Ngày 25/9/2024, tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga về răn đe hạt nhân, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga cần phải cập nhật học thuyết hạt nhân để xác định rõ ràng các tình huống có thể thúc đẩy Moscow tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân; đồng thời nhấn mạnh bất kỳ cuộc tấn công nào được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân đều được xem là một cuộc tấn công liên minh vào Nga. Tổng thống Putin cũng nói thêm rằng, Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có hành động xâm lược chống lại Nga và Belarus.
Mặc dù hiện nay các đề xuất về việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân của Nga vẫn còn ở dạng dự thảo và cần được Tổng thống Putin thông qua trước khi có hiệu lực nhưng đây được việc đáp trả mạnh mẽ của Nga đối với các các thách thức và mối đe dọa từ phương Tây dựa trên việc phân tích các cuộc xung đột trong những năm gần đây và “tiến trình leo thang” của phương Tây trong cuộc xung đột Ukraine hiện nay.
VỀ HỌC THUYẾT HẠT NHÂN CỦA NGA
Quy mô kho vũ khí hạt nhân của Nga
Là một trong tám quốc gia trên thế giới công khai tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân, Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất và đa dạng nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính, cho đến tháng 01/2024, Nga duy trì kho dự trữ hạt nhân lớn nhất thế giới với 4.380 đầu đạn được triển khai hoặc lưu trữ. Đứng sau Nga lần lượt là Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh. Theo báo cáo hồi tháng 3 của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), Nga hiện có tổng số đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới với 5.580 đầu đạn, trong đó có khoảng 1.200 đầu đạn đang chờ tháo dỡ.
Theo quan điểm của Nga, bộ ba hạt nhân chiến lược bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trên đất liền, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược mang bom và tên lửa hạt nhân vẫn là sự đảm bảo quan trọng nhất cho an ninh quốc gia và của người dân; là công cụ để duy trì sự cân bằng chiến lược và quyền lực trên thế giới.
Phát biểu nhân dịp Ngày bảo vệ Tổ quốc 23/02 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng, tỷ lệ vũ khí và thiết bị hiện đại của các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đã đạt mức 95% và đạt gần 100% đối với các thành tố hải quân trong “bộ ba hạt nhân”.
Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào ngày 24/02/2022 đến nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức Nga từng nhiều lần lặp lại quan điểm rằng, Nga đã chuẩn bị cho một cuộc chiến hạt nhân và có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình nếu cần thiết.
Một số điểm cơ bản của “Học thuyết hạt nhân năm 2020” của Nga
Học thuyết hạt nhân hiện nay của Nga (còn được gọi là “Học thuyết hạt nhân năm 2020) được nêu trong Sắc lệnh dài 6 trang công bố tháng 6/2020 của Tổng thống Vladimir Putin, trong đó tuyên bố rằng: “Liên bang Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác” chống lại họ và (hoặc) các đồng minh của họ, cũng như trong trường hợp có hành động xâm lược. Học thuyết cũng quy định Tổng thống Nga với vai trò Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang có toàn quyền ra lệnh triển khai vũ khí hạt nhân.
“Học thuyết hạt nhân năm 2020” chỉ ra tầm quan trọng của răn đe hạt nhân trong việc đảm bảo “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Nga; đồng thời nêu ra 04 điều kiện mà theo đó Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm: (1) khi có thông tin đáng tin cậy về việc kẻ thù phóng tên lửa đạn đạo sắp chống lại Nga và đồng minh; (2) kẻ thù sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga hoặc các đồng minh; (3) kẻ thù tấn công vào các “cơ sở quân sự, nhà nước quan trọng” có thể làm gián đoạn năng lực phản ứng của lực lượng hạt nhân và (4) kẻ thù tấn công bằng vũ khí thông thường có khả năng đe dọa sự tồn vong quốc gia của Nga.
Học thuyết cũng chỉ ra tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân trong việc ngăn chặn “sự leo thang và chấm dứt các hành động quân sự với những điều kiện có thể chấp nhận được đối với Liên bang Nga và/hoặc các đồng minh của nước này”.
