Cựu thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ chính thức là Tân tổng thư ký NATO vào ngày 1/10/2024. Ông Rutte đã là chính trị gia người Hà Lan thứ tư đảm nhận vị trí này. Ông sẽ thừa hưởng một NATO đang chạy đua để củng cố an ninh của chính mình trong khi cũng hỗ trợ phòng thủ cho Ukraine. Tân Tổng Thư ký NATO sẽ phải điều hoà mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên với Mỹ nhằm đảm bảo lợi ích và vai trò của NATO ở hai bờ Đại tây dương. Một loạt thách thức đang đón chờ ông Rutte ở phía trước.
Tân Tổng thư ký NATO
Cựu thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ là tổng thư ký tiếp theo của NATO. Ông Rutte sẽ chính thức nắm quyền lãnh đạo NATO vào ngày 1/10/2024. Hai Tổng thư ký NATO gần đây đều được bổ nhiệm vào những thời điểm hết sức quan trọng của châu Âu. Ông Stoltenberg được bổ nhiệm vào năm 2014, vài tháng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea[1]. Lần này, sau 10 năm, Tổng thư ký mới của NATO được bổ nhiệm khi chiến sự giữa Nga và Ukraine diễn ra giằng co và gây tổn thất lớn cho tất cả các bên. Bản đồ chính trị thế giới đang có sự thay đổi khi các bên đang ra sức tập hợp lực lượng.
Rutte sẽ là người Hà Lan thứ tư lãnh đạo NATO kể từ khi tổ chức này được thành lập[2]. Không có quốc gia nào khác sản sinh ra nhiều lãnh đạo NATO như vậy. Điều này xuất phát từ bản chất phân mảnh cao của chính trị Hà Lan. Chính trường quốc gia này là một nền tảng đào tạo hoàn hảo để phát triển các kỹ năng xây dựng liên minh. Hà Lan cũng có một cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương, thường mạnh mẽ hơn cam kết của họ đối với châu Âu. Trên trường châu Âu, ông Rutte đã nổi lên như một nhà đàm phán chủ chốt, làm việc với cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel để làm trung gian cho một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giúp ngăn chặn dòng người di cư Gần đây hơn, vào tháng 7, ông đã đến Tunisia cùng với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Von der Leyen và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni của Ý để đảm bảo một thỏa thuận di cư khác.
Những thách thức Tân Tổng thư ký NATO phải đối mặt
Để có thể trả lời câu hỏi liệu chính sách của NATO dưới thời ông Mark Rutte như thế nào cần biết quy trình để chọn ra tân tổng thư ký. Theo Polotico, quy trình đó gồm hai bước: bước một, quyết định phải được nhất trí giữa 31 thành viên của liên minh; bước hai, chính Mỹ là người quyết định cuối cùng. Rutte sẽ thừa hưởng một NATO đang chạy đua để củng cố an ninh của chính mình trong khi cũng hỗ trợ phòng thủ cho Ukraine. Tân tổng thư ký NATO sẽ phải điều hoà mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên với Mỹ nhằm đảm bảo lợi ích và vai trò của NATO ở hai bờ Đại tây dương.
Ứng xử trong trường hợp Donand Trump quay lại làm tổng thống Mỹ
Ông Mark Rutte sẽ nắm quyền chỉ 1 tháng trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, tuyên bố sẽ đánh giá lại vai trò của Mỹ trong NATO và đe dọa cắt viện trợ cho Ukraine. Nếu ông có đầy đủ quyền lực để thực hiện, nó có thể giáng một đòn nặng nề vào uy tín của các đồng minh NATO trong việc viện trợ Ukraine, vì Mỹ cho đến nay là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Kyiv. Việc ông Trump tái đắc cử cũng gần như chắc chắn sẽ làm chệch hướng kế hoạch của NATO nhằm chuẩn bị cho Ukraine trở thành thành viên trong tương lai, bao gồm cả những nỗ lực hoàn thành việc “phương Tây hóa” quân đội của Ukraine.
