sách đối ngoại so với các nhà lãnh đạo trước đó. Những thành công và cả thất bại trong sự nghiệp chính trị của người cha có tác động không nhỏ đến con đường chèo lái đất nước của Marcos (con).
2) Sự tiếp nối từ chính sách của người tiền nhiệm: Qua quá trình tranh cử, Ferdinand Romualdez Marcos Jr. đã cho thấy ông có nhiều điểm tương đồng với cựu Tổng thống Duterte trong cách tiếp cận với các nước lớn. Do vậy, sẽ không bất ngờ nếu như các chính sách từ thời Duterte vẫn sẽ được kế thừa và phát triển.
3) Việc Biển Đông trở thành điểm nóng trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc. Vấn đề Biển Đông là một điểm then chốt đối với mọi thời kỳ Tổng thống Philippines từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay. Và điều này cũng không ngoại lệ đối với Ferdinand Romualdez Marcos Jr. Vấn đề này có tác động rất lớn đối với dư luận trong nước và trong quá khứ, khó có một Tổng thống nào có thể duy trì được quyền lực khi không được dư luận trong nước ủng hộ.
Và có thể còn thiếu vắng một yếu tố thứ 4, đó là vị thế hiện tại của Philippines trên bình diện khu vực và thế giới. Philippines là một nền kinh tế tăng trưởng tương đối tích cực. Chỉ duy nhất năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế Philippines có mức tăng trưởng âm, các năm còn lại đều đạt tăng trưởng trung bình trên 6%. Năm 2021, Philippines vẫn là nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á theo số liệu của IMF. Tuy nhiên, ở khu vực, Philipines đang tỏ ra dần yếu thế hơn so với các quốc gia khác đặc biệt là Malaysia và Việt Nam. Nhiều dự báo đều cho rằng, Malaysia và Việt Nam sẽ lần lượt vượt qua Philippines về quy mô của nền kinh tế. Một điều đáng lo ngại khác đó là tỷ lệ nợ của Philippines trong những năm qua đã gia tăng nhanh chóng, làm nổi lên nhiều lo ngại trong việc hoạch định các chính sách. Đó đều là những vấn đề quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại của đất nước thời kỳ Tổng thống Marcos (con). Philippines cần phải có những điều chỉnh để tiếp tục ưu tiên tăng trưởng kinh tế thay vì đưa đất nước mạo hiểm bước vào các cuộc phiêu lưu chính trị.
Chính sách đối ngoại của Marcos (con) với “tam cường”
Quan hệ Philippines với Mỹ; Mỹ được xác định là đồng minh quan trọng, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của tân Tổng thống. Tuy nhiên, Marcos (con) sẽ khó có thể quên được một vết đen trong lịch sử quan hệ với Mỹ dưới thời cầm quyền của Marcos (cha). Khi đó, ông Marcos (cha) đã buộc phải rời khỏi Philippines sau cuộc cách mạng dân sự được quân đội hậu thuẫn nổ ra vào năm 1986. Đối với gia tộc của đương kim Tổng thống Philippines hiện tại, đó có thể coi là một sự phản bội của đồng minh Mỹ. Tất nhiên, đó là một bài học xương máu mà Marcos (con) sẽ không thể nào quên. Trong chiến dịch tranh cử, Marcos con liên tục nhấn mạnh nếu đắc cử tổng thống sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, bày tỏ phản đối Mỹ can thiệp vào các tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines liên quan vấn đề Biển Đông. Ngoài ra ông cũng không ngần ngại bày tỏ quan điểm từ chối khôi phục Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA). Dự báo, trong thời gian cầm quyền những năm tiếp theo, Marcos (con) sẽ không đưa Philippines quay lại con đường phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, thay vào đó, chính sách cân bằng tương tự như người tiền nhiệm đã thực hiện sẽ là một sự lựa chọn phù hợp. Tất nhiên, các hoạt động đối ngoại cũng như hành vi của người đứng đầu Chính phủ Philippines sẽ không gây nhiều cơn sốc như người tiền nhiệm – cựu Tổng thống Duterte.
