Trong chuyến thăm Lào của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm 2017, cả hai bên đã thống nhất cùng nhau xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh. Trong đó, Trung Quốc và Lào sẽ tập trung vào xây dựng hành lang kinh tế Trung-Lào và tăng cường hợp tác nhằm phục vụ công chúng của hai nước về một loạt các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, khai thác tài nguyên, bảo tồn nguồn nước, viễn thông, cơ sở hạ tầng và y tế. Theo tuyên bố của hai nước, cộng đồng này được xây dựng dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, phù hợp với lợi ích cơ bản và mong đợi chung của hai Đảng, hai nước và hai dân tộc, đồng thời có lợi cho sự nghiệp cao cả vì hòa bình và phát triển của nhân loại[1]. Hai năm sau vào năm 2019, hai nước đã chính thức ký kết kế hoạch hành động xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung-Lào.
Đối với Trung Quốc, Lào là một mắt xích quan trọng nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là một trong những phương cách được Trung Quốc sử dụng để hiện thực hóa khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” tại khu vực. Việc triển khai các dự án trong khuôn khổ BRI tại Lào, đặc biệt dự án tuyến đường sắt chạy qua Lào, sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận với khu vực, không chỉ về mặt thương mại mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với tổng thể mạng lưới BRI và khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh”.
Đối với Lào, thông qua các khuôn khổ như BRI, Lào mong muốn có thể tăng cường các hoạt động thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và khắc phục được hạn chế của một quốc gia “không có biển”. Lào cũng hi vọng có thể tận dụng các nguồn lực của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư và đẩy mạnh phát triển kinh tế của đất nước.
Trung Quốc quảng bá cộng đồng chung vận mệnh là một loại hình quan hệ quốc tế mới với sự tôn trọng lẫn nhau, công bằng, chính đáng và hợp tác cùng có lợi. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc tăng cường hợp tác với Lào mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc hơn, mà bỏ ngỏ nhiều vấn đề tiêu cực tiềm tàng cho Lào. Vì vậy, việc đánh giá về tình hình thực tiễn triển khai kế hoạch xây dựng cộng đồng tại Lào của Trung Quốc có thể cung cấp một góc nhìn kịp thời và cảnh tỉnh cho các quốc gia khác, trong đó Việt Nam (một quốc gia láng giềng của cả Trung Quốc và Lào) có thể suy xét và cân nhắc các yếu tố lợi và hại trong cộng đồng chung vận mệnh của Trung Quốc.
Các ưu tiên và thực tiễn triển khai tại Lào
Để hiện thực hóa các ý tưởng của mình, nhiều dự án đã được triển khai trên khắp lãnh thổ Lào. Theo nguồn dữ liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI)[2], Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng gần 32 tỷ USD cho 58 dự án tại Lào trong giai đoạn 2005-2023. Trước khi BRI được khởi xướng, chủ yếu các dự án tập trung vào lĩnh vực năng lượng và về sau được mở rộng sang các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng với trọng tâm là tuyến đường sắt Trung – Lào. Sau năm 2013, các dự án của Trung Quốc đầu tư ở Lào đều được gắn mác khuôn khổ BRI. Về quy mô, các dự án có xu hướng tăng mạnh rõ rệt trong giai đoạn BRI và chững lại sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong giai đoạn từ 2013-2023, Trung Quốc có 42 dự án với số vốn đầu tư khoảng 25 tỷ USD.
Hình thành Vành đai kinh tế Trung – Lào
Vào tháng 11/2017, Trung Quốc và Lào đã ban hành “Tuyên bố chung Trung – Lào”, đề xuất “xây dựng hành lang kinh tế Trung – Lào bắt đầu từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, dựa trên tuyến đường sắt Trung – Lào và đi qua một số khu vực nút thắt quan trọng”[3]. Tuyến đường sắt dài 1.035km từ Côn Minh tới Vientiane được bắt đầu xây dựng vào cuối năm 2016 và hoàn thành sau 5 năm triển khai. Đây chỉ là một trong nhiều tuyến đường sắt, dưới đề xướng của sáng kiến BRI, được xây dựng nhằm kết nối Lào với mạng lưới BRI trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Singapore. Nếu mọi thứ đi đúng theo kế hoạch thì tiềm năng kinh tế của tuyến đường sắt này có thể kéo mức thu nhập trong nước của Lào tăng thêm 21% trong dài hạn, theo một đánh giá của Ngân hàng Thế giới[4].
