Từng có nhận định cho rằng, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã chuyển một trong những trọng tâm của chiến lược toàn cầu từ Trung Đông sang Trung Phi, nơi cũng sản xuất dầu. Đến nay, nước Mỹ quả thực đã dần rời xa Trung Đông. Nhưng ván cờ của Mỹ ở Châu Phi liệu có thất bại cùng sự thất cử của ông Donald Trump hay không? Chính phủ Tổng thống Biden đã lên kế hoạch gì ở châu Phi? Châu Phi sẽ thực sự là ứng cử viên tiếp theo cho lệnh cấm vận của Mỹ? Cho đến nay, tất cả những gì đã và đang xảy ra trên lục địa đen dường như đang đưa ra câu trả lời mơ hồ.
Ngay cuối tháng 8 vừa qua, một cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra ở Gabon, một quốc gia Trung Phi. Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Gabon, Brice Oligui Nguema, được các thủ lĩnh cuộc đảo chính bổ nhiệm làm lãnh đạo Chính phủ lâm thời. Trong khi Tổng thống bị lật đổ Bongo đã bị quản thúc tại gia và phải tuyên bố nghỉ hưu. Đây là cuộc đảo chính thứ hai ở châu Phi sau Niger vào tháng 8. Kể từ năm 2020, hơn chục cuộc đảo chính và âm mưu đảo chính đã xảy ra trên khắp lục địa châu Phi, liên quan đến nhiều quốc gia gần như trải dài khắp lục địa. Những cuộc đảo chính này chủ yếu xảy ra ở Tây và Trung Phi. Bề ngoài đều là công việc nội bộ của các nước châu Phi nhưng nếu nhất định phải tìm một thế lực bên ngoài có liên quan thì Pháp, nước đã can thiệp vào khu vực này từ lâu, dường như được nhắc đến đầu tiên. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, Mỹ từ lâu đã là sự lựa chọn hàng đầu, không còn là người đứng ngoài cuộc nữa.
Từ Trump đến Biden, tham vọng chiến lược của Mỹ đối với châu Phi
Ngay từ thế kỷ 18, Mỹ đã đưa hàng triệu người da đen từ bờ biển Tây Phi đến các đồn điền Châu Mỹ để làm nô lệ thông qua hoạt động buôn bán nô lệ đen khét tiếng. Vào đầu thế kỷ 20, họ bắt đầu quan tâm đến các nguồn tài nguyên và thị trường của Tây và Trung Phi, đồng thời bắt đầu cạnh tranh với các cường quốc châu Âu. Mỹ đã thiết lập một số quan hệ thương mại và ngoại giao ở những khu vực này cũng như tham gia vào một số hoạt động can thiệp chính trị và hỗ trợ quân sự. Trong Chiến tranh Lạnh, sự tham gia của Mỹ ở Tây và Trung Phi đã trở nên thường xuyên và tích cực hơn. Mục đích chủ yếu để kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô và bảo vệ lợi ích của chính mình và các đồng minh. Mỹ đã hỗ trợ một số nhà độc tài thân phương Tây và các cuộc đảo chính quân sự ở các khu vực này như Obasanjo ở Nigeria, Mobutu ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Habré ở Chad, v.v.. Và thậm chí còn thực hiện một số hoạt động bí mật và chiến đấu đặc biệt ở các khu vực này. Chẳng hạn như hỗ trợ phiến quân nổi dậy trong cuộc nội chiến ở Angola.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự can dự của Mỹ ở khu vực Tây và Trung Phi không hề dừng lại, mà đã giương lên những lá cờ mới như chống khủng bố, chủ nghĩa nhân đạo, dân chủ hóa…Triển khai quân đội và thiết bị quân sự ở những khu vực này để cung cấp huấn luyện và hỗ trợ tình báo cho các nhiệm vụ quân sự chống khủng bố tại địa phương. Ngoài ra, Mỹ cũng sử dụng các căn cứ và cơ sở quân sự của mình ở châu Phi để hỗ trợ các hoạt động chiến lược ở Trung Đông và các nơi khác. Ví dụ, trong cuộc can thiệp quân sự vào Libya năm 2011, Mỹ đã sử dụng các căn cứ quân sự ở các nước châu Phi như Djibouti, Ethiopia, Kenya và Seychelles. Tuy nhiên, họ cũng đã phải đối mặt với nhiều trở ngại và thất bại ở những khu vực này. Đáng chú ý nhất là sự kiện “Black Hawk Down” ở Somalia, “sự kiện Benghazi” ở Libya, “thảm kịch Tongo Tongo” ở Niger.
