Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cấu trúc và các thách thức khác: năng suất sụt giảm, lực lượng lao động bị thu hẹp, hạn chế chuyển giao công nghệ do Mỹ và các nước khác áp đặt hạn chế, bong bóng bất động sản,… Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng gần 1/5 GDP toàn cầu, những sự biến động của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và các quốc gia có liên hệ nói riêng.
Tình hình kinh tế Trung Quốc hiện tại
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố các chỉ số kinh tế quan trọng của 8 tháng đầu năm 2023, dữ liệu tháng 8 cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc có thể đang dần được cải thiện. Theo ông Fu Linghui, người phát ngôn Cục Thống kê Trung Quốc, “nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi với những tiến bộ vững chắc trong phát triển chất lượng cao”, tuy nhiên ông cũng thừa nhận “Trung Quốc vẫn đang đối mặt với những thách thức, trong đó chịu ảnh hưởng từ sự mờ nhạt của nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề cơ cấu trong nước. Mặc dù sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang ổn định tốt những vẫn cần điều chỉnh thêm[1]. Trong 6 tháng đầu năm, GDP của Trung Quốc tăng 5,5%, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng 3% của năm ngoái và nhanh hơn tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong ba năm dịch bệnh.[2]
Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc chưa được ổn định. Trong khi thế giới lo lắng về lạm phát, Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ giảm phát trong nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã giảm 0,3% vào tháng 7/2023 trước khi tăng lại 0,1% vào tháng 8. Theo chuyên gia kinh tế cao cấp tại JP Morgan, ông Nora Szentivanyi cho rằng: “vào đầu năm 2023, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, phần còn lại của thế giới đang chậm lại. Sự thúc đẩy nhu cầu toàn cầu từ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc đã bị lấn át bởi sự thúc đẩy nguồn cung toàn cầu. Động lực dư thừa nguồn cung này đã khiến giá cả trong nước và xuất khẩu của Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát”[3]. Tuy nhiên, ông Fu Linghui, người phát ngôn Cục Thống kê Trung Quốc phủ nhận nền kinh tế Trung Quốc đang giảm phát.
Theo CNN, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với 4 thách thức chính:
Thứ nhất, người tiêu dùng cảnh giác với chi tiêu tiêu dùng, mức độ chi tiêu biến động mạnh mẽ qua từng thời điểm. Dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 6/2023 chỉ tăng 3,1%, thấp hơn đáng kể so với mức 12,7% của tháng 5[4]. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế liên quan tới Covid-19. Các hộ gia đình vẫn đang duy trì mức tiết kiệm phòng ngừa cao trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Do đó, thúc đẩy nhu cầu đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, là nguồn tạo việc làm lớn nhất, đang ngần ngại thuê nhân công hoặc thực hiện đầu tư mới. Thời gian Trung Quốc đóng cửa đã làm nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn, khi nước này mở cửa trở lại, thị trường quốc tế cũng chưa có nhiều nhu cầu, đơn hàng ít khiến việc sản xuất xuất khẩu bị chậm lại. Trong khi đó tiêu dùng trong nước cũng bấp bên, các doanh nghiệp tư nhân không có nhu cầu mạo hiểm vay vốn, mở rộng sản xuất. Thị trường việc làm ở Trung Quốc trong năm nay rất cạnh tranh. Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 16-24 cao kỷ lục, đạt 21,3% trong tháng 6[5].
Thứ ba, thị trường bất động sản vẫn đang “sa lầy” trong đợt suy thoái lịch sử. Năm 2022, đầu tư vào bất động sản đã giảm 10%. Xu hướng này tiếp tục kéo dài đến nay và sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới, trong 6 tháng đầu năm, đầu tư vào BĐS tiếp tục giảm 7,9%[6]. Niềm tin suy giảm và những mối lo ngại đã gia tăng sau vụ vỡ nợ của Country Garden, từng là một nhà phát triển bất động sản lớn nhất về doanh số và Zhongrong Trust, một quỹ tín thác hàng đầu tại Đại Lục.
