Đầu tháng 7/2024, Công đảng đã tận dụng và lèo lái được cảm giác ngán ngẩm của cử tri Anh đối với giới bảo thủ cầm quyền – thậm chí cả đối với các thành phần doanh nghiệp – và giành được đa số rộng rãi tại Nghị viện Anh trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng. Chiến thắng vang dội dù không tạo được nhiều hung phấn và kỳ vọng trong cử tri, tân Thủ tướng Anh, Keir Starner, đang đối diện thách thức tái thiết các dịch vụ công và vạch ra một hướng đi rõ ràng cho nước Anh sau Brexit.
Sau thất bại nặng nề trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019, Công đảng Anh hồi đầu tháng 7 đã giành được một trong những chiến thắng bầu cử vang dội nhất trong lịch sử của mình nếu xét tới khía cạnh số ghế nghị sĩ thu về. Chính đảng này giành được đa số tuyệt đối tại cơ quan lập pháp lâu đời của Anh với 412 ghế (tăng 211 ghế so với lần trước), kết quả vượt trội so với đối thủ chính là đảng Bảo thủ – 121 ghế (giảm tới 250 ghế so với lần trước). Trong khi đó, phe tự do – dân chủ giành được bước tiến quan trọng với 71 ghế (tăng 63 ghế). Kết quả của Công đảng dưới sự dẫn dắt của Keir lần này chỉ kém 6 ghế so với chiến thắng lịch sử của Công đảng mới của Tony Blair năm 1997. Có thể nói đây là một kết quả bầu cử ngoại lệ của chính đảng lâu đời này.
Như vậy giờ đây, Công đảng đang “rộng đường” để triển khai chính sách đoạn tuyệt với 14 năm cầm quyền liên tục của đảng Bảo thủ, giai đoạn được đánh dấu bởi sự gia tăng đáng kể tình trạng bất bình đẳng tại “xứ sở sương mù”. Tỷ lệ nghèo đói, đặc biệt là ở trẻ em, hiện tại của nước Anh thậm chí có thể so sánh với thời kỳ hậu chiến. Các dịch vụ công ít được quan tâm và trong nhiều trường hợp đang bị hủy hoại: Dịch vụ Y tế quốc gia, một dịch vụ công được trang trải toàn bộ bằng tiền thuế, đang “hấp hối”; các trường học công xuống cấp và nhiều cơ sở đã buộc phải đóng cửa; trong khi quá trình tư hưu hóa hệ thống đường sắt là một “thất bại toàn tập” tới mức ông Keir Starmer đã phải cam kết tái quốc hữu hóa dịch vụ này.
Các chính sách cắt giảm thuế cho giới doanh nghiệp và khối người giầu có nhất đã làm cạn kiệt nguồn lực của Nhà nước. Quá trình Brexit hay ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã bần cùng và cô lập ngoại giao nước Anh, đồng thời làm phức tạp hóa dòng lưu thông vận tải con người giữa đảo quốc này với phần châu Âu lục địa. Hơn 60% người dân Anh giờ đây cho rằng rời bỏ EU là một sai lầm nghiêm trọng. Brexit đã gây ra tình trạng xáo động liên miên tầng lớp lãnh đạo chóp bu của Chính phủ, với 4 vị thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ thay nhau cầm quyền từ năm 2016. Điển hình trong số này là bà Liz Truss, người đứng đầu ngạch hành pháp được 49 ngày trước khi bị “hạ bệ” sau khi áp dụng chính sách cắt giảm ngân sách cấp tiến và thiếu hợp lý tới mức cả các thị trưởng tài chính phải hoảng sợ.
Chính trong bối cảnh “chìm xuồng” này của phe Bảo thủ mà Keir Starmer, thủ lĩnh Công đảng từ năm 2020, đã đoạn tuyệt với trường phái Corbyn. Bước đi này đã làm yên lòng một bộ phận cử tri từng bất mãn với cách hoạt động không chuyên và xoay trục thiên tả của bộ máy Corbyn. Có thể nói rằng Brexit không diễn ra một cách ngẫu nhiên. Đó là kết quả của nhiều năm các phương tiện truyền thông và một bộ phận lớn cử tri dịch chuyển sang quan điểm hữu khuynh trong các vấn đề liên quan tới nhập cư và an ninh. Starmer, một luật sư xuất thân và trưởng thành từ bộ phận tả khuynh ôn hòa trong Công đảng, đã tung ra các quân bài về tính nghiêm túc trong công việc, khả năng cạnh tranh kinh tế và tính chân thật, những giá trị từng bị cánh bảo thủ – những người vẫn tiếp tục quá trình thiên hữu sau Brexit – chà đạp nặng nề.
