Vào ngày 29/12, tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã được xác định. Đô đốc Hải quân Đổng Quân đã được bổ nhiệm thay thế vị trí của ông Lý Thượng Phúc, sau khi ông này bị cách chức cách đây không lâu. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc có một Bộ trưởng Quốc phòng xuất thân từ Hải quân. Sự thay đổi nhân sự lãnh đạo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) rõ ràng đã và đang tạo ra nhiều nghi vấn đối với dư luận thế giới. Các diễn biến vừa qua có thể cho thấy điều gì?
Tổng quan về quá trình thay đổi nhân sự lãnh đạo PLA
Sau khi tham gia sự kiện ngoại giao quốc phòng với các quốc gia châu Phi cuối tháng 8/2023, ông Lý Thượng Phúc được cho là đã “mất tích” gần 2 tháng trước khi nhận quyết định bãi nhiệm tại phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 của Trung Quốc. Theo đó, ngày 24/10/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký 3 sắc lệnh quan trọng của nước này (gồm Sắc lệnh 12, 13, 14), trong đó, ông Lý Thượng Phúc đã bị bãi nhiệm khỏi các chức vụ Ủy viên Quốc vụ viện và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng theo Sắc lệnh số 14[1]. Ông Lý được cho là có liên quan tới các cáo buộc tham nhũng trong lực lượng mà ông phụ trách trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trong quá trình điều tra các sai phạm của ông Lý, Trung Quốc đã tỏ ra hết sức thận trọng. Họ kiểm soát thông tin liên quan đến nhân vật cấp cao của PLA này, cũng như phải mất tới 2 tháng mới công bố quyết định bãi nhiệm. Đồng thời, Trung Quốc cũng không ngay lập tức quyết định lựa chọn người thay thế. Tính từ thời điểm ông Lý Thượng Phúc “mất tích” cho tới khi lựa chọn nhân sự thay thế, Trung Quốc cần tới 4 tháng để đưa ra quyết định cuối cùng. Điều này không giống với sự điều chỉnh nhân sự nhanh chóng ở Bộ Ngoại giao đối với trường hợp của ông Tần Cương.
Trong 4 tháng lựa chọn nhân sự thay thế, Trung Quốc tất nhiên có rất nhiều ứng viên tiềm năng, nhưng cuối cùng, Đô đốc Hải quân Đổng Quân đã được chọn. Nhân vật này từng kinh qua các chức vụ lãnh đạo của Ham đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Chiến khu Nam bộ. Có thể nói, Đổng Quân là một lãnh đạo hải quân giàu kinh nghiệm, có khả năng bao quát được toàn bộ tình hình mọi vùng biển mà Trung Quốc đang kiểm soát.
Cũng giống như một số người tiền nhiệm như Lý Thượng Phúc và Ngụy Phương Hòa, Đổng Quân tiếp tục là một Bộ trưởng xuất thân từ các quân – binh chủng đặc thù. Tuy nhiên, ông Đổng cũng được xem là vị Đô đốc Hải quân đầu tiên nắm giữ chức vụ cao nhất về mặt hành chính của Bộ Quốc phòng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đây có thể xem là một dấu ấn đặc biệt của ông Đổng Quân.
Đánh giá từ phía Phương Tây về sự thay đổi nhân sự của PLA
Tờ CNN của Mỹ đưa nhận định rằng, sự biến mất và cách chức sau đó của ông Lý Thượng Phúc diễn ra sau một loạt những thay đổi nhân sự không rõ nguyên nhân làm chấn động giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, bao gồm cả vụ việc của cựu Ngoại trưởng Tần Cương vào tháng 7 và việc loại bỏ hai lãnh đạo khác khỏi Lực lượng Tên lửa của PLA. Đồng thời, CNN cũng đặt ra dấu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông Tập Cận Bình[2]. Đây là luận điểm thường thấy của các hãng truyền thông phương Tây khi họ thường cố gắng lồng ghép các biến động nhân sự của các nước đối thủ gắn với các mâu thuẫn nội bộ. Bên cạnh đó, CNN cũng cho rằng, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc cải tổ quân sự đáng chú ý sau khi Trung Quốc bãi nhiệm một loạt các tướng lĩnh PLA. Và đằng sau cuộc cải tổ này, sự xuất hiện của tân Bộ trưởng Đổng Quân có thể tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc nối lại đối thoại quốc phòng Mỹ – Trung Quốc[3].