Từ khi được đưa vào vận hành, tuyến đường sắt này đã vận chuyển tổng cộng 3,1 triệu lượt hành khách và 5,4 triệu tấn hàng hóa, trong đó chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2023 đã có 1,8 triệu lượt người và 3,1 triệu tấn hàng đóng góp vào số liệu trên[5]. Trong hai năm hoạt động, Lào xuất khẩu sang Trung Quốc trung bình khoảng 88% và chỉ nhập khẩu 12% tổng lượng hàng hóa thông qua tuyến đường sắt này[6]. Theo Trung Quốc Nhật báo, việc xuất khẩu các sản phẩm của Lào tăng lên đã trực tiếp tạo ra hơn 3.500 việc làm, thúc đẩy sự phát triển của các ngành như logistic, vận tải và du lịch; đồng thời hơn 100.000 việc làm được gián tiếp bổ sung vào nền kinh tế[7].
Xung quanh tuyến đường sắt hình thành nên các khu kinh tế mới và nhiều hoạt động thương mại như khai thác quặng sắt, bột sắn và cao su. Đặc biệt đối với thị trấn biên giới Boten, nơi trở thành một tụ điểm kinh tế quan trọng sau khi dự án đường sắt được chính thức khởi động. Boten là nơi duy nhất ở Lào cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% doanh nghiệp. Có thể thấy việc quy định như vậy chủ yếu là để thu hút thêm các nhà đầu tư Trung Quốc khi đồng Nhân dân tệ có thể thay thế đồng Kip Lào trong các giao dịch tại thị trấn. Thậm chí, Boten đang có kế hoạch cho phép công dân Trung Quốc vào đặc khu kinh tế Boten chỉ bằng thẻ căn cước Trung Quốc[8]. Thị trấn này cùng với thị trấn Ma Hàm phía bên kia biên giới đã hình thành một khu vực hợp tác kinh tế và hướng tới phát triển thành khu thương mại tự do cho doanh nghiệp của hai nước[9].
Tuyến đường sắt được kỳ vọng sẽ giúp kết nối và hỗ trợ vận tải nhanh chóng hơn các tuyến đường biển truyền thống giữa Trung Quốc với các nước xung quanh như Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Một ví dụ cụ thể là về kim ngạch xuất khẩu sầu riêng từ Thái Lan sang Trung Quốc qua tuyến đường sắt đã tăng 365% kể từ khi đi vào hoạt động, một phần vì thời gian vận chuyển nhanh hơn và một phần từ các hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và khu vực ASEAN[10].
Ngoài ra, con đường tơ lụa kỹ thuật số cũng được lồng ghép vào các hoạt động của sáng kiến BRI. Nền cơ sở hạ tầng viễn thông chưa phát triển chính là cơ hội cho các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc tận dụng để khai thác triệt để “mỏ vàng chưa bị khai phá” ở khu vực. Kể từ khi các công trình đường bộ cũng như đường sắt được khởi công, Huawei đã triển khai đầu tư vào các cơ sở hạ tầng viễn thông dọc theo những tuyến đường này của Lào. Huawei cũng đã cung cấp cho Lào nền tảng công nghệ thông tin (ICT) và hệ thống quản lý cho đường cao tốc thông minh, đồng thời phát triển và tích hợp cơ sở hạ tầng truyền thông di động 5G trong tương lai[11].
Phát triển thủy điện
Chính phủ Lào đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng thủy điện để biến lĩnh vực này trở thành một trong những mũi nhọn chính của nền kinh tế Lào, vốn dựa chủ yếu vào nông nghiệp. Kể từ năm 2000, chính phủ Lào đặt mục tiêu biến Lào thành “viên pin của Đông Nam Á” với mong muốn tận dụng nguồn thủy lực từ dòng sông Mekong cho mục đích phát triển kinh tế của mình. Phần lớn sản lượng điện sẽ được Lào xuất khẩu sang các quốc gia xung quanh như Thái Lan và Việt Nam. Vào năm 2021, gần 80% sản lượng điện được xuất khẩu[12]. Hiện, Lào có 78 đập thủy điện đang vận hành, cùng 246 biên bản ghi nhớ dành cho các dự án thủy điện khác. Trên sông Mekong có hai con đập lớn đang hoạt động, cùng với một con đập nữa đang được xây dựng và sáu con đập dự kiến được xây dựng[13].
Chính vì Lào sở hữu nguồn thủy năng dồi dào chưa được khai thác, Trung Quốc muốn phát triển mối quan hệ hợp tác sâu rộng với Lào bằng cách đầu tư vào các dự án năng lượng, đặc biệt là đối với các công trình đập thủy điện lớn trên sông Mekong (3/6 đập do Trung Quốc đầu tư). Công suất lắp đặt cho thủy điện của Lào hiện nay đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á (sau Việt Nam), nhưng được đánh giá có thể triển khai xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện mới để tăng tối đa mức khai thác lên gấp ba lần hiện nay[14]. Kể từ khi Lào nhận các khoản đầu tư từ sáng kiến BRI, 70% cơ sở hạ tầng thủy điện của nước này là do Trung Quốc đầu tư[15].