Cuối cùng, nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái đã làm tăng thêm những khó khăn cho Trung Quốc. Theo số liệu hải quan công bố, trong tháng 3, tổng giá trị xuất nhập khẩu tăng 15,5% so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng này chậm lại ở mức 8,9% trong tháng 4 và tiếp tục trượt xuống chỉ còn 0,5% so với cùng kỳ vào tháng 5. Đến tháng 6, xuất khẩu giảm 12,4%, tốc độ nhanh nhất trong 3 năm, còn nhập khẩu giảm 6,8%[7]. Xuất nhập khẩu – yếu tố đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi lạm phát cao và suy thoái kinh tế ở các thị trường nước ngoài quan trọng như EU và Bắc Mỹ. Khi người tiêu dùng nước ngoài thắt lưng buộc bụng, họ sẽ chi tiêu ít hơn cho hàng hóa Trung Quốc. Cùng lúc đó, khối lượng nhập khẩu vẫn ở mức thấp do nhu cầu trong nước yếu. Tính cả 8 tháng đầu năm, xuất khẩu chỉ tăng 0,8%, nhập khẩu giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước[8].
Trung Quốc cũng phải đối mặt với một số thách thức dài hạn, trong đó có khủng hoảng dân số và căng thẳng thương mại với các đối tác quan trọng như Mỹ và Châu Âu.
Theo một nghiên cứu của một đơn vị thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Jiemian.com, tổng tỷ suất sinh quốc gia, số con trung bình mà một phụ nữ sẽ sinh trong đời, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,09 vào năm ngoái từ mức 1,30 chỉ hai năm trước đó. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện nay thậm chí còn thấp hơn Nhật Bản, một quốc gia từ lâu đã nổi tiếng với xã hội già hóa. Các nhà phân tích từ Moody’s Investor Service cho biết: “Nhân khẩu học già đi của Trung Quốc đặt ra những thách thức đáng kể đối với tiềm năng tăng trưởng kinh tế của nước này”[9]. Trong dài hạn, sự suy giảm nguồn cung lao động, chi tiêu xã hội và chăm sóc sức khỏe tăng lên có thể dẫn đến thâm hụt tài chính rộng hơn và gánh nặng nợ cao hơn. Lực lượng lao động ít hơn cũng có thể làm xói mòn tiết kiệm trong nước, dẫn đến lãi suất cao hơn và đầu tư giảm.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp sau “sự cố khinh khí cầu” hồi tháng 02/2023 và ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia đã khiến cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang thắt chặt các hạn chế xuất khẩu những công nghệ mới nổi quan trọng. Vào tháng 01/2023, Hạ viện Mỹ đã thông qua hai dự luật liên quan đến Trung Quốc với sự ủng hộ của lưỡng đảng: Thành lập Ủy ban về cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự đối đầu về thương mại giữa hai quốc gia đã quay lại và tập trung nhiều vào các lĩnh vực công nghệ cao.
Các giải pháp thúc đẩy kinh tế của Trung Quốc
Mặc dù lạm phát vẫn tương đối thấp so với nhiều nền kinh tế lớn khác, chính phủ Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm giải quyết những thách thức mà ngành công nghiệp và tiêu dùng của nước này phải đối mặt.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trước sự phục hồi kinh tế không đồng đều, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư nước ngoài để kích thích nền kinh tế.
Cuối tháng 3/2023, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định gia hạn một số chính sách thuế ưu đãi nhằm hỗ trợ các công ty quy mô nhỏ, lợi nhuận thấp và các ngành công nghiệp trọng điểm. Các chính sách ưu đãi bao gồm khấu trừ thuế cho hoạt động R&D (Nghiên cứu và phát triển) và giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ có lợi nhuận thấp.
