Từ tháng 7/2024, Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) đã công bố Chiến lược Bắc Cực mới, hàm ý đưa ra cách tiếp cận của Bộ Quốc phòng đối với Bắc Cực khi khu vực này trải qua những thay đổi nhanh chóng về địa-vật lý và địa chính trị [1]. Đây là bản cập nhật đầu tiên về cách tiếp cận của DOD đối với Bắc Cực, kể từ năm 2019.
Nội dung cơ bản trong Chiến lược Bắc cực của Mỹ
Trước hết, dựa trên các văn bản chiến lược trước đó, báo cáo này phù hợp với Chiến lược An ninh quốc gia 2022 (NSS), Chiến lược Quốc phòng 2022 (NDS), và Chiến lược quốc gia năm 2022 cho khu vực Bắc Cực (NSAR). Trong đó, (1) NSAR tuyên bố rằng Mỹ tìm kiếm một khu vực Bắc Cực hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác [2]; (2) NDS chỉ đạo các hoạt động ở Bắc Cực nhằm phản ánh hoạt động tình báo mạnh mẽ, hợp tác an ninh với các Đồng minh và đối tác trong khu vực, đồng thời thể hiện khả năng triển khai lực lượng của DOD tại khu vực.
Dựa trên cơ sở thực tiễn, biến đổi khí hậu và những thay đổi trong môi trường địa chiến lược thúc đẩy nhu cầu về một cách tiếp cận chiến lược mới đối với khu vực Bắc Cực. Cụ thể, khu vực Bắc Cực hiện đang chứng kiến sự tiếp cận chiến lược của cả Nga và Trung Quốc – bao gồm cả sự hợp tác ngày càng tăng của hai quốc gia này. Đồng thời, sự mở rộng của NATO thông qua quyết định lịch sử về việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, đã đưa tất cả các quốc gia Bắc Cực có cùng chí hướng gia nhập Liên minh NATO, dự báo trước cho một môi trường an ninh Bắc Cực mới, năng động và nhiều cơ hội [3].
Như vậy, Chiến lược Bắc Cực của DOD năm 2024 đưa ra phương hướng hành động mà Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện, hợp tác cùng với Đồng minh và đối tác nhằm bảo vệ Bắc Cực như một khu vực an toàn, ổn định, thịnh vượng và hợp tác [4]; đồng thời giúp Mỹ tăng cường phòng thủ nội địa, bảo vệ lợi ích quốc gia trong khi vẫn tập trung vào thách thức địa chính trị đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) và Liên bang Nga trên toàn cầu.
Để thực hiện Chiến lược này, DOD sẽ áp dụng cách tiếp cận “giám sát và ứng phó” đối với Bắc Cực, được hỗ trợ bởi việc nâng cao nhận thức về sự hợp tác mạnh mẽ giữa Đồng minh và đối tác có năng lực cao, đồng thời được củng cố bởi khả năng triển khai Liên minh của DOD, phù hợp với NDS 2022 và NSAR 2022, DOD sẽ thông qua 3 nỗ lực và phương tiện hỗ trợ chính như sau:
1. Tăng cường khả năng thực hiện chiến dịch ở Bắc Cực của Lực lượng Chung ở Bắc Cực. Bằng cách tiếp tục đầu tư vào cảm biến, trí thông minh và khả năng chia sẻ thông tin, Bộ Quốc phòng sẽ nâng cao hiểu biết về môi trường hoạt động ở Bắc Cực cũng như khả năng quản lý rủi ro. Bộ Quốc phòng sẽ phải xem xét lại trang thiết bị và cơ sở hạ tầng hiện có, đồng thời phát triển các phương án để duy trì phương pháp giám sát và ứng phó;
2. Tham gia với các Đồng minh và đối tác; Chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương; Các bộ lạc và cộng đồng bản địa Alaska; và ngành công nghiệp nhằm tăng cường khả năng răn đe tổng hợp và tăng cường an ninh chung;
3. Thực hành hiện diện ở Bắc Cực bằng cách huấn luyện độc lập, đồng thời cùng với các Đồng minh và đối tác để chứng minh năng lực hợp tác đáng tin cậy trong lúc vừa thực hiện các hoạt động phòng thủ nước nhà vừa triển khai sức mạnh toàn cầu.
