Ngày nay, Armenia không còn được coi là “sân sau của Nga” như trong suốt ba thập kỷ qua. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và sau cuộc chiến Nagorno-Karabakh lần thứ hai vào năm 2020, các chính sách quốc phòng và an ninh của Armenia hiện đang có sự thay đổi. Sự điều chỉnh chiến lược này đang đưa Armenia thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga và hướng tới các đồng minh phương Tây.
Trước sự thay đổi này, Mỹ và Liên minh Châu Âu có thể cung cấp cho Armenia sự hỗ trợ quân sự nhiều hơn, qua đó góp phần vào sự ổn định khu vực ở Nam Caucasus. Bằng cách này, các cường quốc phương Tây có thể ngăn chặn Nga lấy lại quyền kiểm soát và đối phó với sức ép quân sự đơn phương của Azerbaijan. Sự hỗ trợ đó cũng sẽ thúc đẩy các cải cách quân sự của Armenia và đảm bảo quốc gia này trở thành một đối tác tự chủ trong an ninh khu vực.
Các mua sắm vũ khí trong quá khứ
Armenia bắt đầu tích cực mua sắm vũ khí từ năm 2016, sau cuộc chiến kéo dài 4 ngày với Azerbaijan. Trong cuộc xung đột này, Baku đã chứng minh sự vượt trội quân sự bằng cách đưa vào sử dụng các loại đạn dược và máy bay không người lái do thám do Israel sản xuất, đã thúc đẩy Yerevan ký hợp đồng với đồng minh chiến lược khi đó là Moscow. Là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, Armenia có thể mua vũ khí với giá nội địa, và việc quân đội tương thích với các tiêu chuẩn quân sự của Nga đã đơn giản hóa việc tích hợp trang thiết bị. Moscow đã bày tỏ sự ủng hộ bằng cách cung cấp khoản vay 200 triệu USD cho phép Armenia tiếp cận các hệ thống tên lửa phóng nhiều lần BM-30 Smerch và TOS-1A Solntsepek, hệ thống phòng không di động Igla-S, hệ thống tình báo điện tử Avtobaza-M và các thiết bị khác.
Những nỗ lực chiến lược của Armenia nhằm củng cố khả năng phòng thủ của mình được thể hiện qua việc mua hệ thống tên lửa Iskander-E từ Nga ngoài các hạn mức tín dụng đã đề cập trước đó. Trước cuộc chiến năm 2020, Armenia cũng đã mua bốn chiến đấu cơ Su-30SM, mặc dù chúng thiếu các loại đạn không đối không hiện đại. Một trong những khoản mua sắm quan trọng khác trước cuộc chiến là hệ thống phòng không Tor-M2KM. Logic đằng sau những khoản mua sắm này là để thiết lập khả năng răn đe đối với sự leo thang quy mô lớn.
Giữa năm 2010 và 2020, ngoài vũ khí từ Nga, Armenia đã mua 35 hệ thống phòng không Osa từ Jordan và ký hợp đồng trị giá 40 triệu USD với Ấn Độ để mua bốn radar chống pháo Swathi hiện đại, được giao vào năm 2021. Trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, Nga chiếm 94% tổng số vũ khí chính mà Armenia nhập khẩu.
Hậu quả của Cuộc chiến
Cuộc chiến Nagorno-Karabakh lần thứ hai vào năm 2020 đã thay đổi cân bằng quyền lực khu vực một cách đáng kể. Armenia đã phải chịu những tổn thất nặng nề. Theo báo cáo của blog Oryx, thiệt hại bao gồm 255 xe tăng, 71 xe chiến đấu bộ binh, 250 khẩu pháo kéo, 29 đơn vị pháo tự hành, 84 hệ thống rocket phóng nhiều lần và 39 hệ thống phòng không (bao gồm một trung đoàn S-300 và hai đơn vị Tor-M2KM) cùng hàng trăm thiết bị khác. Mặc dù có bằng chứng chắc chắn cho thấy những con số này có thể đã bị phóng đại, nhưng rõ ràng quân đội Armenia đã mất đi năng lực đáng kể.
