BBT – Sau chiến thắng tuyệt đối của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) vào tháng 7/2023, Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố với thế giới về quyết định thôi giữ chức vụ người đứng đầu chính phủ Campuchia, mở đường cho thời kỳ cầm quyền của người con trai Hun Manet. Tuy vậy, điều này có thực sự khiến thời đại Hun Sen chấm dứt hay không? Và liệu rằng ông Hun Sen sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nền chính trị Campuchia như thế nào sau khi tân Thủ tướng Hun Manet lên nắm quyền?
Ông Hun Sen đã nắm quyền điều hành đất nước Campuchia trong 38 năm, trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất thế giới. Theo một báo cáo của AFP vào ngày 3 tháng 8, khi đối đáp lại những người chỉ trích, ông Hun Sen nói rằng việc chuyển giao quyền lực cho con trai ông là một động thái cần thiết để tránh gia tăng mâu thuẫn trong nước.
Vào tháng 5/2023 trước cuộc tổng tuyển cử, chính phủ Campuchia đã tạm thời thay đổi các quy tắc, nói rằng Đảng Ánh Nến (Đảng Sam Rainsy) bị loại vì không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết cho cuộc bầu cử địa phương năm ngoái. Sau khi Đảng Nhân dân Campuchia giành thắng lợi tuyệt đối, ông Hun Sen đã đề nghị Quốc vương Norodom Sihamoni bổ nhiệm con trai Hun Manet làm thủ tướng mới vào ngày 7/8 và lễ nhậm chức chính thức sẽ được tổ chức vào ngày 22/8.
Vẫn chưa biết liệu có thể tránh xung đột sau khi ông Hun Manet kế thừa sự nghiệp của cha mình hay không, do vậy, vai trò và địa vị của ông Hun Sen được chú ý nhiều hơn. “Ngay cả khi từ chức Thủ tướng Campuchia, ông ấy vẫn sẽ giữ chức Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, điều đó có nghĩa là ông ấy sẽ tiếp tục hoạt động trên chính trường. Ông Hun Sen cũng nói rõ rằng nếu Hun Manet thất bại không đạt được những mục tiêu như mong đợi, ông ấy sẽ trở lại làm thủ tướng”. Joycee Teodoro, nhà phân tích Đông Nam Á của Control Risks, một công ty tư vấn về kiểm soát và quản lý rủi ro toàn cầu cho biết. Từ quan điểm này, khó có thể nói rằng “Kỷ nguyên Hun Sen” ở Campuchia đã kết thúc.
Dấu ấn Hun Sen – người đàn ông mạnh mẽ trong những thời điểm khó khăn
Hun Sen vừa bước qua sinh nhật lần thứ 71, đã cầm quyền được 38 năm. Năm 1985, ở tuổi 32, ông lần đầu tiên giữ chức Thủ tướng Campuchia, trở thành nhà lãnh đạo chính phủ trẻ nhất trên thế giới vào thời điểm đó.
Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại của Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải nhận định: “Ông Hun Sen là thế hệ lãnh đạo đầu tiên bước ra từ cuộc chiến ở Campuchia, chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng là hòa bình và ổn định ở đất nước này, dẫn dắt Campuchia từng bước phát triển”.
Cuộc đời của ông Hun Sen có thể coi là mẫu mực của lịch sử chính trị Campuchia cận đại và đương đại: xuất thân là một cậu bé nghèo, tham gia cách mạng và lập công lớn trong cuộc đấu tranh chống Mỹ; ở đỉnh cao quyền lực nhưng cũng trải qua những giai đoạn như cuộc khủng hoảng chính trị năm 1997, và cuối cùng đã đạt được thành công và lên cầm quyền lâu dài từ đó đến nay. Ông thực hiện các chính sách kinh tế thực dụng nhưng bị chỉ trích vì tham nhũng và có quan điểm “chính trị sắt đá”.
