Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine 9 tháng trước, phương Tây đã không chỉ viện trợ gần 100 tỷ USD cho Ukraine mà còn áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính chưa từng có đối với Nga. Nhưng với việc châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và một số nhà lập pháp Mỹ đe dọa cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine, lo ngại ngày càng gia tăng rằng phương Tây có thể không chịu nổi sự mệt mỏi vì chiến tranh. Vậy liệu phương Tây có nhượng bộ Nga trong thời gian tới hay không? Liệu rằng phương Tây có đang giảm quyết tâm hay không và điều này có ý nghĩa gì? Câu hỏi này được các chuyên gia Shlomo Ben-Ami, Simon Johnson, Salome Samadashvili và Charles Tannock lý giải trong bài viết dưới đây.
Tiêu đề và các đề mục do Ban Biên tập đặt.
Shlomo Ben-Ami: Mỹ và phương Tây có khả năng chuyển hướng từ quân sự sang ngoại giao trong giải quyết vấn đề Ukraine
Những khó khăn kinh tế mà người dân phương Tây đang phải đối mặt ngày nay gắn bó chặt chẽ với cuộc chiến ở Ukraine. Sự hỗ trợ kinh tế và quân sự to lớn mà các chính phủ này đã cung cấp cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại cuộc tấn công quân sự của Nga chỉ có thể được duy trì chừng nào lòng trắc ẩn của công chúng đối với người dân Ukraine vượt quá các nỗi đau và sự mệt mỏi gây ra do các lệnh trừng phạt và một cuộc chiến kéo dài dường như vô tận.
Một sự chia rẽ luôn tồn tại giữa các quốc gia Trung và Đông Âu, trong đó, cuộc chiến Ukraine là mối đe dọa hiện hữu trước mắt đối với các quốc gia ở Tây Âu. Nhưng điều quan trọng nhất là Mỹ và Anh có cùng nhau duy trì liên minh phương Tây hay không? Hiện, cả hai nước đều bày tỏ lo ngại rằng, nếu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ chối xem xét đàm phán hòa bình với Nga, thì “sự mệt mỏi Ukraine” ở phương Tây sẽ trở nên ngày càng tồi tệ.
Giờ đây, đảng Cộng hòa đã giành được đa số tại Hạ viện Mỹ, áp lực của Mỹ đối với Ukraine về việc theo đuổi các giải pháp ngoại giao sẽ tăng lên. Người có khả năng là Chủ tịch Hạ viện tiếp theo, Kevin McCarthy, đã cảnh báo rằng người dân Mỹ sẽ không chấp nhận tình trạng suy thoái và tiếp tục viện trợ vô điều kiện cho Ukraine nữa.
Ngoài ra, Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho rằng Ukraine đã đạt được nhiều thành tựu nhất mà họ có thể mong đợi trên chiến trường và bây giờ họ nên củng cố những thành quả của mình trên bàn đàm phán. Thông điệp tương tự đến từ các nhà ngoại giao NATO và từ Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Zelensky vào tuần trước. Việc hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, được báo hiệu trong cuộc gặp tuần trước giữa Joe Biden và Tập Cận Bình, cũng có thể giúp thúc đẩy xu thế chuyển hướng từ quân sự sang ngoại giao trong giải quyết vấn đề Ukraine.
Sự kiện Ukraine giải phóng Kherson gần đây sẽ đặt nước này vào một vị thế thương lượng mạnh mẽ hơn bất kỳ cuộc đàm phán tương tự. Nhưng bước đầu tiên để đảm bảo hòa bình là Tổng thống Zelensky phải thừa nhận rằng các điều kiện tiên quyết của ông cho các cuộc đàm phán – Nga rút hoàn toàn khỏi tất cả các vùng của Ukraine, bao gồm Crimea và Donbas, và thay đổi lãnh đạo ở Moscow – là hoàn toàn phi thực tế.
Simon Johnson: Mỹ và phương Tây cần dứt khoát trong cuộc chiến năng lượng với Nga
Vào giữa những năm 1980, Liên Xô là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, sản xuất được khoảng 12 triệu thùng dầu mỗi ngày. Mười năm sau, Nga (được thừa kế gần như toàn bộ trữ lượng dầu của Liên Xô) chỉ sản xuất khoảng 6 triệu thùng mỗi ngày và đang nhanh chóng trở thành quốc gia lớn thứ hai hoặc thứ ba trên thị trường năng lượng thế giới. Ngày nay, bất chấp cuộc tấn công vào Ukraine, Nga vẫn xuất khẩu được khoảng 8 triệu thùng dầu thô và sản phẩm tinh chế mỗi ngày, trong khi sản lượng vẫn giữ ổn định chỉ dưới 10 triệu thùng mỗi ngày.
