Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành một trong những trọng tâm chiến lược mới đối với Liên minh Châu Âu (EU). Vị trí chiến lược của khu vực này, cùng với mối quan hệ thương mại và tầm ảnh hưởng chính trị đáng kể, đang thúc đẩy EU tăng cường hiện diện và sự quan tâm. Bên cạnh đó, đây cũng đang là nơi diễn ra cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, EU mong muốn tham gia tích cực và đóng góp vào các vấn đề khu vực, đồng thời thể hiện cam kết phát triển bền vững và quyền con người. Chiến lược này của EU nhằm duy trì tự do và mở cửa khu vực, tăng cường gắn kết với các đối tác, chuyển đổi xanh, quản trị đại dương, kinh tế số, kết nối khu vực, và an ninh. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều triển vọng tích cực, EU vẫn đang đứng trước nhiều thách thức cần phải vượt qua.
Trong nhiều năm phát triển, Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với một thực tế, đó là liên minh này chưa thực sự có một vị trí, vai trò tương xứng với những gì đã và đang làm được. Trong bối cảnh, quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, khu vực châu Á nổi lên trở thành khu vực kinh tế – chính trị sôi động nhất hành tinh, khối này đã có bước đi mới bằng việc đưa ra chính sách xoay trục về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỗi chính sách đưa ra đều có ý nghĩa và mục đích nhất định. Vậy với chính sách này, EU đang có những suy tính và định hướng nào cho sự hiện diện của mình ở khu vực này?
Đối với EU đây không phải là một chiến lược mới nhưng lại là chính sách quan trọng cần được triển khai sớm ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi đang trở thành tâm điểm chiến lược đối với Liên minh châu Âu. Tầm quan trọng kinh tế, chính trị và an ninh của khu vực này đang thúc đẩy EU tăng cường hiện diện và hợp tác. Đồng thời, EU đang có những điều chỉnh trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc để cân bằng tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Từ lâu EU đã có tham vọng hướng về châu Á, tuy nhiên các chính sách trước đó tập trung chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế và để phục vụ cho nhu cầu hợp tác của EU với các nước trên thế giới. Ngày nay, với vai trò, vị trí của mình EU cần một chiến lược sâu sắc và toàn diện hơn tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để gia tăng sự hiện diện cũng như có được sự tự chủ hơn trong các quyết định của mình.
Những nhân tố tác động đến việc EU đưa ra chiến lược xoay trục về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Về vị trí chiến lược, đây là nơi có vị thế quan trọng trong bản đồ địa chính trị thế giới. Đối với EU, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tập trung các đối tác phát triển quan trọng như Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ,…cũng như đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc. Vì vậy, tầm quan trọng về mặt chiến lược của EU đối với khu vực này ngày càng gia tăng. Thêm nữa, trong khoảng thời gian gần đây, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nổi lên trở thành điểm nóng chính trị toàn cầu, là nơi phân chia ảnh hưởng của các siêu cường trên thế giới. EU với mong muốn về sự hiện diện mạnh mẽ hơn và sự tái cân bằng quyền lược với Mỹ, Trung Quốc nên rất có thể trong tương lai, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ trở thành mắt xích quan trọng nhất trong chiến lược phát triển chung của EU và toàn cầu. Bên cạnh ý nghĩa về mặt chiến lược, điều thu hút không chỉ EU mà cả Mỹ chú ý tới khu vực này đó là những tiềm năng về sự phát triển năng động cũng như khả năng thích ứng nhanh với những biến động toàn cầu liên quan tới tác động của đại dịch Covid. Với sự phát triển năng động cùng với những đóng góp chính trị to lớn, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang dần hình thành vai trò then chốt trong việc định hình trật tự thế giới mới.
