Từ một quốc gia nghèo và lạc hậu, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có thành tựu lớn về khoa học và công nghệ. Chỉ số Đổi mới Sáng tạo toàn cầu 2023 xếp Trung Quốc thứ 12 trên tổng số 132 quốc gia, thứ nhất trong số 33 quốc gia có thu nhập trung bình cao và thứ ba trong 16 nền kinh tế tại khu vực Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương[1].
Các thành tựu về khoa học, đặc biệt là các loại công nghệ lưỡng dụng trong quân-dân sự đóng góp rất nhiều vào nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc. Ban đầu là một quốc gia nhập khẩu công nghệ vũ khí để “nghiên cứu và học hỏi”, Trung Quốc đã dần làm chủ được công nghệ và tiến hành xuất khẩu vũ khí của mình tới nhiều quốc gia trong những năm gần đây. Vậy con đường dẫn tới thay đổi của Trung Quốc là gì và nó mang lại thách thức gì cho thế giới?
Xu hướng đầu từ vào nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc
Theo định nghĩa từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bao gồm các công việc sáng tạo được thực hiện một cách có hệ thống nhằm nâng cao kho kiến thức (bao gồm kiến thức về con người, văn hóa và xã hội) và việc sử dụng kiến thức này vào những ứng dụng[2]. R&D là một quá trình đầu tư dài hơi, nhưng vai trò quan trọng của nó đối với phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế là không thể phủ nhận. Vì vậy đối với một số quốc gia, xu hướng chi tiêu cho hoạt động R&D ngày càng gia tăng là một chỉ số quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai của đất nước.
Dữ liệu của OECD năm 2021 cho thấy, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới về R&D ở mức 620 tỷ USD. Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về đầu tư cho R&D (ở mức 710 tỷ USD), tuy nhiên nếu đánh giá tốc độ tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc trong thời gian qua thì không khó để dự báo rằng Trung Quốc sẽ sớm soán ngôi của Mỹ để trở thành quốc gia đầu tư mạnh tay nhất cho R&D. Trong giai đoạn 2000-2021, Trung Quốc đã đi từ quốc gia đứng thứ năm thế giới lên vị trí thứ hai với tốc độ tăng trung bình 14%/năm, trong khi Mỹ chỉ tăng 3,3%/năm.
Nhưng nếu so sánh với tỷ lệ phần trăm chi tiêu R&D trên tổng GDP quốc gia, Trung Quốc vẫn đứng cuối so với năm quốc gia đầu bảng với chỉ khoảng 2,4%. Chỉ số này chỉ ra một thực tế là Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu chi tiêu R&D đạt 2,5% trên tổng GDP vào năm 2020 theo Kế hoạch Năm năm lần thứ 13 về phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (2016-2020)[3]. Có thể thấy mức chi tiêu này vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước khác. Vì vậy, Trung Quốc tiếp tục đưa vấn đề này vào Kế hoạch lần thứ 14 (2020-2025) với tham vọng đạt mục tiêu đưa con số này lên mức ít nhất 3,2 % vào năm 2025[4].
Cũng theo OECD (2023), các hoạt động R&D của Trung Quốc được đầu tư từ ba khu vực, bao gồm khối doanh nghiệp, chính phủ và giáo dục đại học. Doanh nghiệp hiện chiếm tỷ trọng đầu tư lớn nhất vào năm 2021, ở mức 76,9% với vai trò đến từ cả các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Việc thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong nền kinh tế đất nước đã được Trung Quốc chú trọng từ nhiều thập kỷ trước. Một ví dụ là vào năm 1999, Trung Quốc đã chuyển giao một nửa số phòng nghiên cứu của chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước[6]. Chính sách này là một trong những động thái đã giúp đưa tỷ trọng đầu tư vào R&D của khối doanh nghiệp lên mức hiện nay từ chỉ 39,8% vào năm 1991. Mức tỷ trọng của doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay cũng xấp xỉ với tỷ trọng của Mỹ (77,6%), Nhật Bản (78,6%) và Hàn Quốc (79,1%).
