Do nhiều hạn chế khác nhau trong nội bộ các nước, bản chất của xung đột toàn cầu đang có sự thay đổi, khiến cho việc huy động nguồn lực quốc gia và nguồn nhân lực quân đội theo cách truyền thống ngày càng không bền vững. Mặc dù Mỹ có nhiều ưu thế về mặt kinh tế, nhưng nước này cũng phải đối mặt với sự chia rẽ chính trị sâu sắc và sự suy giảm rõ rệt niềm tin của người dân đối với Chính phủ. Những yếu tố này đã làm suy yếu nghiêm trọng khả năng tiến hành các hoạt động quân sự trên diện rộng. Ngoài ra, trọng tâm chiến lược chuyển sang các hình thức chiến tranh ít phụ thuộc vào tài nguyên hơn, ưu tiên tham gia gián tiếp và nhằm mục đích khai thác điểm yếu nội bộ của đối thủ. Sự điều chỉnh chiến lược này không chỉ phản ánh những hạn chế trong nội bộ các quốc gia mà còn cho thấy sự phát triển rộng lớn hơn về bản chất của xung đột quốc tế. Trong đó ranh giới giữa các lĩnh vực quân sự, chính trị và kinh tế ngày càng mơ hồ.
Xung đột trong thời đại người dân bị chia rẽ
Khi Mỹ ngày càng can dự nhiều hơn vào các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine, một số người đã đưa ra khả năng xảy ra “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”. Rõ ràng, cuộc đối đầu giữa Mỹ và các đối thủ ngày càng gia tăng và nguy cơ xung đột quy mô lớn hơn không thể bỏ qua. Tuy nhiên, một cuộc xung đột giữa các cường quốc thực sự khó có thể lặp lại mô hình chiến tranh thế giới của thế kỷ 20. Một đặc điểm nổi bật của cạnh tranh hiện nay là sự yếu kém rõ rệt của các nước tham gia. Do các đối thủ lớn không có khả năng huy động dân chúng tham gia quân đội và nguồn lực kinh tế rộng rãi. Họ có thể phải dựa chủ yếu vào các cuộc chiến tranh ủy thác, thông tin, chiến tranh chính trị và kinh tế trong khi tránh các cuộc chiến thông thường quy mô lớn.
Mặc dù Mỹ duy trì lợi thế kinh tế rõ ràng so với tất cả các quốc gia khác, nhưng điểm yếu chính trị của nước này ngày càng gia tăng. Các cuộc thăm dò cho thấy niềm tin của người dân vào chính phủ liên bang đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, với chỉ khoảng 15% tin rằng chính phủ có thể “làm điều đúng đắn trong hầu hết thời gian điều hành”. Sự đối lập đảng phái nghiêm trọng càng làm suy yếu khả năng hành động của tổng thống. Không có cuộc khủng hoảng nào trong hai thập kỷ qua có thể đoàn kết người dân xung quanh tổng thống. Thay vào đó, mỗi cuộc khủng hoảng trở thành cơ hội cho các phe phái chính trị khác nhau huy động những người ủng hộ và tấn công đối thủ của họ. Ví dụ, đại dịch Covid-19 đã giết chết hơn một triệu người Mỹ nhưng đại dịch này đã thất bại trong việc đoàn kết đất nước, thay vào đó, lại trở thành một ví dụ khác về sự chỉ trích lẫn nhau và đấu tranh đảng phái.
Nga và Iran cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Nga đang phải đối mặt với những vấn đề về dân số và áp lực từ các làn sóng trừng phạt kinh tế. Ở phía Iran, chính phủ nước này đã phải sử dụng các biện pháp mạnh để dập tắt các làn sóng biểu tình của người dân.