Trong bối cảnh cuộc chiến với Ukraine ngày càng leo thang, NATO tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Kiev và Kiev vẫn đang nỗ lực vận động để phương Tây cho phép sử dụng tên lửa tầm xa chống lại các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, một số nhân vật cứng rắn trong giới an ninh và quân sự Nga đã hối thúc Tổng thống Putin hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm “thức tỉnh những kẻ thù của Nga ở phương Tây”.
Các bước chuẩn bị cho việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân của Nga
Trên cơ sở đánh giá tình hình hiện tại và căn cứ trên những bước leo thang của phương Tây ở Ukraine, Nga đang tiến hành sửa đổi học thuyết về cách thức sử dụng vũ khí hạt nhân “trong giai đoạn hiện đại”. Việc Nga điều chỉnh học thuyết hạt nhân được coi là “thông điệp cảnh báo” mạnh mẽ tới các quốc gia về hậu quả nếu tham gia vào một cuộc tấn công vào nước Nga.
Trước khi đưa ra tuyên bố về việc sửa đổi “Học thuyết hạt nhân năm 2020” Nga đã có nhiều bước chuẩn bị, cả về mặt diễn ngôn, chính sách lẫn hành động trên thực địa. Trong đó:
Về diễn ngôn: Theo một nghiên cứu đầu năm 2024 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), kể từ khi nổ ra xung đột với Ukraine nổ ra, đã có hơn 200 trường hợp các nhà lãnh đạo Nga đề cập đến vũ khí hạt nhân trong bối cảnh cuộc chiến này.
Trong năm 2024, các nhà lãnh đạo Nga nhiều lần đề cập đến tính cấp thiết của việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân. Trong đó, Tổng thống Putin tuyên bố, học thuyết hạt nhân của Nga là “một tài liệu sống” có thể được cập nhật khi cần thiết. Tháng 6/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov đã mô tả học thuyết hạt nhân hiện nay của Nga là “quá chung chung” và Nga phải thể hiện “rõ ràng hơn, cụ thể hơn, chắc chắn hơn về những gì có thể xảy ra” nếu họ (phương Tây) tiếp tục “hành động không thể chấp nhận được và leo thang”.
Về mặt chính sách: Ngày 02/11/2023, Tổng thống Vladimir Putin ký đạo luật thu hồi việc Nga phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT); trong đó nhấn mạnh việc Nga thu hồi phê chuẩn Hiệp ước sẽ “phản chiếu” lập trường của Mỹ – quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn hiệp ước.
CTBT đã được 178 quốc gia phê chuẩn, bao gồm các cường quốc hạt nhân Nga, Pháp và Anh. Quốc hội Nga đã phê chuẩn Hiệp ước vào tháng 6/2000 – 6 tháng sau khi ông Putin trở thành tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên. Mỹ và một số quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên, Israel, Iran và Ai Cập vẫn chưa phê chuẩn Hiệp ước này.
Về hoạt động trên thực địa: Khi xung đột trên chiến trường leo thang, các mối đe dọa hạt nhân của Nga cũng gia tăng. Chỉ trong 06 tháng qua, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật với Belarus và trong một động thái chưa từng có, Nga đã công bố cuộc tập trận này với công chúng Nga.
Các chuyên gia quân sự đánh giá, Nga có nhiều vũ khí hạt nhân hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Hồi tháng 3/2024, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga đã “sẵn sàng cho tình huống xảy ra chiến tranh hạt nhân “từ quan điểm kỹ thuật quân sự”.
Có gì mới trong học thuyết hạt nhân được điều chỉnh sắp tới?
Ngày 25/9, tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã tiết lộ những thay đổi được đề xuất đối với học thuyết hạt nhân của nước này. Theo đó, Nga sẽ sửa đổi học thuyết hạt nhân để có khả năng hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân; đồng thời Nga sẽ coi một cuộc tấn công của một quốc gia phi hạt nhân có sự tham gia hoặc được một quốc gia hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung chống lại Nga.
Ông Putin nhấn mạnh, nội dung nổi bật nhất trong việc thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga đó là Moscow có thể cân nhắc trả đũa hạt nhân khi nhận được thông tin đáng tin cậy về một vụ phóng hàng loạt vũ khí tấn công trên không và vũ trụ hướng về lãnh thổ Nga hoặc đồng minh thân cận Belarus. Những vũ khí này có thể là máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV), máy bay siêu vượt âm và các loại máy bay khác.