Hậu quả của cuộc chiến, Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng, được coi là vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan đã mất 70% lãnh thổ mà họ kiểm soát từ năm 1994, và lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã được triển khai tại khu vực còn lại. Yerevan đã yêu cầu Moscow thiết lập các tiền đồn quân sự trên biên giới mới hình thành giữa Armenia và Azerbaijan, khiến Yerevan trở nên dễ bị tổn thương và không còn là người bảo đảm an ninh cho Nagorno-Karabakh. Dựa trên tuyên bố ngày 10 tháng 11 năm 2020, hiện trạng mới dự báo Armenia sẽ cung cấp tuyến thông tin liên lạc qua lãnh thổ của mình cho Azerbaijan. Đây là mục tiêu chiến lược tiếp theo của Baku và được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Đó là giành được cái gọi là “hành lang Zangezur”, một tuyến kết nối trực tiếp đến vùng đất biệt lập của Azerbaijan qua lãnh thổ Armenia, do lực lượng biên phòng của cơ quan An ninh liên bang Nga FSB kiểm soát.
Azerbaijan đã chính thức thành lập một liên minh chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã tham gia chỉ huy và có vai trò quyết định trong kết quả của cuộc chiến năm 2020. Vào tháng 6 năm 2021, Baku và Ankara đã ký kết Tuyên bố Shusha, một hiệp định quốc phòng bao gồm các điều khoản hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công. Một trong những mục tiêu của họ là mở một tuyến đường bộ qua lãnh thổ Armenia, được gọi là hành lang Zangezur. Azerbaijan đã tận dụng ưu thế quân sự, kinh tế và chính trị của mình để tiếp tục gây áp lực lên Armenia, buộc quốc gia này phải nhượng bộ đơn phương, chiếm lấy các lãnh thổ của Armenia trong các cuộc leo thang căng thẳng vào năm 2021, giành các vị trí chiến lược dọc biên giới trong các trận giao tranh ác liệt kéo dài hai ngày vào tháng 9 năm 2022. Sau đó vào năm 2024 tiến hành “phân định và cắm mốc” một phần biên giới Armenia-Azerbaijan ở Tavush dưới áp lực quân sự và theo hướng có lợi cho Azerbaijan.
Các cuộc leo thang gần đây đã phơi bày sự kém hiệu quả của các cơ chế an ninh của Nga trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Mặc dù cuộc chiến năm 2020 không thuộc trách nhiệm của tổ chức này, nhưng các cuộc tấn công sau đó thì không, vì chúng nhắm trực tiếp vào Armenia. Điều này khiến Armenia dần dần tách mình khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, tạm ngừng tư cách thành viên của mình. Thay vào đó, Armenia đã lựa chọn một phái đoàn giám sát của Liên minh Châu Âu (EU), hiện bao gồm 209 nhân sự với nhiệm vụ kéo dài đến tháng 2 năm 2025.
Tìm kiếm thị trường mới
Việc sửa đổi các thỏa thuận quân sự-chính trị giữa Armenia và Nga không chỉ xuất phát từ hiệu quả răn đe giảm sút của liên minh này, mà còn từ việc hai bên chưa hoàn thành các nghĩa vụ liên quan tới hợp đồng cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự đã ký kết. Vào tháng 8 năm 2021, Armenia và Nga đã ký một thỏa thuận cung cấp vũ khí mới tại Moscow, mặc dù giá trị và chi tiết các điều khoản của thỏa thuận không được tiết lộ. Đến năm 2023, trưởng ủy ban quốc phòng của quốc hội Armenia, Andranik Kocharyan, tiết lộ rằng hợp đồng này trị giá 400 triệu USD. Các cuộc thảo luận về việc cung cấp vũ khí từ Nga đã trở nên căng thẳng hơn sau cuộc tấn công vào Armenia vào mùa thu năm 2022. Một năm sau, vào tháng 11 năm 2023, Thủ tướng Nikol Pashinyan tuyên bố rằng Armenia đã trả tiền cho Nga để mua vũ khí nhưng chưa bao giờ nhận được chúng.
Các giải pháp khác nhau đã được đề xuất, bao gồm việc sử dụng số tiền đã được thanh toán để xóa một số khoản nợ của Armenia. Tuy nhiên, những đề xuất này không giải quyết vấn đề cốt lõi: Armenia vẫn phải đối mặt với áp lực quân sự từ Azerbaijan mà không nhận được vũ khí mà họ đã trả tiền. Tình hình trở nên xấu hơn khi cuộc chiến Nga-Ukraina bùng nổ, buộc Armenia phải tìm kiếm các thị trường vũ khí khác. Diễn biến này làm nổi bật nhu cầu cấp thiết của Armenia trong việc đảm bảo các nguồn cung cấp quân sự thay thế để chống lại áp lực từ Azerbaijan.