Về kinh tế, nền kinh tế châu Âu gắn bó sâu sắc với mạng lưới thương mại, đầu tư và cung ứng với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Khu vực này chiếm tới ⅗ dân số với hơn 60% GDP toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu nằm trong top 10 thế giới. Nếu Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với EU gộp lại sẽ chiếm khoảng hơn 70% thương mại hàng hoá dịch vụ toàn cầu, hơn 60% dòng vốn FDI. Là điểm đến lớn thứ 2 của hàng xuất khẩu từ EU, 4 trong số 10 đối tác thương mại lớn nhất của EU nằm ở khu vực này, với hơn 1.600 tỷ USD trao đổi thương mại năm 2019.[1]
Đồng thời, ở khu vực này có các tuyến đường thủy quan trọng đối với thương mại toàn cầu: eo biển Malacca, Biển Đông, eo biển Bat Mandet. Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương quy tụ các nền kinh tế lớn trong đó có tới 7 thành viên của G-20. Ngoài ra, tại đây cũng tập trung các tổ chức kinh tế xã hội lớn trên thế giới như Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Đông Á (EAF), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN),…
Về an ninh – chính trị, với khoảng 80% hàng hóa vào EU quá cảnh qua Ấn Độ Dương,[2] và do đó an ninh của các tuyến đường quá cảnh, tự do hàng hải, quy định của pháp luật là rất quan trọng đối với Liên minh. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thực sự đang diễn ra một quá trình cạnh tranh và hợp tác phức tạp giữa nhiều quốc gia khác nhau. Điểm nổi bật trong tình hình này là sự cạnh tranh và tương tác Mỹ – Trung Quốc, hai quốc gia có ảnh hưởng lớn đến khu vực.
Mỹ thường thúc đẩy mạnh mẽ cho việc duy trì sự ổn định và an ninh trong khu vực này, thông qua việc tạo ra mạng lưới các hiệp định an ninh với các đối tác chính, chẳng hạn như Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ, Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, và tham gia vào các tổ chức như khối ANZUS (Australia, New Zealand, United States Security Treaty – Hiệp ước An ninh Mỹ – Úc – New Zealand).
Trung Quốc cũng đang tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua nhiều cách khác nhau, bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quân đội, và tạo ra các hiệp định thương mại, hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực.
Cả hai quốc gia đều đang cố gắng tạo ra sự cân bằng và tìm kiếm ảnh hưởng lớn trong khu vực. Điều này tạo ra một tình hình cạnh tranh đối kháng đang diễn ra song song với những nỗ lực hợp tác kinh tế và an ninh.
Mặc dù có một số hiệp định an ninh và hợp tác trong khu vực, nhưng chưa có một chế độ đa phương thống nhất về an ninh tập thể. Các quốc gia trong khu vực thường phụ thuộc vào các hiệp định cũng như thỏa thuận song phương để đảm bảo an ninh và ổn định.
Ngoài ra, do trong bối cảnh khu vực còn nhiều phức tạp, nhiều nước trong khu vực này vẫn đang tập trung hiện đại hóa quân đội và tăng cường sức mạnh quốc phòng. Tổng chi phí quốc phòng của các nước trong khu vực gần tương đương với chi phí quân sự của tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu. Ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tập trung 8 quốc gia có lực lượng quân sự với số lượng đông nhất thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Nga, Hàn Quốc, Pakistan, chiếm 29% thị trường vũ khí thế giới.[3]
Thế kỷ của sự hội nhập và phát triển, hợp tác là xu thế để đối phó với nhiều thách thức toàn cầu
Thế giới đang tiến vào một giai đoạn mới của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, với những đặc điểm và tác động sâu rộng chưa từng thấy. Các quốc gia trong quan hệ quốc tế cũng đang điều chỉnh chính sách, chiến lược cho phù hợp với những chuyển động, tác động của kỷ nguyên này, trong đó có những nội dung về hội nhập quốc tế và hợp tác giữa các nước.
Đối với EU, đó là sự tận dụng các lợi thế của mình trong kỷ nguyên này cùng với những tham vọng về sức mạnh kinh tế, quân sự, EU đang từng bước nâng cao vị thế thông qua những chiến lược, chính sách tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – một chiến lược toàn diện bao gồm cả về cơ chế hợp tác kinh tế cũng như trong lĩnh vực an ninh chính trị và quân sự.
