Vượt qua những nghi ngờ về khả năng kỹ trị của mình, năm 2020, ông Joe Biden giành chiến thắng thuyết phục trước đối thủ Donald Trump, trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng đang gặp nhiều thách thức do tác động từ đại dịch COVID-19, ông Biden và các cộng sự của của mình đã chèo lái “con thuyền kinh tế Mỹ” vượt qua và phục hồi sau đại dịch, giúp nền kinh tế Mỹ chuyển đổi sang một nền kinh tế phát triển nhanh hơn so với các nền kinh tế có tốc độ phát triển ngang hàng
Tuy nhiên, trước áp lực từ cử tri và nhiều đảng viên đảng Dân chủ sau “màn trinh diễn” đáng thất vọng trước đối thủ Donald Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp vào ngày 28/6 cũng như các nghi ngại liên quan vấn đề sức khỏe cá nhân, ngày 21/7, Tổng thống Joe Biden đã quyết định rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng với niềm tin rằng điều này sẽ mang lại sự đoàn kết và lợi ích tốt nhất cho đảng Dân chủ và nước Mỹ. Đây cũng là việc ông Biden thực hiện lời hứa năm 2020 là trở thành “cầu nối” cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Rời cuộc đua vào Nhà Trắng chỉ vài tháng trước khi cử tri bỏ phiếu, ông Biden trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên kể từ khi Tổng thống Lyndon B. Johnson tự nguyện bước sang một bên thay vì tìm cách tái tranh cử 56 năm trước.
Với hơn 50 năm tham gia chính trường Mỹ trên nhiều cương vị và trọng trách khác nhau, ông Biden đã để lại nhiều di sản trong sự nghiệp chính trị của mình. Trong nhiệm kỳ tổng thống (từ năm 2020 đến nay), ông Biden đã phát triển học thuyết kinh tế Biden hay còn gọi là Bidenomics nhằm khôi phục “giấc mơ Mỹ”; trong đó tập trung vào đầu tư công lớn, giúp người lao động đảm bảo công việc được trả lương cao bằng cách thúc đẩy tổ chức công đoàn và yêu cầu các sản phẩm phải được sản xuất tại Mỹ và thúc đẩy cạnh tranh, bằng cách hạn chế các thỏa thuận không cạnh tranh, các khoảng phụ phí bất hợp lý (“phí rác”) và giảm chi phí thuốc theo đơn, đồng thời thực thi mạnh mẽ luật chống độc quyền. Tổng thống Biden đã từng phát biểu rằng “Bidenomics chính là đảo ngược của 4 thập kỷ “kinh tế học nhỏ giọt” mà trong đó ưu tiên lợi ích của người giàu hơn lợi ích của tầng lớp trung lưu”.
Động lực thúc đẩy khuôn khổ kinh tế của chính quyền Biden không chỉ là tạo ra việc làm trong nước mà còn là các mục tiêu tham vọng đằng sau đó nhằm duy trì vị thế bá chủ của nước Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế ngày càng gay gắt, nhất là cạnh tranh với Trung Quốc. Chính vì thế, ranh giới giữa hoạch định chính sách kinh tế và an ninh quốc gia vẫn tiếp tục đan xen và sẽ không thể tách rời trong những năm tới.
Di sản kinh tế
Ông Joe Biden có xuất thân khiêm tốn ở Scranton, Pa. – một cộng đồng Công giáo thuộc tầng lớp lao động ở tiểu bang Pennsylvania. Năm 1972, khi mới 29 tuổi, ông được bầu vào Thượng viện và có 36 năm làm thượng nghị sĩ Mỹ đại diện cho bang Delaware (1973 – 2009), 08 năm làm phó tổng thống (2009 – 2017) trước khi giành chiến thắng trước ông Donald Trump để trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ vào năm 2020.
Là một chính trị gia có phong thái chính trị gần gũi, ông Biden được coi là một trong những “sứ giả” hàng đầu của đảng Dân chủ với tầng lớp trung lưu Mỹ; đồng thời nhận được sự ủng hộ của cả các đảng viên kỳ cựu cũng như các đảng viên trẻ cấp tiến của đảng Dân chủ. Chình vì vậy, chương trình nghị sự kinh tế của chính quyền Tổng thống Biden luôn chú trọng vào tầng lớp trung lưu và được biết dưới cái tên Bidenomics (học thuyết kinh tế Biden).
