Ngày 14/12/2024, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol liên quan ban bố thiết quân luật hôm 3/12 với 204/300 phiếu ủng hộ. Việc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon không là điểm kết thúc của câu chuyện. Ngược lại, vụ việc sẽ mở ra vô vàn kịch bản tiếp theo tại chính trường Hàn Quốc. Những sự thay đổi đó dù nhỏ hay lớn đều dẫn đến nhiều tác động đến xứ sở kim chi cũng như quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và các nước trong thời gian sắp tới.
Những diễn biến bất ổn trong chính trường Hàn Quốc vừa qua
Ngay sau cuộc bầu cử Tổng Thống lần thứ 20 của xứ sở Kim Chi bầu ông Yoon Suk-yeol làm Tổng Thống thứ 13 của Hàn Quốc, những sóng gió ngay lập tức bao phủ lên chính trường đất nước này khi đảng cầm quyền Quyền lực Quốc dân (PPP) của ông Yoon chỉ giành được 114/300 ghế tại Quốc hội khóa 21 của Hàn Quốc. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi Quốc hội khóa 22 (năm 2024) của Hàn Quốc được bầu với ưu thế tuyệt đối của phe đối lập, họ đã dành được 192/300 ghế của Quốc hội.
Sau 5 tháng cầm quyền, Chính phủ của ông Yoon Suk-yeol đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Đảng đối lập. Toàn bộ các nghị sỹ của đảng DP đang chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội đã không tham dự phiên họp lúc 10h sáng 25/10/2022 để phản đối bài phát biểu về ngân sách mà Tổng thống trực tiếp đọc trước Quốc hội. Trước khi ông Yoon có bài phát biểu, các nghị sỹ đảng đối lập DP đã tập trung tại khu vực sảnh chính của Quốc hội cho rằng không thể tham gia phiên họp trong bối cảnh chính quyền “đàn áp đảng đối lập và phủ nhận cơ quan lập pháp trong khi nhắm mắt làm ngơ trước sinh kế của người dân.”
Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc ngày 25/10/202 đã tiến hành tẩy chay sự kiện Tổng thống Yoon Suk-yeol phát biểu tại Quốc hội về việc chuẩn bị ngân sách năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của Hàn Quốc, một đảng đối lập tẩy chay tham gia vào sự kiện diễn văn của Tổng thống.
Ngay lập tức, đảng cầm quyền Quyền lực Quốc dân (PPP) lên án mạnh mẽ động thái tẩy chay sự kiện của đảng đối lập, cho rằng đảng Dân chủ “coi thường trật tự hiến pháp, từ bỏ dân sinh.”
Đảng cầm quyền chỉ trích đảng đối lập lợi dụng vị thế là đảng chiếm đa số ghế tại Quốc hội, tạo ra bi kịch trong lịch sử lập hiến, chối bỏ trách nhiệm cơ bản của các nghị sỹ Quốc hội. Việc tẩy chay sự kiện Tổng thống phát biểu về ngân sách nhằm để bảo vệ cho Chủ tịch đảng là ông Lee Jae-myung.
Tiếp đó, ngày 9/12/2022, Quốc hội Hàn Quốc đã không thể triệu tập phiên họp toàn thể theo đúng lịch trình do bất đồng ý kiến về nhiều vấn đề trong đó có việc thông qua dự thảo ngân sách tài khóa 2023. Sáng 9/12/2022, đại diện đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền Joo Ho-young và đại diện đảng Dân chủ (DP) đối lập chính Park Hong-keun, cùng Chủ tịch Ủy ban chính sách của 2 đảng đã họp với Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho. Các bên cũng đã tiếp tục tiến hành cuộc họp với Chủ tịch Quốc hội Kim Jin-pyo song không tìm được tiếng nói chung.