Về cơ bản, với chiến lược xoay trục về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, EU mong muốn được hợp tác hơn nữa với các quốc gia trong khu vực này. Với đặc điểm của thời đại hội nhập: hợp tác là xu thế, EU mong muốn sẽ tham gia mạnh mẽ vào quá trình phát triển kinh tế của khu vực, tăng cường sự hiện diện hơn nữa trong một khu vực có vị thế quan trọng bậc nhất của toàn cầu này. Ngoài ra, việc phải tìm cách giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống (thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh nguồn nước,…) cũng như khắc phục những hệ lụy do các chính sách theo chủ nghĩa dân túy và xu hướng bảo hộ gây ra những thách thức không chỉ về nhân lực, vật lực, tài lực, mà còn phải có sự chung tay của nhiều nước lớn trên thế giới trong đó có EU. Các vấn đề kể trên là những thách thức toàn cầu, việc EU nhận thức rõ hơn về vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề này đã dẫn đến sự ra đời của một chiến lược toàn diện hơn tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Quan hệ với Mỹ và Trung Quốc có nhiều sự thay đổi
Từ lâu, EU chỉ mới hiện diện với tư cách là một tác nhân kinh tế ở châu Á rộng hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Những phát triển chiến lược và chính trị trong khu vực này không nằm trong tầm ngắm ngay lập tức của Liên minh. EU vẫn chưa tham gia vào ý tưởng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cũng không xác định các ưu tiên chính sách của mình đối với khu vực. Lý do cho sự do dự này là do mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ của một số quốc gia thành viên EU với Trung Quốc, Liên minh lo ngại rằng làm như vậy sẽ cho thấy sự liên kết chặt chẽ với Mỹ và sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy bị xa lánh?
Như đã biết, Mỹ và nhiều nước EU có mối quan hệ bền chặt từ trong lịch sử và cho đến nay vẫn đang tiếp tục là đồng minh trong khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Do đó các chính sách Mỹ đưa ra đều có ảnh hưởng tới EU và ở đây chính là các chính sách liên quan tới việc tái cân bằng ở khu vực biển Châu Á. Thời Donald Trump, ông thực thi chiến lược theo chủ nghĩa cá nhân chỉ mình nước Mỹ, còn tới thời ông Biden ông muốn quy tụ các nước phương Tây để cùng thực hiện chiến lược đối trọng có hiệu quả với Trung Quốc. EU đã xoay sở để khắc phục những điểm yếu của mình bằng cách dựa vào quan hệ đồng minh truyền thống với Hoa Kỳ. Về mặt chính trị, các đối tác xuyên Đại Tây Dương chia sẻ những lợi ích chung như bảo vệ và mở rộng dân chủ tự do, pháp quyền và thị trường tự do, trong khi phụ thuộc vào NATO về an ninh chung. Tuy nhiên, nền tảng của mối quan hệ EU – Hoa Kỳ đã bị lung lay, vào năm 2011, khi tổng thống lúc đó là Barack Obama tuyên bố “xoay trục sang châu Á”, điều này phản ánh sự thừa nhận của Washington rằng trọng tâm địa chính trị và địa kinh tế trên thế giới đang dịch chuyển về phía Đông. Trong khi EU và Mỹ dường như đã rời xa nhau, thì châu Âu dường như cũng bị rơi vào một vị trí không thoải mái giữa sự cạnh tranh ngày càng cao giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này đặt ra câu hỏi liệu vị thế của châu Âu trước Mỹ có bị giảm sút theo cách nào đó hay không?
Do đó, đối với EU, việc ra đời của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một phần vừa củng cố lại quan hệ với Mỹ vừa thể hiện việc EU muốn được độc lập, dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ và đối trọng với Trung Quốc. Trước đó, đặc biệt kể từ sau Thế chiến II, EU nhận được giúp đỡ nhiều từ phía Mỹ và từ đó bị chi phối theo những quan điểm và chính sách của Washington. Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, EU còn phụ thuộc rất lớn vào an ninh Mỹ do các quốc gia trong Liên minh chưa thể có được sức mạnh quân sự hùng mạnh. Thông qua chiến lược này, EU cũng hy vọng có đủ sự độc lập, không phụ thuộc cả Washington và Bắc Kinh để có thể “tự lực cánh sinh” qua việc thúc đẩy quan hệ với các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Với sự bành trướng và sự trỗi dậy mạnh mẽ, Trung Quốc đang là trung tâm trong các mối quan tâm của EU. Trung Quốc với lãnh thổ rộng lớn, quy mô nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, nền chính trị có sức ảnh hưởng lớn và quy mô dân số hàng đầu thế giới… là một chủ thể có vai trò rất to lớn trên bàn cờ chính trị, kinh tế thế giới.
