Tháng cuối cùng của năm 2023 rất khó khăn với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev. Điều này có thể báo hiệu một năm 2024 đầy thách thức đối với Ukraine.
Mỹ và phương Tây không thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine
Kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng nổ, Mỹ và các đồng minh đã viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine tới nay đã vượt quá 110 tỷ USD. Nhưng kể từ tháng 6/2023, sau khi Mỹ và các đồng minh đặt nhiều kỳ vọng lớn vào “cuộc đại phản công Zaporozhye”, các lực lượng vũ trang Ukraine và các nhóm vũ trang thân Ukraine ở Đông Ukraine đã tiến hành nhiều cuộc tấn công chống lại quân đội Nga. Tuy nhiên, cuộc tấn công cục bộ kéo dài nửa năm đã không thể xuyên thủng tuyến phòng thủ đầu tiên do quân đội Nga, Wagner và lực lượng vũ trang thân Nga ở Đông Ukraine xây dựng.
Phải biết rằng, quân đội Nga để ứng phó với cuộc tấn công cục bộ lần này của Ukraine đã chuẩn bị 3 tuyến phòng thủ. Nhưng trong cuộc mạo hiểm quân sự kéo dài trong nửa năm này, quân đội Ukraine đã mất hơn 100.000 quân lính. Cuộc phiêu lưu quân sự lần này của Kiev đã khiến cựu chiến binh Ukraine tham gia vào xung đột Đông Ukraine từ năm 2014 về cơ bản đã tổn thất hết. Cho đến nay, quyền chủ động trên chiến trường Đông Ukraine đã bị quân đội Nga kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài chiến trường Nga-Ukraine, mặc dù cường độ xung đột giữa Palestine và Israel hồi đầu tháng 10 kém gay gắt hơn nhiều so với xung đột giữa Nga và Ukraine. Nhưng phần lớn sự chú ý của thế giới đã chuyển từ Đông Ukraine sang Gaza, khiến Ukraine càng khó nhận được viện trợ quân sự và kinh tế của NATO. Mặc dù viện trợ của Mỹ cho các thực thể theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zion) kém xa so với viện trợ của nước này cho Ukraine, nhưng các thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội ở đồi Capitol vẫn bị ảnh hưởng bởi hoạt động vận động hành lang của Ủy ban Công vụ Mỹ – Israel và phiếu bầu của các cử tri theo đạo Tin lành trong nước cho thấy sự việc viện trợ cho Ukraine không nhiệt tình như vậy. Điều này càng khiến tình hình của Zelensky trở nên khó khăn hơn. Việc Zelensky không thu được gì từ chuyến đi vừa kết thúc tới Mỹ là đủ để minh họa cho vấn đề.
Mỹ không dẫn đầu và các đồng minh của họ càng trốn xa hơn. Mặc dù Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg luôn kêu gọi các thành viên châu Âu của NATO hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhưng do giá hàng hóa quốc tế không ngừng tăng kể từ khi xung đột Nga -Ukraine bùng nổ. Ngành công nghiệp sản xuất đáng tự hào của EU đã bị thiệt hại nghiêm trọng, khiến các nước châu Âu phải chịu thiệt hại nặng nề. Các quốc gia này bất luận là viện trợ quân sự hay kinh tế ngày càng trở nên căng thẳng.
Anh và Ý đã hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine khi xung đột bùng phát và tiếp tục hỗ trợ Ukraine ngay cả sau nhiều lần thay đổi hướng đi. Nhưng gần đây, tình hình kinh tế ở Anh và Ý vẫn chưa có chuyển biến tốt. Trong nước về cơ bản không có ngành sản xuất cao cấp, một khi kho đạn dược quân sự địa phương cạn kiệt do viện trợ số lượng lớn thì sẽ khó tiếp tục cung cấp hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Kiev một lần nữa.
Còn đối với Pháp và Đức, dưới sự hợp tác của Chirac, Merkel và Putin, một lượng lớn dầu thô, khí đốt tự nhiên, khoáng sản và phân bón của Nga đã vào Pháp và Đức, khiến cho kinh tế hai nước trong 20 năm đầu thế kỷ XXI luôn duy trì tăng trưởng tương đối cao. Tuy nhiên, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, dưới sự dẫn dắt của nền ngoại giao giá trị quan phương Tây, các nước châu Âu (trừ Belarus, Serbia và Hungary) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga. Khiến các nước này khó có được sự hỗ trợ lớn nguồn tài nguyên dầu khí tương đối rẻ từ Nga. Chi phí sản xuất và mức giá cả sinh hoạt của người dân tăng vọt.
