Từ ngày 11 đến 14/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Lan. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc tới Hà Lan sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1961. Trong chuyến thăm, ông Yoon Suk-yeol đã đến thăm trụ sở công ty sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới (ASML) và hội đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại The Hague. Hai nguyên thủ quốc gia đã đưa ra tuyên bố chung bao gồm 20 hạng mục. Quyết định tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, xây dựng liên minh bán dẫn và thiết lập cơ chế đối thoại cấp bộ trưởng 2+2 giữa các cơ quan ngoại giao và công nghiệp. Đã có hơn 20 bản ghi nhớ về hợp tác đã được ký kết giữa Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, mở rộng hợp tác song phương sang các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, điện hạt nhân, năng lượng carbon thấp, công nghệ kỹ thuật đột phá, nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.
Chuyến công du quốc tế bận rộn
Chuyến đi Hà Lan là điểm dừng chân cuối cùng trong 13 chuyến thăm của Yoon Suk-yeol trong năm nay. Bắt đầu từ chuyến thăm cấp nhà nước tới UAE vào đầu năm, Yoon Suk-yeol trong vòng một năm đã có chuyến thăm song phương tới 11 nước gồm UAE, Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam, Pháp, Ba Lan, Ukraine, Saudi Arabia, Qatar, Anh, Hà Lan. Tham dự 7 sự kiện ngoại giao đa phương quốc tế quan trọng bao gồm Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 18 tại New Delhi, Hội nghị không chính thức lần thứ 30 các nhà lãnh đạo APEC tại San Francisco.
Theo số liệu thống kê do văn phòng tổng thống Hàn Quốc công bố, tính đến cuối năm nay, Yoon Suk-yeol đã có 16 chuyến thăm nước ngoài trong 19 tháng kể từ khi nhậm chức. Hội kiến với hơn 90 nguyên thủ quốc gia nước ngoài và số lượng các chuyến thăm đã vượt quá số liệu của các tổng thống tiền nhiệm trong cùng thời kỳ. Đây mới chỉ dựa trên số lần cất cánh và hạ cánh của máy bay tổng thống, trên thực tế Yoon Suk-yeol đã đến thăm nhiều nước hơn.
Nhìn vào mục đích các quốc gia đến thăm, chuyến thăm của Yoon Suk-yeol tập trung ở các khu vực trọng điểm như Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Đông Nam Á. Trong chiến lược xuất khẩu do chính phủ Yoon Suk-yeol xây dựng sau khi lên nắm quyền, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN là ba thị trường chính, còn Trung Đông, Trung Nam Mỹ, Liên minh Châu Âu là ba thị trường chiến lược lớn.
Năm 2023, chính sách ngoại giao song phương của Yoon Suk-yeol tập trung vào Châu Âu, Mỹ và khu vực Trung Đông. Chuyến thăm của Yoon Suk-yeol tới 3 nước Trung Đông: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Saudi Arabia, Qatar cũng là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc tới các quốc gia này. Trong các cuộc hội đàm song phương các bên đã đạt được một loạt thỏa thuận về triển khai năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp quân sự, hợp tác khoa học – kỹ thuật mũi nhọn. Hàn Quốc đang mong chờ khởi động “Sự bùng nổ Trung Đông lần thứ hai” để tạo động lực cho nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh trở lại. Yoon Suk-yeol đã lần lượt đến thăm 5 quốc gia châu Âu trong năm nay: Pháp, Ba Lan, Ukraine, Anh và Hà Lan và đạt được nhiều thỏa thuận về tham gia tái thiết Ukraine sau chiến tranh cũng như tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ và an ninh với các nước châu Âu tiên tiến. Hàn Quốc -Nhật Bản nối lại “ngoại giao con thoi”, Mỹ Nhật Hàn tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh Trại David” cũng thúc đẩy và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Kết nối kinh tế, thêm đối tác, nắm bắt cơ hội tương lai
Sau khi nhậm chức, Yoon Suk-yeol nhấn mạnh “đặt kinh tế làm trọng tâm của công tác ngoại giao”. Mở rộng thị trường nước ngoài và bảo vệ an ninh chuỗi cung ứng đã trở thành mục tiêu hàng đầu của các chuyến thăm nước ngoài. Trong các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, Yoon Suk-yeol tích cực giới thiệu thúc đẩy các ngành công nghiệp có lợi thế của Hàn Quốc ra nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Quảng bá chiến lược phát triển của Hàn Quốc trong tương lai nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Không ngừng mở rộng vòng tròn các nước đối tác và nâng cao sức ảnh hưởng của Hàn Quốc bằng cách thúc đẩy hợp tác kinh tế và hợp tác an ninh. Nhìn lại các chuyến công du ngoại giao của Yoon Suk-yeol trong một năm qua có những đặc điểm sau.
