Chuyến thăm của tân Tổng thống Philippines tới Trung Quốc những ngày vừa qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với dư luận cũng như các nhà nghiên cứu quốc tế. Một trong những vấn đề được chú ý đó là cách tiếp cận của ông Ferdinand Marcos Jr. với Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng phức tạp sẽ có những chuyển biến gì mới và liệu có hiệu quả hơn so với người tiền nhiệm. Liên quan đến vấn đề này, tác giả Sebastian Strangeo đã có bài viết đáng chú ý trên tạp chí The Diplomat với tựa đề: "tại Trung Quốc, liệu Marcos có thể thành công ở nơi Duterte thất bại?". Dưới đây là nội dung bài viết:
Tiêu đề do BBT đặt.
Tổng thống mới của Philippines hứa hẹn sẽ đưa quan hệ song phương Philippines – Trung Quốc lên một “mức độ cao hơn”. Nhưng việc chính quyền của ông nhanh chóng phục hồi quan hệ với Hoa Kỳ có khả năng tạo ra vấn đề.
Ngày 03/01/2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã bay tới Trung Quốc trong chuyến thăm cấp nhà nước ba ngày nhằm thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước vốn đang gặp khó khăn. Như hãng AP đã đưa tin, Marcos đã bay tới Bắc Kinh cùng với một phái đoàn doanh nghiệp lớn, mà ông cho biết sẽ tìm kiếm sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực bao gồm nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư.
Nhà lãnh đạo Philippines được cho là đã nói với các quan chức và nhà ngoại giao, bao gồm cả Đại sứ Trung Quốc, trước khi lên máy bay tới Bắc Kinh rằng: “Khi tôi rời Bắc Kinh, tôi sẽ mở ra một chương mới trong hợp tác chiến lược toàn diện của Philippines với Trung Quốc”.
Marcos nói thêm rằng, ông mong đợi được gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và cả hai sẽ “làm việc nhằm nâng quan hệ của chúng ta lên một mức độ cao hơn, hy vọng sẽ mang lại nhiều triển vọng và cơ hội phong phú vì hòa bình, phát triển cho nhân dân hai nước chúng ta”.
Đề cập đến các tranh chấp hàng hải đang diễn ra ở Biển Đông, ông nói rằng, những vấn đề như vậy “không thuộc về hai người bạn như Philippines và Trung Quốc” và rằng, ông và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ “tìm cách giải quyết những vấn đề đó vì lợi ích chung của hai nước”.
Về bản chất, với những điều chỉnh cần thiết về phong cách cũng như bầu không khí, có rất ít điểm khác biệt giữa tầm nhìn của Marcos về mối quan hệ với Trung Quốc so với tầm nhìn của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Cả hai đều đang tìm cách tách mối quan hệ kinh tế của Philippines với Trung Quốc ra khỏi những căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông, nhằm thúc đẩy mở rộng thương mại song phương vốn đã có quy mô rất lớn giữa hai quốc gia, và để giành được sự đầu tư rất cần thiết, đặc biệt là cho sự phát triển của cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước. Marcos nói rằng, Philippines và Trung Quốc có thể sẽ ký kết hơn 10 thỏa thuận song phương quan trọng trong chuyến thăm.
