Giữ truyền thống tất cả các đời Tổng thống Mỹ đều sang thăm Việt Nam kể từ khi bình thường hoá quan hệ, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden trong 2 ngày 10, 11/9 đến Hà Nội mang ý nghĩa lịch sử khi chính thức nâng cấp quan hệ ngoại giao của hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện, vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững. Tổng thống Mỹ khẳng định Việt Nam và Mỹ là những đối tác quan trọng vào thời điểm cực kỳ quan trọng đối với thế giới. Việc nâng cấp mối quan hệ đem lại nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển về công nghệ cho Việt Nam nhưng cũng tồn tại không ít thách thức đối với Hà Nội trong việc cân bằng mối quan hệ với các nước lớn, bởi mối quan hệ giữa Việt – Mỹ đã ngang hàng với mối quan hệ giữa Việt Nam với 4 đối tác chiến lược toàn diện trước đó gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước
Đầu tiên, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Mỹ đối với Việt Nam. Lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sự kiện khẳng định Mỹ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam cũng như vị trí, vai trò của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là một trong những tiền đề quan trọng cho việc cả hai nước nhất trí nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất – Đối tác chiến lược toàn diện. Mỹ cũng khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”.
Hơn thế nữa, mặc dù nhận được thông tin Việt Nam đang bí mật đàm phán một thoả thuận vũ khí mới với Nga, bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế. Nhưng thái độ của Mỹ vẫn khá “ôn hoà”. Jon Finer giải thích rằng Việt Nam và Nga đã hợp tác quân sự trong nhiều thập kỷ nhưng “người Việt Nam ngày càng bất an” về mối quan hệ này. Ông cho rằng Washington và các đồng minh có thể giúp Hà Nội “đa dạng hoá đối tác” trong bối cảnh chính trị bất ổn[1].
Tiếp đó, việc nâng cấp quan hệ “vượt cấp” từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược toàn diện” mở ra nhiều tiềm năng hợp tác trong tương lai. Đúng với nhiều dự đoán của giới chuyên gia và học giả, Việt Nam và Mỹ sẽ nhân dịp kỉ niệm 10 năm thiết lập đối tác toàn diện để nâng cấp mối quan hệ lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, trái với những dự đoán nâng cấp lên thành “đối tác chiến lược”, hai nước đã nâng cấp thẳng mối quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”.
Hiện nay, hệ thống cấp độ trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam gồm có Đối tác toàn diện, Đối tác Chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam mới chỉ thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện với 5 quốc gia là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ. Khác với mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đi lên theo từng bước cụ thể, hai nước thiết lập đối tác toàn diện năm 2001, đối tác chiến lược năm 2009 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2022[2]. Quá trình này đã mất 21 năm để từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện. Trong khi đó, mối quan hệ Việt Nam – Mỹ chỉ mất 10 năm để đạt được điều tương tự. Điều đó đủ để cho thấy sự coi trọng lẫn nhau trong mối quan hệ giữa hai quốc gia và tiềm năng phát triển trong tương lai.
Trong tuyên bố chung sau hội đàm, cả hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia đã khẳng định việc nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững. Các nội hàm của mối quan hệ đối tác mới kế thừa những nội dung hiện có và đưa lên một tầm cao mới thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học – công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Ngoài ra, trong tuyên bố chung Tổng thống Mỹ Joe Biden còn nhấn mạnh tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho ngành công nghiệp bán dẫn, đầu tư, thương mại, giáo dục, khủng hoảng khí hậu, y tế, tội phạm v…v[3]. Việc nâng cấp mối quan hệ cũng sẽ tạo động lực cho việc thu hút thêm nhiều vốn FDI từ các tập đoàn ở đa dạng các lĩnh vực của Mỹ vào Việt Nam.
Khai thông những cơ hội hợp tác tiềm năng
Trước chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, mối quan hệ đối tác giữa hai nước chưa tương xứng với những kết quả trao đổi, hợp tác của hai bên.
