Ông Blinken đến Trung Quốc chỉ vài giờ sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cho phép Mỹ cung cấp 95 tỷ USD cho Israel, Ukraine và Đài Loan. Đồng thời, dự luật cũng đi kèm với điều khoản cấm Tiktok tại Mỹ nếu trong vòng 1 năm công ty chủ quản ByteDance ở Trung Quốc không hoàn tất thoái vốn và chuyển giao cho một công ty Mỹ. Hình ảnh ông Blinken đến và đi trong sự thờ ơ của giới tinh hoa Trung Quốc đã cho thấy sự thất bại trong những toan tính của Mỹ.
Bối cảnh chuyến thăm
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ gần đây đã có những triển vọng khả quan hơn, kể từ sau cuộc trao đổi của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại California vào năm ngoái. Bằng chứng cho việc đó là Trung Quốc trong thời gian qua đã giảm tần suất triển khai các hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan hay hai nước đã tăng gấp đôi số chuyến bay. Tuy nhiên, những biến động quốc tế gần đây đang đe doạ làm chệch hướng mối quan hệ giữa hai nước. Các thách thức an ninh toàn cầu ngày càng gia tăng một cách căng thẳng đặc biệt là xung đột leo thang giữa Iran – Isarel. Một điểm đáng chú ý là thời điểm ông Blinken đến Thượng Hải chỉ vài giờ sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cho phép Mỹ cung cấp 95 tỷ USD cho Israel, Ukraine và Đài Loan trong đó 8 tỷ USD cho Đài Loan và 61 tỷ USD viện trợ cho Ukraine. Đồng thời, dự luật cũng đi kèm với điều khoản lệnh cấm Tiktok tại Mỹ nếu trong vòng 1 năm công ty chủ quản ByteDance ở Trung Quốc không hoàn tất thoái vốn và chuyển giao cho một công ty Mỹ.
Một số nội dung trao đổi trong chuyến thăm của ông Blinken
Về vấn đề Trung Quốc bán các thiết bị lưỡng dụng cho Nga
Các quan chức phương Tây ngày càng lên tiếng về những lo ngại rằng Trung Quốc đang ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Mỹ cáo buộc rằng Trung Quốc đang hỗ trợ cho bộ máy công nghiệp quân sự của Nga ở Ukraine, cung cấp cho Moscow các vật liệu bao gồm chất bán dẫn, máy công cụ tinh vi và động cơ tên lửa hành trình. Blinken muốn cảnh báo rằng Mỹ sẽ thực hiện các bước trừng phạt trừ khi Trung Quốc ngừng gửi công nghệ liên quan đến vũ khí lưỡng dụng tới Nga, củng cố thông điệp tương tự từ Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen trong chuyến thăm Trung Quốc trong tháng này. Trong chuyến đi đó, Yellen cũng chỉ ra rằng Washington đang xem xét kỹ lưỡng vai trò của các tổ chức tài chính Trung Quốc trong thương mại với Nga. Việc Trung Quốc bán các linh kiện vũ khí và sản phẩm lưỡng dụng cho Nga, vốn đang giúp Tổng thống Nga Putin xây dựng lại và hiện đại hóa các nhà máy vũ khí của ông cũng được cho là một vấn đề trọng tâm trao đổi trong chuyến thăm của ông Blinken. Trung Quốc cho biết họ có quyền giao thương với Nga và cáo buộc Mỹ thổi bùng ngọn lửa bằng cách trang bị vũ khí và tài trợ cho Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết hôm thứ Ba: “Việc Mỹ đưa ra dự luật viện trợ quy mô lớn cho Ukraine là cực kỳ đạo đức giả và vô trách nhiệm trong khi đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại các trao đổi kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga”[1]. Ông Tập đã tiếp đón Ngoại trưởng Nga trong tháng này và Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga dự kiến sẽ sớm đến thăm Trung Quốc.
Vấn đề xung đột tại dải Gaza
Cả hai nước đều có lý do để cố gắng ngăn chặn căng thẳng trong khu vực này leo thang. Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc giúp kiềm chế Iran, để ngăn cuộc xung đột trở thành một cuộc chiến toàn diện. Đây không phải lần đầu tiên của quốc gia này. Mỹ có thể sẽ lặp lại lời kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn Iran tấn công Israel sau khi lãnh sự quán nước này ở Syria bị đánh bom, Ngược lại, phía Trung Quốc cũng được cho là sẽ yêu cầu Mỹ ủng hộ một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Wang Huiyao, người sáng lập và chủ tịch của Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa và Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, Iran bán rất nhiều dầu cho Trung Quốc, vì vậy nếu Trung Quốc nói “Được rồi, bạn hãy dừng lại đi”, Iran sẽ phải suy nghĩ về vấn đề đó[2].
