Quyết định tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden đã làm dấy lên cuộc tranh luận tại khắp nước Mỹ về tầm quan trọng của tuổi tác các vị tổng thống: liệu một chính trị gia quá lớn tuổi có phải là một nguy cơ đối với nền dân chủ tự cho là “kiểu mẫu” này hay không? Độ tuổi 80 của vị tổng thống già nhất trong lịch sử nước Mỹ đang trở thành một đề tài sôi nổi trong chiến dịch tranh cử, khi có tới 70% người dân Mỹ, theo ước tính từ thăm dò, tin rằng ông Biden không nên ứng cử nhiệm kỳ 2 với mối lo ngại chính là tuổi tác.
Nhưng vấn đề là lựa chọn khả thi nhất còn lại, cũng theo các cuộc thăm dò, cũng không khả quan hơn nhiều: cựu tổng thống Donald Trump, người mà chưa bàn tới các ý tưởng chính trị, cũng đã sang tuổi 76. Nhà tâm lý học John Gartner viết trên tờ USA Today: “Ở tuổi của ông ta, có lẽ cha của Donald Trump đã phải tới bác sĩ thần kinh để khám về sức khỏe tâm thần”.
Hình ảnh lãnh đạo phe thiểu số đảng Cộng hòa tại Thượng viện, Mitch McConnell, 81 tuổi, bất động đột ngột trong một cuộc họp báo đã một lần nữa làm dấy lên câu hỏi liệu nên có một giới hạn về tuổi tác đối với các vị trí cầm quyền hay không?
Mỹ hiện tại là một đất nước bị phân chia giữa thế hệ “bùng nổ dân số” (giai đoạn “baby boom” từ 1946 – 1964 tại Mỹ), mà giờ đây vẫn đang già đi nhưng tiếp tục nắm giữ phần lớn quyền lực chính trị, kinh tế và xã hội, và một thế hệ trẻ đa văn hóa đang phát triển nhanh nhưng với sức nặng chính trị và kinh tế kém hơn nhiều. Có thể quan sát sự chia rẽ này qua khoảng cách thế hệ ngày càng lớn trong lập trường thái độ và cách ứng xử của người dân Mỹ.
McConnell chưa phải là người lớn tuổi nhất trong số các thượng nghị sĩ Mỹ, khi “danh hiệu” này thuộc về bà Dianne Feinstein, 90 tuổi; bên cạnh đó còn có Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Charles E.Grassley 89 tuổi và người từng là ứng cử viên tổng thống sơ bộ Bernie Sanders, 82 tuổi. Tại Hạ viện, nổi bật có Grace Napolitano với 86 tuổi, tiếp đó là Eleanor Holmes, Harold Rogers và Bill Pascrell, đều 85 tuổi. Mitch McConnell từng được lựa chọn làm lãnh đạo phe Cộng hòa vì vẫn “cùng trang lứa” với nhiều đồng nghiệp của mình. Thượng nghị sĩ Chuck Grassley ở tuổi 90 đã có thâm niên 43 năm tại cơ quan lập pháp này, nơi độ tuổi trung bình đang ở mức 65,3 tuổi. Cho dù Hạ viện mới trải qua một đợt trẻ hóa đội ngũ với tuổi trung bình thấp hơn, nhưng những vị trí cao nhất tại cơ quan này vẫn nằm trong tay thế hệ cũ.
Nhà nghiên cứu chính trị uy tín Samuel Hutington từng phát biểu: “Những lợi ích của một quốc gia phát sinh trực tiếp từ bản sắc của họ. Nhưng thiếu một kẻ thù thách thức thực sự, bản sắc Mỹ đã phân rã. Và khi thiếu một bản sắc quốc gia, Mỹ đã theo đuổi những lợi ích thương mại và sắc tộc như nền móng cho chính sách đối ngoại của mình”.
Ngay từ thủa ban đầu, người Mỹ đã xây dựng bản sắc của mình bằng những niềm tin đối nghịch với “kẻ khác lạ” phản diện, và các đối thủ của họ luôn được định nghĩa là kẻ thù của tự do và dân chủ. Có lẽ khác với đa phần các quốc gia khác, Mỹ dường như cần đối đầu với một đối thủ nào đó để duy trì bản sắc của mình.
