Khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tiến hành chuyến công du bốn quốc gia châu Phi, mục đích quan trọng nhất là nhằm vun đắp cho tương lai của nước Nga trong một thế giới đa cực. Thông qua chuyến công du, Nga tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo châu Phi đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của nước này tại Ukraine – quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Đồng thời, Nga cũng bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với việc chống lại các xu hướng thực dân kiểu mới đang ngày càng gia tăng tại châu Phi và tăng cường nỗ lực hợp tác chính trị với châu Phi.
Cuối năm 2022, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã đến thăm Ai Cập, Cộng hòa Congo, Uganda, Ethiopia và cố gắng biện minh cho sự đúng đắn của Nga khi tiến hành chiến tranh với Ukraine. Tiếp đó, đầu năm 2023, ông Sergey Lavrov tiếp tục chuyến công du bốn quốc gia châu Phi khác, với điểm bắt đầu là Nam Phi, tiếp theo là các nước Eswatini, Angola và Eritrea, với chủ đề thảo luận tập trung vào các chuyển động địa chính trị, xu hướng phát triển của chủ nghĩa thực dân mới kéo theo là trật tự thế giới đa cực. Dự kiến, tháng 02 năm 2023, ông Lavrov sẽ có chuyến công du tới Bắc Phi, với điểm đến là bốn quốc gia gồm Tunisia, Mauritanie, Algeria và Maroc.
Ông Sergey Lavrov đã đảm nhiệm vai trò Ngoại trưởng Nga trong gần hai thập kỷ, kể từ khi được Tổng thống Vladimir Putin bổ nhiệm vào ngày 09 tháng 3 năm 2004. Trong các chuyến thăm chính thức, không giống như những người đồng cấp Trung Quốc, ông Lavrov hầu như không tham dự cắt băng khánh thành các dự án phát triển hạ tầng ở châu Phi. Hầu hết các chuyến công du của ông đều gây ấn tượng bởi các bài phát biểu về chính sách đối ngoại, với các cam kết và sáng kiến của Nga, cùng các bài thuyết trình về các vấn đề địa chính trị.
Ngay trước chuyến công du đầu năm 2023 tới châu Phi, trong cuộc họp báo kéo dài ba giờ đồng hồ vào ngày 18 tháng 01, nội dung phát biểu của ông Sergey Lavrov tập trung vào các thành tựu cũng như đường hướng chính sách đối ngoại của Nga và châu Phi được đề cập ở cuối bài phát biểu. Chưa hết, châu Phi còn được coi là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Tuy nhiên, ông Lavrov lại không đề cập nhiều đến Hội nghị cấp cao Nga-châu Phi, được lên kế hoạch tổ chức vào cuối tháng 7 năm 2023. Ông chỉ khẳng định rằng, các tài liệu của Hội nghị đã được xây dựng với mục đích tái thiết lập các cơ chế hợp tác trong môi trường đầy rẫy các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa, cũng như trong bối cảnh đang diễn ra những thay đổi địa chính trị. Kết thúc họp báo, ông tuyên bố: “Sẽ có các công cụ mới cho hợp tác đầu tư và thương mại, cũng như về chuỗi cung ứng hậu cần và các thỏa thuận thanh toán. Đồng thời, hai bên đang xây dựng cơ chế cho phép giao dịch bằng đồng nội tệ của Nga và các nước. Quá trình này không thể diễn ra nhanh chóng, nhưng nó đang được tiến hành và đạt được các mục tiêu đề ra”.
Trong khi đó, Nga luôn yêu cầu các nhà lãnh đạo châu Phi ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine. Kể từ Hội nghị cấp cao Nga-châu Phi lần thứ nhất mang đầy tính biểu tượng vào tháng 10.2019 tại Sochi, có ít tiến triển rõ nét trong quan hệ Nga – châu Phi. Với tâm lý lạc quan và tham vọng tăng cường ảnh hưởng địa chính trị, Nga đã đề xuất nhiều hình thức hợp tác thương mại. Tuy nhiên, nhiều thỏa thuận song phương đã được ký kết nhưng không được triển khai trong thực tế. Trong số này có các thỏa thuận được ký trong Hội nghị tại Sochi. Theo thống kê, có 92 thỏa thuận và hợp đồng với tổng giá trị 12,5 tỷ USD đã được ký, cùng với một số cam kết và hứa hẹn trước đó, vẫn chưa được hiện thực hóa.
