Sau một thời gian thực hiện các chính sách thắt chặt kiểm soát covid-19, gần đây, giới lãnh đạo Trung Quốc đã công bố những chính sách mang tính đảo ngược, khiến giới quan sát và các nhà đầu tư toàn cầu cảm thấy lạc quan hơn về tương lai kinh tế của nước này. Nhưng liệu việc sửa chữa những sai lầm trong quá khứ có thay thế được cho những cải cách cần thiết để đảm bảo sự tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn?
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, thông điệp đầu tiên gửi tới thế giới là: “Nước Mỹ đã trở lại” (America is back). Sau khi nhậm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 10/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như cũng đưa ra một tuyên bố tương tự. Trong hai tháng qua, giới lãnh đạo Trung Quốc đã công bố hoặc dường như báo hiệu tuyên bố nhằm đảo ngược các chính sách lớn, đột ngột chấm dứt gần ba năm thực hiện chính sách “zero Covid” ngặt nghèo, giảm bớt các biện pháp thắt chặt đối với các công ty công nghệ và lĩnh vực bất động sản, tái khẳng định cam kết đối với tăng trưởng kinh tế, và “hòa hoãn” với Mỹ tại G20. Các nhà đầu tư đang phản ứng rất nhiệt tình với việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như đang mở cửa trở lại cho hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, trong khi việc thiết lập lại chính sách thúc đẩy kinh doanh của Trung Quốc chắc chắn là tín hiệu tốt cho thương mại quốc tế cũng như hòa bình và ổn định toàn cầu, thì việc đưa nền kinh tế Trung Quốc đi đúng hướng sẽ đòi hỏi nhiều hơn, không chỉ đơn thuần là đảo ngược các chính sách gần đây. Điều thực sự cần thiết là đưa chủ nghĩa thực dụng và các phản biện trung thực trở lại với hệ thống chính trị, như vấn đề được nêu trong cuốn sách “How China Escaped the Poverty Trap”/ Đó là những đặc điểm trên đã định hình nền quản trị mang tính thích ứng nổi tiếng của Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình.
Có một nhận thức sai lầm phổ biến rằng “mô hình Trung Quốc” có nghĩa là sự kiểm soát từ trên xuống dưới bởi một chính phủ mạnh mẽ, độc đoán, được hỗ trợ bởi các doanh nghiệp nhà nước hùng mạnh. Trên thực tế, 30 năm nghèo đói và đau khổ dưới thời Mao Trạch Đông đã chứng minh rằng sự kết hợp giữa kế hoạch hóa từ trên xuống, sở hữu nhà nước và đàn áp chính trị là công thức dẫn đến thất bại. Đó là lý do tại sao Đặng Tiểu Bình giới thiệu một cách thầm lặng hệ thống mang tính chất hỗn hợp gọi là “ứng biến có chỉ đạo”. Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn nắm quyền vững chắc, nhưng chính quyền trung ương đã ủy quyền cho các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc, đồng thời giải phóng các doanh nghiệp tư nhân khỏi sự kiểm soát của nhà nước.
Đóng vai trò của một giám đốc hơn là một nhà độc tài, Chính phủ Trung Quốc đã xác định các mục tiêu quốc gia và thiết lập các biện pháp khuyến khích và quy tắc phù hợp, trong khi chính quyền cấp thấp hơn và những người tham gia khu vực tư nhân tiến hành các giải pháp ứng biến ở cấp độ địa phương cho các vấn đề địa phương. Trên thực tế, rất nhiều “mô hình Trung Quốc” địa phương đã xuất hiện, mang lại những đổi mới mang tính biến đổi từ dưới lên, thường theo những cách khiến chính quyền Trung ương phải ngạc nhiên. Sự trỗi dậy của nền kinh tế kỹ thuật số là một ví dụ.
Vì ý tưởng phải đi trước hành động, Đặng Tiểu Bình đảm bảo rằng trước tiên phải thay đổi tư duy và chuẩn mực của chính Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong bài phát biểu lịch sử vào tháng 12 năm 1978, phát động kỷ nguyên “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã coi “giải phóng tâm trí” là ưu tiên hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dưới thời Mao Trạch Đông, người dân không dám nói lên sự thật, vì sợ bị trừng phạt nặng nề, tạo ra một bầu không khí chính trị đã khai sinh những chính sách tai hại như Đại Nhảy Vọt. Nhưng dưới thời Đặng Tiểu Bình, mệnh lệnh mới là “tìm kiếm sự thật từ kết quả thực tế”. Các chính sách nên được lựa chọn vì chúng cải thiện phúc lợi của người dân, không phải vì chúng đúng đắn về mặt chính trị.
Hệ thống hỗn hợp của Đặng Tiểu Bình – chỉ đạo từ trên xuống kết hợp với quyền tự chủ từ dưới lên – đã bị cả những người theo chủ nghĩa “diều hâu” ở phương Tây và chính cả Tập Cận Bình bỏ qua. Khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình ủng hộ một câu chuyện khác về thành công của Trung Quốc, tán dương “lợi thế thể chế” mà một hệ thống chỉ huy từ trên xuống được cho là có được so với chủ nghĩa tư bản dân chủ phương Tây.