Theo tính toán của tác giả, Trung Quốc đầu tư khoảng 30% (tương đương 9,4 tỷ USD) trong tổng số các dự án tại Lào vào lĩnh vực thủy điện, nhưng chỉ một phần rất nhỏ vào điện than (1,7 tỷ USD). Đáng chú ý dự án điện than này được Trung Quốc đầu tư từ năm 2010. Vì vậy, các dự án năng lượng sau này của Trung Quốc có thể được coi như là cách nước này thực hiện cam kết của mình nhằm thúc đẩy phát triển xanh và bền vững tại khu vực ASEAN.
Thúc đẩy các chương trình xã hội
Trong khuôn khổ “Cộng đồng chung vận mệnh”, Trung Quốc cũng cam kết sẽ hỗ trợ Lào trong lĩnh vực giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nếu so với lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng, các dự án cụ thể thể nhằm nâng cao đời sống xã hội trông có vẻ khiêm tốn hơn rất nhiều, kể cả số lượng và quy mô. Số liệu cho thấy lời hứa của Trung Quốc vẫn tạm đang dừng ở các cam kết. Trong tất cả 42 dự án của mình kể từ khi BRI được triển khai tại Lào, Trung Quốc mới chỉ đầu tư vào duy nhất một dự án y tế với vốn 110 triệu USD, tức chỉ khoảng 0,4% tổng vốn tại Lào.
Đối với dự án nhằm xóa nghèo tại Lào, Trung Quốc hiện đã thí điểm triển khai chương trình hỗ trợ kỹ thuật tại hai ngôi làng được chỉ định tại vùng viền Vientiane và Luang Prabang từ năm 2017 tới 2020. Chương trình này nằm trong Sáng kiến Hợp tác về Xóa nghèo của Trung Quốc ở Đông Á và được triển khai thí điểm tại sáu ngôi làng ở Lào, Campuchia và Myanmar. Mục đích chính của chương trình là để đánh giá về điều kiện sống của người dân có cải thiện hay không sau khi được cung cấp cơ sở hạ tầng mới như hệ thống điện, cầu, đường và các công trình công cộng trong khu vực[16]. Sau khi cơ sở hạ tầng cơ bản được cải thiện, chương trình tập trung vào việc nâng cao sinh kế của người dân thông qua các nhóm hợp tác xã nông dân mới thành lập. Theo đánh giá sơ bộ, tình hình sản xuất, sinh kế và năng lực quản lý của nông dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo tại các làng dự án giảm từ 52% năm 2017 xuống còn 25% vào năm 2020[17][18].
Nhờ vậy, Trung Quốc muốn khẳng định vai trò quan trọng của nước này đối với các chương trình xã hội. Tháng 4/2021, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Sách Trắng với tiêu đề “Xóa nghèo: Kinh nghiệm và đóng góp của Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc sử dụng các ví dụ từ Sáng kiến Hợp tác về Xóa nghèo và chính kinh nghiệm trong quá khứ của Trung Quốc đề nhấn mạnh về các thành tựu đã đạt được. Trung Quốc thể hiện mong muốn tăng cường trao đổi, hợp tác với các nước về giảm nghèo, hỗ trợ các chương trình quốc tế và đóng góp nhiều hơn vào việc xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh”. Trung Quốc làm tất cả những điều này, như Sách Trắng đề cập, vì “Trung Quốc không thể phát triển tách biệt với phần còn lại của thế giới và thế giới cần Trung Quốc để phát triển hơn nữa. Với suy nghĩ này, Trung Quốc luôn là nước xây dựng hòa bình toàn cầu, đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu và là người bảo vệ trật tự quốc tế”[19].
Đánh giá về các tác động của các hoạt động đầu tư từ Trung Quốc
Giới quan sát bày ngại về các vấn đề tiềm tàng mà Trung Quốc mang đến, nhất là vấn đề về “bẫy nợ”. Trong giai đoạn 2012 – 2019, thâm hụt tài khoản vãng lai ở Lào tương đối lớn so với GDP, dao động từ 7% đến 15% GDP[20]. Trong giai đoạn ngắn 2020 – 2021, tài khoản vãng lai có dấu hiệu dương, nhưng lý do chính là do suy thoái kinh tế làm giảm nhập khẩu về mức năm 2019 trong khi xuất khẩu gỗ và điện (hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước) tăng trưởng[21]. Tới năm 2022, tài khoản này lại trở về dưới mức cân bằng vì thâm hụt thu nhập sơ cấp đến từ việc chuyển nhượng lợi nhuận và thanh toán nợ vay nước ngoài[22].