Ông Hun Sen sinh vào tháng 8 năm 1952 trong một gia đình nông dân nghèo bên bờ sông Mekong ở Campuchia, phải làm việc trên cánh đồng bông từ khi còn rất nhỏ. Ông rời quê hương năm 13 tuổi, một mình đến Phnom Penh học và ở lại trong chùa cho đến khi học xong trung học cơ sở.
Trong những năm 1960 và 1970, Hoa Kỳ ủng hộ cuộc đảo chính của Lon Nol. Năm 1970, ông Hun Sen, khi đó 18 tuổi, đã gia nhập Lực lượng vũ trang Cách mạng Nhân dân Campuchia trực thuộc “Khmer Đỏ”. Hun Sen bị mất mắt trái vào năm 1975 trong một trận chiến với Quân đội Hoa Kỳ và từ đó ông sử dụng một con mắt giả.
Sau khi chế độ Lon Nol bị lật đổ, bầu không khí giết chóc bên trong “Khmer Đỏ” khiến Hun Sen lo ngại. Năm 1977, ông Hun Sen tuyên bố ly khai khỏi “Khmer Đỏ”, và với sự giúp đỡ của Việt Nam, ông cùng với những người cùng chí hướng đã thành lập “Mặt trận Đoàn kết Dân tộc và Cứu quốc Campuchia”. Tháng 1 năm 1979, chế độ “Khmer Đỏ” bị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại, ông Hun Sen dần bước lên đỉnh cao quyền lực. Từ năm 1979, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng và tham gia đàm phán giải quyết vấn đề Campuchia. Năm 1985, ông lên làm thủ tướng (Campuchia chưa khôi phục chế độ quân chủ).
Năm 1993, dưới sự bảo trợ và giám sát của Liên Hợp Quốc, Campuchia tổ chức cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên, Đảng Bảo hoàng do Ranariddh, con trai của Quốc vương Sihanouk làm Chủ tịch, trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội, Đảng Nhân dân Campuchia của ông Hun Sen đứng thứ hai. Để giải quyết cuộc tranh giành quyền lực giữa hai đảng và giải quyết những thách thức trong quá trình thành lập nội các, theo gợi ý của Quốc vương Sihanouk, Campuchia đã thực hiện chế độ đồng thủ tướng, nghĩa là Hoàng thân Ranariddh và đảng FUNCIPEC của ông này tiếp nhận ông Hun Sen làm đồng thủ tướng. Tuy nhiên, do bất hòa với Ranariddh, ông Hun Sen đã có những hành động cứng rắn vào năm 1997, Ranariddh bị cách chức và buộc phải sống lưu vong. Năm 1998, ông Hun Sen được bầu làm Thủ tướng Campuchia và tái đắc cử nhiều lần cho đến nay.
Người lãnh đạo tái thiết đất nước
“Trong thời kỳ cầm quyền của mình, ông Hun Sen nổi tiếng là người cứng rắn và táo bạo, không chịu khuất phục trước áp lực, đồng thời duy trì chính sách thực dụng và linh hoạt. Ông đã thể hiện quyền tự chủ mạnh mẽ trong việc đối phó với các lực lượng đối lập chính trị trong các vấn đề đối nội của Campuchia cũng như trong đối phó với áp lực từ Hoa Kỳ”, một nhà nghiên cứu cộng tác với Đại học Phúc Đán chia sẻ.
Về chính sách kinh tế, ông Hun Sen coi phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu của mình. Năm 1998, ông định vị chính phủ là một “chính phủ kinh tế”. Trong thời kỳ ông nắm quyền, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Campuchia đã tăng từ 247,3 đô la Mỹ năm 1993 lên 1.786,6 đô la Mỹ vào năm 2022, gấp hơn bảy lần. Năm 2015, Campuchia đã nhảy vọt từ nước có thu nhập thấp lên nước có thu nhập trung bình thấp, Thủ tướng Hun Sen tin rằng nước này sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2030.
