BBT - Tháng 9/2023 đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, có tác động sâu sắc tới các quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu, bao gồm cả trường hợp của Việt Nam. Không ít các sự kiện trong đó sẽ còn tiếp diễn với những diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian tới. Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng 9/2023 và điểm qua những sự kiện sẽ diễn ra trong tháng tiếp theo. Qua đó, một số gợi mở nghiên cứu cũng đã được đề xuất gửi tới quý độc giả, các chuyên gia đa lĩnh vực cùng tham gia cộng tác.
Một số sự kiện đáng chú ý đã diễn ra trong tháng 9/2023
Việt Nam và khu vực Đông Nam Á
1. Việt Nam – Hoa Kỳ chính thức nâng cấp quan hệ “vượt cấp” từ đối tác toàn diện (2013) lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Trong bối cảnh quốc tế nhạy cảm ở thời điểm hiện tại, sự kiện đã kéo theo làn sóng dư luận bình luận sôi nổi ở trong nước cũng như quốc tế về tính toán của các bên.
2. Tình hình Biển Đông tiếp tục gia tăng căng thẳng, chủ yếu xoay quanh mâu thuẫn giữa Manila và Bắc Kinh. Xuất phát từ những vấn đề liên quan tới bãi Cỏ Mây, căng thẳng trên biển Đông đang có nguy cơ mở rộng sang các khu vực tranh chấp khác giữa Philippines và Trung Quốc.
3. Tân Thủ tướng Campuchia thực hiện 2 chuyến công du quốc tế quan trọng đầu tiên. Trung Quốc là điểm đến số 1, sau đó là Mỹ. Đây cũng là 2 đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Hun Manet.
4. Singapore có tân Tổng thống, ông Tharman Shanmugaratnam cựu Phó Thủ tướng Singapore đã trở thành Tổng thống mới của nước này sau kết quả cuộc bầu cử vào đầu tháng 9/2023.
5. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 đã được tổ chức tại Jakarta, Indonesia từ ngày 4-7/9/2023. Hội nghị đã chứng kiến Lễ chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2024 từ Indonesia sang Lào.
6. Các quốc gia ASEAN ngày 19/9 đã tiến hành cuộc diễn tập quân sự chung đầu tiên của khối mang tên “Solidarity” (Đoàn kết). Cuộc diễn tập kéo dài 5 ngày tại biển Nam Natuna, thuộc Indonesia. Mục đích của hoạt động quân sự chung này nhằm phát triển các kỹ năng quân sự, bao gồm an ninh hàng hải và tuần tra trên biển, cũng như phân phát hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Trung Quốc và khu vực Đông Bắc Á
7. Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt tiến hành cải tổ nội các. Trong khi Hàn Quốc tiến hành cải tổ lần thứ hai với một số thay đổi nhỏ thì nội các Nhật Bản đã thay đổi tới 11 trên tổng số 19 Bộ trưởng.
8. Ba nước Đông Bắc Á gồm Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc đã tiến hành thảo luận về việc tổ chức trở lại Hội nghị Thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên kể từ năm 2019. Đây được coi là nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ thế bế tắc ở Đông Bắc Á.
9. Người đứng đầu Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã thực hiện chuyến thăm Nga. Đáng chú ý, trong đoàn tháp tùng có tới 5 vị tướng trong quân đội, gồm: nguyên soái Ri Pyong-chol, nguyên soái Pak Jong-chon, tướng Pak Thae-song, tướng Jo Chun-ryong và Tư lệnh Hải quân Kim Myong-si. Chuyến thăm ngay lập tức kéo theo những phản ứng gay gắt của các nước phương Tây cũng như hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc.
10. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) mất tích. Kể từ ngày 29/8 cho đến hết tháng 9/2023, ông Lý Thượng Phúc vẫn chưa xuất hiện trở lại. Giới truyền thông phương Tây cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đang bị điều tra liên quan đến vấn đề tham nhũng trong lực lượng PLA, thậm chí cho rằng ông Lý Thượng Phúc đã bị cách chức. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về vấn đề này.
11. Trung Quốc tiến hành một loạt các sự kiện kỷ niệm 10 năm triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong tháng 9/2023. Đây được coi là một Sáng kiến Thế kỷ đóng vai trò quan trọng đối với sự trỗi dậy của nước này.
Nga và khu vực Trung Á
12. Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8 được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 9 trong khuôn viên Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok. Chủ đề của diễn đàn này là “Hướng tới Hợp tác, Hòa bình và Thịnh vượng. Từ diễn đàn, Nga đã gợi mở rằng, Viễn Đông là trọng tâm chiến lược của nước này trong thế kỷ XXI.
13. Azerbaijan tấn công khu vực Karabakh và giành chiến thắng, có tới một nửa người dân Armenia đã rời khỏi khu vực chiến sự. “Cộng hòa tự xưng” Nagorny-Karabakh tuyên bố sẽ chính thức giải thể vào đầu năm 2024. Một thất bại của Armenia cũng như thắng lợi của Azerbaijan đã khiến tranh chấp tại Nagorny-Karabakh bước sang một giai đoạn hoàn toàn mới.
Tình hình Ukraine
14. Sau khi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng, ngày 18/9, Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục sa thải toàn bộ 6 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng của nước này gồm: Vladimir Gavrilov, Vitaly Deynega, Anna Malyar, Rostislav Teodozievich, Denis Sharapov và Andrey Shevchenko. Ngoài ra, Thư ký của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Konstantin Vashchenko cũng bị sa thải. Điều này tạo ra sự hoài nghi đối với những tuyến bố thành công từ chiến dịch phản công của Kiev trên các mặt trận.
15. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến bay tới Mỹ và Canada để tiếp tục tìm kiếm thêm sự ủng hộ của các nước này. Ngày 22/9, nhiều nguồn tin của Mỹ tiết lộ Washington sẽ cung cấp một số lượng nhỏ tên lửa tầm xa, cũng như các loại vũ khí khác để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
16. Ngày 25/9/2023, Ukraine công bố kết quả của cuộc tấn công trụ sở Hạm đội Biển Đen (diễn ra ngày 22/9/2023), thậm chí tuyên bố đã tiêu diệt được Chỉ huy Hạm đội Biển Đen – Đô đốc Viktor Sokolov. Tuy nhiên, ngày 27/9/2023, vị chỉ huy này lại xuất hiện trong cuộc họp của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga. Theo Nga, cuộc tấn công của Ukraine có sự hỗ trợ của các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ và Anh.
17. Lô xe tăng Abraham đầu tiên đã được Mỹ chuyển cho Ukraine. Động thái này nằm trong cam kết cung cấp 31 xe tăng cho Kiev của Washington.
Châu Âu
18. Nghị viện châu Âu (EP) ngày 12/9 đã thông qua sáng kiến trị giá 300 triệu euro (320 triệu USD) nhằm thúc đẩy việc mua chung vũ khí của các quốc gia thành viên như một phần trong nỗ lực chung của khối nhằm củng cố ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu trước những thách thức nghiêm trọng từ tình hình xung đột Ukraine và các thách thức an ninh khác.
19. Ngày 29/9, lãnh đạo 9 nước Địa Trung Hải và Nam Âu cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhóm họp tại Malta để bàn về vấn đề di cư. Liên quan đến tình hình khủng hoảng ở châu Phi, Trung Đông và Ukraine, châu Âu đang phải “gánh chịu” liên tiếp các làn sóng di cư ở khắp các khu vực đổ về.
Các vấn đề toàn cầu khác
20. Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trong 2 ngày 9-10/9/2023 với sự thiếu vắng của 2 nhân vật quan trọng gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tại Hội nghị lần này, Liên minh châu Phi (AU) đã được gia nhập G20.
21. Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các Nước Phát triển (G77) và Trung Quốc đã diễn ra tại thủ đô La Habana (Cuba) trong các ngày 15 và 16/9/2023. Hội nghị đã thu hút hơn 100 nước cử đại diện tới tham dự.
Một số sự kiện đáng chú ý dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10/2023
1. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC lần đầu tiên vào tháng 10/2023. Sự kiện mở ra nhiều triển vọng đối với việc hợp tác liên khu vực trong tương lai.
2. Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận chung vào tháng 10/2023.
3. Trung Quốc sẽ tổ chức Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ 3, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo và đại diện từ 90 quốc gia trên thế giới. Đây cũng là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 10 năm triển khai BRI.
4. Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Liên minh châu Âu (EU) cùng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại Nhà Trắng vào ngày 20/10 tới. Đây là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU lần thứ hai dưới thời chính quyền Biden.
5. Tổng thống Nga dự kiến sẽ thăm Trung Quốc trong tháng 10/2023. Ngày 19/9/2023, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev tiết lộ ông Putin sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để hội đàm tại Bắc Kinh vào tháng 10.
6. Cùng với chuyến thăm Trung Quốc, ông Putin cũng sẽ có chuyến thăm Triều Tiên trong tháng 10/2023 theo lời mời của ông Kim Jong-un.
7. Bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Phương Đông (EEF) lần thứ 8 đã diễn ra tại thành phố Vladivostok tháng 9/2023, Tổng thống Vladimir Putin đã gửi lời mời Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm Nga. Dự kiến thời gian diễn ra chuyến thăm sẽ trong tháng 10/2023.
8. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước thành viên NATO sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) từ ngày 12-13/10. Tình hình xung đột Ukraine, khả năng tương tác với các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vấn đề kết nạp Thụy Điển và cuộc khủng hoảng ở các khu vực sẽ là các nội dung trọng tâm của cuộc họp.
9. Hiệp ước hợp tác quốc phòng Nhật-Anh sẽ có hiệu lực vào tháng 10/2023. Đây là cơ sở quan trọng giúp 2 bên có thể tổ chức các cuộc tập trận chung và tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
10. Nhật Bản có thể sẽ bầu bổ sung thành viên nội các mới trong tháng 10/2023.
11. Triển lãm Hàng không vũ trụ và công nghiệp quốc phòng quốc tế sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023 tại Seoul. Hàn Quốc cũng đã gửi lời mời tới Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam – Đại tướng Phan Văn Giang tới tham dự Triển lãm.
Một số gợi mở nghiên cứu trong tháng tiếp theo
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các Nhà Nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
- Tình hình căng thẳng ở Biển Đông thời gian vừa qua, tác động tới khu vực và toàn cầu, dự báo trong thời gian tới và những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
- Việt Nam trong bối cảnh mới: thời cơ, thách thức, tác động, dự báo và khuyến nghị chính sách trên các lĩnh vực: kinh tế, đối ngoại, quốc phòng – an ninh.
- Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn (Mỹ-Trung-Nga; EU, Ấn Độ, Nhật Bản…) thời gian tới.
- Xu hướng phát triển của tình hình xung đột toàn cầu trong thời gian tới và tác động của nó
- Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Bài viết cộng tác và thông tin cộng tác viên vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Thể lệ bài đăng trên Nghiên cứu Chiến lược quý độc giả có thể tham khảo tại đây. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu./.
TM. BAN BIÊN TẬP