Ở một góc độ tiếp cận khác, tờ Reuters có trụ sở ở Anh cho rằng, việc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng của các nhà lập pháp Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đang nâng cấp quân đội như một phần trong nỗ lực đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị thế giới, một mục tiêu khiến nhiều nước láng giềng cảnh giác. Reuters không quên nhắc tới vai trò của ông Đổng Quân đối với các hoạt động của Hải quân Trung Quốc, đồng thời đưa ra những cảnh báo về vấn đề Đài Loan và Biển Đông[4]. Từ góc độ này, tờ Reuters đang cố gắng gợi ra các mối đe dọa mới đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực trước những thay đổi từ phía PLA.
Từ Australia, nhà khoa học chính trị Wen-Ti Sung, một chuyên gia nghiên cứu về khu vực thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết trên trang mạng X (trước đây là Twitter) rằng việc bổ nhiệm Đô đốc Hải quân Đổng Quân là “dấu hiệu cho thấy Trung Quốc coi Biển Đông là một khu vực ưu tiên mới”[5]. Không ngẫu nhiên ông Wen-Ti Sung đưa ra quan điểm như vậy, bởi Australia là quốc gia đang tích cực quan tâm tới khu vực Đông Nam Á và họ đang tăng cường hợp tác với các quốc gia phương Tây nhằm mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này.
Các quan điểm tương tự cũng được chia sẻ trên hầu hết các hãng truyền thông phương Tây. Đặc điểm chung của thế giới truyền thông phương Tây đều hướng tới hai điểm: (1) cố gắng lồng ghép hoạt động chống tham nhũng ở Trung Quốc gắn với hoạt động thanh trừng nội bộ, giải quyết mâu thuẫn nội bộ bên trong chính trường của nước này. (2) cố gắng tô vẽ một mối đe dọa mới đối với các khu vực láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là các khu vực biển lân cận, như trường hợp của khu vực Biển Đông. Đó là một xu hướng chung của thế giới quan phương Tây xuất phát từ tham vọng kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Quan điểm của giới truyền thông và kỳ vọng từ dư luận Trung Quốc
Khác hoàn toàn với cách tiếp cận vấn đề của giới truyền thông bên ngoài, đặc biệt là giới truyền thông phương Tây, các kênh truyền thông của Trung Quốc hầu như không có những đánh giá cụ thể về sự thay đổi nhân sự cấp cao Bộ Quốc phòng. Trên khắp các trang tin chỉ đưa các thông tin thuần túy, không lồng ghép các quan điểm đánh giá về vấn đề này. Với tính chất nhạy cảm của sự việc, sự thận trọng của giới truyền thông Trung Quốc là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, đối với sự thay đổi nhân sự lãnh đạo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, dư luận nước này có xu hướng tránh có những bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị nội bộ. Đồng thời, sự xuất hiện của Đô đốc Hải quân Đổng Quân tạo ra những kỳ vọng mới cho dư luận nước này đối với sự phát triển của sức mạnh biển Trung Quốc.
Ví dụ, nhiều bình luận trên trang mạng xã hội Tencent QQ (một trong các mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc) hướng đến kỳ vọng xây dựng lực lượng hùng hậu trên biển. Thậm chí, tương ứng với sự phát triển đó, dư luận Trung Quốc không che giấu mong muốn thống nhất Đài Loan[6]. Rõ ràng, sự xuất hiện của Đổng Quân ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã tạo ra một hiệu ứng tích cực về mặt dư luận đối với nước này. Đây cũng có thể được xem là một trong những tính toán của Bắc Kinh trong việc giải quyết bài toán nhân sự thay thế ông Lý Thượng Phúc.
Lựa chọn của Trung Quốc nói lên điều gì?
Sự “mất tích” của ông Lý Thượng Phúc đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Sau khi bị bãi nhiệm, việc lựa chọn Đô đốc Hải quân của PLA thay thế vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng tạo ra sự quan tâm không kém. Có thể nhìn nhận như thế nào về lựa chọn của Trung Quốc?