Quan hệ hợp tác giữa EU và Trung Quốc có truyền thống lâu dài từ các mối quan hệ song phương giữa các nước thành viên EU cũng như với chính liên minh – một mối quan hệ được cho là vốn mang cả rủi ro và cơ hội. Nhận thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và sự quyết đoán ngày càng tăng của nước này – bằng chứng là sự phát triển ở biển Đông, cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung – đã dẫn đến một số động thái chính sách của các quốc gia khác. Để cân bằng giữa sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và ảnh hưởng ngày càng mở rộng của nước này, EU đã tiến tới đề ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đối với nhiều nước, một chiến lược tương tự như vậy thường được coi là chính sách chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh, nhằm kiềm chế sự quyết đoán ngày càng tăng của nước này trong khu vực.
Liên quan tới các chính sách nội bộ và tham vọng của EU
Trước đây, EU đã đưa ra nhiều chính sách liên quan tới vị trí của EU và Châu Á: Các chính sách đối ngoại của EU đã phát triển dần dần kể từ khi nhóm thành lập vào năm 1993, mang lại sự gắn kết nội bộ ngày càng tăng. Năm 2016, EU đã ban hành Chiến lược Toàn cầu của Liên minh Châu Âu (EUGS), thay thế Chiến lược An ninh Châu Âu (được thông qua năm 2003). EUGS nêu bật tầm quan trọng của quyền tự chủ chiến lược đối với EU và nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao uy tín của EU với tư cách là một bên tham gia toàn cầu. Các khía cạnh chính được đề cập là cải thiện an ninh bên trong và bên ngoài; ổn định các quốc gia mong manh trong chu vi của EU; phát triển một cách tiếp cận tổng hợp đối với xung đột và khủng hoảng; thúc đẩy hòa bình và hội nhập; thể hiện cam kết đối với các hệ thống đa phương; và thúc đẩy phát triển bền vững và tôn trọng quyền con người. Ngoài ra, chiến lược này còn nhấn mạnh rõ ràng mối liên hệ trực tiếp giữa sự thịnh vượng của châu Âu và an ninh của châu Á vì thương mại và đầu tư của châu Âu ở châu Á phụ thuộc vào sự ổn định trong khu vực. Tiến trình của EUGS đã được xem xét thông qua các báo cáo thực hiện hàng năm, đã có những lời kêu gọi xây dựng, ban hành một chiến lược mới phù hợp hơn với môi trường đang thay đổi và những thách thức.
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những vấn đề có thể ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của chính các nước châu Âu, chẳng hạn như rủi ro tiềm ẩn của các công nghệ mới nổi, đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và chống lại thông tin sai lệch. Châu Âu, trong nhiều thập kỷ, vừa gánh vác trách nhiệm hiện diện với tư cách là một tác nhân kinh tế ở châu Á, vừa có ý thức rằng làn sóng chính trị quốc tế đã chuyển sang châu Á nói chung và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói riêng, cùng với đó là sự trỗi dậy kinh tế của các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam và Indonesia cùng nhiều quốc gia khác. EU đang cảm thấy cần phải đóng một vai trò lớn hơn ở châu Á, chịu trách nhiệm lớn hơn và có tác động đến các vấn đề của khu vực này.