Ngoài ra, ông Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia duy trì sức hấp dẫn đáng kể đối với thế hệ trẻ về mặt phổ cập giáo dục và phát triển Internet. Huang Yizhan, cố vấn của Văn phòng Công nghệ Thông tin Liên hợp quốc, từng nhận định rằng trong cuộc bầu cử năm 2022, nhiều thanh niên và trí thức đã chọn bỏ phiếu cho ông Hun Sen, điều này hoàn toàn trái ngược với những kỳ vọng bên ngoài. Huang Yizhan cho rằng ngoài phát triển kinh tế, các biện pháp phòng chống dịch bệnh thành công cũng là một nguyên nhân quan trọng.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Campuchia đạt tỷ lệ tiêm phủ vắc xin cao trong thời gian ngắn nhất, dẫn đầu Đông Nam Á. Sau đó, các hạn chế biên giới cũng đã được dỡ bỏ sớm hơn nhiều nước, giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế một cách hiệu quả, đặc biệt là so với các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam. Chẳng hạn, ở Thái Lan, quốc gia cũng phụ thuộc nhiều vào doanh thu du lịch, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên hai con số, ngược lại ở Campuchia, tỷ lệ này chỉ cao hơn 2-3% so với thời điểm trước đại dịch. Hơn nữa, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Campuchia trong thời kỳ dịch bệnh cũng đi ngược xu hướng và tăng 11,4% vào năm ngoái.
Những điều này đã tạo cho Hun Sen một sự tự tin mạnh mẽ và tiếp tục gây áp lực cho đảng đối lập. Năm 2017, quốc hội đã thông qua luật cho phép giải tán bất kỳ đảng chính trị nào vì lý do an ninh. Sau đó, ông sử dụng quyền hạn mới để yêu cầu Tòa án Tối cao giải tán Đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập. Khoảng 100 thành viên của CNRP đã bị truy tố và một số lãnh đạo của đảng này đã bị trục xuất ra nước ngoài. Năm 2018, Đảng Nhân dân Campuchia của Hun Sen đã giành được tất cả 125 ghế trong Quốc hội sau khi liên minh đối lập chính bị giải tán.
Trên trường quốc tế, ông Hun Sen luôn nổi tiếng với hình ảnh của một nhà lãnh đạo cứng rắn, có xu hướng chống lại sự can thiệp của phương Tây và theo đuổi phong cách quản trị chính trị “bàn tay sắt”… Ông thường gây xôn xao dư luận quốc tế với những nhận xét có phần hơi thái quá của mình. Theo Qatar Al Jazeera, vào tháng 1 năm nay, ông Hun Sen đã khiển trách một số cáo buộc Đảng Nhân dân Campuchia “gian lận phiếu bầu” trong một chương trình phát sóng trực tiếp.
“Ông ấy không ngại nói về những điều “phi thường”, bởi Campuchia không chỉ đạt được hòa bình mà còn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong nhiệm kỳ của mình, đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Trước đại dịch Covid-19, trong gần 2 thập kỷ, GDP của Campuchia đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm gần 8%, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Tất cả những điều này đã giúp ông giành được sự ủng hộ của đa số người dân trong nước.
Nhưng điều này không có nghĩa là chính phủ của Thủ tướng Hun Sen không bị áp lực. Những năm gần đây, ông bị một số lực lượng đối lập trong nước chỉ trích, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Bản thân ông Hun Sen cho rằng nếu tiếp tục cầm quyền có thể sẽ gây ra sự bất bình.
Sự kế thừa của Hun Manet được kiểm soát bởi ông Hun Sen
Có lẽ để xoa dịu tình hình trong nước, ông Hun Sen đã chọn cách lui vào hậu trường vào thời điểm này và ủng hộ con trai trở thành nhà lãnh đạo thế hệ mới của Campuchia. Nhưng điều đáng chú ý là dường như Campuchia đã bước vào thời kỳ thay đổi lớn, những “người cũ” trong nội các của Hun Sen cũng lần lượt giới thiệu và ra mắt những người kế nhiệm thế hệ thứ hai của mình.
