Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Đông Nam Á. Tiêu biểu có thể kể tới như chuyển tàu quân sự INS Kirpan cho Việt Nam, mở văn phòng Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Manila (Philippines), Diễn tập quân sự Ấn Độ – ASEAN, v.v. Những hoạt động trên, ngoài việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa Ấn Độ với các nước Đông Nam Á, đảm bảo an ninh tự do hàng hải ở biển Đông, còn có những mục đích sâu xa khác.
Vai trò của Đông Nam Á trong chiến lược của Ấn Độ
Ấn Độ đã chính thức vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia có dân số đông nhất trên địa cầu, củng cố vững chắc vị trí “nền dân chủ lớn nhất thế giới”. Lực lượng dân số đông và cơ cấu dân số trẻ, năng động, khả năng tiếp cận công nghệ nhanh chóng tạo ra những lợi thế rất lớn cho Ấn Độ trong công cuộc phát triển kinh tế. Thêm vào đó, Ấn Độ là cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân, có lực lượng quân đội hùng hậu. Những tiềm năng to lớn trên có thể biến Ấn Độ thành nhân tố cốt lõi trong việc định hình cấu trúc an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương[1]. Bản thân Ấn Độ đã và đang triển khai chiến lược riêng của mình nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, gia tăng vị thế quốc tế và tránh rơi vào vòng xoáy của cuộc đối đầu Mỹ – Trung. Trong chiến lược đó, Đông Nam Á đóng một vai trò quan trọng; do vậy, thời gian gần đây, Ấn Độ đã có những động thái nhằm tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sở dĩ nói Đông Nam Á có vai trò quan trọng trong chiến lược của Ấn Độ là bởi khi kết hợp Ấn Độ với Đông Nam Á lại ta sẽ có một khu vực rộng lớn với 1,8 tỷ dân và tổng GDP ước tính khoảng 4,6 nghìn tỷ USD[2]. “Ấn Độ+ASEAN” trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc) và là một thị trường tiêu thụ hàng hoá khổng lồ. Nếu mô hình này diễn ra trên thực tế, Ấn Độ sẽ đạt được nhiều lợi ích về kinh tế lẫn chính trị, do đó sẽ còn mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Nhận thấy được lợi ích to lớn trên, dưới thời Thủ tướng Narenda Modi, Ấn Độ đã nâng cấp chiến lược “Hướng Đông” trở thành “Hành động phía Đông”, làm cơ sở cho sự tăng cường hợp tác sâu rộng giữa Ấn Độ và Đông Nam Á. Với sự nâng cấp về mặt chiến lược của chính sách “Hành động phía Đông”, Ấn Độ cho thấy quyết tâm của mình trong việc gia tăng vai trò và ảnh hưởng chính trị của Ấn Độ ở Châu Á, vốn còn khá khiêm tốn trong giai đoạn thực hiện chính sách “Hướng Đông”[3].
Các hành động trong thực tiễn và mục đích của Ấn Độ
Đối trọng với Trung Quốc
Vị trí địa lý của Đông Nam Á giáp kề hai cường quốc của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ đã biến khu vực này trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa chúng. Trong cuộc cạnh tranh về mặt kinh tế, Ấn Độ có vẻ đã đi sau Trung Quốc một bước khi chính quyền Trung Quốc với “Sáng kiến Vành đai & Con đường” (BRI), đã bám rễ bền chặt sự hiện diện của mình tại Campuchia và Lào, đồng thời không ngừng thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn với Thái Lan và Myanmar.
Trước thực trạng trên, Ấn Độ gần đây cũng đã có nhiều hành động nhằm chạy đua với Trung Quốc. Gần đây, Ấn Độ và Indonesia đang xem xét một hiệp định thương mại ưu đãi, tương tự như những gì mà Ấn Độ đã thảo luận với Việt Nam và Philippines. Một kế hoạch đáng chú ý khác là việc tăng cường liên kết giữa quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ với tỉnh Aceh của Indonesia. Các địa điểm này chỉ cách nhau 800 km đường biển, ngoài mục tiêu thúc đẩy du lịch hai nước còn nhằm hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, ví dụ như phát triển một cảng biển tại Sabang ở Aceh. Dự án này có thể được xem như một nước đi của Ấn Độ nhằm đối đầu với “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc[4].