Kể từ tháng 6/2023, hàng loạt biện pháp thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của kinh tế tư nhân đã được đưa ra mạnh mẽ nhằm kích thích hơn nữa sức sống của kinh tế tư nhân. Chính quyền các tỉnh, thành phố đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ, Thượng Hải đã đưa ra một số biện pháp mới nhằm thu hút FDI, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân[10]. Ủy ban Trung ương cũng đã chính thức phê duyệt việc thành lập Cục Phát triển kinh tế tư nhân trong Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, với tư cách là cơ quan làm việc đặc biệt nhằm thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của kinh tế tư nhân, thúc đẩy sớm thực hiện các biện pháp lớn và đạt được kết quả thiết thực. Trong tháng 8, Chỉ số Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tăng trở lại trong ba tháng và sự phục hồi niềm tin phát triển doanh nghiệp tăng tốc.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đã tích cực nỗ lực xây dựng niềm tin của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kể từ khi gỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 cuối năm 2022. Bất chấp việc sử dụng vốn nước ngoài thực tế ở Trung Quốc đã giảm trong nửa đầu năm 2023, số lượng các công ty FDI mới thành lập đã tăng lên đáng chú ý. Dữ liệu do Bộ Thương mại công bố cho thấy từ tháng 01/2023 đến tháng 8/2023, có 33.154 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới được thành lập, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái[11]. Điều này cho thấy các công ty nước ngoài vẫn lạc quan về thị trường Trung Quốc, ngay cả khi tổng lượng vốn nước ngoài đã giảm.
Chính sách tiền tệ và tài khóa
Trung Quốc nhìn chung đã áp dụng chính sách tài chính và tiền tệ thận trọng khi đối mặt với những bất ổn kinh tế đáng kể. Bằng cách sử dụng chính sách tiền tệ “thận trọng”, chính phủ Trung Quốc cho biết họ đã tránh được lạm phát cao và duy trì tỷ giá đồng Nhân dân tệ ổn định trong suốt đại dịch. Chính phủ và ngân hàng trung ương đã duy trì cách tiếp cận thận trọng này đối với nền kinh tế vào năm 2023. Vào tháng 01/2023, Bộ Tài chính tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ mở rộng vừa phải chi tiêu tài khóa vào năm 2023, trong đó sẽ tập trung vào thúc đẩy tiêu dùng, tăng cường an ninh lương thực và hỗ trợ phát triển công nghệ.
Chính sách kích thích tiêu dùng
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 5%, Trung Quốc cho biết sẽ triển khai gói kích thích tương tự năm 2020. Tiêu dùng chiếm khoảng 37% nền kinh tế Trung Quốc[12]. Vì vậy, việc người tiêu dùng trở lại hoạt động bình thường là một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng lãi suất thấp hơn sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Do đó, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất đối với một loạt các khoản tiền gửi và giảm lãi suất thuế chấp nhằm giảm chi phí cho vay cho người vay. Ngày 15/6/2023, để tăng thêm thanh khoản cho thị trường, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất đối với các khoản vay trung hạn, tổng trị giá khoảng 33,1 tỷ USD, giảm từ 2,75% xuống 2,65%. Ngày 19/6/2023, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng cắt giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay kỳ hạn một năm từ 3,65% xuống 3,55% và kỳ hạn 5 năm từ 4,3% xuống 4,2%, nhằm giảm chi phí vay và thúc đẩy tiêu dùng.
Chính sách thúc đẩy ngành bất động sản
Bắc Kinh đã ra tín hiệu rằng hỗ trợ thị trường bất động sản là một nhiệm vụ quan trọng bất chấp quyết tâm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào lĩnh vực này. Bất động sản chiếm khoảng 30% GDP tại Trung Quốc và phần lớn tài sản của người dân nước này đều xuất phát từ bất động sản. Nên sự suy thoái của ngành bất động sản thường là mở đầu cho một cuộc suy thoái kinh tế rộng lớn hơn trong khắp các ngành khác. Tại cuộc họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7/2022, các quan chức cho biết cần phải “ổn định” thị trường bất động sản của nước này, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm đảm bảo những ngôi nhà được hoàn thiện trước khi bán.[13]
Chính phủ Trung Quốc cũng đã phát hành thêm nhiều trái phiếu địa phương đặc biệt để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, đã mang lại sự hỗ trợ quan trọng cho ngành xây dựng vốn đang phải vật lộn với những khó khăn xuất phát từ tình trạng suy thoái bất động sản diễn ra nghiêm trọng ở nước này.
