Trong suốt lịch sử phát triển của NATO, sự tồn tại và biến đổi của tổ chức này bị ảnh hưởng sâu sắc bởi bối cảnh quốc tế. Sau Chiến tranh Lạnh, mặc dù NATO phải đối mặt với cuộc khủng hoảng “chết não” nhưng những xung đột địa chính trị đã khiến NATO một lần nữa trở thành trụ cột của an ninh châu Âu. Trong tương lai, hướng phát triển của NATO sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như căng thẳng địa chính trị, quan hệ xuyên Đại Tây Dương, sự lãnh đạo của Mỹ và sự tự chủ chiến lược của châu Âu. Liệu châu Âu có thể tự chủ các vấn đề an ninh của chính mình trong tương lai hay không và ở mức độ nào, điều cốt lõi nằm ở tiến trình và khả năng tự chủ chiến lược với trọng tâm là tự chủ quốc phòng. Về lâu dài, những xung đột giữa Mỹ và châu Âu xung quanh “kiểm soát và chống kiểm soát”, “đơn cực và đa cực” về cơ bản vẫn chưa được giải quyết. Khi châu Âu ngày càng coi trọng và đầu tư vào “sức mạnh cứng” của mình, sự tự tin và tiềm lực để đạt được tự chủ chiến lược của họ cũng sẽ tăng lên.
Từ ngày 9 đến 11/7/2024, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Washington để kỷ niệm 75 năm thành lập.
Là “di sản của Chiến tranh Lạnh”, NATO đã trải qua 75 năm để chuyển đổi từ một tổ chức an ninh tập thể với 12 thành viên sáng lập thành một “liên minh quân sự khổng lồ” bao gồm 32 quốc gia thành viên, phạm vi bao trùm phần lớn châu Âu và Bắc Mỹ.
Tương lai của NATO sẽ đi về đâu, chúng ta có thể tìm thấy một số câu trả lời từ lịch sử.
“Nền tảng cơ bản Chiến tranh Lạnh”
NATO ban đầu được thành lập vào năm 1949, là công cụ quan trọng phục vụ nhu cầu Chiến tranh Lạnh của phương Tây đối với khối Đông Âu, đồng thời là nền tảng quan trọng để Mỹ can thiệp toàn diện và củng cố vị thế lãnh đạo ở châu Âu về mặt chính trị và an ninh.
Chiến tranh thế giới thứ hai đã thúc đẩy Mỹ chấm dứt chính sách “chủ nghĩa biệt lập” lâu dài, bắt đầu chuyển hướng sang “chủ nghĩa toàn cầu”, thúc đẩy thực hiện chiến lược toàn cầu. Nỗ lực xây dựng trật tự chính trị, kinh tế và an ninh quốc tế lấy Mỹ làm trung tâm. Châu Âu là khu vực có giá trị kinh tế, chính trị và an ninh quan trọng đối với cả Mỹ và Liên Xô, được hai nước này coi là tiền tuyến để tranh giành ảnh hưởng, là “chiến trường chính” đối đầu với nhau. Sau chiến tranh, châu Âu rơi vào tình trạng kiệt quệ, gặp nhiều khó khăn về kinh tế và an ninh. Dựa vào sức mình khó có thể phục hồi kinh tế và tự bảo vệ an ninh. Mỹ nhận thấy rằng châu Âu sau chiến tranh luôn đối mặt với “nguy cơ bị lật đổ và xâm lược”, thậm chí có thể “ngả về phía Liên Xô như những quân bài domino”.
Do đó, trong giai đoạn này, Mỹ đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ châu Âu mang đậm màu sắc Đại Tây Dương như “Học thuyết Truman” và “Kế hoạch Marshall”. Can thiệp và lãnh đạo toàn diện liên minh xuyên Đại Tây Dương về mặt chính trị, kinh tế và an ninh. Điều này không chỉ phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ trong việc liên kết với châu Âu để chống Liên Xô, mà còn đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế và bảo đảm an ninh của châu Âu. Bởi vậy tiến triển khá nhanh chóng.
