BBT - Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kết thúc ngày 19 tháng 6 vừa qua. Nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước đã được thảo luận tại một cuộc gặp mà đáng lẽ đã được diễn ra sớm hơn nếu không có sự cố khinh khí cầu. Khó có thể nói cuộc gặp gỡ đã thành công dù đứng từ góc nhìn của Mỹ hay Trung Quốc, nhưng chuyến thăm lần này chắc chắn sẽ là một sự kiện quan trọng giúp cả hai siêu cường xác định một tính toán rõ ràng cho mối quan hệ song phương phức tạp trong tương tai.
Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Trung Quốc, vốn bị trì hoãn do sự cố khinh khí cầu, đã kết thúc vào ngày 19 tháng 6. Trước đó, kỳ vọng của các bên về chuyến thăm Trung Quốc của Blinken không cao. Ngày 18 tháng 6 khi Blinken đến Bắc Kinh, trong cuộc hội đàm giữa hai bên, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã nói rằng: “Hiện tại, quan hệ Trung-Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao”. Kết thúc chuyến công du của Blinken, một số phương tiện truyền thông dựa trên các cuộc tiếp xúc giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong hai ngày qua đã cho rằng quan hệ giữa hai nước sẽ quay trở lại thời điểm mà các nhà lãnh đạo Trung-Mỹ gặp nhau vào tháng 11 năm ngoái. Tối ngày 19/6, Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ và Châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Dương Đào đã giới thiệu về tình hình chuyến thăm Trung Quốc của Blinken, đồng thời cho biết hai bên đã đạt được một số đồng thuận và kết quả tích cực, ưu tiên hàng đầu lúc này là triển khai sự đồng thuận mà nguyên thủ hai nước đạt được tại Bali. Ông cũng chỉ ra rằng nguyên nhân gốc rễ khiến quan hệ Trung-Mỹ đi xuống là do Mỹ nhận thức sai lầm về Trung Quốc. Quan hệ Trung – Mỹ đã trải qua những thăng trầm, phía Mỹ cần xem xét lại nghiêm túc đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ không dùng hình mẫu bá quyền của nước mạnh để làm gương cho Trung Quốc.
Có ba “hình ảnh” (意象) – cái bẫy Tacitus, bằng hữu giả tạo và ngoại giao nước đôi, có thể cung cấp một số góc nhìn lịch sử về cách Hoa Kỳ khiến quan hệ Trung-Mỹ đến bên bờ rạn nứt. Trong tương lai, nếu Washington thực sự chân thành và có những hành động thiết thực để cải thiện quan hệ hai nước thì lấy ba “hình ảnh” này làm gương và làm “tấm gương tự chiếu”.
Biden và Blinken mắc vào “bẫy Tacitus” ở Trung Quốc
Trong lĩnh vực khoa học chính trị phương Tây, có một thuật ngữ gọi là “bẫy Tacitus”. Đó là một lý thuyết quan trọng về sự tín nhiệm của chính phủ do nhà sử học La Mã cổ đại Publius Cornelius Tacitus đưa ra trong cuốn sách “Lịch sử của Tacitus”. Tacitus đã chỉ ra rằng khi một cơ quan chính phủ hoặc một tổ chức mất uy tín, bất luận nói thật hay nói dối, làm việc tốt hay xấu, đều bị coi là nói dối và làm việc xấu. Trong xã hội đương đại, khi quyền lực của chính phủ mất uy tín, chính phủ sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng niềm tin, từ đó mất lòng tin của người dân và kéo theo những tác động tiêu cực cho xã hội. Hiện tượng xã hội và quy luật xã hội này được các học giả chính trị phương Tây đặt tên là “bẫy Tacitus”.
Trong hai năm qua, chính quyền Biden thực thi chính sách đối ngoại với Trung Quốc ngày càng rõ ràng. Ở Trung Quốc, bất kể là quan chức, học giả, thường dân hay cộng đồng mạng, thông qua so sánh trực quan cách hành xử của chính quyền Trump và Biden đối với Trung Quốc, đều dễ nhận ra, Biden nói dễ nghe hơn Trump, nhưng lại “chỉnh” Trung Quốc, thực thi quyết liệt hơn. Dưới đây là phân tích về chính sách eo biển Đài Loan của chính quyền Biden làm ví dụ.