Sau 3 năm cầm quyền, ông Yoon Suk-yeol đã 12 lần phủ quyết các dự luật được quốc hội thông qua, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử Hàn Quốc, trong đó có dự luật về điều tra các cáo buộc chống lại đệ nhất phu nhân. Quốc hội cũng cho thấy họ không sẵn sàng thông qua những dự luật của tổng thống và đã đệ trình 22 kiến nghị luận tội chống lại quan chức chính phủ kể từ tháng 5/2022. Tính đến tháng 01/2024, chỉ 29,2% các đề xuất do nội các của ông đệ trình lên quốc hội được thông qua, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Nhà bình luận chính trị Kim Joonil nhận xét tình trạng này khiến Tổng thống Yoon “dường như cảm thấy bị cô lập” và bị phe đối lập thách thức quyền lực của mình.
Ngày 29/11/2024, các đảng đối lập đơn phương thông qua đề xuất cắt giảm ngân sách tại Ủy ban đặc biệt về ngân sách của Quốc hội Hàn Quốc. Ông Yoon nói cắt giảm ngân sách sẽ làm suy yếu các chức năng thiết yếu của chính phủ, bao gồm phòng chống tội phạm ma túy và các biện pháp đảm bảo an toàn công cộng. Tiếp đó, ngày 01/12 Đảng Dân chủ (DP) – đảng đối lập chính chiếm nhiều ghế nhất tại Quốc hội Hàn Quốc – công bố kế hoạch đệ trình đề xuất cắt giảm ngân sách cho năm tới tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 02/12. Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) – đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon và chỉ chiếm 108/300 ghế tại Quốc hội nước này – yêu cầu Đảng DP xin lỗi trước và rút lại đề xuất.
Cũng trong ngày 2/12, các kiến nghị luận tội Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra (BAI) Choe Jae Hae và hai công tố viên, trong đó có Lee Chang Soo (được xem là đồng minh thân thiết của ông Yoon), được đưa ra tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Hàn Quốc, đã đẩy căng thẳng trong chính trường Hàn Quốc lên đến đỉnh điểm và dần đi vào “ngõ cụt” đối với chính quyền của ông Yoon. Với một thông báo vào đêm khuya ngày 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã huy động lực lượng quân đội để giải quyết tình trạng bế tắc trong chính trường. Ông đã tuyên bố một hình thức thiết quân luật toàn diện, bao gồm việc đóng cửa các đảng phái chính trị, quốc hội và phương tiện truyền thông tự do. Cách lựa chọn giải quyết các nan đề này đã đẩy chính trường Hàn Quốc đi vào khủng hoảng trầm trọng.
Bên cạnh những khó khăn trên nghị trường, ông Yoon đã gây nhiều tranh cãi khi quyết định chuyển văn phòng tổng thống khỏi Nhà Xanh đến tòa nhà Bộ Quốc phòng tại quận Yongsan, trung tâm thủ đô Seoul. Điều này không chỉ gây tốn kém về ngân sách mà còn làm dấy lên những lo ngại về an ninh và nhận được rất ít ủng hộ từ công chúng. Một số chính trị gia đối lập còn cáo buộc ông Yoon đưa ra quyết định dựa trên lời khuyên của thầy phong thủy vì cho rằng vị trí của Nhà Xanh không tốt, phớt lờ vấn đề chi phí và an ninh.
Chính phủ của ông cũng bị chỉ trích vì thiếu các biện pháp chuẩn bị, phòng ngừa sau khi lễ hội Halloween ở Itaewon năm 2022 biến thành thảm kịch giẫm đạp, khiến 158 người thiệt mạng.
Hàn Quốc năm nay đối mặt cuộc khủng hoảng ngành y với nhiều cuộc đình công của y bác sĩ nổ ra, sau khi chính phủ của ông Yoon đưa ra chương trình cải cách đào tạo, kêu gọi tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 người mỗi năm từ 2025. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ bác sĩ trên bệnh nhân thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Năm 2023, Hàn Quốc có 2,2 bác sĩ trên 1.000 bệnh nhân, thấp hơn mức trung bình của OECD. Bất chấp các cuộc đình công của hàng nghìn bác sĩ nội trú, chính phủ Hàn Quốc hồi tháng 5 vẫn phê duyệt kế hoạch tăng tuyển sinh khoảng 1.500 sinh viên tại các trường y vào năm 2025. Trong lệnh thiết quân luật ngày 3/12, ông Yoon yêu cầu nhân viên y tế đình công phải trở lại làm việc trong 48 giờ nếu không muốn chịu hình phạt theo luật quân sự.