Theo tờ The Hill, trong cuộc cạnh tranh với Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực, Bộ Quốc phòng Mỹ đã vạch ra một nỗ lực mới bao gồm cách tiếp cận đa hướng: đầu tư thêm tàu phá băng, huấn luyện lực lượng ở Bắc Cực, đầu tư vào các căn cứ trong khu vực và xây dựng công nghệ tiên tiến cho Bắc Cực [5].
Tầm quan trọng của Bắc Cực đối với Mỹ
Mỹ vốn là một trong những quốc gia Bắc Cực hùng mạnh trên thế giới. Tầm quan trọng của khu vực này phụ thuộc vào tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng [6]. Khu vực Bắc Cực ở Bắc Mỹ bao gồm các đường biên giới ở phía Bắc và vùng lãnh thổ có chủ quyền của Mỹ ở Alaska – nơi xây dựng cơ sở hạ tầng quốc phòng quan trọng của Mỹ, và lãnh thổ chủ quyền của các Đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Khu vực Bắc Cực Bắc Mỹ là nơi có khả năng cảnh báo hàng không vũ trụ, kiểm soát hàng không vũ trụ và cảnh báo hàng hải cho Bộ chỉ huy phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) của hai quốc gia Hoa Kỳ – Canada. Khu vực Bắc Cực Bắc Mỹ là mắt xích trong việc thực hiện các hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với vị trí là sườn phía Bắc để triển khai lực lượng quân sự từ Mỹ tới khu vực đó.
Về mặt địa lý, khu vực Bắc Cực thuộc Châu Âu bao gồm lãnh thổ Bắc Cực của các Đồng minh NATO: Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển, cũng như Bán đảo Kola của Nga. Việc hợp tác trong khu vực này giữa các Bộ Tư lệnh Chiến đấu Thống nhất (CCMD) và Đồng minh Bắc Cực là rất quan trọng đối với việc phòng thủ tập thể của các Đồng minh NATO và bảo vệ an ninh của Mỹ. Việc gia nhập của các Đồng minh NATO mới và sự tăng cường liên minh sẽ mở ra các cơ hội chiến lược và hỗ trợ các mục tiêu quan trọng trong NSAR. Như vậy, Bắc Cực đóng vai trò là con đường triển khai sức mạnh tới Châu Âu và rất quan trọng đối với việc bảo vệ các tuyến đường liên lạc trên biển Đại Tây Dương giữa Bắc Mỹ và châu Âu [7].
Bắc Cực còn bao gồm nhiều nút thắt hàng hải có ý nghĩa chiến lược. Lượng băng biển giảm do biến đổi khí hậu có nghĩa là các điểm nghẽn như eo biển Bering giữa Alaska và Nga và biển Barents ở phía bắc Na Uy, đang trở nên thuận tiện hơn cho việc đi lại và có ý nghĩa kinh tế cũng như quân sự hơn [8].
Khi công bố chiến lược mới vào ngày 22/7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks khẳng định: “Khu vực Bắc Cực của Mỹ rất quan trọng đối với việc bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền quốc gia của Mỹ và duy trì các cam kết trong hiệp ước phòng thủ của chúng tôi”. “Chiến lược Bắc Cực của chúng tôi sẽ định hướng các nỗ lực của Bộ nhằm đảm bảo rằng Bắc Cực vẫn là một khu vực an toàn và ổn định” [9].
Mục đích của Chiến lược Bắc Cực 2024
Bà Iris A. Ferguson, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về khả năng phục hồi ở Bắc Cực và toàn cầu của Lầu Năm Góc, lưu ý rằng nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh hơn ít nhất ba lần so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới [10]. Những thay đổi này đang mở ra cơ hội cho các nỗ lực dân sự, và cho cả các nước lớn cạnh tranh chiến lược trong khu vực. Bà cho biết thêm: “Chúng tôi đang chứng kiến hoạt động địa chính trị gia tăng của Nga cũng như Trung Quốc trong khu vực” [11]. Cụ thể, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường tiếp cận và ảnh hưởng ở Bắc Cực, trong khi Nga vẫn là mối đe dọa trong khu vực bất chấp tổn thất ở Ukraine. Hơn nữa, hai quốc gia này ngày càng hợp tác ở Bắc Cực, dẫn đến những tác động đáng kể đến an ninh của Mỹ, cũng như Đồng minh và đối tác.