Ông Hun Manet, 45 tuổi, có nền tảng giáo dục phương Tây. Ông nhập ngũ năm 1995 và được cử đi du học tại Mỹ, nơi ông trở thành học viên Học viện Lục quân West Point. Sau khi tốt nghiệp, ông chuyển đến Đại học New York để lấy bằng thạc sĩ kinh tế, sau đó lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol ở Vương quốc Anh. Ông cũng đã nhiều lần thăm Mỹ và các nước phương Tây khác nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Campuchia và các nước.
Thời báo Khmer gọi ông Hun Manet là một “nhà lãnh đạo linh hoạt”. “Là nhà lãnh đạo quốc gia trẻ nhất ở Đông Nam Á, có thể nói ông Hun Manet có hiểu biết sâu sắc về những ưu, nhược điểm của hệ thống chính trị phương Đông và phương Tây hơn so với những người khác”. Zhou Shixin cho biết, so với ông Hun Sen, người chịu gánh nặng của lịch sử, “ông Hun Manet sẽ có ít ràng buộc về ý thức hệ hơn trong thời gian cầm quyền của mình, sẽ năng nổ và nhiệt tình hơn, đồng thời sẽ tự tin hơn trong việc thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của Campuchia. Đồng thời, ông cũng sẽ có xu hướng thực dụng, hướng tới tương lai trong việc thúc đẩy các chính sách khác nhau, dành nhiều nguồn lực và năng lượng hơn cho các mục tiêu đã xác định”.
Tuy nhiên, ông Hun Manet sẽ không quá khác biệt so với Thủ tướng Hun Sen. Ông đã nhiều lần tuyên bố rằng các chính sách đối nội và đối ngoại của ông sẽ là sự tiếp nối tinh thần của cha mình. Joyce Teodoro phân tích: “Ông Hun Manet khó có thể tiến hành cải cách chính trị lớn và sẽ tiếp tục đường lối do Thủ tướng Hun Sen đề ra. Xét nền tảng giáo dục phương Tây của Hun Manet, liệu ông ấy có thực hiện nhiều cải cách chính trị hơn trong tương lai không? Chính sách đối ngoại thận trọng để tối đa hóa lợi ích của đất nước sẽ rất đáng để cân nhắc. Ngoài ra, ông Hun Manet cũng cần tìm cách thỏa mãn mong muốn của thế hệ trẻ về cơ hội kinh tế, v.v.”
So với các lãnh đạo chính trị mới ở các nước Đông Nam Á khác, tư tưởng chính trị của ông Hun Manet mang tính “cổ hủ” hơn và ông gần gũi hơn với chế độ quân chủ, Phật giáo và quân đội.
Về phía Thủ tướng Hun Sen, ông dường như đang muốn một điều gì đó trước khi “nghỉ hưu”. Ông nói rằng sau khi những người kế nhiệm mới nhậm chức, “những người lớn tuổi trong Đảng Nhân dân Campuchia sẽ ở bên cạnh họ để hướng dẫn”. Sở dĩ ông Hun Sen nhấn mạnh sẽ không rút lui hoàn toàn khỏi chính trường có thể liên quan đến việc con trai Hun Manet vẫn còn trẻ và cần được hỗ trợ. “Ông Hun Sen cũng có thể hy vọng rằng sự kiểm soát đằng sau hậu trường của chính mình có thể đảm bảo rằng chính phủ mới sẽ không đi chệch khỏi con đường phát triển đã định của đất nước, để duy trì sự ổn định chính sách. Nếu ông Hun Sen rút khỏi chính trường Campuchia ngay lập tức, những người bất đồng chính kiến và các lực lượng đối lập ở Campuchia có thể nổi lên, tạo ra những thách thức cho đường lối chính sách của đất nước và điều đó có thể tạo ra những bất ổn.