Những ông chủ của nền dân chủ
Nền dân chủ Mỹ hiện tại đang đối diện những thách thức lớn: chủ nghĩa cực đoan, xu hướng độc đoán và tình trạng thông tin lệch lạc đang ngày càng gia tăng. Nước Mỹ đang trải qua thời kỳ xáo trộn chính trị chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Lần đầu tiên từ thời cận đại, tính vững chắc của hệ thống dân chủ bị đặt nghi vấn, và ngày càng có nhiều lo ngại về tương lai dân chủ của đất nước này.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều mong muốn về những cải cách cơ chế bầu cử để đảm bảo quyền bỏ phiếu và xác lập quyền hiến định đối với lá phiếu cử tri, về việc xóa bỏ hình thức phiếu bầu đại cử tri và thay thế bằng hình thức phổ thông đầu phiếu hay bỏ phiếu bầu chọn tổng thống trực tiếp, hay chí ít cũng giảm bớt khoảng cách về lượng phiếu đại cử tri giữa các bang lớn và các bang nhỏ; giới hạn kinh phí cho các hoạt động tranh cử và cải cách hệ thống tài chính bầu cử. Nhưng tới nay không đề xuất nào trong số này hội đủ mức đồng thuận cần thiết, và một số đề xuất còn đòi hỏi một tu chính án để điều chỉnh Hiến pháp, do đó gần như là bất khả thi.
Mỹ thường được quảng bá như một hình mẫu dân chủ trên thế giới. Và giờ đây thế giới sẽ tự hỏi đâu là hướng đi sắp tới của một đất nước đang lộ rõ 3 chiều khoảng cách ngày càng lớn trong xã hội: giới tính, địa lý và thế hệ. Nước Mỹ đang cần những chính sách công cho phép mọi công dân thực sự tham gia vào đời sống chính trị, nếu cần qua cả con đường kỹ thuật số, để thực hiện quyền bầu cử, dẫn dắt các sáng kiến xã hội và cân bằng tính đại diện trong các thể chế chính trị. Một nền dân chủ của người da trắng, với học vấn cao hơn và việc làm tốt hơn sẽ cho biểu thị một tầm nhìn rất nghèo nàn về thế giới.
Tại nước Mỹ, tình trạng bất bình đẳng giữa các khu vực lãnh thổ khác nhau đang gia tăng: có những thành phố hạng nhất và hạng hai, cũng như có những khu vực đô thị và không gian nông thôn. Tình trạng bất bình đẳng địa lý gây hiệu ứng rõ rệt về cơ sở hạ tầng (giao thông, giáo dục, bệnh viện, nước sạch, thu gom rác), các tổ chức có tác động xã hội thực sự (các mạng lưới trợ giúp xã hội và cả các băng nhóm tội phạm có tổ chức) và trong hành xử bầu cử (vận động bầu cử mang nhiều tính dân túy, định hướng vào các nhóm nhỏ có tác động lớn và không đáp ứng các nhu cầu phổ quát).
Khoảng cách thế hệ cũng ngày càng lớn hơn. Giới trẻ hội nhập muộn vào thị trường lao động và trong các điều kiện xấu, điều làm chậm quá trình trưởng thành về mặt xã hội và gia đình của họ. Thái độ ác cảm với hệ thống dân chủ cũng gia tăng, khi hệ thống này không đưa ra những giải pháp cho các vấn đề tức thì của giới trẻ. Mặt khác, quá trình số hóa đời sống xã hội để lại những nhóm người cao tuổi, với khả năng công nghệ hạn chế, phải phụ thuộc vào con cái để thực hiện những nhu cầu tối thiểu (ngân hàng, mua sắm siêu thị, chăm sóc sức khỏe).
Ý định tranh cử nhiệm kỳ mới của tổng thống Biden đã xác định khung cảnh tranh cử 2024 khi tái hiện cuộc đấu giữa 2 ông lão độ tuổi “cổ lai hi” năm 2020 với khác biệt, ngoài những diễn biến xã hội 4 năm qua cùng cuộc chiến tại Ukraine và cuộc thảm sát tại Gaza đang diễn ra, là giờ đây họ càng già hơn. Cuộc chiến tại Quốc hội để thông qua ngân sách và viện trợ cho Ukraine, những bất đồng với phe Cộng hòa về chính sách nhập cư và cuộc xung đột tại Trung Đông là những thách thức chính vẫn còn tồn động từ năm 2023 đối với chính quyền Biden.
Cuộc bầu cử 2024 hứa hẹn một viễn cảnh mà có lẽ tuyệt đại đa số cử tri Mỹ muốn tránh, với 2 ứng cử viên tổng thống già nhất trong lịch sử “xứ sở cờ hoa”. Thế nhưng sự già cỗi không chỉ nằm ở các ứng cử viên này mà còn nằm cả ở mô hình dân chủ Mỹ, mà mỗi ngày đều phơi bầy ra những dấu hiệu của sự lạc hậu và hao mòn.
