Thế giới trong tháng 7 vừa qua tiếp tục có những chuyển biến phức tạp với nhiều gam màu sáng tối đan xen. Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các sự kiện đã diễn ra và dự kiến các sự kiện đáng chú ý trong tháng tiếp theo.
NHỮNG DIỄN BIẾN ĐÁNG CHÚ Ý TRONG THÁNG 7 VỪA QUA
- Xung đột Nga – Ukraine tiếp tục bế tắc: Trong khi các cuộc phản công của Ukraine không tỏ ra hiệu quả, Mỹ đã cung cấp bom chùm cho Ukraine. Những động thái đáp trả của Nga sau đó đang khiến cánh cửa đối thoại giải quyết xung đột đang khép lại.
- Quan hệ Mỹ – Trung bước vào giai đoạn tạm hoà hoãn: Nếu tính từ chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Blinken, chỉ trong 1 tháng, đã có 4 chính trị gia Mỹ thăm Bắc Kinh. Đây là một tần suất thăm viếng bất thường. Điều đó cho thấy tính phức tạp trong quan hệ giữa hai siêu cường, đồng thời Mỹ đang cho thấy họ ở thế bị động khi lần lượt các chuyến thăm không tỏ ra hiệu quả.
- Bất ngờ đối với ngoại giao Trung Quốc: sự kiện được quan tâm nhất tháng qua là việc ông Tần Cương bị cách chức Ngoại trưởng liên quan đến những bê bối đời tư. Người thay thế là nhà ngoại giao kỳ cựu Vương Nghị.
- Hội nghị Thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Vilnius (11-12/7) không đạt được các kết quả như phương Tây kỳ vọng khi vấn đề Ukraine tiếp tục bế tắc, quá trình hiện diện ở châu Á thông qua Nhật Bản phải tạm hoãn.
- Nhật Bản lên kế hoạch xả nước nhiễm xạ ra biển gây ra làn sóng phản đối dữ dội từ phía cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.
- Chuyển giao quyền lực ở Campuchia: Đảng Nhân dân CPP chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 7, tuy nhiên Thủ tướng Hun Sen đã từ chức mở đường cho sự tiếp nối quyền lực của người con trai – tướng Hun Manet.
DỰ KIẾN NHỮNG SỰ KIỆN ĐÁNG CHÚ Ý SẮP TỚI
- Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Nhật Bản – Hàn Quốc – Mỹ dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 18/8/2023 tại Trại David nhằm thúc đẩy quan hệ 3 bên, đồng thời tìm hướng đi mới cho các vấn đề khu vực và khả năng kết nối với các liên kết, liên minh bên ngoài.
- Xung đột Nga – Ukraine sẽ tiếp tục nóng với việc Kiev đang ngày càng chịu nhiều áp lực phải đánh và đạt được các kết quả tích cực trên chiến trường. Tuy nhiên, đó là một tham vọng rất khó thực hiện căn cứ vào tương quan lực lượng và khả năng tiếp tục viện trợ, hỗ trợ hậu cần của phương Tây trong thời gian tới.
- NATO bắt đầu huấn luyện phi công F-16 của Ukraine vào tháng 8: Dự kiến tại một trung tâm huấn luyện ở Romania, một liên minh gồm 11 quốc gia sẽ bắt đầu huấn luyện cho các phi công của Kiev lái tiêm kích F-16.
- Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra dự kiến sẽ về nước vào ngày 10/8. Ông Thaksin bị đảo chính và lật đổ ngày 19/9/2006, sau đó phải sống lưu vong ở nước ngoài. Việc trở về đất nước trong khi vẫn chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự ở Thái Lan có thể dẫn tới những diễn biến bất ngờ trong chính trường của nước này.
- Tổng tuyển cử Myanmar sau 2 năm khủng hoảng: Myanmar sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong tháng 8 với hi vọng tìm cách giải quyết cho cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2021.
NHỮNG GỢI MỞ NGHIÊN CỨU VÀ LỜI MỜI CỘNG TÁC
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các Nhà Nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
- Triển vọng quan hệ liên kết chiến lược Đông Bắc Á (Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc) và tác động của nó đối với cục diện khu vực và toàn cầu; Phản ứng của các bên có liên quan (Nga, Trung Quốc, Triều Tiên).
- Triển vọng giải quyết khủng hoảng tại Myanmar và tác động của nó tới hợp tác nội bộ ASEAN trong thời gian tới; Vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cấu trúc an ninh khu vực và quốc tế đang chuyển biến phức tạp.
- Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn (Mỹ – Trung – Nga; EU, Ấn Độ, Nhật Bản…) thời gian tới.
- Xu hướng phát triển của xung đột Nga – Ukraine trong thời gian tiếp theo; khả năng leo thang của các bên cũng như tác động của nó tới khu vực và thế giới.
- Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Bài viết cộng tác vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu.
TM. Ban Biên tập