Bidenomics, được đặc trưng bởi các biện pháp cứu trợ và nỗ lực tiêm chủng để giải quyết đại dịch COVID-19, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, được tài trợ bằng cách tăng thuế đối với các cá nhân và tập đoàn có thu nhập cao. Các mục tiêu khác bao gồm tăng lương tối thiểu quốc gia và mở rộng đào tạo người lao động, thu hẹp bất bình đẳng thu nhập, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng và xóa nợ cho vay sinh viên…
Về Bidenomics
Bidenomics đề cập đến nền tảng kinh tế rộng lớn mà Tổng thống Joe Biden đã vận động trước cuộc bầu cử năm 2020 và tiếp tục được tập trung trong chiến dịch vận động bầu cử năm 2024 của đảng Dân chủ.
Bidenomics là yếu tố thiết yếu trong thông điệp của Tổng thống Biden về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Bidenomics được ông Biden khẳng định “là phát triển kinh tế từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống”. Nó ngược với chính sách “kinh tế nhỏ giọt” vốn là đặc điểm của Reaganomics đã tồn tại 4 thập kỷ ở Mỹ, trong đó phụ thuộc vào nguồn cung, đã làm mất việc làm và làm tầng lớp trung lưu Mỹ nghèo đi.
Bidenomics cho rằng, cách duy nhất để phát triển nền kinh tế là bao gồm nhiều người hơn nữa tham gia, với tư cách là doanh nhân, là nhà đổi mới, là người lao động được trả lương cao và là người tiêu dùng mạnh mẽ và do đó sẽ thúc đẩy các chính sách tập trung vào nhu cầu của mọi người, không phải tiền bạc, trong khi tin tưởng vào sự năng động của thị trường để đổi mới các giải pháp mới để ứng phó.
Bidenomics dựa trên 03 trụ cột chính là:
Một là, đầu tư công: Nhằm thu hút nhiều đầu tư từ khu vực tư nhân hơn, trong đó ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chất bán dẫn, năng lượng sạch và an ninh khí hậu. Một số khoản đầu tư quan trọng phải kể đến như một phần của Đạo luật Giảm lạm phát (IRA); Đạo luật CHIPS và Khoa họ và Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm.
Hai là, trao quyền và giáo dục người lao động để phát triển tầng lớp trung lưu: Chính quyền của Tổng thống Biden đã triển khai nhiều biện pháp kinh tế nhằm tạo ra sự phục hồi mạnh mẽ về việc làm khi tỷ lệ thất nghiệp thấp và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao. Chính quyền đưa ra các cam kết về giáo dục ở mọi cấp bao gồm chương trình phổ cập mẫu giáo miễn phí, cao đẳng cộng đồng miễn phí, cũng như đầu tư vào các chương trình học nghề; đồng thời ủng hộ việc trao quyền cho người lao động bằng cách nới lỏng các rào cản để gia nhập công đoàn.
Ba là, thúc đẩy cạnh tranh để giảm chi phí và giúp các doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ phát triển mạnh: Chính quyền Tổng thống Biden đã cam kết thực hiện luật chống độc quyền để thúc đẩy cạnh tranh và đã thu được nhiều thành tựu; giảm chi phí cho người tiêu dùng, chống lại các loại “phí rác” và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các sản phẩm mới thâm nhập thị trường.
Có thể thấy Bidenomics được dựa trên (1) sự liên kết của chính sách đối ngoại với nhu cầu của tầng lớp trung lưu Mỹ; (2) các biện pháp bảo vệ an ninh kinh tế, được hiểu là một phần của an ninh quốc gia rộng lớn hơn và (3) chính sách khí hậu theo nghĩa là một Thỏa thuận mới xanh. Từ đó, nhằm đạt mục tiêu thúc đẩy năng lượng xanh và sản xuất trong nước, hỗ trợ sự tham gia của công đoàn, tăng thuế suất cho các cá nhân và tập đoàn giàu có, và giảm giá cho người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các mục tiêu của Bidenomics được triển khai thông qua các văn bản luật quan trọng như Đạo luật Kế hoạch Cứu trợ Hoa Kỳ năm 2021, Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 và Đạo luật Tạo động lực hữu ích để Sản xuất Chất bán dẫn (CHIPS) và Đạo luật Khoa học năm 2022, cùng nhiều đạo luật khác.
Các thành tựu kinh tế từ Bidenomics
Một là về đầu tư công: Kế hoạch kinh tế then chốt của Tổng thống Joe Biden là tập trung vào các trụ cột đầu tư công, trao quyền cho tầng lớp lao động trung lưu và thúc đẩy cạnh tranh trong kinh doanh, trong đó bao gồm các khoản đầu tư vào năng lượng sạch và các ngành công nghiệp liên quan, thúc đẩy tăng sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ và các quỹ để cập nhật, cải thiện và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng trên khắp cả nước.