Kể từ khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Liên bang Nga vào năm 2004, ông Sergey Lavrov đã gặt hái được một số thành công trong việc xây dựng các cuộc đối thoại chính trị cấp cao với các nước châu Phi. Và trong quý I năm 2023, Sergey Lavrov dự tính tiếp tục thực hiện các bài phát biểu mang màu sắc địa chính trị và khẩu hiệu chống phương Tây, bôi nhọ và công kích nhiều quốc gia, nhất là Mỹ và Pháp. Tuy nhiên, các bài phát biểu đầy động cơ chính trị này vô hình chung lại làm lu mờ đi các thành tựu hợp tác của Nga tại châu Phi.
Trong gần hai thập kỷ đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng, Sergey Lavrov hầu như không tham gia cắt băng, đánh dấu việc bàn giao hoặc khánh thành các dự án phát triển hạ tầng tại châu Phi. Tất nhiên, Nga có thể lựa chọn việc duy trì cách tiếp cận lấy hợp tác nhà nước làm trung tâm bởi đây cũng là một công cụ chính sách đối ngoại hiệu quả để thúc đẩy ảnh hưởng ở châu Phi. Hiện tại, Nga dường như đang tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của châu Phi để trở thành lãnh đạo trong trật tự thế giới đa cực đang dần hiện hình. Tuy nhiên, Nga vẫn không nhận ra rằng, họ cần áp dụng cả các chính sách đối ngoại hướng tới tăng cường tiếp cận người dân châu Phi để chiếm được thiện cảm, cả khối óc và trái tim của người dân các nước này. Thực tế, dấu ấn kinh tế của Nga trên lục địa này tương đối yếu.
Trong lịch sử, châu Phi đã giành được độc lập chính trị và hiện đang cần chuyển đổi nền kinh tế để cải thiện điều kiện sống cho khoảng 1,3 tỷ người. Đây là một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay với châu Phi. Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thực dân mới đang phát triển tại châu Phi đòi hỏi các nước phải đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hiện đại hóa nền nông nghiệp và cơ sở sản xuất để gia tăng giá trị cho sản phẩm thông qua quá trình công nghiệp hóa. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Nga hầu như không chú ý đến tầm quan trọng và có ít nỗ lực trong việc thúc đẩy Khu vực Thương mại Tự do Lục địa Châu Phi (AfCFTA), là nền tảng có giá trị cho các doanh nghiệp tiếp cận một thị trường châu Phi hội nhập với hơn 1,3 tỷ người. Hợp tác kinh tế của Nga không mang nhiều lợi ích cho châu Phi, nhất là trong các lĩnh vực mà châu Phi đang thu hút đầu tư. Trong khi đó, có một thực tế không thể phủ nhận là, có nhiều nước bên ngoài cũng đã có quan hệ lâu dài và đang tiếp tục củng cố các mối quan hệ chính trị, kinh tế và xã hội tại châu lục này.
Hầu hết các quốc gia châu Phi đang nỗ lực xây dựng và phát triển nền kinh tế hội nhập, tạo dựng tương lai cho các thế hệ trẻ. Điều này còn liên quan trực tiếp đến tính sẵn có cũng như khả năng tiếp cận với các công nghệ và các đổi mới thiết yếu. Để tiến hành chuyển đổi, các nhà lãnh đạo châu Phi rất cần có các đối tác bên ngoài đáng tin cậy, có nguồn vốn đầu tư dồi dào để hỗ trợ tiến hành các dự án quy mô lớn. Có thể thấy, thời của các khẩu hiệu chính trị suông đã qua lâu.
Nga đã mất ba thập kỷ để thực hiện hành trình quay trở lại châu Phi. Tuy nhiên, Nga vẫn đang ở ngã ba đường và điều tệ hơn nữa là, Nga vẫn đang đắn đo suy nghĩ xem nên rẽ theo hướng nào để đi đến đích cuối. Thực tế là, tại ngã ba đường, có bốn lựa chọn: rẽ phải, rẽ trái, đi thẳng hay qua trở lại. Điều này càng rõ nét trong bối cảnh hiện nay, khi có những thay đổi địa chính trị mạnh mẽ. Do đó, Nga phải xây dựng một cách chi tiết, cụ thể đối với chính sách đối ngoại toàn diện tại châu Phi. Và chính sách này phải thể hiện được sự tự tin, sức mạnh và động cơ trong sáng cũng như các cách thức để hỗ trợ lĩnh vực hợp tác kinh tế nhằm thu phục cả khối óc và trái tim của người dân châu Phi. Theo nghĩa cơ bản, đa cực là tạo điều kiện cho hội nhập. Tuy nhiên, nước Nga ngày nay lại là một quốc gia khép kín trên thế giới. Trong nhiều năm, người dân châu Phi được biết đến “chủ nghĩa thực dân mới” và “sự hỗ trợ của Nga trong thời kỳ Xô Viết” thông qua các bài thuyết trình, phát biểu và tuyên bố chính thức của giới quan chức Nga, nhưng đây chỉ là những trò chơi chính trị xưa cũ.
Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và nhóm chuyên gia tư vấn chính sách, đã xuất bản một bài báo thể hiện quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Kirill Babaev, Giám đốc Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Giáo sư Kirill Babaev đã có một phân tích sâu sắc về mối quan hệ giữa Nga và châu Phi. Bài báo nêu bật những viễn cảnh tương lai dựa trên những thành công hiện có và từ việc xây dựng các cuộc đối thoại chính trị trong những năm trước đây. Mặt khác, Giáo sư Kirill Babaev cũng chỉ ra những vướng mắc, yếu kém còn tồn tại để các cơ quan chức năng xem xét nghiêm túc. Việc Nga trở lại châu Phi đã được thảo luận trên các phương tiện truyền thông và ở nhiều cấp độ trong hai thập kỷ. Trong khi đó, giới tinh hoa châu Phi, đặc biệt là những người từng học tại các học viện và trường đại học của Liên Xô, vẫn còn những ký ức về cuộc đấu tranh giành tự do cho châu Phi. Thời Xô Viết, ở đỉnh cao đấu tranh chống thực dân phương Tây, đã có những đề nghị hợp tác kinh tế của Xô Viết với các nước châu Phi. Tuy nhiên, tất cả những quân bài này đã là dĩ vãng, trong khi hiện tại, Nga khó có thể cung cấp cho châu Phi các hợp tác kinh tế giá trị có thể cạnh tranh với các dự án đầu tư quy mô lớn của phương Tây hoặc cơ sở hạ tầng của Trung Quốc (cho đến gần đây).
Trong một ấn phẩm khác có tiêu đề “Doanh nghiệp Nga ở Châu Phi: Những cơ hội và triển vọng bị bỏ lỡ” trên tạp chí Russia in Global Affairs, Giáo sư Alexei Vasilyev, cựu Đại diện Đặc biệt của Liên bang Nga tại các nước Châu Phi và là Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Phi, đã cho rằng, các công ty Nga đang theo đuổi các lợi ích kinh tế khác nhau của họ ở châu Phi. Tuy nhiên, châu Phi vẫn chỉ chiếm 1,5% đầu tư của Nga, chỉ như một giọt nước trong đại dương. Phải thừa nhận rằng, chính sách kinh tế của Nga ở châu Phi thiếu đi tính năng động. Trong bài báo, Giáo sư Alexei Vasilyev nhấn mạnh: “Các nước châu Phi đã chờ đợi chúng tôi quá lâu, chúng tôi đã đánh mất vị trí của mình ở châu Phi thời hậu phân biệt chủng tộc và phần lớn đã bỏ lỡ những cơ hội mới. Hiện tại, Nga tụt hậu so với các nước dẫn đầu về hầu hết các thông số kinh tế trong khu vực này”.
Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cho biết, các đối thủ phương Tây của Nga đang cố gắng ngăn cản các quốc gia châu Phi tham gia Hội nghị cấp cao Nga-châu Phi lần thứ hai, dự kiến diễn ra vào tháng 7 năm 2023 tại thành phố lớn thứ hai của Nga là St. Petersburg. Hơn nữa, theo ý kiến của Konstantin Kosachev, Hội nghị cấp cao Nga-châu Phi lần đầu được tổ chức ba năm trước đã thành công, “nhưng, ở nhiều khía cạnh, kết quả của nó vẫn nằm trong phạm vi chính trị” và không được chuyển thành các dự án về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học hay nhân đạo. Thượng nghị sĩ Konstantin Kosachev lập luận: “Tôi chắc chắn rằng, đó sẽ là một tính toán sai lầm rất nghiêm trọng về phía chúng tôi nếu hội nghị thượng đỉnh năm tới không được chuẩn bị theo một cách khác hẳn, cung cấp cho mỗi bên tham gia một lộ trình ngắn gọn về quan hệ song phương của chúng ta, với các động cơ rõ ràng để tham gia và kết thúc các thỏa thuận thực tế”.
Vào tháng 11 năm 2021, “Báo cáo phân tích tình hình” do 25 chuyên gia chính sách Nga biên soạn đã nêu bật một cách sinh động một số cạm bẫy và thiếu sót lớn trong cách tiếp cận của Nga đối với châu Phi. Báo cáo ghi nhận sự thất bại của Nga trong việc tôn trọng các thỏa thuận song phương và một số cam kết trong những năm qua. Báo cáo cũng chỉ ra việc gia tăng số lượng các cuộc gặp song phương và cấp cao nhưng không mang lại nhiều kết quả hoặc không đạt được kết quả rõ ràng. Ngoài ra, vận động hành lang không đầy đủ và thiếu tổ chức cùng với việc thiếu thông tin ở nhiều các cấp độ phát biểu công khai cũng là một trong những thiếu sót lớn.