Hơn nữa, NATO chính là sản phẩm của thời kỳ này. Năm 1948 diễn ra “Sự kiện tháng Hai của Tiệp Khắc” và “Sự kiện Na Uy” một mặt đã đẩy nhanh tiến trình hợp nhất an ninh Tây Âu. Anh và Pháp ký Hiệp ước Dunkirk, thành lập Tổ chức Hiệp ước Brussels. Mặt khác, những diễn biến này cũng khiến Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương lo lắng, tin rằng dự đoán về “hiệu ứng domino” của mình đã được chứng minh.
Do đó, trên cơ sở Hiệp ước Brussels và các tài liệu an ninh ban đầu như “Văn kiện Lầu Năm Góc”, “Văn kiện Washington”, ngày 4/4/1949, tại Washington, Mỹ, Canada cùng với 5 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Brussels (Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg), cùng với 5 quốc gia Bồ Đào Nha, Ý, Na Uy, Đan Mạch, Iceland nắm giữ các vị trí “trọng điểm chiến lược” quan trọng ở châu Âu đã cùng ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (còn gọi là Công ước Washington), tuyên bố thành lập một tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy liên minh chính trị xuyên Đại Tây Dương, liên minh an ninh và hợp tác kinh tế.
Trong giai đoạn đầu thành lập, NATO đã phải đối mặt với sự nghi ngờ từ cả Mỹ và châu Âu, với việc thiếu hụt nội dung cụ thể trong việc hội nhập quân sự, và sự mơ hồ giữa việc hội nhập quân sự và hội nhập chính trị. Trong đó, sự mất cân bằng quyền lực giữa Mỹ và châu Âu ở NATO khiến châu Âu ban đầu lưỡng lự. Tuy nhiên, Chiến tranh Triều Tiên đã thúc đẩy quá trình xây dựng liên minh quân sự của NATO. Đặc biệt, vào năm 1951, việc thành lập và hoàn thiện cơ chế chỉ huy quân sự, đại diện bởi Bộ Tư lệnh tối cao Liên minh châu Âu đã định hình nên bản chất cơ bản của NATO như ngày nay.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, NATO liên tục đối mặt với các cuộc khủng hoảng và tiến hành điều chỉnh trong cơ chế tổ chức. Trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng nội bộ như việc Pháp rút khỏi tổ chức nhất thể hoá quân sự vào năm 1966 và xung đột giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống ra quyết định quân sự của NATO từng bước hoàn thiện, cấu trúc quyền lực chính trị nội bộ cũng trở nên hoàn thiện hơn. Đồng thời, trong việc đối phó với các sự kiện khủng hoảng bên ngoài như “Khủng hoảng Berlin”, “Khủng hoảng tên lửa Cuba,” Liên Xô xâm nhập Afghanistan, NATO cũng đã tích lũy đủ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng.
Khách quan mà nói, sự thành lập và từng bước hoàn thiện của NATO liên quan mật thiết đến Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, là biểu hiện tập trung của quan hệ Mỹ-Liên Xô và Mỹ-Châu Âu trong thời kỳ này. Sự mở rộng và phát triển của NATO cũng liên tục tác động đến tình hình Chiến tranh Lạnh. Một mặt thúc đẩy liên minh chính trị, kinh tế, quân sự và thậm chí văn hóa và hình thái ý thức vượt lên cao trào sau Chiến tranh Thế giới II. Mặt khác nó mở ra một cuộc đua về cuộc cạnh tranh “phân nhóm, phe phái hoá”. Năm 1955, Tây Đức gia nhập NATO đã trực tiếp kích thích Liên Xô lãnh đạo thành lập Tổ chức Hiệp ước Warsaw, trực tiếp tạo ra tình thế ăn miếng trả miếng của hai liên minh quân sự lớn trong Chiến tranh Lạnh.