Chính phủ nhiều nước lẽ ra phải đầu tư ngân sách tài chính của mình vào việc bình ổn giá cả trong nước và khôi phục nền kinh tế của họ sau đại dịch. Tuy nhiên, vì giá trị quan ngoại giao, Macron và Schultz đã đầu tư một lượng lớn ngân sách tài chính của nước mình để viện trợ cho Ukraine. Cuộc phản công ở Zaporozhye thất bại hoàn toàn không chỉ khiến người dân trong nước bất mãn với Chính phủ đương nhiệm mà còn khiến hàng loạt cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau nổ ra. Cuộc đảo chính quân sự chống Pháp nổ ra ở Niger trong phạm vi ảnh hưởng của Pháp ở Tây Phi. Paris không những không trấn áp được mà còn buộc đại sứ của Pháp tại nước này phải rời Niger. Niger rất giàu trữ lượng uranium và than đá, và việc mất đi nguồn cung cấp khoáng sản giá rẻ sẽ khiến Pháp gặp bất lợi lớn hơn. Đối với Đức, việc chủ động cắt đứt thương mại với Nga đã khiến dòng xe ô tô Đức vốn bán chạy ở Nga mất đi một thị trường quan trọng, khiến giá cả trong nước ngày càng tăng vọt. Hàng loạt ngành sản xuất chuyển sang các nước siêu cường, thậm chí dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính liên bang hiếm thấy.
Đối với các nước Đông Âu (trừ Hungary và Serbia), nguồn tài chính của họ kém xa so với G7. Các chính trị gia đương nhiệm ở mỗi nước ban đầu hy vọng thay thế vũ khí Liên Xô tồn kho trong nước của họ bằng thiết bị tiêu chuẩn NATO. Nhưng năng lực sản xuất ngành công nghiệp quân sự Mỹ khó có thể đảm bảo viện trợ quân sự cho Ukraine trong khi vẫn đảm bảo nguồn cung cho các nước NATO.
Vì thế, Ba Lan thậm chí mua không ít trang thiết bị quân sự từ Hàn Quốc, nhưng vẫn giật gấu vá vai. Mùa thu năm nay, nông sản Ukraine do bị Hạm đội Biển Đen Nga phong tỏa khó có thể vận chuyển từ “Biển Đen – Eo biển Dardanelles – Biển Aegean – Địa Trung Hải”, buộc phải đi đường bộ. Trong quá trình vận chuyển, lượng lớn lương thực Ukraine đã đi vào thị trường của các nước Đông Âu. Những nông sản giá rẻ này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của nông dân các nước, khiến nhiều nông dân thậm chí đã phá sản, mà phiếu bầu của nông dân ảnh hưởng đối với chính trường là không thể bỏ qua.
Vì vậy, trong cuộc bầu cử ở Slovakia và Ba Lan, các đảng cầm quyền ban đầu ủng hộ mạnh mẽ viện trợ cho Ukraine đã thất bại trong cuộc bầu cử. Mặc dù đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ ở Đông Âu và sự tan rã của Liên Xô, nhưng Đông Âu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng của Nga. Mức sống của người dân còn kém hơn nhiều so với Pháp và Đức, rất khó tưởng tượng họ có đủ năng lực để hỗ trợ mạnh mẽ Ukraine.
Nhật Bản và Hàn Quốc ở Đông Á cũng đã hỗ trợ Ukraine. Những vấn đề kinh tế hiện tại mà họ gặp phải cũng tương tự như những vấn đề châu Âu và Mỹ gặp phải. Tuy nhiên, do tình hình ở Đông Á được ưu tiên hơn châu Âu, ngoại trừ ngành công nghiệp quân sự của Hàn Quốc nhờ các đơn đặt hàng từ châu Âu và Mỹ dường như đang kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ. Cho nên việc Nhật – Hàn viện trợ quân sự cho Kiev dường như khó có thể để đạt được mức cao hơn.
Chính vì Mỹ và các đồng minh lớn hiện tại đều không thể bảo đảm tiếp tục hỗ trợ vì nền kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng. Đối với Ukraine mà nói tác động tiêu cực là rất lớn. Lấy vấn đề cũ đạn dược ra để nói: “chiến tranh hiện đại là pháo chiến, còn chiến đấu là hậu cần”. Châu Âu và Mỹ không ngừng dự đoán năng lực sản xuất công nghiệp quân sự của Nga không thể theo kịp, nhưng Quân đội Nga ở tiền tuyến cũng không có dấu hiệu cạn kiệt đạn dược, mỗi ngày vẫn bắn hàng chục nghìn phát đạn.
