Khi sự chú ý của phương Tây đang tập trung vào mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga và khả năng Bắc Kinh sẽ chuyển giao viện trợ quân sự cho Moscow thì nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đã bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước ba ngày tới Bắc Kinh.
Khi đến Trung Quốc, Tổng thống Lukashenko – một đồng minh của Điện Kremlin và là người đối thoại thường xuyên của Tổng thống Nga Vladimir Putin – hy vọng Trung Quốc sẽ bù đắp được sự phụ thuộc kinh tế và chính trị của Belarus vào Moscow. Sau những cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn vào năm 2020 và việc Minsk ngày càng bị quốc tế cô lập kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, Belarus đã ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng, an ninh và hỗ trợ tài chính của Nga.
Theo giới chuyên gia, chuyến đi lần này là cơ hội để Belarus thu hút đầu tư của Trung Quốc trong bối cảnh Tổng thống Lukashenko ngày càng có thái độ cẩn thận đối với cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Gần đây, Belarus đã kiềm chế, không đưa ra các cam kết về việc sẽ cử lực lượng quân đội của mình tham gia cuộc chiến ngày càng khốc liệt giữa Nga và Ukraine mặc dù trước đó, Minsk từng tiếp đón quân đội Nga và là bệ phóng cho các chiến dịch tấn công của Moscow vào Ukraine.
Katsiaryna Shmatsina, một chuyên gia về chính trị Belarus tại đại học Công nghệ Virginia/Mỹ, cho rằng: “Chuyến thăm này có ý nghĩa tượng trưng đối với Lukashenko. Nó có thể giúp hỗ trợ cho những ý kiến cho rằng, ông ấy không bị cô lập như trong quá khứ”. Nhưng trong khi mối quan hệ hợp tác về chính trị và kinh tế của Belarus với Trung Quốc được coi là trọng tâm của chuyến đi, thì chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Lukashenko cũng sẽ được phương Tây xem xét kỹ lưỡng hơn về vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến sau những cáo buộc từ các quan chức Mỹ rằng, Bắc Kinh đang cân nhắc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Moscow vào thời điểm mà nguồn cung cấp đang cạn kiệt.
Các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố của Washington, nhưng Kiev và các đồng minh phương Tây sẽ theo dõi sát sao chuyến đi của Lukashenko để xem liệu chuyến đi này có dẫn đến các thỏa thuận hơn nữa về hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và Minsk hay không do Lukashenko gần gũi với cả Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Shmatsina nói: “Cách duy nhất mà ông Tập Cận Bình muốn gặp Lukashenko ngay bây giờ là bởi vì một điều gì đó lớn hơn đang bị đe dọa đối với Bắc Kinh và nó có thể liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine”.
Quan hệ tay ba giữa Minsk với Mátxcơva và Bắc Kinh
Belarus và Trung Quốc có lịch sử quan hệ quân sự, đặc biệt là về chuyển giao công nghệ.
Vào năm 2015, Minsk tuyên bố hoàn thành chế tạo hệ thống tên lửa phóng loạt Polonez, mà các chuyên gia quân sự cho rằng sử dụng các thiết kế sửa đổi của Trung Quốc và được phát triển với sự giúp đỡ của Trung Quốc. Sự phát triển của Polonez diễn ra sau khi Moscow từ chối bán hệ thống tên lửa Iskander với giá chiết khấu cho Belarus, khiến Lukashenko quay sang Bắc Kinh trong nỗ lực giành khoảng cách chiến lược với Nga.
Belarus đang tìm cách giữ những khoảng cách này luôn được rộng mở. Trong một tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào tháng 9 năm 2022, Tổng thống Lukashenko và Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã cam kết “mở rộng hơn nữa sự hợp tác thiết thực trong mọi lĩnh vực giữa quân đội hai nước”. Nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Belarus liên quan đến các hành động đàn áp người biểu tình vào năm 2020 sau cuộc bầu cử tổng thống mà phe đối lập và các nhà quan sát quốc tế cho là gian lận, đã khiến Lukashenko trở nên phục tùng Điện Kremlin hơn sau khi Nga hỗ trợ ông này đối phó với các cuộc biểu tình, và xu hướng đã gia tăng sau khi Nga phát động cuộc chiến với Ukraine.
Chiến lược trước đây của Minsk nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào Moscow bằng cách cân bằng giữa Trung Quốc và Nga đã được bù đắp thêm bằng mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng thống Putin. Cả hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” vài tuần trước khi Nga tấn công Ukraine và kể từ đó, Trung Quốc đã tăng cường thương mại với Nga, nhập khẩu các nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga và cung cấp cho nước láng giềng của mình các mặt hàng công nghệ tiên tiến hơn như vi mạch, có khả năng lưỡng dụng, có khả năng được sử dụng trong sản xuất vũ khí. Một số công ty tư nhân Trung Quốc đã phải vật lộn với các biện pháp trừng phạt và giám sát chặt chẽ hơn trong bối cảnh Mỹ cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ giao quân sự cho Nga.
Nhà sản xuất vệ tinh Trung Quốc Spacety đã bị Washington trừng phạt vào tháng 2 năm 2023 vì đã cung cấp hình ảnh vệ tinh của Ukraine cho Tập đoàn Wagner, một tổ chức lính đánh thuê của Nga có mối liên hệ chặt chẽ với Điện Kremlin, đang đóng một vai trò nổi bật trong cuộc chiến.