Tổng thống Yoon cũng từng gây nhiều tranh cãi khi chọn bộ trưởng quốc phòng Lee Jong-sup làm đại sứ Hàn Quốc tại Australia. Quyết định được đưa ra khi ông Lee đang bị điều tra vì cáo buộc can thiệp cuộc điều tra binh sĩ Hàn Quốc chết đuối khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Công chúng cáo buộc ông Yoon cố gắng bao che cho đồng minh và quyết định nhanh chóng bị đảo ngược.
Trong những ngày trước cuộc bầu cử hồi tháng 4, ông Yoon đối mặt “bê bối hành lá”, một trong những sự việc khiến đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông đánh mất hy vọng giành lại thế đa số ở quốc hội từ tay đảng Dân chủ (DP) đối lập.
Trong sự việc, ông Yoon hồi tháng 3 ghé thăm siêu thị Hanaro Mart ở Seoul để kiểm tra giá hành lá, nhằm thể hiện nỗi thông cảm trước áp lực tài chính mà các gia đình bình thường Hàn Quốc đang đối mặt. Chuyến thăm được ông Yoon kỳ vọng sẽ giành được ủng hộ của công chúng, nhưng cuối cùng lại khiến họ nghi ngờ ông không thấu cảm với người dân. Ông Yoon khi thị sát kệ hành lá đã cho rằng mức giá 875 won (0,65 USD) một bó là hợp lý. Tuy nhiên, phe đối lập nhanh chóng chỉ ra rằng giá hành lá, một thực phẩm quan trọng trong các bữa ăn của người Hàn, trên thực tế cao gấp 3-4 lần và siêu thị này đã áp dụng chính sách giảm giá ngay trước chuyến thăm của ông.
Phát ngôn về giá hành lá của Tổng thống Yoon lập tức trở thành đề tài chế giễu trên mạng xã hội, khi nhiều người cho rằng ông xa rời thực tế và không hiểu rõ nhu cầu cơ bản của người dân. Các đối thủ chính trị của Tổng thống Hàn Quốc lập tức sử dụng hành lá làm vũ khí công kích đảng PPP trong các bài phát biểu vận động hay biểu tình. Ủy ban Bầu cử Quốc gia thậm chí cấm cử tri mang hành tới điểm bỏ phiếu vì cho rằng đây là hành động “can thiệp bầu cử”.
Đời sống riêng tư của gia đình ông Yoon Suk-yeol cũng được quan tâm một cách “đặc biệt”. Kênh YouTube Voice of Seoul hồi tháng 11 năm ngoái đăng video bà Kim gặp một mục sư người Mỹ gốc Hàn và được tặng chiếc túi hiệu Christian Dior có giá khoảng 3 triệu won (2.200 USD) vào tháng 9/2022. Chủ tài khoản kênh YouTube này đệ đơn khiếu nại lên cơ quan công tố Hàn Quốc, cáo buộc vợ chồng Tổng thống Yoon vi phạm đạo luật chống tham nhũng. Luật pháp Hàn Quốc cấm quan chức và vợ hoặc chồng nhận bất kỳ món quà nào giá trị hơn 750 USD.
Tổng thống Yoon bác bỏ video, cho rằng đây là “âm mưu chính trị” và vợ ông buộc phải nhận chiếc túi do không thể từ chối. Công tố viên Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra nhưng từ chối truy tố bà. Một số thành viên đảng PPP đã thúc giục Tổng thống và phu nhân xin lỗi để xoa dịu vấn đề. Tuy nhiên, bê bối đã đe dọa gây rạn nứt trong chính đảng của ông. Bà Kim cũng từng gây nhiều tranh cãi với cáo buộc trốn thuế, thao túng giá cổ phiếu, nhận tiền đút lót để tổ chức các triển lãm nghệ thuật và khai man sơ yếu lý lịch.
