Khi các diễn biến của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang dần chậm lại, cộng đồng chuyên gia và những độc giả quan tâm đến lĩnh vực quốc phòng – an ninh đang có những tranh cãi liên tục về một vấn đề quân sự nổi bật của cuộc xung đột Nga – Ukraine: sự cần thiết của xe tăng và pháo binh.
Hiện nay, những thành viên trong cộng đồng này đang chia ra thành hai nhóm với hai quan điểm đối lập nhau. Nhóm thứ nhất cho rằng, pháo binh và xe tăng đã thực sự lỗi thời và cần được thay thế. Tuy nhiên, một nhóm khác lại không cho là như vậy. Thông qua việc trích dẫn các diễn biến quân sự tại Donbass và các hợp đồng mua vũ khí của các thành viên NATO, nhóm này cho rằng xe tăng và pháo binh vẫn chưa lỗi thời. Thậm chí, họ còn cho rằng vai trò của xe tăng và pháo binh sẽ chỉ tăng chứ không giảm.
Tổng quát về pháo binh và xe tăng hai bên
Xét một cách tổng quan về pháo binh, Nga hiện có ưu thế tuyệt đối trước Ukraine. Về số lượng, Nga có nhiều hơn Ukraine gấp 10 đến 15 lần[1], nếu tính thêm các tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander thì tỉ lệ có thể lên đến 20 lần. Không chỉ về số lượng, khi xét từng chủng loại pháo, Nga vẫn áp đảo Ukraine gấp ít nhất 10 lần. Về chủng loại, đa số pháo Nga được sản xuất từ thời Xô Viết và được nâng cấp lên. Chúng có phạm vi sát thương rộng và tầm bắn xa, nhưng độ chính xác không phải ưu điểm. Tuy nhiên, sự tồn tại của tên lửa Iskander, UAV, đạn dẫn đường Krasnopol và các nâng cấp mới đã nâng độ chính xác và tốc độ nạp đạn.
Về phía Ukraine, họ hiện có cả các vũ khí sản xuất từ thời Xô Viết và vũ khí phương Tây. Điều này cho phép Ukraine vừa có thể duy trì kiểu bắn huỷ diệt kiểu Xô Viết và kiểu bắn chính xác của phương Tây. Nhược điểm của sự đa dạng này lại nằm ở vấn đề hậu cần, kĩ thuật và huấn luyện khi hai hệ vũ khí có các tiêu chuẩn và quy trình khác nhau. Hai ví dụ điển hình cho sự tương quan này là HIMARS và M777. Đây là 2 vũ khí được truyền thông mạnh nhất của phương Tây. Không có sức sát thương mạnh như BM-30 Smerch và 2A65 Giatsint-B, nhưng nhờ tích hợp vào hệ thống C4ISR[2][3], HIMARS và M777 vẫn rất hiệu quả nhờ độ chính xác rất cao.
Còn về xe tăng, Nga không chỉ có số xe tăng nhiều hơn Ukraine gấp 4-5 lần (chưa tính số xe tăng cũ còn niêm cất chưa mang ra sử dụng), mà còn có nhiều xe tăng hiện đại hơn (T-80, T-90 so với T-84) hơn các dòng xe tăng cũ (T-72, T-64, T-62) so với Ukraine. Và tương tự với pháo binh, trừ xe tăng T-84 của Ukraine và xe tăng T-90 của Nga, lực lượng xe tăng còn lại của hai bên đều là các bản sản xuất từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, xe tăng Nga được nâng cấp và hiện đại hoá nhiều hơn, dẫn đến ưu thế chất lượng nghiêng hẳn về phía Nga. Điều này hạn chế khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự quy mô lớn của Ukraine, nhất là khi pháo binh Nga đã phá hoại một lượng không nhỏ cơ sở hạ tầng sửa chữa xe tăng của Ukraine[4].
Như vậy, ta có thể thấy rằng, xét về mặt tổng quan, pháo binh và xe tăng Nga có ưu thế vượt trội về cả số lượng và chất lượng so với Ukraine. Điều này cho phép Nga dễ dàng triển khai các trận đấu pháo, đấu xe tăng trực tiếp với quy mô lớn và mức độ huỷ diệt cao với thiệt hại thấp[5]. Tuy nhiên, HIMARS lại đặt ra một câu hỏi về đảm bảo an ninh cho hậu cần Nga khi HIMARS có thể bắn chính xác và rút chạy trong thời gian đủ ngắn để né phản pháo của Nga.