Vấn đề Đài Loan
Vấn đề Đài Loan có lẽ là vấn đề nhạy cảm nhất trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Trong bối cảnh hòn đảo này đã chính thức có vị tân tổng thống, phía Trung Quốc chỉ trích vị tân tổng thống này là người ủng hộ nền độc lập của Đài Loan. Khi được hỏi tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư về khoản viện trợ mới của Quốc hội Mỹ dành cho Đài Loan, Wang Wenbin, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng sự hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn giữa Mỹ và Đài Loan sẽ “không mang lại an ninh cho Đài Loan” và sẽ “chỉ leo thang” căng thẳng trên eo biển Đài Loan”.
Các vấn đề thương mại
Trong vấn đề này, cả Mỹ và Trung Quốc đều cáo buộc bên còn lại là nguyên nhân gây ra những bất bình đẳng về thương mại. Các quan chức Mỹ cũng cho biết Trung Quốc đang bán phá giá xe điện và tấm pin mặt trời giá rẻ ở thị trường nước ngoài, gây tổn hại cho các công ty Mỹ. Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc này và cho rằng đó là hành động nhằm vào chủ nghĩa bảo hộ. Về lệnh cấm Tiktok, Trung Quốc hiện vẫn từ chối câu trả lời cho các câu hỏi trên. Trong một cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Webin đã giới thiệu với các phóng viên những tuyên bố trước đây của Bộ Thương mại Trung Quốc, vốn cho biết họ sẽ “kiên quyết phản đối” việc bán ứng dụng này. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Năm kêu gọi Trung Quốc cung cấp một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ. Trong cuộc gặp với quan chức hàng đầu của Trung Quốc tại Thượng Hải, Chen Jining, Blinken đã nêu lên mối lo ngại về “các chính sách thương mại và hoạt động kinh tế phi thị trường” của Trung Quốc[3]. Blinken cũng “nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ đang tìm kiếm một sự cạnh tranh kinh tế lành mạnh với Trung Quốc và một sân chơi bình đẳng cho người lao động và các công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc”. Trả lời những bình luận sau đó trong ngày, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, Wang Wenbin, nói “Trung Quốc luôn thực hiện hợp tác kinh tế và thương mại theo các nguyên tắc của thị trường”[4].
Kể từ khi Tổng thống Biden gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại California vào tháng 11/2023, mối quan hệ Mỹ-Trung dường như ổn định hơn, không có những thăng trầm kịch tính như các cuộc tranh chấp thương mại dưới thời cựu Tổng thống Donald J. Trump. Nhưng chính quyền Biden vẫn đang tiến tới một mối quan hệ kinh tế hạn chế hơn với Trung Quốc. Điều đó bao gồm việc kiểm soát công nghệ bán dẫn, vốn đang được cả hai bên nêu ra như một vấn đề nổi bật hơn bao giờ hết. Chính quyền Biden đang cân nhắc các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hơn nữa, đặc biệt là đối với các nhà máy đang giúp sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei.
Vấn đề nhân quyền tại các khu tự trị của Trung Quốc
Trả lời về việc phía Mỹ bình luận sẽ nêu quan ngại về vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm, một vị quan chức Trung Quốc lưu ý rằng các vấn đề liên quan đến Tân Cương và Hong Kong đều là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chúng không phải về cái gọi là “vấn đề nhân quyền”. Mỹ không nên lấy nhân quyền làm cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Các hành động cứng rắn của Trung Quốc trên biển với Nhật Bản và Philippines cùng với sự gia tăng căng thẳng trên bản đảo Triều Tiên cũng là một phần trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Mỹ Blinken với các quan chức cấp cao Trung Quốc.
Tuy nhiên, điểm chung của các vấn đề trao đổi song phương là kết quả đạt được không đáng kể, nếu không muốn nói là không đạt được gì.
