Tóm tắt: Tâm điểm của Shangri-La 2023 là sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ - Trung. Xuyên suốt cả hai bài phát biểu, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đều chỉ trích lẫn nhau, cho rằng bên còn lại đang gây cản trợ sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của châu Á – Thái Bình Dương. Hai bên cũng đã thúc đẩy tầm nhìn trái ngược nhau về tương lai của châu Á – Thái Bình Dương. Một bên là mạng lưới an ninh do Mỹ lãnh đạo cùng các đồng minh và đối tác, được trang bị vũ khí hiện đại với bên còn lại Trung Quốc là trung tâm của một trật tự thế giới mới.
Bối cảnh diễn ra sự kiện
Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á – Đối thoại Shangri-La thường niên lần thứ 20 đã chính thức khai mạc và diễn ra ngày 2 – 4/6 vừa qua tại Singapore, tham dự có gần 600 đại biểu tham dự cùng với các chương trình nghị sự dày đặc, với 7 phiên họp toàn thể, 6 phiên thảo luận và nhiều cuộc gặp song song bên lề, Shangri-La được coi như là một trong những diễn đàn hàng đầu về đối thoại an ninh khu vực và quốc tế. Sự kiện năm nay diễn ra trong bối các sự kiện gây ra bất ổn trên nhiều mặt an ninh, kinh tế, chính trị cho cả thế giới nói chung và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng vẫn đang diễn ra. Cuộc chiến giữa Nga với Ukraina đã bước sang tháng thứ 16 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt hay những căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên gần đây vẫn tiếp diễn. Chính vì vậy, chủ đề của sự kiện năm nay được đề ra là: “Xây dựng một khu vực châu Á – Thái Bình Dương ổn định và cân bằng”.
Những nội dung chính
Tuyên bố Đối thoại Shangri-La 2023 đề cao trách nhiệm tập thể cũng như pháp luật quốc tế trong kiểm soát các rủi ro và cạnh tranh. Các phiên họp thảo luận về các vấn đề bao gồm: Vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, xây dựng khu vực châu Á – Thái Bình Dương cân bằng, ổn định, giải quyết căng thẳng khu vực, an ninh hàng hải ở châu Á, các sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc, quan hệ đối tác mới vì an ninh châu Á – Thái Bình Dương, và phát triển các mô hình hợp tác an ninh. Ngoài ra các cuộc họp bàn tròn cấp bộ trưởng thảo luận về các vấn đề an ninh, quốc phòng ở châu Á – Thái Bình Dương và vai trò của ASEAN trong việc định hình cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương[1]. Đã có nhiều điểm mới với nhiều phiên họp đặc biệt để thảo luận về những thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh mạng hay công nghệ trí tuệ nhân tạo[2]. Bài phát biểu Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhấn mạnh tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La, coi đây như “một hành lang bảo vệ” châu Á – Thái Bình Dương trước các thách thức an ninh, mang đến những cơ hội quý giá để các nhà lãnh đạo cùng thảo luận về nguyện vọng chung hướng tới một khu vực ổn định, hoà bình, kiên cường và thịnh vượng[3].
Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Trung tại Shangri-La 2023 và dự báo quan hệ giữa hai nước
Mặc dù diễn đàn thảo luận về đa dạng các nội dung khác nhau thế nhưng vấn đề gây chú ý cho giới học giả, chuyên gia nhất là hai bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước đã nóng lên ngay trước khi sự kiện diễn ra khi Trung Quốc đã từ chối cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Quốc phòng của họ với người đồng cấp của Mỹ bên lề Đối thoại Shangri-La. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết để nối lại đối thoại đòi hỏi nỗ lực từ phía Washington, bà phát biểu: “Mỹ cần nghiêm túc tôn trọng các mối quan hệ về chủ quyền, an ninh cũng như lợi ích của Trung Quốc, ngay lập tức sửa chữa các hành vi sai trái và thể hiện sự chân thành”[4]. Trung Quốc trong thời gian gần đây đã có nhiều sự kiện nhằm gia tăng cũng như khẳng định tầm ảnh hưởng của mình. Có thể thấy những nỗ lực đó của chính quyền Bắc Kinh đã thành công khi xây dựng Trung Quốc như một nhân tố quan trọng đóng góp vào hoà bình ổn định của thế giới. Tiêu biểu nhất có thể kể đến như vai trò trung gian hoà giải giữa Iran và Ả rập Xê út, đề xuất hoà bình chấm dứt xung đột ở Ukraina đã nhận được sự ủng hộ của Nga, sự đặc biệt quan tâm của phương Tây. Trong các bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, hai bên đã thúc đẩy tầm nhìn trái ngược nhau về tương lai của châu Á – Thái Bình Dương. Một bên là mạng lưới an ninh do Mỹ lãnh đạo cùng các đồng minh và đối tác, được trang bị vũ khí hiện đại với bên còn lại Trung Quốc là trung tâm của một trật tự thế giới mới[5]. Cả 2 bài phát biểu của bộ trưởng hai nước đều nhấn mạnh rất nhiều vào tầm quan trọng của việc xây dựng một châu Á – Thái Bình Dương hoà bình, ổn định và thịnh vượng. Nhưng theo hai cách riêng, Mỹ – Trung là những quốc gia lãnh đạo trong những cách thức riêng của mình. Với Mỹ là sự kêu gọi hợp tác với các đồng minh và đối tác dựa trên những luật lệ chung của họ (“our shared principled” – như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu), với Trung Quốc là những quy tắc dựa trên sự hoàn thiện và bổ sung từ Hiến chương Liên hợp Quốc.
Cụ thể trong bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh rất nhiều vào chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, chia sẻ tầm nhìn chung vì một khu vực ổn định phát triển và thịnh vượng. Đề cao sức mạnh của quan hệ đối tác tức là xây dựng tình bạn mới, củng cố quan hệ hữu nghị với các đồng minh cũ. Cùng các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản để giải quyết vấn đề tại bán đảo Triều Tiên, tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, gia tăng hiện diện quân sự luân phiên tại Úc, tăng ngân sách quốc phòng cho các vũ khí tối tân như UAV, các loại máy bay như B-21, tiêm kích F-35, F-22 v..v lên 61 tỷ đô la. Ông cũng chỉ trích những hành động đánh chặn máy bay của Mỹ và đồng minh trong không phận quốc tế của Trung Quốc, khẳng định rằng Mỹ hoàn toàn không muốn và không tìm kiếm xung đột nhưng cũng không nao núng trước những hành động hung hăng từ Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc khi từ chối gặp mặt, khẳng định đối thoại với Trung Quốc là cần thiết, đặc biệt giữa các lãnh đạo quốc phòng nhằm tránh những hiểu nhầm và tính toán sai lầm. Phần trả lời câu hỏi của những học giả của ông Austin cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Ông nhắc lại quan điểm khi trả lời những câu hỏi rằng Mỹ không tìm cách lôi kéo Trung Quốc vào một cuộc xung đột, về vấn đề Đài Loan, Mỹ ủng hộ việc duy trì hiện trạng, không chấp nhận những thay đổi đơn phương từ bất kì bên nào, khẳng định Mỹ sẽ luôn duy trì lực lượng chiến đấu đáng tin cậy và sẵn sàng trong mọi trường hợp. Khi nhận câu hỏi từ một quan chức quốc phòng Trung Quốc rằng một mặt Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực nhưng mặt khác lại thành lập các diễn đàn đa phương như AUKUS, Quad, liệu có mâu thuẫn hay không? Mỹ đang thúc đẩy hoà bình thịnh vượng hay thúc đẩy xung đột tại khu vực châu Á – Thái bình Dương? Ông Austin đã trả lời rằng những liên minh này lập ra nhằm thúc đẩy ổn định và thịnh vượng, thúc đẩy khả năng của các đồng minh cũng như các đối tác.