Về mặt chính trị-an ninh, Ấn Độ đã và đang thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao với tất cả các nước Đông Nam Á ở các mức độ khác nhau, song đặc biệt chú trọng vào hướng hợp tác với Việt Nam. Việc này xuất phát một phần từ việc cả hai nước đều có chung sự lo lắng trước những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc[5]. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tới Ấn Độ hồi tháng 6 năm 2023, Ấn Độ đã trao tặng cho Việt Nam tàu hộ tống tên lửa INS Kirpan[6].
Để thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc chuyển giao tàu chiến của Kirpan của Ấn Độ cho Việt Nam cần đi vào so sánh một số thông số của chiếc tàu với tiềm lực hiện tại của hải quân Việt Nam. Tàu hộ tống tên lửa INS Kirpan chuyển giao cho Việt Nam được điều khiển bởi 12 sĩ quan và 100 thuỷ thủ, dài 90m, rộng 10,45m với lượng choán nước tối đa 1450 tấn[7]. Sau khi được biên chế cho Hải quân Việt Nam, Kirpan trở thành lớp tàu chiến lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau lớp tàu hộ vệ tên lửa Gepard với độ choán nước lên tới 1930 tấn, thuỷ thủ đoàn gồm 98 người, có thể hoạt động trong phạm vi 7000 km, chống chọi được bão cấp 10 – 12. Hiện tại hải quân Việt Nam mới được biên chế 4 chiếc tàu lớp Gepard[8].
Hai nước đã ký kết “Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Đối tác Quốc phòng Ấn Độ – Việt Nam hướng tới năm 2030”. Việc chuyển giao INS Kirpan tượng trưng cho vị thế của Hải quân Ấn Độ là “Đối tác an ninh ưu tiên” của Việt Nam ở khu vực Ấn Độ Dương và chắc chắn là chất xúc tác để tăng cường quan hệ song phương hiện có giữa hải quân hai nước[9]. Ngoài ra, cả Ấn Độ và Việt Nam còn có nhiều điểm chung là đều mong muốn một khu vực hòa bình ổn định, đều là những thành viên có trách nhiệm của cộng đồng toàn cầu, thể hiện cam kết duy trì các nguyên tắc công bằng và công lý được quy định trong luật pháp quốc tế.
Không chỉ Việt Nam, Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh các hợp tác quốc phòng với Philippines, quốc gia cũng có những tranh chấp lãnh thổ trực tiếp với Trung Quốc ở biển Đông và đang xích gần lại Mỹ dưới thời vị tổng thống mới. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ của ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo từ ngày 27 – 30/6/2023, ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã cùng người đồng cấp Philippines chủ trì cuộc họp lần thứ 5 của Ủy ban hỗn hợp song phương tại New Delhi ngày 29/6/2023.
Theo tuyên bố chung sau cuộc họp, hai bên quyết định nâng cấp các tương tác chính thức giữa các cơ quan quốc phòng hai nước, mở văn phòng Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Manila và xem xét đề nghị của Ấn Độ về Hạn mức tín dụng ưu đãi để mua thiết bị quốc phòng. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của lĩnh vực hàng hải đối với cả hai nước[10]. Ngoại trưởng hai nước cũng cam kết tăng cường hợp tác song phương nhằm chống lại các yêu sách lãnh thổ kéo dài của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định lợi ích chung đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do, cởi mở và bao trùm”. Trong nhiều năm, Ấn Độ duy trì lập trường trung lập về vấn đề này. Tuy nhiên, sau các cuộc đụng độ chết người dọc biên giới tranh chấp với Trung Quốc vào năm 2020, họ gọi biển Đông là “một phần của tài sản chung toàn cầu”.[11]
Ngoài Việt Nam và Philippines, Ấn Độ cũng tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác Đông Nam Á lâu năm như Singapore, Thái Lan và Indonesia. Hồi tháng 2 năm 2022, một tàu ngầm lớp Kilo của Ấn Độ đã lần đầu tiên cập cảng Indonesia, cho thấy các tàu ngầm của New Delhi có thể được quyền tiếp cận các cảng của Indonesia[12].
Bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích về kinh tế
Như đã đề cập, việc kết hợp nền kinh tế của Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ tạo ra được nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Các eo biển ở Đông Nam Á là một trong những tuyến đường thương mại quan trọng của Ấn Độ. Thương mại Ấn Độ – ASEAN đã tăng gấp 10 lần trong thập kỷ qua. Ấn Độ coi ASEAN là một trong những thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của mình. Năm 2020, tổng kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN đạt 86 tỷ USD. Mặc dù có giảm so với giai đoạn 2018-2019 (97 tỷ USD) do ảnh hưởng của đại dịch, song đây là mức tăng so với tổng giá trị thương mại từ năm 2017, cho thấy xu hướng chung là đi lên. Thương mại Ấn Độ – ASEAN có tiềm năng đạt 300 tỷ USD vào năm 2025, phù hợp với chủ trương “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ[13].
Việc gia tăng sức mạnh hải quân cho các nước Đông Nam Á cũng sẽ giúp đảm bảo các lợi ích kinh tế của Ấn Độ. Sức mạnh hải quân các nước Đông Nam Á gia tăng sẽ bảo vệ tốt hơn an ninh các tuyến đường biển qua biển Đông, tuyến đường đặc biệt quan trọng với nền kinh tế Ấn Độ. Vận tải đường biển tại Ấn Độ chiếm khoảng 95% về khối lượng và 70% về giá trị thương mại quốc tế của quốc gia này[14]. Thêm nữa, Ấn Độ đang có tranh chấp lãnh thổ ở biên giới với Trung Quốc, mặc dù trong thời gian gần đây cả hai nước đã có những động thái nhằm duy trì ổn định cho khu vực biên giới. Tháng12/2022, Bộ trưởng quốc phòng hai nước đã tổ chức vòng đàm phán cấp quân đoàn về tình hình biên giới, tại cuộc gặp hai bên đồng ý duy trì đối thoại thông qua kênh quân sự và ngoại giao, nhất trí “duy trì an ninh và ổn định trên thực địa”[15].
Nhưng một khi Trung Quốc đủ tiềm lực độc chiếm biển Đông, chính quyền Bắc Kinh sẽ bớt đi một mối bận tâm, rất có thể họ sẽ hướng tầm nhìn của mình sang các khu vực khác, biên giới Ấn Độ có thể là một lựa chọn trong số đó. Trong trường hợp đó không có gì đảm bảo rằng biên giới Trung – Ấn còn ổn định như hiện tại, những hành động gây hấn thậm chí là xung đột như đã từng diễn ra vào năm 2020 hoàn toàn có khả năng tái diễn, gây ra tình trạng mất an ninh cho Ấn Độ. Thế nên việc giúp Việt Nam hiện đại hoá quân đội và gia tăng hợp tác quốc phòng với các quốc gia Đông Nam Á khác, Ấn Độ sẽ khiến Trung Quốc còn phải bận tâm nhiều về biển Đông, từ đó giảm bớt phần nào nỗi lo về an ninh biên giới trên đất liền.