Thứ nhất, nêu bật chủ đề hợp tác kinh tế. Trong chuyến thăm song phương của Yoon Suk-yeol, một đoàn kinh tế quy mô lớn luôn đi cùng và đích thân tham dự các diễn đàn kinh tế cũng như các hoạt động xúc tiến kinh tế thương mại. Việc ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp hai bên đã trở thành nội dung nổi bật. Các chương trình nghị sự ngoại giao tập trung chặt chẽ vào việc thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác kinh tế. Trong các diễn đàn ngoại giao đa phương, Yoon Suk-yeol ra sức quảng bá Hàn Quốc, cam kết sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc cho các nước đang phát triển và thể hiện hình ảnh một “quốc gia tiên tiến”. Đối với các nước đang phát triển, nhấn mạnh quan niệm giá trị chung, dốc sức triển khai phát triển hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn và các ngành công nghiệp mới trong tương lai.
Thứ hai, coi trọng hợp tác công nghiệp quân sự. Sau khi nhậm chức, Yoon Suk-yeol đề xuất coi ngành công nghiệp quân sự là “ngành công nghiệp trụ cột quốc gia” và là “động lực tăng trưởng kinh tế mới”. Đưa ra một loạt chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp quân sự, tích cực thúc đẩy xuất khẩu các dự án công nghiệp quân sự. Trong các chuyến công du ngoại giao của Yoon Suk-yeol việc đẩy mạnh hợp tác công nghiệp quân sự là trọng điểm hàng đầu. Yoon Suk-yeol đã đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và hai nước đã ký “Bản ghi nhớ về Hợp tác Công nghiệp Quân sự Chiến lược”; thăm Qatar và hai nước đã ký “Bản ghi nhớ về Hợp tác Công nghiệp Quân sự và Trang thiết bị Quân sự”; thăm Việt Nam, Cảnh sát Biển Hàn Quốc và Bộ Công an Việt Nam đã ký “Bản ghi nhớ về hợp tác”; thăm Vương quốc Anh và Hà Lan và ký “Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng” với hai nước. Yoon Suk-yeol cũng tận dụng chuyến thăm bằng máy bay của mình để thúc đẩy xuất khẩu hệ thống phòng không sang Ả Rập Saudi. Cùng với Indonesia hợp tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu KF-21 và sản xuất pháo tự hành K9 với Ba Lan và Ấn Độ. Thông qua hợp tác công nghiệp quân sự mở rộng sang hợp tác an ninh, gắn kết mối quan hệ lợi ích chặt chẽ với các nước đối tác.
Thứ ba, tập trung nắm bắt các cơ hội cạnh tranh của ngành công nghệ mũi nhọn trong tương lai. Trong chuyến thăm của Yoon Suk-yeol tới Mỹ, Pháp, Anh, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Saudi, Qatar và các quốc gia khác. Chính phủ và công ty của cả hai bên đã ký một loạt biên bản ghi nhớ để tăng cường hợp tác ngành công nghiệp khoa học kỹ thuật mũi nhọn trong tương lai. Điều này cho thấy Hàn Quốc tận dụng công nghệ tiên tiến từ các nước phương Tây, nguồn vốn dồi dào của các nước Ả Rập, cùng với sự đầu tư nghiên cứu phát triển chính sách của chính mình, có tầm nhìn xa nắm bắt cơ hội của các ngành công nghệ mũi nhọn và cơ hội thị trường trong tương lai. Ngoài ra, Hàn Quốc thông qua hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Anh và các nước khác, tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế và quy tắc bảo vệ kỹ thuật trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, an ninh mạng, v.v.. Tranh thủ nắm quyền chủ đạo trong cạnh tranh ngành nghề mũi nhọn trong tương lai.