Ngay cả trên chiến trường Đông Ukraine, quân đội Nga thậm chí còn sử dụng đạn pháo từ Triều Tiên để đảm bảo đủ lượng đạn pháo. Tuy nhiên trước tình trạng nhân lực vũ trang ở tiền tuyến Ukraine ngày ngày càng thiếu hụt, quân đội Nga vẫn duy trì được ưu thế hỏa lực của mình. Hiện tại, các cuộc phản công của quân đội Nga ở Avadivka (đầu cầu quan trọng trong cuộc tấn công vào Donetsk), Sulodar và Roddinje thực sự dựa vào hỏa lực pháo binh để buộc một số quân nhân Ukraine trên tiền tuyến phải rút lui.
So sánh tình hình các vùng phi chiến tranh Nga-Ukraine
Hiện nay, Nga đã đảo ngược tình thế suy thoái, không chỉ giành được chiến thắng về mặt quân sự trong cuộc phản công mang tính phòng thủ của “Cuộc phản công Zaporozhye” mà còn cả về mặt kinh tế. Sau khi Nga chống chọi được các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ, nền kinh tế của nước này ổn định và đi lên. Điều này đối với những nước đang trong chiến tranh mà nói là rất hiếm thấy.
Mặc dù ban đầu bị châu Âu và Mỹ phong tỏa trừng phạt, trong ngắn hạn một lượng lớn hàng hóa của Nga rất khó tìm được thị trường tiêu thụ mới. Là một nước xuất khẩu tài nguyên, Nga từng đứng bên bờ vực khủng hoảng. Tuy nhiên, với nỗ lực của các nhà lãnh đạo quản lý Matxcơva và toàn thể người dân Liên bang Nga, vấn đề này đã được giải quyết một cách hiệu quả. Dầu khí của Nga được trung chuyển và xử lý qua Hy Lạp, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ấn Độ, sau đó được bán sang Châu Âu và các nước khác. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt và vụ nổ của đường ống dẫn dầu khí đã khiến Nga không thể có thiện cảm với các khách hàng châu Âu trước đây, giá dầu khí tự nhiên tăng lên. Thêm vào đó các nước sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông, dẫn đầu là Ả Rập Saudi, nhân cơ hội tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu, giá dầu thô thế giới ngay lập tức tăng cao, giá các mặt hàng khác trên thế giới cũng tăng theo, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ và các nước đồng minh.
Đồng thời, Moscow phát hiện ra rằng mặc dù hiện tại họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung cấp công nghiệp từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng người bạn phương Đông của họ – Trung Quốc, với tư cách là quốc gia công nghiệp lớn nhất thế giới, có một hệ thống sản xuất hoàn chỉnh, đa dạng, từ ô tô tới kem đánh răng. Hơn nữa so với các sản phẩm của châu Âu, các sản phẩm của Trung Quốc cực kỳ tiết kiệm chi phí, một số lượng lớn sản phẩm của Trung Quốc thông qua “Tuyến đường sắt Đông Bắc-Viễn Đông-Siberia” được vận chuyển đến các vùng khác nhau của Nga (thậm chí cả tiền tuyến của Nga).
So với trước khi xung đột nổ ra, chi phí sinh hoạt của người dân và quân đội Nga đã giảm xuống, đây là một điều kỳ lạ. Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, ngành công nghiệp có lợi thế duy nhất của Nga là công nghiệp quân sự ngay lập tức phục hồi và được Điện Kremlin hỗ trợ như liều thuốc trợ tim. Người Nga phải rải một lượng lớn phân bón không bán được trên đất nông nghiệp của mình. Với thời tiết thuận lợi, Nga liên tiếp có những vụ thu hoạch bội thu. Khi giá nông sản trên toàn thế giới tăng lên đã khiến Nga với tư cách là một quốc gia xuất khẩu ngũ cốc kiếm thêm một khoản nữa.