Các nguyên nhân khác
Các hoạt động của Anh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Tiến trình Brexit được thực thi, Anh tách ra khỏi EU từ năm 2020, chấm dứt hơn 40 năm chung sống trong cộng đồng EU. Việc Anh ra khỏi EU đã khiến cho Anh có sự chủ động hơn trong các chính sách của mình. Đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói riêng và so sánh với các quốc gia EU nói chung, Anh là quốc gia hăng hái nhất, tham gia mạnh mẽ vào an ninh khu vực này. Gần đây đã xuất hiện các tàu chiến của Anh tại Biển Đông đặc biệt là khi Anh cùng với Mỹ và Australia thành lập liên minh AUKUS[4]. Nhận thấy Anh đã ra khỏi EU nhưng lại có sự hiện diện lớn hơn tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và lo sợ bị giảm vai trò ảnh hưởng, EU đã công bố chiến lược hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngay sau khi AUKUS được thiết lập.
Việc thông qua Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) vào năm 2019: ASEAN cũng đã và đang hướng tới một cách hiểu mới về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do sự mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên, cách tiếp cận của ASEAN đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã không phát triển thành một chiến lược mà vẫn là một triển vọng, như tên gọi của AOIP. Chính nỗ lực của ASEAN trong việc đưa ra vai trò lãnh đạo tập thể để duy trì vai trò trung tâm của mình trong khu vực đã khiến EU phải suy nghĩ về sự do dự của chính mình đối với việc xây dựng Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Như vậy, so với Mỹ – quốc gia đi đầu ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, EU đã có những bước đi đột phá nhằm tìm lại sự tự chủ và sự hiện diện xứng với vị trí của mình tại khu vực này. Với chiến lược này, EU đã đưa ra khái niệm mới về phạm vi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, có nhận thức đúng đắn hơn về tương lai của khu vực và thông qua chiến lược một cách nhanh chóng như một phương thức hỗ trợ EU vừa hợp tác vừa cạnh tranh tại khu vực năng động bậc nhất thế giới.
Nội dung trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU
Việc EU tăng cường tham gia vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm mục đích duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở cho tất cả các bên trong quá trình xây dựng quan hệ đối tác bền chặt và lâu dài. Thông điệp cơ bản là EU sẽ tăng cường gắn kết với các đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để ứng phó với các động lực đang nổi lên đang ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực. Cách tiếp cận của EU được thiết kế nhằm thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, một sân chơi bình đẳng, cũng như một môi trường mở, công bằng cho thương mại và đầu tư, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, hỗ trợ kết nối với EU.
Chiến lược này được xây dựng dựa trên các đề xuất vào tháng 4 năm 2021 và phản ánh lợi ích ngày càng tăng của EU đối với sự ổn định của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chủ đề trung tâm của “Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là đa dạng hóa, mở rộng quan hệ đối tác chiến lược ngoài Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, cũng như quan hệ liên vùng với ASEAN.
Với tham vọng tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho các nước thành viên tại khu vực được xem là trung tâm của lợi ích chính trị và kinh tế thế giới, trong phiên họp tháng 4/2021, ngoại trưởng 27 nước thành viên EU đã thông qua Dự thảo chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dự thảo bao gồm 7 lĩnh vực ưu tiên nhằm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và môi trường công bằng cho thương mại và đầu tư. Các lĩnh vực ưu tiên này bao gồm thịnh vượng bền vững và bao trùm:
- Đảm bảo thịnh vượng chung, phát triển bền vững: Hợp tác với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để củng cố chuỗi giá trị, củng cố và đa dạng hóa quan hệ thương mại, thực hiện các hiệp định thương mại hiện có, hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra và phát triển hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược. Tăng cường các quy tắc để bảo vệ thương mại quốc tế chống lại các hành vi không công bằng, chẳng hạn như trợ cấp công nghiệp, ép buộc kinh tế, chuyển giao công nghệ bắt buộc và đánh cắp tài sản trí tuệ.
- Thúc đẩy chuyển đổi xanh: Hợp tác với các đối tác để đấu tranh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu và chống lại sự mất mát đa dạng sinh học, ô nhiễm và các hình thức suy thoái môi trường khác.
- Hợp tác quản trị đại dương: Tăng cường quản trị đại dương trong khu vực tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Tiếp tục hỗ trợ các đối tác trong khu vực chống khai thác IUU và thực hiện các Thỏa thuận đối tác nghề cá bền vững.