Cả quân đội Nga và Ukraine cũng đang sử dụng máy bay không người lái dân sự của Trung Quốc – chủ yếu từ Tập đoàn DJI Technology, nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới – để trinh sát và tấn công. Công ty này đã nói rằng, máy bay không người lái của họ không được bán cho mục đích quân sự và họ đang cố gắng hạn chế việc bán chúng cho các khu vực chiến tranh.
Zhu Feng, Giáo sư các vấn đề quốc tế tại Đại học Nam Kinh, đánh giá, Bắc Kinh không thể ngăn chặn khả năng các bên thứ ba bán vũ khí và thiết bị do Trung Quốc sản xuất cho Moscow. “Bắc Kinh và DJI không thể loại trừ khả năng này. Tuy nhiên, một khi bất kỳ trường hợp nào xảy ra, Bắc Kinh và công ty cần làm rõ quan điểm của họ và hỗ trợ điều tra thêm để ngăn chặn những tình huống tương tự xảy ra”.
Vai trò của Belarus đối với cuộc xung đột ở Ukraine
Chính điều này khiến Tổng thống Lukashenko gặp khó khăn để thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraine trong chuyến đi của mình.
Vào ngày 24 tháng 2 năm 2023, Trung Quốc đưa ra đề xuất 12 điểm để chấm dứt xung đột quân sự trên. Tuyên bố lập trường của Trung Quốc không được phương Tây đón nhận nồng nhiệt nhưng đã được các quốc gia có chính phủ thân thiện với Trung Quốc như Kazakhstan, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và chính Lukashenko ủng hộ. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã trước chuyến đi của mình, Tổng thống Lukashenko nói rằng, đề xuất của Bắc Kinh là minh chứng cho chính sách đối ngoại hòa bình của Trung Quốc và là một bước ban đầu sẽ có tác động sâu rộng.
Trong chuyến đi tới Trung Quốc lần này, Tổng thống Lukashenko sẽ tìm cách biến bất kỳ thiện chí nào với Trung Quốc thành nguồn vốn đầu tư và mở rộng thương mại, vốn đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây. Nguồn tiền của Trung Quốc từng đổ vào Belarus, tài trợ cho các con đường, nhà máy và đường sắt mới kết nối với châu Âu, cũng như một khu công nghiệp rộng lớn ở ngoại ô Minsk đã thu hút hơn 1 tỷ USD đầu tư từ 56 công ty nước ngoài, bao gồm cả gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei và ZTE. Nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Minsk đã khiến Belarus trở thành đối tác kém hấp dẫn hơn đối với Trung Quốc, với việc Bắc Kinh không cung cấp một dự án hoặc khoản vay mới nào cho Minsk kể từ năm 2019.
Bất chấp các mối quan hệ kinh tế bị đình trệ, Trung Quốc đã tìm cách đưa ra lời lẽ ủng hộ Lukashenko khi ông này xung đột với châu Âu và Mỹ. Ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Lukashenko sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 bất chấp sự lên án của quốc tế và trước khi ông đến Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã nói với người đồng cấp Belarus Syarhey Aleynik rằng, Bắc Kinh ủng hộ Belarus duy trì ổn định quốc gia và phản đối những nỗ lực của “các thế lực bên ngoài” can thiệp vào công việc nội bộ của mình hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương “bất hợp pháp”.
Trong bối cảnh Belarus, Trung Quốc và Nga có chung quan điểm với phương Tây, sự chú ý cũng sẽ tập trung vào việc Tổng thống Lukashenko có bao nhiêu quyền tự chủ, do sự phụ thuộc của ông vào Điện Kremlin và điều đó phù hợp như thế nào với mối quan hệ đang phát triển của Trung Quốc và Nga.
Ông Lukashenko đã có một cuộc trò chuyện dài với Tổng thống Putin vài ngày trước khi bay tới Bắc Kinh và những gợi ý về sự mất cân bằng gia tăng trong động lực của họ ngày càng được thể hiện. Cả hai quốc gia đều là những bên ký kết hiệp ước Nhà nước Liên minh, vốn là nguồn gốc của xích mích giữa Minsk và Moscow trong nhiều thập kỷ. Yahoo News gần đây đã báo cáo rằng, họ đã thu được các tài liệu bị rò rỉ cho thấy kế hoạch của Điện Kremlin nhằm sáp nhập Belarus vào năm 2030 dưới vỏ bọc của hiệp ước. Tổng thống Lukashenko khi đó đã bác bỏ báo cáo là “vô nghĩa và nhảm nhí”. Tuy nhiên, ngay cả ông Lukashenko dường như cũng thừa nhận sự thống trị của Moscow. Sau khi Putin cảm ơn ông vì đã “đồng ý” đến cuộc gặp hồi đầu tháng 2 giữa hai nhà lãnh đạo, Lukashenko đã ám chỉ về sự phục tùng ngày càng tăng của ông khi nói rằng “Như thể tôi không thể không đồng ý”.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Reid Standish là phóng viên của Đài RFE/RL tại Praha/Séc. Ông tập trung vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở Đông Âu, Trung Á và đã báo cáo nhiều về Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và các trại tập trung của Bắc Kinh ở Tân Cương. Trước khi gia nhập RFE/RL, Reid Standish là biên tập viên của tạp chí Chính sách đối ngoại và phóng viên tại Moscow của tạp chí này. Ông cũng đã viết cho The Atlantic và The Washington Post.