Hội nghị Ba bên Mỹ – Nhật – Hàn vừa diễn ra là một sự kiện đặc biệt khi lần đầu tiên, Tổng thống Joe Biden, người đồng cấp Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Fumio Kishida có cuộc gặp thượng đỉnh độc lập. Trước đây, các cuộc thảo luận ba bên đều diễn ra bên lề các hội nghị quốc tế. Ngay sau đó một tháng, cùng ngày 13/9, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã thực hiện cuộc cải tổ nội các với một số điểm tương đồng và khác biệt. Điều đó phản ánh điều gì? Liệu việc cải tổ có làm thay đổi chính sách đối ngoại của hai nước? Và điều đó có mối liên quan gì tới Hội nghị Thượng đỉnh Ba bên Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc mới diễn ra cách đây chưa lâu?
Nguyên nhân đằng sau sự thay đổi nội các của Hàn Quốc
Cần lưu ý rằng, đây không phải lần đầu tiên cải tổ nội các dưới thời Tổng thống Yoon Suk-Yeol. Cuộc cải tổ lần thứ hai này có quy mô nhỏ. Cụ thể, Tổng thống Yoon Suk-Yeol đã thay thế 3 Bộ trưởng bao gồm: Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bình đẳng giới và Gia đình. Đáng chú ý nhất là vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Hàn Quốc do ông Shin Won-sik đảm nhiệm, thay thế cho người tiền nhiệm Lee Jong-sup. Về vị trí này, gần đây ông Lee Jong-sup đã vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ phía người dân và Quốc hội do một số bê bối liên quan tới việc “gây sức ép” với cấp dưới và cơ quan báo chí. Bởi vậy vào ngày 12/9, ông đã đệ đơn từ chức lên Văn phòng Tổng thống. Bên cạnh đó, ứng cử viên Shin Won-sik là người có kinh nghiệm phong phú về cả lĩnh vực tác chiến và chính sách quốc phòng. Còn về phía ứng cử viên Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yoo In-chon và ứng viên Bộ trưởng Bình đẳng giới và Gia đình Kim Ha-eng, đây đều là những chính trị gia đã có nhiều nhiều năm công tác tại lĩnh vực liên quan và có chuyên môn cao trong công việc. Ông Yoo In-chon đã từng là Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch dưới thời cựu Tổng thống Lee Myung-bak. Còn ứng viên Kim Ha-eng từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Đối sách khẩn cấp Đảng PPP.
Như vậy, có thể nhận định rằng, sự thay đổi nội các quy mô nhỏ của Chính quyền Tổng thống Yoon Suk-Yeol có phần miễn cưỡng về phía Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lee Jong-sup do những bê bối của ông khiến dư luận và Đảng đối lập chỉ trích mạnh mẽ. Nếu ông không đệ đơn từ chức sẽ gây ra những lỗ hổng an ninh và thiệt hại lớn cho Chính phủ Hàn Quốc. Do đó, đây là sự thay đổi mang tính tất yếu. Đối với hai vị trí Bộ trưởng còn lại, các ứng cử viên đều là những người có chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan. Bởi vậy sự thay đổi nội các lần này mang tính chuyên môn rất cao nhằm tăng hiệu quả và uy tín của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol. Đồng thời, điều đó cũng làm tăng độ cạnh tranh trong cơ chế công chức của Đại Hàn Dân Quốc. Cũng có thể thấy rằng các ứng cử viên lần này nếu được bổ nhiệm chính thức sẽ làm tăng thêm sức ảnh hưởng của Đảng Sức mạnh Quốc dân (PPP).
Lý giải cho sự thay đổi nội các của Chính phủ Nhật Bản
Tương tự như Hàn Quốc, đây cũng là lần cải tổ thứ hai dưới thời chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio. Tuy nhiên, khác với Hàn Quốc ở chỗ đợt cải tổ này của Nhật Bản có sự thay đổi nhân sự lên tới 11 trong tổng số 19 Bộ trưởng. Đặc biệt là lần cải tổ này đã có sự góp mặt của 5 nữ giới được nhậm chức Bộ trưởng so với con số 2 trước đó. Mặc dù các lĩnh vực khá quan trọng như Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế và Nông nghiệp đều có sự thay đổi ở vị trí đứng đầu, tuy nhiên Thủ tướng Kishida đã chủ động giữ nguyên chức vụ hầu hết bộ trưởng trong lĩnh vực kinh tế và ban lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Điều này hoàn toàn hợp lý khi Tokyo đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trên các lĩnh vực kinh tế, môi trường, xã hội. Để mang lại hình ảnh tích cực cho nội các, Thủ tướng Kishida đã bổ nhiệm 11 gương mặt mới. Trong số các nhân sự được thay đổi, đáng chú ý là các vị trí quan trọng như:
Bộ trưởng Quốc phòng được giao cho ông Kihara Minoru, người từng giữ chức cố vấn đặc biệt cho cựu Thủ tướng Suga Yoshihide.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Kamikawa Yoko, một nữ nghị sĩ kỳ cựu, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao.
