Tại sao Đài Loan cần tên lửa?
Để hiểu đầy đủ về chương trình phát triển tên lửa của Đài Loan, cần phải hiểu rõ những nguyên nhân và lý do cơ bản đã thúc đẩy hòn đảo này theo đuổi chiến lược này và coi đây là chiến lược quan trọng đối với sự sống còn của mình.
Sau khi Tưởng Giới Thạch rút về đảo Đài Loan năm 1949, căng thẳng tại eo biển Đài Loan tạm dịu bớt cho tới khi chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên nổ ra. Để tái khẳng định sự hiện diện của mình ở châu Á, Mỹ đã ngày càng can thiệp vào chính trị khu vực. Năm 1950, nước này triển khai Hạm đội Bảy tới khu vực eo biển Đài Loan để ngăn chặn khả năng xung đột Triều Tiên có thể lan tới phía Nam. Việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á vào năm 1954 đã củng cố thêm cam kết của Hoa Kỳ, trực tiếp đối đầu với sự trỗi dậy của hệ tư tưởng cánh tả trong khu vực. Trung Quốc, khi đó coi những động thái này là mối đe dọa an ninh quốc gia, đã trả đũa bằng cách pháo kích vào các hòn đảo chiến lược do Đài Loan nắm giữ gần bờ biển của mình, gây ra hai cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan: một vào năm 1954 và một vào năm 1958.[1]
Hai cuộc khủng khoảng này đã trực tiếp dẫn tới mối quan hệ càng khăng khít hơn giữa Mỹ và chính quyền Đài Loan. Năm 1954, Mỹ ký Hiệp ước Phòng thủ chung với Đài Loan và tăng cường khả năng phòng thủ của các đảo gần Trung Quốc. Trên cơ sở đó, hệ thống tên lửa phòng không Nike Hercules đã được chuyển giao cho Đài Loan vào năm 1958.[2] Đài Loan cũng là nơi sử dụng tên lửa đất đối không Hawk tầm trung (I-Hawk) của Mỹ, được triển khai dọc bờ phía tây của hòn đảo.[3][4]
Mối đe dọa từ Trung Quốc thực sự gia tăng kể từ sau khủng khoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba vào năm 1995-1996. Sự kiện này nổ ra ngay sau khi tổng thống Đài Loan khi đó là Lý Đăng Huy đã có chuyến viếng thăm Mỹ. Phía Trung Quốc coi hành động cấp visa cho một tổng thống Đài Loan là đi ngược lại với cam kết của Mỹ về “chính sách một Trung Quốc”. Sau đó, Trung Quốc đã đáp trả bằng các cuộc tập trận quân sự kéo dài trong nhiều tháng, bao gồm phóng tên lửa vào vùng biển ngoài khơi Đài Loan và diễn tập nhiều cuộc tấn công đổ bộ lên hòn đảo này.[5]
Sau cuộc khủng khoảng lần ba, Trung Quốc đã đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình. Theo các phân tích do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thực hiện, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) rất chú trọng đến các chương trình hiện đại hóa quân sự để đảm bảo khả năng giành được chiến thắng trong một cuộc xung đột cường độ cao và nhanh chóng tại khu vực eo biển Đài Loan. Việc phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo đã trở thành một trong những ưu tiên của PLA. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính Trung Quốc hiện đang sở hữu khoảng 1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn với tầm bắn từ 300-1.000km. Đây là loại tên lửa sẽ đe dọa trực tiếp đến Đài Loan nếu giữa hai bên nổ ra một cuộc chiến tổng lực. [6] Hơn nữa, Trung Quốc cũng được đánh giá là quốc gia có nhiều chương trình phát triển tên đa dạng nhất trên thế giới. Nước này hiện đang phát triển một số hệ thống tiên tiến như tên lửa đạn đạo chống hạm cơ động, đầu đạn đa dẫn hướng độc lập (MIRV) và các thế hệ tên lửa siêu thanh.[7]
