Bàn cờ chính trị thế giới đang có nhiều chuyển biến nhanh chóng. Xu hướng này được minh chứng bởi những thay đổi đáng chú ý trong cục diện các khu vực chiến lược, trong đó có Đông Bắc Á. Trọng tâm của cuộc cạnh tranh lớn ở khu vực này đang dồn về phía bán đảo Triều Tiên. Việc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang gây dựng một liên minh mới đặt ra những áp lực không nhỏ đối với các bên còn lại với quốc gia trung tâm là Triều Tiên. Nga là một trường hợp đặc biệt khi đang cùng lúc ứng phó với hai điểm nóng lớn tại Ucaina ở phía Tây và bán đảo Triều Tiên ở phía Đông. Việc Bình Nhưỡng và Moskva tăng cường hợp tác trong những năm gần đây thể hiện một nhu cầu hiển nhiên của 2 nước trước những thách thức từ bên ngoài. Không những vậy, cả Nga và Triều Tiên đều đang thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc. Sự gia tăng tương tác giữa ba quốc gia này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thế giới, đặc biệt là “thế giới đồng minh” của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vậy “mảnh ghép” hợp tác Nga – Triều Tiên đang hoàn thiện tam giác quan hệ Nga – Trung Quốc – Triều Tiên như thế nào?
Thực trạng quan hệ Nga – Triều Tiên trên các lĩnh vực
Quan hệ chính trị – ngoại giao
Gần đây, hai nước đã tăng cường trao đổi đoàn các cấp. Chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 9/2023 và Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo tại sân bay vũ trụ Vostochny đã đánh dấu bước tiến mới trong việc tăng cường quan hệ giữa hai bên. Sau đó, vào tháng 10 cùng năm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong chuyến thăm này, Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố quan hệ giữa Nga và Triều Tiên đã đạt tầm chiến lược mới về chất. Vào đầu năm 2024, phái đoàn Chính phủ Triều Tiên do Ngoại trưởng Choe Hon Sui dẫn đầu cũng đã có chuyến thăm và làm việc tại Moskva. Người đứng đầu ngành ngoại giao Triều Tiên đã khẳng định rằng Bình Nhưỡng coi Tổng thống Vladimir Putin như người bạn thân thiết nhất của nhân dân Triều Tiên và gửi lời mời ông đến thăm đất nước này[1]. Ông Putin sau đó đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và cho biết sẽ thăm Bình Nhưỡng trong thời điểm sớm nhất có thể. Lần gần nhất ông Putin đến thăm Triều Tiên là từ năm 2000, vì thế nếu Tổng thống Putin trong thời gian tới quyết định đến thăm Bình Nhưỡng, đây sẽ là cột mốc lớn trong quan hệ giữa hai nước. Ngày 19/2/2024, Bộ trưởng Thông tin và Thương mại Ju Yong-il dẫn đầu một phái đoàn, đã rời Bình Nhưỡng sang Nga tham dự diễn đàn Công nghệ Thông tin Á-Âu Eurasia IT, với chủ đề “chủ quyền kỹ thuật số làm cơ sở cho hợp tác quốc tế lâu dài”. Trước đó, một phái đoàn do Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Son Song-kuk, dẫn đầu đã khởi hành tới Nga để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Thể thao, O Kwang-hyok, cũng tới Nga để tham dự lễ ký thỏa thuận hợp tác về thể dục thể thao năm 2024 giữa hai nước. Ngoài ra, ông Kim Su-gil, Uỷ viên dự khuyết của Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên, cũng đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko và các chính trị gia khác của nước này. Lãnh đạo Cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên bang Nga, Sergei Naryshkin cũng đã có chuyến thăm vào tháng 3/2024 tới Bình Nhưỡng nhằm thảo luận về việc ngăn chặn các hoạt động do thám và âm mưu từ các thế lực thù địch.