Ba văn bản luật chính đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực thúc đẩy đầu tư công phải kể đến bao gồm Đạo luật Giảm lạm phát, Luật Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng và Đạo luật CHIPS và Khoa học. Trong đó:
(1) Luật Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng đã được Quốc hội thông qua và được Tổng thống Biden ký thành luật vào tháng 11/2021, quy định một khoản ngân sách 1,2 nghìn tỷ đô la để đầu tư vào việc xây dựng và mở rộng đường bộ, tuyến đường sắt, đường ống nước và kết nối internet tốc độ cao. Một phần đáng kể trong ngân sách được dành cho việc xây dựng đường bộ và cầu (110 tỷ đô la Mỹ) và hiện đại hóa sân bay (25 tỷ đô la Mỹ). Bên cạnh đó, một loạt các biện pháp thúc đẩy đạt các mục tiêu về khí hậu và môi trường cũng được triển khai từ luật này bao gồm chi tiêu cho mạng lưới đường sắt phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa (66 tỷ đô la Mỹ), hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và lưới điện năng lượng (65 tỷ đô la Mỹ), cơ sở hạ tầng nước (55 tỷ đô la Mỹ) và giao thông công cộng địa phương (39 tỷ đô la Mỹ)…
Trong 4 năm qua, chính quyền Joe Biden cũng đã rót hàng nghìn khoản tài trợ và đầu tư công vào các dự án sân bay hoặc đường bộ ở nhiều nơi như Nam Carolina và Wyoming. Nhà Trắng cho biết luật này sẽ góp phần tạo ra 1,5 triệu việc làm mỗi năm trong một thập kỷ.
(2) Đạo luật Giảm phát được Tổng thống Biden ký ban hành ngày 16/8/2022 nhằm giảm thâm hụt, hạ lạm phát và thúc đẩy đầu tư vào sản xuất năng lượng trong nước, cùng với các mục tiêu khác. Đáng kể nhất là các quy định về khoản đầu tư có quy mô lớn kỷ lục vào mạng lưới an sinh xã hội của nước Mỹ; đồng thời cũng quy định về các khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử Mỹ vào quá trình chống biến đổi khí hậu, giảm chi phí thuốc kê đơn và tăng thuế đối với các công ty.
Đạo luật được coi là bước đột phát về chính sách của Mỹ, đặc biệt liên quan đến cam kết chống biến đổi khí hậu; đồng thời là được đánh giá là một chiến thắng pháp lý quan trọng giúp định hình di sản trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.
(3) Đạo luật CHIPS và Khoa học đã được ký thành luật vào tháng 8/2022 sau khi nhận được sự chấp thuận của lưỡng đảng. Đạo luật này cung cấp 280 tỷ đô la tài trợ cho các ngành công nghiệp công nghệ nano, năng lượng sạch, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI), qua đó thúc đẩy tăng cường nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn của, thúc đẩy phát triển công nghệ không dây của Mỹ, đồng thời hỗ trợ các trung tâm công nghệ và nghiên cứu khu vực và địa phương.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy các khoản đầu tư và cơ sở hạ tầng, chính quyền hiện đang cung cấp tín dụng cho các cộng đồng chưa được phục vụ đầy đủ để giúp cải tạo các tòa nhà, cung cấp cho các tiểu bang nguồn tài trợ năng lượng sạch chuyên dụng và cấp hàng tỷ đô la tiền quỹ phục hồi cho các cộng đồng có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia đánh giá, gói cơ sở hạ tầng của chính quyền Biden sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa để công chúng Mỹ có thể công nhận bởi rất nhiều dự án trong đó phải mất hàng thập kỷ mới có thể hoàn thành được. Mark Muro, thành viên cấp cao tại Chương trình Chính sách Đô thị của Viện Brooking đánh giá, chương trình của Biden “to lớn, ấn tượng”, giúp nước Mỹ tập trung vào các thử nghiệm lớn về đầu tư vào công nghệ, năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng….
Hai là, trao quyền cho người lao động: Các chương trình học nghề và giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp đạt được ở mức cao hơn bất kỳ chính quyền nào trước đây, trong đó phải kể đến các nỗ lực vận động cho chương trình mẫu giáo phổ cập và cao đẳng cộng đồng miễn phí. Tổng thống Biden cũng đã nỗ lực hỗ trợ các công đoàn thông qua công việc của Lực lượng đặc nhiệm Nhà Trắng về Tổ chức và Trao quyền cho người lao động, cùng với nhiều nỗ lực khác. Thị trường lao động cho tầng lớp thanh niên được tăng lên và mức tăng lương ấn tượng đã được triển khai.
