Để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ngày 16/9/2021, EU đã công bố “Chiến lược hợp tác của Liên minh Châu Âu” đối với khu vực quan trọng này. Khi ấy, đại diện cấp cao của EU, ông Josep Borrell khẳng định: “Trọng tâm của thế giới đang hướng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cả về địa kinh tế và địa chính trị. Tương lai của EU và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được liên kết với nhau”. Giờ đây, sau gần 1 năm triển khai, tác động và triển vọng của chiến lược này là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – sân khấu chính của cạnh tranh chiến lược
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đại diện cho một trung tâm kinh tế và chiến lược của thế giới. Đây là nơi sinh sống của 60% dân số thế giới, tạo ra 60% GDP toàn cầu, đóng góp cho 2/3 sự tăng trưởng toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, khu vực này cũng là “điểm nóng” về tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài nguyên thiên nhiên, phổ biến vũ khí hạt nhân cùng các thách thức an ninh phi truyền thống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, ổn định khu vực và thế giới. Nhiều phân tích chỉ ra rằng, nếu kiểm soát được Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về cơ bản sẽ kiểm soát được thế giới. Do đó, các quốc gia, tổ chức khu vực, đặc biệt là các cường quốc đã và đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng bằng những chiến lược và kế hoạch cụ thể.
Về phía Mỹ, “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được cựu tổng thống Donald Trump lần đầu tiên khởi xướng tại Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 năm 2017. Mục tiêu cốt lõi của chiến lược này là nhằm xây dựng một trục liên minh Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để kiềm chế, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò “độc tôn” lãnh đạo của Washington. Tiếp nối đường hướng đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Joe Biden chú trọng thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi coi đây là “sân khấu chủ đạo cho sự can dự của Mỹ trong thế kỷ 21”. Theo đó, chiến lược mới của Mỹ tập trung vào 5 trụ cột: Tự do và cởi mở, Kết nối, Thịnh vượng, An ninh và Chống chịu tốt. Nổi bật nhất là việc Mỹ chính thức khởi động khuôn khổ kinh tế IPEF như một sự bổ sung quan trọng cho những thiếu hụt gắn kết về mặt kinh tế với khu vực sau khi cựu tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đối với Trung Quốc, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được xem là “cửa ngõ” để nước này tiến ra làm chủ đại dương. Các dự án kinh tế cùng với các liên kết, hợp tác trong Sáng kiến “Vành đai và con đường” và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là cơ sở để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, an ninh; nâng cao uy tín, vị thế cường quốc cũng như gia tăng khả năng kiểm soát các địa bàn trọng yếu, các tuyến vận tải biển “yết hầu” tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Trung Quốc còn chú trọng đầu tư xây dựng lực lượng “Hải quân biển xanh” hùng mạnh, nhằm đối phó với thách thức từ bên ngoài và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương[1].
Là một cường quốc ngày càng có sức ảnh hưởng trên trường quốc tế, Ấn Độ chắc chắn sẽ không để “lỡ nhịp” trong cuộc đua tại khu vực. “Sáng kiếnẤn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Ấn Độ tập trung vào 7 trụ cột và có thể xếp thành 6 nhóm: An ninh hàng hải; Hệ sinh thái biển và tài nguyên biển; Xây dựng năng lực thực thi hàng hải và chia sẻ thông tin; Quản lý và giảm rủi ro thảm họa; Hợp tác khoa học và công nghệ; Kết nối thương mại và vận tải biển. Cách tiếp cận của Ấn Độ trong chiến lược này là bao trùm, vượt lên các vấn đề an ninh truyền thống hay các thách thức địa – chính trị[2].
Nhật Bản cũng chính thức nhập cuộc chơi lớn vào năm 2017 khi công bố Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, chú trọng tăng cường “sức mạnh mềm” thông qua các dự án hợp tác kinh tế, hỗ trợ tài chính cho các nước tại khu vực. Ngoài ra, Tokyo cũng tích cực tham gia liên minh với các quốc gia thuộc nhóm Bộ Tứ; tăng cường hợp tác quân sự, quốc phòng với một số nước để đối phó với các mối đe dọa, các thách thức an ninh phi truyền thống, bảo vệ tự do hàng hải, bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Từ “ thờ ơ chiến lược“ đến “thức tỉnh chiến lược”
Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhất là yếu tố địa lý, trong nhiều thập kỷ, trọng tâm địa chính trị của EU cơ bản tập trung tại khu vực Đông Âu, Địa Trung Hải hay mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ. EU chủ yếu nhìn nhận khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương qua lăng kính thương mại và đầu tư, điển hình như Đức – quốc gia đầu tàu kinh tế của EU, cũng chỉ khuyến khích sự hợp tác mang tính xây dựng với Trung Quốc thông qua cái gọi là chính sách “thay đổi qua thương mại”[3].