Chính phủ Trung Quốc có tỷ trọng đầu tư vào R&D đứng thứ hai, ở mức 15,3%. Đây là mức tương đương với các quốc gia thuộc top dẫn đầu như Đức (14,8%) và Hàn Quốc (9,8%). Tuy vậy nếu xét theo giá trị của khoản đầu tư, không quốc gia nào đứng trên Trung Quốc vì chỉ trong năm 2021 chính phủ nước này đã đầu tư 94,8 tỷ USD vào R&D. Các dự án R&D chủ yếu của chính phủ Trung Quốc hiện nay tập trung vào lĩnh vực năng lượng sạch[7], y tế[8] và hàng không vũ trụ[9].
Khu vực còn lại là giáo dục đại học có tỷ trọng đầu tư thấp nhất vào R&D, với chỉ 7,8%. Đây là mức thấp nhất so với nhóm nước đứng đầu, và thậm chí thấp hơn rất nhiều so với các đại diện từ châu Âu như Đức (18,3%) và Anh (22,5%). Một nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên do chính là mặt hạn chế của hệ thống đại học và sự can thiệp quá mức của chính phủ đã khiến cho khu vực này có ít đầu tư vào R&D[10].
Khác với đa số quốc gia khác, tại Trung Quốc không tồn tại khu vực phi lợi nhuận đầu từ vào R&D. Một ví dụ cụ thể để dễ hình dung về khu vực này có thể đề cập tới Quỹ Bill & Melinda Gates (tài trợ cho nhiều dự án R&D, bao gồm nghiên cứu về y tế, nông nghiệp và giáo dục toàn cầu) hoặc Quỹ Sloan (chuyên tài trợ các nghiên cứu về khoa học, công nghệ và kinh tế).
Cơ cấu đầu tư vào R&D của Trung Quốc và nhóm quốc gia đứng đầu về R&D năm 2021 (%)
Chính sách “học hỏi công nghệ” của Trung Quốc
Rõ ràng xu hướng đầu tư ngày càng tăng vào R&D đã giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc về khoa học công nghệ, nhưng cũng cần phải đề cập tới vai trò quan trọng của chính sách tái cải tiến mà nước này đã sử dụng trong hai thập niên vừa qua.
Trong quá trình theo đuổi những mục tiêu của mình, Trung Quốc đã đề ra học thuyết chủ đạo “cải tiến tự chủ” (自主创新), nhấn mạnh trình độ năng lực nghiên cứu cơ bản và đổi mới sáng tạo là sức mạnh của quốc gia[12]. Học thuyết này chú trọng vào ba nguyên lý cơ sở, bao gồm: i.) cải tiến ban đầu (原始创新), ii.) cải tiến tích hợp (集成创新) và iii.) giới thiệu kỹ thuật và tái cải tiến (引进技术再创新). Trong khi hai nguyên lý đầu tiên đề cao tính quan trọng của việc thúc đẩy các khám phá khoa học mới, tích hợp với các kỹ thuật khác nhau nhằm đạt được hiệu quả cao trong phát triển công nghệ, thì nguyên lý “giới thiệu kỹ thuật và tái cải tiến” là con át chủ bài đối với nhu cầu của Trung Quốc.
Mô hình “giới thiệu kỹ thuật và tái cải tiến” dựa theo việc xác định, tiếp thu các quy trình và công nghệ nước ngoài thông qua một chu trình nhiều bước gọi là “Giới thiệu – Tiếp thu – Hấp thu – Tái cải tiến”. Ở giai đoạn đầu tiên, Trung Quốc sẽ nhập khẩu công nghệ nước ngoài về để tìm hiểu. Sau đó, Trung Quốc tiến hành phân tích các thành phần bên trong và tích hợp công nghệ nước ngoài với công nghệ trong nước. Nhờ đó, các phát kiến từ công nghệ nước ngoài có thể được sử dụng làm nền tảng để phát triển các công nghệ mới.
Chính sách nhập khẩu công nghệ của Trung Quốc chỉ thực sự được đẩy mạnh kể từ khoảng cuối thập niên 1990. Theo nhà kinh tế chính trị Hồ An Cương, sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 thì nước này đã “tăng đáng kể khả năng nhập khẩu công nghệ nước ngoài, tận dụng tối đa khả năng tái cải tiến công nghệ (bao gồm các loại công nghệ nhập khẩu, công nghệ sao chép, và công nghệ tích hợp)[13].