Trước bối cảnh đó, động thái Mỹ công bố Chiến lược Bắc Cực chỉ sau vài tuần khi Mỹ cùng Canada và Phần Lan thành lập liên minh Nỗ lực Hợp tác Tàu phá băng (ICE) đã cho thấy khu vực này ngày càng có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Mỹ. Chiến lược này nhằm mục đích tăng cường hiện diện tại khu vực, đảm bảo môi trường ổn định tại khu vực, đối trọng với sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh vào việc mở rộng giám sát, khả năng tình báo và mạnh mẽ hơn; khẳng định năng lực hợp tác giữa Mỹ với các Đồng minh và đối tác, giữ cho Bắc Cực có một môi trường an toàn và ổn định. Trong đó, mục tiêu hàng đầu của DOD khi công bố chiến lược là bảo vệ an ninh của người dân Mỹ, bao gồm cả những người xem Bắc Cực là quê hương.
Phản ứng của các nước về Chiến lược Bắc Cực 2024 của Mỹ
Chiến lược Bắc Cực 2024 dài 28 trang đã liệt kê hai quốc gia Trung Quốc và Nga là mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ, đặc biệt là ở Bắc Cực. Trong tài liệu có đánh giá về động thái của Trung Quốc ở Bắc Cực như sau: “Mặc dù không phải là quốc gia Bắc Cực, nhưng Trung Quốc đang cố gắng tận dụng động lực đang thay đổi ở Bắc Cực để tăng cường ảnh hưởng và khả năng tiếp cận, tận dụng nguồn tài nguyên ở Bắc Cực và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong quản trị khu vực”. Tài liệu Chiến lược cho biết: “Các tàu Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) của Trung Quốc đã thể hiện khả năng và ý định hoạt động trong và xung quanh khu vực Bắc Cực trong các cuộc tập trận cùng Hải quân Nga trong những năm gần đây” [12].
Ngoài ra, Nga cũng được coi là mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ, tài liệu ghi rõ: “Nga tìm cách thực hiện các hoạt động gây bất ổn ở mức thấp ở Bắc Cực nhằm chống lại Mỹ và các đồng minh, (…). “Nga cũng có lộ trình rõ ràng để tiếp cận lãnh thổ Mỹ thông qua Bắc Cực và có thể tận dụng khả năng hiện có ở Bắc Cực để đe dọa khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ.” Hơn nữa, sự hợp tác ngày càng tăng giữa hai cường quốc trên được coi là nguy cơ đe dọa đến an ninh của Mỹ. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Nga đang hợp tác ngày càng nhiều ở Bắc Cực thông qua nhiều công cụ quyền lực quốc gia. (…) Mặc dù vẫn còn những bất đồng đáng kể giữa Trung Quốc và Nga, nhưng sự liên kết ngày càng tăng của họ trong khu vực là điều đáng lo ngại và [Bộ Quốc phòng] tiếp tục giám sát sự hợp tác này” [13].
Trước những ngôn từ mạnh mẽ từ phía Washington dành cho Bắc Kinh và Moscow, Trung Quốc và Nga đã phản bác lại tuyên bố của Mỹ rằng sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực có thể đe dọa sự ổn định trong khu vực [14].
Bắc Kinh cho rằng Mỹ đang bóp méo chính sách Bắc Cực của Trung Quốc và đưa ra những bình luận thiếu suy xét. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning nói với phóng viên rằng các hoạt động của Bắc Kinh trong vấn đề Bắc Cực “phù hợp với các nguyên tắc cơ bản là tôn trọng hợp tác cùng có lợi và phát triển bền vững”.