Về nợ nước ngoài, hiện nay Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Lào với khoảng 12,2 tỷ USD hay 64,8% GDP vào năm 2021. Riêng dự án đường sắt Boten – Vientiane có chi phí 5,9 tỷ USD, trong đó ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Exim Bank) cho vay 60%, chính phủ Trung Quốc và chính phủ Lào lần lượt góp khoảng 30% và 10%[23]. Tuy nhiên, trong số 10% này, tương đương 740 triệu USD, Lào chỉ góp được 240 triệu USD và phải vay thêm của Exim Bank 480 triệu USD. Khoản vay này có lãi suất 2,3% và Lào đã phải lấy thu nhập từ một mỏ bauxite và ba mỏ kali làm tài sản thế chấp cho khoản vay[24]. Chính phủ Lào lạc quan rằng tuyến đường sắt sẽ sinh lời vào năm 2027[25], nhưng mô hình kinh tế cho thấy Đường sắt Trung Quốc-Lào “không có khả năng mang lại lợi ích kinh tế lớn và có khả năng là một khoản nợ tiềm ẩn rất lớn đối với Lào”[26]. Tháng 10/2022, tổ chức tài chính Fitch đánh giá “xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn” của Lào ở mức “CCC”, ám chỉ “rủi ro tín dụng đáng kể” và việc vỡ nợ “có thể xảy ra thực sự”[27]. Trong năm năm tới, Lào sẽ phải trả từ 1,2-1,4 tỷ USD trong khi hiện tại đất nước này đang phải đối mặt với các lựa chọn tài chính hạn hẹp, lạm phát gia tăng, đồng tiền mất giá và dự trữ ngoại hối thấp ở mức khoảng 1,28 tỷ USD (tính trung bình từ tháng 7/2022 tới 7/2023)[28].
Ở một dự án năng lượng, Lào đã phải nhượng quyền cho một công ty Trung Quốc quyền xây dựng vào quản lý lưới điện quốc gia trong vòng 25 năm để đổi lấy việc xóa nợ. Mặc dù dự án phát triển lưới điện là liên doanh giữa Lào và Trung Quốc, nhưng các quan chức Lào đã tuyên bố rằng họ “không có khả năng quản lý và vận hành đường dây điện”, đồng thời ca ngợi “tài chính, năng lực công nghệ và nhân lực của Trung Quốc.” Như vậy, Lào đã trao Trung Quốc toàn quyền đối với mặt hàng xuất lớn nhất của Lào là điện. Tương tự, vào tháng 9/2021, Lào và Trung Quốc tổ chức lễ khánh thành dự án thủy điện Nam Ou ở phía bắc nước này, bao gồm 7 nhà máy do Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc phát triển trong khuôn khổ BRI. Khoản đầu tư trị giá 2,8 tỷ USD này cũng đi kèm với thỏa thuận ưu đãi, cho phép Trung Quốc vận hành các con đập trong 29 năm đầu tiên[29].
Ngoài ra, sự ảnh hưởng tới môi trường của các dự án thủy điện tại sông Mekong cũng là một vấn đề đáng bận tâm. Theo đánh giá, sông Mekong có tiềm năng sản xuất tối đa 53.900 MW, trong đó phần thượng lưu sông chảy qua lãnh thổ Trung Quốc có thể sản xuất 23.000 MW và 70% sản lượng điện năng tại phần hạ lưu tập trung tại Lào với 21.000 MW. Nếu hệ thống thủy điện bậc thang được tận dụng triệt để để sản xuất điện thì sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực to lớn đối với các quốc gia nằm cuối sông như Campuchia và Việt Nam. Một vài tác động rõ rệt có thể nhận thấy hiện nay là việc thiếu nước ngọt, hạn hán và xáo trộn hệ sinh thái, ảnh hưởng tới nuôi trồng thủy sản của người dân[30].
Cộng đồng chung vận mệnh của Trung Quốc
“Cộng đồng chung vân mệnh” lần đầu tiên được Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào nhắc tới trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVII vào năm 2007 để miêu tả mối quan hệ ruột thịt và vận mệnh chung của Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan. Cụm từ này đã được sử dụng để ám chỉ một triết lý mới rộng hơn sau khi người kế nhiệm ông là Tập Cận Bình nhận nhiệm sở. Ông Tập nhấn mạnh về một thế giới đang ngày trở thành một “cộng đồng chung vận mệnh”, mà ở đó “trong bạn có tôi, và trong tôi cũng có bạn”[31]. Sau này, cụm từ được sử dụng lặp đi lặp lại trong các văn bản chính sách đối ngoại của Trung Quốc, thậm chí khái niệm này đã được thêm vào trong lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sửa đổi năm 2018.
Để giải thích cho khái niệm này, trong bài trả lời phóng viên Tân Hoa Xã vào năm 2018[32], Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tóm gọn chính sách ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Hoa với tầm nhìn xây dựng một một cộng đồng chung vận mệnh như sau:
“Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho người dân Trung Quốc mà còn nỗ lực vì sự tiến bộ của nhân loại…Trung Quốc sẽ nhìn ra toàn cầu và quan tâm đến thế giới, hợp tác với các nước khác để xây dựng một cộng đồng có chung vận mệnh cho nhân loại và xây dựng một kiểu quan hệ quốc tế mới có tính tôn trọng, công bằng chính nghĩa, hợp tác cùng có lợi cũng như xây dựng một thế giới có hòa bình lâu dài, an ninh toàn cầu và thịnh vượng chung, cởi mở bao trùm và sạch đẹp là định hướng và mục tiêu chung của ngoại giao Trung Quốc”.