Nhà kinh tế học Michael Roberts chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ đang trong thế suy giảm tương đối, với nền công nghiệp chế tạo bế tắc đất nước đối diện mối đe dọa từ sự vươn lên của Trung Quốc, điều buộc Washington phải phát động một số cuộc chiến trên thế giới để duy trì bá quyền của mình. Rất có thể năm 2024 sẽ là một năm nữa trong chuỗi “suy thoái dài” được khởi đầu từ cuộc “đại đình trệ” 2008 – 2009.
Nền dân chủ lâm nguy
Lời khẳng định nền dân chủ Mỹ đang lâm nguy không phải chỉ là câu nói suông. Ngày 6/1 vừa qua đánh dấu 3 năm cuộc bạo loạn lật đổ của hàng nghìn người ủng hộ cuồng tín của Donald Trump tại đồi Capitol nhằm can thiệp quá trình Quốc hội Mỹ phê chuẩn kết quả bầu cử tổng thống mà vị nguyên thủ tài phiệt này thất bại – kết quả mà cho tới giờ chính ông vẫn từ chối thừa nhận.
Hơn 140 cảnh sát bị thương trong khi một số kẻ cực đoan lùng tìm các nghị sĩ và thậm chí cả Phó tổng thống Mike Pence để “xử lý”. Kể từ đó, hơn 1230 kẻ tham gia vào cuộc tấn công đồi Capitol đã bị cáo buộc hình sự và biến đây trở thành cuộc điều tra hình sự diện rộng nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Bộ An ninh Nội địa và các cơ quan liên bang khác đã tuyên bố một trong các mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ nghiêm trọng nhất chình là nguy cơ từ các nhóm hữu khuynh cực đoan và chủng tộc thượng đẳng da trắng, đồng thời cảnh báo khả năng về những hành vi bạo lực trong quá trình tranh cử và bầu cử năm 2024.
Tương tự, Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) đã công bố trong tuần đầu tiên của năm mới kết quả thăm dò thường niên của họ với các chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ, và lần đầu tiên trong 16 năm tổ chức nghiên cứu này tiến hành khảo sát trên, một vấn đề nội bộ lọt vào 1 trong 3 nỗi lo chính cấp toàn cầu năm 2024: chủ nghĩa khủng bố trong nước và các hành động bạo lực chính trị.
Không ai có thể quên rằng chính Trump là người đã kích động âm mưu thực chất mang tính đảo chính này, và giờ đây ông vẫn tiếp tục dành danh xưng “những người ái quốc” cho các thành viên các nhóm cực hữu, sử dụng những lập luận phát-xít để đe dọa các đối thủ của mình, bao gồm cả Biden trong một thông điệp khi khẳng định nếu trở lại được Nhà Trắng, vị tài phiệt và cựu ngôi sao truyền hình thực tế này sẽ sử dụng chính phủ của mình để theo đuổi pháp lý đương kim tổng thống. Trump là ứng cử viên tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ tiến hành chiến dịch tranh cử khi đang đối mặt 4 tiến trình tố tụng hình sự, với tổng cộng 91 cáo buộc, và chưa kể các vụ kiện dân sự khác.
Trong một bài xã luận, nhật báo La Jornada của Mexico chỉ ra rằng những lời vận động tranh cử dân túy và dối trá hiện tại của Trump trên thực tế cũng không khác mấy so với lời kêu gọi bạo loạn và tái hiện âm mưu làm chệch hướng nền dân chủ vốn đã khiếm khuyết của Mỹ sau khi ông thất cử tháng 11/2020.
Khó lòng cứu vãn
Và những cuộc công kích qua lại giữa 2 chính trị gia cao niên này là những gì các công dân Mỹ đang nhận được, còn thực tế đáng buồn về đất nước đang trong ngưỡng khủng hoảng thì bị che dấu. Trong khi tổng thống Biden tuyên bố rằng chiến dịch tranh cử của ông sẽ tập trung vào việc bảo vệ nền dân chủ trước mối đe dọa hiện hữu của những kẻ độc đoán, thì người tiền nhiệm của ông ngâm nga rằng cuộc chiến của mình là để chống lại một cánh tả cấp tiến đã chiếm được quyền lực và đang đưa đất nước đến thảm họa.