Ông Shindo Yoshitaka, đã từng đảm nhận vị trí bộ trưởng trong chính phủ tiền nhiệm, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách Phục hồi kinh tế.
Một điểm đáng lưu tâm ở trong sự sắp xếp nhân sự lần này đó là trường hợp của cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại – Obuchi Yuko. Bà là con gái của cố Thủ tướng Nhật Bản Obuchi Keizo, từng hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa và đặc biệt là kinh tế và thương mại. Giờ đây bà đã được bổ nhiệm cho vị trí Trưởng ban Chiến dịch Bầu cử. Sự bổ nhiệm này đã gây ra nhiều tranh cãi do những bê bối trong quá khứ thời điểm bà còn là Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp. Nữ nghị sĩ này được ủng hộ bởi các chính trị gia kỳ cựu và có tiếng nói trong Đảng LDP đặc biệt là cựu Thủ tướng Yoshiro Mori và cựu Tổng Thư ký nội các Aoki Mikio. Từ đó có thể thấy, việc bổ nhiệm bà ngoài việc tăng cường sự hiện diện của nữ giới trong chính quyền Kishida thì còn là một động thái để kiểm soát những tham vọng quyền lực từ phe phái Motegi – phái lớn thứ 3 trong Đảng LDP.
Sự thay đổi lần này ẩn chứa nhiều mục đích của Chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida.
Một là, việc giữ nguyên các thành viên chủ chốt trong nội các là để nhằm duy trì sự ổn định và đảm bảo sự phân bổ cân bằng quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền Dân chủ tự do LDP. Động thái này cũng là một sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho cuộc tranh cử của Thủ tướng Kishida vào vị trí Chủ tịch LDP mùa thu năm sau.
Hai là, sự thay đổi lên tới 11 trong số 19 Bộ trưởng như một nỗ lực rất lớn của chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida nhằm tạo ra một làn gió mới để tăng cường uy tín trước các cử tri. Sự thay đổi này được kì vọng có thể đưa ra những nước đi táo bạo nhằm đưa Xứ sở hoa Anh Đào vượt qua được các vấn đề nhức nhối ở thời điểm hiện tại như hệ thống định danh quốc gia My number, tình trạng giá cả hàng hóa leo thang, vấn đề xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trước mắt, chỉ có giải quyết một cách ổn thỏa các vấn đề trên mới có thể nâng cao sự tin tưởng của nhân dân đối với nội các của Thủ tướng Kishida.
Ba là, cuộc cải tổ nội các lần này có đặc điểm rất đặc biệt đó là sự xuất hiện của 5 tân Bộ trưởng là nữ giới trong số 11 tân Bộ trưởng được bổ nhiệm. Đây là một tỷ lệ nữ giới cao kỷ lục, động thái này lại một lần nữa nhấn mạnh tích cực về ý tưởng chính trị “ Bình đẳng giới” giúp cho vị thế của nữ giới trong hệ thống chính trị Nhật Bản hiện đại được nâng cao chưa từng có từ trước đến nay. Tất nhiên rằng, bên cạnh mục đích xã hội, mục tiêu chính trị mới là thứ được ưu tiên hàng đầu, sự bổ nhiệm này chắc chắn có thể khuyến khích phụ nữ Nhật Bản hãy táo bạo và tự tin hơn về cơ hội của họ trong việc tham gia lao động xã hội, sẽ không có bất cứ “rào chắn” nào giữa giới tính và sự thăng tiến trong công việc. Từ đó, kích thích lao động và tăng khả năng tiêu dùng trong nền kinh tế đang trì trệ của Nhật Bản, một hướng đi vô cùng lành mạnh trong công cuộc phát triển đất nước về nhiều mặt.