Mới đây, vào ngày 26/9/2023, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Sách trắng với tiêu đề “Cộng đồng toàn cầu chung vận mệnh: Đề xuất và Hành động của Trung Quốc”. Sách trắng này tái khẳng định sự cần thiết của một cộng đồng chung, đặc biệt khi thế giới hiện nay đang trải qua những thay đổi ở quy mô lớn với nhiều vấn đề khác nhau và những thách thức chưa từng có đối với xã hội loài người.. Ở đây, Sách trắng nhấn mạnh về việc gạt bỏ khái niệm “trò chơi tổng bằng không” (zero sum game) – nghĩa là trong một tình huống cụ thể có người thắng và người thua, sao cho lợi ích mà người thắng nhận được tương đương với mất mát của người thua, hay nói cách khác, tổng sự thay đổi lợi ích của các bên là bằng không. Thay vào đó, Sách trắng gợi ý lối tư duy lỗi thời này phải được thay thế bằng một tầm nhìn mới về việc tìm kiếm những kết quả có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Về những hoạt động và đóng góp của Trung Quốc, Sách trắng đề cập lại những thành tựu mà Trung Quốc đã góp phần để xây dựng một cộng đồng toàn cầu chung vận mệnh, bao gồm: 1) đề cao thành quả của sáng kiến BRI; 2) triển khai ba sáng kiến mới nhằm nâng cao quản trị toàn cầu như Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) và Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI); 3) xây dựng sự đồng thuận giữa nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, từ đó thành lập các tiểu cộng đồng chung vận mệnh của từng khu vực khác nhau; và 4) thúc đẩy hợp tác quốc tế về mọi lĩnh vực như y tế, biến đổi khí hậu hay an ninh mạng[33].
Cơ hội và thách thức cho Lào?
Đối với khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc đề cao mối quan hệ hợp tác với cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – ASEAN. Sách trắng 2023 về cộng đồng chung vận mệnh đã sử dụng mối quan hệ này để làm minh chứng cụ thể cho một sự tiến bộ và hợp tác hiệu quả. Ở cấp độ song phương, Trung Quốc cũng thể hiện sự lạc quan khi số lượng đối tác có xu hướng ngày càng gia tăng với nhiều kế hoạch hành động, các bản tuyên bố chung hoặc đạt được các thỏa thuận quan trọng về xây dựng cộng đồng song phương vì vận mệnh chung.
Đối với Lào, Trung Quốc muốn sử dụng và quảng bá các dự án thành công tại Lào như một hình tượng phát triển của sự hợp tác vì một vận mệnh chung. Mặc dù Lào hiện đang đối mặt với một nguy cơ vỡ nợ tiềm tàng từ các khoản vay của Trung Quốc, nhưng chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ làm mọi cách để điều này không thể xảy ra. Một hình ảnh về nước Lào vỡ nợ sẽ làm xấu đi hình ảnh về sáng kiến BRI và cộng đồng chung vận mệnh và Trung Quốc đang gắng sức gây dựng. Vì vậy, Trung Quốc buộc phải cung cấp nhiều khoản viện trợ hơn nữa cho Lào vì chắc chắn Trung Quốc không muốn chính các công ty của nước mình phải gánh các khoản nợ xấu khi đối mặt với nguy cơ nền kinh tế địa phương có thể sụp đổ[34].
Có ý kiến cho rằng không phải Lào đang rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, mà chính Trung Quốc đang mắc nợ nhiều hơn. Trong ví dụ nhắc tới ở trên về vụ việc chuyển nhượng quyền khai thác điện của Lào trong 25 năm tới, Trung Quốc thực chất phải gánh thêm một phần khoản nợ ước tính 8 tỷ USD của công ty điện lực quốc gia Lào (Trung Quốc kiểm soát 90%). Tuy rằng chính phủ Lào sẽ thu ít hơn từ nguồn này, nhưng họ lại đang muốn biến thuế nội địa đánh vào các công ty tư nhân trở thành nguồn thu chính cho ngân sách quốc gia[35].
Tuy nhiên, vấn đề nợ quốc gia và sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc của Lào thực sự nghiêm trọng. Vì lý do rủi ro tín dụng lớn và mức tín nhiệm quốc gia thấp, Lào khó có thể thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài khác do lo ngại quốc gia này sẽ vỡ nợ. Phương án khả dĩ cho Lào hiện nay là tránh đầu tư ồ ạt vào các siêu dự án, đồng thời cần đánh giá lại tính hiệu quả và nâng cao năng lực quản lý của các cấp. Như vậy, Lào mới có thể tự chủ về mặt tài chính và tự vận hành được các công trình, tối ưu được tiềm năng to lớn của chúng đối với kinh tế nước nhà.