Nếu về mặt quân sự và kinh tế, lợi thế của Nga và sự suy yếu của châu Âu và Mỹ chưa đủ rõ ràng thì trong nội bộ các nước Âu – Mỹ do xung đột Nga-Ukraine gây ra các làn sóng phản đối khác nhau của người dân ở những nước này và buộc các chính trị gia ở nhiều nước phải cân nhắc đến tương lai chính trị của họ. Mặc dù trong những ngày đầu của cuộc xung đột, nhiều người châu Âu và Mỹ bị ảnh hưởng bởi “sự đúng đắn về chính trị” và sự tuyên truyền chống Liên Xô và chống Nga đã tồn tại lâu đời, một số lượng lớn người dân đã tích cực ủng hộ Ukraine và dang rộng vòng tay chào đón những người tị nạn Ukraine. Tuy nhiên, cùng với một lượng lớn đầu tư ngân sách từ nhiều nước khác nhau, mặt trận tiền tuyến ở miền Đông Ukraine vẫn chưa được cải thiện nên sớm hay muộn, chiếc boomerang sẽ rơi xuống đầu những người ủng hộ Ukraine này.
Ngoài dòng chảy sản xuất và giá cả tăng vọt nêu trên, tình trạng tham nhũng hiện nay ở Ukraine liên tục lọt vào tầm ngắm của người dân châu Âu và Mỹ. Thậm chí nhiều người còn nghi ngờ liệu những gì họ ủng hộ có đúng hay không. Cùng với cuộc xung đột Palestine-Israel bắt đầu vào tháng 10, phần lớn sự chú ý của công chúng đổ dồn vào trận chiến giữa Hamas và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Gaza hơn là trận chiến giữa quân đội Nga và quân đội Ukraine. Các chính trị gia xã hội chủ nghĩa và bảo thủ ở nhiều quốc gia khác nhau ở Châu Âu và Mỹ đã kêu gọi cắt đứt viện trợ cho Israel, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thái độ đối với viện trợ cho Ukraine.
Vậy tình hình hiện nay tại các khu vực phi chiến tranh trong nước của Ukraine ra sao? Chỉ có thể nói rằng kể từ khi Ukraine giành được độc lập từ Liên Xô cũ, cả nước đã suy tàn. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, cơ sở hạ tầng trên khắp Ukraine cũng bị tấn công, nhiều nơi thường xuyên bị mất điện, nước. Đây chắc chắn là một đòn giáng mạnh vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền Kiev vẫn coi chiến tranh là ưu tiên hàng đầu. Hầu hết các nguồn cung cấp năng lượng ngoài cơ sở quân sự đều không được coi trọng, họ đã nhắm mắt làm ngơ và không làm gì trước thực trạng mà người dân đang phải gánh chịu.
Do chiến tranh làm tình hình kinh tế suy thoái, không ít người dân Ukraine phải làm việc hơn 10 giờ. Nhưng tình trạng mất điện và nước liên tục khiến người dân vốn có thể làm việc ban đêm bị gián đoạn. Nếu không có thêm giờ làm việc thì sẽ không đủ Hryvnia để sinh sống, chưa kể đồng Hryvnia liên tục mất giá. Những người hậu phương đứng sau chiến tuyến nói chung đang phải vật lộn để sinh nhai. Sự đồng tình của người dân đối với chính quyền ngày càng giảm sút nhưng chính quyền lại “đề nghị” người dân hãy kiên nhẫn.
Người dân Ukraine đã mệt mỏi với lời lẽ khoa trương này nhưng họ phải tiếp tục chịu đựng vì hầu hết người dân Ukraine không có quyền lựa chọn. Ngoài việc yêu cầu phương Tây giúp đỡ, người Ukraine chưa thấy chính quyền thực hiện các biện pháp khác để có thể cải thiện đời sống của người dân. Chính quyền chỉ có thể kêu gọi người dân giảm tiêu thụ điện, thậm chí đưa ra các sáng kiến như mặc quần áo dày hơn. Tình hình này rõ ràng đã vượt quá sự kỳ vọng của Châu Âu và Mỹ, và họ không có khả năng giải quyết các vấn đề hiện tại.
Cuộc sống của người dân Ukraina ở nước này khó khăn như vậy, liệu những người dân sơ tán rời bỏ nhà cửa có nhận được sự quan tâm chu đáo từ Chính phủ các nước họ tới không? Câu trả lời là không. Sự gia tăng các vấn đề nội bộ ở các nước châu Âu cũng khiến phúc lợi của người tị nạn Ukraine bị cắt giảm, dần dần họ bị đẩy về quê hương mình để tự lo liệu cuộc sống.