Sự ủng hộ nhạt nhòa của người dân khiến cho các chiến lược huy động quy mô lớn từng được các nhà lãnh đạo thời đại công nghiệp thực hiện gần như không thể thực hiện được. Ví dụ, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ngân sách quốc phòng của Mỹ và các đồng minh chiếm tới 40% GDP hoặc nhiều hơn. Những chi phí này được chi trả bằng cách đánh thuế nặng đối với những người có thu nhập cao. Việc thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự quốc gia đã đưa 10-20% dân số nam gia nhập quân đội, giúp quân đội phát triển và tiếp tục chiến đấu trong nhiều năm, mặc dù phải hy sinh rất nhiều. Ngược lại, trong “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, chi tiêu quốc phòng của Mỹ chỉ đạt mức cao nhất hơn 6% GDP. Chi tiêu quân sự của Nga cũng đạt đỉnh khoảng 6% GDP. Cả hai quốc gia đều hạn chế công dân của mình trong các cuộc chiến của họ. Mặc dù Nga tuyên bố rằng cuộc chiến hiện tại ở Ukraine là vì “sự sống còn của Nga”, nhưng Moscow đã tìm cách bổ sung lực lượng bằng việc tuyển mộ tội phạm và người nghèo nước ngoài (những người bị thu hút bởi những khoản bồi thường hậu hĩnh khi tử trận). Chính vì nhận thức được sự ủng hộ mong manh của người dân, các quốc gia này thường duy trì mức thuế thấp trong thời chiến, đảm bảo nguồn cung cấp hàng tiêu dùng và đặt gánh nặng chiến tranh lên một số ít người.
Tương lai của các xung đột quốc tế
Khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh lớn ngày càng ít xảy ra. Các cuộc chiến địa chính trị có thể có hình thức khác với các cuộc chiến tranh thế giới gần đây. Sự khác biệt chính có thể bao gồm:
Thứ nhất, chỉ có một số ít người có khả năng tham gia vào các cuộc chiến này. Phần lớn người dân ở mỗi quốc gia sẽ vẫn không tham gia hoặc tối đa chỉ là cung cấp hỗ trợ thụ động. Họ có thể ủng hộ hành động quân sự, nhưng miễn là không cần phải hy sinh. Khoảng 80% người dân Mỹ ban đầu ủng hộ các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, nhưng phản đối mạnh mẽ đối với việc thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc tăng thuế để tài trợ cho các cuộc chiến đến mức Chính phủ không bao giờ đưa chúng vào chương trình nghị sự.
Tương tự như vậy, người dân Nga bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc chiến ở Ukraine, nhưng miễn là nó không tốn kém. Moscow nhận thức được sự mong manh của sự ủng hộ này, chỉ tiến hành thực hiện nghĩa vụ quân sự hạn chế, chủ yếu đến từ các khu vực thiểu số yếu kém hơn về kinh tế mà phần lớn không chạm tới cộng đồng dân tộc Nga đóng vai trò quan trọng về mặt chính trị. Ông Putin cũng không áp đặt thuế chiến tranh phổ biến đối với người dân. Sự bất ổn trong sự ủng hộ của người dân đã đặt ra những hạn chế nghiêm trọng đối với khả năng của các Chính phủ trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh hoặc duy trì chiến tranh cường độ cao.
Thứ hai, sự ủng hộ nhạt nhòa và chia rẽ của người dân có thể là một đặc điểm lâu dài của cuộc cạnh tranh này. Tại Mỹ, lập trường chính trị chống lại sự ủng hộ đối với Israel đã tăng mạnh khi thương vong của người Palestine do chiến dịch quân sự của Israel tăng lên. Các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội bị chia rẽ về cuộc xung đột, một số yêu cầu hỗ trợ nhiều hơn cho Palestine, trong khi những người khác giữ cam kết lâu dài với Israel. Sự phản đối chính trị đối với sự hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine cũng đang ngày càng gia tăng. Một số nhà lập pháp đã phản đối chi phí hỗ trợ quốc phòng của Mỹ khi số tiền đã vượt quá 43 tỷ USD. Những người khác còn kêu gọi có thêm nguồn lực hơn cho các nhu cầu an ninh trong nước, chẳng hạn như tập trung vào biên giới phía Nam của đất nước.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với vấn đề này. Mặc dù những vấn đề này ít nổi bật hơn do hệ thống chính trị của họ, nhưng các đối thủ cạnh tranh của Mỹ cũng phải đối mặt với sự chia rẽ và sự yếu kém trong việc hỗ trợ chiến tranh. Những nước này đều áp dụng các biện pháp đàn áp rộng rãi để dập tắt các biểu hiện bất mãn. Mặc dù vậy, những dấu hiệu phản đối vẫn xuất hiện. Ví dụ, các nhóm cực đoan được gọi là Quân đoàn Nước Nga tự do (FRL) đã đứng về phía Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vào quân đội Nga. Nhóm này theo chủ nghĩa phát xít mới đã công khai ủng hộ việc lật đổ chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin. Tại Iran, sự phản đối đối với chính sách đối ngoại của nước này đã gia tăng ở những khu vực thiểu số, bày tỏ sự đồng tình với các mục tiêu của cuộc chiến ủy nhiệm của Iran. Ví dụ, vào tháng 12/2023, một nhóm hacker người Do Thái Iran đã thành công trong việc đóng cửa 70% các trạm xăng ở Iran.