Ấn Độ
Bắt đầu từ năm 2022, Ấn Độ trở thành nhà xuất khẩu thiết bị quân sự lớn nhất cho Armenia. Theo ước tính và dựa trên các thông tin rò rỉ từ truyền thông, gói hợp đồng hiện tại có thể vượt quá 1,5 tỷ USD. Đơn hàng bao gồm các hệ thống như hệ thống tên lửa phóng nhiều lần Pinaka trị giá 245 triệu USD, 72 khẩu pháo tự hành MARG-155 cỡ 155 mm, 90 hệ thống pháo kéo tiên tiến cỡ 155 mm trị giá 155 triệu USD, tên lửa phòng không Akash trị giá 720 triệu USD, hệ thống chống máy bay không người lái Zen trị giá 41 triệu USD, tên lửa chống tăng Konkurs-M được sản xuất theo giấy phép và nhiều loại đạn dược và thiết bị khác.
Vào tháng 4 năm 2024, có thông tin cho rằng Ấn Độ sẽ cử tùy viên quân sự đầu tiên tới Armenia. Quyết định này liên quan đến sự hợp tác quân sự-kỹ thuật ngày càng gia tăng giữa hai quốc gia và nhằm giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề kỹ thuật tiềm ẩn. Ngoài ra, vào năm 2024, các phái đoàn từ Bộ Quốc phòng Armenia và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng tập trung vào các hoạt động đào tạo và hợp tác thể chế.
Điều đáng chú ý là Armenia đã tập trung vào việc mua sắm quy mô lớn pháo 155 mm, đánh dấu một sự chuyển đổi từ cỡ 152mm và 122mm theo tiêu chuẩn Liên Xô sang tiêu chuẩn của NATO. Sự thay đổi chiến lược này sẽ khiến việc mua sắm đại bác và đạn dược trong tương lai từ Nga gần như là không thể. Đặc biệt là khi Armenia còn lại rất ít súng của Liên Xô trong kho sau những tổn thất nặng nề trong Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai.
Mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Yerevan và New Delhi đại diện cho một sự chuyển hướng chiến lược có thể thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, giảm sự phụ thuộc của Armenia vào Moscow và củng cố sự liên minh của Armenia với các cường quốc dân chủ. Với sự gia tăng hợp tác quân sự giữa hai quốc gia, lợi ích của Mỹ và Liên minh Châu Âu là tích cực hỗ trợ những phát triển này để đối trọng với ảnh hưởng của Nga và Azerbaijan.
Pháp
Mặc dù các hợp đồng vũ khí chính của Armenia chủ yếu với Ấn Độ, nhưng các đợt giao hàng vũ khí từ Pháp lại thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Các giao dịch này bao gồm 50 xe bọc thép Bastion do công ty Arquus sản xuất, trong đó 24 chiếc đã được chuyển đến Armenia. Sau chiến tranh năm 2020, Armenia cũng đã mua ba trạm radar GM-200 từ công ty Thales và ký một biên bản ghi nhớ về việc giao hàng trong tương lai của hệ thống phòng không tầm ngắn Mistral. Ngoài ra, Armenia cũng đã mua 36 khẩu pháo tự hành Caesar cỡ 155mm là một dấu hiệu nữa chứng tỏ ý định của nước này trong việc tăng cường năng lực pháo binh và chuyển đổi sang các tiêu chuẩn của NATO.
Sự tham gia ngày càng tăng của Pháp, đặc biệt trong việc huấn luyện lực lượng Armenia và cải cách các tổ chức quân sự của họ chứng tỏ tầm quan trọng chiến lược của Armenia đối với an ninh châu Âu. Bằng cách tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ này, Liên minh Châu Âu có thể đóng góp vào sự ổn định khu vực và củng cố độc lập của Armenia khỏi Moscow.
Mỹ và các đối tác khác
Song song với các mối quan hệ hiện có, Armenia đang tích cực tìm kiếm các đối tác an ninh mới. Ví dụ, vào tháng 3 năm 2024, Armenia và Italy đã ký một chương trình hợp tác quân sự hàng năm gồm nhiều thỏa thuận. Quan hệ đối thoại trong lĩnh vực quân sự với Hy Lạp và Síp cũng đang tiến triển, Armenia còn quan tâm đến việc phát triển quan hệ với Bulgaria và Bỉ. Riêng vào tháng 7 năm 2024, Liên minh Châu Âu lần đầu tiên phê duyệt viện trợ quân sự phi sát thương trong khuôn khổ Cơ chế Hòa bình Châu Âu trị giá 10 triệu Euro. Mỹ cũng đã thể hiện sự ủng hộ ngày càng tăng đối với Armenia, tổ chức hai cuộc diễn tập gìn giữ hòa bình Eagle Partner trên lãnh thổ Armenia vào năm 2023 và 2024, đồng ý cử một cố vấn đến Bộ Quốc phòng Armenia để hỗ trợ các cải cách đang diễn ra. Tuy nhiên, hợp tác với Mỹ chủ yếu tập trung vào các hoạt động gìn giữ hòa bình và dân sự, với các nguồn cung cấp thiết bị phi sát thương tiềm năng. Yerevan vẫn nằm trong nhóm các quốc gia bị hạn chế về nhiều thành phần có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự. Điều này có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp quốc phòng phát triển nhanh chóng của họ.