Thứ nhất, đây là sự thay đổi bất đắc dĩ, Trung Quốc rõ ràng không có sẵn phương án thay thế ông Lý Thượng Phúc từ trước. Việc lựa chọn người thay thế vị trí Bộ trưởng Quốc phòng đã cho thấy những cân nhắc hết sức thận trọng từ phía Bắc Kinh. Còn nhớ rằng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc được cho là đã mất tích từ cuối tháng 8/2023. Sau đó 2 tháng, tại phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông qua quyết định bãi nhiệm ông Lý. Tuy nhiên, phiên họp này cũng chưa đưa ra được sự lựa chọn nhân sự thay thế. Trong khi đó, ở một số Bộ khác (cụ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Tài chính), việc bãi nhiệm và bổ nhiệm người lãnh đạo thay thế diễn ra cùng lúc. Phải đến phiên họp thứ 7, Trung Quốc mới thông qua được quyết định bổ nhiệm người thay thế ông Lý Thượng Phúc. Thời gian “xử lý” các sai phạm của người tiền nhiệm và lựa chọn người kế nhiệm đối với vị trí đứng đầu Bộ Quốc phòng đã kéo dài suốt 4 tháng – đây là khoảng thời gian không hề ngắn. Đây là một điểm khác so với sự thay đổi nhân sự tương tự ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau khi ông Tần Cương bị bãi nhiệm trước đó không lâu. Rõ ràng, đã có sự bị động nhất định liên quan đến việc lựa chọn người thay thế ông Lý Thượng Phúc ở Bộ Quốc phòng.
Thứ hai, bổ nhiệm Đô đốc Đổng Quân là một lựa chọn phù hợp, nhưng không phải lựa chọn lâu dài của Trung Quốc. Trước hết, sự hợp lý thể hiện ở việc, Đổng Quân là một tư lệnh Hải quân – người đã kinh qua vị trí tư lệnh tại hầu hết các đơn vị chiến lược ở các vùng biển mà Trung Quốc đang quản lý. Ông là người có kinh nghiệm đặc biệt phong phú trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực phát triển sức mạnh biển với nhiều tham vọng liên quan. Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc hiện đại, thời điểm này đang là lúc Trung Quốc cần tăng cường ảnh hưởng trên biển nhất. Việc lựa chọn Đô đốc Hải quân Đổng Quân thay thế vị trí cựu Bộ trưởng Lý Thượng Phúc là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, vị Đô đốc Hải quân này không phải là một Ủy viên Quân ủy Trung ương, đây là mấu chốt quyết định đến tương lai của ông Đổng Quân. Có 2 điểm có thể cho thấy việc lựa chọn Đổng Quân làm Bộ trưởng Quốc phòng chỉ là một giải pháp ngắn hạn. (1) Tân lãnh đạo của PLA hiện nay đã 63 tuổi, mặc dù cho đến hết nhiệm kỳ, ông Đổng vẫn phù hợp với quy tắc “7 lên, 8 xuống” trong chính trường Trung Quốc. Tuy nhiên, quy tắc này thường áp dụng với thành viên Quân ủy Trung ương, trong khi ông Đổng Quân chưa nằm trong danh sách này. (2) Vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thường có chức năng đối ngoại hơn là có thực quyền trực tiếp đối với các hoạt động quân sự. Với việc không phải là Ủy viên Quân ủy Trung ương, thực quyền của vị tân Bộ trưởng Quốc phòng thậm chí còn dưới Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương (hiện tại là tướng Lưu Chấn Lập). Với 2 điểm này, ông Đổng Quân khó có thể tiếp tục thăng tiến hơn nữa trong tương lai nếu không được cân nhắc bầu bổ sung vào Quân ủy Trung ương.
Thứ ba, việc lựa chọn ông Đổng Quân sẽ không làm xáo trộn đáng kể cơ cấu tổ chức, cũng như chiến lược quân sự vốn có của Trung Quốc. Cụ thể, sau khi ông Lý Thượng Phúc “mất tích” và bị bãi nhiệm, không giống như Bộ Ngoại giao khi ông Vương Nghị ngay lập tức trở lại đảm nhiệm vị trí của ông Tần Cương, Trung Quốc đã không điều động người có thực quyền lớn nhất trong PLA khi đó là Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Lưu Chấn Lập nắm giữ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Lí do nằm ở việc, nếu đưa ông Lưu Chấn Lập nắm giữ một vị trí thiên về ngoại giao thì việc điều hành các hoạt động quân sự sẽ gặp gián đoạn. Việc thay thế vị trí người lãnh đạo các hoạt động quân sự thực tế của PLA sẽ gặp khó khăn nhiều hơn so với việc tìm người giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng. Do đó, việc đưa một tư lệnh Hải quân lên sẽ đưa ra được một lời giải có ít rủi ro hơn, ít tạo ra nhiều sự xáo trộn hơn đối với PLA.