Ông Mark Rutte được cho là người có mối quan hệ khá tốt với Donald Trump. Ông được mệnh danh là “người thì thầm của Trump” (the Trump whisperer). Biệt danh bắt đầu từ năm 2018, khi Tổng thống Trump đe doạ Mỹ sẽ đi theo “con đường của riêng mình” nếu các nước thành viên NATO không chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng của họ. Trong khi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức khi đó là Angela Merkel đã cố gắng tranh luận với Tổng thống Mỹ nhưng không có kết quả. Theo Timo Koster, cựu giám đốc chính sách quốc phòng tại NATO, người có mặt trong phòng họp, chính Mark Rutte là người đã “giải cứu” tình hình, đảm bảo với tổng thống Mỹ chi tiêu sẽ tăng lên – và quan trọng hơn, chính Trump mới là người xứng đáng được ghi nhận[3]. Cựu Trợ lý Tổng Thư ký NATO Camille Grand, hiện là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, cho biết: “[Ông Mark Rutte] là một trong những thủ tướng tại vị lâu nhất ở châu Âu, Rutte đã trải qua sự thăng trầm trong nhiệm kỳ thứ nhất của Trump và có vị thế tốt để xử lý nhiệm kỳ thứ hai của Tỉ phú người Mỹ nếu nó xảy ra”. Roger Hilton, nhà nghiên cứu quốc phòng tại tổ chức tư vấn GLOBSEC có trụ sở tại Slovakia, nói rằng ngay cả khi Trump giành chiến thắng, Rutte có thể là người tốt nhất để làm ăn với ông[4]. Trong chuyến thăm Washington năm 2019, Trump cho biết hai người đã trở thành “bạn bè”. Gần đây hơn, ông Rutte nói tại Hội nghị An ninh Munich: “Chúng ta nên ngừng rên rỉ, than vãn và cằn nhằn về Trump”. Ông cho biết trong mọi trường hợp, châu Âu nên chi nhiều hơn cho quốc phòng và tăng cường sản xuất đạn dược, không chỉ vì Trump có thể quay trở lại[5]. Điều này phân nào cho thấy sự tự tin của ông trong việc thuyết phục và đàm phán với Donand Trump.
Việc ông Trump có thể trở thành tổng thống Mỹ một lần nữa đang nhận được sự quan tâm, lo lắng hàng đầu của những nhà lãnh đạo phương Tây. Ông Rutte đã nhận được sự tin tưởng của các nhà lãnh đạo khi thể hiện là người có thể giữ mọi chuyện trong tầm kiểm soát. Oana Lungescu, cựu phát ngôn viên chính của NATO, cho biết: “Giống như Stoltenberg, Rutte là một người theo chủ nghĩa thực dụng và là một trong số ít chính trị gia châu Âu đã phát triển mối quan hệ làm việc tốt không chỉ với Joe Biden mà còn với Donald Trump. Điều đó có thể chứng tỏ là tài sản quan trọng đối với NATO sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11”[6]. Sự ủng hộ của Hà Lan đối với Israel và việc tham gia vào các cuộc tấn công chống Houthi ở Yemen được cho là một nỗ lực minh bạch của Rutte nhằm ghi điểm với Washington.
2% GDP cho chi phí quốc phòng
NATO trong tuần này đã chứng kiến 23 nước thành viên – một số lượng kỷ lục các quốc gia được mục tiêu 2% GDP về chi tiêu quốc phòng. Nhưng điều này có nghĩa là một phần ba liên minh vẫn chưa đạt được mục tiêu, mặc dù đã đưa ra cam kết đó 10 năm trước. Tại Italy, ước tính năm 2024 giảm nhẹ so với mức vốn đã thấp 1,5% vào năm ngoái. Tây Ban Nha sẽ chỉ chi 1,28% trong năm nay. Nước láng giềng Bồ Đào Nha cam kết 1,55%. “Thành tích nghèo nàn từ những người bạn Địa Trung Hải của chúng tôi là vũ khí hoàn hảo cho Trump”, một nhà ngoại giao cấp cao giấu tên từ khu vực Baltic cho biết. Đây là thách thức lớn nhất của Mark Rutte trong trường hợp Trump quay trở lại làm Tổng thống. Thách thức trong việc duy trì sự hiện diện và vai trò của Mỹ trong khối và thuyết phục các nước thành viên tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP để đảm bảo an ninh và đoàn kết trong khối.
Có hay không một sự chia rẽ trong NATO?