Trong những năm cuối của chính quyền Donald Trump, Mỹ ngày càng can dự sâu hơn vào Tây và Trung Phi. Vào tháng 8/2020, một cuộc đảo chính quân sự xảy ra ở Mali, lật đổ Tổng thống Ibrahim Keita. Washington đã “lên án mạnh mẽ” và đình chỉ một số viện trợ cho Mali. Nhưng trên thực tế, Mỹ đã có quan hệ chặt chẽ với phe đối lập và quân đội từ trước cuộc đảo chính. Thậm chí có thể là động lực thúc đẩy đứng đằng sau cuộc đảo chính. Mỹ có sự hiện diện quân sự và hoạt động tình báo rộng rãi ở Mali, bao gồm việc thành lập một trong những căn cứ máy bay không người lái lớn nhất châu Phi gần thủ đô Bamako và tiến hành nhiều cuộc huấn luyện, tập trận chung với quân đội Mali. Người lãnh đạo cuộc đảo chính, Đại tá Asimi Goita đã tham gia các chương trình huấn luyện do Mỹ tài trợ.
Sau khi lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Biden không từ bỏ hoàn toàn khuôn khổ chính sách đối với châu Phi dưới thời Trump. Vào tháng 8/2022, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã công bố chiến lược mới của chính quyền Biden đối với châu Phi cận Sahara, nhấn mạnh bốn mục tiêu chiến lược chính. Đó là thúc đẩy một xã hội cởi mở, hiện thực hóa lợi ích dân chủ và an ninh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Hỗ trợ bảo vệ môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Những mục tiêu này có tính liên tục và nhất quán rõ rệt so với ba lĩnh vực ưu tiên được nêu trong Chiến lược đối với Châu Phi của chính quyền Trump công bố vào tháng 12/2018. Thúc đẩy thương mại giữa Mỹ và Châu Phi, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc như Trung Quốc và Nga ở Châu Phi.
Tuy nhiên, chính quyền của ông Joe Biden cũng đã thực hiện một số điều chỉnh và sửa đổi chính sách châu Phi dưới thời ông Donald Trump.
Thứ nhất, về mặt giá trị, chính quyền Tổng thống Biden đã chú trọng hơn những cái gọi là giá trị phổ quát như dân chủ, nhân quyền, pháp quyền của Mỹ và lấy đó làm cơ sở, điều kiện để hợp tác với các nước Châu Phi. Trong chuyến thăm châu Phi, Ngoại trưởng Blinken liên tục ca ngợi các giá trị dân chủ của Mỹ, đồng thời vô cớ cáo buộc các quốc gia như Nga, Trung Quốc và các nước khác thúc đẩy mô hình hợp tác “vô trách nhiệm”, “cướp bóc”, “không minh bạch”, ở châu Phi.
Thứ hai, về mặt kinh tế, chính quyền Tổng thống Biden đã tập trung vào các vấn đề mới như biến đổi khí hậu và an ninh lương thực làm trọng tâm hợp tác với các nước châu Phi. Ông Blinken cho biết, Mỹ sẽ giúp các nước châu Phi tăng sản lượng lương thực và giúp các nước châu Phi giảm bớt vấn đề năng lượng do xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra bằng cách thúc đẩy cộng đồng quốc tế tăng sản lượng dầu và các phương thức khác.
Thứ ba, về mặt an ninh, chính quyền của ông Biden tuyên bố ưu tiên giải quyết xung đột, khủng hoảng ở châu Phi thông qua các cơ chế đa phương và tổ chức khu vực, đồng thời giảm bớt can thiệp quân sự trực tiếp. Tháng 8 năm nay, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các tổ chức khu vực như Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) trong việc khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger và các quốc gia khác xảy ra đảo chính. Bên cạnh đó cũng kêu gọi các nước châu Phi chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc duy trì hòa bình và an ninh.
Mặc dù chiến lược châu Phi mới của Mỹ có vẻ ôn hòa và thực dụng nhưng ẩn đằng sau là những tham vọng chiến lược và can thiệp của Washington vào châu Phi.
Một là, kiểm soát tài nguyên: Một trong những bố trí và quy hoạch chiến lược của Mỹ ở châu Phi là kiểm soát các nguồn tài nguyên phong phú của châu lục này, đặc biệt là các nguồn tài nguyên chiến lược như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và đất hiếm. Các đồng minh chính của Mỹ ở châu Phi như Niger, Chad, Nigeria, Angola và các nước khác đều là các nước sản xuất dầu mỏ. Mỹ thông qua thiết lập hợp tác quân sự và kinh tế với các nước này để đảm bảo nguồn cung và ảnh hưởng của mình đối các quốc gia có dầu mỏ ở Châu Phi. Đồng thời nỗ lực ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Châu Phi.