Thứ tư, thực tế là một sự bổ sung cho tính hợp lý đã nêu trên, việc chọn ông Đổng Quân có thể tạo ra động lực mới cho sự phát triển của lực lượng hải quân PLA. Đây được xem là một ưu tiên trọng tâm trước mắt của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa trong chiến lược trở thành một siêu cường biển. Với kinh nghiệm và sự am hiểu về các vấn đề đang gặp phải trên biển sau thời gian giữ các chức vụ chỉ huy các đơn vị hải quân chiến lược, ở vai trò Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Đổng Quân cũng có thể trực tiếp tham gia các ý kiến đối với Quân ủy Trung ương nhằm xây dựng một chiến lược phát triển Hải quân quy mô lớn, bám sát với các yêu cầu thực tế của nước này.
Thứ năm, như đã nêu trong nội dung kỳ vọng của dư luận Trung Quốc, việc bổ nhiệm người lãnh đạo Hải Quân PLA nắm giữ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng tạo ra một hiệu ứng dư luận tích cực đối với các tính toán của Bắc Kinh. Lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Hải Quân giữ cương vị lãnh đạo về mặt hành chính của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa tạo ra những kỳ vọng đối với dư luận, thu hút sự ủng hộ của đông đảo dư luận Trung Quốc về các quyết sách của nước này. Khi thế giới bên ngoài càng quan tâm, nhấn mạnh tới các lo ngại về vấn đề Đài Loan, thì ngược lại, dư luận Trung Quốc càng bày tỏ sự ủng hộ đối với sự thay đổi nhân sự của Bộ Quốc phòng.
Nhìn chung, sự việc thay đổi nhân sự cấp cao Bộ Quốc phòng Trung Quốc thời gian vừa qua đối với nước này là một việc làm bất đắc dĩ. Việc lựa chọn Đô đốc Hải quân Đổng Quân là một sự cân nhắc đầy tính toán của Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể khẳng định, các chiến lược quân sự của nước này sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc thay đổi người lãnh đạo. Thậm chí, ở góc độ nhất định, lực lượng Hải quân Trung Quốc sẽ có thêm động lực phát triển mới trong những năm tiếp theo, đồng thời Bắc Kinh cũng đã đạt được nhiều mục đích trong việc lần đầu tiên lựa chọn người đứng đầu Hải quân đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng. Đây sẽ là điều các quốc gia trong khu vực sẽ cần quan tâm theo sát./.
Tác giả: Hoàng Hải
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] 中国人大网 (2023), 中华人民共和国主席令, 第十四号, http://www.npc.gov.cn/npc/c2/c30834/202310/t20231024_432486.html
[2] Simone McCarthy (2023), China names new defense minister months after removing predecessor without explanation, CNN, 29/12/2023, https://edition.cnn.com/2023/12/29/china/china-names-new-defense-minister-dong-jun-li-shangfu-intl-hnk/index.html
[3] Simone McCarthy (2023), China names new defense minister months after removing predecessor without explanation, CNN, 29/12/2023, https://edition.cnn.com/2023/12/29/china/china-names-new-defense-minister-dong-jun-li-shangfu-intl-hnk/index.html
[4] Yew Lun Tian & Laurie Chen (2023), Chinese ex-Navy chief, with South China Sea background, named defence minister, Reuters, 30/12/2023, https://www.reuters.com/world/china/china-appoints-dong-jun-new-defence-minister-state-media-2023-12-29/
[5] Wen-Ti Sung chia sẻ trên trang mạng X (trước đây là twitter) theo địa chỉ: https://twitter.com/wentisung/status/1740694928626487698
[6] 直新闻 (2023), 海军原司令员董军接任国防部长 成为首位海军出身的防长, https://new.qq.com/rain/a/20231229A0AIYO00