Viện Các vấn đề quốc tế Nam Phi đã công bố báo cáo chính sách mới nhất về quan hệ Nga-châu Phi. Trong chương giới thiệu, Steven Gruzd, Samuel Ramani và Cayley Clifford đã tóm tắt các khía cạnh khác nhau của sự phát triển quan hệ giữa Nga và châu Phi trong vài năm qua và cuối cùng đặt câu hỏi về tác động của chính sách của Nga đối với châu Phi. Theo Steven Gruzd, Samuel Ramani và Cayley Clifford, Nga đã phải vật lộn để thâm nhập vào châu Phi trong ba thập kỷ qua, sự kiện mang tính biểu tượng duy nhất là Hội nghị cấp cao Nga-châu Phi lần đầu tiên được tổ chức tại Sochi, với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia từ 43 quốc gia châu Phi và là cơ hội để Nga trình bày về tham vọng cường quốc của mình. Ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Nga ở châu Phi là rất thuyết phục, nhưng xem xét kỹ hơn sẽ cho thấy một bức tranh u ám hơn. Các tác giả viết thêm rằng: “Sự quyết đoán ngày càng tăng của Nga ở châu Phi là nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn và cách tiếp cận quản trị của nước này khuyến khích các hành vi nguy hiểm, chẳng hạn như khuyến khích chế độ tham nhũng vặt và chế độ chuyên quyền, sự thiếu hụt học bổng sau năm 1991 của Moscow ở châu Phi là rất đáng chú ý”.
Giờ đây, các chiến thuật chính của Nga để mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi, chẳng hạn như xóa nợ, ký hợp đồng vũ khí với các quốc gia dễ bị tổn thương và chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, xuất phát từ vở kịch thời kỳ chuyển tiếp của nước này và không chỉ đơn giản là sự quay trở lại vị thế siêu cường thời Liên Xô. Mặt khác, chính sách ngoại giao công chúng của Nga ở châu Phi hướng vào làm nổi bật về các mối quan hệ lịch sử, các câu chuyện chống phương Tây, cách tiếp cận lấy nhà nước làm trung tâm và các chương trình giáo dục để tăng cường “sức mạnh mềm” của Moscow trên lục địa đen.
Trong bối cảnh trật tự địa chính trị đa cực, hình ảnh hợp tác của Nga có thể được coi là rất hấp dẫn, nhưng nó cũng dựa trên ảo tưởng. Có vẻ như Nga là một cường quốc thực dân kiểu mới đang khoác lên mình bộ quần áo chống thực dân. Nga trông giống một “cường quốc ảo” hơn là một kẻ thách thức thực sự đối với ảnh hưởng của châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Cuộc tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi đang diễn ra gay gắt. Người Nga phải đối mặt với thực tế địa chính trị mới và những thách thức hiện có. Các những khẩu hiệu phô trương và những luận điệu về “chủ nghĩa thực dân mới” và “sự hỗ trợ của thời kỳ Xô Viết” nên được thay thế bằng việc đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế cạnh tranh. Ưu tiên của Nga nên chú trọng đến việc tuyên truyền ảnh hưởng đến công chúng thông qua các hoạt động văn hóa và xã hội ở châu Phi. Thực tế là, các nhà lãnh đạo châu Phi đang chờ đợi các đề xuất đầu tư thiết thực từ các nhà đầu tư tiềm năng đáng tin cậy của Nga nhằm tận dụng các nguồn tài nguyên to lớn chưa được khai thác. Việc thúc đẩy hợp tác kinh tế lên một tầm cao mới về chất là góp phần xây dựng quan hệ bền vững với châu Phi là cần là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nga đối với châu lục này. Rốt cuộc, 1,3 tỷ người châu Phi hiện muốn sống và làm việc bằng cả trái tim và khối óc ở một châu Phi thống nhất. Khẩu hiệu “Châu Phi đoàn kết” đang được tuyên truyền bởi Liên minh châu Phi. Do đó, người Nga phải ghi nhớ rằng, lộ trình phát triển của châu Phi được thể hiện trong “Chương trình nghị sự 2063” của Liên minh châu Phi.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Kester Kenn Klomegah là một nhà nghiên cứu độc lập và là nhà tư vấn chính sách về các vấn đề châu Phi tại Liên bang Nga và Liên minh Á-Âu. Ông đã giành được các giải thưởng truyền thông vì đã nêu bật hoạt động ngoại giao kinh tế trong khu vực với Châu Phi. Hiện tại, Klomegah là Đại diện đặc biệt của Châu Phi trong Hội đồng Thương mại và Phát triển Kinh tế Nga.