Sự kiện thiết quân luật đêm 03 và rạng sáng 04/12/2024, đã đẩy căng thẳng chính trường Hàn Quốc đi đến đỉnh điểm, đưa đất nước vào tình cảnh rối ren hơn bao giờ hết. Mọi tính toán của Tổng Thống Yoon dường như đã bị phá sản ngay rạng sáng ngày 04/12 khi không ngăn cản được Quốc hội đưa ra bãi bõ lệnh thiết quân luật. Ngày 14/12/2024, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, sinh mệnh chính trị của Tổng thống Yoon đang được đặt vào tay Tòa án Hiến pháp. Đây không phải là sự kiện đánh dấu sự kết thúc những mẫu thuẫn và căng thẳng của chính trị xứ Kim Chi, mà nó mở ra một tương lai đầy khó khăn cho Hàn Quốc, khi những hậu quả của sự kiện thiết quân luật vẫn còn đó.
Căn nguyên của vấn đề
Nhìn lại cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 20, ứng cử viên Tổng thống Lee Jae-myung đã thua cuộc với chỉ 0,73% số phiếu bầu cách biệt. Cuộc bầu cử này trở thành cuộc bầu cử có số phiếu chênh lệch thấp nhất trong lịch sử Hiến pháp Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng gọi cuộc bầu cử này là “cuộc bầu cử cả đôi bên đều thua cuộc”, “cuộc bầu cử tổng thống không được lòng dân”.
Đối mặt với bối cảnh chính trị “phân hóa” đồng đều như vậy, sau khi được bầu làm Tổng thống, Yoon Suk-yeol cũng từng đề xuất “tuân theo ý nguyện của người dân, thúc đẩy đoàn kết chính trị”. Nhưng bất kể là từ kết quả cuộc thăm dò dư luận hay từ hiện trạng tranh chấp Đảng phái hiện nay ở Hàn Quốc, chính trị Hàn Quốc càng ngày càng xa rời “đoàn kết”, sự phân cực chính trị ngày càng gia tăng.
Theo một cuộc thăm dò mới nhất đầu năm 2024 được công bố bởi Gallup Hàn Quốc, Yoon Suk-yeol nhận được 33% sự ủng hộ và 59% đánh giá tiêu cực. Mặc dù “0,73% chênh lệch” chỉ là kết quả của cuộc bầu cử tổng thống, nhưng lại là một phần thu nhỏ của tình hình chính trị Hàn Quốc, nơi đã bắt đầu một cuộc khủng hoảng mới.
Từ lâu, sự tranh giành quyền lực của các đảng phái, thậm chí ngay trong nội bộ các đảng đã trở thành nguyên nhân chủ yếu, tạo ra cục diện hỗn loạn trên chính trường Hàn Quốc. Bất kể là phe bảo thủ hay phe tiến bộ (tiến bộ và bảo thủ có ý nghĩa cụ thể, khác với việc nhấn mạnh thay đổi chung hay nhấn mạnh tiêu chuẩn phân chia truyền thống. Tiêu chuẩn phân chia tiến bộ và bảo thủ của Hàn Quốc bắt đầu từ trước và sau năm 2000, đều dựa trên thái độ đối với Triều Tiên và đối với Mỹ, “thân Triều xa Mỹ” là tiến bộ, “xa Triều thân Mỹ” là bảo thủ). Nội bộ chính đảng Hàn Quốc do sự khác biệt về quan niệm chính trị thường chia tách hoặc đổi tên, rất ít đảng phái chính trị tồn tại lâu dài.