Về bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, đánh giá về bài phát biểu, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) Michael Fullilove nói rằng ông đã tham dự các kỳ đối thoại Shangri-La trong hơn một thập niên. Trong thời gian đó “các bài phát biểu của các Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ngày càng quyết đoán” và phát biểu của ông Lý Thượng Phúc là bài phát biểu mạnh bạo nhất trong số đó[6]. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã dẫn lời một câu hát ở Trung Quốc “Khi bạn bè tới chúng tôi chào đón họ bằng rượu ngon, khi chó sói tới chúng tôi chào đón họ bằng súng”, câu nói trên minh chứng cho sự quyết đoán và mạnh bạo của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Sự mạnh bạo còn thể hiện thông qua những sự chỉ trích của Trung Quốc vào chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền đang ngày càng gia tăng, đe doạ gây ra hỗn loạn cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong vấn đề Đài Loan, ông khẳng định, Đài Loan là vấn đề riêng của Trung Quốc và không một quốc gia nào trên thế giới có quyền can thiệp. Ông cho rằng nguyên nhân sâu xa của căng thẳng ở eo biển Đài Loan là do chính quyền Đài Bắc đã thu hút sự ủng hộ của nước ngoài nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho sự độc lập. Đồng thời, một số lực lượng nước ngoài cố gắng kiềm chế Trung Quốc thông qua Đài loan, tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Khẳng định các hành động nhằm vào việc ly khai của Đài Loan càng gia tăng, các biện pháp của Trung Quốc sẽ càng kiên quyết hơn. Trung Quốc sẽ cố gắng đạt được triển vọng thống nhất trong hòa bình nhưng Trung Quốc cũng không hứa sẽ không sử dụng vũ lực nếu bất kỳ ai dám tách rời Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không do dự một giây nào và không sợ bất kỳ kẻ thù nào để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Sau khi ông Austin đề cập về việc “bảo vệ trật tự quốc tế” của Mỹ, ông Lý nói rằng “cái gọi là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ không bao giờ nói cho bạn biết các quy tắc đó là gì và ai đã tạo ra nó”[7]. Ông cũng chỉ trích chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, rằng chiến lược này nhằm mục đích thành lập những liên minh quân sự để chống lại những mối đe doạ trong tưởng tượng, việc thúc đẩy những liên minh quân sự như NATO ở châu Á – Thái Bình Dương chỉ đẩy khu vực vào vòng xoáy của tranh chấp và xung đột. Điểm nhấn của bài phát biểu còn là việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh vai trò của nước này trong việc duy trì hoà bình, ổn định cả trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như toàn cầu, sự thịnh vượng của Trung Quốc đang tạo ra những giá trị cho thế giới. Ông nhắc tới các vấn đề ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên và Ukraine, Trung Quốc đóng vai trò xây dựng, nỗ lực nhằm làm hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời ám chỉ Mỹ đang cố gắng xây dựng các căn cứ quân sự, tăng cường hiện diện quân sự, chạy đua vũ trang, đe dọa hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đưa ra ba dẫn chứng cho luận điểm sự thịnh vượng của Trung Quốc đang tạo ra những giá trị cho thế giới. Thứ nhất, sự thịnh vượng và phát triển của Trung Quốc là động lực, đóng góp 36% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới, các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc như Sáng kiến Vành đai và Con đường đã đem lại sự phát triển về kinh tế, cơ sở hạ tầng cho nhiều quốc gia, trong thời kì đại dịch COVID-19 Trung Quốc đã cung cấp cho nhiều quốc gia trên thế giới 1,2 tỷ liều vắc – xin. Thứ hai, sự phát triển của Trung Quốc đóng góp vào hoà bình của thế giới, từ 2008 Trung Quốc đã cử 139 tàu hải quân chia thành 44 nhóm để bảo vệ hơn 7.000 tàu Trung Quốc và nước ngoài. Đóng góp 50 nghìn quân nhân vào lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp Quốc. Thứ ba, sự phát triển của Trung Quốc đóng góp vào cải thiện quản trị toàn cầu. Trong suốt bài phát biểu của mình, ông Lý Thượng Phúc không một lần chỉ rõ tên những quốc gia trong những chỉ trích của ông nhưng Mỹ chính là quốc gia mà ông ngầm ý nhắc tới trong các vấn đề về eo biển Đài Loan, tự do hàng hải v..v đó là điều chắc chắn.