Lĩnh vực có nhiều yếu tố bất định nhất trong quan hệ Philippines và Mỹ sẽ là quan hệ về an ninh, quốc phòng. Bởi Chính quyền của Tổng thống Marcos (con) muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc thì buộc phải hạn chế các hành động mang tính khiêu khích đối với nước này. Hơn nữa, bản thân ông Marcos vẫn còn đó mối hận của gia tộc. Do vậy, các hoạt động tập trận do Mỹ khởi xướng, Philippines sẽ ít hiện diện hoặc chỉ tham gia ở mức độ hạn chế dần. Tuy nhiên, rất khó đánh giá được mức độ ảnh hưởng của ông Ferdinand Romualdez Marcos Jr. đối với quân đội Philippines. Quân đội hoàn toàn có thể có quan điểm và hành động hoàn toàn khác với mong muốn của Tổng thống Marcos (con) như cách họ đã từng làm trong quá khứ đối với người cha quá cố của tân Tổng thống. Để tránh những diễn biến chính trị không mong muốn trong quá khứ lặp lại, ông Marcos sẽ cần phải giữ Philippines không đi quá xa, trong giới hạn an toàn với Mỹ. Nhìn chung, quan hệ an ninh, quốc phòng giữa Philippines với Mỹ sẽ biểu hiện tương đối phức tạp trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Marcos (con).
Quan hệ Philippines – Trung Quốc; Ở thời điểm hiện tại, Philippines cần Trung Quốc để phát triển nền kinh tế của đất nước. Giống như cách mà cựu Tổng thống Duterte và cha của Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos Jr. đã lựa chọn, Philippines sẽ tiếp tục vun đắp mối quan hệ với quốc gia láng giềng này trong đó sẽ nhấn mạnh đến mối quan hệ kinh tế song phương và hợp tác trên các lĩnh vực khác thay vì chỉ tập trung quá nhiều vào vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Điều này cũng xuất phát từ cơ sở thực tế rằng, Trung Quốc đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế toàn cầu và họ đang thúc đẩy các đối tác làng giềng phát triển với tốc độ cao. Đó là một cơ hội lớn và nếu bỏ qua sự hợp tác với nền kinh tế hàng đầu thế giới như Trung Quốc, gần như Philippines sẽ bị tụt lại rất nhanh so với các quốc gia Đông Nam Á khác.
Về an ninh, quốc phòng, trong trường hợp chính sách ngoại giao của Tổng thống Marcos không bị ảnh hưởng quá nhiều từ phía quân đội và dư luận trong nước, Philippines sẽ không ưu tiên phương án ngoại giao quyết liệt với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền. Họ sẽ cố gắng hạn chế các hành động mang tính gây hấn với Trung Quốc. Dự đoán trong những năm tới, Chính quyền của ông Marcos (con) sẽ hạn chế nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài, nhưng sẽ lảng tránh việc phủ nhận phán quyết này. Một điều đáng chú ý khác, từ thời cựu Tổng thống Duterte đã từng đề nghị triển khai các hoạt động tuần tra chung trên biển với Trung Quốc nhưng điều đó đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đến nay, để đảm bảo cân bằng với quá trình cải thiện quan hệ với Mỹ, tân Tổng thống Marcos (con) rất có thể sẽ khởi động lại việc đề xuất hoạt động tuần tra chung với Trung Quốc, đồng thời các hợp tác an ninh, quốc phòng khác sẽ được triển khai như việc tiếp tục triển khai đối thoại cấp thứ trưởng ngoại giao hai lần một năm với Trung Quốc về các tranh chấp trên biển và duy trì liên lạc với Trung Quốc về các vấn đề như quản lý đảo, bãi đá, xử lý các tình huống khẩn cấp và mở rộng hợp tác trên biển. Điều này là cần thiết trong hoàn cảnh chính Tổng thống Philippines cũng không giấu mong muốn nâng cấp quan hệ song phương với đất nước láng giềng.
Quan hệ Philippines – Nga: Trong 3 siêu cường toàn cầu hiện tại gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga, mối quan hệ giữa Philippines và Nga ít sâu sắc hơn nhiều so với quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc hay đặc biệt là Mỹ. Mặc dù, Nga và Philippines đã thiết lập quan hệ được 46 năm nhưng quy mô hợp tác kinh tế giữa 2 nước không đáng kể. Hợp tác trên các lĩnh vực khác cũng không có quá nhiều dấu ấn. Quan hệ giữa 2 nước mới được hâm nóng trong những năm gần đây, dưới thời của cựu Tổng thống Duterte, thể hiện rõ nhất trong những nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19. Nga đã không ngần ngại cung cấp vaccine Sputnik-V và chia sẻ công nghệ với Philippines. Đồng thời, hai bên cũng đã có những thảo luận bước đầu về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và các lĩnh vực khác. Định hướng mở rộng hợp tác sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Nga là một cơ hội không nhỏ đối với Philippines bởi Nga có rất nhiều thế mạnh mà Philippines cần. Tuy nhiên, trong thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Marcos (con), quan hệ Philippines với Nga khó có thể tạo ra được những đột phá lớn do tác động của Mỹ. Thay vào đó, Chính quyền Philippines sẽ lựa chọn phương án bồi đắp quan hệ song phương một cách thận trọng.