Chính sách thúc đẩy ngoại thương
Phát biểu tại kỷ niêm 74 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (01/10/1949 – 01/10/2023), Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu tích cực thúc đẩy hơn nữa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) phát triển chất lượng cao để thúc đẩy xuất khẩu sang quốc gia này, thay thế cho các thị trường chính bị suy giảm. Trong 6 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các nước dọc theo BRI tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái[14], đóng góp rất lớn vào tăng trưởng ngoại thương của Trung Quốc.
Những chính sách mới được đưa ra đã phản ánh quyết tâm của chính phủ trong việc kích thích phục hồi kinh tế và tăng cường thanh khoản tài chính tổng thể trong nước. Nhà kinh tế học Nancy Qian chia sẻ với Business Insider rằng trên thực tế nền kinh tế Trung Quốc không đến nỗi tệ như người ta tưởng, chỉ là các nhà hoạch định của nước này đang kỳ vọng quá nhiều mà thôi. OECD dự báo vào tháng 9 rằng kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm nay, là tốc độ tăng trưởng dự kiến cao thứ hai trong số các quốc gia mà OECD theo dõi. Có lẽ sự phát triển chênh lệch giữa các lĩnh vực và tăng trưởng không ổn định là vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Trung Quốc hiện tại. Nhưng trong tương lai xa, Trung Quốc cần tính đến bài toán lực lượng lao động khi tỷ lệ sinh đang giảm mạnh.
Ảnh hưởng đến khu vực
Trong khi chính phủ Trung Quốc tuân theo biện pháp khắc phục tiêu chuẩn là tăng cung tiền trong nền kinh tế thông qua việc giảm lãi suất tiền gửi, khuyến khích cho vay, khuyến khích đầu tư… người dân Trung Quốc vẫn ít quan tâm đến việc vay vốn, ngoại trừ các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình không có hứng thú với việc gánh thêm một khoản nợ khác để mở rộng đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và nhu cầu vẫn còn hạn hẹp. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp của chính phủ Trung Quốc có mang lại hiệu quả như kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách hay không?
Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng gần 1/5 GDP toàn cầu, những sự biến động của kinh tế Trung Quốc ít nhiều vẫn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và các quốc gia có liên quan nói riêng.
Thứ nhất, sự phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Nếu thị trường bất động sản tiếp tục suy thoái và tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn, nó sẽ tác động đến lĩnh vực tài chính không chỉ ở Trung Quốc mà có thể sẽ lan ra toàn cầu. Trong một nghiên cứu năm 2019 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, các nhà kinh tế ước tính rằng GDP của Trung Quốc giảm 8,5% sẽ dẫn đến giảm 3,25% ở các nền kinh tế tiên tiến và giảm gần 6% ở các nền kinh tế mới nổi[15].
Thứ hai, sự mở cửa và giảm giá để thúc đẩy xuất khẩu có thể không phải là tín hiệu tích cực của nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh kinh tế tất cả các nước đều khó khăn, nhu cầu hàng hóa chưa ổn định trở lại, sự mở cửa của Trung Quốc bổ sung một nguồn cung hàng hóa lớn với giá rẻ, sẽ đẩy lùi sự vươn lên của các nền kinh tế nhỏ hơn, trong đó có Việt Nam. Việc cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc trong hàng hóa xuất khẩu hay hàng hóa tại nội địa đều sẽ dễ làm nền kinh tế bị tổn thương.
Thứ ba, trong khi Trung Quốc là một nhà xuất khẩu lớn, nước này đồng thời cũng là một nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới. Khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, hoạt động nhập khẩu cũng giảm sút và tác động đến hàng hóa xuất khẩu các nền kinh tế khác. Harry Murphy Cruise, nhà kinh tế học tại Moody’s Analytics, cho biết: “Trung Quốc là nhà nhập khẩu rất lớn từ nhiều nước trên thế giới, vì vậy khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, nó sẽ tác động đến tăng trưởng ở nhiều quốc gia”.
