Ông Lưu Kiến Siêu - người đứng đầu Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chọn Mỹ cho chuyến thăm đầu tiên vào năm 2024. Đây là một điều bất thường. Chuyến thăm này trùng với thời điểm diễn ra cuộc bầu cử ở Đài Loan, và đó cũng là một trong những vấn đề quan trọng được hai bên tập trung thảo luận. Kết quả, Nhà Trắng nhắc lại rằng Mỹ không ủng hộ "sự độc lập của Đài Loan”, tuyên bố như vậy ngay trước thềm cuộc bầu cử ở Đài Loan cũng được coi là điều bất thường. Vậy những điểm bất thường của chuyến thăm này được biểu hiện như thế nào?
Trung tuần tháng 01/2024, ông Lưu Kiến Siêu – Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) – đã đến thăm Mỹ. Ông Lưu vốn có mối quan hệ rộng rãi với các nhân vật quan trọng trong chính trị, kinh doanh, truyền thông và các lĩnh vực khác của Mỹ. Nhân chuyến thăm “bất thường” lần này, ông đã có bài phát biểu tại Hội đồng về Quan hệ đối ngoại, một tổ chức cố vấn lớn của Mỹ. Một loạt các hoạt động chuyên sâu của ông đã cho thấy những tín hiệu mới trong ngoại giao của Trung Quốc với Mỹ. Do thân phận đặc biệt của Lưu Kiến Siêu, chuyến thăm này cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ thế giới bên ngoài. Những thông báo chính sách liên quan mà ông Lưu đưa ra có ý nghĩa quan trọng đối với việc hiểu rõ hướng đi của quan hệ Trung-Mỹ trong giai đoạn tiếp theo.
Ban Đối ngoại Trung ương Đảng: “Bộ Ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc”
Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về công tác đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC). Kể từ khi thành lập năm 1951, cơ quan này hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tương đương với Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Tổ chức Trung ương. Với những đặc điểm như vậy, cơ quan đối ngoại này có tính Đảng khá nổi bật. Trong lịch sử, Ban này chủ yếu làm việc với các đảng chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô và Việt Nam. Kể từ khi cải cách và mở cửa, khi nhiệm vụ trọng tâm được chuyển từ “đấu tranh giai cấp” sang “xây dựng kinh tế”, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng bắt đầu tăng cường quan hệ với các đảng chính trị ở các nước tư bản.
Xuất phát từ việc trao đổi giữa các đảng tỏ ra linh hoạt hơn ngoại giao liên chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong nền ngoại giao tổng thể của nước này. Hiện nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thiết lập nhiều hình thức quan hệ khác nhau với hơn 600 đảng phái chính trị và tổ chức chính trị ở hơn 160 quốc gia và khu vực, thực hiện các trao đổi cấp cao, đối thoại diễn đàn, thăm làm việc và các hoạt động đối ngoại khác. Đáng chú ý, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh với Washington. Cơ quan này đã nhiều lần tổ chức các cuộc đối thoại giữa các đảng phái chính trị Trung Quốc và Mỹ, đồng thời mời người đứng đầu các bộ, ngành quan trọng của đảng và chính phủ tới tiến hành các cuộc đối thoại giữa các bên. Họ cũng thực hiện các cuộc thảo luận chiến lược với các chính trị gia cấp cao của các đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ. Ví dụ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Albright và những người khác đã từng tham gia các cuộc đối thoại như vậy.
Chuyến thăm Mỹ của Lưu Kiến Siêu là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông vào năm 2024. Sự sắp xếp này khá bất thường, trước đây, chuyến thăm thường niên đầu tiên của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thường là tới các nước xã hội chủ nghĩa hoặc các nước đang phát triển khác. Rõ ràng, ngoại giao với Mỹ đóng vai trò rất quan trọng trong bố cục ngoại giao tổng thể của Trung Quốc. Vào tháng 11/2023, nguyên thủ quốc gia Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức cuộc gặp tại Washington, tạo điều kiện thuận lợi cho việc “giữ ổn định” quan hệ Trung-Mỹ, đặc biệt là việc tạo ra “Tầm nhìn San Francisco” cho tương lai. Khi Lưu Kiến Siêu gặp Phó Trợ lý Tổng thống Mỹ về các vấn đề an ninh quốc gia Jonathan Finer tại Washington, ông nói rằng cả hai bên nên hợp tác để thực hiện những đồng thuận quan trọng và kết quả đạt được tại cuộc gặp ở San Francisco giữa lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ.