Sự phản đối cũng đang gia tăng trong NATO từ những người cho rằng đã đến lúc trao công việc này cho một trong những quốc gia giáp biên giới với Nga. Thủ tướng Estonia Kallas, người muốn có công việc hàng đầu của NATO, đã chỉ trích ông vì đã tiết kiệm trong quốc phòng. “Chúng tôi lo ngại rằng ông ấy đã là thủ tướng trong một thời gian dài, và Hà Lan đã không thực hiện đúng cam kết dành 2 phần trăm GDP cho quốc phòng”, bà nói với giới truyền thông Pháp , than thở rằng các công việc hàng đầu ở châu Âu “vẫn chỉ dành riêng cho một số ít quốc gia”[7]. Việc không thể bổ nhiệm cho các ứng viên phía Đông trở thành tổng thư ký lúc này vì hành động đó phía Nga có thể coi là một sự leo thang cho chiến sự tại Ukraine. Các quốc gia có quan điểm không ủng hộ Mark Rutte trở thành Tổng thư ký NATO chủ yếu đến từ khu vực Đông Âu như Romania, Hungary. Rutte phải chấp nhận yêu cầu của Hungary rằng nước này không có nghĩa vụ cung cấp nhân sự hoặc kinh phí cho các kế hoạch hỗ trợ mới của NATO dành cho Ukraine[8]. Đầu năm nay, ông Rutte đã bay tới Thổ Nhĩ Kỳ để gặp Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan để hàn gắn mối quan hệ đã căng thẳng trong quá trình xảy ra nhiều tranh cãi ngoại giao. Chẳng hạn, khi cuộc bầu cử quốc hội Hà Lan năm 2017, ông Erdogan đã gọi chính phủ Hà Lan là “tàn dư của Đức Quốc xã”. Vào tháng 10/2020, những căng thẳng này lại nổi lên sau khi Geert Wilders, một chính trị gia cực hữu đã đào thoát khỏi đảng của ông Rutte để thành lập Đảng Tự do – hiện đang nắm quyền – đã tweet một hình ảnh ông Erdogan đội một chiếc mũ Ottoman có hình dạng như một quả bom được trang trí bằng từ “khủng bố”. Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Wilders phỉ báng, Rutte đã tuyên bố rằng “Ở Hà Lan, tự do ngôn luận là một trong những giá trị cao nhất của chúng tôi”[9].
Các quốc gia ở sườn phía Đông cũng đang đòi hỏi một vai trò lớn hơn trong liên minh, đó là vị trí phó tổng thư ký và các vị trí trợ lý tổng thư ký. Phân phối việc làm đã là một điểm nhức nhối đối với các nước phương Đông trong một thời gian. Trong khi chỉ có một cựu phó tổng thư ký là người Rumani, tất cả bảy vị trí trợ lý tổng thư ký đều đến từ phương Tây – hai từ Mỹ, mỗi một từ Đức, Hà Lan, Anh, Ý và Pháp. Một vị trí còn lại đang bỏ trống. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Rutte với tư cách là người đứng đầu NATO sẽ là bổ nhiệm một cấp phó, và sẽ có áp lực buộc ông phải bổ nhiệm ai đó từ một quốc gia phía đông[10].
Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels vừa diễn ra vào cuối tháng 6, trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine và có sự tham dự của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy quốc phòng là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bị các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu khác chỉ trích tại một hội nghị thượng đỉnh vì ông phản đối việc EU chung tài trợ cho các dự án quốc phòng. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói với các phóng viên rằng: “Mọi người, hầu như tất cả mọi người, đều lớn tiếng nhắc nhở Mark Rutte rằng ông ấy sẽ sớm đảm nhận vai trò tổng thư ký NATO và rằng ông ấy nên làm mọi cách để đảm bảo rằng châu Âu không tiết kiệm tiền và tài nguyên (cho quốc phòng)”. Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về các đề xuất tài trợ chung cho các dự án quốc phòng trong khối, nhưng những đề xuất này vấp phải sự phản đối của Rutte và Thủ tướng Đức Olaf Scholz[11]. Dưới thời ông Mark Rutte làm Thủ tướng Hà Lan, nước này đã không đáp ứng được mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% của NATO[12].
Ông Rutte sẽ phải sử dụng những kĩ năng đàm phán mình có được trong 14 năm làm Thủ tướng Hà Lan để củng cố đoàn kết giữa toàn bộ 32 thành viên của khối. Ông Rutte cũng được biết đến với kỹ năng xây dựng liên minh ở Brussels, nơi ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất châu Âu gần đây. Năm 2015, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, Rutte đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đàm phán thỏa thuận di cư gây tranh cãi của EU với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó khối này trả tiền cho nước này để tiếp nhận người tị nạn. Ở Brussels, Rutte nổi tiếng là một nhà đàm phán cứng rắn, thường thành công trong việc bảo vệ lợi ích của Hà Lan.