Trước mắt, chưa có một động thái nào của Lào cho thấy về việc cân nhắc hạn chế các khoản đầu của Trung Quốc. Lào sẽ vẫn tiếp tục các dự án cơ sở hạn tầng trong khuôn khổ BRI nhằm đáp ứng nhu cầu của mình. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn coi Lào là một hình mẫu của hợp tác song phương với sự tin tưởng và là bước đệm để thúc đẩy kế hoạch xây dựng một khu vực cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – ASEAN.
Chính sách đối ngoại của Lào và hàm ý đối với Việt Nam
Các khoản đầu tư của Trung Quốc chắc chắn ít nhiều sẽ có tác động tới tới các chính sách đối ngoại của nước này. Có thể thấy rằng mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc trong những năm gần đây lớn hơn rất nhiều so với các mối quan hệ truyền thống trong khu vực như Việt Nam và Thái Lan. Về mặt kinh tế, đầu tư FDI của Trung Quốc trong nhiều năm nay còn lớn hơn FDI của Việt Nam và Thái Lan cộng lại.
Mối quan hệ hợp tác kinh tế này cũng thúc đẩy các trao đổi về văn hóa, giáo dục, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong xã hội Lào. Trong năm học 2023-2024, chính phủ Trung Quốc đã trao 350 suất học bổng cho du học sinh Lào. Cũng trong cùng năm, số học sinh ghi danh vào chương trình cử nhân tiếng Trung tại Đại học Quốc gia Lào (đại học danh giá nhất tại Lào) tăng đáng kể và chiếm số lượng nhiều nhất so với tất cả các ngành học khác[37].
Trong chuyến làm việc tại Trung Quốc nhân Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư Trung Quốc-ASEAN, thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã tán thưởng các thành tựu mà sự hợp tác với Trung Quốc mang lại cho Lào, đồng thời khẳng định quan điểm của Lào về cộng đồng chung vận mệnh[38]:
“Đảng và Chính phủ Lào luôn ủng hộ mọi sáng kiến do lãnh đạo Trung Quốc đề xuất, đặc biệt là BRI đã mang lại cho chúng tôi nhiều lợi ích… Lào rất ủng hộ đề xuất của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm củng cố cộng đồng chung vận mệnh giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Trung Quốc và ASEAN là những đối tác thương mại quan trọng của nhau.”
Quan hệ quân sự Trung – Lào cũng trở nên sâu sắc hơn khi Trung Quốc tăng cường đầu tư kinh tế và cơ sở hạ tầng. Tháng 5/2023, hai nước đã tiến hành tập trận chung nhằm nâng cao khả năng ứng phó với khủng bố tại Lào. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cuộc tập trận này được tổ chức để củng cố sự hợp tác quốc phòng theo tuyên bố chung được hai bên ký kết về xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung – Lào[39]. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc tập trận chung là một trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gián tiếp đối đầu với sự hiện diện ngày càng nhiều của Mỹ tại khu vực. Trước đó, Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận thường niên với Thái Lan, Indonesia cũng như cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay với Philippines (số lượng lên tới 17.000 quân nhân). Thậm chí mới đây tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr bày tỏ ý định cho phép quân nhân Mỹ đồn trú tại nước này để phòng trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan trong tương lai. Đáp lại những động thái này, Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc tập trận với Campuchia, Singapore và Lào trên cơ sở “tăng cường hợp tác quốc phòng song phương”.
Sự gắn chặt với Trung Quốc về một loạt lĩnh vực đồng nghĩa với việc Lào phải luôn khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của mình đối với lập trường ngoại giao của Trung Quốc. Khi chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan, Lào đã lập tức có chỉ trích căng thẳng leo thang tại khu vực và tái khẳng định lập trường của mình về việc coi Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc, đồng thời phản đối mọi ý định nhằm tạo ra tình thế “hai Trung Quốc” hoặc “một Trung Quốc, một Đài Loan”[40].
Có thể thấy rằng nếu sự hợp tác giữa Lào và Trung Quốc tiếp tục được tăng cường thì mối quan hệ này có thể tạo ra sự căng thẳng ngoại giao nhất định đối với Việt Nam. Nếu tranh chấp tại Biển Đông trở thành một vấn đề đa phương, Lào có khả năng sẽ nghiêng hơn về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, phải xét tới một thực tế là mối quan hệ giữa Lào và Việt Nam phức tạp hơn rất nhiều so với Lào và Đài Loan. Chính sách đối ngoại của Lào suốt hai thập kỷ vừa qua luôn xoay quanh việc làm thế nào để cân bằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thậm chí, việc nghiêng về bên nào hơn cũng gây ra những mâu thuẫn và bất đồng trong nội bộ tại chính trường Lào[41].