Vấn đề đối với Marcos là Duterte đã thất bại trong việc thực hiện các mục tiêu của mình trong những điều kiện thuận lợi hơn đáng kể. Sau khi nhậm chức vào năm 2016, Duterte vì nhiều lý do cá nhân và chính trị phức tạp đã cự tuyệt Hoa Kỳ, chỉ trích Tổng thống Barack Obama không đến thăm đất nước này trong sáu năm cầm quyền và khiến liên minh kéo dài hàng thập kỷ với Washington rơi vào tình trạng trì trệ. Ông cũng hướng tới mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, tuyên bố trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh ngay sau khi lên nắm quyền rằng, ông đang điều chỉnh lại bản thân theo “dòng chảy tư tưởng” của Bắc Kinh. Sau đó, ông đã hạ thấp tầm quan trọng của các tranh chấp hàng hải với hi vọng tiếp cận được nguồn tài trợ cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Cuối cùng, Duterte đã không thu được nhiều lợi ích từ chính sách xoay trục của mình. Khoản tài trợ cơ sở hạ tầng được hi vọng đã không thành hiện thực do những rào cản từ cả hai bên, ngay cả khi những năm cầm quyền của Duterte đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư tư nhân của Trung Quốc vào Philippines. Đồng thời, Trung Quốc dường như không muốn đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào cho Duterte ở Biển Đông. Họ tiếp tục đưa lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng dân quân hàng hải xâm nhập vào các khu vực do Philippines tuyên bố chủ quyền. Tổng cộng, Chính phủ Philippines trong nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte đã gửi 388 công hàm phản đối chính thức về các hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông với Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Mặt khác, Marcos đã nắm bắt mối quan hệ liên minh của Philippines với Hoa Kỳ, khôi phục Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA), cho phép Hoa Kỳ triển khai các lực lượng theo thỏa thuận tới 5 căn cứ được chọn ở Philippines. Vào tháng 11.2022, chính quyền của ông đã tiếp đón Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong chuyến thăm tới đảo Palawan của Philippines, hướng ra Biển Đông, nơi bà nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với đồng minh truyền thống lâu năm của mình “khi đối mặt với sự đe dọa và áp bức ở Biển Đông”. Hàm ý trong lời nói rõ ràng ám chỉ tới Trung Quốc.
Tất cả những diễn biến này chắc chắn sẽ gây ra những âm hưởng đáng lo ngại cho giới lãnh đạo Trung Quốc, có lẽ khiến họ ở mức độ nào đó nhận ra mình đã không tận dụng được chuyến thăm hiếm hoi của một nhà lãnh đạo chống Mỹ đến Cung điện Malacañang.
Nếu Duterte gặp khó khăn trong việc thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh trong những trường hợp này, thì khó có thể tưởng tượng Marcos sẽ thành công trong việc chuyển quan hệ sang một “mức độ cao hơn” do chính quyền của ông ấy đã nhanh chóng khôi phục tình hữu nghị với Hoa Kỳ. Như nhà bình luận đối ngoại nổi tiếng Richard Heydarian đã lưu ý trong một bài báo gần đây trên tờ Philippine Inquirer: “Cả hai bên sẽ cần đưa ra những nhượng bộ đáng kể và dường như khó có thể xảy ra nếu mối quan hệ song phương Philippines – Hoa Kỳ được cải thiện như đã hứa”.
“Hầu như không đưa ra bất kỳ nhượng bộ thực sự nào ở Biển Tây Philippines (tức Biển Đông) cũng như sự chần chừ đối với các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém trong thời kỳ Duterte thân Bắc Kinh, Trung Quốc cần mang đến cho ông Marcos nhiều hơn là những lời hứa mang tính khẩu hiệu sáo rỗng”. Richard Heydarian viết thêm: “Đối với ông Marcos, vẫn còn phải xem trong chuyến thăm này, ông ấy sẵn sàng cung cấp những gì cho nước chủ nhà, những người rõ ràng đang lo ngại bởi sự phục hồi nhanh chóng của quan hệ quốc phòng Philippines – Mỹ trong những tháng gần đây.”
Có vẻ như chính quyền Marcos đang tìm cách tiếp cận Trung Quốc từ một vị thế mạnh, sau khi ông đã củng cố mối quan hệ với Washington. Nhưng sự thay đổi sau này sẽ chỉ củng cố nhận thức bấy lâu nay của Trung Quốc về Philippines: chẳng khác gì một “hàng không mẫu hạm ngoại cỡ” của Mỹ. Tất cả những điều này đang gạt qua một bên những khác biệt trong tuyên bố chủ quyền của hai bên tại Biển Đông, mà việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi mức độ thỏa hiệp và độ khéo léo trong quan hệ ngoại giao không hề nhỏ.
Không chắc rằng chuyến thăm của ông Marcos tới Bắc Kinh liệu có giúp mối quan hệ song phương sẽ tiến triển vượt ra ngoài một hiện thực không mấy thoải mái./.
Biên dịch: Hoàng Hải