Tăng cường vai trò trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực, thực hiện hoá tham vọng siêu cường
Một cuộc khảo sát do Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Sinagpore công bố vào tháng này cho biết sau Liên minh châu Âu và Nhật Bản, ngày càng nhiều quốc gia Đông Nam Á thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng. Ấn Độ đã tăng gấp đôi tỷ lệ tín nhiệm của thế giới, ước tính từ 5,1% lên 11,3% để đứng ở vị trí thứ 3 trong xếp hạng sau Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, Phó giáo sư về Quan hệ quốc tế tại Đại học Nalanda của Ấn Độ, cho biết nhiều quốc gia Đông Nam Á đã xem Ấn Độ là “lực lượng hòa bình, không phải là mối đe dọa” trong khi cũng chú trọng đến tiềm năng và hiệu quả kinh tế mạnh mẽ của New Delhi, khẳng định chủ nghĩa đa phương đã đóng vai trò nâng cao vị thế của quốc gia này[16]. Ấn Độ dự kiến tham gia sáng kiến kết nối các nước láng giềng Đông Nam Á như một phần của Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN năm 2025. Trong các chương trình kết nối này, Ấn Độ có thể hợp tác với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Australia. Kế hoạch Hành lang tăng trưởng châu Á do Nhật Bản dẫn đầu và dự án kết nối cảng Sagamala của Ấn Độ, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN của Ấn Độ có thể được triển khai song song cùng một lúc. Với chính sách “Hành động hướng Đông”, hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN được triển khai tích cực thông qua gần 30 cơ chế trên các lĩnh vực[17]. Tuy cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới chỉ được manh nha hình thành, nhưng song song với quá trình thể chế hóa, các nước trong khu vực vẫn có trách nhiệm xây dựng một cấu trúc quản trị hợp lý. Giống như bất kỳ thể chế nào khác, sự định hình khu vực này cần được quản lý và điều hành một cách vừa linh hoạt, vừa quyết đoán. Ấn Độ nỗ lực tham gia quá trình này thông qua thúc đẩy Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPOI) tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 14 (EAS) tổ chức ở Thái Lan (tháng 11/2019) như một phương thức để định hướng cho việc thiết lập thể chế trong khu vực[18].
Một sự kiện đáng chú ý khác là cuộc Diễn tập Hàng hải ASEAN – Ấn Độ (AIME) do Hải quân Singapore và Hải quân Ấn Độ đồng tổ chức từ ngày 2 –8/5/2023 với sự tham gia của 9 tàu hải quân, 6 máy bay và hơn 1800 binh sĩ từ các quốc gia thành viên ASEAN và Ấn Độ[19]. Theo Hải quân Ấn Độ, Diễn tập Hàng hải ASEAN – Ấn Độ 2023 nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác hàng hải và tăng cường lòng tin, tình hữu nghị và sự tin cậy giữa Hải quân ASEAN và Ấn Độ. Đặc biệt, giai đoạn diễn tập trên biển ở biển Đông sẽ tạo cơ hội cho hải quân các nước tham gia phát triển mối liên kết chặt chẽ hơn trong việc phối hợp và thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực hàng hải[20].
Tác động tới khu vực và dự báo trong tương lai
Tác động tới khu vực
Các hành động của Ấn Độ có thể tác động tới cục diện của cuộc đối đầu chiến lược Mỹ – Trung tại Đông Nam Á. Như đã biết, nguyên nhân sâu xa của việc Mỹ và Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á không gì khác ngoài gia tăng tầm ảnh hưởng, lôi kéo các nước về phe của mình để chống phe kia. Tuy rằng quan điểm của ASEAN là không lựa chọn phe, nhưng với tiềm lực kinh tế-chính trị còn thua kém, việc giữ vững quan điểm này trong toàn bộ các nước ASEAN là vô cùng thách thức. Trong bối cảnh trên, Ấn Độ đóng vai trò như một nhân tố trung lập mà các nước ASEAN có thể tăng cường mối liên kết, bởi Ấn Độ là đối tác chiến lược nhưng chưa bao giờ thực sự trở thành đồng minh của Mỹ và đang có tranh chấp với Trung Quốc. Vì vậy, các nước ASEAN có thể lựa chọn Ấn Độ nhằm đa phương hoá hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh-quốc phòng nhằm tránh việc quá phụ thuộc vào một nước nhất định. Như vậy, với sự tham gia của Ấn Độ, cục diện tại khu vực Đông Nam Á ngày càng khó lường hơn.
Tuy nhiên, các hành động của Ấn Độ cũng có thể làm phức tạp hoá các vấn đề trên biển Đông khi triển khai một loạt các hoạt động ngoại giao với các nước ở khu vực trong thời gian gần đây, ví dụ như tăng cường hợp tác quốc phòng giữa ba nước Mỹ – Ấn Độ – Philippines, Thủ tướng Ấn Độ thăm chính thức Mỹ, Ấn Độ mở văn phòng quân sự tại Philippines, v.v. Các hành động đó đều vấp phải những phản ứng gay gắt từ Trung Quốc, thái độ của Bắc Kinh làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực. Việc tăng cường hợp tác về quốc phòng của Ấn Độ với các nước Đông Nam Á cũng làm dấy lên nỗi lo ngại của Trung Quốc trong vấn đề “Lưỡng nan Malacca” – chỉ tình trạng dễ bị tổn thương của Trung Quốc nếu bị Mỹ và các đồng minh cắt đứt tuyến đường thương mại quan trọng nhất ở vùng biển hệp giữa Singapore và Malaysia. Cộng thêm khả năng phong toả eo biển Sunda và Lombok của Indonesia – hai eo biển chiến lược khác, Trung Quốc có thể buộc phải suy nghĩ lại các chiến dịch quân sự trong tương lai[21].