Ông Mao nói thêm: “Hoa Kỳ đã hiểu sai về chính sách Bắc Cực của Trung Quốc và đưa ra những nhận xét thiếu suy nghĩ về các hoạt động bình thường ở Bắc Cực của Trung Quốc, phù hợp với luật pháp quốc tế. Điều này không có lợi cho hòa bình, ổn định, và hợp tác ở Bắc Cực” [15]. Trung Quốc là một bên liên quan quan trọng trong vấn đề Bắc Cực và luôn tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng, hợp tác, đôi bên cùng có lợi và tính bền vững trong việc tham gia vào các vấn đề Bắc Cực và tăng cường hợp tác với nhiều bên khác nhau. Mao tuyên bố: Chúng tôi luôn cam kết thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở Bắc Cực.
Li Haidong, giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nêu quan ngại về chiến lược Bắc Cực mới của Lầu Năm Góc vì ông tin rằng việc quân sự hóa trong khu vực phục vụ mục tiêu của Mỹ là kiểm soát các kênh đường ống năng lượng chiến lược quan trọng và giành được lợi thế trong các lĩnh vực cạnh tranh chính giữa các cường quốc. Theo Li, Bắc Cực có thể nói là kênh quan trọng nhất cung cấp năng lượng toàn cầu trong tương lai, đặc biệt là sau khi băng tan do biến đổi khí hậu, và tầm quan trọng chiến lược của các tuyến đường thủy ở khu vực Bắc Cực sẽ vượt qua bất kỳ giai đoạn nào trước đây và bất kỳ khu vực nào [16].
Cũng đáp lại Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lên tiếng chỉ trích Chiến lược Bắc Cực năm 2024 của Mỹ, cho rằng văn kiện này phản ánh biểu hiện đối đầu của Washington với Moscow [17]. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên ở Moscow: “Tài liệu này rõ ràng nhằm mục đích leo thang căng thẳng quân sự và chính trị trong khu vực” [18].
Theo hãng tin Reuters, ông Dmitry Peskov cho biết sự hợp tác của Nga với Trung Quốc ở Bắc Cực không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia nào khác. Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng những lời chỉ trích của Mỹ là không đúng chỗ và mang tính đối đầu, các hoạt động của Moscow trong khu vực là nhằm mục đích tăng cường sự ổn định. Ông khẳng định: “Bắc Cực cũng là khu vực chiến lược của đất nước chúng tôi. Nga có quan điểm, có trách nhiệm, và góp phần đảm bảo rằng Bắc Cực không trở thành lãnh thổ bất hòa và căng thẳng. Về vấn đề hợp tác với Trung Quốc ở vùng Bắc Cực chỉ có thể góp phần tạo ra bầu không khí ổn định ở Bắc Cực” [19]. Ông Peskov nói thêm: “Hợp tác Nga – Trung không bao giờ nhằm mục đích chống lại các nước thứ ba hoặc nhóm nước thứ ba, mà chỉ nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của các nước này (Nga và Trung Quốc)”. Bắc Kinh và Moscow đã hợp tác cùng nhau để phát triển các tuyến vận chuyển Bắc Cực khi Nga tìm cách cung cấp thêm dầu và khí đốt cho Trung Quốc trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây [20].
Trước đó, ngày 17/7, Tổng thống Putin tuyên bố ý định đẩy nhanh việc mở rộng lực lượng hải quân, đặc biệt là ở phía Bắc. Ngay hôm sau, máy bay chiến đấu của Mỹ đã chặn máy bay ném bom của Nga và Trung Quốc gần Alaska, trong Vùng nhận dạng phòng không Alaska. Mặc dù khu vực này không trực tiếp thuộc không phận Mỹ nhưng nó là một phần của vùng giám sát trên không mở rộng nhằm phát hiện vật thể bay càng sớm càng tốt và đánh chặn chúng nếu cần thiết [21].
Đối với các thành viên NATO, Bắc Cực cũng trở thành một chủ đề bàn luận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào ngày 9-11/7 vừa qua, trong đó, đáng chú ý là sự gia nhập của hai quốc gia Bắc Cực là Thụy Điển và Phần Lan. Và đặc biệt, các thành viên hiện diện tại khu vực Bắc Cực càng bày tỏ sự quan tâm đối với chiến lược mới này bởi sự có mặt của Đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực là nhằm duy trì khả năng phòng thủ và răn đe – từ Alaska đến Phần Lan. Trong năm qua, Hoa Kỳ đã ký kết các Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA) với Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời sửa đổi DCA bổ sung với Na Uy. Các thỏa thuận này tăng cường khả năng cho Mỹ để cùng với các Đồng minh này hoạt động ở nhiều cơ sở trên lãnh thổ của họ, bổ sung thêm các lựa chọn và tính linh hoạt khi làm việc với các Đồng minh nhằm duy trì an ninh ở Bắc Cực.