Tầm bắn của tên lửa Trung Quốc (không kể tên lửa liên lục địa) với mức độ tăng dần theo thứ tự: tầm ngắn (đỏ sẫm), tầm trung (đỏ nhạt) và tầm xa (hồng)
Vì vậy, trong nhiều năm qua, Đài Loan đã không ngừng cải thiện khả năng phòng ngự của mình bằng cách mua và trang bị các công nghệ vũ khí mới của nước ngoài. Chính quyền hòn đảo nhận bàn giao hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-2 vào năm 1997 và vào năm 2001 đã tiến hành nâng cấp chúng thành PAC-3. Năm 2009, Đài Loan tiếp tục tiếp nhận thêm ba bệ phóng PAC-3 từ Mỹ và tiếp tục gia hạn hợp đồng để cải thiện hiệu suất chiến đấu của hệ thống tên lửa này.[8]
Không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào tên lửa của Mỹ, Đài Loan cũng đã bắt đầu phát triển hệ thống phòng không của riêng mình. Đài Loan thành lập Viện Nghiên cứu Khoa học Trung Sơn (NCSIST) vào năm 1969 với nhiệm vụ làm cơ sở phát triển khoa học và công nghệ (R&D) quân sự. Trong thập niên 1970, cơ sở này được cho là đã phát triển hai chương trình tên lửa đạn đạo Ching Feng và Thiên Mã (Sky Horse), nhưng sau cùng đều bị hủy bỏ.[9]
Việc Mỹ công nhận Trung Quốc đại lục và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1979 là nhân tố chính đẩy mạnh việc tự lực phát triển vũ khí nội địa của hòn đảo, đặc biệt là khi xuất khẩu vũ khí của Hoa Kỳ cho Đài Loan bị thắt chặt.[10] Bắt đầu từ thập niên 1980, chương trình phát triển hệ thống tên lửa phòng không Thiên Cung (đất đối không) được chính thức khởi động. Tới năm 1996, hệ thống Thiên Cung đã hoàn toàn thay thế hệ thống Nike Hercules trước đó Mỹ cung cấp cho Đài Loan. Ngoài ra, Đài Loan cũng tự phát triển và chế tạo các thế hệ tên lửa Thiên Kiếm (không đối không) cho quân chủng Không quân và mới nhất là hệ thống Hải Kiếm Linh (hải đối không) cho quân chủng Hải Quân để tăng cường khả năng đánh chặn tên lửa từ Trung Quốc.
Đài Loan có thể răn đe Trung Quốc bằng các loại tên lửa tấn công
Ngoài phòng thủ bằng hệ thống tên lửa phòng không, Đài Loan vẫn có thể ngăn chặn Trung Quốc bằng biện pháp tấn công răn đe.
Viện NCSIST hiện đang phát triển song song các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nhắm tới các thành phố duyên hải của Trung Quốc. Nếu so sánh quy mô của hệ thống hay về số lượng tên lửa thì Đài Loan hoàn toàn không đứng ở một vị trí ngang bằng với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc sẽ phải cân nhắc có nên thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào Đài Loan nếu nước này không muốn chịu nhiều thiệt hại cho chính của mình.