Chính quyền Tổng thống Biden luôn ủng hộ việc thành lập công đoàn và phong trào lao động như những cách tạo ra việc làm tốt giúp phát triển tầng lớp trung lưu. Chính quyền đang thực hiện các bước để đảm bảo các khoản đầu tư mới tạo ra “việc làm chất lượng cho phép người lao động có quyền tự do và công bằng trong việc thành lập hoặc tham gia công đoàn” và trả cho người lao động mức lương thịnh hành giúp nâng cao tiêu chuẩn cho người lao động ở mọi tầng lớp xã hội và thúc đẩy chất lượng dự án. Chính quyền đang thực hiện cách tiếp cận toàn chính phủ để đảm bảo rằng người lao động biết và được trao quyền để thực hiện các quyền của mình tại nơi làm việc. Với sự hỗ trợ để có được việc làm tốt, tỷ lệ thất nghiệp thấp và các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và người thuê nhà, những người trẻ tuổi có thể cảm thấy hy vọng về an ninh kinh tế của chính họ và con đường đến với tầng lớp trung lưu
Ba là, về thúc đẩy cạnh tranh: Các chính sách của chính quyền ông Biden đã giúp các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp khác giảm chi phí. Trong đó, Sắc lệnh Hành pháp về Cạnh tranh giúp thực thi mạnh mẽ luật chống độc quyền.
Một trong những tác động chính của những hành động này là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Chẳng hạn, chính quyền Biden cho phép bán máy trợ thính không cần đơn thuốc thay vì theo toa, giúp giảm đáng kể chi phí cho người tiêu dùng. Tổng thống Biden cũng đã ủng hộ các nỗ lực giảm chi phí thuốc theo toa để tiết kiệm cho người nộp thuế 160 tỷ đô la trong 10 năm bằng cách cho phép Medicare đàm phán giá thấp hơn.
Bốn là, về thuế: Mặc dù không phải là mục tiêu cốt lõi của Bidenomics nhưng những thay đổi về thuế là một thành phần quan trọng của mỗi trụ cột chính trong Bidenomics. Việc tăng thuế đối với người giàu và các tập đoàn lớn là hành động có trách nhiệm để triển khai các dự án về đầu tư công, trao quyền cho người lao động và thuc đẩy cạnh tranh.
Bidenomics đề xuất người lao động và các gia đình có con sẽ được giảm thuế gần 800 tỷ đô la trong 10 năm tới, với các khoản tiền bổ sung được thêm vào các quỹ Tín dụng thuế trẻ em và Tín dụng thuế thu nhập kiếm được (EITC).
Năm là, về khí hậu: Khí hậu luôn là ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính quyền Biden. Ông Biden đã thúc đẩy khởi động quá trình chuyển đổi năng lượng hậu carbon bởi khí hậu luôn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông. Chính quyền Biden hướng đến mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo tuyên bố về các đóng góp do quốc gia xác định (NDC) được công bố ngay sau đó, lượng khí thải CO2 từ toàn bộ nền kinh tế Mỹ sẽ giảm từ 50 đến 52% vào năm 2030 so với mức năm 2005. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được chính quyền Biden kỳ vọng, tuy nhiên, các mục tiêu về khí hậu của ông Biden rất khó đạt được bởi phần lớn tiền tài trợ cho năng lượng và khí hậu dưới hình thức tín dụng thuế không giới hạn đã khiến việc dự đoán chi phí thực tế của các ưu đãi thuế IRA trở nên khó khăn. Hơn nữa, mặc dù các đối tác thương mại của Mỹ hoan nghênh tác động của IRA đối với chính sách khí hậu, nhưng họ chỉ trích việc loại trừ rộng rãi các nhà sản xuất nước ngoài khỏi các khoản trợ cấp và tín dụng thuế.