Vì vậy, Việt Nam cần nắm rõ điều này để có những hành động thích hợp và kịp thời nhằm phát triển hơn nữa quan hệ với Lào. Việt Nam và Lào có thể tham gia vào các cuộc thảo luận song phương để giải quyết bất kỳ mối quan ngại hoặc vấn đề nào phát sinh từ sự hợp tác của Lào với Trung Quốc. Việc nỗ lực duy trì mối quan hệ bền chặt truyền thống của giữa hai quốc gia chính là chìa khóa giải quyết những vấn đề có thể nảy sinh trong tương lai./.
Tác giả: Hoàng Long
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ Ban Biên tập qua địa chỉ: [email protected]
Chú thích tham khảo:
[1] http://www.xinhuanet.com//english/2017-11/14/c_136749706.htm. Truy cập 24/9/2023.
[2] Tham khảo tại https://www.aei.org/china-global-investment-tracker/
[3] RenKeyao,Riaz Ahmad, and Azeem Gul (2018). ”China-Laos Economic Corridor: Challenges for Regional and Policy Countermeasures”. Global Economics Review (GER). http://dx.doi.org/10.31703/ger.2018(III-II).07
[4] World Bank (2020). “From Landlocked to Land-Linked: Unlocking the Potential of Lao-China Rail Connectivity”
[5] TheStar (2023). “Laos-China railway adds extra train amid surge in passengers”. https://www.thestar.com.my/aseanplus/aseanplus-news/2023/09/21/laos-china-railway-adds-extra-train-amid-surge-in-passengers. Truy cập 26/9/2023.
[6] Xinhua (2023). “China-Laos rail freight transport sees significant expansion in 2023”. http://english.scio.gov.cn/m/beltandroad/2023-09/26/content_116710283.htm. Truy cập 26/9/2023.
[7] Jiang Zaidong (2023). “Railway improves economy, livelihoods in Laos”. http://epaper.chinadaily.com.cn/a/202306/12/WS64864dfda3106e73106c45b3.html. Truy cập 26/9/2023.
[8] Cai Yiwen (2023). “On the China-Laos Border, a Cautionary Tale of Hot Money and Wild Dreams”. https://www.sixthtone.com/news/1013675. Truy cập 26/9/2023.
[9] 商务部新闻办公室 (2015). “中老签署磨憨-磨丁经济合作区建设共同总体方案”. http://www.mofcom.gov.cn/article/ae/ai/201508/20150801097461.shtml. Truy cập 26/9/2023.
[10] Xinhua (2023). “Thai durian shipments to China surge as China-Laos Railway boosts trade”. https://english.news.cn/20230816/f02a7679d5aa4a56979b720370ac9d25/c.html. Truy cập 26/9/2023.
[11] 华为(2023). “华为助力打造老挝首条智慧高速公路”. https://e.huawei.com/cn/news/ebg/2020/first-expressway-laos. Truy cập 26/9/2023.
[12] Elizabeth Ingram (2023). “Laos can use hydropower to enable new renewables development”. https://www.hydroreview.com/hydro-industry-news/new-development/laos-can-use-supply-security-from-hydropower-to-enable-new-renewables-development/. Truy cập 28/9/2023.
[13] Momo Sakudo (2023). “Are Laos’s Hydropower Ambitions a Chinese ‘Debt Trap’?” https://www.asiapacific.ca/publication/are-laoss-hydropower-ambitions-chinese-debt-trap. Truy cập 28/9/2023.
[14] Tham khảo tại: https://www.hydropower.org/region-profiles/east-asia-and-pacific.
[15] Tham khảo tại https://www.hydropower.org/country-profiles/laos.
[16] MFA (2021). “China’s VNR Report on Implementation of the 2030 Agenda for Sustainable Development”.
[17] Huang Yunyun (2021). “Warm Moments in China-Laos Poverty Reduction Cooperation”. http://en.china-asean-media.com/show-45-1073-1.html. Truy cập 28/9/2023.
[18] Chanthaphaphone Mixayboua, Zhang Jianhua (2021). “Feature: China, Laos innovate poverty reduction cooperation along Mekong River”. http://www.china.org.cn/world/Off_the_Wire/2021-09/11/content_77747334.htm. Truy cập 29/9/2023.
[19] Hu Yuwei and Xie Wenting (2021). “China issues white paper on poverty alleviation to share experiences in eradicating extreme poverty”. https://www.globaltimes.cn/page/202104/1220305.shtml. Truy cập 28/9/2023.
[20] Tham khảo https://data.worldbank.org/indicator/BN.CAB.XOKA.GD.ZS?locations=LA.
[21] Bank of the Lao PDR (2022). “Annual Economic Report 2021”.
[22] Bank of the Lao PDR (2023). “Annual Economic Report 2022”.