Đối với các loại tên lửa hiện đang được trang bị, Đài Loan hoàn toàn có thể đe dọa các trung tâm kinh tế quan trọng của Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Châu hay Thâm Quyến. Trước đây, phần lớn các chương trình phát triển tên lửa nội địa đều được Đài Loan giữ bí mật để tránh gây căng thẳng với Mỹ.[12] Sự tồn tại của chương trình phát triển tên lửa siêu thanh tầm xa Vân Phong chỉ được chính thức xác nhận lần đầu tiên vào năm 2021.[13] Với tầm bắn 2.000 km, khả năng răn đe của Đài Loan còn có thể vươn tới tận Bắc Kinh, điều này chắc chắn sẽ làm tăng rủi ro đối với một cuộc tấn của Trung Quốc vào Đài Loan. Theo chuyên gia, khả năng phóng các loại vũ khí có tính cơ động cao ở tốc độ siêu thanh mang lại cho bất kỳ quốc gia nào một lợi thế đáng kể, bởi vì tên lửa siêu thanh được đánh giá có thể tránh được bất kỳ hệ thống phòng thủ nào hiện đang được sử dụng. Cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ – tướng John Hyten đã từng nói: “Không quan trọng mối đe dọa là gì. Nếu chúng ta không thấy nó, chúng ta không thể chống lại nó”, ông này cũng nhận định thêm về khả năng phòng thủ của chính nước Mỹ: “Chúng ta không có bất kỳ biện pháp phòng vệ nào có thể ngăn chặn việc triển khai loại vũ khí như vậy…Biện pháp phòng vệ của chúng ta chỉ là khả năng răn đe.”
Tuy nhiên, tầm quan trọng tiềm năng của Vân Phong như một quân cờ ở eo biển Đài Loan vẫn chưa được kiểm chứng, đặc biệt trong đối với công nghệ tên lửa siêu thanh. Hiện tại mới chỉ có Nga, Trung Quốc và Mỹ được coi là sở hữu loại công nghệ này. Nga là nước đầu tiên và duy nhất đã từng sử dụng trong thực chiến tại chiến trường Ukraina. Trung Quốc “có vẻ” đã thử nghiệm thành công sau hàng trăm cuộc thử vũ khí, còn Mỹ vẫn đang trong quá trình phát triển và thử nghiệm. [15]
Tầm bắn của các loại tên lửa đạn đạo và hành trình Đài Loan
Tình hình đầu tư vào tên lửa trong giai đoạn sắp tới
Tháng 8/2023, Hành chính viện (chính phủ) Đài Loan đã chấp thuận dự luật ngân sách cao nhất lịch sử của hòn đảo với giá trị 606,8 tỷ Đài tệ (tương đương 19,1 tỷ USD hay 2,5% GDP) cho năm tài chính 2024. Dự luật này đánh dấu năm thứ bảy liên tiếp Đài Loan tăng ngân sách cho quốc phòng kể từ khi chính phủ của bà Thái Anh Văn nắm quyền lãnh đạo hòn đảo.[16] Bên cạnh con số tổng quát về ngân sách, phần lớn nội dung cụ thể của bản ngân sách vẫn được giữ bí mật và chỉ có một số thông tin nhất định được công bố. Theo nguồn tin của báo chí về dữ liệu từ Tổng cục Ngân sách, Kế toán và Thống kê của Hành chính viện (行政院主計總處), trong tổng ngân sách quốc phòng năm 2024, 130,6 tỷ Đài tệ (4,1 tỷ USD) sẽ được dành cho “đầu tư quân sự” (軍事投資).[17]
Ngân sách quốc phòng của Đài Loan dưới thời Trần Thủy Biển (2004-08), Mã Anh Cửu (2008-16) và Thái Anh Văn (2016-24), giai đoạn 2004-24, triệu Đài tệ