Hợp tác chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn, tổ chức đa phương. Sự ủng hộ lẫn nhau của hai quốc gia có thể thấy rõ thông qua các cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Moskva luôn phủ quyết những nghị quyết tại Hội đồng Bảo an liên quan đến việc tăng cường trừng phạt Triều Tiên do những vụ phóng thử tên lửa mới trong vài năm trở lại đây và Bình Nhưỡng luôn về phía Nga trong nhiều vấn đề quốc tế như vấn đề Ucraina, vấn đề Abkhazia – Nam Ossetia,.. Những năm gần đây, Moskva và Bình Nhưỡng có những dấu hiệu xích lại gần nhau hơn, nhất là từ khi Nga bị phương Tây trừng phạt vì xung đột tại Ucraina. Đây có thể là cách Nga phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga thông qua Triều Tiên. Trước các chỉ trích từ Mỹ và các nước đồng minh, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia đã phản bác, cáo buộc công việc của hội đồng này ngày càng bị biến thành một công cụ có lợi cho cách tiếp cận của phương Tây. Ngày 28/03/2024, Nga đã phủ quyết việc gia hạn công tác của Ủy ban chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, có nhiệm vụ giám sát các lệnh trừng phạt Triều Tiên. Hành động này của Nga đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cơ chế trừng phạt Triều Tiên. Kể từ giờ sẽ khó có lệnh trừng phạt mới nào ở cấp độ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong môi trường địa chính trị hiện tại. Gánh nặng cũng sẽ gia tăng cho những nước thực thi lệnh trừng phạt, cụ thể là Mỹ và các nước đồng minh.
Quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư
Kinh tế – thương mại không phải là điểm nhấn trong quan hệ giữa Nga và Triều Tiên, dẫu vậy Moskva vẫn là đối tác thương mại truyền thống của Bình Nhưỡng. Thời gian gần đây, hệ quả từ đại dịch Covid-19 và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng phần nào tới quan hệ kinh tế giữa hai bên. Trong 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Nga và Triều Tiên đã đạt hơn 28 triệu USD, tuy nhiên vẫn chưa đạt mức trước đại dịch[2]. Việc tương tác kinh tế và thương mại giữa Nga và Triều Tiên được thực hiện thông qua cơ chế của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban đã được diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 11/2023. Nga thường xuyên cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên, cả song phương và thông qua các tổ chức quốc tế. Theo quyết định của Tổng thống Liên bang Nga, năm 2020, 50 nghìn tấn lúa mì đã được xuất khẩu sang phía Triều Tiên trên cơ sở song phương. Thông qua Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, trong năm 2020-2021, Liên bang Nga đã phân bổ 7 triệu USD để hỗ trợ lương thực cho Triều Tiên[3].
Quan hệ quốc phòng – an ninh
Hai nước cùng quan tâm tới vấn đề hợp tác sản xuất vũ khí. Với chính sách ưu tiên quân sự hàng đầu của chính quyền Bình Nhưỡng, trong năm 2024 và thời gian tới, ông Kim Jong Un tuyên bố Triều Tiên sẽ đặt nền móng sản xuất vũ khí hạt nhân với số lượng ngày càng lớn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của máy bay không người lái. Để thực hiện những mục tiêu trong việc tự chủ ngành quốc phòng này, Bình Nhưỡng với việc thiếu kinh nghiệm hơn có thể chọn mua vũ khí từ Moskva. Trong chuyến thăm cuối năm 2023 ở vùng Viễn Đông Nga, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã dành nhiều thời gian tham quan các nhà máy vũ khí của Moskva ở khu vực này.
Mở rộng các hợp tác khác trong lĩnh vực quân sự. Theo báo cáo vào tháng 10/2023 của trung tâm đường sắt Tumangan (Triều Tiên), nằm ở biên giới Nga, đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể và chưa từng có về số lượng toa chở hàng. Sự gia tăng mạnh về giao thông đường sắt có thể được phân tích rằng Triều Tiên đang cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga. Để đổi lấy vũ khí và đạn dược, Nga có thể cung cấp công nghệ quân sự tiên tiến để giúp Triều Tiên phát triển và mở rộng khả năng quân sự. Ngày 21/11/2023, một vệ tinh do thám của Triều Tiên đã được phóng thành công vào vũ trụ, được cho là với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Nga. Thực tế cho thấy rằng, trong khi các cuộc thử nghiệm vệ tinh do thám được thực hiện vào năm 2023 của Bình Nhưỡng đều kết thúc thất bại thì cuộc thử nghiệm được thực hiện sau chuyến thăm Bình Nhưỡng của phái đoàn Nga đã thành công. Dẫu cho cả Moskva và Bắc Kinh đều chưa từng thừa nhận rằng đạn dược của Triều Tiên đã được Nga sử dụng cho chiến dịch quân sự tại Ucraina, tuy nhiên Mỹ và phương Tây nhiều lần cho rằng Bình Nhưỡng đã cung cấp đạn được, tên lửa cho Moskva để đổi lấy các công thức về tên lửa và các loại vũ khí. Đô đốc John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ trước đó đã cáo buộc Moskva đã sử dụng bệ phóng và tên lửa mà Bình Nhưỡng cung cấp trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 30/12/2023 và 2/1/2024.
Mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Kim Jong Un
Quan hệ giữa Nga và Triều Tiên có thể đạt được những kết quả tích cực cho đến hiện nay không thể thiếu sự chung tay của cá nhân hai nhà lãnh đạo, người đứng đầu của mỗi nước. Mới đây, vào hồi tháng 2/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tặng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un một chiếc ô tô do Nga sản xuất như một dấu hiệu của mối quan hệ đặc biệt. Em gái của ông Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong và một quan chức Triều Tiên khác đã nhận món quà từ ông Putin vào ngày 18/2/2024 và cho biết ông Kim đã bày tỏ lòng biết ơn tới người đứng đầu điện Kremlin. Bà Kim Yo Jong cho biết món quà thể hiện mối quan hệ cá nhân đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo. Triều Tiên và Nga đã mở rộng đáng kể sự hợp tác sau khi ông Kim đến thăm Nga để dự Hội nghị thượng đỉnh với ông Putin vào tháng 9/2023.
Mối quan hệ ngày càng mở rộng giữa Triều Tiên và Nga diễn ra vào thời điểm cả hai nước đang có xung đột riêng với Mỹ và các đồng minh. Sự tiến bộ của Triều Tiên trong chương trình hạt nhân đang là một nỗi lo với Washington. Mặt khác, Nga lại có mối quan hệ căng thẳng với phương Tây do cuộc chiến kéo dài tại Ucraina. Sự kiện này nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ cá nhân và ngoại giao giữa các nhà lãnh đạo trong quan hệ quốc tế. Chiếc xe được Tổng thống Vladimir Putin tặng cho ông Kim Jong-un không chỉ được sử dụng như một món quà mà còn là biểu tượng thể hiện chiều sâu và tính chất đặc biệt trong mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, cử chỉ này cũng có thể nhằm mục đích thách thức các biện pháp trừng phạt quốc tế và các chuẩn mực ngoại giao. Có một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nghiêm cấm việc cung cấp các mặt hàng xa xỉ cho Triều Tiên và món quà có thể bị coi là vi phạm lệnh cấm đó. Việc Nga tặng một món quà như vậy bất chấp nghị quyết này có thể cho thấy ông Putin và Nga quan tâm đến mối quan hệ của họ với Triều Tiên, và đặc biệt là mối quan hệ cá nhân của ông với Kim Jong Un. Điều này có thể cho thấy ông Putin có cách tiếp cận riêng đối với chính trị quốc tế và hành động phù hợp với lợi ích chiến lược của riêng mình. Mặt khác, món quà này cũng có thể được coi là dấu hiệu cho thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa Triều Tiên và Nga. Hai nước có xu hướng hợp tác dựa trên lợi ích chung, một phần do do quan hệ căng thẳng với Mỹ và các nước phương Tây khác. Những cử chỉ như vậy có thể trở nên quan trọng hơn, đặc biệt khi Nga mong muốn đóng vai trò tích cực hơn trong các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Món quà cũng có thể làm dấy lên nghi ngờ về tính hữu hiệu và hiệu quả của các biện pháp trừng phạt quốc tế. Việc nhiều ôtô hạng sang vẫn được nhập vào Triều Tiên có thể cho thấy các lệnh trừng phạt quốc tế thường xuyên bị không thể ngăn chặn được. Những diễn biến như vậy có thể buộc cộng đồng quốc tế phải xem xét lại và đánh giá lại các nỗ lực ngoại giao và chiến lược của mình.