Thứ ba, chính phủ sẽ có xu hướng nghiêng về chiến tranh chi phí thấp. Do không thể huy động các nguồn lực và người dân gia nhập quân đội, các quốc gia có thể thấy việc duy trì chiến tranh cường độ cao là vô cùng khó khăn. Nga đã phát động một cuộc tấn công lớn vào Ukraine sau khi đã chuẩn bị kỹ càng, nhưng việc huy động nguồn lực vẫn là một vấn đề và chịu ảnh hưởng nhiều vào việc bán khí đốt để tài trợ cho các hoạt động quân sự. Moscow đã không thực sự chuyển đổi sang nền kinh tế thời chiến, họ mua vũ khí và đạn dược từ các khách hàng cũ như Triều Tiên và Iran. Tương tự như vậy, Mỹ đã rút quân khỏi Iraq và Afghanistan một phần do tranh cãi chính trị và chi phí của các hoạt động quân sự.
Các quốc gia nhận thấy rằng so với chiến tranh cường độ cao, chiến tranh ủy thác, chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng và chiến tranh kinh tế là những cách hấp dẫn hơn để đối phó với đối thủ. Các cuộc chiến tranh ủy thác mang lại lợi thế tiềm tàng là tiêu diệt kẻ thù mà không gây nguy cơ thương vong quân sự cao. Đối với các chính phủ nhạy cảm về chính trị với thương vong quân sự và có lợi thế về chi phí, việc sử dụng các nhà thầu, các đồng minh và đối tác quốc gia và phi quốc gia cũng như các hệ thống không người lái sẽ là những lựa chọn hấp dẫn. Bởi vì hợp đồng có thể bị chấm dứt một khi chiến tranh kết thúc.
Các hoạt động mạng và thông tin có thể trở nên đặc biệt quan trọng do chi phí thấp và khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn khi nhắm vào mục tiêu các nhóm đối tượng bất mãn. Thay vào đó, chính phủ Mỹ có thể cần phải dành nhiều nguồn lực hơn để chống lại các hoạt động thông tin thù địch. Thực hiện các biện pháp gây khó khăn về kinh tế có thể là một cách khác để kích động bất ổn xã hội. Đồng thời, các nguồn lực để giải quyết các vấn đề quản trị cấp bách cũng rất quan trọng để giảm bớt sự bất mãn của người dân. Từ đó làm giảm sức hút của các chính phủ đối địch.
Đảm bảo an ninh nội bộ và giảm sự phản đối của người dân trong khi tham gia vào các cuộc xung đột chỉ với một số ít người tham gia cho thấy Mỹ cần một khuôn khổ tư duy mới để đối phó với những thách thức từ các quốc gia đối địch. Không còn quá sớm để bắt đầu lập kế hoạch và suy nghĩ về việc làm thế nào để bảo vệ cho nước Mỹ an toàn trong thời đại mà sự ủng hộ của người dân ngày càng mong manh./.
Lược dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả Timothy R. Heath là nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế cao cấp của Tổ chức RAND, bài viết lần đầu tiên được đăng trên National Interest.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của một học giả Mỹ, hoàn toàn không phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]