Từ “sống sót” đến “chết não”
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO vốn được xem là một “công cụ của Chiến tranh Lạnh”, không tan rã theo sự sụp đổ của đối thủ mà tiếp tục tồn tại trong thế kỷ mới, chủ yếu bởi ba lý do chính:
Một là đối mặt với khoảng trống quyền lực xuất hiện ở khu vực Đông Âu sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ không muốn để châu Âu một mình mở rộng vùng ảnh hưởng về phía Đông. Họ có ý định sử dụng nền tảng liên minh do chính mình lãnh đạo là NATO để tích cực bổ sung vào khoảng trống phía Đông, mở rộng và củng cố lợi ích địa lý của mình.
Hai là Mỹ vẫn còn nhu cầu dùng NATO để “trói chặt” châu Âu và lãnh đạo các vấn đề an ninh của châu Âu. Đối với Mỹ, một châu Âu có sự hội nhập sâu sắc bên trong, nhưng đối ngoại thực hiện chính sách độc lập không có lợi cho lợi ích toàn cầu của mình. Vì vậy mặc dù “cho phép” châu Âu tiến hành hội nhập quốc phòng, nhưng vẫn kiên quyết duy trì “ưu tiên NATO” như một nguyên tắc quan trọng.
Ba là mặc dù sức mạnh an ninh của Liên minh châu Âu đang tăng lên nhưng vẫn còn yếu, khó có thể xây dựng một khung an ninh châu Âu dựa trên chính bản thân. Châu Âu không muốn chung sức thúc đẩy phát triển và năng lực an ninh. Từ lâu đã có xu hướng “hỗ trợ kinh tế, ít quan tâm đến an ninh”. Cho đến nay, Liên minh châu Âu vẫn được công nhận chủ yếu là “liên minh kinh tế” chứ không phải là “liên minh an ninh”. Tổ chức an ninh châu Âu “lớn nhưng phân tán” khó có thể thay thế NATO. Trên các vấn đề an ninh vùng lân cận như Nam Tư cũ và Trung Đông, vẫn không có đủ khả năng đáp ứng, phải dựa vào sự “ra mặt” của Mỹ và NATO.
Vì vậy, sau Chiến tranh Lạnh, NATO đã đưa ra khẩu hiệu “Không ra ngoài khuôn khổ thì sẽ bị loại bỏ”, nhằm tích cực tìm kiếm giá trị tồn tại và con đường chuyển đổi cho tổ chức. NATO đã chủ động mở rộng tầm nhìn an ninh của mình từ khu vực phòng thủ xuyên Đại Tây Dương và các vấn đề an ninh truyền thống sang hướng toàn cầu. Thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh quốc tế đa tầng, đa cấp, liên tục khẳng định sự hiện diện của mình trong các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực. NATO đã tiến hành một loạt các can thiệp phòng ngừa và thậm chí can thiệp ngoài lãnh thổ như trong cuộc xung đột ở Bosnia-Herzegovina, chiến tranh Kosovo và cuộc chiến chống khủng bố. Trong nội bộ các nước thành viên, NATO cũng tích cực dẫn dắt việc tăng cường hợp tác an ninh phi truyền thống, hợp tác công nghiệp quân sự, thậm chí hợp tác kinh tế để thích ứng với sự thay đổi của tình hình an ninh.
Mặc dù vậy, “mất đi kẻ thù chung” là một “bước ngoặt vận mệnh” quan trọng đối với NATO, châu Âu và quan hệ Mỹ – châu Âu. Mặc dù NATO vẫn tồn tại về mặt tổ chức và chức năng trở nên đa dạng hơn, nhưng giá trị chiến lược của nó đối với cả hai bờ Đại Tây Dương liên tục giảm. Khủng hoảng tồn tại ngày càng sâu sắc, chủ yếu là do ba điểm sau đây:
Thứ nhất, sự tan rã của Liên Xô đã khiến tình hình an ninh châu Âu thay đổi cơ bản, khả năng xảy ra “chiến tranh nóng” giảm xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử. Các mối đe dọa an ninh truyền thống dường như đã nhường chỗ cho các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trong mối quan tâm về an ninh quốc gia của các nước. NATO, như một công cụ của phương Tây để đối phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống từ phương Đông, đã không còn giữ được tầm quan trọng và tính cần thiết như trước đây.
