Thế giới trong tháng 8/2023 tiếp tục có nhiều diễn biến đáng chú ý. Các yếu tố “hợp tác”, “cạnh tranh” và “đối đầu” vẫn đan xen một cách phức tạp. Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các diễn biến đáng chú ý trong tháng và dự kiến một số sự kiện sẽ diễn ra trong tháng tiếp theo. Qua đó, một số vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi thêm tiếp tục được gợi mở.
NHÌN LẠI CÁC SỰ KIỆN ĐÁNG CHÚ Ý TRONG THÁNG 8
– Căng thẳng Trung Quốc – Philippines nổi lên liên quan đến các hoạt động xung quanh bãi Cỏ Mây (thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, Việt Nam). Theo đó, Philippines cáo buộc Trung Quốc đã có hành động tấn công bằng vòi rồng vào các tàu dân sự của họ. Ngược lại, phía Trung Quốc cho rằng Philippines đang cố gắng làm thay đổi hiện trạng bãi Cỏ Mây (Trung Quốc gọi là Nhân Ái, Philippines gọi là Ayungin)
– Thái Lan có tân thủ tướng mới – ông Srettha Thavisin thuộc đảng Pheu Thai làm tân thủ tướng của nước này, chấm dứt ba tháng bế tắc chính trị. Bên cạnh đó, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã về nước sau 15 năm. Ngày 22/8, ông Thaksin bị Tòa án Tối cao Thái Lan tuyên án tù 8 năm. Sau đó, cựu Thủ tướng Thái Lan đã nộp đơn xin ân xá. Các sự kiện diễn ra đang cho thấy, việc lựa chọn thời điểm về nước của ông Thaksin hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.
– Chuyển giao quyền lực ở Campuchia hoàn tất, Ông Hun Manet cùng nội các mới chính thức điều hành Chính phủ Campuchia. Ngay lập tức, ông Hun Manet đã công bố Chiến lược Ngũ giác giai đoạn 1 nhằm thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế Campuchia, phấn đấu nhanh chóng đưa nước này trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

– Myanmar trục xuất nhà ngoại giao hàng đầu của Timor-Leste. Chính quyền quân sự Myanmar ngày 27/8 đã quyết định trục xuất Đại biện lâm thời Timor-Leste ở Yangon sau khi chính quyền Timor-Leste tiến hành cuộc họp với Chính phủ Đoàn kết dân tộc (NUG) bị cấm ở Myanmar. Trước đó, Myanmar ngày 3/8 đã công bố Chính phủ mới được cải tổ do Tướng Min Aung Hlaing đứng đầu. Cuộc bầu cử theo cam kết của chính phủ quân sự đã được hoãn lại.
– Lãnh đạo Tập đoàn Wagner gặp nạn, một chiếc máy bay tư nhân Embraer Legacy được cho là thuộc sở hữu của ông Prigozhin đã rơi ở quận Bologovsky, tỉnh Tver. Các kênh truyền thông Nga đã xác nhận, ông chủ tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin và chỉ huy lực lượng này Dmitry Utkin đã tử nạn.
– Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Hàn được tổ chức tại trại David mở ra một tín hiệu tích cực cho tương lai liên kết chiến lược ba bên. Đồng thời, Hội nghị cũng đã để ngỏ vấn đề tăng tường tương tác giữa hợp tác ba bên Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc với các cơ chế tiểu đa phương khác do Mỹ đứng đầu.
– Nhật Bản bắt đầu xả nước nhiễm xạ liên quan đến sự cố hạt nhân Fukushima ra biển ngày 24/8/2023. Sự kiện ngay lập tức tạo ra làn sóng phản đối của các nước, đặc biệt là Trung Quốc.
– Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức ngày 22-24/8/2023 tại Nam Phi đã thông qua kế hoạch kết nạp thêm 6 thành viên mới vào tổ chức trong thời gian tới. 6 thành viên này bao gồm: Iran, Saudi Arabia, UAE, Argentina, Ai Cập và Ethiopia.

– Tình hình Trung và Tây Phi diễn biến phức tạp: khủng hoảng Niger có nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang. Nhiều nước thành viên ECOWAS đã bày tỏ ý định can thiệp quân sự vào tình hình khủng hoảng Niger. Ngược lại, Burkina Faso và Mali tuyên bố ủng hộ lực lượng quân sự đảo chính ở Niger. Trong khi đó, ngày 30/8/2023, Gabon – quốc gia Trung Phi đã xảy ra đảo chính ngay sau khi Tổng thống Ali Bongo đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Theo đó, một nhóm sĩ quan quân đội cấp cao của Gabon tuyên bố họ đã nắm quyền và hủy bỏ kết quả bầu cử.
DỰ KIẾN MỘT SỐ SỰ KIỆN ĐÁNG CHÚ Ý CỦA THÁNG 9
– Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 sẽ được tổ chức tại Jakarta, Indonesia từ ngày 4-7/9/2023. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang gặp phải nhiều thách thức, đặc biệt là tình hình Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc cũng như những vấn đề phức tạp xoay quanh tình hình Myanmar.

– Hội nghị Thượng đỉnh G-20 sẽ diễn ra vào ngày 09/9/2023 tại New Delhi. Ấn Độ đang kỳ vọng vào việc G-20 sẽ đưa ra quan điểm thân thiện về những vấn đề địa chính trị nổi cộm trên toàn cầu.
– Dự kiến Mỹ sẽ giao lô xe tăng Abraham đầu tiên cho Ukraine vào tháng 9/2023. Theo cam kết ban đầu, Mỹ dự định cung cấp 31 xe tăng, tương đương với 1 tiểu đoàn của Ukraine. Đợt giao đầu tiên sẽ có khoảng 6-8 chiếc Abraham. Với số lượng xe tăng này, rất khó có thể tạo ra những đột biến trên chiến trường, thay vào đó, kế hoạch của Mỹ mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là ý nghĩa về mặt quân sự.
– Nhật báo Yomiuri Shimbun ngày 10/8 đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có thể sẽ thực hiện cải tổ nội các nước này từ ngày 11-13/9. Cuộc cải tổ nội các sắp tới, dự kiến diễn ra xen giữa nhiều sự kiện ngoại giao, được xem là nỗ lực của Thủ tướng Kishida nhằm củng cố tỷ lệ ủng hộ đang sụt giảm, cũng có thể là dấu hiệu cho biết thời điểm diễn ra một cuộc bầu cử sớm ở nước này.
– Tình hình xung đột Nga – Ukraine cũng như cuộc khủng hoảng tại Niger và Gabon tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể có những diễn biến bất ngờ trong tháng 9 tới.
NHỮNG GỢI MỞ NGHIÊN CỨU VÀ LỜI MỜI CỘNG TÁC
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các Nhà Nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
- Quá trình tập hợp, xây dựng lực lượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; xu hướng phát triển các cơ chế hợp tác tiểu đa phương (AUKUS, JAPHUS, QUAD và các cơ chế khác do Mỹ cũng như Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo)
- ASEAN: thời cơ và thách thức trong những năm tiếp theo
- Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn (Mỹ-Trung-Nga; EU, Ấn Độ, Nhật Bản…) thời gian tới.
- Xu hướng phát triển của tình hình xung đột toàn cầu trong thời gian tới và tác động của nó (đặc biệt trong trường hợp xung đột Nga – Ukraine, khủng hoảng tại các nước châu Phi và các điểm nóng xung đột khác).
- Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Bài viết cộng tác và thông tin cộng tác viên vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu./.
TM. BAN BIÊN TẬP