- Tăng cường quản trị kinh tế, kỹ thuật số: Mở rộng mạng lưới quan hệ đối tác kỹ thuật số với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khám phá các Thỏa thuận đối tác kỹ thuật số mới tiềm năng. Tăng cường hợp tác về nghiên cứu và đổi mới với các đối tác khu vực có cùng chí hướng trong chương trình ‘Horizon Europe’.
- Thúc đẩy kết nối khu vực: Thúc đẩy kết nối trên nhiều mặt với các đối tác; chú trọng các “đối tác kết nối” với Nhật Bản, Ấn Độ, tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng như ASEAN, mở rộng quan hệ với các đối tác mới gồm Australia, Hàn Quốc; thúc đẩy kết nối với các đối tác Đông Phi và Tây Ấn Độ Dương.
- Duy trì an ninh khu vực: Ưu tiên thúc đẩy một cấu trúc an ninh khu vực mở dựa trên luật lệ, đảm bảo an toàn, an ninh, tự do hàng hải, tăng cường hiện diện hải quân tại khu vực; tổ chức tập trận chung về chống cướp biển, đảm bảo tự do hàng hải; tăng cường hợp tác chống khủng bố, an ninh mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân; chú trọng hợp tác chống tin giả.
- Đảm bảo an ninh con người: Hỗ trợ các hệ thống chăm sóc sức khỏe và chuẩn bị ứng phó với đại dịch cho các quốc gia kém phát triển nhất ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Củng cố cam kết sẵn sàng và giảm thiểu rủi ro thiên tai của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Như vậy, thông qua những nội dung trọng tâm của chiến lược, EU đã xác định những việc cần phải làm tại khu vực này. Đó là:
- Quản lý mối quan hệ của EU với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán,
- Làm sâu sắc hơn quan hệ của EU với các đối tác chiến lược là Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như ASEAN,
- Cố gắng mang lại hòa bình cho Afghanistan trong khi vẫn duy trì những thành quả đạt được từ 18 năm gắn bó,
- Tiếp tục “cam kết quan trọng” của EU với CHDCND Triều Tiên,
- Giải quyết các nguyên nhân gốc rễ và hỗ trợ đưa những người tị nạn Rohingya trở lại Myanmar một cách thích hợp,
- Xây dựng EU với tư cách là một tổ chức an ninh châu Á – Thái Bình Dương
- Bắt đầu tạo ra sự kết nối bền vững hơn giữa châu Âu và châu Á – và trong châu Á – bằng cách xây dựng các mạng lưới giao thông, kỹ thuật số, năng lượng và giao lưu con người.
Chiến lược của EU về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là lời mời đối với các đối tác của EU trong khu vực để cùng nhau giải quyết những thách thức chung, tôn trọng luật pháp quốc tế và bảo vệ các giá trị cũng như nguyên tắc mà EU đã cam kết.
Đánh giá triển vọng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU
Chiến lược tìm cách xây dựng dựa trên các thế mạnh hiện có của EU nhằm đưa EU lên tầm toàn cầu, nhấn mạnh quyền tự chủ chiến lược. Chiến lược đã vạch ra một con đường rất an toàn cho EU, EU đã hết sức thận trọng để đi theo con đường ngoại giao một cách tốt đẹp. Tài liệu đưa ra nhiều cơ hội cho các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để tham gia với EU trong các lĩnh vực khác nhau. Điều này chắc chắn sẽ giúp đảm bảo vai trò nhất định của EU trong khu vực đầy thách thức này.