Sự phục hồi trong sản xuất dầu của Nga trong 25 năm qua là nhờ công nghệ phương Tây, đầu tư trực tiếp nước ngoài và các dịch vụ dầu mỏ, cùng với khả năng tiếp cận thị trường châu Âu không bị hạn chế (hoặc được khuyến khích rất nhiều). Nhằm đảm bảo giá năng lượng thấp hơn và xuất phát từ lòng tham, Mỹ và châu Âu đã giúp xây dựng nền tài chính công của nước Nga hiện đại – một trong những quốc gia mà phương Tây cho là hung hăng và nguy hiểm nhất từ trước đến nay
Sau nhiều tranh cãi, G7 hiện đã đặt ra một mức giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga. Điều này thực sự có khả năng hạn chế doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Putin. Nhưng mức trần được công bố cho đến nay là phù hợp với giá thị trường; do đó không có áp lực hiệu quả.
Phương Tây hiện phải đối mặt với một quyết định lớn. Phương Tây có thể hạ thấp giá trần, do đó làm giảm doanh thu của chính phủ Nga trong ngắn hạn và khuyến khích hạn chế sản xuất của Nga trong những năm tới. Hoặc phương Tây có thể rụt rè, lưỡng lự trong “ván bài” này, trao cho Nga toàn bộ số tiền, điều này sẽ chỉ khuyến khích Chính phủ Nga và cung cấp cho Nga các nguồn lực để thực hiện các cuộc tấn công tiếp theo vào Ukraine – và các nơi khác.
Phương Tây cần hạ giá trần đối với dầu của Nga một cách dứt khoát, để đối phó với việc Nga tiếp tục chiếm đóng Ukraine và tiến hành tất cả các tội ác liên quan. Trên thực tế, Nga đã không còn là một cường quốc năng lượng lớn trên toàn cầu.
Salome Samadashvili: Việc nhượng bộ Nga có thể khiến suy giảm các giá trị nền tảng mà Mỹ, phương Tây cổ xúy, làm thay đổi trật tự thế giới hình thành từ sau Thế chiến II
Phương Tây không thể nhượng bộ Nga, vì 3 lý do chính
Thứ nhất, ngay từ đầu, Tổng thống Vladimir Putin đã coi cuộc xung đột này là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và phương Tây. Điều đó có nghĩa là bất kỳ thất bại hay sự sỉ nhục nào của Ukraine – bao gồm cả thỏa thuận của nước này, dưới áp lực của các đồng minh, đối với một thỏa thuận hòa bình ô nhục – sẽ là một thất bại hoặc sự sỉ nhục đối với phương Tây. Liên minh các nền dân chủ hùng mạnh nhất thế giới trên thực tế sẽ trao chiến thắng cho trục Nga-Iran-Syria, điều này sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ liên minh xuyên Đại Tây Dương đến an ninh ở Thái Bình Dương.
Thứ hai, nhượng bộ Nga sẽ làm suy yếu an ninh của các quốc gia thành viên NATO. Cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ ngừng các tham vọng sau Ukraine là điều hết sức ngây thơ. Ở mức tối thiểu, Putin “bất bại” sẽ liên tục cố gắng làm suy yếu NATO thông qua các chiến thuật chiến tranh hỗn hợp. Thay vì ngăn cản Nga, các biện pháp trừng phạt sẽ củng cố quyết tâm của Tổng thống Vladimir Putin về việc sử dụng các cuộc viễn chinh mới để đánh lạc hướng người Nga khỏi tình trạng kinh tế đang suy giảm của họ.
Cuối cùng, bất cứ điều gì khác ngoài một chiến thắng rõ ràng của Ukraine sẽ hủy hoại trật tự quốc tế do phương Tây lãnh đạo xuất hiện sau Thế chiến II. Nếu Nga được phép không phải chịu trách nhiệm trước cuộc xâm lược tàn bạo của mình ở Ukraine, thì tại sao một chế độ độc tài khác lại không sử dụng vũ lực để theo đuổi các mục tiêu chiến thuật hoặc chiến lược của riêng mình?
Nhượng bộ với Nga đồng nghĩa với sự chấm dứt của thế giới hiện nay. Bất chấp tin đồn về một cuộc tấn công hạt nhân của Nga và những thách thức kinh tế thực sự mà nước này phải đối mặt, phương Tây có mọi thứ cần thiết- quân sự, kinh tế và ý thức hệ – để đảm bảo rằng Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến. Nếu phương Tây không hành động phù hợp, các giá trị nền tảng mà phương Tây mất đi – theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen – sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể lấy lại được.