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã từng sử dụng luật đầu tư của mình để thực thi chính sách “chuyển giao công nghệ bắt buộc” đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại nước này. Trước năm 2020[14], doanh nghiệp nước ngoài không được phép sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty mở tại Trung Quốc. Thay vào đó, theo Danh mục hướng dẫn đầu tư ngoại thương 2017 của Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài nếu muốn đầu tư tại nước này sẽ phải tham gia vào một liên doanh với công ty Trung Quốc. Khi tham gia vào một liên doanh như vậy, doanh nghiệp nước ngoài thường bị bắt buộc phải cung cấp thông tin mật và bí mật kinh doanh của mình cho đối tác của mình. Chính phủ Trung Quốc cũng có thể sử dụng quyền hạn của mình để gây áp lực thông qua các cuộc thanh tra nếu như xảy ra tranh chấp giữa hai bên liên doanh[15]. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài khó có một lựa chọn nào khác ngoài việc “chuyển giao công nghệ” của mình để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Phát triển công nghệ quốc phòng và tạo ảnh hưởng quốc tế?
Lĩnh vực quốc phòng là một lĩnh vực quan trọng nhưng nhạy cảm mà giới quan sát tin rằng Trung Quốc đã và đang nỗ lực đầu tư vào phát triển công nghệ. Từ đó, Trung Quốc có thể “hoàn thành hiện đại hóa quốc phòng và quân sự vào năm 2035” và biến Quân Giải phóng Nhân dân thành “quân đội hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ này” theo như mục tiêu được ông Tập Cận Bình báo cáo tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc[16].
Khó có thể biết được Trung Quốc thực chất chi bao nhiêu để phát triển công nghệ quốc phòng. Trung Quốc không công khai con số này, nhưng cho dù nếu có thì phải đánh dấu hỏi cho tính chính xác của nó. Thông thường các số liệu mà Trung Quốc công bố đều thấp hơn rất nhiều so với đánh giá của các bên độc lập đưa ra. Ví dụ như tổng chi tiêu cho R&D (như đã đề cập ở trên) do OECD ước tính cao gấp 1,6 lần số liệu mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cung cấp (khoảng 382 tỷ USD[17]) cho cùng năm 2021. Số liệu về chi tiêu quốc phòng Trung Quốc năm 2021 cũng có chiều hướng tương tự, khi con số mà nước này cung cấp (209 tỷ USD[18]) thấp hơn gần tới 1/3 so với ước tính (285 tỷ USD[19]) của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockhom (SIPRI).
Nhìn vào dữ liệu tổng thể về R&D của Trung Quốc không thể chỉ ra trong số này bao nhiêu được dành cho quốc phòng. Tuy nhiên, một nghiên cứu ước tính rằng trong năm 2018 Trung Quốc đã có thể đã chi tới 27 tỷ USD[20]. Nếu con số này chính xác thì Trung Quốc vẫn không chi nhiều như Mỹ (64 tỷ USD), nhưng chi rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Hàn Quốc (3,5 tỷ USD) hay Nhật Bản (1 tỷ USD).
Chi tiêu R&D cho quốc phòng của Trung Quốc và một vài quốc gia, năm 2018, triệu USD
Như đã phân tích ở trên, R&D chỉ là một thành tố cấu thành nên tổng thể nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc. Theo nhận định của chuyên gia, nền công nghiệp này từ lâu đã dựa nhiều vào mô hình “hấp thu”, trong đó các công ty Trung Quốc mua công nghệ quân sự và công nghệ lưỡng dụng của nước ngoài để kết hợp vào thiết kế và phát triển sản phẩm của riêng mình[22]. Cách tiếp cận này đã giảm đáng kể lượng thời gian và tiền bạc mà Trung Quốc phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
Dù không thể truy chính xác được dữ liệu về R&D của Trung Quốc cho quốc phòng, nhưng nếu phân tích chi tiêu cho khí tài quân sự (theo dữ liệu từ phía Trung Quốc) có thể thấy mức tăng đáng kể, từ 24,2 tỷ USD (năm 2010) lên 68,5 tỷ USD (năm 2021)[23]. Mặc dù con số thật còn có thể lớn hơn nhiều lần, nhưng xu hướng này đã chỉ ra nỗ lực hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách công nghệ của Trung Quốc với thế giới.