Cuối cùng, cuộc cải tổ này chắc chắn là công cụ để mở ra con đường đi tới chiến thắng của Đảng Dân chủ Tự Do (LDP) trong cuộc bầu cử Hạ viện tiếp theo.
Tác động của việc cải tổ nội các tới chính sách đối ngoại của hai nước và tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Mặc dù sự thay đổi nội các lần này của Nhật Bản và Hàn Quốc được nhiều nước quan tâm đặc biệt là một số quốc gia ở Châu Á nhưng về cơ bản, chính sách đối ngoại của hai quốc gia sẽ không có quá nhiều thay đổi. Tuy nhiên, với việc Nhật Bản thay thế Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, một làn gió mới trong chính sách đối ngoại của đất nước này sẽ xuất hiện. Trong khoảng hai thập niên trở lại đây, chính sách đối ngoại của Tokyo và Seoul có những điểm chung cơ bản như cách ứng xử với những quốc gia được họ cho rằng có nguy cơ trở thành một “mối lo” trong tương lai gần như Triều Tiên và Trung Quốc. Về phía Hàn Quốc, Seoul vẫn sẽ duy trì chính sách “Tương tác” (Engagement) trong nỗ lực đối thoại hòa giải và thúc đẩy hòa bình giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên. Còn về phía Nhật Bản, dù không có mối liên kết khó hóa giải như Hàn Quốc với Triều Tiên, tuy nhiên Nhật Bản vẫn luôn dè chừng và ủng hộ các hành động trừng phạt liên quan tới hạt nhân nhằm vào chính quyền Kim Jong-un.
Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chính sách chung của Tokyo và Seoul đối với Washington vẫn luôn là sự liên kết chặt chẽ mang tính Đồng minh thân thiết, hợp tác sâu rộng trong mọi lĩnh vực. Trong tương lai gần, việc thống nhất hai miền Bán đảo Triều Tiên gần như là bất khả thi và tất nhiên chừng nào Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng “Đình chiến” thì chừng đó Seoul vẫn sẽ nằm dưới sự ảnh hưởng của Washington. Chính sách đối ngoại của Nhật – Hàn dù cho có sự thay đổi ở phương diện nào thì chắc chắn trong tình cảnh mà Nhật đang gặp muôn vàn khó khăn và Hàn vẫn luôn luôn bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân ở phía Bắc thì sự ưu tiên của họ dành cho Hoa Kỳ vẫn luôn phải đặt lên hàng đầu. Đặc biệt là khi ở thời điểm hiện tại, đối trọng chính của Mỹ không còn là Nga mà đã chuyển hướng sang Trung Quốc thì vai trò của Nhật Bản và Hàn Quốc đối với Mỹ lại càng quan trọng. Họ sẽ chịu những tác động thường xuyên hơn từ phía Hợp Chúng quốc trong tình cảnh Trung Quốc liên tục bành trướng tại Biển Đông. Tất nhiên, nhiệm vụ của những nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Nhật Bản và Hàn Quốc là xây dựng chiến lược ngoại giao sao cho vừa không làm mất lòng nước Mỹ vừa không để tổn hại quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Nhật – Hàn cùng với Trung Quốc có một mối liên kết chặt chẽ về mặt kinh tế tuy nhiên trên lĩnh vực An ninh Quốc phòng vẫn thường xuyên xảy ra những mâu thuẫn. Càng ngày, họ sẽ càng phải dè chừng trước sự phát triển mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh do những tham vọng của ông Tập Cận Bình. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhật Bản trong lúc đang đối mặt với vô vàn khó khăn lúc này chính là xây dựng một chính sách đối ngoại sao cho giữ được mối quan hệ ổn định với Trung Quốc. Nói chung, dù cho không có quá nhiều thay đổi nhưng với việc Trung Quốc đang thâu tóm quyền lực tại Đông Nam Á và sự bành trướng của họ trên Biển Đông chắc chắn sẽ làm cho chính quyền hai nước Nhật và Hàn cần phải tìm cách xây dựng chính sách đối ngoại nhằm tăng cường sự hiện diện của họ tại khu vực để ngăn cản sự bá quyền của Tập Cận Bình cùng nội các. Nhật Bản và Hàn Quốc trong những nỗ lực gần đây nhằm xóa bỏ những mâu thuẫn trong lịch sử, trong tương lai hai nước sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn những mối quan hệ hợp tác về kinh tế và an ninh chính trị khu vực, không chỉ hai bên mà còn là phát triển hơn nữa quan hệ ba bên Mỹ – Nhật – Hàn.