Tại Anh, khoảng 30% người tị nạn Ukraina đã trở thành người vô gia cư vì Whitehall đã chấm dứt chương trình bồi thường cho những gia đình đã che chở cho họ. Tại Ba Lan, Warsaw tăng cường kiểm tra hơn 500 khoản phúc lợi cấp cho người tị nạn Ukraine. Hơn 110.000 người Ukraine ở Ba Lan đã mất quyền nhận trợ cấp.
Ngoài ra, sự gia tăng các vấn đề nội bộ đang làm gia tăng tâm lý từ chối người tị nạn ở một số nước châu Âu. Ở Đức, Slovakia và Bulgaria đã có nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn của người dân. Rõ ràng, không phải mọi thứ ở châu Âu đều đẹp như chính quyền Kiev và một số tổ chức phi chính phủ NGO miêu tả, và đối với người Ukraine, EU không còn là thiên đường nữa.
Ngay cả trong lãnh thổ Ukraine, chế độ đãi ngộ với người tị nạn cũng không được ưu đãi bởi chỉ là người bản địa bạn mới được hưởng ưu đãi. Ở Tây Ukraine, những người di tản từ Đông Ukraine tới không được người dân địa phương chào đón. Họ thường bị người dân địa phương lăng mạ và buộc tội vô cớ rằng “chiến tranh bắt đầu vì các người”. Người dân Tây Ukraine khi nhìn thấy người tị nạn từ Đông Ukraine đến, thường gọi cảnh sát đưa những người tị nạn này đến nơi trú ẩn tạm thời của những người phải di dời, đôi khi thậm chí còn “trục xuất” họ và những người tị nạn này bị người dân miền Tây Ukraine phân biệt đối xử, lăng mạ, bạo lực, đe dọa và lạm dụng thể xác vì nói tiếng Nga, thậm chí cả nhà ở bị cho thuê với giá cao ngất ngưởng. Khi số người được huy động gia nhập quân đội ở Tây Ukraine ngày càng tăng và số thương vong cũng tăng lên, sự tức giận và căm ghét của người dân Tây Ukraine đối với người dân miền Đông Ukraine sẽ chỉ ngày càng tăng thêm chứ không giảm bớt.
Hiện có khoảng 6,2 triệu người phải di tản trong nước ở Ukraine. Trong số này, chỉ có 4,8 triệu người được cấp lại chứng minh chính thức. Hầu hết họ chỉ nhận được khoản trợ cấp 2.000 Hryvnia (khoảng 50 đô la Mỹ mỗi tháng). Khi xung đột tiếp diễn, số người tị nạn không ngừng gia tăng, trong khi khoản trợ cấp tiếp tục giảm và giá cả tiếp tục tăng cao. Vấn đề người tị nạn ở miền Đông Ukraine đang dần phát triển thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo do con người gây ra, mà chính quyền Kiev khó chối bỏ khỏi trách nhiệm này.
Để duy trì các chi phí cần thiết cho cuộc xung đột, chính quyền Kiev bắt đầu mở rộng nguồn thuế như chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch đã làm. Bất kể là Phủ tổng thống Ukraine hay Hội đồng tối cao Verkhovna Rada không chỉ hủy bỏ rất nhiều khoản giảm, miễn, hoàn thuế mà còn tăng thêm nhiều loại thuế mới. Nhiều loại thuế cũ cũng tăng thuế suất, tình hình nợ cá nhân của người Ukraine từ khi xảy ra xung đột đến nay không ngừng xấu đi.
Hội đồng tối cao Verkhovna Rada đã thông qua Dự luật Tài chính, dự luật này cung cấp danh sách đầy đủ các thay đổi về luật thuế. Bản chất của dự luật này là hủy bỏ hoàn toàn các ưu đãi về thuế dành cho các công ty Ukraine khi bắt đầu xung đột và quyết định chuyển dần sang thuế thu nhập doanh nghiệp 2% đối với các công ty. Đối với nhiều doanh nghiệp độc quyền lớn, họ đã chuyển sang nộp thuế giá trị giá tăng hoặc trốn thuế bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng các doanh nghiệp nhỏ và những hộ kinh doanh cá thể mới bị ảnh hưởng nặng nề vì họ sẽ phải nộp thuế gấp đôi so với trước khi xảy ra xung đột. Hành động của chính quyền Ukraine chắc chắn đang xát thêm muối vào vết thương của người Ukraine vốn đã vô cùng khốn khó.