Trong hai năm kể từ khi chính quyền Biden lên nắm quyền, hành động liên quan đến Đài Loan của họ đã thể hiện hai đặc điểm nổi bật:
Thứ nhất, họ không ngừng thử nghiệm và chà đạp lên lằn ranh đỏ của Trung Quốc, chẳng hạn như liên tục tăng quy mô và chất lượng bán vũ khí cho Đài Loan, nâng tầm các chuyến thăm của các quan chức hai bên.v.v.. Vào tháng 8 năm 2022, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Pelosi đã ngang nhiên đến thăm Đài Loan, đẩy tình hình eo biển Đài Loan đến bờ vực nguy hiểm, thậm chí còn gây ra các cuộc thảo luận rộng rãi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ tư.
Thứ hai, “ngôn hành bất nhất”. Chính quyền Biden trong khi liên tục chà đạp lên lằn ranh đỏ vấn đề eo biển Đài Loan, nhưng bằng lời lẽ phát ngôn đã cố tình khẳng định sự đồng thuận Trung-Mỹ, nhiều lần đảm bảo tuân thủ ba thông cáo chung Trung-Mỹ và đưa ra tuyên bố “bốn không và không cố ý” khi nguyên thủ hai quốc gia gặp nhau ở Bali. Tức là “không tìm cách thay đổi thể chế của Trung Quốc, không tìm kiếm một cuộc ‘chiến tranh lạnh mới’, không chống lại Trung Quốc bằng cách tăng cường củng cố các đồng minh, không ủng hộ “Đài Loan độc lập”, cũng không ủng hộ “hai nước Trung Quốc” hay “một Trung Quốc, một Đài Loan”, và không có ý định phát sinh xung đột với Trung Quốc.
Tuy nhiên, hành vi thực tế của chính quyền Biden đã nhiều lần ngược lại với lời phát ngôn của mình. Khổng Tử nói: “Nghe lời nói, xem hành động”. Lãnh đạo nhà nước Trung Hoa tại cuộc gặp với ông Biden tại đảo Bali đã nhắc nhở lịch sự và rõ ràng “Ngài Tổng thống đã nhiều lần nói rằng ông không ủng hộ Đài Loan độc lập, không có ý định sử dụng Đài Loan như một công cụ để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc hoặc để kiềm chế Trung Quốc. Mong rằng phía Hoa Kỳ sẽ thực hiện lời hứa của ngài Tổng thống”. Lời nhắc nhở thân thiện này cũng là đại diện cho nguyện vọng của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc.
Làm rõ bối cảnh đã nói ở trên, không khó để mọi người hiểu vì sao Biden và Blinken lại rơi vào “bẫy Tacitus” của dư luận Trung Quốc. Khi Biden và Blinken một mặt đảm bảo với Trung Quốc và nhiều lần nhấn mạnh sự tôn trọng đối với giới hạn và ranh giới đỏ của Trung Quốc, nhưng mặt khác hành động lại đi ngược với lời nói. Những lời hứa của họ đôi khi có thể là thật cũng sẽ không ai tin. Trong sự quan hệ qua lại giữa hai cường quốc, sự tin tưởng lẫn nhau (mutual trust) là vô cùng cần thiết. Ngày 19/6, Dương Đào khi giới thiệu tình hình chuyến thăm Trung Quốc của Blinken, ông cũng đề cập đến việc Trung Quốc tái khẳng định ranh giới đỏ về lợi ích cốt lõi, nhấn mạnh vấn đề Đài Loan là cốt lõi trong lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, là vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ Trung-Mỹ, cũng là nguy cơ nổi bật nhất.
Trước và sau chuyến công du lần này đến Trung Quốc, Blinken cũng tuyên bố rằng: Hoa Kỳ cam kết quay trở lại chương trình nghị sự do hai nguyên thủ đặt ra ở Bali, đồng thời tuân thủ lời hứa “bốn không và không cố ý” của Tổng thống Biden. Tại cuộc họp báo tổ chức vào ngày 19, ông cũng tuyên bố rằng “chính sách một Trung Quốc” của Hoa Kỳ không thay đổi và không ủng hộ “Đài Loan độc lập”. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu chính phủ Mỹ có thể thoát ra khỏi cái “bẫy Tacitus” do chính họ đào ra trong tương lai hay không.