Ứng phó với xu hướng cực hữu đang gia tăng trong châu Âu và NATO
Không chỉ Donand Trump mà ông Rutte sẽ phải thuyết phục để giữ cho NATO tồn tại và tốt đẹp. Trên khắp châu Âu, các đảng cực hữu hoài nghi NATO đang nở rộ. Chẳng hạn, nước Pháp đang tiến hành cuộc bầu cử quốc hội sớm do sự gia tăng quyền lực của phe cực hữu. Kết quả vòng 1 của cuộc bầu cử chứng kiến những thắng lợi lớn cho đảng cực hữu của bà Lepen. Đây là một cuộc bỏ phiếu “lịch sử” vì lần đầu tiên dưới nền Cộng hòa V, liên minh đảng cầm quyền cũng như phe cánh tả và cánh hữu được dự báo không đủ khả năng để ngăn chặn đảng cực hữu RN giành được đa số phiếu[13]. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Politico, ông Stoltenberg phải đưa ra lời kêu gọi hiếm hoi với Paris để “giữ cho NATO mạnh mẽ”. Một trong những nguyên nhân chính khiến ông Rutte từ bỏ công việc Thủ tướng đã gắn bó 14 năm và trở thành Tổng thư ký NATO là do Đảng Nhân dân Tự do và Dân chủ trung hữu của ông đã thua cuộc bầu cử trước Đảng cực hữu vì Tự do của Geert Wilders. Ông Wilders được coi là người thân thiện với Nga nhất trong số các ứng viên. Ông đã gây chú ý vào tháng 5 năm nay, khi là một trong ba chính trị gia từ chối chuyến thăm quốc hội Hà Lan của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy[14]. Tờ Tsargrad đã so sánh Wilders, “người ủng hộ Nga”, với Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mark Rutte, một “người ủng hộ cuồng tín của Ukraine”[15].
Chiến sự Nga – Ukraine sẽ tiếp tục căng thẳng và thậm chí có thể leo lên một nấc thang mới
Có nhiều bằng chứng để chứng minh cho luận điểm trên. Khả năng Rutte lên nắm giữ vị trí cao nhất của NATO đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau, một số người bày tỏ sự lạc quan thận trọng trong khi những người khác vẫn còn hoài nghi sâu sắc. Mikael Valtersson, cựu sĩ quan của Lực lượng vũ trang/Phòng không Thụy Điển, cựu chính trị gia quốc phòng và là tham mưu trưởng của đảng Dân chủ Thụy Điển, đưa ra quan điểm về sự phù hợp của Rutte với vai trò này. Valtersson lập luận rằng nhiệm kỳ Thủ tướng của Rutte được đánh dấu bằng lập trường cứng rắn về hỗ trợ quân sự cho Ukraine, một đặc điểm không tốt cho một vai trò đòi hỏi sự khéo léo về mặt ngoại giao và cách tiếp cận cân bằng đối với các thách thức an ninh toàn cầu. Những người chỉ trích Rutte cho rằng sự lãnh đạo của ông có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng hiện tại thay vì thúc đẩy đối thoại và giảm leo thang. Valtersson nói: “Tất cả những điều này cho thấy Mark Rutte sẽ không phải là người cố gắng giảm leo thang xung đột ở Ukraine… Thật đáng tiếc khi NATO đã không tận dụng cơ hội để chọn một Tổng thư ký mới ôn hòa hơn”.
Trong quá trình làm Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte từng có khoảng thời gian được cho là mối quan hệ không quá tệ với Putin. Nhưng quan đểm của ông về Putin đã thay đổi hoàn toàn kể từ sau sự kiện bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia. Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, Hà Lan đã định vị mình là một trong những đồng minh trung thành nhất của Ukraine, cung cấp xe tăng Leopard 2 và hứa hẹn chuyển giao máy bay chiến đấu F-16. Điều này đã khiến Rutte nhận được sự tán thành của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã hết lòng ủng hộ nhà lãnh đạo Hà Lan. Tại Hội nghị An ninh Munich, tổng thống Zelensky phát biểu: “Tôi biết anh ấy, anh ấy sẽ cứu vãn sự thống nhất của NATO”. Hà Lan cũng cam kết hỗ trợ tài chính đáng kể cho Ukraine, bao gồm 3 tỷ euro hàng năm cho năm 2024 và 2025[16].