Trước đây, tương tác cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ đã dần ấm lên, các cơ chế như nhóm công tác kinh tế, nhóm công tác tài chính, nhóm công tác thương mại đã được thành lập hoặc khôi phục. Với tư cách là Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, chuyến thăm của ông Lưu Kiến Siêu sẽ giúp thúc đẩy liên lạc Trung-Mỹ lên cấp độ chiến lược, giúp Mỹ hiểu một cách khách quan và chính xác các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc từ góc độ của đảng, đồng thời tìm cách hạn chế các động thái của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc, giảm bớt “sự thiếu hụt nhận thức lẫn nhau” giữa hai bên thời gian qua.
Để đạt được mục tiêu này, Lưu Kiến Siêu dựa vào mối liên hệ sâu rộng với các nhân vật cấp cao trong chính trị, kinh doanh, tổ chức tư vấn và truyền thông Mỹ. Ông đã trao đổi với họ về nhiều chủ đề, bao gồm quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Mỹ, xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo, chính sách năng lượng mới của Trung Quốc, rủi ro và thách thức quốc tế, v.v.
Sự sắp xếp này phản ánh tính linh hoạt của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc thực hiện công tác đối ngoại, vì đây là một trong những cơ quan chức năng của Trung ương Đảng nên những thông tin mà Ban này truyền tải tới các bên về những vấn đề đối nội và đối ngoại của cường quốc Đông Á thể hiện đầy đủ quan điểm của Đảng lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Đây cũng là lý do khiến các bên nước ngoài sẵn sàng hợp tác với cơ quan phụ trách đối ngoại của CPC. Đó là một lý do quan trọng để tăng cường kết nối và tăng cường liên lạc.
Giải thích mục tiêu chiến lược của Trung Quốc
Một trong những điểm nổi bật trong chuyến thăm của Lưu Kiến Siêu là ông được mời phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Mỹ và giao lưu với các tổ chức khác. Gần 100 người từ mọi tầng lớp trong cộng đồng chiến lược, giới học thuật và giới truyền thông Mỹ đã tham dự sự kiện này và hơn 400 người tham gia trực tuyến. Đây là sự kiện quan trọng để “tiếp cận những người có ảnh hưởng”. Được thành lập vào năm 1921, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại là một trong những cơ quan tư vấn quan trọng nhất ở Mỹ. Người lãnh đạo hiện tại là Michael Froman, cựu Đại diện Thương mại Mỹ và là cố vấn trưởng, nhà đàm phán về các vấn đề thương mại và đầu tư quốc tế của cựu Tổng thống Mỹ Obama.
Trong phần phát biểu và hỏi đáp do Froman chủ trì, Lưu Kiến Siêu đã giải thích rõ ràng về chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, đồng thời chấp nhận chia sẻ về nhiều vấn đề nhạy cảm do Mỹ nêu ra, kiểu tương tác này hiếm khi xảy ra trước đây. Sự tự tin không chỉ đến từ sự hiểu biết sâu sắc về bản chất các chính sách của Trung Quốc mà còn đến từ kinh nghiệm làm việc phong phú của ông Lưu – người từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền trung ương và địa phương, cùng với những kinh nghiệm đa dạng trong việc thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực đối ngoại và đối nội khác. Lưu Kiến Siêu cho biết trong bài phát biểu của mình rằng mục tiêu chiến lược của Trung Quốc vừa tham vọng vừa đơn giản, đó là giúp 1,4 tỷ người dân Trung Quốc có cuộc sống tốt hơn. Trung Quốc kiên quyết đi theo con đường phát triển hòa bình và nước này không tìm cách thay đổi trật tự quốc tế hiện tại chứ chưa nói đến việc tạo ra một trật tự mới.
Với tư cách là một siêu cường trên thế giới hiện nay, một trong những mối lo ngại lớn nhất của Mỹ là các quốc gia khác sẽ tìm cách lật đổ trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo và thay thế vị thế của Mỹ. Trong báo cáo “Chiến lược an ninh quốc gia” do chính quyền Tổng thống Biden công bố vào tháng 10/2022, nội dung liên quan đến ứng phó với “Thách thức Trung Quốc” đã được liệt kê riêng và được gọi là “ưu tiên toàn cầu” của Mỹ. Báo cáo nhận định, Trung Quốc là “thách thức địa chính trị nghiêm trọng nhất” mà Mỹ phải đối mặt, đồng thời Trung Quốc cũng là đối thủ cạnh tranh duy nhất có cả ý chí và khả năng định hình lại trật tự quốc tế; sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc là thách thức toàn cầu, bao trùm trên mọi lĩnh vực về kinh tế, công nghệ, an ninh, cơ chế quốc tế, v.v. Chính quyền của ông Joe Biden nhấn mạnh 10 năm tới sẽ là “thập kỷ quyết định” trong cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh.