Đáng chú ý, chỉ một ngày sau khi ông Biden tuyên bố sẽ không tái tranh cử, Nhà Trắng đã công bố khoản tài trợ hơn 4,3 tỷ đô la từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường cho các cộng đồng để hạn chế biến đổi khí hậu, cắt giảm ô nhiễm và tìm kiếm công lý về môi trường. Các khoản tài trợ sẽ được chi cho các dự án trên khắp cả nước bao gồm khử cacbon vận chuyển hàng hóa, lắp đặt hệ thống địa nhiệt và thu giữ khí thải mê-tan. Theo EPA, những đối tượng tài trợ này sẽ cắt giảm lượng khí thải nhà kính của Mỹ lên tới 971 triệu tấn vào năm 2050
Mặc dù được đánh giá là đã làm được nhiều nhất đối với vấn đề khí hậu, tuy nhiên, từng đó vẫn là chưa đủ để đưa Mỹ đi đúng các các mục tiêu về biến đổi khí hậu mà chính quyền Biden kỳ vọng. Dưới thời chính quyền Joe Biden, Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu khí lớn nhất. Mỹ đang đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải trong nước, nhưng lại đồng thời thúc đẩy việc đạt mục tiêu tăng gấp đôi lượng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vào năm 2030. Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã ra lệnh tạm dừng phê duyệt xuất khẩu LNG từ các dự án mới ở Mỹ vào ngày 26/01, với lý do chúng có thể góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Động thái này được các nhà hoạt động khí hậu hoan nghênh.
Đánh giá về các thành tựu kinh tế mà chính quyền Tổng thống Biden đã làm được, Nhà kinh tế trưởng Ellen Zentner của Morgan Stanley ca ngợi rằng, chương trình nghị sự kinh tế của ông Biden đã giúp “thúc đẩy sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng quy mô lớn” và góp phần tạo nên “sức mạnh to lớn” trong ngành xây dựng sản xuất. Giáo sư Jeffrey Sonnenfeld của Trường Quản lý Yale đánh giá, Bidenomics đã giảm lạm phát, duy trì mức thất nghiệp thấp và củng cố thị trường chứng khoán.
3. Một số thách thức
Mặc dù những thành công về kinh tế trùng với nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, một phần tư cử tri Mỹ ủng hộ những thành tựu lớn của Bidenomics nhưng vẫn cảm thấy rằng tổng thống chưa hài lòng về cách thức mà Tổng thống Biden điều hành nền kinh tế Mỹ, nhất là có thời điểm lạm phát lên tới mức kỷ lục.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, dưới thời Tổng thống Joe Biden, nền kinh tế Mỹ đã được định hình bởi các lực lượng đối lập, cụ thể là lạm phát cao ngất ngưởng và thị trường lao động mạnh mẽ không ngừng. Trong khi giá cả tăng chậm lại, chi phí vẫn ở mức cao đối với những thứ mà người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhất, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như hàng tạp hóa và xăng dầu. Những nỗ lực kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã dẫn đến lãi suất thế chấp cao nhất trong 23 năm ở mức 5,25 – 5,5%, khiến quyền sở hữu nhà trở nên xa vời hơn đối với người Mỹ bình thường.
Tất cả điều này có nghĩa là, mặc dù tự hào về tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong hơn 50 năm và ổn định tăng trưởng giá cả, chính quyền Biden đã phải vật lộn với nhận thức tiêu cực về nền kinh tế và mối đe dọa thường trực của suy thoái kinh tế ở phía trước. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, những gì mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đạt được trong các chương trình nghị sự về kinh tế là rất đáng kể, trong đó có nhiều chương trình và dự án phải cần hàng thập kỷ nữa mới có thể đánh giá đầy đủ được tính hiệu quả của nó.
Theo nhiều nhà kinh tế học, các chương trình kinh tế của ông Biden có sự vượt trội với các khoản đầu tư kinh tế được đánh giá cao bao gồm cả cơ sở hạ tầng, sản xuất trong nước và khí hậu, cùng với sự phục hồi của thị trường lao động được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích của Biden. Những khoản đầu tư này có khả năng làm tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế trong khi giảm áp lực lạm phát dài hạn và tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Bidenomics không phải là một sản phẩm hoàn thiện nhưng cũng không phải là khẩu hiệu chiến dịch sai lầm mà một số chuyên gia và nhà phê bình đã đưa ra. Đó là một lý thuyết thay thế chu đáo và mạch lạc về tăng trưởng dựa trên nhiều thập kỷ bằng chứng kinh tế vững chắc và ứng dụng của nó đã tạo ra những kết quả kinh tế tích cực. Nhưng quan trọng hơn, Bidenomics mang lại hy vọng – hy vọng rằng nhiều vấn đề mà Reaganomics chưa giải quyết có thể được giải quyết – rằng một nước Mỹ bao gồm đầy đủ sự đóng góp của tất cả mọi người có thể cùng nhau xây dựng lại một tương lai bền vững, an toàn, thịnh vượng và toàn diện hơn.
Tương lai nào cho Bidenomics và nền kinh tế Mỹ?