Theo một bài viết trên The Diplomat, những thách thức tiềm ẩn mà ông Hun Sen và con trai Hun Manet phải đối mặt trong quá trình chuyển giao quyền lực không chỉ đến từ bên ngoài đảng, mà còn từ bên trong ban lãnh đạo. Hiện tại, các thành viên khác trong nội các của Hun Sen đều lớn tuổi. Ví dụ, Bộ trưởng Quốc phòng hiện tại Tea Banh năm nay đã 77 tuổi, Bộ trưởng Ngoại giao Prak Sokhonn 69 tuổi, Bộ trưởng Bộ Quản lý đất đai, Quy hoạch đô thị và Xây dựng Chea Sophara 70 tuổi và Bộ trưởng Bộ Thương mại Pan Sorasak 68 tuổi. Theo The Cambodia China Times, Thủ tướng Hun Sen nói rằng các thành viên nội các nói trên sẽ từ chức cùng ông. Thời báo Khmer cho biết rằng “có tới 2/3 số bộ trưởng sắp tới sẽ là lớp lãnh đạo thế hệ thứ hai”. Một bài xã luận trên tờ “Thời báo Khmer” đã chỉ ra rằng Đảng Nhân dân hiện đang chuyển đổi từ thế hệ lãnh đạo “thập niên 60 và 70” sang thế hệ trẻ “34 tuổi” dưới sự lãnh đạo của ông Hun Manet, nhưng trong số đó có một số trường hợp ngoại lệ. Bởi chỉ khi thế hệ trẻ thể hiện đủ năng lực, “thế hệ cũ mới có thể yên tâm đặt vận mệnh của đất nước vào tay lớp trẻ”. Ông Hun Sen vẫn tiếp tục giữ chức Chủ tịch Đảng, tuyên bố thẳng rằng: “Nếu con trai tôi không đạt được những mục tiêu như mong đợi, tôi sẽ trở lại giữ chức thủ tướng”.
“Nếu Hun Manet muốn thay thế vai trò của ông Hun Sen trong đảng, ông ấy cần nỗ lực hơn nữa để trấn an các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ của ông Hun Sen… Có thể nói, ông Hun Manet đang cố gắng thay thế Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo đất nước Campuchia trong ít nhất là nhiệm kỳ đầu tiên. Sau đó, ông sẽ dần có sự ủng hộ và hỗ trợ từ các nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền và chính phủ, điều này sẽ thúc đẩy một cách suôn sẻ và ổn định quá trình chuyển đổi chính trị tại Campuchia”.
Chính phủ của tân Thủ tướng Hun Manet trong thời gian sắp tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tờ “The Diplomat” ngày 3/8 cho rằng Campuchia cần duy trì cân bằng ngoại giao và đối phó với áp lực xung đột chính trị. Và một điều quan trọng nữa, trong những năm gần đây, Campuchia bị dính vào các vụ bê bối buôn người, lừa đảo việc làm, lừa đảo xuyên quốc gia…, làm ảnh hưởng đến uy tín ngành du lịch và thu hút đầu tư của Campuchia. Vào năm 2022 và 2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thống kê bảng xếp hạng “chỉ số buôn người” của Campuchia ở mức thấp nhất, điều này đã khiến chính phủ Campuchia phản đối mạnh mẽ. Nhận thấy rõ vai trò quan trọng của ngành du lịch trong việc tạo nguồn thu ngân sách và việc làm tại các địa phương ở Campuchia, chính phủ mới do ông Hun Manet lãnh đạo có thể tiếp tục nỗ lực chống tội phạm, bao gồm hợp tác với các chính phủ nước ngoài và tăng cường đào tạo khi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước./.
Lược dịch: Hoàng Hải
Tác giả: Xu Zhenhua & Yu Lifan, bài viết đăng trên trang mạng ThePaper.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi phản hồi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập qua mail: [email protected]