Thứ hai, sự tan rã của “kẻ thù chung” cũng khiến nền tảng chính trị của liên minh xuyên Đại Tây Dương bị lung lay. Nội bộ nước Mỹ đã bùng nổ cuộc tranh luận lớn về “chủ nghĩa biệt lập mới” và “chủ nghĩa can thiệp” không đạt được sự đồng thuận rõ ràng về cách định vị giá trị chiến lược của các đồng minh châu Âu trong tình hình mới và cách thúc đẩy sự chuyển đổi của NATO. Sự chuyển đổi từ thế hai cực sang một cực cũng tăng cường sự tự tin chiến lược của Mỹ, đặc biệt là sau khi George W. Bush lên nắm quyền, màu sắc chủ nghĩa đơn phương trong chính sách đối ngoại của Mỹ trở nên nổi bật. Một số quan điểm thậm chí cho rằng ngoài việc duy trì hòa bình, châu Âu không còn nhiều giá trị chiến lược đối với Mỹ. Cuộc chiến chống khủng bố càng làm cho Mỹ hình thành quan điểm “để nhiệm vụ quyết định liên minh, chứ không phải liên minh quyết định nhiệm vụ”, làm giảm giá trị của NATO. Chính sách “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” mà chính quyền Obama thực hiện cũng cho thấy trọng tâm chiến lược của Mỹ đã dần chuyển từ châu Âu sang phía Đông. Mặc dù trong giai đoạn này, thái độ “ưu tiên NATO” của Mỹ đối với châu Âu không thay đổi rõ rệt, nhưng chính sách đối ngoại của Mỹ đã không còn là “ưu tiên châu Âu”. Ngay cả nền tảng “ưu tiên châu Âu” của NATO cũng đã bị lung lay.
Thứ ba, sau khi Liên minh châu Âu (EU) được thành lập, sự phát triển và tiến trình hội nhập sâu rộng của châu Âu trong thế kỷ mới đã khiến lợi ích giữa Mỹ và châu Âu ngày càng phân hóa, mâu thuẫn giữa “kiểm soát và chống kiểm soát”, “đơn cực và đa cực” ngày càng sâu sắc. Đặc biệt, trong giai đoạn này, EU đã đẩy nhanh việc xây dựng cơ chế và năng lực cho chính sách đối ngoại và an ninh chung, làm giảm tính bổ trợ giữa EU và NATO, đồng thời tăng tính cạnh tranh. Trong khi đó Châu Âu tin tưởng vào “sức mạnh mang tính quy phạm” và “đạt được an ninh thông qua phát triển”, không đồng tình với việc Mỹ tích cực sử dụng các biện pháp trừng phạt và vũ lực để đối phó với các mối đe dọa an ninh mới như khủng bố. Họ bắt đầu đưa ra những quan điểm khác với Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế, chẳng hạn như cuộc chiến Iraq. Điều này làm gia tăng cảm giác “gánh nặng” của Mỹ đối với NATO và châu Âu.
“Cơn lốc Trump” càng đưa quan hệ xuyên Đại Tây Dương và NATO xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử. Ngay từ lần đầu tranh cử tổng thống, Trump đã đưa ra quan điểm “NATO lỗi thời”, liên tục công kích sự bất lực và kém hiệu quả của NATO sau Chiến tranh Lạnh. Khi nhậm chức tổng thống, Trump không chỉ tỏ thái độ khinh thường đối với sự hội nhập châu Âu, áp đặt áp lực kinh tế và thương mại lên châu Âu, mà còn rất bất mãn về việc châu Âu “nợ dài hạn” về quân sự. Ông thường xuyên đề cập đến việc “rút quân khỏi châu Âu” và còn cho rằng điều khoản an ninh tập thể “Điều 5” của NATO cần phải được gắn liền với “nghĩa vụ tài chính của châu Âu”. Trong bối cảnh này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra nhận định nổi tiếng rằng NATO đã “chết não”.
