Đối với các cường quốc, các căn cứ quân sự nằm bên ngoài lãnh thổ của họ đóng vai trò là công cụ quan trọng để củng cố chính sách và phô diễn quyền lực. Về nguyên tắc, sự hiện diện quân sự của Nga ở nước ngoài không nổi bật so với các quốc gia khác, nhưng cấu trúc và mục tiêu thành lập của các căn cứ này từ lâu đã cần được sửa đổi. Bài viết phân tích đặc điểm các căn cứ quân sự nước ngoài của Nga và triển vọng phát triển của các căn cứ này.
Thực tiễn hoạt động bố trí các căn cứ quân sự của Nga ở nước ngoài
Hiện nay, các căn cứ quân sự nước ngoài của Nga được triển khai chính thức trên lãnh thổ của 08 quốc gia, gồm: Abkhazia, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Syria, Tajikistan và Nam Ossetia, cũng như ở Transnistria, nơi mà Nga không công nhận chủ quyền. Các cơ sở này khác nhau về mục đích và khả năng – từ các địa điểm thử nghiệm ở Kazakhstan đến căn cứ để triển khai các nhóm không quân và một căn cứ hải quân ở Syria. Động cơ cho việc thiết lập và tiếp tục duy trì các căn cứ này cũng khác nhau. Dựa trên trường hợp các căn cứ này được thiết lập và vai trò, vị trí của chúng đối với Nga hiện nay, có thể chia các căn cứ quân sự nước ngoài của Nga thành 04 nhóm:
Nhóm 1 (nhằm giảm nguy cơ xung đột trong không gian hậu Xô Viết): Abkhazia, Armenia, Transnistria, Tajikistan, Nam Ossetia.
Nhóm 2 (đảm bảo hoạt động của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga): Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Syria, Tajikistan.
Nhóm 3 (đảm bảo các nghĩa vụ của Nga trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và hệ thống phòng không thống nhất của các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG)): Armenia, Kyrgyzstan, Tajikistan.
Nhóm 4 (đảm bảo lợi ích của Liên bang Nga bên ngoài biên giới Liên Xô cũ): Syria.
Sự hiện diện của các căn cứ quân sự của Nga tại các quốc gia thuộc nhóm đầu tiên là do lịch sử của các cuộc xung đột vũ trang thời hậu Xô Viết. Các căn cứ quân sự của Nga ở Abkhazia và Nam Ossetia đã phát sinh trong quá trình giải quyết xung đột giữa các nước cộng hòa này và Gruzia vào đầu những năm 1990. Sau Cuộc Chiến 5 ngày, các cơ sở này đã được cải tổ lại thành các căn cứ quân sự chính thức, chủ yếu đảm bảo an ninh cho Abkhazia và Nam Ossetia, hai khu vực được Nga công nhân chủ quyền vào cùng năm 2008. Điều tương tự cũng xảy ra trong trường hợp liên quan đến sự hiện diện của Nga ở Armenia, do Nga duy trì lập trường ủng hộ Armenia trong cuộc xung đột tại Karabakh và các mối quan hệ đồng minh đã phát triển trên cơ sở này. Tuy nhiên, các đảm bảo quân sự của Nga chỉ áp dụng cho lãnh thổ Armenia, không bao gồm khu vực Nagorno-Karabakh (do an ninh của cư dân nước cộng hòa không được công nhận này sau cuộc xung đột năm 2020 do phái bộ gìn giữ hòa bình đảm bảo).
Sự hiện diện quân sự của Nga ở Transnistria cũng xuất hiện theo cách tương tự, với điểm khác biệt duy nhất là chủ quyền của nước cộng hòa này chưa bao giờ được Nga công nhận. Hiện tại, quân đội Nga được triển khai ở đây đảm nhận các chức năng gìn giữ hòa bình, đồng thời bảo vệ các kho đạn dược của Tập đoàn quân 14 thuộc Lực lượng Vũ trang Liên Xô đã tan rã.
Căn cứ quân sự ở Tajikistan, nơi đóng quân của sư đoàn súng trường cơ giới 201, phần nào nổi bật so với bối cảnh này. Nhiệm vụ chính của nó là ngăn chặn nguy cơ tiếp tục xảy ra cuộc nội chiến ở quốc gia này.
Lịch sử của các căn cứ được đề cập trong nhóm thứ 2 là đơn giản nhất. Chúng được đặt tại những quốc gia mà Nga đã ký kết các thỏa thuận song phương để có thể triển khai các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ, bao gồm các địa điểm thử nghiệm, trung tâm liên lạc, trung tâm hậu cần cho hải quân (ở Syria), cần thiết cho hoạt động của các lực lượng vũ trang Nga.
Trong khuôn khổ của nhóm thứ 3, chức năng của các căn cứ hiện có đã được mở rộng (bao gồm căn cứ của Nga ở Armenia trong hệ thống phòng không thống nhất của SNG, bao gồm các bộ phận của căn cứ quân sự 201 ở Tajikistan thược Lực lượng phản ứng nhanh tập thể (KSOR) của SNG), và một cơ sở mới đã được thành lập – căn cứ không quân của Lực lượng Không quân Nga ở Kyrgyzstan, đóng quân tại sân bay Kant. Căn cứ này trở thành thành phần không quân của Lực lượng phản ứng nhanh tập thể của Tổ chức An ninh Tập thể (CSTO).