Hai là, việc Mỹ triển khai lực lượng tại chỗ: Dưới danh nghĩa duy trì an ninh và ổn định ở châu Phi, đặc biệt là chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Mỹ đã triển khai một số lượng lớn các lực lượng đặc biệt và máy bay không người lái ở châu Phi, thiết lập cái gọi là cơ chế hợp tác chống khủng bố với các nước châu Phi. Mượn việc tấn công và sức ảnh hưởng của các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở châu Phi như một lá cờ, hiệu quả thực tế là nhằm hạn chế các đối thủ cạnh tranh như Nga. Đặc biệt ở các quốc gia mà Nga có lợi ích lớn như Cộng hòa Trung Phi, Mỹ đã phá hoại các dự án hợp tác và kế hoạch đầu tư của Nga ở châu Phi bằng cách hỗ trợ phe đối lập hoặc gây áp lực lên Chính phủ.
Ba là, thúc đẩy ý thức hệ: Mỹ ra sức quảng bá các giá trị quan dân chủ Mỹ ở châu Phi, đặc biệt cái gọi là giá trị phổ quát như nhân quyền, pháp quyền, tự do .v.v.. Chính quyền Washington đã hỗ trợ nhiều phong trào dân chủ hóa và các cơ quan giám sát bầu cử ở châu Phi. Đồng thời thiết lập cái gọi là cơ chế hợp tác dân chủ với các nước châu Phi để “thúc đẩy” cải cách chính trị và chuyển đổi dân chủ ở các quốc gia nới đây. Trong khi đó, Mỹ đã cố gắng tìm cách ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển hoặc hợp tác kinh tế ở châu Phi, đặc biệt là ở các quốc gia có lợi ích đáng kể của Trung Quốc như Ethiopia.
Đảo chính và cạnh tranh, Mỹ đối mặt thách thức và khó khăn ở châu Phi
Mặc dù Mỹ ở Tây và Trung Phi có thể được coi như là người tính toán cục diện. Nhưng điều đó không có nghĩa là Washington có thể dễ dàng đạt được các mục tiêu và lợi ích của mình ở châu Phi. Ngược lại, một loạt các cuộc đảo chính gần đây ở châu Phi đã phơi bày nhiều thách thức và khó khăn mà nước này phải đối mặt.
Trước hết, cục diện và kế hoạch chiến lược của Mỹ ở châu Phi thường mâu thuẫn với ý thức chủ quyền và nhu cầu phát triển của các nước lục địa đen, khiến Mỹ gặp phải sự phản kháng và phản đối của nhiều quốc gia ở đây. Cụ thể, những giá trị phổ quát do Mỹ đề cao ở châu Phi thường không phù hợp với văn hóa chính trị, truyền thống xã hội của các nước này. Điều đó dẫn đến sự bất mãn và phản cảm của người dân trong nhiều quốc gia châu Phi. Ví dụ, Mỹ đã cố gắng thúc đẩy quyền của người đồng tính và hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở một số quốc gia châu Phi như Kenya, nhưng đã bị nhiều thủ lĩnh bộ lạc và nhóm tôn giáo châu Phi phản đối mạnh mẽ. Sự can thiệp quân sự của Mỹ vào châu Phi thường không phù hợp với lợi ích an ninh và nhu cầu ổn định của các quốc gia nơi này. Chẳng hạn như việc Mỹ thành lập các căn cứ hoặc cơ sở quân sự ở châu Phi đã làm dấy lên sự bất an và phản đối từ nhiều nước bản địa. Nơi vốn cho rằng Mỹ đang can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia và đe dọa chủ quyền, an ninh của họ. Hợp tác kinh tế do Mỹ thực hiện ở châu Phi thường mâu thuẫn với chiến lược phát triển và mục tiêu công nghiệp hóa của các nước châu Phi. Ví dụ như việc Biden đưa ra kế hoạch “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021. Ông đưa ra tuyên bố rằng sẽ đầu tư hơn 40 nghìn tỷ USD vào xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ các nước đang phát triển trong 10 năm tới, trong đó có châu Phi. Nhưng kế hoạch đưa ra lại thiếu chi tiết cụ thể. Với kinh phí thực hiện năm đầu tiên chỉ là 6 triệu USD đã cho thấy điều này còn xa mới đạt được sự tiến bộ vững chắc của sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Tiếp đó, sự phức tạp và hay bất ổn của khu vực châu Phi đã gây thêm nhiều khó khăn và rủi ro cho chiến lược châu Phi của Mỹ. Các phong trào dân chủ hóa được Mỹ hậu thuẫn ở châu Phi thường mâu thuẫn với chủ nghĩa dân tộc và tình cảm tôn giáo ở nơi đây, gây ra nhiều