Liệu xe tăng và pháo binh đã lỗi thời?
Như đã đề cập ở trên, cuộc tranh cãi về sự hợp thời của xe tăng và pháo binh được đẩy lên cao hơn khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra và chưa có dấu hiệu kết thúc. Có những người cho rằng xe tăng và pháo binh đã lỗi thời, cần bị thay thế. Nhưng một số khác lại không cho là như thế. Và thực tế là, sự hợp thời của xe tăng và pháo binh không hề cực đoan như vậy.
Xét về mặt chiến lược và học thuyết lâu dài, xe tăng và pháo binh không thể bị thay thế vì ba lý do sau:
Thứ nhất, vai trò chiến trường của xe tăng và pháo trong tác chiến mặt đất vẫn cực kì quan trọng. Trên chiến trường, với sự kết hợp của một bộ giáp, động cơ mạnh mẽ cùng hệ thống phòng vệ hiện đại cùng súng máy và pháo nòng trơn, xe tăng là một vũ khí lý tưởng không chỉ để xuyên thủng và phá vỡ các đòn tấn công hay hàng phòng ngự địch, mà còn cung cấp hỗ trợ hoả lực cho bộ binh rất tốt mà không nhiều loại vũ khí có thể gây thiệt hại cho chúng một cách dễ dàng. Cụ thể hơn, để bắn hạ xe tăng, các loại vũ khí chống tăng sẽ phải tiếp cận xe tăng ở khoảng cách 200-300m đối với súng chống tăng RPG-7[6] hoặc 2000-3000m đối với tên lửa Javelin[7]. Nhưng pháo chính của xe tăng lại có tầm bắn tối đa có thể tới 12km[8], còn súng máy NSV trên xe tăng thì cũng bắn được ở tầm 1-2km[9]. Về phần pháo binh, nhờ tầm bắn xa, sự dễ dàng tập trung lực lượng ở quy mô lớn và chi phí rẻ của đạn pháo, pháo có thể hỗ trợ xe tăng và bộ binh từ vị trí an toàn xa tiền tuyến mà không sợ bị phản pháo hay bắn hạ. Những ưu điểm này là những điều mà hiếm các loại vũ khí khác có được.
Lý do thứ hai cho sự không thể thay thế của pháo binh và xe tăng là sự bất cập của các loại tên lửa chính xác và máy bay nói chung trong tác chiến hiện đại. Hiện nay, máy bay có người lái lẫn không người lái và các loại tên lửa chính xác hiện nay đang sở hữu ba vấn đề khiến chúng lép vế trước xe tăng và pháo binh. Vấn đề đầu tiên là giá cả. Trừ các máy bay không người lái cỡ nhỏ, máy bay và tên lửa có giá cả rất đắt đỏ so với xe tăng và pháo. Vì thế, chúng không thể được dễ dàng sử dụng ở quy mô lớn như xe tăng hay pháo. Vấn đề thứ hai là chúng yêu cầu chi phí và công sức hỗ trợ kĩ thuật lớn. Hỗ trợ kĩ thuật càng phức tạp, nhiều tiền thì càng gây nhiều khó khăn cho hậu cần và ngân sách. Vì vậy, máy bay và tên lửa không thể được sử dụng tối ưu nếu đối thủ có mức độ hiện đại thấp hơn nhiều (ví dụ như IS hay Taliban)[10]. Vấn đề thứ ba cho tên lửa và máy bay là các hệ thống phòng không hiện nay không những đa dạng về cấu hình, tầm bắn tăng mà thậm chí các nâng cấp cho các pháo phòng không cũ[11] cũng đủ gây nên nhiều vấn đề cho máy bay và tên lửa khi giờ đây, máy bay và tên lửa dễ bị bắn hạ hơn bao giờ hết. Ta có thể thấy rõ điều này ở UAV TB-2 của Ukraine khi liên tục bị bắn hạ dễ dàng[12]. Với ba vấn đề trên, ta có thể thấy rõ rằng xe tăng và pháo binh vẫn rất cần thiết khi chúng rẻ hơn, hỗ trợ kĩ thuật dễ dàng hơn và khó bị bắn hạ hơn so với tên lửa và máy bay. Và như một hệ quả, chúng không hề lỗi thời.