Trong các cuộc thăm dò dư luận, cử tri Mỹ đều có đánh giá tốt đối với phần lớn chương trình nghị sự của Tổng thống Biden, tuy nhiên, đa số không hài lòng với cách ông xử lý nền kinh tế Mỹ, nhất là liên quan đến đợt các lạm phát tăng vọt. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến Tổng thống Biden quyết định rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, đồng thời cũng chính là thách thức trong chiến dịch tranh cử tổng thống đối với Phó Tổng thống Kamala Harris.
Câu hỏi mà cử tri Mỹ và nhiều người ủng hộ đảng Dân chủ quan tâm hiện nay là liệu bà Kamala Harris, 59 tuổi và không chịu áp lực về tuổi tác có thể làm tốt hơn trong việc thúc đẩy “hồ sơ kinh tế Biden – Harris” hay không? Liệu bà Harris có thể duy trì mối quan hệ của ông Biden với một số cử tri lao động ở các tiểu bang quan trọng như Michigan và Pennsylvania, đồng thời thu hút lại những cử tri trẻ tuổi bất mãn về mặt kinh tế, những người đã “vỡ mộng” với tổng thống hay không và điều quan trọng là liệu Bidenomics có thể được tiếp tục duy trì và phát triển hay không?
Một số nhà phân tích dự đoán rằng, bà Harris sẽ phải khá vất vả để lấy lại niềm tin của cử tri, nhất là trong vấn đề về kinh tế. Tuy nhiên, nhiều đảng viên Dân chủ, bao gồm cả những cựu chiến binh trong chính quyền của ông Biden và các cựu trợ lý của các nhà lập pháp theo chủ nghĩa tự do cho biết, bà Harris có cơ hội tách mình khỏi những gánh nặng kinh tế lớn nhất của ông Biden và tập trung lại cử tri vào sự tương phản giữa tầm nhìn chính sách kinh tế của bà và của ông Trump. Hơn nữa, trên thực tế, nhiều chính sách của ông Biden được cử tri đánh giá cao hơn đáng kể so với tỷ lệ ủng hộ kinh tế của ông. Chính vì vậy, bà Harris được kỳ vọng sẽ có cơ hội mới để thuyết phục cử tri về những lợi ích “Bidenomics”.
Việc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng viên được đề cử của đảng Dân chủ hay cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên của được đề cử của đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây sẽ có vai trò quyết định trong việc định hình và phát triển tương lai của nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới cũng như tương lai của Bidenomics.
Nếu giành chiến thắng và trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, theo logic, với vai trò là “phó tướng” của Tổng thống Joe Biden, bà Kamala Harris sẽ duy trì và thúc đẩy các thành tựu chính sách của chính quyền tiền nhiệm mà bà đã mô tả là “vô song trong lịch sử hiện đại” nói chung và Bidenomics nói riêng.
Một là, chương trình nghị sự kinh tế tổng thể của Biden – Harris “có khả năng sẽ được tiếp tục triển khai, một phần vì nó phản ánh những ý kiến và đề xuất trước đây của bà Harris với Tổng thống Biden. Ông Bharat Ramamurti – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia từ năm 2021 đến 2023 cho biết, bà Harris luôn quan tâm đến việc các vấn đề như giảm gánh nặng nợ y tế, mở rộng quyền truy cập băng thông rộng và đảm bảo rằng các chủ doanh nghiệp nhỏ, bao gồm cả những người thiểu số, được tiếp cận với các quỹ cứu trợ COVID sẽ hoạt động như thế nào trên thực tế.
Hai là, có thể sẽ ưu tiên ban hành các yếu tố trong chương trình nghị sự Xây dựng lại Tốt đẹp hơn của Tổng thống Biden đã không được Quốc hội thông qua vào năm 2021 và 2022, chẳng hạn như chế độ nghỉ phép y tế có lương và phổ cập giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, trong các vòng tròn chính sách, nhiều đề xuất trong số này nằm trong phạm vi của “nền kinh tế chăm sóc” – một thuật ngữ có khả năng sẽ được lặp lại nhiều lần trong những tháng tới. Bà Harris đã cam kết thực hiện điều này ngay cả trước khi bà trở thành ứng cử viên phó tổng thống của ông Biden vào năm 2020. Các chuyên gia đánh giá, điều này sẽ giúp định hình sự khác biệt giữa nền tảng chính sách của bà với Tổng thống Biden, tuy nhiên, nó vẫn phù hợp với cách tiếp cận của ông Biden. Hơn nữa, điều này còn giúp bà củng cố sự ủng hộ của đảng Dân chủ cũng như các cử tri nữ và cử tri thiểu số.