Mối quan hệ Việt – Mỹ xuất phát từ sự thù địch từ nửa cuối thế kỷ XX tới bình thường hoá quan hệ vào năm 1995, nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện vào năm 2013. Đặc biệt trong 10 năm của mối quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, đồng thời là đối tác lớn nhất ở khu vực. Tăng trưởng thương mại giữa hai nước năm 1995 mới chỉ dừng lại ở 450 triệu USD nhưng đến năm 2022 đã lên tới 123 tỉ USD[4]. So sánh với các nước đối tác chiến lược toàn diện khác, mặc dù đã nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2012 nhưng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Nga mới chiếm chưa tới 1% tổng thương mại mỗi nước, thương mại hai chiều năm 2022 đạt 3,55 tỷ USD[5], hợp tác giữa hai nước chủ yếu vẫn ở lĩnh vực quốc phòng. Kim ngạch thương mại Việt – Ấn đạt kỉ lục vào năm 2022, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức 15,05 tỉ USD[6]. Vì vậy, phía Mỹ đã trong thời gian qua đã nhiều lần bày tỏ mong muốn nâng cấp mối quan hệ Việt – Mỹ lên một tầm cao mới nhằm tương xứng với thương mại giữa hai nước và là cơ sở cho những hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai. Cụ thể hơn, ngoài lĩnh vực kinh tế, các lĩnh vực chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng cũng có nhiều tiềm năng tăng cường hợp tác.
Bên cạnh đó, khi nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phát triển chậm lại cùng với việc Chính quyền ông Tập Cận Bình ngày càng tăng cường các hoạt động gây hấn ở Biển Đông, Tổng thống Biden muốn chứng tỏ Mỹ là một đối tác tin cậy, và đáng tin cậy hơn Trung Quốc[7].
Những lĩnh vực hợp tác trọng tâm
Chất bán dẫn và đất hiếm, trọng tâm mới trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ. Trong thông báo được đăng trên trang web của Nhà Trắng đã đặt hợp tác chuỗi cung ứng chất bán dẫn cho ngành công nghiệp ở vị trí đầu tiên trong loạt sáng kiến nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác trong tương lai. Mỹ công nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đặc biệt là mở rộng năng lực ở các đối tác tin cậy, những nơi không thể chuyển về Mỹ. Biên bản ghi nhớ hợp tác mới được ký về chuỗi cung ứng chất bán dẫn, lực lượng lao động và phát triển hệ sinh thái qua đó mở rộng năng lực của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam, từ đó cũng hỗ trợ ngành công nghiệp của Mỹ. Trong khuôn khổ Quỹ đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế (ITSI) do Đạo luật CHIPS 2022, Mỹ sẽ hợp tác với Việt Nam để phát triển hơn khung pháp lý cũng như nhu cầu về lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng hiện tại của Việt Nam[8].
Tháp tùng Tổng thống Biden tới Việt Nam có nhiều giám đốc điều hành những tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Google, Intel, Amkor, Boeing v…v sẽ có cuộc gặp với các giám đốc điều hành các công ty công nghệ Việt Nam tại Hà Nội, hứa hẹn những bản hợp đồng, bản ghi nhớ giữa các tập đoàn của hai nước. Vietnam Airlines dự kiến sẽ ký thoả thuận ban đầu mua khoảng 50 máy bay phản lực Boeing 737 Max trị giá khoảng 10 tỷ USD. Theo Đạo luật CHIPS 2022, Chính phủ Mỹ dành ra 100 triệu USD mỗi năm trong 5 năm để hỗ trợ chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Các quan chức Mỹ cho biết một phần lớn trong số đó có thể tới Việt Nam[9].
Jon Finer, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, thông báo rằng sẽ công bố sự hợp tác mới về chất bán dẫn giữa hai quốc gia. Hai bên sẽ tổ chức các cuộc đàm phán chi tiết về nguồn cung cấp đất hiếm được sử dụng trong sản xuất các thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh, pin ô tô điện. Với trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc kết hợp với việc vào tháng trước Tổng thống Biden đã có động thái hạn chế đầu tư của Mỹ vào công nghệ Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm bao gồm chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo, Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong việc ổn định chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu[10].