Thứ tư là kiên trì tiền đề và nền tảng của “ngoại giao giá trị quan”. Chính phủ Yoon Suk-yeol coi “ngoại giao giá trị quan” là tiền đề, cơ sở cho hợp tác đối ngoại. Sử dụng tiêu chuẩn này để cùng tìm ra điểm chung khi phát triển quan hệ với các nước có hệ thống chính trị khác nhau. Khi Yoon Suk-yeol đến thăm Việt Nam, ông đã xác định Việt Nam là “Đối tác chủ chốt của Hàn Quốc trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, quan hệ Hàn Quốc – ASEAN”. Quan hệ hai nước từ ưu tiên hợp tác kinh tế đã mở rộng sang hợp tác an ninh. Trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên, ngoài việc phóng đại mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, Yoon Suk-yeol còn tìm kiếm những đột phá về giá trị quan. Ông nhiều lần nêu vấn đề nhân quyền của Triều Tiên trong các cuộc gặp gỡ ngoại giao quốc tế, kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng gây áp lực lên CHDCND Triều Tiên. Khi đến thăm các nước phương Tây, Yoon Suk-yeol nhấn mạnh tính nhất quán của các giá trị quan, cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và hợp tác an ninh chặt chẽ hơn.
Busan thất bại trong việc giành quyền đăng cai World Expo tạo ra những tác động sâu rộng
Trong hành trình ngoại giao của Yoon Suk-yeol, việc vận động phiếu bầu để Busan đăng cai tổ chức World Expo 2030 là ưu tiên hàng đầu. Theo thống kê từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk-yeol đã tổ chức hơn 150 cuộc gặp với lãnh đạo 96 quốc gia kể từ khi nhậm chức tổng thống. Việc giành được sự ủng hộ cho Busan đăng cai World Expo luôn là chủ đề quan trọng. Vì thế, Yoon Suk-yeol đã đến thăm Pháp hai lần trong vòng một năm và đến thăm Cục Triển lãm Quốc tế ở Paris để vận động cho Busan. Khi tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78, trong vài ngày ngắn ngủi Yoon Suk-yeol đã có các cuộc hội kiến tập trung với lãnh đạo 47 quốc gia để vận động cho Busan giành quyền đăng cai World Expo. Lý do Hàn Quốc rất coi trọng việc đăng cai World Expo là vì nước này hy vọng việc đăng cai “Triển lãm Thế giới” sẽ kích thích nền kinh tế và nâng cao tinh thần.Vì vậy, World Expo được so sánh với việc đăng cai Thế vận hội Olympic và World Cup và được coi là “cơ hội nâng cao vận mệnh quốc gia” nhận được sự đầu tư tâm huyết rất lớn về nhân lực cũng như tài chính.
Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu ngày 28/11, Riyadh ở Ả Rập Saudi cuối cùng đã trở thành thành phố đăng cai Expo 2030. Việc thất bại không được tổ chức World Expo là một đòn giáng mạnh vào Yoon Suk-yeol. So với những chỉ trích đánh giá sai tình hình và sai lầm trong chiến lược vận động, chính phủ Yoon Suk-yeol còn lo lắng hơn về tác động chính trị sâu rộng do thất bại không được đăng cai gây ra.