Ảnh hưởng của quan hệ Nga – Triều tới Trung Quốc
Mỹ và cả Trung Quốc đều cùng có cơ sở để có những quan ngại nhất định trước mối quan hệ thắm thiết giữa Nga và Triều Tiên. Hợp tác quân sự và chiến lược giữa Moskva và Bình Nhưỡng, hai đồng minh của Bắc Kinh, có thể là một thách thức mới đối với ông Tập Cận Bình, nếu như nó đẩy khu vực Đông Bắc Á lao vào một cuộc chạy đua vũ trang và tạo cơ hội để Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng đồng thời, điều này cũng có thể là cơ hội hợp tác lẫn nhau giữa bộ ba này nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Washington ở khu vực. Từ năm 2023, các hoạt động ngoại giao giữa Nga và Triều Tiên đã diễn ra khá dồn dập, mà đỉnh điểm là cuộc hội ngộ giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Kim ở vùng Viễn Đông Nga hôm 13/09/2023. Trong chuyến công du dài ngày ở Nga, Chủ tịch Triều Tiên đã dành nhiều thời gian để tham quan các các nhà máy vũ khí của nước láng giềng sát cạnh. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã dự lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng, đánh dấu điểm khởi đầu khi hai nước nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Trong thông cáo chung ngày 09/01/2024, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cùng với các đồng cấp đại diện cho hơn 40 quốc gia lên án Bình Nhưỡng vì cho rằng nước này cung cấp vũ khí cho Moskva trong chiến dịch tại Ucraina. Ngoài ra, từ nửa cuối năm 2023, Bình Nhưỡng liên tục thử nghiệm tên lửa tầm trung, tầm xa. Ông Kim Jong Un đã ra lệnh sửa đổi Hiến pháp, xem Hàn Quốc là kẻ thù chính của Bình Nhưỡng. Triều Tiên cũng lần lượt cắt đứt những kênh liên lạc còn rất mong manh với Hàn Quốc, gần đây nhất là quyết định hủy bỏ mọi hợp tác kinh tế với nước này. Vậy những điều này có thể tác động như thế nào đến Bắc Kinh?
Thứ nhất, đẩy khu vực Đông Bắc Á vào trạng thái căng thẳng, chạy đua vũ trang. Chính quyền Tổng thống Biden luôn quan ngại về liên hệ chặt chẽ giữa Nga và Triều Tiên. Đây cũng là một trong hai vấn đề chính mà Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã thảo luận với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp ở Băng Cốc, Thái Lan, hai ngày 26-27/01/2024. Nếu như nhờ sự yểm trợ của Nga, kỹ thuật phóng vệ tinh, tên lửa và các chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử của Triều Tiên được cải thiện, liệu điều đó sẽ có lợi cho Trung Quốc hay không? Việc khu vực Đông Bắc Á trở thành điểm nóng tập trung vũ trang chắc chắn sẽ không phải là điều mà Bắc Kinh mong muốn. Việc Triều Tiên đạt được những thành tựu nhất định về quân sự cũng sẽ khiến hai quốc gia còn lại trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có những biện pháp nhằm thúc đẩy nền quốc phòng như tăng chi tiêu quân sự, khả năng phòng thủ hay tổ chức các cuộc tập trận chung với Mỹ. Đây sẽ không phải là điều có lợi đối với Bắc Kinh.
Thứ hai, tạo ra cơ hội để Mỹ can thiệp. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên càng bất ổn thì Mỹ lại càng có lý do để tăng cường hiện diện quân sự trên bán đảo này. Hiện Washington đang duy trì vệ lực lượng hơn 28.000 quân đang đồn trú tại Hàn Quốc. Cả Seoul lẫn Tokyo đều là những đồng minh chiến lược của Washington ở Châu Á – Thái Bình Dương, vì thế khi an ninh của hai quốc gia này bị đe dọa, Mỹ sẽ có thêm những cơ hội để duy trì và củng cố ảnh hưởng tại khu vực. Sự hiện diện của Washington, cụ thể là hiện diện quân sự tại khu vực ngay cạnh Bắc Kinh sẽ là điều khiến Trung Quốc không hài lòng.