Charles Tannock: Mỹ và phương Tây sẽ duy trì hỗ trợ cả về kinh tế và quân sự cho Ukraine nhằm đối phó với Nga
Khi Nga tiến hành cuộc tấn công nhằm vào Ukraine vào ngày 24.02.22, thông điệp mà các nhà lãnh đạo thế giới nhận được từ quân đội và các cơ quan tình báo của họ là lực lượng kháng chiến Ukraine – và chính phủ của Zelensky – có thể tồn tại không quá hai tuần trước quân đội hùng mạnh thứ hai thế giới. Do đó, phương Tây thấy rất ít lý do để gửi viện trợ quân sự ngay lập tức cho Ukraine, thay vào đó tập trung vào việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Nga.
Nhưng thành công của Ukraine trong việc giữ thủ đô Kyiv – được hỗ trợ bởi vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo (NLAWS) và hệ thống phòng không cơ động (MANPADS) đã được gửi bởi Vương quốc Anh, các nước vùng Baltic và Ba Lan – đã thay đổi hoàn toàn nhận thức từ các quốc gia khác về khả năng quân sự của Ukraine. Các hoạt động hỗ trợ vũ khí trang bị và huấn luyện đào tạo nhanh chóng bắt đầu chảy vào Ukraine.
Những tiết lộ về tội ác chiến tranh ở Bucha và nhiều nơi khác, cùng với việc Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự (đặc biệt là sản xuất năng lượng), càng củng cố quyết tâm của Mỹ và Liên minh châu Âu, với sự hỗ trợ bổ sung từ các quốc gia xa xôi như Singapore và Nhật Bản. Và quyết tâm này dường như còn nguyên vẹn, với việc Chính Phủ cánh hữu mới của Italia kiên quyết chống lại Nga với tư cách là kẻ xâm lược duy nhất trong cuộc chiến.
Trên thực tế, Ukraine đã chiến thắng trong cuộc chiến ngoại giao và truyền thông xã hội. Ngay cả những nước lưỡng lự như Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã cố gắng tránh xa Tổng thống Vladimir Putin, đặc biệt là sau các tuyên bố đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Một số ý kiến ở phương Tây, bao gồm cả các nhà lãnh đạo quân sự như Milley, đã kêu gọi đàm phán. Nhưng những cuộc đàm phán như vậy sẽ có lợi cho Nga, cho Nga cơ hội câu giờ để tập hợp lại và tái vũ trang. Và chừng nào Ukraine còn có động lực quân sự – và mùa đông sẽ đem lại lợi thế cho lực lượng được trang bị tốt hơn – thì Ukraine sẽ không muốn ngồi vào bàn đàm phán.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ làm xói mòn dần khả năng tiến hành chiến tranh của Nga, nhất là bằng cách làm suy yếu việc sản xuất tên lửa tầm xa mà nước này sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Bất chấp việc đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ và việc Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đe dọa cắt viện trợ châu Âu, tôi tin rằng Mỹ và châu Âu sẽ duy trì sự hỗ trợ kinh tế và quân sự không thể thiếu đối với Ukraine.
Ukraine đang phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu từ một đế quốc Nga. Tuy nhiên, nhờ có quân đội được huấn luyện bài bản và những con người can đảm đáng kinh ngạc, Ukraine có thể chiếm ưu thế trong việc đánh đuổi toàn bộ quân đội Nga khỏi lãnh thổ của mình vào cuối năm 2023. Để giúp đảm bảo điều đó, các đồng minh của Ukraine nên tiếp tục hỗ trợ tên lửa tầm xa (ví dụ, Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân, với tầm bắn hơn 180 dặm) và các máy bay chiến đấu thay thế mà Ukraine cần để làm suy giảm khả năng tấn công của Nga.
Biên dịch: Nhã Nam
Một số thông tin về các chuyên gia
Shlomo Ben-Ami, cựu Ngoại trưởng Israel, hiện là Phó Chủ tịch Trung tâm Hòa bình Quốc tế Toledo, tác giả cuốn sách “Prophets without Honor: The 2000 Camp David Summit and the End of the Two-State Solution” (Oxford University Press, 2022).
Simon Johnson, nguyên kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hiện là giáo sư tại Trường Quản lý Sloan của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đồng chủ tịch của Liên minh Chính sách COVID-19. Ông là đồng tác giả cuốn sách “Jump-Starting America: How Breakthrough Science Can Revive Economic Growth and the American Dream” (cùng với Jonathan Gruber) và cuốn “13 Bankers: The Wall Street Takeover and The Next Financial Meltdown” author (cùng với James Kwak).
Salome Samadashvili, nguyên lãnh đạo Phái đoàn Georgia tại Liên minh Châu Âu, hiện là thành viên Quốc hội Georgia và Thư ký Chính trị của đảng “Lelo for Georgia”.
Charles Tannock, nguyên thành viên Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Châu Âu, hiện là thành viên của GLOBSEC, một tổ chức tư vấn về tăng cường an ninh, thịnh vượng và bền vững, có trụ sở tại Bratislava.