Con đường từ “kẻ địch thật” đến “bằng hữu giả”
Học giả quan hệ quốc tế nổi tiếng Diêm Học Thông đã từng sử dụng thuật ngữ “bằng hữu giả” trong một bài báo được trích dẫn nhiều để tóm lược bản chất của quan hệ Trung-Mỹ kể từ thời Obama.
Ví dụ, Trung Quốc và Hoa Kỳ coi nhau là đối tác thương mại, nhưng trước sự mất cân bằng cán cân thương mại, Hoa Kỳ gây áp lực buộc Trung Quốc đẩy giá đồng nhân dân tệ, nhằm làm tăng khó khăn trong việc xuất khẩu của Trung Quốc để thu được lợi ích tăng giá ngang hàng ở Hoa Kỳ. Chiến lược “bằng hữu giả dối” đề cập đến việc phóng đại bản chất của quan hệ hữu nghị song phương và hứa hẹn bằng lời nói sẽ cải thiện quan hệ một cách có thiện chí, từ đó tăng kỳ vọng của đối phương về hợp tác trong tương lai và tạm thời cải thiện quan hệ song phương. Tuy nhiên, xung đột thỉnh thoảng lại nảy sinh dưới lớp vỏ bọc của tình bạn giả tạo, quan hệ song phương cũng có những lúc thăng trầm.
Trong kỷ nguyên Trump, mọi thứ lại thay đổi. Đặc biệt là sau sự bùng phát toàn cầu của đại dịch covid mới vào năm 2020, chính quyền Trump-Pompeo đã vu khống gọi virus corona mới là “virus Trung Quốc” và cho rằng dịch bệnh đã phá hỏng ưu thế chiến dịch tranh cử của Đảng Cộng hòa, dẫn đến những chuyển hướng bất lợi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Do vậy, bắt đầu từ tháng 5 năm 2020, Trump và Pompeo đã đi trên con đường đạp đổ Trung Quốc, gây áp lực với Trung Quốc và kêu gọi “Chiến tranh Lạnh”. Trung- Mỹ đã từ “bằng hữu giả” trở thành “kẻ địch thật”.
Sau khi chính quyền Biden lên nắm quyền, đã thay đổi cuộc tấn công không giới hạn của chính quyền Trump vào Trung Quốc, mà chuyển hướng khôi phục ở cấp độ khoa trương một số “thể diện” nhưng về bản chất, nó chỉ là đổi bình không đổi rượu. Từ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đến “khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, sửa từ “thoát khỏi Trung Quốc” thành “loại bỏ rủi ro khỏi Trung Quốc” đến hình thành “liên minh các bên”. Chính quyền Biden đã tiếp tục cụ thể các chiến lược “Bỏ cũ lấy mới”, “tìm hở lấp khuyết”, hành vi còn tồi tệ hơn việc chính quyền Trump. Quan hệ Trung-Mỹ như lời bộ trưởng ngoại giao Tần Cương nói “ở mức thấp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao”. Xét trên diện rộng, chính quyền Biden mặc dù đã thoát khỏi thời kỳ coi Trung Quốc là “kẻ địch thật” thời Donald Trump nhưng đã quay trở lại con đường cũ “bằng hữu giả”.
“Ngoại giao hai mặt” của Blinken + Sullivan?
Một mặt khi Blinken đến thăm Trung Quốc, Bắc Kinh và Washington đã đạt được sự đồng thuận về một số vấn đề và hai bên đã đưa ra những tín hiệu tích cực cho mối quan hệ ổn định giữa hai nước. Mặt khác, đồng nghiệp của Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Sullivan cũng gần như cùng lúc đã đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ông bày tỏ quan điểm khác hẳn với chuyến công du Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ, cho biết không kỳ vọng nhiều vào sự đột phá trong quan hệ Trung-Mỹ. Cuộc gặp sắp tới giữa Thủ tướng Ấn Độ Modi và Biden có tầm quan trọng lịch sử thực sự – nó sẽ củng cố hơn nữa quan hệ Mỹ-Ấn. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ luôn sát cánh cùng các đồng minh quan trọng nhất của mình là Nhật Bản và Hàn Quốc để bảo vệ “giá trị quan đồng thuận” và chống lại “bất kỳ hành động xâm lược hoặc khiêu khích quân sự nào có thể xảy ra”.