Cuối bài phát biểu của mình, ông đã nhắc tới triển vọng mối quan hệ Trung – Mỹ. Ông cũng cho rằng mối quan hệ Trung – Mỹ mang tính ổn định chiến lược toàn cầu và là tâm điểm chú ý của quốc tế, Trung Quốc kêu gọi cả 2 nước nên có những hành động nhằm đáp ứng kì vọng của cả thế giới cũng như xu hướng thời đại. Một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ là một thảm hoạ cho cả thế giới, cần thiết phải tìm kiếm tiếng nói chung vì lợi ích chung. Trung Quốc cũng yêu cầu phía Mỹ có những hành động chân thành, nói đi đôi với làm để cùng Trung Quốc xây dựng một mối quan hệ ổn định, tránh làm mối quan hệ xấu thêm nữa, ông khẳng định mối quan hệ Trung – Mỹ trong vài năm qua là xấu nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Khẳng định thế giới đủ rộng lớn để cả Trung Quốc và Mỹ cùng nhau phát triển. Cách thức phù hợp để Trung Quốc với Mỹ cùng nhau phát triển là tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hoà bình và hợp tác cùng có lợi. Xuyên suốt cả hai bài phát biểu, cả hai Bộ trưởng Quốc phòng đều chỉ trích lẫn nhau, cho rằng bên còn lại đang là nguyên nhân cản trợ sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của châu Á – Thái Bình Dương.
Cách tiếp cận lạnh nhạt của Trung Quốc trong vấn đề quân sự khác hẳn với thái độ sẵn sàng hợp tác của Trung Quốc với Mỹ trong các vấn đề khác. Gần đây, bộ trưởng thương mại của hai nước đã thảo luận về thương mại và đầu tư trong cuộc gặp cấp nội các đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức. Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị cũng đã có cuộc gặp tại Vienna để đàm phán về khôi phục mối quan hệ song phương đang xấu đi[8]. Vì vậy, việc từ chối cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng thể hiện lo ngại của Trung Quốc về hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực và quyết tâm của Trung Quốc trong việc khiến Mỹ cảm nhận từ các hành động đó. Ankit Panda, nhà nghiên cứu của Quỹ Hoà bình Quốc tế Carnegie cho rằng cuộc đối đầu ở Shangri-La “có thể trở thành bình thường mới khi quan hệ Mỹ -Trung hạ xuống mức thấp mới”[9].
Tác động đến tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Với một khu vực hoà bình và có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng như châu Á – Thái Bình Dương, hơn ai hết, các quốc gia châu Á đang tìm kiếm sự ổn định trong khu vực và mong muốn Washington cũng như Bắc Kinh có thể quản lý tốt hơn những khác biệt của họ. Nhiều nhà lãnh đạo an ninh của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm các bộ trưởng quốc phòng của Campuchia, Indonesia, Singapore, kêu gọi Hoa Kỳ và Trung Quốc tìm cách quản lý sự khác biệt của họ, đồng thời không cho phép cạnh tranh đe dọa hòa bình trong khu vực. Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc thiếu đối thoại giữa hai siêu cường và cảnh báo rằng việc thiếu các cơ chế quản lý xung đột có thể gây ra tác động tàn phá trong khu vực. Ông lưu ý rằng “đối với châu Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn, mối quan hệ Mỹ-Trung là trung tâm của sự ổn định”. Ông cũng nhấn mạnh rằng “Singapore và các quốc gia ASEAN khác không phải là những người ngoài cuộc không quan tâm” đến sự suy thoái trong quan hệ Mỹ-Trung.