NATO “hồi sinh” từ trạng thái “chết não”, trở lại kế hoạch thời Chiến tranh Lạnh?
Tuy nhiên, những biến động mạnh mẽ của địa chính trị đã làm gián đoạn, thậm chí đảo ngược xu hướng NATO ngày càng “mờ nhạt” hoặc “rút lui” khỏi trường quốc tế. Năm 2014, khủng hoảng Crimea bùng nổ. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Wales năm đó, các nhà lãnh đạo của các nước thành viên NATO lần đầu tiên cam kết chính thức rằng đến năm 2024, ít nhất 2% GDP sẽ được dành cho chi tiêu quốc phòng. Hội nghị thượng đỉnh ở Warsaw năm 2016 cũng đã đưa ra quyết định tăng cường sự hiện diện của NATO ở tiền tuyến. Vào năm 2017, đã triển khai bốn nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn đa quốc gia tại bốn nước Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào năm 2022 và kéo dài đến nay đã đưa ngọn lửa chiến tranh lan đến biên giới châu Âu. Sau nhiều năm, châu Âu lại một lần nữa cảm nhận được “mối đe dọa từ phương Đông”. Các mối đe dọa an ninh truyền thống đã trở lại châu Âu. Với sức mạnh phòng thủ độc lập hiện tại của châu Âu không thể so sánh với Nga, thậm chí EU hoàn toàn không có quyền lực và khả năng chỉ huy quân sự phối hợp để ứng phó. NATO do Mỹ dẫn đầu lại một lần nữa được xem là “chỗ dựa an ninh” quan trọng nhất của các quốc gia châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng phải thừa nhận rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến NATO “hồi sinh”.
Sau khi được “sốc điện hồi sinh”, NATO đã tăng cường răn đe và phòng thủ đối với Nga. Tại hội nghị thượng đỉnh Madrid năm 2022, NATO đã một lần nữa cập nhật tài liệu mang tính chiến lược về an ninh của mình, “Khái niệm Chiến lược NATO”, lần đầu tiên kể từ năm 2010 xác định lại Nga là “mối đe dọa hàng đầu” đối với NATO và các đồng minh. Tài liệu nhấn mạnh việc tăng cường mạnh mẽ khái niệm phòng thủ và răn đe. Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, NATO đã bổ sung thêm bốn nhóm chiến đấu tại Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia, dựa trên cơ sở bốn nhóm chiến đấu trước đó. Hội nghị thượng đỉnh Madrid cũng quyết định sẽ mở rộng các nhóm chiến đấu từ cấp tiểu đoàn lên cấp lữ đoàn khi cần thiết.
Hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm 2023 đã phê duyệt kế hoạch phòng thủ khu vực toàn diện nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với kế hoạch đặt 300.000 quân trong trạng thái sẵn sàng cao, đánh dấu sự trở lại của “kế hoạch phòng thủ quy mô lớn” của NATO. Tại cuộc họp của Ủy ban Quân sự NATO cấp Tham mưu trưởng tổ chức tại Brussels vào tháng 5/2024, đã quyết định mở rộng lực lượng “Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp sẵn sàng cao” lên đến 400.000 binh sĩ. Ngoài ra, từ ngày 24/1 đến 31/5/2024, NATO đã tổ chức cuộc tập trận quân sự “Người bảo vệ kiên định 2024” với quy mô “lịch sử” tại biên giới Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grushko đã bình luận rằng quy mô của cuộc tập trận “Người bảo vệ kiên định 2024” của NATO cho thấy liên minh này “không thể đảo ngược trở lại kế hoạch Chiến tranh Lạnh”.