Lý do thứ ba cho sự đứng vững của pháo binh và xe tăng trong thế giới quân sự chính là tác chiến hợp thành. Việc giành lấy chiến thắng quân sự trong một cuộc chiến tranh chưa bao giờ là vấn đề có thể được giải quyết bằng một cá nhân hay một món vũ khí đơn lẻ. Để giành lấy chiến thắng, một vị tướng giỏi cần biết cách phối hợp các đơn vị quân sự có các trang bị, vũ khí khác nhau một cách hài hoà, phù hợp với chiến thuật dự kiến của mình. Trong các đơn vị quân sự đó, xe tăng và pháo binh là hai đơn vị đa năng hơn cả. Pháo binh và xe tăng vừa có thể tấn công địch từ xa, vừa có thể hỗ trợ hỏa lực, trở thành các hoả điểm mạnh mẽ, và chúng cũng dễ dàng phá vỡ các cuộc tấn công của quân địch từ xa. Vì vậy, việc kết hợp lực lượng và phối hợp hỏa lực với pháo binh và xe tăng là rất dễ dàng, thuận tiện trong tác chiến. Điều này đã được thể hiện quá rõ trong các trận chiến tại Severodonetsk và Lysychansk[13]. Và từ luận điểm này, rõ ràng là xe tăng và pháo binh vẫn quá ưu việt để bị loại bỏ một cách nhanh chóng.
Tuy xe tăng và pháo binh sẽ khó lòng trở nên lỗi thời về mặt chiến lược và học thuyết, nhưng xét về mặt kĩ thuật, chúng đã có những sự lỗi thời nhất định mà nếu không sớm sửa đổi, thiệt hại trong tương lai sẽ lớn hơn nhiều. Sự lỗi thời đầu tiên nằm ở vấn đề khối lượng của xe tăng, cụ thể là lớp vỏ giáp xe tăng. Các dòng xe tăng hiện tại đa số đều đã ở mức khối lượng gần 50 tấn đổ lên, đặc biệt là xe tăng phương Tây[14]. Nhưng không phải là tăng khối lượng vì lắp thêm hệ thống phòng vệ hay các biện pháp phòng thủ hiệu quả hơn, mà là do tăng độ dày giáp. Vấn đề của xe tăng có khối lượng lớn chính là đường sá và môi trường tác chiến. Những mẫu xe tăng càng nặng thì càng bị hạn chế về cả phương án điều động và môi trường tác chiến[15]. Sự lỗi thời thứ hai là sự thiếu chính xác của các loại pháo truyền thống. Từ thực tiễn giao chiến ở Ukraine, ta có thể thấy kiểu bắn pháo theo kiểu huỷ diệt không phải lúc nào cũng hiệu quả. Đặc biệt là khi bắn vào các mục tiêu đơn lẻ vốn chỉ cần một ít phát bắn chuẩn là đủ. Vì vậy, ta có thể thấy rằng pháo binh cần bắn chính xác hơn. Sự lỗi thời kế tiếp chính là sự tích hợp công nghệ mới. Pháo binh và xe tăng sau cuộc chiến tại Ukraine rất cần được tích hợp các công nghệ liên lạc, dẫn đường và nhắm bắn chính xác để tiêu tốn ít đạn hơn mà hiệu quả tiêu diệt vẫn đảm bảo. Cuối cùng, sự lỗi thời nguy hiểm nhất là chiến thuật sử dụng pháo binh và xe tăng. Các chiến thuật pháo binh và xe tăng truyền thống như bắn huỷ diệt và điều động quy mô lớn rất hiệu quả trong các trận chiến cần tính huỷ diệt cao. Tuy nhiên, chúng có khả năng nhận thiệt hại rất lớn khi đối đầu với các thế hệ vũ khí hiện đại có độ chính xác cao. Vì thế, các quân đội nên nghiêm túc suy nghĩ về các chiến thuật pháo binh và xe tăng mới không yêu cầu số lượng lớn để tránh gây gánh nặng cho hậu cần và chiến đấu.