Một thước đo khác có thể được dùng để soi xét về quy mô của nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là doanh thu từ việc bán vũ khí (cả nội địa và nước ngoài) của các công ty vũ khí chủ lực Trung Quốc. Các công ty này cung cấp gần như mọi loại khí tài quân sự như tàu chiến, tàu ngầm, tăng-thiết giáp, hệ thống phòng thủ mặt đất, tên lửa cho đến vũ khí hạt nhân, v.v[24]. Trong top 100 công ty sản xuất vũ khí và cung cấp dịch vụ quân sự lớn nhất thế giới năm 2021, SIPRI liệt kê tới tám đại diện của Trung Quốc, thậm chí 7/8 công ty còn thuộc nhóm 20 đứng đầu (chỉ trừ Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (NNNC) đứng thứ 64). Tất nhiên, bởi vì ước tính doanh số bán vũ khí của SIPRI dựa trên báo cáo tài chính được công bố công khai, nên rất có thể bản danh sách này chưa thể hiện đúng được quy mô của nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Tuy vậy, chỉ riêng doanh thu được công khai của tám công ty này cộng lại đã lên tới 109 tỷ USD vào năm 2021, tăng 15,5% so với năm 2020 (94 tỷ USD). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc có thể khẳng định Trung Quốc là nhà sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ (299 tỷ USD).
Một điều đáng chú ý là trước năm 2015 không có một công ty Trung Quốc nào lọt vào danh sách này, nhưng đến năm 2015 có tới bảy công ty và từ năm 2016 tới nay có tám công ty luôn duy trì thứ hạng cao trong danh sách.
Doanh thu của các công ty Trung Quốc được liệt kê trong danh sách 100 công ty vũ khí lớn nhất thế giới và Tăng trưởng theo từng năm, giai đoạn 2015-21, triệu USD (cột trái) và % (cột phải)
Không chỉ vậy, báo cáo này nhận định rằng Trung Quốc ngày càng ít lệ thuộc vào nhập khẩu vũ khí và công nghệ nước ngoài. Nền công nghiệp quốc phòng của nước này đã phát triển đến mức nhu cầu về vũ khí của Trung Quốc ở nước ngoài ngày càng tăng. Hiện, Trung Quốc không công bố số liệu chính thức về giá trị kinh tế của các lô vũ khí xuất khẩu là bao nhiêu. Tuy vậy, theo phương pháp đánh giá số liệu dựa trên khối lượng vũ khí chuyển giao (được công bố), báo cáo chỉ ra lượng nhập khẩu vũ khí đã giảm 50% trong khi xuất khẩu tăng 208% trong giai đoạn 2014-2018; đồng thời Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ năm thế giới.
Trong giai đoạn 2018-2021, Trung Quốc đã xuất khẩu vũ khí tới 38 quốc gia[26]. Việc gia tăng xuất khẩu trong những năm gần đây không những nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng, mà còn để mở rộng ảnh hưởng quân sự và đảm bảo khả năng tiếp cận tài nguyên thiên nhiên cũng như một vài thị trường chiến lược[27]. Theo tổng hợp của Cortney Weinbaum và cộng sự (2022)[28], một ví dụ rõ ràng nhất là tại Châu Phi với gần một nửa số quốc gia (18/38) nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc trên toàn cầu. Có thể nhận thấy rằng nhiều quốc gia nhập khẩu vũ khí Trung Quốc cũng đang mắc nợ Trung Quốc với nhiều dự án BRI như Angola, Sudan hay Nigeria. Chỉ ba quốc gia này đã góp tới 48% lượng nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc tại Châu Phi[29]. Đối với khu vực Đông Nam Á, nước này xuất khẩu tới 6 quốc gia, gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar và Thái Lan. Dễ dàng nhận thấy các quốc gia có mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc trong khu vực đều không nằm trong danh sách nhập khẩu vũ khí của nước này như Philippines và Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản tại Đông Á, hay Ấn Độ tại Nam Á.
So sánh sự tương đồng giữa các quốc gia nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc (hình trái, tính tới năm 2021) và mắc nợ Trung Quốc với BRI (hình phải, tính tới năm 2023) tại Châu Phi
Công nghệ của Trung Quốc: Một thách thức đối với toàn cầu?