Thứ ba, mở ra thời cơ mới đối với vấn đề Đài Loan. Với việc phải tập trung cho những vấn đề trên bán đảo Triều Tiên cũng như một số điểm nóng khác trên thế giới, Washington có thể sẽ giảm bớt mức độ tập trung vào vấn đề giữa Đài Loan và Trung Quốc. Xung đột ở bán đảo Triều Tiên cũng có thể trở thành cơ hội cho Bắc Kinh để khẳng định chủ quyền với Đài Loan – một trong những ưu tiên hàng đầu của đất nước này. Nếu trong trường hợp một xung đột quân sự xảy ra ở khu vực này, Bắc Kinh cũng có thể nhân thời điểm để sáp nhập lại Đài Loan, vì đây có thể được coi là chuyện sớm muộn đối với Trung Quốc. Thời điểm khi Mỹ không thể trợ giúp Đài Bắc là thời điểm hoàn hảo để Trung Quốc có thể thực hiện được mục tiêu này.
Mối quan hệ ba bên giữa Nga – Trung Quốc – Triều Tiên
Các điều kiện tiên quyết để nối lại tương tác chiến lược ba bên giữa Moskva, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đang được hình thành trong bối cảnh Washington thắt chặt chính sách đối với Triều Tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, cũng như các hành động của NATO nhằm triển khai cơ sở hạ tầng quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Năm 2021, khối AUKUS (Mỹ, Anh và Úc) đã được thành lập với mục tiêu hỗ trợ Canberra xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân của riêng mình dưới sự hỗ trợ của Washington và London. Theo Nga và Trung Quốc, những hoạt động như vậy đi ngược lại mục tiêu và tinh thần của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế. Nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác QUAD (Úc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản) đã được coi là “NATO chống Trung Quốc”; Canada đã đề xuất tạo ra cơ cấu hợp tác bốn bên với sự tham gia của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ để chống lại Nga và Trung Quốc trong khu vực. Ngày càng có nhiều tín hiệu từ Seoul và Tokyo rằng họ không phản đối việc lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình, điều này một lần nữa sẽ vi phạm chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế. Điều đặc biệt đáng chú ý là Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc đã ký Tuyên bố Washington vào tháng 4/2023 , trong đó liệt kê một số bước nhằm thể hiện khả năng răn đe. Các chuyến thăm thường xuyên tới Hàn Quốc của các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo hạt nhân và tàu sân bay cũng như các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược Mỹ diễn ra dọc lãnh thổ Triều Tiên. Chuyến thăm Bình Nhưỡng của các quan chức cấp cao Nga và Trung Quốc trong thời gian gần đây không hẳn chỉ là sự hỗ trợ về mặt tinh thần mà còn là một dấu hiệu rõ ràng về sự hồi sinh của liên minh Nga – Trung – Triều, được thành lập để cân bằng lực lượng một cách hiệu quả trên bán đảo Triều Tiên và toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Triều Tiên có đủ kho vũ khí kỹ thuật quân sự để bảo vệ chủ quyền của mình.
Mặt khác, ngoài những dấu hiệu tích cực trong việc củng cố quan hệ ba bên Nga – Trung – Triều, một số chuyên gia cho rằng việc Moskva và Bình Nhưỡng tăng cường quan hệ có thể khiến Bắc Kinh không thực sự hài lòng, một số động thái của Bắc Kinh như nước này đã im lặng trước lời mời của Nga để Triều Tiên tham gia tập trận chung, hay giữa tháng 12/2023, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin và Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Myong-Ho cùng đến Bắc Kinh nhưng hai bên đã hội đàm riêng rẽ với giới lãnh đạo Trung Quốc. Theo một số nhà phân tích, Bắc Kinh muốn thể hiện là một quốc gia bảo vệ hòa bình, đứng ngoài các tranh chấp, một nhân tố duy trì ổn định tại Đông Bắc Á, và nước này rất cần cải thiện quan hệ với phương Tây, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, để phát triển kinh tế. Thêm vào đó, với mỗi bên Nga và Trung Quốc, mục đích trong quan hệ với Triều Tiên là khác nhau vì thế việc ngồi vào bàn đàm phán ba bên là không dễ dàng.