Mục tiêu của các bên
Mục tiêu của Mỹ
Thăm dò phản ứng của các quan chức cao nhất của Trung Quốc về các động thái tập hợp lực lượng gần đây của Mỹ
Gần đây, Mỹ đã có những động thái nhằm gia tăng nỗ lực tập hợp lực lượng, tiêu biểu nhất là Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ – Nhật – Philippines. Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa ba lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines dù chưa đạt được một liên minh chính thức, những kết quả và cam kết của nó đặt nền tảng cho sự phối hợp hợp tác sâu rộng hơn giữa ba quốc gia trong tương lai, trong đó chú trọng đến an ninh hàng hải tại Biển Đông và Biển Hoa Đông[5]. Đây có thể được như là nỗ lực nhằm siết chặt vòng vây của Mỹ giành cho Trung Quốc tại khu vực, ngăn chặn nước này vươn tầm ảnh hưởng ra Thái Bình Dương. Các tuyên bố chính thức của Trung Quốc về vấn đề này được một quan chức Trung Quốc cho biết phía Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những động thái gần đây của Mỹ nhằm thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chống lại Trung Quốc cũng như những tuyên bố và hành động sai lầm của nước này ở các khu vực lân cận của Trung Quốc. Việc triển khai hệ thống tên lửa tầm trung ở Philippines làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực và làm tăng nguy cơ đánh giá sai lầm và tính toán sai lầm. Quan hệ đối tác an ninh ba bên của AUKUS tập trung vào việc thúc đẩy phát triển tàu ngầm hạt nhân trong khu vực, làm tăng đáng kể nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang. Châu Á-Thái Bình Dương không phải là sân sau của riêng ai và không nên là đấu trường cho sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Trung Quốc kêu gọi phía Mỹ tôn trọng mối quan ngại an ninh của các nước khác cũng như nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định, vượt lên trên tâm lý Chiến tranh Lạnh, ngừng kích động căng thẳng quân sự hoặc đối đầu khối, và ngừng hình thành các nhóm nhỏ nhằm kiềm chế. Trung Quốc trong khu vực lân cận của Trung Quốc[6]. Cuộc gặp giữa ông Blinken với những quan chức Trung Quốc sẽ giúp Washington hiểu rõ hơn quan điểm và phản ứng của giới thượng tầng Bắc Kinh.
Duy trì ổn định mối quan hệ Mỹ – Trung
Đây là chuyến đi thứ hai của Blinken tới đất nước này với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ. Giống với mục tiêu năm ngoái, ông Blinken đến thăm Trung Quốc với nỗ lực “ổn định” quan hệ, điểm khác biệt là mối quan hệ Mỹ – Trung không còn căng thẳng như lần trước. Năm nay với bối cảnh quốc tế phức tạp, nhiều nhân tố ảnh hưởng đến mối quan hệ của cả hai quốc gia, mục đích của ông Blinken không chỉ là duy trì mối quan hệ giữa hai quốc gia mà còn nhằm tìm kiếm những giải pháp giải quyết những điểm nóng hiện tại trên toàn cầu. Bằng chứng cho nỗ lực của ông Blinken trong việc duy trì mối quan hệ của hai quốc gia là khi ở Thượng Hải, Ngoại trưởng Mỹ đã nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp cũng như sinh viên Mỹ và Trung Quốc, ông cho biết sự tương tác giữa các nền văn hóa là “cách tốt nhất để đảm bảo rằng chúng ta bắt đầu bằng hy vọng hiểu được nhau”. Trong cuộc gặp với Bí thư Đảng Cộng sản Thượng Hải sáng thứ Năm, ông Blinken cho biết sự tham gia trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc vừa có giá trị vừa cần thiết. Ông nói: “Chúng ta có nghĩa vụ đối với người dân của mình – thực sự là nghĩa vụ với thế giới – là quản lý mối quan hệ giữa hai nước một cách có trách nhiệm”. Một điểm đáng chú ý, cùng đi với ông Blinken trong chuyến thăm lần này không chỉ có các nhóm làm việc về các vấn đề từ thương mại toàn cầu mà còn có cả những nhóm về lĩnh vực liên lạc quân sự. Cho thấy sự quan tâm của Chính quyền Biden trong việc quản lý những hoạt động quân sự của hai nước tại khu vực này.