Biden nhấn mạnh rằng sự thật đang bị tấn công tại Mỹ, và “Hệ quả là cả tự do, nền dân chủ và đất nước chúng ta cũng vậy. Một phong trào cực đoan mà cựu tổng thống Trump dẫn đầu đang muốn tước đoạt lịch sử”. Nhắc lại ký ức về cuộc tấn công đồi Capitol ngày 6/1/2021, Biden cảnh báo rằng đó chính là điều Trump hứa hẹn cho tương lai và tuyên bố rằng câu hỏi then chốt hiện tại là liệu nền dân chủ có còn là sự nghiệp thiêng liêng của Mỹ hay không.
Nhưng không phải tất cả những đảng viên Dân chủ đều phấn khích với Biden: bài diễn văn của ông tại Pensilvania bị ngắt quãng bởi những lời chỉ trích lập trường ủng hộ Israel vô điều kiện của ông thay vì yêu cầu hợp lý về một lệnh ngừng bắn tức thì: một ví dụ khác về việc chính sách đối ngoại tại Trung Đông có thể sẽ làm “chẩy máu” phiếu bầu của vị đương kim tổng thống này.
Về phần mình, Trump vẫn lặp lại thông điệp về Biden và cánh tả cấp tiến, Mác-xít, cộng sản, vô chính phủ và như thường lệ, về những người nhập cư với giọng điệu đậm chất Đức quốc xã: “những kẻ này đang đầu độc dòng máu dân tộc này, đang hủy hoại đất nước này”, và rằng quá trình tranh cử của ông là trận chiến cuối cùng để giải cứu nước Mỹ.
Hơn thế nữa, khi tự cho rằng mình là đấng cứu thế duy nhất của nước Mỹ, Trump cho rằng những kẻ thù chính trị của ông đang sử dụng Nhà nước – với các bộ máy tòa án, công tố và các cơ quan tình báo – để loại bỏ ông trong cái mà nhà tài phiệt này gọi là “cuộc săn lùng phù thủy lớn nhất trong lịch sử”.
Trump một lần nữa sử dụng những người nhập cư không giấy tờ làm bản lề cho chiến dịch trở lại Nhà Trắng khi đòi đóng cửa biên giới với Mexico (vùng biên giới có hoạt động trao đổi thương mại sôi động nhất thế giới với giá trị hơn 300 tỷ USD mỗi năm) với lập luận rằng những người đến từ Mỹ Latinh, Caribe, châu Phi và Trung Đông đang vấy bẩn dòng máu Mỹ. Và ngay trước khi bắt đầu cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa để lựa chọn ứng viên tổng thống chính thức, ông lặp lại nhiều lần cáo buộc rằng chính quyền liên bang khuyến khích người di cư nhập cảnh ồ ạt trái phép vào Mỹ để đăng ký cho họ tham gia cuộc bầu cử 2024. Nhưng vấn đề không chỉ là những lập luận phân biệt chủng tộc và phi lý của Trump, mà nằm ở chỗ rất, rất nhiều cử tri Mỹ tin vào những luận điệu đó.
Theo những cuộc thăm dò mới nhất của hãng Gallup, chỉ chưa tới 28% người dân Mỹ trưởng thành hài lòng với cách thức vận hành của nền dân chủ. Vào năm 1990, tỷ lệ này là 60%. Vấn đề ở đây là các lá phiếu trực tiếp của cử tri phổ thông, được phản ánh qua những thăm dò như trên, không quyết định chức vụ tổng thống và hướng đi của nền dân chủ Mỹ.
Hệ thống của Mỹ trên thực tế chưa bao giờ là một nền dân chủ đầy đủ: chỉ riêng trong thế kỷ này, đã 2 lần các ứng cử viên giành được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn đã thất cử: năm 2000, khi ứng cử viên đảng Dân chủ Al Gore chiến thắng tại nhiều bang và nhận được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn, Tòa án Tối cao Mỹ đã tuyên George W. Bush đắc cử với qua hệ thống đại cử tri, và năm 2016, khi cựu ngoại trưởng và cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton giành được nhiều phiếu bầu trực tiếp hơn, bà cũng thất bại do hệ thống bầu cử cũ kỹ này. Nói cách khác, hệ thống này đảm bảo rằng các nhà tỷ phú và các doanh nghiệp khổng lồ về thực phẩm, tin học, vũ khí, dầu khí, ngân hàng và các ngành nghề then chốt khác, hay những kẻ nắm “túi tiền” trong xã hội Mỹ, tiếp tục có được quyền lực hầu như không giới hạn.