bất ổn và xung đột hơn. Năm 2019, Mỹ ủng hộ các cuộc biểu tình do phe đối lập ở Sudan phát động, buộc Tổng thống al-Bashir phải từ chức, gây ra các cuộc đối đầu giữa quân đội và dân thường Sudan khiến hàng trăm người chết và bị thương. Đồng thời làm gia tăng sự đối đầu giữa các dân tộc, khu vực và các nhóm tôn giáo khác nhau ở Sudan, đe dọa nghiêm trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và ổn định xã hội của Sudan. Các lực lượng quân sự do Mỹ triển khai ở Châu Phi đôi khi cũng phải chịu thương vong nặng nề và gây tổn hại cho những người vô tội khi đối đầu chống lại các tổ chức khủng bố và lực lượng cực đoan địa phương. “Black Hawk Down” là ví dụ điển hình nhất. Viện trợ và cho vay của Mỹ ở Châu Phi thường gắn liền với nạn tham nhũng và nghèo đói ở khu vực, gây lãng phí nhiều nguồn lực và giảm sự tín nhiệm.
Khó khăn nhất là Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh, thách thức từ các cường quốc như Pháp, Nga, Trung Quốc ở châu Phi. Pháp là đồng minh châu Âu quan trọng nhất của Mỹ ở châu Phi nhưng cũng là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ ở đây. Pháp đang cố gắng duy trì ảnh hưởng ở châu Phi nơi là đại bản doanh căn cứ thuộc địa và củng cố lợi ích của mình thông qua can thiệp quân sự, viện trợ kinh tế và phổ biến văn hóa. Đồng thời mượn sức mạnh liên minh châu Âu để cân bằng ảnh hưởng của Mỹ ở châu Phi, thiết lập các cơ chế đối thoại và hợp tác với các cường quốc khác, chẳng hạn như Trung Quốc.
Nga là một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Mỹ ở châu Phi. Nga đã sử dụng lợi thế quân sự và kinh nghiệm chính trị của mình để tích cực can thiệp vào các cuộc xung đột nội bộ ở Cộng hòa Trung Phi, Mali, Sudan và các nơi khác. Đồng thời, Nga mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi bằng cách bán vũ khí, cung cấp nhân viên an ninh và huấn luyện quân đội v.v.., hợp tác với các cường quốc khác trong lĩnh vực năng lượng, khai khoáng và lĩnh vực khác.
Khi làn sóng đảo chính lan rộng, liệu Biden còn có thể lật ngược thế cờ?
Tất cả những điều trên dường như đang làm xáo trộn thế cờ châu Phi mà Mỹ đã từng bước dựng lên dưới thời Trump. Nhưng rõ ràng là Biden, người điềm tĩnh và tinh tế hơn Trump không phải là đang thu thập tàn dư, mà là muốn lật ngược thế cờ, hoặc thậm chí mở ra một khởi đầu mới. Kể từ khi Biden lên nắm quyền, ông thậm chí còn chú ý đến châu Phi nhiều hơn hơn chính quyền Donald Trump. Bản thân ông Biden đã có bài phát biểu qua video tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 34 và chủ trì hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi vào tháng 12/2022. Ngoại trưởng Blinken cũng đã đến thăm châu Phi ba lần. Chính phủ Biden cũng cam kết cung cấp hỗ trợ nhiều hơn cho châu Phi về vắc-xin, viện trợ nhân đạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, hợp tác khí hậu và nhiều lĩnh vực khác.
Ngoài các vấn đề công khai bên ngoài, các dòng chảy ngầm của chính trị châu Phi ngày càng hiện lên dấu chân của Mỹ. Tháng 4/2021, ngay sau khi Biden nhậm chức, Tổng thống Idris Deby đã bị sát hại trong một cuộc đảo chính quân sự ở Chad. Đúng vậy, đó là tổng thống Deby, người đã đấu tranh quyết liệt với Trump và khôi phục quan hệ ngoại giao với Israel dưới sự hòa giải trung gian của của ông. Chính phủ Biden đã nhanh chóng công nhận Ủy ban Quân sự Lâm thời do con trai ông, Mahamad Deby lãnh đạo, và đã gửi một đội ngũ ngoại giao đến Chad để đảm bảo rằng lợi ích của họ ở Chad không bị tổn hại. Nó bao gồm bảo vệ nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào của Chad khỏi sự cạnh tranh từ các quốc gia như Nga, Trung Quốc và sử dụng Chad như một địa điểm trung chuyển để tiến hành các hoạt động quân sự ở Trung Đông và Bắc Phi.