Kết luận
Mỹ và Liên minh Châu Âu nên mở rộng các chương trình hỗ trợ quân sự của họ để tận dụng sự thay đổi trong việc điều chỉnh liên minh chiến lược của Armenia. Bằng cách cung cấp đào tạo nâng cao, trang bị quân sự hiện đại và quyền tiếp cận các công nghệ có thể sử dụng kép, các cường quốc phương Tây có thể đóng một vai trò quan trọng trong quốc phòng của Armenia và đóng góp vào hòa bình bền vững ở Nam Caucasus.
Số lượng vũ khí và trang bị quân sự mà Armenia mua sắm sau năm 2020 đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt trong hợp tác an ninh của nước này với Moscow. Kể từ năm 2022, chi tiêu quốc phòng của Armenia đã tăng gần gấp đôi. Năm 2022, ngân sách khoảng 700–800 triệu USD, và đến năm 2024 con số này đã lên đến 1,4–1,5 tỷ USD. Trước đây, hơn 90% hoạt động mua sắm của lực lượng vũ trang Armenia đến từ tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga. Hiện nay, các nhà cung cấp chính của Armenia chủ yếu là Ấn Độ và Pháp, trong khi các nguồn cung từ Nga theo các hợp đồng cũ chỉ còn chiếm khoảng 5–10%.
Cuối cùng, Mỹ và Liên minh Châu Âu nên nhận ra rằng một Armenia độc lập hơn và có khả năng quân sự mạnh mẽ hơn là yếu tố then chốt trong an ninh khu vực tại Nam Caucasus. Phương Tây có thể đối trọng ảnh hưởng của Nga và giảm thiểu các mối đe dọa từ Azerbaijan bằng cách tăng cường hỗ trợ quân sự và cấp quyền tiếp cận cho Armenia các công nghệ quan trọng. Điều này không chỉ hỗ trợ chủ quyền của Armenia mà còn đóng góp vào một khu vực ổn định và thịnh vượng.
Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, Nga và Azerbaijan kiên quyết phản đối các lựa chọn quốc phòng của Armenia. Azerbaijan đã tích cực phản đối Pháp và Ấn Độ, bao gồm việc ủng hộ các phong trào ly khai tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp và củng cố quan hệ với Pakistan. Baku cũng đã đe dọa Armenia, cáo buộc nước này quân sự hóa. Azerbaijan đang thúc đẩy việc tạo ra cái gọi là hành lang Zangezur. Khi Điều 9 trong tuyên bố tháng 11 năm 2020 là lựa chọn cuối cùng để Nga duy trì sự hiện diện trong lĩnh vực giao thông liên lạc, Yerevan đang phải đối mặt với áp lực kép từ Moscow và Baku.
Sự tham gia nhiều hơn của phương Tây vào cải cách quân sự và mua sắm vũ khí của Armenia là rất quan trọng để ổn định khu vực Nam Caucasus và ngăn chặn Moscow giành lại quyền kiểm soát. Việc Armenia tích cực tái vũ trang có thể dẫn đến ít nhất một phần cán cân quyền lực với Baku, hạn chế khả năng gây áp lực quân sự đơn phương của Azerbaijan. Sự thay đổi này đặt nền móng cho một nền hòa bình lâu dài.
Sau khi khôi phục năng lực quân sự, Armenia có thể kiểm soát độc lập các tuyến giao thông đi qua lãnh thổ của mình. Mỹ và các đồng minh phương Tây nên hỗ trợ Yerevan nhiều hơn. Đặc biệt là trong việc cấp quyền truy cập vào các công nghệ kép và quân sự cũng như cung cấp các cơ hội huấn luyện ngoài các hoạt động gìn giữ hòa bình./.
Biên dịch: Nguyên Nguyễn
Leonid Nersisyan: nhà phân tích quốc phòng và là một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu chính sách ứng dụng của Armenia.
Sergei Melkonian: nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu chính sách ứng dụng của Armenia, chuyên nghiên cứu về Nga và Iran. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Nhà nước Yerevan.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]