Hiện tại, chỉ có 12% nhu cầu về chip bán dẫn được sản xuất tại Mỹ, 88% còn lại là từ nguồn chip nhập khẩu, phần lớn đến từ Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung trên tất cả các lĩnh vực và đặc biệt là cuộc chiến thương mại đã và đang đe doạ nguồn cung chip bán dẫn của Mỹ. Vì vậy, Mỹ đang tìm kiếm những đối tác sản xuất chip khác ngoài Trung Quốc nhằm đa dạng hoá nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một nguồn duy nhất và Việt Nam đã được Mỹ lựa chọn là nơi tin cậy để sản xuất và cung ứng chip cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc Mỹ lựa chọn Việt Nam bởi các lí do như nền kinh tế phát triển phát triển năng động, lao động rẻ, cơ sở hạ tầng đang được quan tâm đầu tư, các chính sách thuận lợi của Chính phủ và cuối cùng là có nguồn dự trữ đất hiếm – thành phần quan trọng để sản xuất chip bán dẫn, lớn thứ hai thế giới. Trong chuyến thăm Việt Nam vào hồi T7/2023, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn[11].
Hợp tác kinh tế tiếp tục được thúc đẩy. Với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hai nước tiếp tục khẳng định những cam kết chung về sự thịnh vượng khu vực thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế. Các khoản đầu tư mới bao gồm cả tài chính lẫn chuyên môn liên quan tới việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục được phía Mỹ tăng cường, bao gồm cả nguồn vốn công cũng như nguồn vốn từ khu vực tư nhân.
Thương mại nông nghiệp cũng sẽ là một lĩnh vực được quan tâm trong thời gian tới. Tiêu biểu có mặt hàng bưởi Việt Nam gần đây được được cấp quyền xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Các loại nông sản khác cũng đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường tương tự.
Đồng thời Mỹ cũng đang có kế hoạch tạo điều kiện cho các bên tiếp cận nguồn vốn vay. Ví dụ: Các dự án mới của DFC, như tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (100 triệu USD), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (300 triệu USD) và Quỹ Beacon (50 triệu USD), nhằm mục đích mở rộng cơ hội cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, do phụ nữ điều hành[12]. Những động thái này nhằm hỗ trợ các doanh nhân nữ và tập trung nhiều vào vấn đề biến đổi khí hậu, triển khai các nguồn năng lượng tái tạo.
Thách thức đối với quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai
Trả lời trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Hà Nội ngày 10/9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden phủ nhận việc tăng cường quan hệ với Hà Nội là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm kiềm chế Trung Quốc. “Thực sự mục đích của chuyến đi này không phải là kiềm chế Trung Quốc. Tôi không muốn kiềm chế Trung Quốc. Tôi chỉ muốn đảm bảo rằng chúng ta có mối quan hệ với Trung Quốc đang ngày càng phát triển, bình đẳng và mọi người đều biết điều gì đang diễn ra”[13]. Tuy vậy, những động thái trong thời gian qua của chính quyền Washington với những đối tác khác khiến Trung Quốc không khỏi lo lắng. Washington đã mở rộng hợp tác với Australia, Ấn Độ và Philippines bằng các chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của nguyên thủ nước này đến Mỹ, bên cạnh đó là cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc tại Trại David để củng cố liên minh ba bên[14]. Thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là một động thái tiếp nối xu hướng, và đó cũng cấp bậc quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam, ngang hàng với quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với 4 đối tác khác bao gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Vào ngày 5/9, ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu tại Hà Nội. Theo Reuters đăng tải, chủ tịch Tập Cận Bình sự kiến sẽ thăm Việt Nam trong thời gian sắp tới[15]. Những cuộc gặp đã và chuẩn bị có thể diễn ra giữa lãnh đạo các cấp của hai nước có thể nhằm thể hiện sự lo lắng của Trung Quốc và khẳng định lại mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường hợp tác không chỉ với Việt Nam mà còn với các đồng minh lâu năm của họ. Để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên với lợi ích của quốc gia dân tộc, Việt Nam cần tiếp tục hoạch định chính sách đối ngoại nhất quán, linh hoạt nhằm cân bằng mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Bởi Việt Nam đề có quan hệ thương mại bền chặt với cả hai quốc gia, kim ngạch thương mại hàng hoá song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc năm 2022 đạt 230 tỷ USD[16]. Đặc biệt là với các hoạt động hợp tác về an ninh, quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh quan hệ Việc – Mỹ đã lên một tầm cao mới./.