Giá cả ở Ukraine cùng với sự bùng nổ xung đột và vấn đề cung ứng năng lượng liên tục tăng cao. Sản phẩm sữa trứng, rau quả đều đã tăng giá. Giá hành tây Ukraine đã tăng 18% chỉ trong một tuần và các sản phẩm sữa trứng tăng 6% mỗi tuần. Cùng với đó là hiện trạng người Ukraine mất nguồn thu nhập và thất nghiệp nặng nề. Theo số liệu thống kê, ít nhất hơn 5 triệu người Ukraine đang thất nghiệp. Việc cắt giảm tiền lương, kết hợp với việc tăng thuế và giá cả, điều này tất yếu dẫn đến sự gia tăng nợ và nợ đọng.
Đồng thời, Liên bang Nga mới đây đã xóa toàn bộ khoản nợ của người dân ở 4 bang mà nước này kiểm soát ở miền đông Ukraine, trong đó có các khoản vay mua nhà. Phần còn lại của Ukraine, đặc biệt là nam giới, phải đối mặt với sự lựa chọn: gia nhập Lực lượng vũ trang Ukraine (rất có khả năng mất mạng) với thu nhập hàng tháng từ 20.000 – 30.000 hryvnia, hoặc chết đói và tích lũy nợ nần.
Vào đầu năm nay chính quyền Ukraine đã ban hành chính sách mới liên quan đến việc làm: Nếu công dân muốn được hưởng tình trạng thất nghiệp, nam giới trước tiên phải đăng ký với văn phòng nghĩa vụ quân sự. Sau khi đăng ký, những người thất nghiệp sẽ bị cưỡng chế vào quân đội với danh nghĩa “cung cấp việc làm”. Nam giới thất nghiệp trên khắp Ukraine sẽ được tuyển dụng theo kiểu cưỡng bức vào cái gọi là “Đội quân Phục hưng Ukraine”.
Công việc của “Đội quân Phục hưng” bao gồm lao động chân tay nặng nhọc như dọn đống đổ nát, xây hầm trú bom bê tông, đào hào ở những nơi có thể có bom mìn. Công việc nặng nhọc, nguy hiểm nhưng chính quyền chỉ trả mức lương tối thiểu 6.500 hryvnia (khoảng hơn 160USD ) mỗi tháng và một ngày nghỉ phép có lương. Với mức giá hiện tại ở Ukraine, thu nhập này thậm chí không đủ để trang trải chi phí ăn ở cho những người thất nghiệp này sau khi làm việc vất vả. Mượn lời của một người Ukraine: “Chính quyền khiến người dân không nhận được bất kỳ khoản thù lao và phúc lợi nào, đang buộc người Ukraine tham gia cuộc chiến và trở thành bia đỡ đạn!”
Trong khi người dân Ukraine nghèo khó, một bộ phận khác ở Ukraine đã trở nên giàu có nhanh chóng nhờ xung đột Nga-Ukraine. Đó là các quan chức chính quyền Kiev. Kể từ khi xung đột nổ ra, một số chức sắc trong Chính phủ Ukraine đã sử dụng quyền lực của mình để kiếm lời, đầu cơ trục lợi. Họ mua bán, buôn lậu số lượng lớn xe BMW và Audi sang Nga và Belarus. Họ đã trở thành tầng lớp mới giàu có và kiếm được rất nhiều tiền từ cuộc xung đột này
Một trong số những người quyền quý đó trong quý I năm nay đã buôn lậu 45 chiếc ô tô hạng sang vào Nga, thu về tổng cộng hơn 3 triệu Euro. Người đó thậm chí còn nộp đơn lên hải quan Ukraine để được hoàn thuế VAT đối với ô tô xuất khẩu với số tiền lên tới 1 triệu Hryvnia (khoảng hơn 25.000 USD), và đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Sự khốn cùng của người Ukraine vẫn tiếp diễn và dường như không bao giờ kết thúc. Xã hội Ukraine ngày nay khắp nơi đều lộ ra sự bất lực và cay đắng. Đối với người Ukraine, cuộc sống hàng ngày đã trở thành một thử thách gian khổ. Họ không thể không nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa và hy vọng của cuộc sống trong đói nghèo tình cảnh khốn quẫn.
Xung đột lợi ích nội bộ Ukraine ngày càng gia tăng
Ở cấp cao nhất của Ukraine, các rạn nứt cũng đã xuất hiện.
Sau thất bại trong trận Bakhmut, mâu thuẫn giữa Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Zaluzhny và Tổng thống Ukraine Zelensky hiện đã trở nên công khai. Zaluzhny thừa nhận: “Cũng giống như trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, chúng ta đã đạt đến giới hạn của công nghệ, đi vào bế tắc. Rất có thể sẽ không có những đột phá sâu sắc và đẹp đẽ nào nữa”.