Ngoài ra, “sự hồi sinh ngược dòng” của NATO trong giai đoạn này còn được thể hiện ở sự gia tăng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên. Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày 17/6/2024, dự kiến sẽ có 23 quốc gia thành viên NATO đáp ứng tiêu chuẩn chi tiêu quốc phòng chiếm 2% GDP vào năm 2024, “đạt mức tăng lớn nhất trong nhiều thập kỷ”. Đáng chú ý là, theo Stoltenberg, chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên châu Âu và Canada trong NATO đã tăng 18%. Điều này phần nào thể hiện sự chú trọng và đầu tư vào an ninh của châu Âu đã đạt được bước đột phá lịch sử.
Ngược lại, ngành công nghiệp quốc phòng của NATO đã được hưởng lợi rất nhiều từ “quốc nạn”, đón nhận một “làn gió” tăng trưởng mới. Trong bối cảnh xung đột, nhiều ông lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ và châu Âu đã có doanh thu tăng vọt, cổ phiếu tăng mạnh, năng lực sản xuất được nâng cao, thu về lợi nhuận khổng lồ. Theo thống kê từ Refinitiv, nhà cung cấp dữ liệu thị trường tài chính toàn cầu, từ tháng 1/2022 đến tháng 2/2024, giá cổ phiếu của sáu tập đoàn quốc phòng lớn ở châu Âu đã tăng hơn gấp đôi. Tập đoàn quốc phòng Rheinmetall của Đức cũng đã bắt đầu xây dựng nhà máy mới, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ có khả năng sản xuất 200.000 quả đạn pháo mỗi năm.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Ukraine dường như cũng đã khiến quan hệ xuyên Đại Tây Dương quay trở lại thời kỳ “trăng mật”. Khác với sự cạnh tranh nổi bật giữa EU và NATO trong giai đoạn đầu sau Chiến tranh Lạnh, cuộc khủng hoảng Ukraine đã đưa EU và NATO trở lại quỹ đạo hỗ trợ cho nhau. Mỹ và châu Âu dường như có ý định gác lại những khác biệt ngắn hạn và tăng cường sự hợp tác. Với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, NATO đã khắc phục được những thiếu hụt trong phòng thủ ở Bắc Âu, và “tiếng nói NATO” trong EU cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Năm 2022, EU trong tài liệu chiến lược an ninh mang tên “Hướng dẫn Chiến lược An ninh và Quốc phòng” đã một lần nữa công nhận vai trò chủ đạo của NATO đối với an ninh châu Âu. Vào tháng 1/2023, EU và NATO đã ký một tuyên bố hợp tác chung gồm 14 nội dung, nhấn mạnh rằng EU và NATO có quan hệ bổ sung chứ không phải cạnh tranh. Đồng thời tuyên bố sẽ nâng cấp hợp tác giữa EU và NATO “lên một tầm cao mới”. Thậm chí “đối phó với thách thức từ Trung Quốc” cũng trở thành nội dung hợp tác giữa hai bên.
Đáng chú ý ở đây là sự tích cực của châu Âu hoặc một số chính trị gia châu Âu trong việc “xích lại gần Mỹ” trong bối cảnh xung đột. Theo trang tin chính trị Mỹ Politico, ngay trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden “thống nhất” nội dung của đợt trừng phạt đầu tiên đối với Nga. Trong suốt thời gian xung đột, nhóm cố vấn của Biden và Von der Leyen còn duy trì liên lạc thường xuyên. Von der Leyen thậm chí đã từng trở thành “ứng cử viên hàng đầu” cho vị trí Tổng thư ký NATO.
“Di sản của Chiến tranh Lạnh” sẽ đi về đâu?