Đầu tiên, việc xin đăng cai thất bại đã khiến dư luận đặt câu hỏi về khả năng ngoại giao của chính phủ. Trong hơn một năm qua, Busan đăng cai tổ chức World Expo luôn là chủ đề được chính phủ Yoon Suk-yeol thúc đẩy mạnh mẽ. Các chương trình nghị sự ngoại giao bận rộn của Tổng thống, hoạt động vận động hành lang doanh nghiệp quy mô lớn đã mang đến cho mọi người cảm giác cơ hội chiến thắng chắc chắn. Tuy nhiên, sự chênh lệch lớn kết quả cuối cùng với các đối thủ cạnh tranh không thể không khiến người ta đặt câu hỏi về tính hiệu quả các nỗ lực ngoại giao của Chính phủ.
Thứ hai, việc không thành công trong việc xin đăng cai đã bộc lộ những bất cập trong cơ chế điều hành nội bộ của Chính phủ. Theo “Nhật báo Đông Á”, các nhân viên hàng đầu trong các cơ quan ngoại giao và tình báo của Hàn Quốc từ 2 tháng trước đã sớm báo cáo rằng họ đang ở “thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh đăng cai”. Nhưng những phân tích này không hiểu vì sao không được báo cáo cho Yoon Suk-yeol. “Báo tin tốt không báo tin xấu” đã dẫn đến những đánh giá sai lầm nghiêm trọng tình hình. Nếu tổng thống không nắm bắt kịp thời tình hình thực tế sẽ đánh mất lòng tin của dân chúng. Đây chính là lý do lần đầu tiên Yoon Suk-yeol đích thân đứng ra xin lỗi người dân.
Thêm nữa, việc xin đăng cai thất bại sẽ ảnh hưởng đến việc bầu cử của đảng cầm quyền. Hiện tại, các đảng phái ở Hàn Quốc đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử các nghị sĩ quốc hội vào tháng 4 năm sau. Sau thất bại trong việc xin tổ chức Triển lãm Thế giới, nhiều cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ Yoon Suk-yeol và Đảng Sức mạnh quốc dân đồng loạt giảm xuống, đây là một tín hiệu nguy hiểm. Nếu không nhanh chóng áp dụng các biện pháp để đảo ngược tình trạng suy giảm, cuộc bầu cử của đảng cầm quyền ngay từ đầu sẽ rơi vào tình thế bất lợi.
Báo cáo thành tích công du sáng sủa nhưng thực hiện vẫn có sự thay đổi
Nhìn bề ngoài, bản báo cáo chuyến thăm nước ngoài năm nay của Yoon Suk-yeol trông rất sáng sủa. Chỉ riêng trong chuyến thăm tới 3 nước Trung Đông là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Saudi và Qatar, đã có tới 76 bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, tổng quy mô đạt 50,2 tỷ USD. Chính phủ Yoon Suk-yeol chú trọng thúc đẩy ba dự án xuất khẩu chiến lược lớn là công nghiệp quân sự, năng lượng hạt nhân, cơ sở hạ tầng. Do quy mô lớn và chu kỳ dài, chủ yếu do Chính phủ giữ vai trò chủ đạo chủ, hỗ trợ về chính sách cũng như tài chính, thu hút rất nhiều đối tác. Yoon Suk-yeol trong chuyến thăm Mỹ đã ký “Tuyên bố Washington”, thăm Vương quốc Anh ký “Hiệp ước phố Downing”. Tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác chiến lược với hai nước phát triển lớn và được dư luận Hàn Quốc đánh giá là đã đặt nền móng cho việc đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển kinh tế trong tương lai.
Tuy nhiên, đằng sau hàng loạt dữ liệu rất tươi sáng, những nghi ngờ trong nước về hiệu quả thực tế từ hoạt động ngoại giao của Yoon Suk-yeol vẫn chưa nguôi ngoai.
Thứ nhất, liệu các định hướng hay bản thỏa thuận có thể khai hoa kết quả hay không còn chưa được biết. Về cơ bản, những gì nguyên thủ quốc gia ký trong chuyến thăm là thỏa thuận định hướng đầu tư hoặc bản ghi nhớ hợp tác, không mang tính chất hợp đồng thương mại, cần tiếp tục theo dõi và kết nối mới trở thành hiện thực. Công nghiệp quân sự, điện hạt nhân, cơ sở hạ tầng và các dự án khác đều có quy mô lớn và lâu dài, trong quá trình thực hiện còn nhiều yếu tố bất ổn.