Nhưng điều này trái ngược nghiêm trọng với chính quyền Ukraine (bao gồm Chính phủ Ukraine và Hội đồng tối cao Verkhovna Rada do đảng cầm quyền “Phụng sự nhân dân” kiểm soát) lâu nay kiên trì đường lối chính trị đúng đắn rằng“Ukraine tất thắng”. Phủ Tống thống cho rằng quân đội không nên công khai bày tỏ quan điểm bi quan về tình hình chiến sự. “Bởi như vậy sẽ khiến những kẻ xâm chiếm càng dễ dàng được lợi hơn”.
Zelensky dựa vào hào quang phong thánh “tổng thống thời chiến” nhưng ông đã chặn đứng tất cả con đường tiến tới đàm phán hòa bình. Ông hiểu rằng đời sống chính trị và đời sống vật chất của mình có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, và đời sống chính trị của ông nằm ở việc Ukraine tiếp tục chiến đấu. Ukraine từ lâu đã bị phá sản về tài chính và chỉ dựa vào viện trợ từ châu Âu và Mỹ để trả lương cho nhân viên chính phủ, lương quân đội, lương hưu cho người già và nhiều khoản trợ cấp khác nhau. Ukraine hiện nay khó có được sự hỗ trợ như trước từ châu Âu và Mỹ. Quân đội Ukraine cũng đã chuyển từ giai đoạn tấn công chiến lược trước đây sang giai đoạn phòng thủ chiến lược. Không chỉ về mặt vật chất mà về mặt tinh thần đều có thể không còn khả năng tiếp tục chiến đấu.
Năm 2024 là năm bầu cử ở Ukraine nhưng chính quyền Ukraine hiện chưa tính đến việc tổ chức bầu cử. Ngay cả trong chiến tranh thế giới thứ hai, Anh và Mỹ vẫn nhất quyết tổ chức tổng tuyển cử trong thời gian chiến tranh. Người dân Ukraine không còn tin vào những lời dối trá của Zelensky và “Đảng phụng sự Nhân dân” của ông ta. Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cũng công khai chỉ trích Zelensky: “Dưới sự lãnh đạo của Zelensky, Ukraine đang ‘phát triển theo hướng chuyên chế’. Đến một thời điểm nào đó chúng ta có thể không khác gì Nga, và mọi thứ phụ thuộc vào sắc mặt của một người.”
Để trấn áp Klitschko, Zelensky đã bổ nhiệm cựu chỉ huy quân đội Ukraine Sergey Popko làm người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự Kiev. Cơ quan này trên thực tế độc lập với chính quyền thành phố do Klitschko lãnh đạo,“ một chính phủ quân sự mới”.
Để trấn áp các lực lượng đối lập ở địa phương, Zelensky đã đưa quân đội vào chính trị, nhưng điều này lại tạo ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn cho bản thân ông. Zaluzhny với tư cách là chỉ huy cao nhất của quân đội Ukraine, đã tích lũy được uy tín chưa từng có trong suốt cuộc xung đột Nga-Ukraine. Zaluzhny cũng nhận được sự tôn trọng của Nga. Khi chính phủ và giới truyền thông Nga chỉ trích Ukraine, họ thường gạt Zaluzhny sang một bên.
Về tình trạng hỗn loạn trong nước ở Ukraine hiện nay, có lẽ chỉ những “anh hùng chiến tranh” như Zaluzhny mới có thể chiếm được trái tim người dân Ukraine, nhưng đây chính là điều mà Zelensky ghét. Zelensky cho rằng việc tướng quân đội Ukraine tham gia chính trị là một sai lầm. Ông cảnh báo rằng nếu các quan chức quân sự hàng đầu chính trị hóa, binh lính của họ có thể bất tuân mệnh lệnh.
Đáp lại, phủ tổng thống Ukraine đã thay thế chỉ huy lực lượng tác chiến đặc biệt Ukraine, Viktor Horenko, cánh tay phải của Zaluzhny cũng được các sĩ quan quân đội Mỹ đánh giá cao. Zelensky còn thay thế tư lệnh quân y Ukraine – Thiếu tướng Tetiana Ostashchenko, và bà cũng là người của Zaluzhny.
Nhưng Zaluzhny không thể động vào, không chỉ vì lòng quân mà lòng dân không cho phép, cả Mỹ cũng sẽ không cho phép.