Tuy nhiên, việc quan hệ ba bên Nga – Trung – Triều có những tiến triển ắt hẳn cũng sẽ là mối đe dọa với Washington và đồng minh của họ ở khu vực và trên thế giới. Ngoài Mỹ và Hàn Quốc, nhiều quốc gia khác cũng cảnh giác cao độ về liên kết Nga – Trung – Triều Tiên, cho dù có thể đây chưa phải là một bộ ba thực sự. Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen ngày 12/12/2023 cảnh báo việc ‘‘Nga tăng cường hợp tác với Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và các đồng minh toàn cầu khác là mối đe dọa nghiêm trọng, lâu dài đối với châu Âu’’. Tăng cường hợp tác ba bên giữa Nga, Triều Tiên và Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh, kinh tế có thể gây ra những thay đổi trên bán đảo Triều Tiên và khu vực lân cận, theo nhân viên của Viện nghiên cứu Sejong Hàn Quốc, Chung Jae-heun[6]. Theo ông, Hàn Quốc và các nước phương Tây có thái độ tiêu cực đối với hợp tác ba bên giữa Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Sự tương tác của ba quốc gia này trong lĩnh vực kinh tế và an ninh có tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với toàn bộ khu vực Á – Âu và việc xây dựng một trật tự thế giới đa cực mới. Nếu sự phát triển hợp tác chiến lược ba bên và tương tác song phương giữa Nga với Trung Quốc và Triều Tiên tăng tốc, sự hợp tác trong BRICS và SCO trở nên toàn diện, khi đó sẽ tạo ra những thay đổi tất yếu trên bán đảo Triều Tiên và khu vực lân cận. Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ tận dụng các chuyến thăm nhanh tới Trung Quốc và Triều Tiên để củng cố mối quan hệ đối tác ba bên vì mục đích xây dựng một trật tự thế giới mới. Trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 8-9/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thảo luận về lịch trình liên lạc giữa hai nước ở cấp cao nhất. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Bắc Kinh hoan nghênh sự xuất hiện của ông Lavrov là giai đoạn quan trọng trong việc chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước sắp tới của Tổng thống Nga tới Trung Quốc trong năm nay. Trong hội nghị thượng đỉnh tại Sân bay vũ trụ Vostochny vào tháng 9/2023, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã mời Tổng thống Nga đến thăm nước này. Thư ký báo chí Dmitry Peskov lưu ý rằng ông Putin chắc chắn sẽ thực hiện chuyến thăm trong thời điểm sớm nhất có thể. Do sự gần gũi về mặt địa lý, chuyến thăm Triều Tiên có thể diễn ra sau chuyến thăm Trung Quốc. Điều này chắc chắn sẽ có nhiều ý nghĩa đối với quan hệ tam giác Nga – Trung – Triều trong tương lai./.
Tác giả: Nguyễn Như Việt Anh
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1]. РБК (2024), “Путина пригласили в Северную Корею, назвав самым близким другом”, https://www.rbc.ru/rbcfreenews/65ac5c679a79479c728ae267
[2]. ФИНМАРКЕТ (2023), “Товарооборот между Россией и КНДР вырос до $28 млн”, https://www.finmarket.ru/news/6073706
[3]. РИА НОВОСТИ (2023), “Межгосударственные отношения России и КНДР”, https://ria.ru/20230913/diplomatiya-1895940036.html
[4]. ANKASAM (2024), “Новый поворот в отношениях между Северной Кореей и Россией”, https://www.ankasam.org/новый-поворот-в-отношениях-между-севе/?lang=ru
[5]. AP (2024), “Putin gives Kim Jong Un a luxury limousine. It’s a violation of UN sanctions on North Korea”, https://apnews.com/article/north-korea-kim-russia-putin-car-gift-d5cca38b2d7f1076e05c7da961b77834
[6].TACC (2024), “Эксперт уверен, что сотрудничество РФ, КНР и КНДР изменит ситуацию в Республике Корея”, https://tass.ru/mezhdunarodnaya-panorama/20591991