Thứ hai, tình hình quốc tế tồn tại nhiều biến đổi, xung đột vũ trang giữa Israel và Hamas đã gây bất ổn cho tình hình Trung Đông, “Sự bùng nổ Trung Đông lần thứ hai” mà Hàn Quốc dự báo sẽ bị ảnh hưởng. Chính phủ mới của Ba Lan sau khi lên nắm quyền đã đánh giá lại kế hoạch mua vũ khí. Việc thực hiện các đơn hàng xuất khẩu vũ khí lớn đã ký giữa Ba Lan và Hàn Quốc có thể gặp khó khăn.
Thứ ba, ở trong nước vẫn đang có tranh cãi về kết quả các chuyến thăm của Yoon Suk-yeol. Phần lớn phái đoàn kinh tế đi cùng Yoon Suk-yeol trong các chuyến đi đa số đều là các công ty lớn, không có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia. Những tác động tích cực trong việc cải thiện kinh tế và sinh kế của người dân trong nước khó thể hiện rõ ràng trong ngắn hạn. Đảng đối lập chỉ trích các chuyến công du nước ngoài của tổng thống có kinh phí quá cao còn kết quả thu được mờ nhạt. Cách sắp xếp lễ nghi của phu nhân tổng thống đi cùng ông trong các chuyến công du đã nhiều lần gây ra tranh cãi, yêu cầu Yoon Suk-yeol tập trung nhiều hơn, quan tâm đến phương diện đời sống của người dân trong nước.
Thứ tư, “ngoại giao giá trị quan” của Yoon Suk-yeol không cân bằng. Để đáp ứng lợi ích của Mỹ và phương Tây ở châu Á – Thái Bình Dương, trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông phương Tây trước chuyến thăm Mỹ và Anh Yoon Suk-yeol đều thản nhiên đề cập đến vấn đề eo biển Đài Loan và Biển Đông, vốn bị Trung Quốc chỉ trích. Nếu không tuân thủ chuẩn mực quốc tế “sự phát triển quan hệ giữa hai nước không nhằm vào bên thứ ba hoặc làm tổn hại đến lợi ích của bên thứ ba” thì các mục tiêu ngoại giao do Yoon Suk-yeol thúc đẩy sẽ khó đạt được một cách thuận lợi.
Thứ năm, việc Busan thất bại trong nỗ lực đăng cai World Expo đã làm sa sút tâm lý người dân. Là vấn đề quan trọng đối với ngoại giao đối ngoại năm nay, Chính phủ Yoon Suk-yeol đã đầu tư nguồn nhân lực và tài chính khổng lồ nhưng đã thất bại thảm hại. Năng lực phán đoán tình hình, năng lực đàm phán, chiến lược xin đăng cai đều bị chỉ trích. Những nghi ngờ đối với năng lực ngoại giao của Chính phủ sẽ càng ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào sự điều hành của chính phủ.
Chính phủ Yoon Suk-yeol lên nắm quyền được hơn một năm, xu hướng coi trọng “đối ngoại” giảm “đối nội” là rất rõ ràng. Ông Yoon Suk-yeol đang bận rộn đi khắp nơi quảng bá “giá trị quan ngoại giao”, nhưng trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước tiếp tục suy thoái, mâu thuẫn chính trị từ lâu vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả. Hiện nay, xung quanh cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 4 năm tới, các đảng phái ở Hàn Quốc đã xuất hiện xu hướng vòng phân hóa và liên kết mới, dư luận xã hội cũng bắt đầu có dấu hiệu chia rẽ. Liệu các chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ Yoon Suk-yeol có thể giành được sự ủng hộ của người dân hay không phụ thuộc vào kết quả bầu cử./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Từ Chí Kiên, Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Quốc gia và Khu vực, Đại học Ngoại ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Bản quyền dịch thuật thuộc về dịch giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]