Bà Harris có thể thúc đẩy để khôi phục lại Dự luật Quyền của Người giúp việc Gia đình liên bang, mà bà Harris đã đồng bảo trợ vào năm 2019 với Đại diện Pramila Jayapal. Luật này sẽ đưa ra mức lương tối thiểu và giới hạn giờ làm việc tối đa áp dụng cho những người làm công việc chăm sóc; đồng thời đảm bảo cho họ thời gian nghỉ có lương, điều kiện làm việc an toàn và được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử.
Ba là, tập trung vào vấn đề nhà ở và lao động. Là một chính trị gia đến từ California, từ lâu bà Harris đã nhận ra tầm quan trọng của các vấn đề nhà ở giá rẻ và tại Nhà Trắng. Bà đã đứng đầu một lực lượng đặc nhiệm liên ngành về tổ chức và trao quyền cho người lao động. Những hành động như thế này chính là phản ánh các cam kết mà ông Biden thường xuyên lặp lại về việc xây dựng nền kinh tế “từ trung tâm ra ngoài và từ dưới lên”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người tỏ ra hoài nghi về cam kết của bà Harris đối với một phần quan trọng trong chương trình tái cân bằng của Biden đó là các động thái của Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang nhằm ngăn chặn các vụ sáp nhập doanh nghiệp gây nguy hiểm cho sự cạnh tranh và điều tra cũng như các vụ kiện các công ty công nghệ khổng lồ lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường của họ. Ông Matt Stoller – Giám đốc nghiên cứu tại Dự án Tự do Kinh tế Mỹ đã chỉ ra rằng, khi còn là Tổng chưởng lý California, bà Harris đã có mối quan hệ thân thiết với nhiều giám đốc điều hành của Thung lũng Silicon và hiện vẫn còn mối quan hệ với ngành công nghệ và cách thức bà Harris xử lý mối quan hệ này như thế nào và liệu nó có ảnh hưởng đến các chương trình nghị sự kinh tế của Mỹ nếu bà trúng cử tổng thống cần phải có thời gian mới có thể trả lời được.
Hầu hết các nhà quan sát kinh tế đều cho rằng, nếu giành chiến thắng trước đối thủ Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Kamala Harris sẽ tiếp tục các chính sách kinh tế của chính quyền tiền nhiệm, tuy nhiên, cách tiếp cận của bà Harris sẽ có những điểm khác, nhất là trong việc thay đổi về mặt cấu trúc đối với nền kinh tế nhằm tăng cường cạnh tranh và giảm quyền lực độc quyền. Tuy nhiên, nếu ứng cử viên Donald Trump giành chiến thắng và trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, có một điều chắc chắn đó là ông Trump sẽ cắt giảm phần lớn các chính sách trong Bidenomics như ông đã hứa, bao gồm cả trợ cấp cho năng lượng xanh và xe điện.
Trong thời gian vừa qua của nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden đã ký nhiều luật kinh tế quan trọng hơn bất kỳ tổng thống nào khác trong thế kỷ này; trong đó chủ trương tăng trưởng việc làm kỷ lục và phục hồi sau suy thoái do đại dịch. Ông Biden đã xây dựng một chính sách công nghiệp đa quốc gia đầy tham vọng nhằm giúp Mỹ và các đồng minh xây dựng lại năng lực sản xuất chiến lược nhằm cạnh tranh với Trung Quốc. Học thuyết kinh tế Biden hay còn gọi là Bidenomics chính là việc triển khai các chính sách nhằm tái cân bằng nền kinh tế, chuyển quyền lực từ các tập đoàn lớn sang người lao động và người tiêu dùng. Nguyên tắc này đã định hướng cho nhiều hành động kinh tế của chính quyền Biden trong việc sử dụng chính sách kích thích để thúc đẩy tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp, qua đó củng cố quyền của người lao động; thực thi luật lao động và khiến các công ty khó ngăn chặn các chiến dịch thành lập công đoàn hơn; sử dụng luật chống độc quyền để kiềm chế quyền lực độc quyền của các tập đoàn lớn trong các ngành công nghiệp từ công nghệ cao đến siêu thị đến hàng không. Trao quyền cho người lao động và hạn chế quyền lực của doanh nghiệp là cốt lõi của di sản Biden.