Theo chính cựu Tổng thống Jimmy Carter, điều trước đây từng định nghĩa Mỹ như một đất nước vĩ đại vì hệ thống chính trị ưu việt, giờ đây chỉ còn lại giai cấp thống trị, với mức độ hối lộ chính trị không giới hạn và trở thành cốt lõi để đạt được vị trí ứng viên hay được bầu chọn tổng thống. Điều tương tự cũng có thể áp dụng cho trường hợp của các thống đốc và nghị sĩ cấp bang.
Triển vọng nào cho sự đổi mới?
Liệu có sự đổi mới nào trong tầng lớp tinh hoa ở một đất nước nơi họ chỉ mải hồi tưởng thời thanh xuân và khả năng tái hiện kỳ tích của mình? Diễn văn chính trị bế tắc và mọi tín hiệu đều cho thấy nền dân chủ và những đề xuất cũ kỹ sẽ tiếp tục chiếm lĩnh “cuộc chơi” trong cuộc chạy đua 2024.
Trong những ngày qua, nổi lên một số tiếng nói đôi chút khác biệt như của Nikki Haley, ứng cử viên tổng thống sơ bộ của đảng Cộng hòa và năm 2011 từng trở thành nữ thống đốc đầu tiên tại bang Nam Carolina, người mà trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh Fox News từng đề nghị bất kỳ chính trị gia nào quá 75 tuổi đền cần phải kiểm tra sức khỏe tinh thần và thẳng thắn chỉ trích “Thượng viện giờ đây là một viện dưỡng lão tiện nghi nhất nước Mỹ”.
Mệt mỏi với một chính phủ “hành động và ứng xử như một ông lão” nơi mà “giới trẻ không có gì nhiều để nói”, vào năm 2017 đã xuất hiện tổ chức Run for Something, với mục đích giúp đỡ giới trẻ ứng cử vào các vị trí chính trị khác nhau. Tổ chức này lập luận rằng với cấu trúc của hệ thống chính trị Mỹ hiện tại, có quá nhiều cản trở để những người trẻ tuổi ứng cử và tham gia đời sống chính trị và “nhiệm vụ chính của chúng ta là thay đổi nền chính trị và xây dựng nền móng cho một thế hệ chính trị gia mới thực sự đại diện cho tính đa dạng của người dân Mỹ”.
Thế nhưng bất chấp việc có tới 70% người dân Mỹ không hào hứng với một nhiệm kỳ mới cho dù là của Biden hay Trump, thì kết quả nghèo nàn mà Haley thu được trong những cuộc bầu chọn sơ bộ cấp bang ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, và những thành quả chưa rõ ràng của Run for Something cho thấy những làn gió mới vẫn chưa đủ sức đảo ngược quá trình “lão hóa” của nền dân chủ Mỹ, chí ít là trong năm bầu cử 2024 và hệ quả là chính phủ Mỹ trong 4 năm tới.
Sự già nua không chỉ là vấn đề của riêng nền chính trị Mỹ, mà cả các một lượng lớn các tài tử điện ảnh hay những “người hùng trong tâm tưởng” của nước Mỹ mà giờ đây còn chẳng buồn nhuộm tóc. Tất nhiên Hollywood không phải là nước Mỹ nhưng vẫn là một biểu tượng thành công và một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của siêu cường hùng mạnh này, và ở đó Jeff Bridges và Liam Neeson tiếp tục hạ gục các đối thủ trong các pha hành động đối đầu, Harrison Ford – bạn đồng niên với Biden – lại sắm vai tiến sĩ Indiana Jones trong các cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm và sôi động, Tom Cruise vẫn lái máy bay chiến đấu và Keanu Reeves cứ miệt mài trong chuỗi phim hành động John Wick.
Không ai có thể phủ nhận hệ thống dân chủ Mỹ là bệ đỡ cho những phát kiến vĩ đại và liên tục giúp “chú Sam” luôn ở vị thế đi đâu và dẫn dắt thế giới trong kỷ nguyên đại công nghiệp và công nghệ – kỹ thuật, thế nhưng nếu không thay đổi theo kịp nhịp độ vận động mà chính mình khởi xướng, hệ thống dân chủ luôn tự xưng là “hình mẫu” này có thể trở thành yếu tố “lạc hậu” kéo chậm đà phát triển của nước Mỹ./.
Biên tập và chuyển ngữ: Uyển My
Tác giả: Aram Aharonian là Thạc sĩ, nhà báo và nhà truyền thông người Uruguay đã sáng lập Telesur. Ông là người lãnh đạo của Quỹ hội nhập Mỹ Latinh (FILA) và Trung tâm Phân tích Chiến lược Mỹ Latinh (CLAE).
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Bình Luận 1