Trong số đó, các nhà lãnh đạo đảng hay lãnh đạo chính trị là những nhân vật chủ chốt trong các tranh chấp phe phái. Sự thành bại của họ ảnh hưởng rất lớn đến bản thân chính đảng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Hàn Quốc thường xuyên “thanh trừ chính trị”. Các phe đối lập có thể thông qua thanh trừ cá nhân, tạo ra đòn “tấn công chính xác” cho chính đảng đối phương. Phương pháp này không chỉ chi phí thấp mà còn được chứng minh là rất hiệu quả. Tuy nhiên, nó cũng làm nảy sinh một mô hình đối nghịch cực đoan “thù địch chính trị” ở Hàn Quốc.
Việc đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon không thể chiếm đã số trong Quốc hội khóa 21 và 22 đã trở thành vấn đề cốt lõi trong những mẫu thuẫn trong nhiệm kỳ của ông Yoon. Những chính sách của Chính phủ liên tiếp bị bác bỏ và ngược lại các đề suất của Quốc hội cũng bị Tổng thống bác bỏ đã đưa chính trường xứ sở Kim Chi đi đến những căng thẳng khó có lối thoát.
Có thể thấy việc Tổng thống Yoon ban bố tình trạng thiết quân luật ngày 3/12 là một giọt nước tràn ly sau nhiều năm liền căng thẳng giữa chính quyền của ông với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.
Việc thiết quân luật đã được dỡ bỏ nhanh chóng có thể được ông Yoon sử dụng như một ví dụ cho thấy tinh thần “thượng tôn pháp luật” khi làm theo yêu cầu của Quốc hội và Hiến pháp. Tuy nhiên, nó khó có thể làm nguôi giận các nhà lập pháp đối lập và một bộ phận các nghị sĩ thuộc Đảng Quyền lực nhân dân, những người cũng cần chứng minh với cử tri rằng họ luôn lắng nghe ý kiến của người dân để giữ được ghế cho kỳ bầu cử tới.
Giờ đây, công việc của chính trường Hàn Quốc không chỉ tập trung cho luận tội Tổng thống, mà uy tín và vị thế của Hàn Quốc đang bị hoen ố. Công cuộc vãn hồi sau đêm 3/12 đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khi mà tác động của nó không kết thúc vào sáng ngày 4/12.
Tác động
Ngay sau khi lệnh thiết quân luật được ban bố, đồng won đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm và tài sản trong nước của Hàn Quốc trên thị trường nước ngoài đã giảm đáng kể. Theo thông tin mới nhất, giá trị giao dịch đồng won trên thị trường đã giảm xuống mức 1.442won/1USD. Chỉ số chứng khoán chuẩn của quốc gia, KOSPI đóng cửa ở mức 2.464 điểm, giảm 1,44%, hay 36,1 điểm, so với mức đóng cửa của phiên trước.
Trước tình trạng này, Bộ Tài chính Hàn Quốc đã phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp và ngay lập tức triển khai “thanh khoản không giới hạn” vào các thị trường tài chính nội địa nếu cần thiết, cho đến khi chỉ số cổ phiếu, trái phiếu, tài trợ ngắn hạn và ngoại tệ ổn định hoàn toàn. Bộ này cũng thành lập một nhóm giám sát 24/24 giờ, sẵn sàng phản ứng để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế. Ngân hàng Hàn Quốc cũng sẵn sàng cung cấp bất kỳ khoản vay đặc biệt nào để bơm tiền vào thị trường nếu cần.
Về mặt quốc tế, khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng ngắn hạn mà còn tiềm ẩn nguy cơ kéo dài, tác động tiêu cực đến vị thế kinh tế của quốc gia này trên trường quốc tế. Theo các chuyên gia, quyết định thiết quân luật của ông Yoon nhiều khả năng còn ảnh hưởng tới hình ảnh của Hàn Quốc trên trường quốc tế, bởi khi ông Yoon nhậm chức năm 2022, giới lãnh đạo phương Tây kỳ vọng ông có thể là đối tác đáng tin cậy trong thúc đẩy nền dân chủ. Do đó, quyết định vội vàng trên của ông Yoon đã làm tổn hại kỳ vọng này, gây hoài nghi về việc Hàn Quốc là một điểm đến ổn định cho các doanh nghiệp quốc tế. Điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Mỹ – Hàn khi ông Donald Trump nhậm chức.