Một trong những nước thành viên NATO bày tỏ quyết tâm sâu sắc tại khu vực Bắc Cực là Canada. Canada tự hào là quốc gia đầu tiên phê chuẩn việc gia nhập của các quốc gia Bắc Cực là Thụy Điển và Phần Lan. Và trong mùa xuân năm nay, Thủ tướng Trudeau và Bill Blair, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Canada đã công bố bản cập nhật chính sách quốc phòng mang tên “Miền Bắc của chúng ta, mạnh mẽ và tự do”, trong đó tập trung vào an ninh ở Bắc Cực – cũng là sườn phía bắc và phía tây của NATO. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Canada cũng lên tiếng về những lo ngại trước sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, ông khuyến khích NATO cần đầu tư cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực nhằm bảo vệ Canada và toàn bộ Liên minh, duy trì sự hiện diện lâu dài hơn trong khu vực này [22].
Cũng ngay trong Hội nghị thượng đỉnh NATO, Mỹ, Canada, và Phần Lan đã công bố một nỗ lực ba bên, được gọi là Nỗ lực hợp tác tàu phá băng hay “Hiệp ước ICE”, để hợp tác sản xuất một “hạm đội” tàu phá băng vùng cực mới, trong cuộc đua kiểm soát vùng cao phía Bắc [23].
Cạnh tranh nước lớn ở Bắc Cực
Trong tháng 7/2024, máy bay chiến đấu của Mỹ và Canada đã phát hiện, theo dõi và giám sát hai máy bay ném bom chiến lược Tupolev TU-95 của Nga và hai máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên máy bay của hai quốc gia này bay cùng nhau trên không phận quốc tế ngoài khơi Alaska. Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ cho biết 4 máy bay ném bom này không xâm phạm không phận chủ quyền của Mỹ hoặc Canada và không bị coi là mối đe dọa [24]. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các đội đã thực hiện tuần tra trên không trên Biển Chukchi, Biển Bering và phần phía bắc của Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Zhang Xiaogang cho biết đây là chuyến tuần tra trên không chiến lược thứ tám được quân đội hai nước tổ chức kể từ năm 2019. Ông Zhang cho biết thêm: “Hoạt động này không nhắm vào bên thứ ba, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế và không liên quan gì đến tình hình quốc tế và khu vực hiện tại”. Trong cuộc họp báo ngày 25/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin mô tả các chuyến bay ném bom chung là “không có gì đáng ngạc nhiên” và cho biết Trung Quốc và Nga có thể đã lên kế hoạch cho chúng từ lâu [25].
Trước những động thái này, không khó để nhận ra rằng các cường quốc đều đang có sự chuẩn bị cho riêng mình, và có thể Bắc Cực sẽ là khu vực chứng kiến nhiều hơn nữa các cuộc chạm trán và đối đầu lẫn nhau để giành quyền kiểm soát lãnh thổ. Bắc Cực đang ngày càng có ý nghĩa chiến lược với các nước, đặc biệt là về quân sự, theo nhận định từ trang Nikkei.
Theo những phân tích trước đó, việc băng tan chảy đang mở ra hai điểm nghẽn chiến lược ở Bắc Cực, eo biển Bering giữa Alaska và Nga, và biển Barents phía Bắc Na Uy, tạo điều kiện thuận lợi cho các hạm đội điều hướng và có ý nghĩa quan trọng đối với quốc phòng mỗi nước. Đây cũng là một trong những vấn đề được Mỹ đề cập trong Chiến lược Bắc Cực 2024 [26].