Chắc chắn rằng, cách tiếp cận từ trên xuống đã mang lại kết quả ấn tượng trong đợt bùng phát COVID-19 ban đầu. Thông qua xét nghiệm hàng loạt, cách ly nghiêm ngặt và các biện pháp khác chỉ có thể được duy trì dưới một chính phủ độc tài, mạnh mẽ, Trung Quốc đã đạt được tỷ lệ nhiễm và tử vong gần như bằng không từ năm 2020 đến năm 2022. Tập Cận Bình coi việc không có Covid là một trong những thành tựu nổi bật của mình, như tuyên bố gần đây tại Đại hội toàn quốc tháng 10 rằng Trung Quốc sẽ kiên định với chính sách này một cách “không dao động”.
Nhưng sau đó các sự kiện diễn ra nhanh chóng và bất ngờ. Bức bối với những đợt phong tỏa kéo dài, công dân Trung Quốc thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau đã đổ ra đường biểu tình, buộc Tập Cận Bình phải thay đổi quan điểm của mình. Nhưng sự đảo ngược đột ngột của chính sách “zero Covid” đã dẫn đến sự gia tăng lớn các ca bệnh và số ca nhập viện mà Trung Quốc sẽ tiếp tục phải vật lộn trong một thời gian.
Chủ tịch Tập Cận Bình và chính quyền của ông rất mong muốn đẩy lùi đại dịch và khôi phục niềm tin của giới kinh doanh. Nới lỏng các quy định về kinh tế và chấm dứt kiểm soát đại dịch đã đem lại các kết quả thực chất, làm sôi động thị trường vốn. Ngoài ra, sau khi số ca nhiễm Covid-19 đạt đỉnh điểm, tiêu dùng trong nước có thể sẽ tăng trở lại (số lượng đặt vé máy bay đã tăng gấp nhiều lần ngay sau khi các yêu cầu cách ly đối với khách du lịch được dỡ bỏ), đồng thời hoạt động sản xuất và hậu cần sẽ trở lại bình thường. Chính phủ trung ương cũng đã cam kết chi tiêu cho cơ sở hạ tầng bổ sung để thúc đẩy tăng trưởng.
Nhưng để tình hình kinh tế mới của Trung Quốc có thể duy trì về dài hạn, Chủ tịch Tập Cận Bình cần mở lại các kênh phản hồi của hệ thống chính trị. Điều đó có nghĩa là nêu gương cá nhân và nói rõ với các quan chức đảng-nhà nước rằng ông thực sự muốn họ báo cáo thực tế tại hiện trường. Điều đó sẽ không xảy ra nếu trên thực tế, những người nói thật bị “bịt miệng” và những người tuyên truyền xuông được đề cao.
Chính phủ cũng cần cho xã hội dân sự và giới truyền thông nhiều quyền hạn và khả năng hoạt động hơn. Quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc dập tắt tự do ngôn luận sẽ củng cố quyền lực là thiển cận và cuối cùng sẽ dẫn đến thất bại. Nếu không có một hệ thống phản hồi chính sách thường xuyên, việc quản lý sẽ gặp khó khăn, dẫn đến các cuộc phản đối của quần chúng như đã bùng nổ vào tháng 11 năm 2022, làm xói mòn uy tín và hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, một vấn đề khác với cách tiếp cận từ trên xuống của Tập Cận Bình là nó sẽ khiến các nhà đầu tư băn khoăn khi nào Trung Quốc có thể xoay trục trở lại. Trong thập kỷ qua, Tập Cận Bình đã nhiều lần tuyên bố về cam kết thực hiện nhiều “cải cách” khác nhau, nhưng lại làm ngược lại. Trao quyền cho các quan chức theo chủ nghĩa thực dụng và đã đạt được những kết quả thực tế sẽ đóng góp nhiều trong nỗ lực trấn an thị trường. Bên cạnh đó, thay đổi các tiêu chí tuyển dụng và đề bạt của hệ thống chính trị sẽ có nhiều tác động, ảnh hưởng hơn là những khẩu hiệu đơn thuần.
Cuối cùng, giới lãnh đạo Trung Quốc nên nhận ra rằng mục tiêu bao trùm là giải quyết các vấn đề trong “thời kỳ vàng son” của đất nước, chẳng hạn như hạn chế đầu tư mang tính đầu cơ vào bất động sản và bảo vệ quyền của nhân viên giao hàng trong thương mại điện tử, là không sai. Các chính sách trước đây đã phản tác dụng vì chúng được thực hiện một cách tùy tiện, khiến các doanh nghiệp lo lắng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể thay đổi vào bất lúc nào. Tập Cận Bình và chính quyền của ông phải đảm bảo minh bạch và thực hiện tham vấn trong quá trình hoạch định chính sách, thay vì chỉ đơn giản là từ bỏ việc theo đuổi mục tiêu phát triển toàn diện.
Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quản trị thích ứng từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 2010. Nhưng vào thời điểm Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, mô hình kinh tế của Đặng Tiểu Bình đã đạt đến giới hạn và bắt đầu tạo ra các cấp độ không bền vững về tham nhũng, bất bình đẳng, rủi ro nợ và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, giải pháp không bao giờ là quay trở lại chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Thay vào đó, Trung Quốc cần áp dụng lại chính sách “ứng biến có chỉ đạo” trong thế kỷ 21.
Biên dịch: Nhã Nam
Về tác giả
Yuen Yuen Ang, Giáo sư Kinh tế Chính trị tại Đại học Johns Hopkins, là tác giả của cuốn sách “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” (How China Escaped the Poverty Trap) (NXB Đại học Cornell, 2016) và “China’s Gilded Age” (Thời đại hoàng kim của Trung Quốc) (NXB Đại học Cambridge, 2020).