Ngay sau cuộc họp, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc Tổng thống Putin đưa ra những đề xuất sửa đổi học thuyết hạt nhân là điều cần thiết nhằm đáp ứng tình hình an ninh hiện nay. Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng, bất chấp những cảnh báo liên tục của Nga trong thời gian qua, tình hình an ninh quốc tế vẫn leo thang căng thẳng với những chính sách có thể gây ra hậu quả rất tiêu cực
Mặc dù hiện nay, học thuyết hạt nhân mới của Nga vẫn chưa được công khai nhưng từ những gì mà giới lãnh đạo Nga tuyên bố có thể nhận thấy một số điểm khác biệt so với “Học thuyết hạt nhân năm 2020” như sau:
Thứ nhất, thay vì đề cập đến “đồng minh” một cách rộng rãi hơn, học thuyết này đề cập rõ ràng đến việc Belarus được bảo vệ bởi “chiếc ô hạt nhân của Nga”. Tổng thống Putin tuyên bố rằng: “Chúng tôi có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có hành động gây hấn chống lại Nga và Belarus với tư cách là thành viên của Nhà nước Liên minh”.
Có thế thấy rằng, Belarus đã được Nga bảo vệ trong nhiều thập kỷ với tư cách là một phần của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể; tuy nhiên, cho đến nay, Nga vẫn chưa đề cập rõ ràng đến Belarus trong học thuyết của mình. Đây có thể là biểu tượng của mối quan hệ chiến lược ngày càng chặt chẽ giữa Moscow và Minsk, khi Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus trong năm nay.
Thứ hai, “Học thuyết hạt nhân năm 2020” của Nga giải thích vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để chống lại các cuộc tấn công thông thường “khi sự tồn tại của nhà nước đang gặp nguy hiểm” và cho biết răn đe hạt nhân “đảm bảo bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Nhà nước”. Tuy nhiên, theo tuyên bố vừa qua của Tổng thống Putin, học thuyết mới đã bỏ cụm từ này, thay vào đó tuyên bố rằng “vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để chống lại mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền” của nước Nga.
Các chuyên gia đánh giá, một cụm từ rộng hơn và mơ hồ hơn nhiều cho thấy Tổng thống Putin đang hạ thấp ngưỡng sử dụng hạt nhân tiềm năng, đồng thời làm gia tăng sự mơ hồ về thời điểm sử dụng vũ khí hạt nhân. Điều này báo hiệu việc sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn trong cuộc chiến ở Ukraine và gia tăng sự cảnh báo với các đối thủ của Nga.
Thứ ba, học thuyết mới quy trách nhiệm cho các quốc gia thuộc bên thứ ba ủng hộ các cuộc tấn công thông thường nhằm vào Nga, ngay cả khi họ không phải là bên tiến hành các cuộc tấn công. Điều nay cho thấy, Nga dường như nhắm mục tiêu tới các thành viên NATO đang viện trợ vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến hiện nay.
Thứ tư, “Học thuyết hạt nhân năm 2020” quy định vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng trong trường hợp có dữ liệu xác nhận một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo sắp tới, tuy nhiên, học thuyết sửa đổi cho thấy việc mở rộng bản chất của các cuộc tấn công sắp tới có thể đảm bảo việc sử dụng vũ khí hạt nhân để “tấn công hàng không vũ trụ”, chẳng hạn như “máy bay”, tên lửa và UAV. Đây được coi là sự điều chỉnh nhằm phù hợp với bản chất cuộc chiến hiện nay đang diễn ra tại Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, quá trình hoàn thiện tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân của Nga đang được tiến hành, tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về thời gian cụ thể hoàn thành bởi đây “những khía cạnh quan trọng nhất trong việc đảm bảo an ninh quốc gia” của nước Nga.
MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH HỌC THUYẾT HẠT NHÂN CỦA NGA
Về cơ bản, việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân của Nga không giống như một sự thay đổi kiến tạo. Kể từ năm 1995, Nga đã cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không có vũ khí hạt nhân trừ khi họ hành động “liên kết hoặc liên minh với một quốc gia có vũ khí hạt nhân”. Chính quyền Nga vào thời điểm đó đã hành động dựa trên giả định rằng bất kỳ tình huống nào như vậy sẽ liên quan đến một quốc gia có vũ khí hạt nhân là kẻ xâm lược chính, và các quốc gia phi hạt nhân đóng vai trò hỗ trợ. Do đó, các chuyên gia có chung quan điểm rằng, việc Tổng thống Putin tuyên bố điều chỉnh học thuyết hạt nhân vào thời điểm này có nhiều lý do:
Một là, Nga đang ngày càng phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân trong nỗ lực ngăn cản sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine. Trên thực tế cho thấy, các mối đe dọa hạt nhân của Nga đã trì hoãn việc hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine trong những ngày đầu của cuộc chiến, tuy nhiên, mặt khác các mối de dọa hạt nhân này vẫn không thể ngăn NATO mở rộng hỗ trợ cho Ukraine, cùng với việc mở rộng chính liên minh này.
Hai là, Nga điều chỉnh học thuyết hạt nhân chứng tỏ Moscow đang vẽ lại “lằn ranh đỏ” trong chính sách răn đe hạt nhân. Năm 2022, Nga đã thất bại trong việc cảnh báo và đe dọa rằng việc cung cấp tên lửa cho Ukraine sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ”. Trên thực tế, các đồng minh của Mỹ không phải đối mặt với hậu quả nào khi làm như vậy. Do đó, việc Nga thay đổi học thuyết hạt nhân thời điểm này có thể làm chậm lại việc cung cấp các năng lực quan trọng cho Ukraine, bao gồm xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa. Hơn nữa, có thể Nga cho rằng, những nỗ lực ngăn chặn trước đây đã thất bại vì chúng không đủ “lớn”, do đó, cần phải có quan điểm và hành động cứng rắn hơn.
Ba là, học thuyết hạt nhân mới của Nga có thể không chỉ nhằm mục đích răn đe mà còn là nỗ lực chia rẽ các đồng minh châu Âu trên cơ sở mức độ rủi ro mà họ sẵn sàng chấp nhận khi hỗ trợ Ukraine. Tổng thống Putin có thể cho rằng, bối cảnh đã thay đổi nên có lẽ các mối đe dọa sẽ thành công hơn trong những điều kiện khác nhau. Hiện nay, NATO đang bị chia rẽ nhiều hơn về vấn đề tấn công tầm xa so với trước đó trong cuộc chiến và Nga có thể coi đây là cơ hội để gieo thêm sự chia rẽ giữa các đồng minh NATO và làm suy yếu sự hỗ trợ từ bên ngoài dành cho Ukraine.
Nhà nghiên cứu Mariana Budjeryn tại Trường Harvard Kennedy cho rằng, điểm mấu chốt cho những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga là “bớt đi những điều cụ thể, trong khi cung cấp nhiều không gian diễn giải hơn cho giới lãnh đạo Nga để xác định các trường hợp sử dụng hạt nhân”. Nhà nghiên cứu cấp về vũ khí hủy diệt hàng loạt Pavel Podvig tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Vũ khí của Liên Hợp Quốc, lưu ý rằng học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga không phân biệt rõ ràng giữa hành vi gây hấn giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân. Thay vào đó, bất kỳ sự gây hấn nào “đe dọa sự tồn tại của nhà nước” đều có khả năng gây ra phản ứng hạt nhân.
Trong khi đó, giới chuyên gia Nga cho rằng, việc cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga chắc chắn không phải là một bước đi tự phát. Chuyên gia Dmitry Suslov, thành viên Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga cho rằng, việc này đáng lẽ cần triển khai từ lâu bởi mức độ răn đe hạt nhân hiện tại của Nga được chứng minh là không đủ khi không thể ngăn cản được phương Tây “tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại nước Nga”. Ông Suslov cảnh báo, Mỹ và phương Tây cần hiểu rằng “việc tham gia vào một cuộc chiến tranh trực tiếp chống lại Nga sẽ tồi tệ hơn nhiều đối với họ so với việc Ukraine bị đánh bại trên chiến trường”.