Tác động tới quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông
Philippines là một bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông tương đối muộn (năm 1952). Nước này hiện đang chiếm đóng một số cấu trúc đảo và bãi san hô như: Song Tử Đông, Thị Tứ, Đảo Dừa, Loại Ta, Bình Nguyên, Vĩnh Viễn, Bãi Cỏ Mây,… Trong thời kỳ Tổng thống Duterte nắm quyền, ông đã có những điều chỉnh nhất định trong vấn đề Biển Đông cũng như trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, là một nhà lãnh đạo có nhiều phát ngôn gây sốc và không nhất quán, Duterte khiến cho cộng đồng quốc tế cảm thấy mơ hồ về chính sách Biển Đông cũng như quan hệ của Philippines với các bên có liên quan đặc biệt là Trung Quốc.
Trong hoàn cảnh 3 nước siêu cường toàn cầu hiện nay đều tìm cách gia tăng sự ảnh hưởng của mình đối với Biển Đông, trong đó, Trung Quốc là nước có tranh chấp trực tiếp với Philippines liên quan đến chủ quyền trên biển. Đây là một ngòi nổ tiềm tàng có thể gây ra khủng hoảng chính trị trong khu vực nếu Philippines không có cách giải quyết phù hợp. Mỹ mặc dù có vai trò của một đồng minh của Philippines, nhưng mục tiêu của Mỹ không hoàn toàn là bảo vệ đồng minh mà họ luôn tận dụng mọi cơ hội có thể nhằm sử dụng đồng minh làm suy yếu Trung Quốc. Do đó, quá trình giải quyết mâu thuẫn giữa Philippines và Trung Quốc sẽ diễn ra êm đẹp hay sẽ tạo ra khủng hoảng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách đối ngoại cân bằng của tân Tổng thống Marcos (con) với cả Trung Quốc và Mỹ. Cần nhớ rằng, nguy cơ nóng lên trong quan hệ với Trung Quốc luôn thường trực liên quan đến vấn đề Scarbourough từ năm 2012.
Với tương quan sức mạnh hiện nay, Philippines gần như không có khả năng đẩy các lực lượng của Trung Quốc ra khỏi bãi cạn Scarborough, điều họ có thể làm được là cố gắng đàm phán để ngư dân có thể tiếp tục đánh bắt cá tại khu vực này. Nếu xung đột xảy ra, nguy cơ Philippines sẽ mất tất cả thay vì vẫn còn có thể khai thác kinh tế. Do vậy, có thể nói chính sách của cựu Tổng thống Duterte phần nào đã đạt được thành công, song chưa triệt để. Và ông Marcos cần tiếp tục duy trì thành quả đó đồng thời cố gắng tìm kiếm cơ hội trong đàm phán thay vì nghĩ tới phương án dùng vũ lực.
Đối với ASEAN, sự xuất hiện của tân Tổng thống Marcos (con) ít nhất sẽ giúp chính sách Biển Đông của Philippines trở nên dễ đoán định hơn so với thời Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, với chính sách ôn hòa, không muốn làm mất lòng Trung Quốc của mình, Chính quyền của Tổng thống Marcos có thể gây cản trở quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc.
Nhìn chung, các chính sách mới của ông Ferdinand Romualdez Marcos Jr. sẽ không mang đến nhiều xáo trộn đối với quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông của Philippines nói riêng và ASEAN nói chung. Philippines dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Marcos Jr. đang bắt đầu những bước đi thận trọng đầu tiên trong việc định hình chính sách đối ngoại cân bằng đối với các nước lớn và khu vực. Đối với nhiều quốc gia, đó sẽ là một chính sách khôn ngoan, tuy nhiên với Philippines đó sẽ là một thách thức khi họ đang có một quan hệ liên minh chặt chẽ với Mỹ. Không dễ để vừa có thể kết thân với Trung Quốc vừa nâng quan hệ đồng minh với Mỹ lên tầm cao mới, nhất là khi vị Tổng thống của đất nước lại từng có món nợ gia tộc chưa trả với chính quốc gia đồng minh./.
Hoàng Hải