Mặc dù là một chiến lược mới sâu sắc và toàn diện hơn tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, so với các chính sách trước đó, EU có sự tập trung và mở rộng hơn trong các vấn đề về an ninh. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế chưa thể giải quyết: trong lĩnh vực an ninh đó là về khả năng quân sự chung còn hạn chế của khối và sự tin cậy liên tục vào Mỹ đã làm cho khía cạnh quân sự trong chương trình nghị sự an ninh vẫn chưa được đào sâu. Trường hợp của Trung Quốc, EU chưa có nêu ra biện pháp, phương hướng cụ thể nào đối với khuynh hướng bành trướng của Trung Quốc và với cuộc chiến tranh Mỹ – Trung được đưa ra trước đó.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU được đưa ra trong bối cảnh quốc tế phức tạp, do vậy, EU đã và đang gặp phải nhiều thách thức:
Thứ nhất, Đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc: Để tranh giành sự ảnh hưởng với Bắc Kinh tại khu vực trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Liên minh châu Âu đã chi 8 tỷ EURO ở châu Á cho các dự án kết nối từ năm 2014 đến năm 2020. Các nguồn lực này vẫn thấp hơn nhiều so với con số ước tính 1,3 nghìn tỷ EURO cần thiết mỗi năm để đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mặc dù khả năng huy động vốn tốt hơn đầu tư tư nhân và tập trung vào các dự án có giá trị gia tăng cao.
Thứ hai, Về an ninh, quy mô của lực lượng hải quân châu Âu đã giảm đáng kể trong những thập kỷ qua và châu Âu vẫn phải vật lộn để đối phó với các thách thức an ninh ở khu vực lân cận của họ. Ở đây các quốc gia EU sẽ phải hợp tác và phối hợp với nhau để đảm bảo sự hiện diện hoạt động hiệu quả ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thứ ba, Mặc dù là chiến lược mang tính chất tự chủ nhưng EU cần hợp tác với quốc gia khác đề tăng hiệu quả cho chiến lược. Nếu muốn tác động có ý nghĩa hơn ở khu vực này, EU cần hợp tác với Anh và Mỹ. Với Anh nên xây dựng mối quan hệ hợp tác linh hoạt về các ưu tiên chung như an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và nhân quyền ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Với Mỹ, châu Âu nên tìm cách xây dựng một chương trình nghị sự chung với Washington.
Tiếp theo, vấn đề đến từ nội bộ EU: Sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc đã khiến một số quốc gia thành viên không muốn ủng hộ bất kỳ động thái mạnh mẽ nào chống lại Bắc Kinh.
Năm 2016, Hy Lạp, Hungary và Croatia đặc biệt phản đối tuyên bố cứng rắn của Liên minh châu Âu chống lại các yêu sách hàng hải của Trung Quốc.
Thêm nữa, các nỗ lực của châu Âu có thể bị cản trở bởi những căng thẳng nội bộ giữa chính các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bắt đầu với ASEAN. Khi cuộc khủng hoảng Myanmar gia tăng, ASEAN dường như bị ảnh hưởng đáng kể, do đó có nguy cơ gặp rủi ro đối với quan hệ đối tác chiến lược mới được thông qua với Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, tác động của đại dịch Covid lúc đó khiến cho nền kinh tế thế giới bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ. Điều đó có thể làm cho các quá trình hợp tác kinh tế của EU tại đây bị ảnh hưởng, bước đầu là sự ảnh hưởng về chi phí sản xuất và phương tiện vận chuyển khi mà hàng loạt các cảng lớn ở Trung Quốc đóng cửa.
Bất chấp những trở ngại này, cách tiếp cận mới của Liên minh châu Âu đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một bước đầu tiên đầy hứa hẹn. Được tất cả các quốc gia thành viên nhất trí thông qua, những kết luận này báo hiệu tham vọng của châu Âu trong việc đóng một vai trò tích cực trong khu vực này bằng cách khai thác các chính sách khác nhau và phối hợp tốt hơn với các đối tác cùng chí hướng./.
Tác giả: Nguyễn Thu
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được sự đồng ý. Mọi phản hồi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Kiều Anh (2021), “Bữa tiệc đồng minh” xuyên Đại Tây Dương và lựa chọn của EU giữa 2 ngả Mỹ – Trung, VOV, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bua-tiec-dong-minh-xuyen-dai-tay-duong-va-lua-chon-cua-eu-giua-2-nga-my-trung-842694.vov, [9/8/2023].
- Minh Hải (2021), Vì sao Châu Âu đang xoay trục sang khu vực Châu Á?, Công an nhân dân online, https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/vi-sao-chau-au-dang-xoay-truc-sang-khu-vuc-chau-a–i636244/, [9/8/2023].