Chiến lược mang tính thận trọng này không tạo ra cảm giác hào hứng, trên thực tế, Công đảng đã thụt lùi về tổng số phiếu tuyệt đối so với cuộc bầu cử năm 2017, nhưng đã làm yên lòng và lôi kéo được bộ phận cử tri đang ngày càng “kháng bảo thủ” quyết liệt hơn và quyết định trừng phạt phe “Tory” (tên gốc và biệt danh của đảng Bảo thủ) truyền thống tại các hòm phiếu.
Starmer đã thực hiện chiến dịch tranh cử với cam kết trả lại tính vững chắc cho các dịch vụ công mà không làm tổn hại quá nhiều giới tư bản. Ông cũng tuyên bố không “cài số lùi” cho quá trình Brexit đang ngày càng mất lòng dân, một lập trường cẩn trọng quá mức bị các nhà phê bình thiên tả cả trong và ngoài chính đảng của ông nghi hoặc.
Những không phải những đề xuất tả khuynh được đo lường kỹ lưỡng của ông đã hạ bệ uy tín của Corbyn trong đa phần cử tri của Công đảng, mà chính chính trị gia này đã “tự hủy” với một hình ảnh gây bối rối và yếu ớt trong vai trò lãnh đạo nhà nước cùng với những quan điểm bài Do Thái gây tranh cãi. Trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả đều trở nên phức tạp. Bị các đối thủ chính trị bôi đen và bất lực trong việc gây dựng đoàn kết nội bộ trong đảng, Corbyn đã trở thành một ứng viên không có tương lai. Nhưng nếu Starmer được bầu chọn, thì là theo cách cũng không khơi dậy được kỳ vọng và hào hứng dân túy như Tony Blair năm 1997, cho dù vị cựu Thủ tướng Anh khi đó xuất thân từ phe cánh hữu trong Công đảng. Chiến thắng lần này của Công đảng chủ yếu đến từ làn sóng phản đối gay gắt không thể chống lại nhắm vào “Tory” từ đại bộ phận cử tri, khi nhận định họ là những kẻ bất lực, tham nhũng, phân biệt chủng tộc và cực đoan. Kể từ chính phủ Boris Johnson trở về sau, các cử tri Anh quốc đã dứt khoát rũ bỏ một chính phủ của những “trọc phú” không trung thực.
Tuy nhiên, chiến thắng ngoại lệ vừa qua vẫn phơi bầy những điểm yếu đáng lo ngại với Công đảng. Chính đảng này giành được tới 2/3 số ghế nghị sĩ nhưng chỉ đạt được 34% tổng số phiếu bầu. Sự khác biệt giữa số phiếu tuyệt đối và tỷ lệ đại diện trong nghị viện là chưa từng có tiền lệ. Chính hệ thống lựa chọn bằng đa số đơn giản này đã góp phần tạo ra sự méo mó trên, làm mờ đi nhu cầu cấp bách về một cơ chế đa đảng thay cho thế lưỡng đảng thuộc về quá khứ, khi cuộc chơi chỉ hầu như chỉ là giữa đảng Bảo thủ và Công đảng. Sau sự bứt phá của Đảng Dân tộc Scotland (SNP) theo đường lối độc lập vài năm trước, các Đảng Xanh và đảng Cải cách nước Anh (đảng Brexit trước đây và theo đường lối cực hữu) cũng trở thành những nhân vật mới trên sân khấu chính trị. Những đảng này nhận được sự ủng hộ khá mạnh mẽ từ quần chúng, nhưng lại không giành được quyền đại diện tương ứng trong nghị viện do hệ thống bầu cử, vốn ưu tiên các chính đảng truyền thống.
Công đảng giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử lần này vì biết tập trung vào những khu vực bầu cử nơi phe bảo thủ vốn chỉ giữ lợi thế mong manh – hay còn được gọi là các ghế nghị sĩ ngoại vi – và thắng cử trong hầu hết các trường hợp này. Cần nhớ rằng năm 2017, Công đảng dưới sự dẫn dắt của Corbyn còn giành được nhiều phiếu bầu hơn của Starmer năm 2024, cả về tỷ lệ tương đối (40%) lẫn tổng số phiếu tuyệt đối (23 triệu phiếu), nhưng khi đó họ chỉ giành được lượng phiếu bầu kỷ lục tại những khu vực cử tri truyền thống của Công đảng còn rất thiếu hiệu quả trong cuộc chiến với các ghế nghị sĩ ngoại vi, dẫn tới kết quả là chỉ giành tổng cộng 262 ghế nghị sĩ. Hơn nữa, năm 2017, kết quả bầu cử của đảng Bảo thủ là khả quan hơn rất nhiều so với con số nghèo nàn mà họ gặt hái trong cuộc bầu cử vừa qua: 42% tổng số phiếu bầu so với 23,7% của lần này.