Có khả năng cao các “khoản bổ sung ngân sách đặc biệt” sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong tổng chi tiêu quốc phòng của Đài Loan, đặc biệt khi liên quan đến việc mua sắm các loại vũ khí hạng nặng mới. Như cuối năm 2021, chính phủ Đài Loan đã thông qua một khoản ngân sách bổ sung quốc phòng lớn với tên gọi “Kế hoạch Nâng cao Năng lực Chiến đấu của Hải quân và Không quân” (海空作戰力量提升計劃) cho giai đoạn 2022-2026, nhằm mục đích chủ yếu là tăng cường năng lực tự sản xuất các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không. Trong đó, Bộ Quốc Phòng Đài Loan (MND) cam kết hơn nửa ngân sách của mình cho các chương trình phát triển tên lửa của mình, khoảng 2,75 tỷ USD trong tổng 5,45 tỷ USD. Kế hoạch cải tiến nhằm mục đích thành lập các khẩu đội phòng thủ ven biển, tăng cường sản xuất tên lửa Hùng Phong II, IIE và III, tên lửa Vạn Kiếm và tên lửa Thiên Cung.[18]
Mới đây, MND tuyên bố sẽ sản xuất 1.000 tên lửa vào chỉ riêng năm 2024, mức đỉnh điểm của nền công nghiệp tên lửa, để đáp ứng nhu cầu của hòn đảo này.[19] Trích dẫn một báo cáo trước đó, MND cho biết số lượng tên lửa sản xuất hàng năm đã tăng trong những năm qua. Các loại tên lửa phòng không như Thiên Kiếm đã tăng từ 40 lên 150, Thiên Cung tăng gấp đôi từ 48 lên 96. Đối với các loại tên lửa đạn đạo, số tên lửa Hùng Phong II đã tăng từ 81 lên 131, trong khi tên lửa chống hạm Hùng Phong III tăng tăng từ 20 lên 70.[20] Quân chủng Không quân Đài Loan cũng xác nhận tên lửa siêu thanh tầm xa Vân Phong đang được sản xuất hàng loạt với tên gọi mới là Kình Thiên; hiện đơn vị này đã tiếp nhận bốn tên lửa có tầm bắn từ 1000 – 2000 km.[21]
Đài Loan cũng sẽ xây dựng thêm 12 bệ phóng tên lửa Thiên Cung III mới dựa trên việc chuyển đổi và nâng cấp các bệ phóng MIM-23 HAWK và Thiên Cung II. Theo đánh giá của MND, việc nâng cấp này là cần thiết để đối phó với các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Hệ thống Thiên Cung III mới dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2026 và có thể chống lại các mối đe dọa khác nhau, bao gồm chiến cơ, tên lửa hành trình, tên lửa chống bức xạ và tên lửa chiến thuật tầm ngắn.[22]
Ngoài các chương trình phát triển tên lửa nội địa, Đài Loan vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ. Năm 2021, Đài Loan mua thêm tên lửa PAC-3 (giao vào năm 2025-26) để bổ sung vào kho vũ khí của mình, và vào năm 2022, Đài Loan đã ký hợp đồng trị giá 83 triệu USD với Hoa Kỳ để cải thiện các đơn vị phòng thủ tên lửa Patriot của Đài Loan đến năm 2026, bao gồm cả việc nâng cấp hệ thống này từ PAC-2 lên PAC-3.[23] Tuy sự hợp tác này vấp phải nghi ngờ của các chuyên gia, nhưng chính giới Đài Loan vẫn thể hiện thái độ tin tưởng đối với Mỹ. Tại một diễn đàn quốc tế, Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan Lý Thuần nói với các phóng viên: “Những cam kết từ các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi về cuộc chiến ở Ukraina, cũng như cuộc xung đột ở Israel, không làm suy giảm khả năng thực hiện các cam kết về vũ khí của nước này”. Tiêu Mỹ Cầm, đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ và là ứng cử viên phó tổng thống cho Đảng Dân tiến, cũng đồng tình rằng viện trợ vũ khí của Hoa Kỳ cho Ukraina sẽ không ảnh hưởng gì tới tình hình tại eo biển Đài Loan.[24]
Nếu chiến tranh bùng nổ ở eo biển Đài Loan, ai sẽ thắng?
Tháng 9/2022, trong một cuộc phỏng vấn riêng tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định sẽ bảo vệ Đài Loan nếu như Trung Quốc tấn công hòn đảo một cách vô cớ. Phát ngôn này của Mỹ đã chọc giận Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người thắng nếu có một cuộc chiến nổ ra?