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Mọi trao đổi học thuật cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Saskia O’Donoghue (2023), “Biden in Vietnam: US President not trying to start a ‘cold war’ with China”, Euronews, https://www.euronews.com/2023/09/10/biden-in-vietnam-president-wants-to-usher-in-an-era-of-even-greater-cooperation
[2] Sở Ngoại vụ Bình Định (2022), 30 năm quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc”:Một hành trình lịch sử, https://songoaivu.binhdinh.gov.vn/vi/news/hop-tac-quoc-te/30-nam-quan-he-viet-nam-han-quoc-mot-hanh-trinh-lich-su-638.html
[3] Báo Lao động (2023), Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư và Tổng thống Mỹ tại họp báo sau hội đàm, https://laodong.vn/thoi-su/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-va-tong-thong-my-tai-hop-bao-sau-hoi-dam-1239917.ldo
[4] Ngọc Vân (2023), “Điểm sáng kinh tế – thương mại trong quan hệ Việt – Mỹ”, Báo Lao động, https://laodong.vn/thoi-su/diem-sang-kinh-te-thuong-mai-trong-quan-he-viet-my-1239641.ldo
[5] Lê Hồng Nhung (2023), “Kim ngạch Việt – Nga mới chiếm chưa tới 1% tổng thương mại mỗi nước”, Mekongassean, https://mekongasean.vn/kim-ngach-viet-nga-moi-chiem-chua-toi-1-tong-thuong-mai-moi-nuoc-post20072.html
[6] Tú Uyên (2023), “Thương mại Việt Nam – Ấn Độ đạt mức kỉ lục 15 tỉ USD”, Báo Pháp luật, https://plo.vn/thuong-mai-viet-nam-an-do-dat-muc-ki-luc-hon-15-ti-usd-post718272.html
[7] Kevin Liptak (2023), “5 takeways from Joe Biden’s trip to the G20 and Vietnam”, CNN Politics, https://edition.cnn.com/2023/09/10/politics/takeaways-joe-biden-g20-vietnam/index.html
[8] The White House (2023), FACT SHEET: President Joseph R. Biden and General Secretary Nguyen Phu Trong Announce the U.S-Vietnam Comprehensive Strategic Partnership, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/09/10/fact-sheet-president-joseph-r-biden-and-general-secretary-nguyen-phu-trong-announce-the-u-s-vietnam-comprehensive-strategic-partnership/
[9] Nandita Bose, Francesco Guarascio, Trevor Hunnicutt (2023), “US and Vietnam ink historic partnership in Biden visit with eyes on China”, Reuters, https://www.reuters.com/world/us-vietnam-elevate-ties-during-biden-visit-with-eye-china-2023-09-09/
[10] The Standard (2023), Biden arrives in Vietnam to expand ties as China worries grow, https://www.thestandard.com.hk/breaking-news/section/6/208062/Biden-arrives-in-Vietnam-to-expand-ties-as-China-worries-grow
[11] Ngọc An (2023), “Mỹ muốn tăng cường hợp tác Việt Nam về chuỗi cung ứng, sản xuất chip bán dẫn”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/my-muon-tang-cuong-hop-tac-viet-nam-ve-chuoi-cung-ung-san-xuat-chip-ban-dan-2023072019194503.htm
[12] The White House (2023), FACT SHEET: President Joseph R. Biden and General Secretary Nguyen Phu Trong Announce the U.S-Vietnam Comprehensive Strategic Partnership, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/09/10/fact-sheet-president-joseph-r-biden-and-general-secretary-nguyen-phu-trong-announce-the-u-s-vietnam-comprehensive-strategic-partnership/
[13] Bradford Betz (2023), “Biden on Vietnam trip: ‘I don’t want to contain China”, Fox News, https://www.foxnews.com/world/biden-vietnam-trip-i-dont-want-contain-china
[14] Peter Baker, Katie Rogers (2023), “Biden Forges Depper Ties With Vietnam as China’s Ambition Mounts”, The New Yorks Times, https://www.nytimes.com/2023/09/10/us/politics/biden-vietnam-hanoi.html
[15] Nandita Bose, Francesco Guarascio, Trevor Hunnicutt (2023), “US and Vietnam ink historic partnership in Biden visit with eyes on China”, Reuters, https://www.reuters.com/world/us-vietnam-elevate-ties-during-biden-visit-with-eye-china-2023-09-09/
[16] Nguyễn Huyền (2023), “Kim ngạch thương mại hàng hoá giữa Việt nam – Trung Quốc vượt mốc 230 tỷ USD”, Nhịp sống kinh doanh, https://nhipsongkinhdoanh.vn/kim-ngach-thuong-mai-hang-hoa-giua-viet-nam-trung-quoc-vuot-moc-230-ty-usd-post3109965.html