Cuộc đọ sức giữa các cường quốc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã chính thức được khởi động từ 5 năm về trước, song EU dường như đã “im hơi lặng tiếng” trong khoảng thời gian tương đối dài. Công bằng mà nói, EU đã trải qua một quá trình thay đổi nhận thức tương đối tiệm tiến. Đây cũng không hẳn là điều đáng ngạc nhiên, bởi để 27 quốc gia với những lợi ích không tương đồng, với quy mô và tầm vóc khác nhau thực sự đạt được đồng thuận về một tầm nhìn chung là cả một quá trình dài lâu và cần nhiều nỗ lực. Bên cạnh đó, EU có truyền thống phản đối các hoạt động an ninh ở quá xa châu Âu; với nhiều lần một chiến lược chung về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bị các cơ quan trong EU khước từ. Song lý do lớn nhất khiến EU tỏ ra ngần ngại với “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là bởi thuật ngữ này mang hàm ý chống Trung Quốc[4], được dẫn dắt bởi các chiến lược mang tính loại trừ của Mỹ.
Năm 2019, sau khi 10 quốc gia Đông Nam Á công bố “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ưu tiên việc xây dựng cộng đồng và vai trò trung tâm của ASEAN thay vì nhấn mạnh yếu tố cạnh tranh nước lớn, EU đã phần nào có thái độ cởi mở hơn. Song thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” cũng chỉ xuất hiện hiếm hoi trong tuyên bố chung giữa EU với Nhật Bản và Australia.
Nhân tố thay đổi thực sự phải kể đến việc ông Joe Biden được bầu làm tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Với mong muốn tìm kiếm khúc dạo đầu mới cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau 4 năm sóng gió dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Ủy ban châu Âu đã công bố “Chương trình nghị sự mới của EU-Mỹ về thay đổi toàn cầu” vào ngày 7/12/2020; ngay trước lễ nhậm chức chính thức của tân Tổng thống Mỹ; ủng hộ việc liên minh “tăng cường tập trung vào những thách thức và cơ hội ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (vốn) sẽ giúp làm sâu sắc hơn hợp tác với các đối tác cùng chí hướng trong khu vực”. Cùng với đó, việc Pháp, Đức và Hà Lan – những quốc gia chủ chốt của EU lần lượt công bố các chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của riêng mình đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy EU nỗ lực tìm ra cách tiếp cận mang tính quyết định hơn đối với khu vực.
Dù tương đối chậm chân so với các cường quốc khác, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU cũng không hoàn toàn đến từ “hư vô”, mà được xây dựng dựa trên nền tảng quan hệ kéo dài hàng thập kỷ (Theo ông Peter Stano, người phát ngôn chính của EU về đối ngoại). Liên minh châu Âu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được cho là “đối tác tự nhiên” của nhau. Giữa hai bên tồn tại mối liên hệ chặt chẽ, với nhiều lợi ích chung và những mối quan hệ vững chắc trên nhiều phương diện, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế. EU là nhà đầu tư hàng đầu, đối tác hợp tác phát triển hàng đầu và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Nội dung cơ bản và những chuyển động mới trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU
Động lực cốt lõi đưa tới sự ra đời của “Chiến lược hợp tác Liên minh Châu Âu tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là nhằm đảm bảo EU sẽ trở thành một chủ thể chính trị, kinh tế và an ninh có tầm ảnh hưởng tại khu vực, đồng thời góp phần duy trì Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do và rộng mở cho tất cả mọi người. Trên cơ sở đó, phương châm tổng thể chỉ đạo chiến lược của Brussels là “hợp tác bất cứ khi nào có thể, nhưng cũng bảo vệ bất cứ khi nào cần thiết” – Gabriele Visentin, đặc phái viên của EU về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho biết.
Trong chiến lược của mình, EU không thay đổi mà vận dụng cách tiếp cận như ở các chiến lược trước đây cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, EU khẳng định sự coi trọng dành cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và mời chào tất cả các nước, các bên trong khu vực hợp tác với EU (bao gồm cả Trung Quốc), sử dụng mạng lưới các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, chính trị và văn hoá sẵn có chứ không đề xuất cơ chế mới. EU đưa ra trọng tâm và dự án hợp tác cụ thể nhưng các nội dung này cũng được biểu hiện trong chiến lược của EU đối với các khu vực khác trên thế giới[5].