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đầu năm 2023 đã mô phỏng nhiều kịch bản chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đài Loan. Với các kịch bản có sự tham gia của Mỹ và đồng minh, sau khi kết thúc cuộc chiến, Đài Loan vẫn là một vùng lãnh thổ độc lập nhưng tất cả các bên đều sẽ chịu thiệt hại lớn. Còn trong kịch bản nếu Đài Loan phải đứng một mình thì chắc chắn quân đội Trung Quốc sẽ dễ dàng chiếm đóng được toàn bộ hòn đảo. Trong 24 kịch bản, CSIS lập luận rằng có bốn điều kiện tiên quyết để chặn một cuộc xâm lược của Trung Quốc, bao gồm: (i.) Đài Loan phải kiên quyết chống cự, (ii.) Mỹ phải cung cấp đủ vũ khí trong thời bình và nhanh chóng tham chiến cùng Đài Loan trong thời chiến, (iii.) Mỹ phải tận dụng các căn cứ quân sự của mình tại Nhật Bản, và (iv.) bản thân Mỹ phải sở hữu đủ số lượng tên lửa chống hạm tầm xa.[25]
Một báo cáo bị rò rỉ của Lầu Năm góc vào tháng 4/2023 chứa đựng những chi tiết đáng lo ngại về khả năng phòng không của hòn đảo. Báo cáo cho biết các quan chức Đài Loan nghi ngờ liệu hệ thống phòng không của họ “có thể phát hiện chính xác các vụ phóng tên lửa” từ Trung Quốc hay không. Tuy nhiên trước mối lo ngại về sự bất cân xứng giữa sức mạnh không quân của Trung Quốc và Đài Loan, chuyên gia lại đánh giá cao về khả năng phòng không của hòn đảo. TS Tô Tử Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (INDSR) ở Đài Loan, lấy ví dụ về cuộc chiến tại Ukraina: “Dù chỉ có tên lửa tầm ngắn nhưng Ukraina đã làm rất tốt về mặt phòng không. Với nhiều loại tên lửa phòng không, nên Đài Loan hoàn toàn có thể làm tốt hơn”.[26]
Tuy nhiên để phòng thủ hiệu quả, Đài Loan phải cần đến “hàng nghìn tên lửa”. Tiến sĩ Lin Ying-yu, chuyên gia về quân sự tại Đại học Đạm Giang cho rằng Đài Loan phải đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạ tầng quân sự của mình bằng cách bắn chặn các tên lửa tầm xa của Trung Quốc. [27] Điều này sẽ giảm tối thiểu tổn thất và giữ được hiệu quả chiến đấu của quân đội trước khi lực lượng của Trung Quốc đổ bộ lên hòn đảo. Ông lấy một ví dụ đơn giản để ước tính số lượng tên lượng phòng không cần thiết cho chiến tranh. “Ví dụ, nếu kẻ thù của chúng ta có 1.000 tên lửa và chúng ta có tỷ lệ thành công là 25% thì chúng ta sẽ cần khoảng 4.000 tên lửa chống đạn đạo”.
Ngoài vũ khí, quân đội Đài Loan có thể được hưởng lợi từ các hệ thống radar di động cho phép họ nhận được tín hiệu quân sự từ Mỹ. Những điều này sẽ hữu ích vì quân đội Mỹ có thể giúp xác định các mục tiêu tiềm ẩn của kẻ thù ngay cả khi hệ thống radar mặt đất đã bị phá hủy. Ông Lin nói: “Mặc dù Mỹ không có quân tham chiến trực tiếp ở Ukraina, nhưng họ vẫn có thể cung cấp cho quân đội Ukraina các thông tin cần thiết bằng cách gửi tín hiệu từ máy bay tác chiến của họ…, vì vậy, chúng ta cần đảm bảo có đủ trang thiết bị cần thiết để liên kết với các hệ thống quân sự của Mỹ trong thời chiến”.