Tháng 9/2021, một cuộc đảo chính quân sự ở Guinea đã chứng kiến việc bắt giữ Alpha Conte, tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử Guinea. Phản ứng công khai của Mỹ đối với cuộc đảo chính là vô cùng lạnh nhạt, chỉ lên án bạo lực và vi hiến đồng thời kêu gọi bảo vệ nhân quyền và dân chủ. Guinea là một trong những nước xuất khẩu bauxite lớn nhất thế giới và là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Trung Quốc ở châu Phi. Trung Quốc có nhiều dự án đầu tư và cho vay ở Guinea trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng và khai thác mỏ. Lợi ích của Mỹ ở Guinea là tương đối nhỏ, chủ yếu là phát triển khai thác một số mỏ dầu và vàng. Tuy nhiên, giới truyền thông Mỹ tiết lộ lực lượng đặc biệt Guinea đã được lực lượng đặc nhiệm lục quân Mỹ huấn luyện trước khi tiến hành đảo chính. Mỹ có thể muốn tận dụng cơ hội này để làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc ở Guinea hoặc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với chế độ mới.
Cựu Tổng thống Gabon Ali Bongo, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính cách đây không lâu, luôn có thái độ rất thân thiện với Trung Quốc. Cha của ông, cựu Tổng thống Bongo Sr., chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1974. Nguyên thủ quốc gia hai nước đã nhiều lần trao đổi chuyến thăm, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và các lĩnh vực khác. Người đứng sau cuộc đảo chính ở Gabon vẫn còn chưa xác định, nhưng chắc chắn nó phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Phi.
Liệu hàng loạt cuộc đảo chính gần đây ở châu Phi có mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ hay không? “Thanh giả tự thanh, tục giả tự tục” sớm muộn mọi người đều biết. Tuy nhiên, từ lập trường tiêu chuẩn kép của Mỹ trong việc ủng hộ những kẻ độc tài và đàn áp những người dân chủ trong một số cuộc đảo chính, có thể thấy chính quyền Biden đang xem xét nghiêm túc về châu Phi. Cục diện chính sách chưa loại bỏ hoàn toàn tham vọng về châu Phi dưới thời Trump.Về bản chất họ vẫn lấy lợi ích của Mỹ là trung tâm, chiến lược Mỹ là mục tiêu; bỏ qua cái gọi là giá trị phổ quát mà họ luôn rao giảng. Mặc dù chính quyền Biden nhấn mạnh quan hệ đối tác và hợp tác với các nước châu Phi trong chiến lược châu Phi mới của mình, nhưng trên thực tế, họ vẫn coi châu Phi là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu của mình. Thậm chí đây còn là điểm tựa chiến lược chống lại các cường quốc khác như Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu này, Mỹ thậm chí sẽ dùng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm can thiệp chính trị, hỗ trợ quân sự, trừng phạt kinh tế và tuyên truyền dư luận nhằm cố tình quấy nhiễu cục diện ở châu Phi, với ý đồ giành chiến thắng trong sự hỗn loạn. Các cuộc đảo chính ở quốc gia Tây Phi gần như đã nở rộ khắp nơi và có dấu hiệu lan sang Trung Phi.
Nhà Sử học người Mỹ Edward Baptiste đã chỉ ra trong cuốn sách “Tội lỗi nguyên thủy được che đậy: Sự trỗi dậy của chế độ nô lệ và chủ nghĩa tư bản Mỹ” đã chỉ ra rằng nước Mỹ hiện đại là quốc gia có lợi ích lớn nhất trong buôn bán nô lệ da đen ở châu Phi. Sau vài thế kỷ, khi trăm năm không có biến cục lớn nào xảy ra, liệu quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, vốn đang có tốc độ phát triển kinh tế chậm chạp và khả năng phục hồi yếu kém, có một lần nữa hướng ánh mắt về phía lục địa nghèo nàn với tài nguyên khoáng sản phong phú, nguồn nhân lực dồi dào này không? Vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Trương Quân Lương (张鋆良), giảng viên Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Đông Nam (Trung Quốc)
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của một học giả Trung Quốc, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ qua địa chỉ mail: [email protected]