Cũng chia sẻ về quan điểm này, chuyên gia Ed Arnold, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Royal United Services của Anh, cho rằng Bắc Cực ngày càng trở thành trung tâm cạnh tranh chiến lược khi tình trạng nóng lên toàn cầu làm gia tăng sự cạnh tranh về tài nguyên khi băng tan và các tuyền đường biển mới xuất hiện. Chuyên gia này cho biết khi căng thẳng toàn cầu gia tăng, những suy nghĩ về vai trò quan trọng của Bắc Cực sẽ không bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị không những đang có dấu hiệu “lung lay” mà còn có thể xảy ra các cuộc đụng độ nghiêm trọng tại vùng đất khắc nghiệt này [27].
Với tiềm năng dồi dào đó, Bắc Cực đã và đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia, khiến khu vực này ngày càng có xu hướng được “quốc tế hóa”. Tất nhiên, điều đó cũng sẽ thúc đẩy cạnh tranh chiến lược tại đây, tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh mà việc giải quyết nó có thể sẽ phải vượt qua những khuôn khổ ngoại giao [28].
Cụ thể, hai cường quốc có đường biên giới giáp Bắc Cực, Mỹ và Nga có thể sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tại đây. Trong đó, Chiến lược Bắc Cực của Mỹ có thể củng cố quan hệ với các Đồng minh và đối tác. Còn Trung Quốc, cũng đang tận dụng những động lực thay đổi ở Bắc Cực – theo Chiến lược Bắc Cực của Mỹ bình luận, mà thúc đẩy hợp tác với Nga. Điều này có thể làm mối quan hệ giữa Nga – Trung và Mỹ – NATO không những không có tiến triển mà còn có thể gia tăng tình trạng đối đầu.
Hàm ý cho Việt Nam
Tình hình thế giới, khu vực là yếu tố khách quan có tác động lớn đến lợi ích của mỗi quốc gia – dân tộc nói chung, và Việt Nam không ngoại lệ. Dự báo trong thời gian tới, thế giới sẽ tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và khó lường, vì vậy Việt Nam cần đề cao cảnh giác và có sự chuẩn bị cho tất cả mọi trường hợp. Trong đó, vấn đề Bắc Cực liên quan đến tất cả các chủ thể trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đòi hỏi sự chung tay xây dựng một chính sách chung giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu xảy ra tại khu vực này [29].
Trong hơn 20 năm nữa, khu vực Bắc Cực được dự báo sẽ không còn băng vào mùa hè, và thực trạng lớp băng ở Bắc Cực mỏng đi nhiều trong những năm qua là lời cảnh báo về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Các vấn đề về khí hậu này có ảnh hưởng không chỉ với các quốc gia giáp Bắc Cực, mà còn đối với các nước Châu Á kết nối với biển.
Với đường bờ biển dài 3260 km, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Nước biển dâng, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế của hàng triệu người dân Việt Nam, đe dọa tới an ninh lương thực của quốc gia. Hơn nữa, việc cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng tại khu vực, với động thái không ngừng củng cố cơ sở hạ tầng và vũ khí hiện đại ở Bắc Cực của các cường quốc tác động đến hòa bình, ổn định và quan hệ quốc tế của nhiều nước. Cuối cùng, nếu quá trình băng tan tiếp tục diễn ra, việc hình thành nhiều tuyến đường biển mới ở Bắc Cực đặt ra thách thức cho các tuyến đường vận tải đi qua khu vực Biển Đông [30].