Dù chưa có nhiều điểm nhấn, kế hoạch của EU cũng ít nhiều phản ánh những điều chỉnh quan trọng của Brussels, nhất là từ cách tiếp cận tập trung vào kinh tế sang tiếp cận toàn diện trong một nỗ lực định hình vai trò từ một đối tác phát triển sang đối tác có năng lực trên mọi phương diện, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng. Đơn cử như EU đã và đang nỗ lực làm sâu sắc hơn chương trình ESIWA (Tăng cường Hợp tác An ninh Trong và Với Châu Á) nhằm nâng cao năng lực với các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hay thúc đẩy nhận thức về lĩnh vực hàng hải thông qua dự án CRIMARIO (Các tuyến đường hàng hải trọng yếu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương).
EU cũng không hoàn toàn “đứng yên” với chiến lược của mình mà chủ động điều chỉnh tùy theo diễn biến tình hình. Nếu như trong bản Dự thảo chiến lược được công bố hồi tháng 4/2021, EU chỉ nhắc đến Trung Quốc duy nhất 1 lần, không liên quan tới lĩnh vực an ninh, mà liên quan đến thỏa thuận đầu tư với Bắc Kinh thì trong Nghị quyết cập nhật những thách thức và giải pháp trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, được thông qua vào tháng 6/2022 đã đề cập đến Trung Quốc 45 lần; với những từ ngữ mạnh mẽ hơn như “chính sách phản dân chủ”, “chính sách ngoại giao với các chiến dịch thông tin sai lệch có tính chất đe dọa và lôi kéo”, “hành vi gây hấn”[6]…. Nghị quyết cũng đặt Trung Quốc trong mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Nga, giữa bối cảnh thế giới rung chuyển trước cuộc xung đột Ukraina do tổng thống Vladimir Putin phát động.
Tác động của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU đối với khu vực
Việc thực thi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không chỉ tác động trực tiếp đến EU mà còn có những ảnh hưởng đáng kể đến các quốc gia trong khu vực, cả về thời cơ và thách thức.
Cụ thể, về phía EU, trong khi phản ứng của các nước trong khu vực đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là tương đối phức tạp, họ lại bày tỏ sự hoan nghênh nhiệt liệt đối với kế hoạch “xoay trục” của EU. Trong cuộc khảo sát “The State of Southeast Asia” năm 2021, EU đã đứng đầu với tư cách là đối tác đáng tin cậy và được ưu tiên hàng đầu để ứng phó với cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung, trước Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh. Tiếp đó, tháng 2/2022, Diễn đàn Bộ trưởng về hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giữa 27 quốc gia thành viên của EU và khoảng 30 quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức; tạo cơ sở vững chắc để EU củng cố quyền lực thông qua hiện diện tại khu vực.
“Chiến lược hợp tác của Liên minh Châu Âu tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” khẳng định vị thế độc lập của EU, giữa lúc chính quyền Biden tiếp tục thể hiện màu sắc đơn phương trong chính sách đối ngoại khi gạt EU ra khỏi những tính toán mà thay vào đó là những kết nối mới trong khuôn khổ nhóm QUAD hay liên minh AUKUS. Chiến lược này đại diện cho quan điểm riêng của Brussels, do đó mang đến một kịch bản chung cho các nước thành viên trong việc ứng phó với những áp lực từ bên ngoài. 11 trong số 27 quốc gia thành viên EU coi Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là “sự khẳng định quyền tự chủ chiến lược của châu Âu”, tức là châu Âu “tự mình vươn lên mà không cần Mỹ hỗ trợ”. Sau tất cả, các nước thành viên EU lựa chọn đứng về phía EU chứ không phải về phía bất kỳ nước lớn nào cho dù họ can dự vào đường hướng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Đối với các nước trong khu vực, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU được ví như “cánh tay nối dài” của chiến lược châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, chiến lược này tiếp tục đem lại nhiều cơ hội cùng bắt tay với EU trong các lĩnh vực khác nhau, tranh thủ được những yếu tố phù hợp về vốn, công nghệ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy củng cố quốc phòng – an ninh, đối phó với các thách thức an ninh chung.
Bên cạnh đó, việc EU thông qua chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với nội dung nhấn mạnh vào yếu tố hợp tác góp phần cùng với ASEAN củng cố cấu trúc khu vực đa phương, cởi mở và bao trùm, làm phong phú thêm các lựa chọn chiến lược cho các quốc gia vừa và nhỏ trong khu vực, đó là đứng về phía chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh sức ép chọn phe Mỹ – Trung ngày một gia tăng.