Vào tháng 3/2024, Rutte đã ký một hiệp ước an ninh quan trọng với Ukraine, một động thái nhấn mạnh cam kết của ông đối với việc bảo vệ Ukraine nhưng cũng đặt ra câu hỏi về tính phù hợp của những hành động như vậy khi ông chỉ đang tiếp quản một chính phủ lâm thời. Hiệp ước được ký kết bất chấp chiến thắng bầu cử của Geert Wilders cánh hữu ở Hà Lan. Hiệp ước cũng cho thấy rõ ưu tiên hỗ trợ Ukraine của ông Rutte. Quan điểm từ các nhà phê bình Nga cho ông Rutte ưa thích các giải pháp quân sự hơn là can dự ngoại giao. Sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với Ukraine và sự liên kết nhất quán với lập trường cứng rắn của NATO chống lại Nga cho thấy rằng sự lãnh đạo của ông có thể sẽ tiếp tục các chính sách thân Ukraine của Stoltenberg mà không tìm kiếm con đường hòa bình hoặc thỏa hiệp[17]. Trong bài phát biểu cuối cùng với cương vị là Thủ tướng Hà Lan, ông đã kêu gọi Hà Lan tiếp túc hỗ trợ Ukraine, vì hoà bình ở Ukraine và an ninh ở Hà Lan[18].
Cuộc phản công tiềm tàng vào mùa đông của Nga
Trong những tháng gần đây, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy nhiệt điện và đập của Ukraine – cơ sở hạ tầng phải mất nhiều tháng thậm chí là nhiều năm để sửa chữa hoàn toàn. Các chuyên gia phương Tây dự báo Nga sẽ mở cuộc tiến công mới vào mùa đông năm nay. Trong mùa đông đầu tiên từ năm 2022 đến năm 2023, lưới điện của Ukraine đã bị tấn công nghiêm trọng.
Phản ứng từ các bên
Phản ứng từ phía Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi Rutte là “một nhà lãnh đạo có nguyên tắc và mạnh mẽ, người đã thể hiện sự quyết đoán và tầm nhìn của mình trong nhiều dịp trong những năm qua”.
Những chuyên gia của Ukraine có sự đón nhận tích cực với ông Mark Rutte nhưng không quá lạc quan. Một chuyên gia Ukraine nêu quan điểm: “Hiện tại, Rutte có vẻ rất hứa hẹn cho Ukraine. Ông có vẻ quyết tâm hơn người tiền nhiệm và sẵn sàng truyền đạt rằng ông đang tích cực giúp đỡ Ukraine. Tuy nhiên, có thể khi ông nhậm chức, và ông có thể xem xét, ví dụ, tình báo, xem xét một số tài liệu bí mật khác mà người tiền nhiệm của mình có và nói: bây giờ tôi hiểu tại sao Ukraine không được giúp đỡ ngay lập tức hoặc tại sao sự giúp đỡ lại bị trì hoãn. Và đây chính là rủi ro. Không nên mong đợi những câu chuyện đột phá lớn từ ông ấy, rằng ông ấy sẽ ngay lập tức trao cho chúng ta máy bay, vũ khí v…v”[19].
Phản ứng từ phía Nga
Điện Kremlin cho biết việc bổ nhiệm sẽ không “thay đổi bất cứ điều gì”. Rutte là người chỉ trích gay gắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và là đồng minh trung thành của Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết quyết định bổ nhiệm Cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm người đứng đầu NATO sẽ khó có thể thay đổi đường lối thù địch của liên minh này đối với Nga. “Lựa chọn này khó có thể thay đổi bất cứ điều gì trong đường lối chung của NATO và các quốc gia thành viên, cả hai đều chịu dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Mỹ, và cùng nhau là một liên minh đang nỗ lực để gây ra thất bại chiến lược cho Nga”, người phát ngôn cho biết, đồng thời nói thêm rằng “hiện tại đây là một liên minh thù địch với chúng tôi”. Bình luận về việc bổ nhiệm Rutte, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ ra rằng các nước NATO, và đặc biệt là Tổng thư ký, không đưa ra quyết định trong liên minh vì Mỹ thống trị tổ chức này[20]./.