Cuối cùng, nhóm thứ 4 chỉ bao gồm một quốc gia – Syria. Trong năm 2015, Nga đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự tại nước cộng hòa này, mở chiến dịch theo yêu cầu của Damascus chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo và tổ chức khủng bố Al-Qaeda…
Vai trò, chức năng của các căn cứ đối với Nga và triển vọng thời gian tới
Chỉ có các căn cứ quân sự từ nhóm thứ 2 và thứ 4 mới mang lại lợi ích thiết thực cho Nga. Các đối tượng của nhóm thứ 2 được sử dụng cho hoạt động thường xuyên của Lực lượng Vũ trang Nga, và hơn nữa, trong một số trường hợp, chúng không thể thay thế. Ví dụ, thực tế không thể thay thế được các thao trường huyến luyện tác chiến nằm trong căn cứ huấn luyện Sary-Shagan được triển khai ở Kazakhstan và căn cứ huấn luyện Kapustin Yar ở Nga, nơi cũng cần các cơ sở ở Kazakhstan để hoạt động. Tổ hợp điều khiển không gian quang điện tử Okhno (“Cửa sổ”) ở Tajikistan cũng không thể thiếu, vị trí của căn cứ này là do sự kết hợp độc đáo giữa các đặc tính thuận lợi của khí quyển (độ trong và ổn định) và vị trí gần xích đạo – không có điểm nào ở phía Nam với đặc điểm thuận lợi không kém trên lãnh thổ của Liên Xô cũ.
Tổ hợp điều khiển không gian quang điện tử Okno do lực lượng Không quân Vũ trụ Nga điều hành tại Tajikistan
Rất khó để thay thế các trung tâm thông tin liên lạc của Hải quân được triển khai ở Belarus và Kyrgyzstan hoặc trạm radar của hệ thống cảnh báo sớm tấn công tên lửa được đặt ở Belarus. Về mặt lý thuyết, một số căn cứ khác có thể được thay thế, nhưng điều này sẽ đòi hỏi chi phí đáng kể, các biện pháp tổ chức phức tạp và gây ra tình trạng gián đoạn của công việc đã thiết lập.
Việc hiện diện quân sự ở Syria cho phép Nga phá hủy “nguồn lực chiến tranh” của nhiều nhóm khủng bố Hồi giáo, một phần đáng kể trong số đó là những người nhập cư từ lãnh thổ của Liên Xô cũ. Việc loại bỏ chúng làm giảm mạnh khả năng chiến đấu của lực lượng khủng bố ngầm ở các nước cộng hòa hậu Xô Viết. Ngoài ra, thông tin mà các lực lượng đặc biệt của Nga thu được trong quá trình hoạt động ở Syria đã giúp vô hiệu hóa một số lượng đáng kể những kẻ khủng bố ở chính Nga và ở các nước đối tác.
Các căn cứ thuộc nhóm 1 và 3 nói chung là một gánh nặng đối với cỗ máy quân sự của Nga, không mang lại “lợi nhuận”. Các nghĩa vụ mà Nga đảm nhận theo các thỏa thuận liên quan không được bù đắp bằng sự gia tăng an ninh của chính mình. Điều này không có nghĩa là nên cắt giảm sự hiện diện quân sự ở các quốc gia này, nhưng yêu cầu cần phải đánh giá lại các điều kiện và triển vọng cho việc gia hạn trong tương lai. Trường hợp căn cứ quân sự của Nga ở Transnistria là ví dụ nổi bật. Lực lượng Nga đóng quân ở đây hóa ra lại là “con tin” của cuộc xung đột ở Ukraine, và rõ ràng là quyết định về việc họ có tiếp tục được triển khai ở Transnistria hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả của chiến dịch đặc biệt của Nga.
Tuy nhiên, điều tương tự cũng có thể nói về toàn bộ kiến trúc của hệ thống an ninh hậu Xô Viết. Khả năng của Nga trong việc thúc đẩy các điều khoản và tầm nhìn của Nga về cấu trúc này, cũng như khả năng biến CSTO thành một thứ gì đó khả thi hơn, phụ thuộc rất nhiều vào kết luận mà các đối tác trong khối này sẽ rút ra từ các sự kiện ở Ukraine và những sự kiện này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến uy tín của Nga với tư cách là nhà lãnh đạo quân sự của CSTO.
Điều hứa hẹn nhất là tăng cường sự hiện diện quân sự nhằm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế và chính trị cấp bách của Nga ở nước ngoài (như đã được thực hiện ở Syria), nhưng hiện tại rất khó để nói về khả năng triển khai các căn cứ mới do thiếu kinh phí chi cho hoạt động quân sự đặc biệt, và do quan điểm chờ xem của một số đối tác tiềm năng của Nga. Ngoài ra, sự phát triển của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính quốc tế, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cơ hội và triển vọng của nhiều quốc gia và toàn bộ khu vực, bao gồm cả các nhà lãnh đạo hiện tại của nền kinh tế thế giới, cũng góp phần gây ra sự không chắc chắn. Do đó, thảo luận về triển vọng dài hạn cho sự hiện diện quân sự của Nga ở nước ngoài cũng thích hợp như triển vọng của Đế quốc Anh năm 1940, nghĩa là, để làm cho chúng rõ ràng hơn, thì cần phải chấm dứt những quá trình đang diễn ra hiện nay.
Biên dịch: Phương Thảo