NATO sẽ tận dụng hội nghị thượng đỉnh năm 2024 để quảng bá những thành tựu của liên minh nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch “răn đe và phòng thủ mạnh mẽ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh”. Còn về việc “di sản của Chiến tranh Lạnh” này đi đến đâu trong tương lai, các khía cạnh sau đây sẽ giúp chúng ta làm rõ những vấn đề cốt lõi quyết định hướng phát triển của nó:
Thứ nhất, NATO với tư cách là liên minh quân sự lớn nhất thế giới hiện nay, có mối tương quan thuận với các căng thẳng địa chính trị quốc tế, đặc biệt là cảm giác không an toàn ở châu Âu, và mối tương quan nghịch với xu thế hòa bình và phát triển toàn cầu. Cụ thể, khi mâu thuẫn và xung đột giữa các quốc gia có ý thức hệ khác nhau càng gay gắt, NATO càng “hưng phấn”. Đồng thời các nguyên tắc “an ninh tập thể” và “đối đầu răn đe” mà nó theo đuổi càng thúc đẩy xu hướng “nhóm hóa, phe phái hóa”, làm gia tăng căng thẳng quốc tế. Ngược lại, khi hòa bình và phát triển chiếm vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của các quốc gia, mức độ quan tâm đối với NATO và vai trò mà nó có thể phát huy càng thấp, thậm chí NATO cũng sẽ tìm cách mở rộng các chức năng thúc đẩy phát triển. Điều này cũng phản ánh một cách gián tiếp rằng, thực tế NATO không phải là “liều thuốc tốt” cho tình hình an ninh hiện nay của châu Âu, mà chính là chất xúc tác khiến trật tự an ninh trở nên mất kiểm soát.
Thứ hai, NATO là thực thể an ninh quan trọng nhất của liên minh xuyên Đại Tây Dương, và hướng phát triển của nó có mối liên hệ chặt chẽ với quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt là mối quan hệ an ninh giữa Mỹ và châu Âu. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mối liên kết an ninh Mỹ – châu Âu ngày càng chặt chẽ, vai trò của NATO cũng ngày càng quan trọng hơn. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 21, trong bối cảnh sức mạnh kinh tế của EU tiếp tục gia tăng và lợi ích an ninh Mỹ – châu Âu ngày càng phân hóa, chức năng hoạt động và đoàn kết của NATO bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện nay, dưới áp lực của “hai cuộc xung đột”, đặc biệt là xung đột Nga – Ukraine, quan hệ đối đầu giữa Nga và châu Âu ngày càng trở nên cứng nhắc, và châu Âu lại gia tăng sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ. Do đó, mức độ quan trọng của NATO ở cả hai bờ Đại Tây Dương, đặc biệt là ở châu Âu, sẽ tiếp tục gia tăng. Trong tương lai gần, vai trò của NATO như một trụ cột an ninh quan trọng nhất của châu Âu khó có thể thay đổi. Và nó có khả năng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ. Nâng cao sự răn đe và thậm chí là đối đầu với Nga đã trở thành rào cản cho sự tự chủ chiến lược của châu Âu.
Thứ ba, với tư cách là “lực lượng chiến đấu mạnh nhất” và thực chất là “đồng minh chủ chốt” trong NATO, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ đã chi phối các quyết định và hành động của NATO. Điều này thể hiện rõ ràng qua hai khía cạnh, cũng có thể quan sát thấy trong hội nghị thượng đỉnh năm 2024.
Một là cách NATO thực hiện việc tái cân bằng quyền lực và trách nhiệm giữa Mỹ và châu Âu. Trong những năm gần đây, Mỹ ngày càng bảo thủ, thể hiện rõ trong việc chú trọng đến quan hệ giao dịch với châu Âu và giảm cái giá phải trả cho quyền bá chủ của mình. Khi “hội chứng mệt mỏi với Ukraine” xuất hiện ở cả Mỹ và châu Âu ở một mức độ nào đó, câu hỏi “viện trợ Ukraine có đáng không” đã dấy lên nhiều cuộc thảo luận ở Mỹ trước thềm bầu cử. Việc Trump, với quan điểm “đánh giá lại NATO” và “để châu Âu tự trả phí cho an ninh” đã có màn thể hiện tốt hơn so với Biden trong cuộc bầu cử. NATO sẽ phải đối mặt với một vòng tái cân bằng trách nhiệm và nghĩa vụ an ninh xuyên Đại Tây Dương mới. Cùng với những luận điệu về tái cân bằng quyền lực mà châu Âu luôn mong muốn, trong khi Mỹ có động cơ và xu hướng “rũ bỏ trách nhiệm”. Gần đây, việc đề xuất để NATO thay thế Mỹ trong việc lãnh đạo hỗ trợ Ukraine và quá trình tái thiết cũng hoàn toàn phù hợp với logic này và lợi ích của Mỹ. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người sắp đảm nhiệm vị trí Tổng thư ký NATO, cũng đã phản hồi rằng: “Hãy để chúng ta tập trung vào việc xây dựng quốc phòng của mình, chứ không phải ai ngồi trong Nhà Trắng”.