Thậm chí, có quan chức trong Phủ Tổng thống Ukraine lo ngại Zaluzhny sẽ tiến hành đảo chính quân sự nhằm lật đổ chính quyền Zelensky. Dù Zaluzhny không quan tâm đến vị trí nguyên thủ quốc gia tối cao Ukraine nhưng đối với Zelensky, Zaluzhny đã đe dọa ông một cách nghiêm trọng. Đối với Zaluzhny, nếu Zelensky không thể nhận thêm viện trợ nước ngoài và sau này không thể hỗ trợ hiệu quả cho quân đội Ukraine, thì ông không phản đối việc Ukraine thay đổi một nhà lãnh đạo tốt hơn.
Hiện tại, không ai có thể phủ nhận Ukraine đang trong tình trạng khủng hoảng. Môi trường kinh tế và chính trị trong nước Ukraine tiếp tục xấu đi. Tiền tuyến Đông Ukraine đang liên tục thất bại. Tâm lý phản chiến của người dân các nước châu Âu và Mỹ ngày càng gia tăng. Không ít chính trị gia mới lên nắm quyền liên tục kêu gọi giảm bớt hoặc thậm chí chấm dứt viện trợ cho Ukraine và đang cố gắng thuyết phục ngừng bắn và đàm phán hòa bình. Ngay cả khi các chính phủ ủng hộ Ukraine chiến đấu chống lại Nga cũng không thể cung cấp viện trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine.
Ngay cả khi khu pháo đài phía Đông Ukraine đã được xây dựng trong 9 năm có thể đảm bảo cho Ukraine duy trì được đến năm 2024, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Ukraine có thể cầm cự thêm một năm nữa? Moscow chắc chắn đảm bảo duy trì được thêm một năm nữa, nhưng liệu Brussels và Washington có thể duy trì thêm một năm nữa? Đối với chính quyền Biden, Đảng Dân chủ Mỹ vốn đã đâm lao phải theo lao trong vấn đề Ukraine. Việc từ bỏ Ukraine lúc này chẳng khác nào tự sát chính trị, không những hy vọng thắng cử vào năm 2024 của họ sẽ bị dập tắt mà Đảng Dân chủ thay thế người khác đều vô dụng. Hơn nữa, Biden lần lượt phải đối mặt với những thách thức chính trị nghiêm trọng, Mỹ không còn sẵn sàng chi quá nhiều vốn liếng chính trị cho Ukraine nữa. Sự dao động của Mỹ đối với Zelensky mà nói là sự dao động chết người vậy.
Tình yêu của Châu Âu và Mỹ dành cho Ukraine xuất phát nhiều hơn từ sự thù ghét Nga của họ. Nhưng Nga không chịu thất bại và kiên trì chiến đấu, cuộc chiến kéo dài là một kết cục được định trước. Châu Âu muốn dùng cuộc chiến ở Ukraine để lôi kéo Mỹ quay trở lại châu Âu, còn Mỹ muốn dùng xung đột Nga – Ukraine để hạ bệ Nga trước, sau đó quay lại đối phó với Trung Quốc. Giờ đây, châu Âu đang bị gánh nặng chiến tranh đè ép đến không thở nổi. Mỹ cần chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương hơn bao giờ hết. Trong khi đó xung đột ở Gaza cũng có nguy cơ kéo dài. Mỹ và châu Âu đều cần khẩn trương trút bỏ gánh nặng Ukraine.
Chiến tranh đi đến ngày hôm nay, Ukraine với tư cách là quân cờ và bàn cờ đã vắt kiệt khả năng của mình để tiêu trừ Nga. Đối với Brussels và NATO, một khi Ukraine thất bại toàn diện, quyền bá chủ toàn cầu của châu Âu và Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, họ không thể chấp nhận thất bại như vậy. Tuy nhiên, một khi quân đội Mỹ đích thân ra chiến trường và F-35A xuất hiện trên chiến trường Ukraine, Nga không ngại phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân. Châu Âu và Mỹ không thể thực sự hy sinh bản thân nhiều đến vậy để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.
Ukraine ngày nay cũng giống như mùa đông năm nay, chịu đựng băng tuyết, nhưng mùa xuân dường như còn xa vời. Đứng ở điểm cuối của một năm, một câu hỏi lại bắt đầu xuất hiện: Cờ xanh vàng của Ukraine liệu có thể cầm được bao lâu?
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Châu Chi Du, nhà báo, cây viết của tờ Quan sát viên (Trung Quốc)
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]