- Duy Hoàng (2020), Chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương: Tầm nhìn và thực tiễn, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/820763/chien-luoc-an-do-duong—thai-binh-duong–tam-nhin-va-thuc-tien.aspx, [8/8/2023].
- Phạm Quang Minh (2014), Quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội.
- Phạm Quang Minh và Nguyễn Thị Thuỳ Trang (2021), Quan hệ quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương: tự do và rộng mở, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.
- Hoàng Khắc Nam (2021), Hệ thống cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương: Hiện trạng và những tác động, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/824139/he-thong—cau-truc-khu-vuc-an-do-duong—thai-binh-duong–hien-trang-va-nhung-tac-dong.aspx, [7/8/2023]
- Nguyễn Nhâm (2021), Nhìn lại một năm đầy biến động ở Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, VOV, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhin-lai-mot-nam-nhieu-bien-dong-o-an-do-duong-thai-binh-duong-910773.vov, [9/8/2023].
- Lâm Phương và Phạm Toanh (2021), Chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương của EU, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-eu/17409.html, [7/8/2023].
- Bùi Đại Thắng (2021), Định hình cục diện khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, Báo tin tức, https://baotintuc.vn/the-gioi/dinh-hinh-cuc-dien-khu-vuc-an-do-duong-thai-binh-duong-20211220121445542.htm, [9/8/2023].
- Thanh Trúc (2021), “Dấu mốc” mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Báo điện tử Biên phòng, https://www.bienphong.com.vn/dau-moc-moi-o-an-do-duong-thai-binh-duong-pos%20html, [6/8/2023].
- VTV (2021), Điểm nhấn quan trọng trong chiến lược hợp tác tại Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, Báo điện tử VTV news, https://vtv.vn/the-gioi/diem-nhan-quan-trong-trong-chien-luoc-hop-tac-tai-khu-vuc-an-do-duong-thai-binh-duong-20210926131744032.htm, [5/8/2023].
- Christophe Jaffrelot (2021), The Europe-India Balance Sheet, Institut Montaigne, https://www.institutmontaigne.org/en/publications/europe-india-balance-sheet-trade-mindedness-and-strategic-interests, [5/8/2023].
- Girish Luthra (2021), An Assessment of the European Union’s Indo-Pacific Strategy, ORF, https://www.orfonline.org/research/an-assessment-of-the-european-unions-indo-pacific-strategy/, [9/8/2023].
- Gregory Tiberghien-Römer (2021), Enter EU: The Challenges and Cooperation Potential of the Indo-Pacific Strategy, EIAS, https://eias.org/policy-briefs/enter-eu-the-challenges-and-cooperation-potential-of-the-indo-pacific-strategy/, [7/8/2023].
- Lisa Louis (2020), The outlines of a European policy on the Indo-Pacific, Lowy Institute, https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/outlines-european-policy-indo-pacific, [7/8/2023].
- Modern Diplomacy (2020), India and France Cooperation in the Indo Pacific: Necessity of the Hour; IFCCI, https://www.ifcci.org.in/news/n/news/india-and-france-cooperation-in-the-indo-pacific-necessity-of-the-hour.html, [6/8/2023].
- Pierre Morcos (2021), The European Union Is Shaping Its Strategy for the Indo-Pacific, CSIS, https://www.csis.org/analysis/european-union-shaping-its-strategy-indo-pacific, [10/8/2023].
- Sebastián Contín Trillo-Figueroa (2021), Seeking strategic sovereignty: the EU’s relationship with China and the Indo – Pacific, AsiaGlobal online, https://www.asiaglobalonline.hku.hk/seeking-strategic-sovereignty-eus-relationship-china-and-indo-pacific, [4/8/2023].
- Timothée Albessard (2021), The Implications of the French, German and Dutch Indo-Pacific Strategies for the EU’s Asia Policy, Institute for a Greater Europe, https://institutegreatereurope.com/the-implications-of-the-french-german-and-dutch-indo-pacific-strategies-for-the-eus-asia-policy/, [8/8/2023].