Tuy nhiên, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU cũng có thể làm phức tạp hóa sự va chạm chiến lược, kéo theo đó là gia tăng cạnh tranh giữa các cường quốc với những rủi ro tính toán sai lầm, ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của các nước trong khu vực.
Chông gai phía trước
Sau nhiều năm chờ đợi, Liên minh Châu Âu cuối cùng cũng công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đầy tham vọng của riêng mình; song kế hoạch này lại nhanh chóng trở nên mờ nhạt khi mọi sự quan tâm của thế giới lúc bấy giờ đổ dồn vào sự hình thành của liên minh 3 bên AUKUS trước đó, báo hiệu 1 tương lai sóng gió đang đón chờ.
Quả thực vậy, chiến sự tại Ukraine đang diễn biến phức tạp cùng các mối đe dọa và cạnh tranh nhiều mặt ngày càng gia tăng giữa các cường quốc khiến mục tiêu của Liên minh châu Âu trở thành một đối tác có năng lực tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bị ảnh hưởng đáng kể. Bất chấp tuyên bố của ông Peter Stano: “Chiến sự ở Ukraine không tác động tới quyết tâm của chúng tôi trong việc hợp tác với các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, giới quan sát đã bày tỏ lo ngại về việc EU không thể “chân đạp hai thuyền” trong lúc chiến sự Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Thậm chí, một số nhà phân tích còn coi cuộc chiến hiện tại là một minh chứng không thể phủ nhận rằng ý tưởng về sự “xoay trục” về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương luôn là một điều viển vông mà giờ đây không còn có thể duy trì được nữa[7].
Chưa kể, như đã công bố trước đó, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU liệt kê 7 lĩnh vực trọng tâm, từ an ninh và quốc phòng đến kết nối, quản trị số và chuyển đổi xanh. Rủi ro của kiểu tiếp cận toàn diện này có thể cản trở việc tập trung sự chú ý và các nguồn lực vào một số lĩnh vực có thể tạo ra ảnh hưởng lớn nhất. Đặc biệt là các lĩnh vực như an ninh hàng hải có xu hướng gây tranh cãi về địa chính trị và tốn kém có thể bị bỏ lại phía sau.
Cuối cùng, Liên minh châu Âu đã có sự hiện diện dân sự toàn diện, lâu dài trên vị thế là một cường quốc kinh tế toàn cầu và đã thành công xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giống như Mỹ. Nhưng liệu Brussels có thể biến chỗ đứng vững chắc ấy thành một sự hiện diện có ý nghĩa về an ninh và quốc phòng, khi được mong đợi sẽ trở thành một tác nhân địa chính trị quan trọng trong một khu vực ngày càng được quân sự hóa? Thực tế cho thấy, ngoài Pháp, không có quốc gia EU nào khác là cường quốc thường trú ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. EU hẳn sẽ phải có những nỗ lực và hành động nghiêm túc hơn nữa để thực sự trở nên nổi bật, giữa lúc khu vực chẳng thiếu những “ngôi sao”.
Tóm lại, vẫn còn quá sớm để định nghĩa rõ ràng về sự thành công hay thất bại của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU chỉ sau vỏn vẹn 1 năm kể từ ngày chính thức công bố. Song có một điều chắc chắn rằng, Brussels sẽ không chấp nhận khoanh tay đứng nhìn các cường quốc khác xác lập quy tắc tại nơi được coi là tiêu điểm chiến lược của thế giới. Hy vọng, sự can dự tích cực của EU sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho việc duy trì và củng cố trật tự “dựa trên luật lệ” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tác giả: Lã Thị Thu Hà
Tài liệu tham khảo
[1] Minh Đức, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong chiến lược của các nước lớn, Tạp chí Quốc phòng toàn dân
[2] Nguyễn Trần Xuân Sơn, Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ: Từ chính sách đến hành động, Tạp chí cộng sản
[3] Lâm Phương, Phạm Toanh, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU, Tạp chí Quốc phòng toàn dân
[4] George Cunningham, The EU’s Strategy for Cooperation in the Indo-Pacific, Sasakawa Peace Foundation USA
[5] Dịch Dung, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: EU nhập cuộc chơi lớn, Báo Thế giới và Việt Nam
[6] Report on the EU and the security challenges in the Indo-Pacific, European Parliament
[7] Billon-Galland, Alice, Kundnani, Hans, How Ukraine will change Europe’s Indo-Pacific ambitions, Chatham House.
[8] Report on the EU and the security challenges in the Indo-Pacific, European Parliament.