[23]Ammar A. Malik, Bradley Parks, Brooke Russell, Joyce Jiahui Lin, Katherine Walsh, Kyra Solomon, Sheng Zhang, Thai-Binh Elston, Seth Goodman (2021). “Banking on the Belt and Road: Insights from a new global dataset of 13,427 Chinese development projects”. Williamsburg, VA: AidData at William & Mary.
[24] Stewart Paterson (2022). “Are China’s investment projects in Laos a window into the future?”. Hinrich Foundation. https://www.hinrichfoundation.com/research/article/fdi/china-investment-projects-in-laos/. Truy cập 28/9/2023.
[25] Shotaro Tani (2018). “Laos ‘not concerned’ about debt from China’s Belt and Road”. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Spotlight/The-Future-of-Asia/The-Future-of-Asia-2018/Laos-not-concerned-about-debt-from-China-s-Belt-and-Road?. Truy cập 28/9/2023.
[26] Lane Jonathan Andrew (2020). “Reevaluating the economic benefits of the Lao People’s Democratic Republic (Lao PDR)–People’s Republic of China high-speed rail and its implications for fiscal stability of the Lao PDR”. ADBI Working Paper 1181. Asian Development Bank Institute. Accessed via https://www.adb.org/sites/default/files/publication/634766/adbi-wp1181.pdf.
[27] Fitch Ratings (2022). “Fitch Affirms Laos at ‘CCC-‘, Withdraws Ratings” https://www.fitchratings.com/research/sovereigns/fitch-affirms-laos-at-ccc-withdraws-ratings-10-10-2022. Truy cập 29/9/2023.
[28] Tham khảo https://tradingeconomics.com/laos/foreign-exchange-reserves.
[29]Momo Sakudo (2023). nt. Truy cập 28/8/2023.
[30] Nguyễn Huy Hoạch (2022). “Tác động xuyên biên giới của hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Mê Kông”. https://nangluongvietnam.vn/tac-dong-xuyen-bien-gioi-cua-he-thong-bac-thang-thuy-dien-tren-song-me-kong-28206.html. Truy cập 29/9/2023.
[31] 张湘忆、赵晶(2013). “曲星:人类命运共同体的价值观基础”. http://theory.people.com.cn/n/2013/0216/c40531-20496626.html.
[32] 新华网(2018). “王毅:放眼全球胸怀世界 与各国携手构建人类命运共同体”. http://www.xinhuanet.com/politics/2018lh/2018-03/08/c_137024305.htm. Truy cập 30/9/2023.
[33] MAF (2023). “Full Text: A Global Community of Shared Future: China’s Proposals and Actions”. https://www.fmprc.gov.cn/eng/zxxx_662805/202309/t20230926_11150122.html. Truy cập 30/9/2023.
[34] Toshiro Nishizawa (2022). “Claims of default in Laos are bankrupt”. https://www.eastasiaforum.org/2022/08/25/claims-of-default-in-laos-are-bankrupt/. Truy cập 30/9/2023.
[35] David Hutt (2023). “Has Laos ensnared China in a ‘creditor trap?’”. https://ceias.eu/has-laos-ensnared-china-in-a-creditor-trap/. Truy cập 30/9/2023.
[36] Cai Yiwen (2023). “In a Post-COVID Laos, China’s Influence Grows Ever Larger”. https://www.sixthtone.com/news/1013673. Truy cập 30/9/2023.
[37] Xinhua (2023). “Interest in learning Chinese language grows among Lao students”. https://english.news.cn/20230901/5e88f8db77c1481fb82bd5855fc984da/c.html. Truy cập 30/9/2023.
[38] Liu Yang (2023). “’Talking to ASEAN Leaders’ Series Ep. 1 – Lao PM: RCEP is conducive to China-ASEAN cooperation”. https://news.cgtn.com/news/2023-09-19/RCEP-is-conducive-to-China-ASEAN-Lao-PM-1ne4YKbduNy/index.html. Truy cập 30/9/2023.
[39] MOF (2023). “China, Laos hold joint military drill in Laos”. http://eng.mod.gov.cn/xb/News_213114/TopStories/16223920.html. Truy cập ngày 01/10/2023.
[40] MOFA (2022). “Statement of the Spokesperson of the Ministry of Foreign Affairs of the Lao PDR”. Vientiane, 3 August 2022. http://www.mofa.gov.la/index.php/statements/mofa-statement/4883-statement-of-the-spokesperson-of-the-ministry-of-foreign-affairs-of-the-lao-pdr-over-the-development-in-the-taiwan-strait.
[41] Phạm Quang Phúc (2023). “Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Lào và hàm ý đối với Việt Nam”. https://nghiencuuchienluoc.org/dieu-chinh-chinh-sach-doi-ngoai-cua-lao-va-ham-y-doi-voi-viet-nam/. Truy cập 30/9/2023.