Cải tổ nội các nhằm hiện thực hóa tinh thần của Thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Hàn?
Chắc chắn rằng, sự thay đổi nội các của Tokyo và Seoul lần này có mối liên hệ nhất định tới Hội nghị Thượng đỉnh Ba bên vừa được tổ chức vào tháng trước. Việc cả Tokyo và Seoul đều thay đổi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có mối liên hệ mật thiết với những quyết định được đưa ra trong Hội nghị.
Đầu tiên, ba nước đã thống nhất về cách thức nhằm “thể chế hóa” hơn nữa cơ chế khung về hợp tác an ninh giữa ba nước để duy trì an ninh và ổn định trong và ngoài khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, các bên còn tổ chức thường xuyên hơn các cuộc tập trận giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), quân đội Mỹ và quân đội Hàn Quốc. Điều này đòi hỏi Tokyo và Seoul cần có những vị tướng lĩnh dày dặn kinh nghiệm về cả chính sách quốc phòng và khả năng tác chiến thực tế. Đặc biệt, phải là người thích hợp để thiết lập năng lực cả an ninh truyền thống và phi truyền thống trong cuộc cải cách quốc phòng 4.0 hiện nay.
Với những nguy cơ về vấn đề Triều Tiên ngày càng gia tăng sau khi nước này đạt được những bước tiến lớn về chế tạo tên lửa, không chỉ Hoa Kỳ mà Hàn Quốc và Nhật Bản cũng cần phải đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Trong thời gian sắp tới, Đông Bắc Á sẽ trở thành một khu vực được cả thế giới đặc biệt quan tâm do những chiến lược của hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Từ cả hai phía, Trung Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự tại Biển Đông và Hoa Đông đồng thời đang ra sức gây ảnh hưởng tới khu vực Đông Nam Á nhằm thâu tóm quyền lực, tập trung những nguồn lực để đối phó với chiến lược “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương của phía Mỹ. Ở phía đối lập, Hoa Kỳ thì dường như đang cố gắng thực hiện một kịch bản tương tự như Ukraine tại Đài Loan đồng thời tập trung các đồng minh của mình lại để chuẩn bị cho một phương án cứng rắn hơn với sự bá quyền của Trung Quốc. Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia Đồng minh và có thể nói là tiền đồn của Hoa Kỳ trong tham vọng kiểm soát hoàn toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Do vậy, nếu bản thân các quốc gia này bất ổn thì cũng chính Xứ cờ hoa chịu thiệt hại và mất đi những con bài tẩy trong cuộc chiến với Bắc Kinh. Do vậy, cuộc cải tổ lần này diễn ra như một lẽ tất yếu và có sự liên quan mạnh mẽ tới Hội nghị Thượng đỉnh Ba bên Mỹ – Nhật – Hàn./.
Tác giả: Nguyễn Hoàng Nam
Mọi trao đổi học thuật, liên hệ cộng tác cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể gửi về cho Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] Kanako Takahara, Gabriele Ninivaggi (2023), “Kishida replaces top diplomat and boosts women in Cabinet reshuffle”, The Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/news/2023/09/13/japan/politics/cabinet-reshuffle/
[2] Steve Holland, Laurie Chen (2023), “Biden aide held hours of ‘constructive’ talks with Chinese diplomat”, Reuters, https://www.reuters.com/world/us-national-security-advisor-held-talks-with-chinese-foreign-minister-official-2023-09-17/
[3] Thanh Hằng (2023), “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Hàn: Bước đột phá trong hợp tác ba bên”, Sài Gòn Giải phóng, https://www.sggp.org.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-my-nhat-han-buoc-dot-pha-trong-hop-tac-ba-ben-post702021.html
[4] Jude Blanchette, Christopher Johnstone (2023), “The illusion of Great-Power Competition”, Foreign Affairs, https://www.foreignaffairs.com/united-states/illusion-great-power-competition
[5] Xuân Mai (2023), “Đằng sau cuộc cải tổ nội các Nhật Bản”, Người Lao động, https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/dang-sau-cuoc-cai-to-noi-cac-nhat-ban-20230913214633064.htm
[6] Khánh Vân (2023), “Hàn Quốc tiếp tục cải tổ nội các”, Tin tức Thông tấn xã Việt Nam, https://baotintuc.vn/the-gioi/han-quoc-tiep-tuc-cai-to-noi-cac-20230913220715103.htm