Rõ ràng, tuyên bố của Lưu Kiến Siêu có mục đích rất rõ ràng, vạch ra những hiểu lầm và đánh giá sai lầm của Mỹ về các ý định chiến lược của Trung Quốc. Lưu Kiến Siêu đã nói rõ “Trung Quốc muốn gì” bằng những lời ngắn gọn, rằng mục tiêu cao nhất của ngoại giao Trung Quốc trong thời đại mới là xây dựng một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại, trong đó việc thực hiện Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu là định hướng chiến lược, đồng thời là xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao là nền tảng thực tế. Cho dù tình hình quốc tế có thay đổi thế nào, Trung Quốc sẽ luôn hợp tác với các nước để thúc đẩy xây dựng cộng đồng cùng chia sẻ tương lai cho nhân loại và tạo dựng một tương lai hòa bình, an ninh, thịnh vượng và tiến bộ. Đó là hàm ý mà ông Lưu muốn thể hiện.
Trong bài phát biểu và tương tác của Lưu Kiến Siêu với người dân Mỹ, ông cũng tập trung vào loại hình phát triển mà Trung Quốc cam kết thực hiện trong kỷ nguyên mới, nhấn mạnh mục tiêu phát triển mở ở cấp độ cao, phát triển bền vững, tiến bộ và phát triển xanh. Nền tảng kinh tế cơ bản của Trung Quốc sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian dài. Trung Quốc sẽ xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển và an ninh, đổi mới độc lập và mở cửa, tiếp tục cải cách sâu sắc, mở rộng mở cửa, đặc biệt thúc đẩy mở cửa thể chế, tạo môi trường kinh doanh hạng nhất theo định hướng thị trường, hợp pháp và quốc tế.
Cần lưu ý rằng, đứng từ phía Mỹ, nước này rất quan ngại về triển vọng phát triển của Trung Quốc. Một số người trong cộng đồng chiến lược Mỹ quan tâm tới “lý thuyết tiên phong của Trung Quốc” và cố gắng định hình các vấn đề cạnh tranh Trung-Mỹ từ góc độ kỳ vọng phát triển. Ví dụ, Michael Beckley, giáo sư tại Đại học Tufts ở Mỹ và những người khác tin rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ gặp trì trệ trong vài năm tới do các yếu tố như già hóa nghiêm trọng, thiếu nguồn lực, áp lực tài chính ngày càng tăng và sự tách rời của phương Tây khỏi Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ chấm dứt và Trung Quốc sẽ không vượt qua Mỹ về quy mô kinh tế. Trong hoàn cảnh như vậy, Trung Quốc không chỉ khó duy trì sức hấp dẫn kinh tế với các nước khác mà còn trở nên “hung hăng” hơn trước những thách thức nội tại, từ đó hình thành “bẫy đỉnh quyền lực”.
Lý thuyết “Trung Quốc tiên phong” đã bị nhiều người đặt câu hỏi. Joseph S. Nye, giáo sư tại Đại học Harvard, tin rằng việc đánh giá thấp Trung Quốc cũng nguy hiểm như đánh giá quá cao Trung Quốc. Việc coi thường những thành tựu phát triển và tham vọng trong tương lai của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ mất đi lợi thế lâu dài của mình. Mặc dù vậy, lý thuyết “Trung Quốc tiên phong” vẫn sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức của thế giới bên ngoài về triển vọng phát triển của Trung Quốc, đồng thời sẽ gây áp lực đáng kể lên Trung Quốc trong việc ổn định ngoại thương, đầu tư nước ngoài, mở rộng hợp tác khoa học, công nghệ quốc tế, và thậm chí duy trì quan hệ ngoại giao. Theo quan điểm này, bài trình bày của Lưu Kiến Siêu về triển vọng phát triển và triển vọng kinh tế của Trung Quốc cho những người quan trọng thuộc mọi tầng lớp xã hội ở Mỹ có ý nghĩa thực tiễn mạnh mẽ và sẽ giúp giải quyết tốt hơn tranh chấp về kỳ vọng phát triển giữa hai siêu cường.
Khúc mắc về vấn đề Đài Loan
Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ. Khi đó, một trong những điều kiện quan trọng để Trung Quốc và Mỹ chuyển từ thù địch sang cởi mở hơn là cả hai bên đều tìm được tiếng nói chung để giải quyết vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, “cạnh tranh quyền lực lớn” giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây, cũng như việc Mỹ “dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc” đã biến vấn đề Đài Loan ngày càng lằn ranh đỏ trong quan hệ song phương giữa hai siêu cường. Sự tương tác giữa “eo biển nhỏ” (Đại lục và Đài Loan) với “eo biển lớn” (Trung Quốc và Mỹ) đang bước vào một giai đoạn mới, phức tạp và nhạy cảm hơn.