Trung Quốc có câu nói “một người hát mặt đỏ, một người hát mặt trắng” (tức “lá mặt, lá trái) có vẻ khá phù hợp để miêu tả chuyến đi song song của Sullivan và Blinken đến Đông Á. Tất nhiên, đằng sau điều này có thể phản ánh những khác biệt giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và Hội đồng An ninh Quốc gia về định hướng và lãnh đạo chính sách đối ngoại. Nhưng nếu Blinken và Sullivan đang chơi bài “ngoại giao hai mặt” thì điều này rõ ràng không có lợi cho việc cải thiện quan hệ Trung-Mỹ. Phía Mỹ không ngừng nói xây dựng “rào chắn” cho quan hệ Trung-Mỹ, chẳng qua là để trói tay chân Trung Quốc, còn thực chất là tăng cường hợp tác với các đồng minh khu vực mật thiết hơn. Đây chỉ có thể là chiêu trò tự lừa dối, và các chính trị gia Mỹ sẽ ngày càng lún sâu vào “bẫy Tacitus” trong dư luận Trung Quốc mà thôi. Ngày 16/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rõ: Hoa Kỳ không thể một mặt nói rằng Trung- Mỹ muốn trao đổi đối thoại, mặt khác lại làm tổn hại đến lợi ích của bên kia, không thể nói một đằng làm một nẻo!
Hoa Kỳ đã nói quá nhiều về việc cải thiện quan hệ Trung-Mỹ sau chuyến thăm Trung Quốc của Blinken. Liệu các hành động của Hoa Kỳ có đáp ứng được lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước cũng như kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế hay không còn phụ thuộc vào Biden cùng với Blinken, Sullivan lựa chọn như thế nào.
Tác giả: Vương Bằng, Trợ lý Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Đối ngoại Trung Quốc, Đại học Nhân dân Trung Quốc; Nhà nghiên cứu kỳ cựu của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Đại học Ngoại ngữ Chiết Giang.
Nguồn: 王鹏, 布林肯访华后,三个“意象”可供美方展现诚意时揽镜自照, 澎湃新闻 ∙ 外交学人, 21.6.2023
Làm thế nào để quan hệ Mỹ-Trung không chênh vênh bên bờ vực?
Trong chuyến thăm Trung Quốc, Blinken đã nhắc lại cam kết “bốn không và không cố ý” của chính quyền Biden, tức “không tìm cách thay đổi thể chế của Trung Quốc, không tìm kiếm một cuộc ‘Chiến tranh Lạnh mới’, không chống lại Trung Quốc bằng cách tăng cường củng cố các đồng minh, không ủng hộ “Đài Loan độc lập”, và không có ý định phát sinh xung đột với Trung Quốc. Để quan hệ hai bên tiếp tục duy trì tiến trình “tái tiếp xúc” phía Mỹ cần phải “ngôn hành nhất quán”, tránh tiếp tục gây tổn hại cho sự tin tưởng chiến lược giữa đôi bên. Nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay là thực hiện sự đồng thuận mà nguyên thủ quốc gia hai nước đã đạt được ở Bali, nhằm thúc đẩy sự ổn định trong quan hệ Trung- Mỹ, đưa vềđúng quỹ đạo ban đầu. Phía Trung Quốc cũng nhấn mạnh với Blinken rằng những sự cố ngoài ý muốn cần được xử lý một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và hợp lý.