Tương lai của xe tăng và pháo binh sau cuộc chiến Nga – Ukraine
Cuộc chiến Nga – Ukraine đã cho chúng ta thấy được những vấn đề và ưu thế của xe tăng và pháo binh được thể hiện rõ ràng trên mặt trận. Và một cuộc chiến tranh luôn tạo ra rất nhiều bài học và hướng đi cho tương lai của công nghiệp vũ khí thế giới, bao gồm cả cuộc chiến này. Đối với xe tăng và pháo binh trong tương lai sau cuộc chiến Nga – Ukraine, dưới đây là năm hướng đi rất có khả năng sẽ được đẩy mạnh:
Thứ nhất, các xe tăng tương lai sẽ được trang bị đại trà các hệ thống phòng vệ chủ động (APS) như một lớp giáp thứ 3. Mặc dù các mẫu xe tăng như M1 Abrams, Merkava IV hay các xe tăng Nga như T-90, T-14 và cả một số bản nâng cấp mới của T-72 đã có APS, tuy nhiên, các APS này vẫn chỉ được xem là một gói phụ kiện tự chọn chứ không phải hàng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, chuyện này đã thay đổi khi các vũ khí chống tăng như NLAW, Javelin, Kornet và Stugna-P được đưa vào tham chiến chính thức tại Ukraine. Các xe tăng của cả Nga và Ukraine có thể đã sống sót lâu hơn nếu APS được trang bị phổ biến hơn, hạn chế thiệt hại cho cả hai bên.
Thứ hai, UAV sẽ được tích hợp sâu vào xe tăng và các loại pháo. Mặc dù UAV đã được trang bị cho các đơn vị pháo binh và một vài đơn vị xe tăng, tuy nhiên, UAV cho pháo binh và xe tăng hiện nay vẫn chỉ là trang bị đi kèm có tính tách rời, chứ chưa cơ hữu hoàn toàn[16]. Vì vậy, trong tương lai, không chỉ phát triển mạnh các loại UAV có nhiều nhiệm vụ khác nhau, mà các UAV chuyên dụng, cơ hữu cho pháo binh và xe tăng sẽ được phát triển và trang bị đại trà. Từ đây, xe tăng sẽ không còn đơn thuần là một pháo đài di động mà có thể trở thành một cụm tác chiến quy mô nhỏ[17], tăng cường hơn nữa sức mạnh của xe tăng. Còn pháo binh lúc này sẽ có đủ khả năng tự vệ lẫn tấn công chính xác, từ đó giảm thiểu được nguy cơ phản pháo và tập kích.
Thứ ba, các loại đạn và tên lửa chính xác sẽ được tăng cường cho pháo binh. Hiện nay, các loại đạn và tên lửa chính xác cho pháo binh đã dần trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, mức độ sử dụng chúng còn tương đối hạn chế do vấn đề giá cả. Nhưng sau cuộc chiến này, việc sử dụng các loại đạn chính xác và tên lửa sẽ dễ dàng hơn khi chúng được sản xuất đại trà.
Thứ tư, xe tăng có người lái sẽ được chỉ huy và kết hợp chiến đấu với xe tăng không người lái. Các xe chiến đấu không người lái (UCGV) hiện nay tuy đã bắt đầu phổ biến trên chiến trường, nhưng chúng vẫn chưa có uy lực mạnh và độ phổ biến cao. Bù lại, như các UAV, UCGV không chứa người bên trong nên dù có bị bắn hạ thì vẫn không có tổn thất nhân mạng. Và cùng với việc tăng cường công nghệ lên xe tăng, việc tận dụng UCGV để làm yếu tố tăng cường số lượng cho xe tăng là một hướng đi đầy hứa hẹn và rất đáng lưu tâm khi một đội quân nhỏ hoàn toàn có thể được điều khiển dễ dàng bởi số quân nhân ít, giảm thiểu khó khăn nhân sự.