Cũng phải nhấn mạnh rằng, từ lâu Washington đã cảnh giác đến vấn đề về các bí mật công nghệ quân sự của mình đang bị rơi vào tay của Bắc Kinh. Mỹ đặc biệt quan ngại về chiến lược “quân dân dung hợp” (MCF) của Trung Quốc với mục tiêu là phát triển Quân đội Giải phóng Nhân dân thành một quân đội hàng đầu thế giới. Việc phát triển và chuyển giao công nghệ giữa khối quân sự với dân sự được kỳ vọng sẽ Trung Quốc sớm đạt được những mục tiêu đặt ra cho quân đội của mình. Theo đánh giá từ năm 2004, chiến lược này của Trung Quốc đã tạo ra nhiều thành tựu vượt bậc cho Trung Quốc về các công nghệ lưỡng dụng như ngành đóng tàu, công nghệ thông tin và hàng không vũ trụ[31].
Sự thành công của MCF càng cho thấy các lỗ hổng công nghệ mà Trung Quốc có thể khai thác từ Mỹ. Trung Quốc có thể sử dụng các công trình nghiên cứu trên cơ sở hợp tác quốc tế từ các trường đại học, cũng như thúc đẩy khối doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và công nghệ tạo ra những thành tựu vừa có giá trị về mặt kinh tế vừa hữu dụng đối với quân sự. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Christopher Ford cho hay, chính các cơ sở đại học Trung Quốc đang ở tuyến đầu của MCF. Vì vậy, khó có thể phân biệt đâu là nhà nghiên cứu “thuần khiết chỉ là” dân sự, đâu là người được Quân đội Giải phóng cử sang nước ngoài để “học hỏi” các thành tựu quân sự cho các mục tiêu MCF[32].
Báo cáo thường niên của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, công bố vào tháng 2/2023, nhận định chính phủ Trung Quốc vẫn đang nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “cải tiến tự chủ” bằng cách sử dụng thị trường rộng lớn cùng với vị thế kiểm soát nhiều nguồn cung ứng thiết yếu để gây áp lực với các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ[33].
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh chính thức cấm các công ty của Mỹ đầu tư “công nghệ nhạy cảm” tại Trung Quốc, tập trung vào chất bán dẫn, công nghệ lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Nhật Bản và Hà Lan trước đó công khai ủng hộ quyết định của Mỹ và cũng có động thái tương tự để hạn chế xuất khẩu công nghệ chip sang Trung Quốc. Châu Âu và Anh cũng đang cân nhắc khả năng cấm xuất khẩu công nghệ, trong khi Khối G7 đã thống nhất vào tháng 6/2023 rằng những hạn chế đối đầu tư ra nước ngoài phải là một phần trong bộ công cụ tổng thể của Khối[34].
Ngay sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) tố cáo Washington đang “cản trở trao đổi và hợp tác kinh tế và thương mại toàn cầu” và tạo ra “những trở ngại cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới”. Đồng thời, Bộ này phủ nhận cáo buộc rằng nước này đang ăn cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ. Người phát ngôn của MOFCOM, bà Thúc Giác Đình nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác thương mại cùng có lợi giữa Trung Quốc và Mỹ. Các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc được hoan nghênh và bảo đảm quyền lợi dưới một môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường, dựa trên luật pháp và quốc tế hóa. Chuyển giao công nghệ bắt buộc đi ngược lại luật đầu tư nước ngoài của Trung Quốc và luật thị trường. Tuy nhiên, bà Thúc cho rằng việc chia sẻ công nghệ và sở hữu trí tuệ thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) là bình thường đối với doanh nghiệp[35].
Trong khi đó, Trung Quốc cũng hạn chế xuất khẩu hai kim loại hiếm gali và germani bằng cách cấp giấy phép xuất khẩu cho những công ty đáp ứng được những “yêu cầu liên quan”[36]. Việc thắt chặt xuất khẩu này sẽ tạo ra một áp lực lớn đối với thị trường toàn cầu khi Trung Quốc sản xuất 90% gali và 60% germani toàn cầu. Hai kim loại này đặc biệt cần thiết trong sản xuất chất bán dẫn và rất quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng. Đây được coi là sự trả đũa kinh tế của Bắc Kinh dành cho Washington, đặc biệt đối với ngành công nghiệp quốc phòng[37].