Từ đây, có thể thấy rõ ràng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Đối với Việt Nam, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, do đó Việt Nam cũng chịu sự ảnh hưởng từ biến động kinh tế Trung Quốc. Để giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực, đa dạng hóa thị trường vẫn là chiến lược cần ưu tiên. Bên cạnh đó, yêu cầu cốt lõi vẫn là cần nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa “Made in Vietnam, Made by Vietnam” để có nhiều cơ hội hơn trong khi các nước cũng tìm cách hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc./.
Tác giả: Thi Thi
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật, liên hệ cộng tác cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể gửi về Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ: [email protected]
[1] Giulia Interesse (2023), “China Economic Roundup – August 2023”, China Briefing, https://www.china-briefing.com/news/chinas-economic-roundup-august-2023/
[2] 环球网 (2023), “中国经济在持续恢复中展现韧性与活力”, Sina Finance, https://finance.sina.com.cn/jjxw/2023-09-17/doc-imzmyhcs6705457.shtml
[3] JP Morgan, Deflation in China: The spillover effects for global markets, https://www.jpmorgan.com/insights/global-research/international/china-deflation
[4] Laura He, “More stimulus ‘desperately’ needed as China’s economic recovery slows further”, CNN, https://edition.cnn.com/2023/07/16/economy/china-economy-q2-gdp-intl-hnk/index.html
[5] Amy Hawkins (2023), “Peak China? Jobs, local services and welfare strain under economy’s structural faults”, The Guardian, https://www.theguardian.com/world/2023/sep/18/peak-china-jobs-local-services-and-welfare-strain-under-economys-structural-faults
[6] Nicholas R. Lardy (2023), “How serious is China’s economic slowdown?”, PETERSON INSTITUTE FOR INTERNATIONAL ECONOMICS, https://www.piie.com/blogs/realtime-economics/how-serious-chinas-economic-slowdown
[7] Laura He, “More stimulus ‘desperately’ needed as China’s economic recovery slows further”, CNN, https://edition.cnn.com/2023/07/16/economy/china-economy-q2-gdp-intl-hnk/index.html
[8] 新华网 (2023), “新华视点|稳步恢复显韧性 回升向好有支撑——从前8个月主要指标看中国经济走势”, Sina Finance, https://cj.sina.com.cn/articles/view/2810373291/a782e4ab02002j9d0?from=finance
[9] Laura He, “China’s economy is in trouble. Here’s what’s gone wrong”, CNN, https://edition.cnn.com/2023/08/21/economy/china-economy-troubles-intl-hnk/index.html
[10] Shanghai Municipal Development & Reform Commission, “【文字】《上海市加大力度支持民间投资发展若干政策措施》 文件解读”, https://fgw.sh.gov.cn/fgw_zcjd/20230530/83fd8309778142efba54ebeed838982e.html?mc_cid=474b4ca76d&mc_eid=627c47469b
[11] 新华网 (2023), “新华视点|稳步恢复显韧性 回升向好有支撑——从前8个月主要指标看中国经济走势”, Sina Finance, https://cj.sina.com.cn/articles/view/2810373291/a782e4ab02002j9d0?from=finance
[12] Linette Lopez, “China’s economy is way more screwed than anyone thought”, Business Insider, https://www.businessinsider.com/china-debt-economy-implode-stock-market-wall-street-xi-jinping-2023-6
[13] John Power (2022), “As China’s property crisis grows, is the global economy at risk?”, Al Jazeera, https://www.aljazeera.com/economy/2022/8/30/what-chinas-property-crisis,
[14] 人民网 (2023), “海关总署:上半年我国与“一带一路”沿线国家进出口同比增长9.8%”, 中央统战部版权所有, https://www.zytzb.gov.cn/zytzb/2023-07/14/article_2023071409561573817.shtml
[15] John Power (2022), “As China’s property crisis grows, is the global economy at risk?”, Al Jazeera, https://www.aljazeera.com/economy/2022/8/30/what-chinas-property-crisis,