Thứ năm, các pháo xe kéo sẽ có khả năng tự hành. Trước đây, các lựu pháo FH-70 và FH-77 đã được trang bị các động cơ tự hành (APU)[18], tạo ra khả năng tự di chuyển ở mức độ thấp, từ đó giảm khả năng bị phản pháo. Tuy nhiên, hướng đi này lại ít được chú ý cho đến khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga diễn ra. Với ưu điểm kích cỡ nhỏ, dễ bảo trì, di chuyển và điều động, pháo xe kéo sẽ không tốn nhiều thời gian huấn luyện và che giấu như pháo tự hành[19]. Tuy nhiên, do chúng gần như không thể di chuyển xa, nên khả năng bị phản pháo cũng rất lớn[20]. Vì vậy, trang bị động cơ để chúng tự di chuyển sẽ giúp pháo xe kéo có khả năng cơ động tốt hơn, từ đó giảm khả năng bị phản pháo mà vẫn dễ dàng huấn luyện, bảo trì và che giấu.
Tác giả: Nguyễn Trần Hoàng Anh
Tài liệu tham khảo:
[2] High Mobility Artillery Rocket System (HIMARS) — M142 – USAASC (army.mil) – https://asc.army.mil/web/portfolio-item/ms-himars-m142/
[3] Lightweight 155 mm Howitzer System (LW155) – USAASC (army.mil) – https://asc.army.mil/web/portfolio-item/peo-ammo-lw155/
[4] Ukrainians Repurpose Junkyards And Garages To Repair Battle-Damaged Tanks (forbes.com) – https://www.forbes.com/sites/davidaxe/2022/03/30/russia-attacked-ukraines-tank-plant-but-that-wont-stop-the-ukrainians-from-repairing-their-tanks/?sh=75183b3b5d31
[5]Russia’s Brutal Use of Artillery in Ukraine Has Historical Roots (foreignpolicy.com) – https://foreignpolicy.com/2022/06/19/why-russia-keeps-turning-to-mass-firepower/
[6] RPG-7 anti-tank propelled grenade rocket launcher data pictures video | Russia Russian army light heavy weapons UK | Russia Russian army military equipment vehicles UK (armyrecognition.com) – https://www.armyrecognition.com/russia_russian_army_light_heavy_weapons_uk/rpg-7_anti-tank_grenade_rocket_launcher_technical_data_sheet_specifications_information_description.html
[7] Javelin – USAASC (army.mil) – https://asc.army.mil/web/portfolio-item/javelin/
[8]Russian Tank Doctrine Evolves to Combat Modern Threats – DSIAC – https://dsiac.org/articles/russian-tank-doctrine-evolves-to-combat-modern-threats/
[9] NSV HMG (Utes / Utjos) (militaryfactory.com) – https://www.militaryfactory.com/smallarms/detail.php?smallarms_id=545
[10] The Use and Abuse of Technology: In Insurgent Warfare (af.edu) – https://www.airuniversity.af.edu/Portals/10/ASPJ/journals/Chronicles/Hain.pdf
[11] Modular Components for Modernization of Anti-Aircraft Gun Systems – EVPÚ a.s. – Electrotechnical research and projecting company (evpu.sk) – https://www.evpu.sk/en/production/defense-systems/modular-components-for-modernization-of-anti-aircraft-gun-systems
[12] Bayraktars Are Falling! Turkey’s ‘Much-Hyped’ TB2 Drones Are Losing Steam Against Russian Missiles As Ukraine Limits Their Usage (eurasiantimes.com) – https://eurasiantimes.com/bayraktars-are-falling-turkeys-much-hyped-tb2-drones-are-losing-stream/
[13] Fall of Severodonetsk is Russia’s biggest victory since Mariupol | News | Al Jazeera – https://www.aljazeera.com/news/2022/6/25/fall-of-severodonetsk-is-russias-biggest-victory-since-mariupol
[15] What Can Stop NATO Tanks in Europe? Weak, Older Bridges | The National Interest – https://nationalinterest.org/blog/reboot/what-can-stop-nato-tanks-europe-weak-older-bridges-196505
[16] Russia’s Deadly Artillery Drones Have A Strange Secret (Updated) (forbes.com) – https://www.forbes.com/sites/davidhambling/2022/04/11/russias-deadly-artillery-drones-have-a-strange-secret/?sh=1c4e472f779d
[18] https://www.globalsecurity.org/military/world/europe/fh-77-specs.htm
[19] https://www.globalsecurity.org/military/world/artillery-mobility.htm
[20] https://www.globalsecurity.org/military/world/artillery-mobility.htm