Ông Trump vốn là người chú trọng đến khía cạnh kinh doanh và lợi ích tài chính trong quan hệ với Hàn Quốc, cho dù Seoul là đồng minh quan trọng hàng đầu của Washington. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump từng có những bất đồng với cựu Tổng thống Moon Jae In về thương mại và chi phí quốc phòng. Giáo sư Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul Mason Richey nhận định rằng: “Những gì diễn ra tại Hàn Quốc hiện nay sẽ tác động tiêu cực tới thị trường tài chính và tiền tệ, cũng như vị thế ngoại giao của quốc gia này trên thế giới. Lệnh thiết quân luật sẽ làm phức tạp các cuộc thảo luận về việc Hàn Quốc tham gia các nỗ lực ngoại giao đa phương”. Hơn nữa, tình hình bất ổn tại Hàn Quốc có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ với Triều Tiên luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Triều Tiên dường như đã chuẩn bị nền tảng cho một cuộc đối đầu quân sự mới với Hàn Quốc trong một thời gian, và họ có thể khởi xướng cuộc đối đầu đó vào thời điểm đặc biệt không thích hợp cho liên minh. Tuy nhiên, sự im lặng của Bình Nhưỡng cho đến nay cho thấy Triều Tiên sẽ chờ kết quả phán quyết của Tòa án Hiến pháp và cuộc bầu cử tổng thống mới tại Hàn Quốc trước khi hành động để tận dụng tình hình. Triều Tiên có thể nhận ra rằng việc theo đuổi một cuộc đối đầu với Han, tổng thống lâm thời, chỉ có thể củng cố vị thế của những người bảo thủ Hàn Quốc có xu hướng cứng rắn hơn với Triều Tiên. Trong khi đó, trước khi đi quá xa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể muốn có thời gian để thăm dò lập trường mới của Trump.
Một sự tan băng lớn trong quan hệ là không thể, ngay cả khi người Hàn Quốc bầu ra một tổng thống tiến bộ có xu hướng giao thiệp với Bình Nhưỡng, xét đến những động thái của ông Kim trong năm nay nhằm củng cố sự chia rẽ lâu dài giữa Bắc và Nam. Mặc dù một số nơi lạc quan về khả năng tái lập hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim vào năm 2025, nhưng không có nhiều khả năng sẽ đạt được kết quả. Rất nhiều thứ đã thay đổi trong bốn năm kể từ khi Trump rời nhiệm sở, và vị thế của Kim đã được củng cố theo những cách khiến khả năng ông sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ lớn, có ý nghĩa cho Washington hoặc Seoul trở nên ít hơn nhiều.
Dù lệnh thiết quân luật được nhanh chóng bãi bỏ, sự kiện này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính bất ổn có thể xảy ra tại Hàn Quốc, mang tới những tác động tiêu cực lâu dài đến uy tín quốc gia, thị trường tài chính cũng như lòng tin của người dân đối với Chính phủ. Thêm vào đó, các nhà phân tích cho rằng, sự kiện thiết quân luật không chỉ là một sự cố chính trị đơn thuần, mà còn là một dấu hiệu cho thấy những thách thức lớn đối với nền dân chủ Hàn Quốc, cũng như tương lai chính trị của Tổng thống Yoon Suk Yeol đang ở trong giai đoạn vô cùng khó khăn, với nguy cơ mất tín nhiệm và sự ủng hộ từ cả trong nước và quốc tế.