Chính phủ mới của Công đảng được hưởng thế thống trị hầu như tuyệt đối tại nghị viện, nhưng về mặt chính trị lại không có đượt ưu thế triệt để như vậy. Đó là chưa kể trong cuộc bầu cử vừa qua, họ cũng thất bại tại một số khu vực bỏ phiếu vốn có thời gian dài “thuộc về” Công đảng: họ đã bị đánh bại bởi các ứng cử viên độc lập tại Blackburn, Dewsbury & Batley, và Leicester. Những khu vực bỏ phiếu này có lượng cư dân theo Hồi giáo khá lớn và những cử tri này đã trừng phạt Starmer vì những gì họ coi là một lập trường ủng hộ Israel thái quá.
Wes Streeting, một chính trị gia cộm cán của Công đảng và Bộ trưởng Y tế tương lai (một vị trí rất nhậy cảm về chính trị tại Anh), đã suýt bị đánh bại tại một khu vực cử tri truyền thống của Công đảng. Ông chỉ giữ được ghế nghị sĩ của mình với cách biệt 528 phiếu bầu trước một ứng cử viên độc lập gốc Palestine. Một lần nữa, thái độ ủng hộ Israel đã làm tổn hại vị nghị sĩ này. Jeremy Corbyn, nghị sĩ đại diện cho Bắc Islington (thuộc London) từ năm 1983, đã ứng cử với tư cách độc lập và đánh bại ứng cử viên chính thức của Công đảng, một chính trị gia mới nổi tới từ cánh hữu của đảng.
Sự nổi lên của Cải cách nước Anh, dưới sự dẫn dắt của Nigel Farage – người cũng đắc cử nghị sĩ – cuối cùng lại là một sự trợ giúp đắc lực cho Công đảng. Chính đảng mới theo tư tưởng cực hữu này đã giành giật một số lượng đáng kể phiếu bầu của phe bảo thủ. Với 14% số phiếu bầu và 4 ghế nghị sĩ, Cải cách nước Anh đã trở thành “tay chơi” mới trong làng chính trị, và giờ đây nước Anh đã có một chính đảng cực hữu có tên tuổi rõ ràng, tương tự như Tập hợp quốc gia (Pháp) và Huynh đệ Italy (Italy) tại châu Âu lục địa. Tuy nhiên, chính đảng này rất có thể sẽ nhanh chóng đe dọa “lãnh địa” của Công đảng tại các khu vực cử tri công nhân phía Bắc nước Anh. Thêm vào đó là việc Công đảng đã không gia tăng được lượng phiếu bầu ủng hộ mình tại xứ Anh (England) so với năm 2019, và chỉ chiếm được vị thế thốn trị tại Scotland nhờ vào sự sụp đổ vị thế nhanh chóng của SNP sau nhiều vụ bê bối và hao mòn chính trị khi cầm quyền.
Công đảng sẽ cầm quyền trong thế phải che chắn cả từ cánh tả (với lực đẩy từ Đảng Xanh, khá được lòng giới trẻ) và từ cánh hữu (trước phe Bảo thủ cực đoan và Cải cách nước Anh). Starmer sẽ phải chỉnh sửa các dịch vụ công đã bị hủy hoại dưới thời chính quyền Bảo thủ, trước hết là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và nhà ở. Ông cũng phải quan tâm nghiêm túc tới những đòi hỏi của các cử tri đại chúng trong những vấn đề nhập cư và an ninh. Giải pháp sẽ không thể là những chính sách đàn áp và dân túy như cửa những nhà cầm quyền bảo thủ tiền nhiệm, mà phải là một câu trả lời mang tính tiến bộ hơn cho các vấn đề cấp thiết này.
Nếu Starmer không đáp ứng được những kỳ vọng phổ quát này, chiến thắng vang dội với đa số áp đảo trong nghị viện sẽ chỉ là một ngôi sao băng trong lịch sử bầu cử nước Anh. Nếu Công đảng của tân Thủ tướng Starmer thất bại, một đảng Bảo thủ còn cực đoan hơn, với sự trợ lực từ phe cực hữu, rất có thể sẽ trở lại chỉ sau 5 năm tới./.
Biên dịch: Uyển My
Tác giả: Philippe Marliere là Giáo sư chính trị Pháp và châu Âu tại Đại học London
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]