Trong khi đó, khu vực phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh cấp bách: Các vấn đề lâu dài như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, các mối đe dọa từ Triều Tiên và biến đổi khí hậu vẫn là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia ở Châu Á. Mặc dù không có các cuộc gặp trực tiếp nhưng cả ông Austin và ông Lý đều tổ chức các cuộc họp riêng bên lề Shangri-La để giải quyết những vấn đề này với các đối tác quan trọng trong khu vực. Trong một số cuộc gặp song phương cũng như ba bên, Austin cam kết tăng cường các cuộc tập trận chung, tăng cường hợp tác quân sự và tăng cường cam kết thông qua các khuôn khổ và mạng lưới như ADMM+, AUKUS, Quad. Trong khi đó, Trung Quốc đã nỗ lực thiết lập các cơ chế liên lạc khủng hoảng song phương mạnh mẽ hơn với các đối tác quan trọng trong khu vực. Trước hội nghị thượng đỉnh, ông Lý và người đồng cấp của Singapore đã chứng kiến việc ký kết một biên bản ghi nhớ, trong đó bao gồm thỏa thuận thiết lập một liên kết trao đổi quốc phòng an toàn cho các liên lạc quốc phòng cấp cao nhằm giảm leo thang và ngăn chặn xung đột. Một cuộc họp giữa ông Lý với người đồng cấp Nhật Bản, Yasukazu Hamada, đã đưa ra một điểm sáng khác cho việc liên lạc trong trường hợp khủng hoảng ở khu vực. Trong cuộc họp, hai bộ trưởng đã nhất trí vận hành “một cách phù hợp và đáng tin cậy” đường dây nóng quốc phòng song phương của họ, được đưa vào hoạt động vào tháng trước[10]./.
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Chú thích:
[1] VOV World (2023), Shangri-La dialogue 2023: Expanding the Agenda and Increasing Interoperability, https://vovworld.vn/en-US/news/shangrila-dialogue-2023-expanding-the-agenda-and-increasing-interoperability-1181525.vov
[2] Phương Anh (2023), “Đối thoại Shangri-La 2023: Những thông điệp quan trọng”, VOV, https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/doi-thoai-shangri-la-2023-nhung-thong-diep-quan-trong-post1024439.vov
[3] Phương Anh (2023), “Đối thoại Shangri-La – một hành lang bảo vệ châu Á – Thái Bình Dương trước thách thức”, VOV, https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/doi-thoai-shangri-la-mot-hanh-lang-bao-ve-chau-a-thai-binh-duong-truoc-thach-thuc-post1024150.vov
[4] Vĩnh Khang (2023), “Bắc Kinh nói lí do từ chối cuộc gặp bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Trung”, Báo Pháp luật, https://plo.vn/bac-kinh-noi-ly-do-tu-choi-cuoc-gap-bo-truong-quoc-phong-my-trung-post735665.html
[5] Đức Hiền (2023), “Đối thoại Shangri-la 2023: Châu Á giữa vòng xoáy cạnh tranh Mỹ – Trung”, Báo Pháp Luật, https://plo.vn/doi-thoai-shangri-la-2023-chau-a-giua-vong-xoay-canh-tranh-my-trung-post736435.html
[6] Đức Hiền (2023), tldd.
[7] Thanh Tâm (2023), “Mỹ – Trung nắn gân nhau tại Shangri-La”, Vnexpress, https://vnexpress.net/my-trung-nan-gan-nhau-tai-shangri-la-4613565.html
[8] “Căng thẳng Mỹ – Trung tại đối thoại Shangri-La” (2023), VTC1 – TIN TỨC, https://www.youtube.com/watch?v=sZSpfbQaakM
[9] Thanh Tâm (2023), “Mỹ – Trung nắn gân nhau tại Shangri-La”, Vnexpress, https://vnexpress.net/my-trung-nan-gan-nhau-tai-shangri-la-4613565.html
[10] Rosie Levine, Alex Stephenson (2023), “Three Takeaways on U.S.-China Relations After the Shangri-la Summit”, United States Institute of Peace, https://www.usip.org/publications/2023/06/three-takeaways-us-china-relations-after-shangri-la-summit