Một số đề xuất từ TS. Nguyễn Việt Lâm, phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, New York, Mỹ đã đưa ra cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, ở cấp độ thế giới và khu vực, Việt Nam có thể cân nhắc tham gia vào các dự án, tọa đàm nghiên cứu về Bắc Cực thông qua các chủ đề liên quan đến biến đổi khí hậu tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc. Việt Nam có thể cân nhắc tham gia vào cơ chế quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực nhằm tạo cơ sở cho những đóng góp cụ thể và có hiểu biết sâu hơn về các thách thức đang hiện hữu tại khu vực này. Đồng thời, Việt Nam có thể thông qua các cơ chế quốc tế về môi trường, khí hậu nhằm thúc đẩy ngoại giao khí hậu và ngoại giao công nghệ. Bên cạnh đó, ở phạm vi khu vực, Việt Nam có thể tích cực tham gia vào các diễn đàn trao đổi, hợp tác trong vấn đề Bắc Cực cùng các quốc gia Châu Á cùng chung mối quan tâm tại khu vực này như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… như tham gia Diễn đàn châu Á về khoa học Bắc Cực (AfoPS) do Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thành lập; ủng hộ các sáng kiến của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc đưa vấn đề Bắc Cực vào chương trình nghị sự của diễn đàn ASEAN+3,…
Thứ hai, ở cấp độ quốc gia, Việt Nam cần đẩy mạnh các kịch bản trong 20 – 25 năm tới khi băng ở Bắc Cực tan hết, trong đó, Việt Nam cần làm gì để ứng phó với các tác động tiêu cực đối với an ninh quốc gia và triển khai những biện pháp thay thế nào để hỗ trợ sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể cân nhắc lồng ghép việc đánh giá vấn đề Bắc Cực trong chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu; đề xuất các kế hoạch hợp tác với các viện, cơ quan nghiên cứu về Bắc Cực của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ như Viện Nghiên cứu hàng hải, Viện Nghiên cứu cực trái đất của Hàn Quốc…; trong khuôn khổ quan hệ song phương với các nước Bắc Âu, Nam Âu, đề xuất mở rộng hợp tác, trao đổi nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu, băng và hệ sinh thái ở Bắc Cực; tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh tế và khai thác tài nguyên, như dầu mỏ, khí ga ở Bắc Cực trong tương lai; tìm hiểu, nghiên cứu các khả năng, kế hoạch của các nước lớn xây dựng các căn cứ quân sự ngầm ở dưới đáy các vùng biển ở Biển Đông (tương tự như ở khu vực Bắc Cực)… phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên biển, phát triển nhanh và bền vững [31].
Kết luận
Chiến lược Bắc Cực năm 2024 có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia, hợp tác quốc tế, và đối trọng với Trung Quốc, Nga của Mỹ. Các nước lớn như Nga và Trung Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ, điều này có thể dẫn đến tình hình căng thẳng kéo dài trên Bắc Cực, gây khó khăn trong mục tiêu duy trì môi trường an toàn và ổn định của các nước tại đây.
Việc Bắc Cực có thể “nóng lên” trong tương lai đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, tuy nhiên, vẫn có thể tìm kiếm cơ hội thông qua việc thúc đẩy ngoại giao và tăng cường các mối quan tâm đối với vấn đề về môi trường và khí hậu, đồng thời Việt Nam có thể học hỏi từ kế hoạch và chiến lược của các nước lớn trong việc triển khai căn cứ quân sự ngầm dưới đáy biển nhằm phục vụ cho công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình./.
Tác giả: Nguyệt Hằng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] [7] [8] U.S. Department of Defense. “2024 Arctic Strategy,” June 2024. https://media.defense.gov/2024/Jul/22/2003507411/-1/-1/0/DOD-ARCTIC-STRATEGY-2024.PDF.
[2] Đối với mục đích của chiến lược này, “đối tác” đề cập đến một loạt các bên liên quan ở Bắc Cực bao gồm: các quốc gia đối tác; các cơ quan và chính phủ liên bang,
tiểu bang, địa phương, bộ lạc và lãnh thổ của Hoa Kỳ; ngành công nghiệp; các tổ chức liên chính phủ; và các tổ chức phi chính phủ.
[3] [4] [9] U.S. Department of Defense. “DoD Announces Publication of 2024 Arctic Strategy,” July 22, 2024. https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3846206/dod-announces-publication-of-2024-arctic-strategy/.
[5] Bình, Huệ. “Bắc Cực Có Thể ‘Nóng Lên’ vì Chiến Lược Mới Của Mỹ.” Báo Mới, July 23, 2024. https://baomoi.com/bac-cuc-co-the-nong-len-vi-chien-luoc-moi-cua-my-c49706764.epi.
[6] Julia Day. “US Arctic Strategy 2024: A 12-Month Assessment.” Grey Dynamics, December 26, 2023. https://www.google.com/url?q=https://greydynamics.com/us-arctic-strategy-2024-a-12-month-assessment/&sa=D&source=docs&ust=1722232174435672&usg=AOvVaw3-Vy0sqF1xpI34QY4C0LJb.