Chia sẻ quan điểm về các vấn đề then chốt ở cả cấp độ song phương trong khu vực và đa phương toàn cầu
Trung Quốc không lên án cuộc tấn công cuối tuần của Iran trái ngược với Mỹ và các đồng minh phương Tây khác, cũng như phản ứng của chính Bắc Kinh sau những gì Tehran nói là cuộc tấn công của Israel vào cơ sở ngoại giao của họ ở Syria hồi đầu tháng 4/2024. Bộ ngoại giao Trung Quốc “Bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về căng thẳng leo thang ở Trung Đông sau khi Iran phóng hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa trong một cuộc tấn công chưa từng có vào Israel. Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước có ảnh hưởng, đóng vai trò mang tính xây dựng vì hòa bình và ổn định trong khu vực”[7]. Mỹ muốn Trung Quốc có những động thái tác động tới Iran nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Việc đưa vấn đề này được đưa vào chương trình nghị sự của ông Blinken trong chuyến thăm lần này cho thấy một thực tế rõ ràng hiện tại Mỹ đang “quá tải” với quá nhiều điểm nóng trên thế giới cần giải quyết. Xung đột Nga – Ukraine, xung đột tại Trung Đông và vấn đề bán đảo Triều Tiên và Mỹ cần sự trợ giúp để giảm bớt căng thẳng tại các điểm nóng trên. Trung Đông vốn là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Mỹ, trong năm ngoái Mỹ đã không có phản ứng gì đáng kể với hành động trung gian hoà giải giữa Iran và Ả rập Xê Út. Đến năm nay, đích thân ngoại trưởng Mỹ sang Trung Quốc để đề nghị Trung Quốc có những phản ứng, tác động nhiều hơn tới Iran. Đây phải chăng là minh chứng cho thấy Mỹ đã chấp nhận vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực này. Ngoài ra, việc chia sẻ các quan điểm giữa hai nước cũng thể hiện rõ mong muốn quản lý mối quan hệ có trách nhiệm mà Mỹ đã tuyên bố.
Mục tiêu của Trung Quốc
Một quan chức cấp cao của Vụ Các vấn đề Bắc Mỹ và Châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố với tờ Tân Hoa Xã đối với chuyến thăm của Bộ trưởng Blinken, Trung Quốc sẽ tập trung vào 5 mục tiêu:
Đầu tiên là thiết lập nhận thức đúng đắn. Quan chức này cho biết nhận thức luôn là nút đầu tiên phải được đặt đúng chỗ. Trung Quốc và Mỹ là đối thủ hay đối tác là vấn đề cơ bản, không được để xảy ra sai lầm nào. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ tôn trọng các cam kết trên của Tổng thống Biden bằng những hành động cụ thể và hợp tác với phía Trung Quốc để biến tầm nhìn của San Francisco thành hiện thực, thay vì tiếp tục kiềm chế và đàn áp Trung Quốc dưới danh nghĩa cạnh tranh. Các nhóm ngoại giao của hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về các nguyên tắc chỉ đạo trong quan hệ Trung-Mỹ dựa trên những hiểu biết chung bảy điểm đã đạt được.
Thứ hai, tăng cường đối thoại. Trung Quốc đang mong muốn ngăn chặn các mức thuế tiếp theo từ Hoa Kỳ, vì xuất khẩu được cho là “cứu cánh” của nước này để cân bằng cuộc khủng hoảng nhà đất và chi tiêu tiêu dùng yếu kém.
Thứ ba, quản lý hiệu quả những bất đồng. Vị quan chức này nhấn mạnh Mỹ không được vượt qua ranh giới đỏ của Trung Quốc về Đài Loan, dân chủ và nhân quyền, con đường và hệ thống cũng như quyền phát triển.
Thứ tư, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Trung Quốc nhấn mạnh phía Mỹ nên giải quyết những lo ngại của Trung Quốc theo cách có đi có lại.
Thứ năm, cùng nhau thực hiện trách nhiệm của nước lớn. Bởi hoà giải các xung đột tại Trung Đông cũng đem lại lợi ích cho Trung Quốc. Trung Quốc có các lợi ích về dầu mỏ kinh tế to lớn với Iran và các eo biển chiến lược của Trung Đông cũng có vai trò quan trọng với nền kinh tế tỷ dân này.
Các mục tiêu trên thể hiện một thực tế, Trung Quốc cũng mong muốn duy trì mối quan hệ với Mỹ ở mức ổn định nhằm phục hồi nền kinh tế đang gặp nhiều vấn đề của mình. Nhưng việc duy trì quan hệ phải dựa trên một số nguyên tắc nhất định của Trung Quốc.