Dự báo trong tương lai
Trong tương lai gần, các nước Đông Nam Á có thể chứng kiến sự hợp tác ngày càng sâu sắc hơn giữa Ấn Độ với Mỹ cũng như với các đồng minh Châu Á của Mỹ. Chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” của Mỹ và chiến lược “Hành động phía Đông” của Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng về lợi ích thông qua việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Ấn Độ có thể thông qua việc phối hợp với Mỹ và các đồng minh trong giải quyết các vấn đề tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng, qua đó từng bước nâng cao sức mạnh và tầm ảnh hưởng quốc tế của mình, tạo động lực cho việc hiện thức hoá tham vọng trở thành siêu cường trong tương lai. Một trong những cơ chế tiêu biểu mà Ấn Độ đang thúc đẩy là Bộ tứ Kim cương (QUAD) với sự tham gia của Mỹ – Nhật Bản – Australia – Ấn Độ. Tuy nhiên, trước nguy cơ vấp phải những phản ứng từ Trung Quốc, các nước ASEAN vẫn còn có thái độ khá thận trọng với QUAD. Mặc dù vậy, ASEAN dường như đã trở nên ủng hộ nhóm này hơn khi QUAD đã liên tục cam kết hỗ trợ cho ASEAN và tập trung vào các vấn đề an ninh ít nhạy cảm hơn như an ninh y tế và biến đổi khí hậu[22], những vấn đề sẽ ít có khả năng vấp phải phản ứng đến từ Trung Quốc. Mặc dù vẫn còn hạn chế về các mặt hợp tác nhưng QUAD vẫn là công cụ hữu hiệu để Ấn Độ gia tăng sự ảnh hưởng về các vấn đề an ninh tại khu vực. Tuỳ thuộc vào mức độ quyết tâm với tham vọng trở thành cường quốc của mình, những hợp tác của Ấn Độ trong tương lai với các nước Đông Nam Á có thể không chỉ còn dừng lại ở chuyển giao tàu, các văn kiện hợp tác hay các cuộc tập trận mà còn nâng cấp lên thành các hoạt động thành lập các khối liên minh tương tự như QUAD nhưng do Ấn Độ đứng đầu chứ không chỉ còn là thành viên tham gia.
Hàm ý đối với Việt Nam
Tăng cường hợp tác với Ấn Độ giúp Việt Nam có thêm nhiều lựa chọn trong việc đa dạng các nguồn cung cấp vũ khí cho Việt Nam. Chủ trương của Việt Nam trong phát triển công nghệ quốc phòng bên cạnh việc tăng cường tự chủ công nghệ các vũ khí khí tài còn là đa phương hoá, đa dạng hoá các kênh hợp tác, mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài về sản xuất vũ khí trang thiết bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang[23]. Ấn Độ với mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” là một đối tác tin cậy mà Việt Nam có thể tăng cường hợp tác về quốc phòng nhằm đa dạng các nguồn vũ khí, vốn hiện tại vẫn chủ yếu có nguồn gốc từ Nga.
Không chỉ quốc phòng, Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác với Ấn Độ trên toàn diện các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hoá, v.v. để tương xứng với mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” của cả hai nước. Tận dụng thị trường hơn 1,4 tỷ dân của Ấn Độ và hơn 100 triệu dân của Việt Nam để gia tăng các hoạt động thương mại, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hoá giữa hai quốc gia, hai dân tộc, từ đó đưa mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn.
Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác tại Biển Đông, Việt Nam cần bạn bè quốc tế ủng hộ, trong đó có Ấn Độ. Mặc dù không có tranh chấp ở khu vực này song Ấn Độ có lợi ích kinh tế tại khu vực Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Trên nguyên tắc, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và tiếp cận tài nguyên trên Biển Đông. Việt Nam cần tranh thủ quan điểm của Ấn Độ về việc ủng hộ lập trường, nguyên tắc về tự do hàng hải và hàng không trên Biên Đông và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế (UNCLOS 1982); ủng hộ việc ASEAN cùng Trung Quốc xây dựng COC; ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về tranh chấp trên Biển Đông; ủng hộ ASEAN là trung tâm trong cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc gia tăng hợp tác an ninh hàng hải với Ấn Độ cũng là một cách để Việt Nam củng cố chủ quyền quốc gia dân tộc ở vùng biển này, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả quan hệ Việt Nam – Ấn Độ ở cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông[24].
Bên cạnh đó Việt Nam cũng cần tiếp tục chính sách đối ngoại linh hoạt, hài hoà lợi ích với các nước lớn nhằm đảm bảo tối đa lợi ích của quốc gia dân tộc. Tiếp tục vận động, thúc đẩy các cơ chế sẵn hay đi đầu thiết lập các cơ chế mới nhằm tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ với các nước ASEAN. Trong những năm qua xuất hiện nhiều khó khăn hơn trong hợp tác giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Có thể kể tới như sự chậm trễ trong việc hoàn thành đường cao tốc ba bên Ấn Độ – Myanmar – Thái Lan (dự kiến hoàn tất từ năm 2020), dự án giao thông và vận tải đa phương thức Kaladan và dịch vụ xe buýt Moreh – Mandalay[25], nếu tiếp tục để tình trạng trì trệ trong các dự án hợp tác giữa hai bên xảy ra có thể ảnh hưởng đến niềm tin chính trị giữa các quốc gia, từ đó tác động không nhỏ đến các cam kết, hợp tác trong tương lai.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tích cực đưa ra những sáng kiến, giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN. Trong thập niên qua, kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ luôn cao hơn kim ngạch xuất khẩu sang các nước ASEAN, khiến thâm hụt thương mại của Ấn Độ với ASEAN tăng gấp 4 lần, từ 5 tỷ USD giai đoạn 2010-2011 lên tới gần 22 tỷ USD giai đoạn 2018-2019. Nguyên nhân xuất phát từ những hạn chế của FTA Ấn Độ – ASEAN. Những hạn chế này có thể được khắc phục nếu Ấn Độ tham gia RCEP, tạo ra khu vực tự do hóa thương mại lớn nhất thế giới giữa Ấn Độ với 10 nước ASEAN và 5 đối tác thương mại là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và New Zealand. Mặc dù có nhiều lợi ích tiềm năng khi tham gia RCEP, song Ấn Độ hiện từ chối tham gia hiệp định này. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là bởi Ấn Độ quan ngại việc hàng hóa của Trung Quốc tràn vào Ấn Độ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường việc làm trong nước[26].