[10] [11] Garamone, Jim. “DOD Establishes Arctic Strategy and Global Resilience Office.” U.S. Department of Defense, September 27, 2022. https://www.defense.gov/News/News-Stories/Article/Article/3171173/dod-establishes-arctic-strategy-and-global-resilience-office/.
[12] [13] [21] Wenger, Dr Michael. “Les Grandes Puissances S’affrontent Aux Portes de l’Arctique Américain.” Polar Journal, July 26, 2024. https://polarjournal.ch/fr/2024/07/26/les-grandes-puissances-saffrontent-aux-portes-de-larctique-americain/.
[14] [17] [19] Al Jazeera. “US Wary of China-Russia Cooperation in Increasingly Strategic Arctic,” July 23, 2024. https://www.aljazeera.com/news/2024/7/23/us-wary-of-china-russia-cooperation-in-increasingly-strategic-arctic.
[15] [16] Xu Keyue . “US Hypes ‘Threats from China, Russia’ in Arctic Strategy, to Push for Militarization in the Region: Expert – Global Times.” Global Times, July 23, 2024. https://www.globaltimes.cn/page/202407/1316573.shtml#:~:text=In%20response%2C%20Chinese%20Foreign%20Ministry%20spokesperson%20Mao%20Ning.
[18] Reuters. “Russia Accuses US of Stoking Tensions in the Arctic.” July 24, 2024, sec. World. https://www.google.com/url?q=https://www.reuters.com/world/russia-accuses-us-stoking-tensions-arctic-2024-07-24/&sa=D&source=docs&ust=1722232763658353&usg=AOvVaw3-EOsNXkFFpksrs3JpM2lP.
[20] U.S. News. “Kremlin Says Russian Arctic Cooperation with China Is Not Aimed against Anyone after Pentagon Expresses Concern,” July 23, 2024. https://www.usnews.com/news/world/articles/2024-07-23/kremlin-says-russian-arctic-cooperation-with-china-is-not-aimed-against-anyone-after-pentagon-expresses-concern.
[22] Blair, Bill. “Canadian Defence Minister: Our Commitment to NATO Is Growing in Europe and the Arctic.” Breaking Defense, July 2, 2024. https://breakingdefense.com/2024/07/canadian-defence-minister-our-commitment-to-nato-is-growing-in-europe-and-the-arctic/.
[23] Ferran, Lee. “US Teams with Canada, Finland on Polar Icebreakers to Chill Russian, Chinese Power up North.” Breaking Defense, July 11, 2024. https://breakingdefense.com/2024/07/us-teams-with-canada-finland-on-polar-icebreakers-to-check-russian-chinese-power-up-north/.
[24] [25] Al Jazeera Staff. “US Intercepts Russian, Chinese Bombers near Alaska: What We Know.” Al Jazeera, July 26, 2024. https://www.aljazeera.com/news/2024/7/26/us-intercepts-russian-chinese-bombers-near-alaska-what-we-know.
[26] Hải Vân. “Nguy Cơ Xảy Ra Xung Đột vì Chiến Lược Mới Của Mỹ ở Bắc Cực.” Báo Tin tức, July 24, 2024. https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nguy-co-xay-ra-xung-dot-vi-chien-luoc-moi-cua-my-o-bac-cuc-20240724130529859.htm.
[27] [28] Ban Thời sự. “Gia Tăng Cạnh Tranh Giữa Các Cường Quốc Với Nhiều Thách Thức Mới Tại Bắc Cực.” Báo Điện tử VTV, July 25, 2024. https://vtv.vn/the-gioi/gia-tang-canh-tranh-giua-cac-cuong-quoc-voi-nhieu-thach-thuc-moi-tai-bac-cuc-20240725065714971.htm.
[29] [30 [31] TS. Nguyễn Việt Lâm. “Chiến Lược Của Các Nước Lớn Tại Khu Vực Bắc Cực và Một Số Vấn đề Đặt Ra Hiện Nay – Tạp Chí Cộng Sản.” Tạp chí Cộng sản, December 4, 2020. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/820496/chien-luoc-cua-cac-nuoc-lon-tai-khu-vuc-bac-cuc-va-mot-so-van-de-dat-ra-hien-nay.aspx.