Chuyến thăm Mỹ của Lưu Kiến Siêu trùng với thời điểm diễn ra cuộc bầu cử lãnh đạo ở Đài Loan. Cách Trung Quốc và Mỹ đối phó với làn sóng chấn động mà cuộc bầu cử này gây ra đối với quan hệ giữa hai nước đã thu hút nhiều sự chú ý từ mọi tầng lớp xã hội. Giới chính sách Mỹ lo ngại rằng cuộc bầu cử ở Đài Loan vừa qua có thể gây ra một vòng xung đột mới giữa Trung Quốc và Mỹ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, có một khoảng cách rõ ràng giữa cái gọi là chính sách “Một Trung Quốc” mà Washington theo đuổi với cái gọi là “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” do Quốc hội Mỹ đưa ra. Sau đó là “ba thông cáo chung” giữa Trung Quốc và Mỹ với “sáu đảm bảo” mà chính quyền cựu Tổng thống Reagan đã áp dụng đối với Đài Loan. Nhìn từ các hành động, khả năng răn đe quân sự của Mỹ ở eo biển Đài Loan tiếp tục được tăng cường và xu hướng thu hút sự tham gia của các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Điều đó cũng làm tăng thêm sự phức tạp trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan của Trung Quốc và Mỹ.
Trong cuộc gặp giữa Lưu Kiến Siêu và Jonathan Finer, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, vấn đề Đài Loan là một trong những chủ đề quan trọng. Khi trả lời câu hỏi của khán giả Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, ông Lưu nói: “Đối với Trung Quốc, vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi của nước này và là ranh giới đỏ không thể vượt qua. Ông coi trọng tuyên bố của Mỹ rằng họ không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan và ông bày tỏ hy vọng rằng Mỹ có thể giữ lời hứa của mình”. Lưu Kiến Siêu nhấn mạnh rằng việc thống nhất là chủ trương kiên định, rõ ràng, mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc và là mong muốn mạnh mẽ của người dân nước này. Tuy nhiên, ông Lưu cũng khẳng định, miễn là sự đồng thuận “Một Trung Quốc” được tuân thủ, các đảng phái liên quan ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan có thể liên lạc và đối thoại.
Mặc dù Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm chính về ngoại giao liên đảng nhưng cũng có mối liên hệ nhất định với các vấn đề liên quan đến Đài Loan. Điều đáng chú ý là lãnh đạo Văn phòng Công tác Đài Loan của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện thường là do một người kiêm nhiệm, như trường hợp của Lưu Kết Nhất và Trương Chí Quân. Họ cũng là những người có kinh nghiệm làm việc tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã tổ chức cuộc điện đàm giao ban về các vấn đề bầu cử của Đài Loan vào ngày 10/1, theo giờ địa phương. Một quan chức cấp cao ẩn danh của Nhà Trắng nhắc lại rằng Mỹ tuân thủ “chính sách Một Trung Quốc” lâu dài, không ủng hộ “sự độc lập của Đài Loan”, phản đối những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng của bất kỳ bên nào và ủng hộ đối thoại xuyên eo biển. Việc các quan chức Mỹ đưa ra thông báo trước cuộc bầu cử ở Đài Loan là điều bất thường. Điều này phản ánh mối lo ngại của Nhà Trắng rằng cuộc bầu cử này có thể gây ra những diễn biến bất ngờ.
Với tư cách là ứng cử viên và thực tế đã trúng cử vị trí lãnh đạo mới của Đài Loan, lập trường độc lập của ông Lại Thanh Đức cũng đã thu hút sự chú ý ở Mỹ. Thomas Christensen – cựu quan chức cấp cao của Mỹ chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Bonnie Glaser – một chuyên gia tư vấn chính sách, và Jessica Weiss – cựu cố vấn Bộ Ngoại giao đã cùng viết một bài báo kêu gọi Lại Thanh Đức xem xét việc đóng băng “Cương lĩnh của Đảng Độc lập Đài Loan” được đề xuất vào năm 2014 nếu được bầu. Đồng thời, Mỹ cũng nên đưa ra nhiều “trấn an” hơn cho Trung Quốc đại lục về việc không ủng hộ “Đài Loan độc lập”. Lưu Kiến Siêu đã tham dự một hội nghị chuyên đề đặc biệt trong khuôn khổ Đối thoại Trung-Mỹ (một khuôn khổ đối thoại kênh 1.5) tại New York vào ngày 8/1.
Tổ chức tư vấn chiến lược Eurasia Group gần đây đã xuất bản một bài viết phân tích mô tả tân lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức, Tổng thống Ukraine Zelensky và Thủ tướng Israel Netanyahu là “những người bạn nguy hiểm” của Mỹ, đồng thời đưa ra cảnh báo về việc Mỹ can dự vào xung đột eo biển Đài Loan xuất phát từ những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra ở hòn đảo này./.
Biên dịch: Hoàng Hải
Tác giả: Triệu Minh Hạo (赵明昊) là Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]