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Tham khảo:
[1] Nguyễn Xuân Trung (2021), “Vai trò của Ấn Độ với sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Tạp chí Cộng sản, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/823146/vai-tro-cua-an-do-doi-voi-su-dinh-hinh-cau-truc-khu-vuc-an-do-duong—thai-binh-duong.aspx#
[2] Chí Thành (2021), “Đông Nam Á trong chiến lược của Ấn Độ”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/dong-nam-a-trong-chien-luoc-cua-an-do
[3] Chí Thành (2021), tldd
[4] Derek Grossman (2023), “India Is Becoming a Power in Southeast Asia”, Nghiên cứu quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2023/07/19/vai-tro-va-anh-huong-ngay-cang-lon-cua-an-do-o-dong-nam-a/
[5] Krishn Kaushik (2023), “In a first, India gifts active warship to Vietnam”, Reuters, https://www.reuters.com/business/aerospace-defense/first-india-gifts-active-warship-vietnam-2023-06-28/
[6] Dũng Hoàng (2023), “Ấn Độ chuẩn bị chuyển giao tàu hải quân cho Việt Nam”, VTC, https://vtc.vn/an-do-chuan-bi-ban-giao-tau-hai-quan-cho-viet-nam-ar805036.html
[7] Dinakar Peri (2023), “Missile boat Kirpan decommissioned from Indian Navy, handed over to Vietnam as gift”, The Hindu, https://www.thehindu.com/news/national/missile-boat-kirpan-decommissioned-from-indian-navy-handed-over-to-vietnam-as-gift/article67109703.ece
[8] Toplist (2023), Top 9 tàu chiến mạnh nhất Hải quân Việt Nam, https://toplist.vn/top-list/tau-chien-manh-nhat-hai-quan-viet-nam-21989.htm
[9] Dinakar Peri (2023), tldd
[10] Báo mới (2023), Ấn Độ, Philippines nhất trí khởi động đàm phán Hiệp định thương mại ưu đãi song phương, https://baomoi.com/an-do-philippines-nhat-tri-khoi-dong-dam-phan-hiep-dinh-thuong-mai-uu-dai-song-phuong/c/46244359.epi
[11] Ngân Hà (2023), “Ấn Độ và Philippines cam kết hợp tác mạnh mẽ hơn để đối phó với Trung Quốc ở biển Đông”, Tri thức VN, https://trithucvn.org/the-gioi/an-do-va-philippines-cam-ket-hop-tac-manh-me-hon-de-doi-pho-voi-trung-quoc-o-bien-dong.html
[12] Derek Grossman (2023), “India Is Becoming a Power in Southeast Asia”, Nghiên cứu quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2023/07/19/vai-tro-va-anh-huong-ngay-cang-lon-cua-an-do-o-dong-nam-a/
[13] Lê Quang Mạnh, Trịnh Thị Hoa (2022), “Biển Đông trong chiến lược an ninh quốc phòng của Ấn Độ và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam hiện nay”, Học viện chính trị Công an Nhân dân, http://hvctcand.edu.vn/nghien-cuu-quoc-te/bien-dong-trong-chien-luoc-an-ninh-quoc-phong-cua-an-do-va-mot-so-ham-y-chinh-sach-doi-voi-viet-nam-hien-4493#.
[14] Lê Quang Mạnh, Trịnh Thị Hoa (2022), tldd
[15] Thái Hà (2022), “Trung Quốc – Ấn Độ nỗ lực ổn định tình hình biên giới”, Công an nhân dân, https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/trung-quoc-an-do-no-luc-on-dinh-tinh-hinh-bien-gioi-i678731/
[16] Hồng Nhung (2023), “Ấn Độ gia tăng vị thế mới đối với các quốc gia Đông Nam Á”, Tổ quốc, https://toquoc.vn/an-do-gia-tang-vi-the-moi-doi-voi-cac-quoc-gia-dong-nam-a-2023022716430557.htm
[17] Nguyễn Xuân Trung (2021), tldd
[18] Nguyễn Xuân Trung (2021), tldd
[19] Mỹ Hạnh (2023), “Diễn tập Hàng hải ASEAN – Ấn Độ khai mạc tại Singapore”, Báo Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/dien-tap-hang-hai-asean-an-do-khai-mac-tai-singapore-726835
[20] PV (2023), “Kết thúc Diễn tập Hàng hải ASEAN – Ấn Độ 2023”, VOV, https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/ket-thuc-dien-tap-hang-hai-asean-an-do-2023-post1018930.vov
[21] Derek Grossman (2023), tldd
[22] Sarah Teo (2022), “The Quad and ASEAN – where to next?”, East Asia Forum, https://www.eastasiaforum.org/2022/06/25/the-quad-and-asean-where-to-next/
[23] “Việt Nam chủ trương phát triển CNQP tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực sản xuất vũ khí chiến lược” (2022), Xây dựng chính sách, pháp luật, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/viet-nam-chu-truong-phat-trien-cong-nghiep-quoc-phong-dat-trinh-do-tien-tien-hien-dai-du-nang-luc-san-xuat-vu-khi-chien-luoc-119221209131217072.htm
[24] Lê Quang Mạnh, Trịnh Thị Hoa (2022), tldd
[25] Chí Thành (2021), tldd
[26] Chí Thành (2021), tldd