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc của có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] “Rutte says NATO ‘cornerstone of collective security’ as he is named chief” (2024), Aljazeera, https://www.aljazeera.com/news/2024/6/26/rutte-says-nato-cornerstone-of-collective-security-as-he-is-named-chief
[2] “NATO appoints Dutch PM Rutte as new secretary general” (2024), Le Monde, https://www.lemonde.fr/en/international/article/2024/06/26/nato-appoints-dutch-pm-rutte-as-new-secretary-general_6675791_4.html
[3] Eva Hartog, Stuart Lau (2024), “Can Mark Rutte save NATO?”, Politico, https://www.politico.eu/article/mark-rutte-nato-donald-trump-vladimir-putin/
[4] Brendan Cole (2024), “What NATO’s Likely Next Chief Means For Ukraine War”, Newsweek, https://www.newsweek.com/rutte-nato-chief-1914688
[5] John Irish (2024), “Stop whining about Trump, Dutch prime minister tells Europeans”, Reuters, https://www.reuters.com/world/europe/stop-whining-about-trump-focus-europes-interests-dutch-pm-says-2024-02-17/
[6] Mike Corder (2024), tldd
[7] Pierre de Gasquet (2024), “Kaja Kallas : « Si la Russie pense que nous sommes faibles, elle n’hésitera pas à tester l’Otan »”, Les Echos, https://www.lesechos.fr/monde/europe/kaja-kallas-si-la-russie-pense-que-nous-sommes-faibles-elle-nhesitera-pas-a-tester-lotan-2045764
[8] Mike Corder (2024), “Mark Rutte is named NATO chief. He’ll need all his consensus-building skills from Dutch politics”, CBS 42, https://www.cbs42.com/news/international/ap-mark-rutte-is-named-nato-chief-hell-need-all-his-consensus-building-skills-from-dutch-politics/
[9] Catherine De Vries (2024), “Nato’s Mark Rutte era”, The New Stateman, https://www.newstatesman.com/international-content/2024/06/natos-mark-rutte-era
[10] Stuart Lau (2024), “5 challenges for NATO’s next chief Mark Rutte”, Politico, https://www.politico.eu/article/five-challenge-nato-next-chief-mark-rutte/
[11] “Poland’s Tusk says EU leaders criticised next NATO boss Rutte” (2024), SWI, https://www.swissinfo.ch/eng/poland%27s-tusk-says-eu-leaders-criticised-next-nato-boss-rutte/82078637
[12] Seb Starcevic, Ali Walker (2024), “As Putin menaces and Trump hovers, NATO chooses Rutte as next leader”, Politico, https://www.politico.eu/article/nato-mark-rutte-secretary-general/
[13] Khải Hoàn, Minh Duy (2024), “Bầu cử vòng 1 Quốc hội Pháp: Đảng cực hữu RN tạm dẫn đầu”, Báo Nhân dân, https://nhandan.vn/bau-cu-vong-1-quoc-hoi-phap-dang-cuc-huu-rn-tam-dan-dau-post816953.html
[14] Eva Hartog (2024), “Putin’s propagandists cheer Geert Wilders’ Dutch election win”, Politico, https://www.politico.eu/article/russia-putin-propagandists-cheer-geert-wilders-dutch-election-win/
[15] “”НИДЕРЛАНДЫ ПАЛИ К НОГАМ ПУТИНА”. КОРОЛЕВСТВО ОНЕМЕЛО ПОСЛЕ ГРОМКОЙ ПОБЕДЫ” (2024) (Tạm dịch: “Hà Lan đã sụp đổ dưới chân Putin” vương quốc tê liệt sau chiến thắng vang dội), Tsgarad, https://tsargrad.tv/news/niderlandy-pali-k-nogam-putina-korolevstvo-onemelo-posle-gromkoj-pobedy_914405
[16] “Các nước châu Âu tiếp tục cam kết hỗ trợ Ukraine” (2024), ANTV, https://antv.gov.vn/the-gioi-7/cac-nuoc-chau-au-tiep-tuc-cam-ket-ho-tro-ukraine-D39531D86.html
[17] Egor Shapovalov (2024), “Mark Rutte: The Choice for NATO Secretary General?”, Sputnik, https://sputnikglobe.com/20240619/mark-rutte-the-choice-for-nato-secretary-general-1119017556.html
[18] David O’Sullivan (2024), “Outgoing Dutch PM Mark Rutte urges support for Ukraine, EU and NATO”, Euronews, https://www.euronews.com/my-europe/2024/06/30/outgoing-dutch-pm-mark-rutte-urges-support-for-ukraine-eu-and-nato
[19] Мандровська Олександра (2024), “The new NATO Secretary General Mark Rutte: what will change on the battlefield with the new “first fiddle””, Ukrainian Komersant, https://www.komersant.info/en/novyy-hensek-nato-mark-riutte-shcho-zminytsia-na-poli-boiu-z-novoiu-pershoiu-skrypkoiu-3/
[20] “Future NATO chief Rutte to hardly change alliance’s hostile line towards Russia — Kremlin” (2024), TASS, https://tass.com/politics/1808663