Hiện tại, Trung Quốc là đối tượng bị quan tâm đặc biệt tại Washington và sự phát triển công nghệ quốc phòng của nước này vẫn được Mỹ theo dõi sát sao. Sự đối đầu về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục căng thẳng trong nhiều năm tới. Điều này được Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ tái khẳng định quan điểm của Mỹ trong báo cáo (đã đề cập ở trên) như sau:
“Trung Quốc sẽ vẫn là mối đe dọa hàng đầu đối với khả năng cạnh tranh công nghệ của Hoa Kỳ, khi Bắc Kinh nhắm vào các lĩnh vực then chốt cũng như công nghệ thương mại và quân sự độc quyền từ các công ty và tổ chức của Hoa Kỳ và đồng minh”.
Tác giả: Hoàng Long
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập quan địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] GII (2023). “China ranking in the Global Innovation Index 2023”. https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/wipo-pub-2000-2023/cn.pdf.
[2] OECD (2012). “Main Science and Technology Indicators”. OECD Publishing. https://www.oecd.org/sdd/08_Science_and_technology.pdf.
[3] 新华社 (2016). “中华人民共和国国民经济和社会发展第十三个五年规划纲要”. https://www.gov.cn/xinwen/2016-03/17/content_5054992.htm.
[4] 新华社 (2021). “中华人民共和国国民经济和社会发展第十四个五年规划和2035年远景目标纲要”. https://www.gov.cn/xinwen/2021-03/13/content_5592681.htm.
[5] OECD (2023), Gross domestic spending on R&D (indicator). doi: 10.1787/d8b068b4-en. Truy cập 30/10/2023.
[6] Shahid Yusuf and Kaoru Nabeshima (2007). “China’s Development Priorities”. https://books.google.com.vn/books?id=RXxsm7bxqMMC&pg=PA61&lpg=PA61&dq=china+1999+2000+SOE+and+government+research+and+development.
[7] The Oxford Institute for Energy Studies (2023). https://chineseclimatepolicy.oxfordenergy.org/book-content/domestic-policies/clean-energy-rd/. Truy cập 30/10/2023.
[8] Arendse Huld (2023). “Understanding China’s Rapidly Growing Healthcare Market”. https://www.china-briefing.com/news/understanding-chinas-rapidly-growing-healthcare-market/. Truy cập 30/10/2023.
[9] SC of China (2022). “Full Text: China’s Space Program: A 2021 Perspective”. https://english.www.gov.cn/archive/whitepaper/202201/28/content_WS61f35b3dc6d09c94e48a467a.html. Truy cập 30/10/2023.
[10] Xueying Han and Richard P. Appelbaum (2018). “For China to realise its research and innovation potential the government may have to place greater trust in the academic community”. https://blogs.lse.ac.uk/impactofsocialsciences/2018/05/09/for-china-to-realise-its-research-and-innovation-potential-the-government-may-have-to-place-greater-trust-in-the-academic-community/. Truy cập 01/11/2023.
[11] Xem thêm tại: https://stats.oecd.org/Index.aspx?DataSetCode=MSTI_PUB#.
[12] 中央政府门户网站(2015). “加强基础研究 强化原始创新、集成创新和引进消化吸收再创新”. https://www.gov.cn/xinwen/2015-11/12/content_2964523.htm. Truy cập 01/11/2023.
[13] Tai Ming Cheung, William Lucyshyn, and John Rigilano (2019). “The Role of Technology Transfers in China’s Defense
Technological and Industrial Development and the Implications for the United States”. https://dair.nps.edu/bitstream/123456789/2756/1/UCSD-AM-19-028.pdf.
[14] Nancy Qu (2019). “China officially ends foreign ownership limits”. https://fundselectorasia.com/china-officially-ends-foreign-ownership-limits/. Truy cập 01/11/2023.
[15] Jyh-An Lee (2020). “Forced Technology Transfer in the Case of China”.
[16] 中央政府门户网站(2017). “习近平:决胜全面建成小康社会 夺取新时代中国特色社会主义伟大胜利——在中国共产党第十九次全国代表大会上的报告”. https://www.gov.cn/zhuanti/2017-10/27/content_5234876.htm. Truy cập 02/11/2023.