Không còn nghi ngờ, một chuyến công du của Blinken sẽ khó thay đổi chiến lược đã được thiết lập của Mỹ đối với Trung Quốc. Đôi bên cần cùng hiểu rõ những thách thức mà quan hệ Trung-Mỹ có thể phải đối mặt trong giai đoạn tiếp theo. Xét trong thời gian qua, nhiều lời hứa của Tổng thống Biden và các quan chức cấp cao của Mỹ đối vớiTrung Quốc được đưa ra nhưng đều không được thực hiện đầy đủ, khiến người ta nghi ngờ về sự chân thành của Mỹ trong việc cải thiện quan hệ Trung-Mỹ. Dưới biểu ngữ “loại bỏ rủi ro”, chính quyền Biden đưa nhiều công ty và tổ chức nghiên cứu khoa học Trung Quốc vào “danh sách thực thể” thuộc thẩm quyền của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tăng cường việc kiểm soát xuất khẩu. Hơn nữa còn đưa ra các hạn chế đối với các doanh nghiệp công nghệ cao của Hoa Kỳ đầu tư vào Trung Quốc. Phía Mỹ cũng thông qua phương thức thổi phồng vấn đề “lao động cưỡng bức”, nhân quyền và các giá trị quan khác để buộc các quốc gia phương Tây giảm sự phụ thuộc các nhà cung ứng từ Trung Quốc.
Ngoài bộ phận hành pháp, bên lập pháp Mỹ cũng đang tìm cách gia tăng áp lực lên Trung Quốc, các nghị sĩ “diều hâu” tiếp tục công kích các vấn đề về Trung Quốc. Ở một mức độ lớn hơn, quan hệ Trung-Mỹ đã trở thành nạn nhân của cuộc đấu đá lẫn nhau giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, cả hai bên đều lo lắng bị bên kia cáo buộc là yếu kém trước Trung Quốc. Đáng nói hơn Quốc hội Hoa Kỳ đang cố gắng định hướng xây dựng chính sách về vấn đề Đài Loan, nhưng có không ít đại biểu Quốc hội thiếu hiểu biết nghiêm trọng về tầm quan trọng và sự phức tạp của vấn đề Đài Loan. Vào tháng 4 năm nay, Ủy ban Chọn lọc Hạ viện Hoa Kỳ về Trung Quốc, do Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Gallagher chủ trì, đã tổ chức một trò chơi chiến tranh trên Đồi Capitol về xung đột eo biển Đài Loan. Hành động khiêu khích chiến tranh trắng trợn và khuấy động căng thẳng này không chỉ gây tổn hại đến bầu không khí trao đổi chính trị song phương mà còn làm xói mòn hơn nữa nền tảng dư luận xã hội của quan hệ Trung-Mỹ.
Đúng như Vương Nghị đã nói với Blinken, quan hệ Trung-Mỹ đang ở thời điểm quan trọng, cần phải lựa chọn đối thoại hay đối đầu, hợp tác hay xung đột, quay ngược bánh xe lịch sử không có lối thoát hay xóa bỏ đi làm lại từ đầu càng khó. Trong bối cảnh Mỹ không ngừng tăng cường gây sức ép với Trung Quốc, quan hệ Trung Mỹ rơi vào con đường khiến người ta lo ngại. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger, người đã trực tiếp trải qua Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Lạnh đã cảnh báo vào đêm trước chuyến công du của Blinken tới Trung Quốc rằng quan hệ Trung-Mỹ đang “đứng trên bờ vực thẳm”. Nếu tình thế căng thẳng này tiếp tục được duy trì, xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan có thể sẽ bùng phát. Không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ không có người chiến thắng chân chính trong cuộc chiến giữa hai cường quốc hạt nhân, và nó cũng sẽ làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân hai nước cũng như toàn thế giới. Với tư cách là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Hoa Kỳ, Blinken có trách nhiệm thực hiện những lời hứa mà ông đã đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc. Chính quyền Biden cũng cần thể hiện thành ý cao nhất cùng các hành động tương ứng trong các chính sách đối với Trung Quốc để duy trì nền tảng chính trị tốt đẹp giữa hai nước và ngăn chặn quan hệ hai bên rơi vào kết cục thảm bại./.
Tác giả: GS.TS Triệu Minh Hạo thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Phúc Đán. Hướng nghiên cứu chính của ông gồm: Chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, quan hệ Trung-Mỹ, an ninh và chiến lược quốc tế.
Nguồn: 赵明昊, 布林肯访华,能否让中美关系走下“悬崖顶”?, 国际网, 21.6.2023
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]