Ngày 14/12/2024, Quốc hội Hàn Quốc đã đạt đủ số phiếu cần thiết (204/300) để tiến hành luận tội Tổng thống Yoon và tiến trình luận tội ngay lập tức được khởi động. Tuy nhiên, cơn khủng hoảng của chính trường Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại đây. Nhiều kịch bản có thể sảy ra sau tiến trình này:
Tổng thống Yoon có thể vượt qua cuộc luận tội của tòa án Hiến pháp. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, trường hợp ông Yoon vượt qua được sự kiện này, ông ấy vẫn tiếp tục làm Tổng thống. Tuy nhiên, phe đối lập chiếm tới 192 ghế ở Quốc hội và có đến 12 Nghị sĩ của đảng cầm quyền bỏ phiếu để thông qua kiến nghị luận tội, điều này đồng nghĩa với việc, dù vẫn tiếp tục làm Tổng thống, ông Yoon khó có thể làm được gì nhiều ở những năm cuối của nhiệm kỳ của mình. Những mâu thuẫn trong nội bộ đảng cầm quyền sẽ khiến cho sức mạnh của đảng sẽ ngày một yếu đi và khó tồn tại đến kì bầu cử của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 23.
Trường hợp ông Yoon bị kết án: mọi thứ có thể phức tạp hơn nhiều. Một cuộc bầu cử sớm sẽ được tổ chức sau 60 ngày kể từ ngày ông Yoon bị kết án sẽ là một cuộc chạy đua đầy căng thẳng của chính phe đối lập. Sự đấu tranh trong nội bộ của các đảng phái sẽ đẩy chính trường Hàn Quốc vào một “cuộc chiến mới”, tình hình chính trường Hàn Quốc sẽ trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết.
Dù kịch bản nào có thể sảy ra thì lợi ích quốc gia của xứ sở Kim Chi đang bị tổn hại vô cùng lớn. Công cuộc vãn hồi hình ảnh, vị thế và khôi phục sự ổn định chính trị Hàn Quốc cho người lãnh đạo mới sẽ là gánh nặng vô cùng to lớn và được báo hiệu là vô cùng khó khắn và phải đưa ra được lời giải cho câu hỏi: Lợi ích đảng và lợi ích quốc gia.
Tác giả: Lục Đình Lộc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Những bê bối phủ bóng nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon (2024), https://vnexpress.net/nhung-be-boi-phu-bong-nhiem-ky-cua-tong-thong-yoon-4824016.html
2. Khủng hoảng chín trị tại Hàn Quốc: Liệu có chỉ là “cơn bão trong tách trà ” (2024), https://cand.com.vn/Chuyen-de/khung-hoang-chinh-tri-tai-han-quoc-lieu-co-chi-la-con-bao-trong-tach-tra-i752803/
3. Mâu thuẫn gay gắt giữa hai đảng PPP và DP trên chính trường Hàn Quốc (2024), https://www.vietnamplus.vn/mau-thuan-gay-gat-giua-hai-dang-ppp-va-dp-tren-chinh-truong-han-quoc-post825604.vnp?
4. Power Struggles and Polarization Plunge South Korea into Crisis (2024), https://www.asiapacific.ca/publication/power-struggles-and-polarization-plunge-south-korea-crisis
5. The global ripple effects of South Korea’s political turmoil (2024), https://www.atlanticcouncil.org/blogs/new-atlanticist/the-global-ripple-effects-of-south-koreas-political-turmoil/
6. Những hệ lụy sau lệnh thiết quân luật (2024), https://daibieunhandan.vn/nhung-he-luy-sau-lenh-thiet-quan-luat-post398442.html
7. Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol (2024), https://tuoitre.vn/quoc-hoi-han-quoc-thong-qua-kien-nghi-luan-toi-tong-thong-yoon-suk-yeol-20241214134329934.htm
8. Toàn cảnh vụ ông Yoon Suk Yeol trở thành Tổng thống Hàn Quốc thứ 3 vướng “ải luận tội” (2024), https://tuoitre.vn/toan-canh-vu-ong-yoon-suk-yeol-tro-thanh-tong-thong-han-quoc-thu-3-vuong-ai-luan-toi-20241214185953638.htm