[17] National Bureau of Statistics of China (2023). “Statistical Communiqué of The People’s Republic of China on The 2022 National Economic And Social Development”. http://www.stats.gov.cn/english/PressRelease/202302/t20230227_1918979.html. Truy cập 02/11/2023.
[18] “Note Verbal from China to UN”. https://front.un-arm.org/wp-content/uploads/2023/04/Note-Verbal-from-China-20230424.pdf.
[19] Tham khảo tại: https://www.sipri.org/databases/milex.
[20] CSET (2019). “Chinese Public AI R&D Spending: Provisional Findings”. https://cset.georgetown.edu/wp-content/uploads/Chinese-Public-AI-RD-Spending-Provisional-Findings-1.pdf.
[21] Xem thêm tại: https://stats.oecd.org/Index.aspx?DataSetCode=GBARD_NABS2007. Truy cập 02/11/2023.
[22] Tai Ming Cheung (2017). “Strengths and Weaknesses of China’s Defense Industry and Acquisition System and Implications For The U.S.”. https://dair.nps.edu/bitstream/123456789/1541/1/SYM-AM-17-153.pdf.
[23] Tham khảo: https://milex.un-arm.org/country-profile/CHN.
[24] Nan Tian and Fei Su (2020). “ESTIMATING THE ARMS SALES OF CHINESE COMPANIES”. https://www.sipri.org/sites/default/files/2020-01/sipriinsight2002_0_0.pdf.
[25] SIPRI (2022). “SIPRI Arms Industry Database”. https://www.sipri.org/databases/armsindustry. Truy cập 04/11/2023.
[26] Cortney Weinbaum, John V. Parachini, Melissa Shostak, Chandler Sachs, Tristan Finazzo and Katheryn Giglio (2022). “China’s Weapons Exports and Private Security Contractors”. Santa Monica, CA: RAND Corporation. https://www.rand.org/pubs/tools/TLA2045-1.html.
[27] Melissa Shostak and Cortney Weinbaum (2022). “How China Is Building Influence Through Arms Sales”. https://www.rand.org/blog/2022/12/how-china-is-building-influence-through-arms-sales.html. Truy cập 03/11/2023.
[28] Cortney Weinbaum, John V. Parachini, Melissa Shostak, Chandler Sachs, Tristan Finazzo and Katheryn Giglio (2022). “China’s Weapons Exports and Private Security Contractors”. Santa Monica, CA: RAND Corporation.
[29] Tham khảo thêm: https://chinapower.csis.org/china-global-arms-trade/. Truy cập 05/11/2023.
[30] Tham khảo: https://www.bu.edu/gdp/chinese-loans-to-africa-database/
[31] Richard A. Bitzinger (2004). “Asia-Pacific Security Asia-Pacific Security Studies: Civil-Military Integration and Chinese Military Modernization”. https://dkiapcss.edu/Publications/APSSS/Civil-MilitaryIntegration.pdf.
[32] https://www.state.gov/wp-content/uploads/2020/06/T-paper-Visa-Policy-Final-3.pdf.
[33] Intelligence Community (2023). “ANNUAL THREAT ASSESSMENT OF THE U.S. INTELLIGENCE COMMUNITY”. https://www.dni.gov/files/ODNI/documents/assessments/ATA-2023-Unclassified-Report.pdf.
[34] Asia Financial (2023). “China ‘Strongly Dissatisfied’ at US Ban on Tech Investment”. https://www.asiafinancial.com/us-ban-on-tech-investment-in-china-aims-at-narrow-subsets. Truy cập 05/11/2023.
[35] MOFCOM (2023). “MOFCOM Regular Press Conference (August 17, 2023)”. http://english.mofcom.gov.cn/article/newsrelease/press/202308/20230803436410.shtml. Truy cập 05/11/2023
[36] Asia Financial (2023). “China Issues Gallium, Germanium Licences as Exports Sink”. https://www.asiafinancial.com/china-issues-gallium-germanium-licences-as-exports-sink. Truy cập 05/11/2023.
[37] Gabriel Dominguez (2023). “China’s gallium curbs to have limited impact on U.S. defense”. https://www.japantimes.co.jp/asia-pacific/2023/08/11/politics/chinas-gallium-curbs-to-have-limited-impact-on-us-defense/. Truy cập 05/11/2023.