Ở một góc nhìn khác tiêu cực hơn, báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cuối năm 2022 đánh giá quân đội Mỹ không thể thắng ở eo biển và trên đảo Đài Loan. Báo cáo thừa nhận Trung Quốc đã có những thành tựu vượt bậc về các loại tên lửa đạn đạo và còn có khả năng tận dụng tối đa hệ thống vệ tinh của mình. Lầu Năm góc nhận định việc sử dụng vệ tinh tình báo và tác chiến điện tử có thể nâng cao tính hiệu quả của các tên lửa chống hạm. Biện pháp khả dĩ được đề xuất có thể ngăn chặn một cuộc tấn công tổng lực của Trung Quốc hiện nay là sử dụng chiến lược tiêu thổ. Một báo cáo từ Học viện Chiến tranh Lục quân (Army War College) kiến nghị “một chiến lược tiêu thổ có mục tiêu nhằm khiến Đài Loan không chỉ trở nên kém hấp dẫn nếu bị chiếm giữ bằng vũ lực mà còn rất tốn kém để duy trì”. Mỹ và Đài Loan có thể cân nhắc dùng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan (có thể ảnh hưởng rất lớn tới các ngành công nghiệp Trung Quốc) để de dọa.[28]
Tất nhiên các kịch bản về vấn đề về eo biển Đài Loan sẽ tiếp tục gây nhiều tranh cãi. Không ai có thể dự báo chính xác liệu Trung Quốc có thể phát huy tối đa ưu thế quân sự, hay tên lửa của Đài Loan có thể ngăn chặn hiệu quả sự tấn công của Trung Quốc hay không. Nếu so sánh tất cả các số liệu về tiềm lực của quân đội hai bên, quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ dễ dàng chiếm được đảo Đài Loan khi hòn đảo phải tự lực chống trả là hoàn toàn khả dĩ. Tuy nhiên, nếu xung đột nổ ra, kết quả cuối cùng có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào quyết tâm kiên định của mỗi bên thay vì chỉ đơn giản là sức mạnh quân sự. Có thể nói, quyết tâm thống nhất lãnh thổ của Trung Quốc và cam kết của Mỹ với đồng minh vẫn là tâm điểm của căng thẳng ở eo biển Đài Loan hiện nay./.
Tác giả: Hoàng Long
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] The Office of the Historian (n.d). “The Taiwan Straits Crises: 1954–55 and 1958”. https://history.state.gov/milestones/1953-1960/taiwan-strait-crises. Truy cập 14/12/2023.
[2] Ed Thelen (2016). “Locations of Former NIKE MISSILE SITES”. https://ed-thelen.org/loc-t.html. Truy cập 15/12/2023.
[3] Logan Nye (20230. “The 60-year history of the new Hawk missiles for Ukraine”. https://www.yahoo.com/lifestyle/60-history-hawk-missiles-ukraine-173508908.html. Truy cập 15/12/2023.
[4] Tomasz Smura (2016). “In The Shadow Of Communistic Missiles – Air And Missile Defence In Taiwan”. https://pulaski.pl/en/in-the-shadow-of-communistic-missiles-air-and-missile-defence-in-taiwan/. Truy cập 15/12/2023.
[5] Anthony Kuhn and Emily Feng (2022). “What 3 past Taiwan Strait crises can teach us about U.S.-China tensions today”. https://www.npr.org/2022/08/02/1115234980/what-3-past-taiwan-strait-crises-can-teach-us-about-u-s-china-tensions-today. Truy cập 15/12/2023.
[6] Tomasz Smura (2016). n.t
[7] Missile Defense Project (2021). “Missiles of China,” Missile Threat, Center for Strategic and International Studies, , https://missilethreat.csis.org/country/china/. Truy cập 15/12/2023.
[8] MDAA (2018). “Taiwan”. https://missiledefenseadvocacy.org/intl_cooperation/taiwan/. Truy cập 15/12/2023.
[9] NTI (2023). “Taiwan Overview”. https://www.nti.org/analysis/articles/taiwan-overview/. Truy cập 16/12/2023.
[10] Edward H. Lundquist (2018). “Interview with Adm. Richard Chen, Republic of China Navy (Ret.)”. https://www.defensemedianetwork.com/stories/interview-with-adm-richard-chen-republic-of-china-navy-ret/. Truy cập 15/12/2023.