Nhận định, đánh giá của giới chuyên gia
Nhận định về mối quan hệ Mỹ – Trung
Einar Tangen, thành viên cấp cao tại Viện Taihe có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc coi trọng đối thoại với Mỹ bất chấp những hạn chế do Washington áp đặt, chẳng hạn như về thương mại và công nghệ. Ông cho biết: “Có một lời nhắc nhở liên tục ở đây rằng Mỹ cần Trung Quốc giải quyết các vấn đề… cho dù bạn đang nói về Ukraine hay Palestine, Iran… [hoặc] thương mại. Bắc Kinh muốn đạt được một số tiến bộ. Nhưng làm thế nào bạn có thể làm điều đó nếu bạn liên tục tát tôi?”. [8]
Chong Ja Ian, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết lệnh cấm TikTok có thể xảy ra khó có thể chi phối các cuộc đàm phán của Blinken ở Trung Quốc, vì chương trình nghị sự của ông dường như “đã rất đầy đủ với các chủ đề từ Nga, Đài Loan đến Biển Đông và nhiều vấn đề khác”.
Zhao Minghao, giáo sư và phó giám đốc Trung tâm, cho biết Trung Quốc cần mối quan hệ này có nền tảng ổn định hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong khi chính quyền Biden muốn chứng tỏ rằng họ có thể quản lý các mối quan hệ một cách có trách nhiệm trong khi vẫn được coi là cứng rắn với Bắc Kinh. Zhao nói: “Cả hai bên đều sẵn sàng duy trì sự cởi mở trong liên lạc nhưng cho đến nay, tôi cho rằng kết quả thực tế vẫn còn hạn chế”[9].
Nhận định kết quả thực chuyến thăm của ông Blinken nhìn chung là bi quan, không có kết quả đột phá
Trong một bài đăng trên tờ New York Times, Anna Sawanson, phụ trách về thương mại và kinh tế của tờ báo này, cho rằng: “Đằng sau những câu chuyện thú vị đó trong chuyến thăm Trung Quốc tuần này của ông là một số bước đi mà Mỹ đang thực hiện nhằm cắt đứt quan hệ kinh tế ở những lĩnh vực mà chính quyền Biden cho rằng chúng đe dọa lợi ích của Mỹ. Và những điều đó cũng sẽ là tâm điểm chú ý nhiều hơn của các quan chức Trung Quốc. Ngay cả khi chính quyền Biden cố gắng ổn định mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ vẫn đang thúc đẩy một số biện pháp kinh tế nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với nền kinh tế và công nghệ Mỹ. Họ sẵn sàng tăng thuế đối với thép, tấm pin mặt trời và các sản phẩm quan trọng khác của Trung Quốc để cố gắng bảo vệ các nhà máy Mỹ khỏi hàng nhập khẩu giá rẻ”.[10]
Bài phân tích của các học giả Trung Quốc được đăng trên Daily China lại có cái nhìn bi quan về kết quả chuyến thăm lần này của ông Blinken.
Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được dự đoán sẽ không mang lại đột phá trong quan hệ song phương, do chiến lược không thay đổi của Washington đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng những chuyến thăm như vậy sẽ đóng vai trò duy trì sự ổn định giữa Trung Quốc và Mỹ. Yang Nan, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết: “Chuyến thăm Trung Quốc có thể được coi là sự tiếp nối sự đồng thuận đạt được trong hội nghị thượng đỉnh tháng 11 ở San Francisco, báo hiệu mong muốn của Mỹ về các chuyến thăm cấp cao thường xuyên để duy trì sự ổn định của quan hệ song phương. Mặc dù những chuyến thăm này có thể không dẫn đến kết quả đáng kể, nhưng việc thiết lập sự hiểu biết lẫn nhau thông qua những tương tác như vậy có thể giúp ngăn chặn những đánh giá sai lầm trong tương lai, vốn là mục tiêu chính.”
Sun Xihui, một nhà nghiên cứu của National, cho biết: “Trái ngược với chuyến thăm trước đây, chuyến đi hiện tại của Blinken tới Trung Quốc diễn ra vào thời điểm mối quan hệ bớt căng thẳng hơn. Kể từ tháng 2, đã có sự gia tăng đáng chú ý trong các tương tác chính thức cấp cao. Vì vậy, tôi nghĩ mục tiêu của Blinken lúc này là tiếp tục phát triển mối quan hệ đó đi đúng hướng, không phải làm những điều mới mẻ vĩ đại mà cố gắng duy trì động lực đó và cố gắng duy trì các đường dây và kênh liên lạc đó và có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ đó”.