Bà Harris không phải là kiến trúc sư hàng đầu cho chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Biden Biden, cũng không phải là tiếng nói hàng đầu về lạm phát và giá cả, tuy nhiên, bà Harris thường xuyên thúc đẩy các sáng kiến kinh tế khác của chính quyền, như xóa nợ cho sinh viên và giảm nợ y tế hay giảm tình trạng đói nghèo ở trẻ em… Chính vì vậy, bà Harris vừa có thách thức vừa có cơ hội trong việc truyền đạt hồ sơ chính sách kinh tế của chính quyền Biden tới cử tri. Tương lai của Bidenomics phụ thuộc phần lớn vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là liệu bà Kamala Harris có đủ tín nhiệm để giành chiến thắng trước đối thủ Donald Trump để có thể tiếp tục thúc đẩy và phát triển các di sản về kinh tế của Tổng thống Biden hay không?
Tác giả: Nguyên Long
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Jessica Fu (2024), Joe Biden’s Economic Plan Explained, https://www.investopedia.com/joe-biden-s-economic-plan-save-the-middle-class-4769869.
2. US Foreign Economic Policy, https://www.swp-berlin.org/publications/products/research_papers/2024RP11_USForeignEconomicPolicy.pdf
3. Nick Hanauer (2023), Bidenomics Is Real Economics, https://time.com/6343967/bidenomics-is-real-economics/.
4. What is bidenomics? https://www.bidenomics.com/2024/02/29/the-american-dream/
5. justin tasolides (2024), ‘Hope and history rhyme’: Reflecting on Biden’s half-century in American politics, https://ny1.com/nyc/all-boroughs/news/2024/07/24/biden-recap-american-politics-president-2020
6. Josh Boak (2024), Biden’s legacy: Far-reaching accomplishments that didn’t translate into political support, https://abcnews.go.com/US/wireStory/bidens-legacy-reaching-accomplishments-translate-political-support-112147367
7. Toluse Olorunnipa (2024), Biden’s 50 years in politics defined by triumph, tragedy and a reluctant exit. https://www.washingtonpost.com/politics/2024/07/21/biden-50-years-politics-legacy/
8. Major Garrett (2024), Politics Joe Biden’s legacy after historic decision to give up 2024 reelection campaign, https://www.cbsnews.com/news/biden-legacy-president/
9. Bruce Wolpe (2024), Joe Biden’s legacy may have been stained had he not stepped aside. How will history view him now?, https://theconversation.com/joe-bidens-legacy-may-have-been-stained-had-he-not-stepped-aside-how-will-history-view-him-now-235204
10. Howard Schneider (2024), Impact of Biden’s economic agenda may be felt long after his presidency, https://www.reuters.com/world/us/impact-bidens-economic-agenda-may-be-felt-long-after-his-presidency-2024-07-22/
11. Reuters (2024), Bidenomics? https://www.reuters.com/podcasts/bidenomics-2024-07-24/,
12. Charles A. Kupchan (2024), Biden’s Legacy: Major Accomplishments but Unfinished Business, https://www.cfr.org/expert-brief/bidens-legacy-major-accomplishments-unfinished-business
13. The Financial Times (2024), Joe Biden expected to focus on foreign policy in pursuit of legacy, https://www.ft.com/content/2ed2f607-ae5a-4f03-a024-c3ae9701d7cb
14. Biden’s legacy is still being written. How he helps Harris may be key, https://www.nbcnews.com/politics/2024-election/bidens-legacy-still-written-helps-harris-may-key-rcna162962
15. Umair Irfan (2024), Joe Biden’s enormous, contradictory, and fragile climate legacy, https://www.vox.com/climate/362478/joe-biden-climate-change-legacy
16. Patrick Tucker (2024), Can Biden’s arsenal-of-democracy foreign policy outlast him?, https://www.defenseone.com/policy/2024/07/can-bidens-arsenal-democracy-foreign-policy-outlast-his-presidency/398235/
17. Josh Lipsky (2024), Biden will leave an enduring legacy of linking economic and national security, https://www.atlanticcouncil.org/blogs/new-atlanticist/biden-will-leave-an-enduring-legacy-of-linking-economic-and-national-security/
18. Tod Perry (2024), Joe Biden’s 23 greatest achievements as president of the United States … so far, https://www.upworthy.com/joe-biden-s-23-greatest-achievements-as-president-of-the-united-states-so-far
19. Nathan Reiff (2024), Bidenomics: How Joe Biden’s Policies Are Shaping the U.S. Economy, https://www.investopedia.com/bidenomics-8363974,
20. Jim Tankersley (2024), Can Kamala Harris Sell ‘Bidenomics’?, https://www.nytimes.com/2024/07/23/us/politics/kamala-harris-economy-bidenomics.html