Hai là cách nhìn nhận về hướng đi “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của NATO. Trong ngắn hạn, mặc dù các xung đột Nga – Ukraine và Israel – Palestine có thể tạm thời phân tán nguồn lực và sự chú ý của Mỹ, nhưng trong trung và dài hạn, xu hướng chuyển dịch trọng tâm chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khó có thể thay đổi. Trong quá trình này, NATO sẽ đóng vai trò gì sẽ phụ thuộc chủ yếu vào sự cân nhắc tinh tế giữa “lợi ích an ninh châu Âu” và “lợi ích an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương” của Mỹ. Cụ thể, trong một khoảng thời gian tới, Mỹ sẽ phải trả lời hai câu hỏi về “lợi ích của việc NATO ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương” và “mất mát cho châu Âu”, cũng như mức độ và lĩnh vực nào mà Mỹ có thể chấp nhận việc châu Âu tham gia vào các vấn đề “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Tất nhiên, liệu châu Âu có sẵn sàng “dấn thân vào những cuộc khủng hoảng không thuộc về mình” cũng sẽ ảnh hưởng đến xu hướng “Ấn Độ – Thái Bình Dương” của NATO.
Thứ tư, mặc dù châu Âu đang tăng cường sự liên kết an ninh với Mỹ trong bối cảnh “hai cuộc xung đột”, nhưng lợi ích cơ bản và mục tiêu dài hạn của châu Âu trong việc thúc đẩy hội nhập có những khác biệt căn bản so với mục tiêu và phương pháp an ninh tập thể mà NATO đang theo đuổi. Liên minh châu Âu, hay tổ chức tiền thân của nó, Cộng đồng châu Âu từ khi thành lập đã là một dự án hòa bình và phát triển. Với nguyên tắc cốt lõi ban đầu là thông qua việc thắt chặt liên kết kinh tế giữa Pháp và Đức, thậm chí toàn bộ châu Âu để đạt được hội nhập, từ đó làm cho chiến tranh ở châu Âu trở thành điều không thể. Điều này hoàn toàn khác với bản chất của NATO, vốn phục vụ cho sự đối đầu trong bối cảnh “liên minh thời Chiến tranh Lạnh”.
Trong tương lai, châu Âu có thể chủ động ở mức độ nào trong các vấn đề an ninh của chính mình vẫn chủ yếu phụ thuộc vào tiến trình phát triển tự chủ chiến lược dựa trên tự chủ quốc phòng. Trong ngắn hạn, tình hình an ninh bên ngoài xấu đi nghiêm trọng tạm thời thu hẹp không gian tự chủ chiến lược của châu Âu. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, mâu thuẫn xung quanh “kiểm soát và chống kiểm soát”, “đơn cực và đa cực” giữa Mỹ và châu Âu vẫn chưa được giải quyết triệt để. Khi châu Âu ngày càng chú trọng và đầu tư vào “sức mạnh cứng”, khả năng và tiềm lực để đạt được tự chủ chiến lược của họ cũng sẽ được tăng cường. Nếu “phụ thuộc vào Mỹ” là một động thái bắt buộc trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh của châu Âu, thì tự chủ chiến lược lại là nền tảng quan trọng cho sự phát triển lâu dài trong tương lai của châu Âu. Về điểm này chắc chắn châu Âu cần phải nhận thức được./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Lữ Uẩn Mưu (吕蕴谋) là cán bộ phụ trách dự án an ninh châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại, Trung Quốc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]