Bên cạnh đó, chuyên gia Suslov cho rằng, Nga cũng cần tăng cường thúc đẩy quan hệ với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Trung Quốc để họ thấy rằng, việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân là nhằm loại bỏ việc sử dụng chúng hoặc ít nhất là giảm nguy cơ xảy ra việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Việc Nga tuyên bố điều chỉnh học thuyết hạt nhân không phải là một bước đi tự phát mà được tính toán kỹ càng từ khá lâu trước môi trường địa chính trị và an ninh ngày càng đặt ra nhiều thách thức với Moscow, nhất là trong bối cảnh theo quan điểm của Nga mức độ răn đe hạt nhân hiện tại là không đủ khi không ngăn được phương Tây tăng cường hỗ trợ cho cuộc chiến của Ukraine theo những cách mà trước đây khó có thể tưởng tượng được, trong đó có việc cung cấp xe tăng, tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu F-16. Việc Nga quyết định điều chỉnh học thuyết hạt nhân cho thấy họ đang vẽ lại “lằn ranh đỏ” đối với phương Tây, đồng thời cũng cho thấy Moscow sẽ dựa vào vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự tồn vong của đất nước. Sự thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga đang tính đến tình hình địa chính trị hiện tại, đặc biệt là cách Nga định hình cuộc xung đột Ukraine và mối quan hệ của nước này với Mỹ và các đồng minh./.
Tác giả: Nguyên Long
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Heather Williams (2024), Why Russia Is Changing Its Nuclear Doctrine Now, CSIS, https://www.csis.org/analysis/why-russia-changing-its-nuclear-doctrine-now
2. Elise Vincent, Emmanuel Grynszpan and Benjamin Quénelle (2024), Why Russia has decided to review its nuclear doctrine, Le Monde, https://www.lemonde.fr/en/international/article/2024/09/28/why-russia-has-decided-to-review-its-nuclear-doctrine_6727599_4.html
3. Ivanna Kostina, Kateryna Tyshchenko (2024), Russia to change its nuclear doctrine in response to West’s “escalation course”, Pravda, https://www.pravda.com.ua/eng/news/2024/09/1/7472943/
4. TASS (2024), Russia to change nuclear doctrine upon examination of West’s actions — senior diplomat, https://tass.com/politics/1836707
5. Maxim Trudolyubov (2024), Russia’s Nuclear Doctrine Change Is More Cautious Than It May Appear, https://www.wilsoncenter.org/blog-post/russias-nuclear-doctrine-change-more-cautious-it-may-appear
6. Burc Eruygur (2024), Kremlin says updated version of Russia’s nuclear doctrine to be formalized, https://www.aa.com.tr/en/europe/kremlin-says-updated-version-of-russia-s-nuclear-doctrine-to-be-formalized/3345624
7. Andreas Umland (2024), We Can’t Be Cowed by Russia’s New Nuclear Doctrine. It’s Business as Usual, The Moscow Times, https://www.themoscowtimes.com/2024/09/27/we-cant-be-cowed-by-russias-new-nuclear-doctrine-its-business-as-usual-a86494
8. Francesca Ebel, Natalia Abbakumova, Robyn Dixon and Catherine Belton (2024), Russia’s nuclear doctrine to include attacks on nonnuclear states, Washington Post, https://www.washingtonpost.com/world/2024/09/25/putin-nuclear-deterrent-ukraine-threat/
9. Putin changes Russia’s nuclear doctrine in warning to West over strikes from Ukraine, SCMP, https://www.scmp.com/news/world/russia-central-asia/article/3279973/putin-changes-russias-nuclear-doctrine-warning-west-over-strikes-ukraine
10. Russia says it will change nuclear doctrine because of Western role in Ukraine, https://www.abc.net.au/news/2024-09-01/russia-says-it-will-change-nuclear-doctrine-because-of-west-/104297494
11. Reuters (2024), Kremlin says Russia’s updated nuclear doctrine is being formalised, https://www.reuters.com/world/europe/kremlin-says-russias-updated-nuclear-doctrine-is-being-formalised-2024-09-29/
12. Sarah Shamim (2024), Why is Russia changing its nuclear doctrine amid the Ukraine war?, https://www.aljazeera.com/news/2024/9/3/why-is-russia-changing-its-nuclear-doctrine-amid-the-ukraine-war
13. Garrett Welch (2024), Russian Nuclear Posture May Change, Putin Says, https://www.armscontrol.org/act/2024-07/news/russian-nuclear-posture-may-change-putin-says
14. Mark Trevelyan (2024), What is Russia’s nuclear doctrine and how might it change?, https://www.investing.com/news/world-news/explainerwhat-is-russias-nuclear-doctrine-and-how-might-it-change-3596989?