[11] MDAA (2018). n.t
[12] J. Michael Cole (2016). “To Terminate or Not? Taiwan’s ‘Cloud Peak’ Medium-Range Missile Program,” The News Lens. https://international.thenewslens.com/article/49674.
[13] Focus Taiwan (2021). “Taiwan military confirms ‘Yun Feng’ missile’s existence”. https://focustaiwan.tw/politics/202110060012. Truy cập 16/12/2023.
[14] Missile Defense Project (2021). “Missiles of Taiwan,” Missile Threat, Center for Strategic and International Studies, June 14, 2018, last modified August 10, 2021, https://missilethreat.csis.org/country/taiwan/. Truy cập 16/12/2023.
[15] Jeff Seldin (2022). “What Are Hypersonic Weapons and Who Has Them?”. https://www.voanews.com/a/what-are-hypersonic-weapons-and-who-has-them-/6492459.html. Truy cập 16/12/2023.
[16] Yu Nakamura (2023). “Taiwan allots record defense budget for 2024 to meet China threat”. https://asia.nikkei.com/Politics/Defense/Taiwan-allots-record-defense-budget-for-2024-to-meet-China-threat. Truy cập 12/12/2023.
[17] 洪詩宸(2023). “2024年國防預算6068億再創新高 圖解國防預算與GDP占比變化”. https://news.pts.org.tw/article/653306. Truy cập 17/12/2023.
[18] Lo Tien-pin and Jake Chung (2023). “Defense plan to boost economy”. https://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2023/10/04/2003807191. Truy cập 17/12/2023.
[19] Lo Tien-pin (2023). “Missile production to hit delivery peak”. https://www.taipeitimes.com/News/front/archives/2023/06/26/2003802164. Truy cập 17/12/2023.
[20] Lo Tien-pin and Jake Chung (2023). n.t
[21] Keoni Everington (2023). “Taiwan’s new Ching Tien missiles can hit north of Beijing”. https://www.taiwannews.com.tw/en/news/5038975. Truy cập 20/12/2023.
[22] Novia Huang and Joseph Yeh (2023). “Taiwan to build 12 new domestic TK III missile sites by 2026”. https://focustaiwan.tw/politics/202310230013. Truy cập 17/12/2023.
[23] Gabriel Honrada (2022). “Taiwan’s Patriot missiles to get massive US upgrade”. https://asiatimes.com/2022/08/taiwans-patriot-missiles-to-get-massive-us-upgrade/. Truy cập 17/12/2023.
[24] Alexander Ward, Lara Seligman and Paul Mcleary (2023). “Fear and gloating about US at top democracy gathering”. https://www.politico.com/news/2023/11/19/ukraine-israel-halifax-biden-00127960. Truy cập 17/12/2023.
[25] Mark F. Cancian, Matthew Cancian and Eric Heginbotham (2023). “The First Battle of the Next War: Wargaming a Chinese Invasion of Taiwan”. https://csis-website-prod.s3.amazonaws.com/s3fs-public/publication/230109_Cancian_FirstBattle_NextWar.pdf.
[26] William Yang (2023). “How prepared is Taiwan for a potential Chinese attack?” https://www.dw.com/en/how-prepared-is-taiwan-for-a-potential-chinese-attack/a-65602919. Truy cập 18/12/2023.
[27] Eric Cheung (2023). “A weapons stockpile and asymmetric warfare: how Taiwan could thwart an invasion by China – with America’s help”. https://edition.cnn.com/2023/04/15/asia/taiwan-china-invasion-defense-us-weapons-intl-hnk-dst/index.html. Truy cập 19/12/2023.
[28] David P. Goldman (2022). “Pentagon, Chinese analysts agree US can’t win in Taiwan Strait”. https://asiatimes.com/2022/12/pentagon-chinese-analysts-agree-us-cant-win-in-taiwan-strait/. Truy cập 19/12/2023.