Sourabh Gupta, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mỹ-Trung có trụ sở tại Washington, cho biết. Ông nói: “Tôi nghĩ họ sẽ đề cập đến mọi việc một cách rộng rãi, đưa mối quan hệ tiến lên và duy trì các kênh liên lạc, cố gắng sắp xếp một cuộc gặp và sau đó giải quyết mọi vấn đề khó chịu, cả trong mối quan hệ song phương”.
Dự báo quan hệ Mỹ – Trung trong thời gian tới
Những động thái của cả hai nước trước chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ và dự báo các hoạt động diễn ra trong tương lai gần cho thấy một kết quả tiếp tục ảm đạm về mối quan hệ Mỹ – Trung. Khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần, các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đang cạnh tranh để tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc. Và nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, ông có thể đảo ngược nỗ lực của Bắc Kinh và Washington nhằm ổn định mối quan hệ. Tại Mỹ, luận điệu chống Trung Quốc có thể sẽ gia tăng khi Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cạnh tranh để vượt mặt nhau trên một trong số ít lĩnh vực đạt được thỏa thuận lưỡng đảng. Vận động tranh cử vào tuần trước tại Pennsylvania, một thành trì của ngành luyện thép, ông Biden đã kêu gọi tăng thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Washington đã thảo luận sơ bộ về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng Trung Quốc vì nước này hỗ trợ Nga, nhưng các quan chức nói với Reuters rằng họ chưa có kế hoạch thực hiện điều đó. Về phía Trung Quốc, Một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc được hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã dẫn lời hôm thứ Ba cho biết các mối quan hệ “đã cho thấy xu hướng ngừng suy giảm và ổn định” kể từ khi Biden và Tập gặp nhau ở San Francisco vào tháng 11/2023. Tuy nhiên, quan chức này chỉ trích “chiến lược cứng đầu của Washington trong việc kiềm chế Trung Quốc cũng như những lời nói và hành động sai trái nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, làm hoen ố hình ảnh của Trung Quốc và làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc”[11].
Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc sẽ duy trì mối quan hệ này ở “trong tầm kiểm soát”, bởi gia tăng căng thẳng Mỹ – Trung trong bối cảnh cả hai nước đều đang có những vấn đề riêng của mình là một bước đi có thể dẫn đến nhiều hậu quả. Ông Blinken và các quan chức Mỹ khác đã nhấn mạnh rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, lệnh trừng phạt và các hạn chế khác của Mỹ áp đặt đối với các công ty công nghệ Trung Quốc chỉ áp dụng cho một phần nhỏ trong mối quan hệ Mỹ-Trung rộng lớn hơn. Họ nói rằng ở những nơi khác, thương mại được khuyến khích. Trong một báo cáo tuần này, Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung, một nhóm gồm 270 công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc, ước tính xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã hỗ trợ hơn 900.000 việc làm cho người Mỹ vào năm 2022./.
Tổng hợp và phân tích: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Matthew Lee (2024), “Blinken begins key China visit as tensions rise over new US foreign aid bill”, AP News, https://apnews.com/article/us-china-taiwan-ukraine-tiktok-blinken-d5bb4be65f98f4c5b830b2b1d00dcb90
[2] Simon Lewis (2024), “In China, Blinken urges fair treatment of American companies”, Reuters, https://www.reuters.com/world/blinken-meet-businesses-shanghai-he-kicks-off-tough-china-trip-2024-04-25/v
[3] Simon Lewis (2024), “In China, Blinken urges fair treatment of American companies”, Reuters, https://www.reuters.com/world/blinken-meet-businesses-shanghai-he-kicks-off-tough-china-trip-2024-04-25/v
[4] Simon Lewis (2024), “In China, Blinken urges fair treatment of American companies”, Reuters, https://www.reuters.com/world/blinken-meet-businesses-shanghai-he-kicks-off-tough-china-trip-2024-04-25/v
[5] Thi Thi (2024), “Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines: Bước tiến gần hơn tới một liên minh”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/hoi-nghi-thuong-dinh-3-ben-my-nhat-ban-philippines-buoc-tien-gan-hon-toi-mot-lien-minh/
[6] “Chinese foreign ministry official on U.S. secretary of state’s upcoming visit to China” (2024), Xinhua, https://english.news.cn/20240423/81baf4d4b8ff492c87603a2b7fe7f491/c.html#:~:text=The%20official%20noted%20that%20Secretary,strengthen%20coordination%20on%20international%20affairs.
[7] Nectar Gan, Simone McCarthy (2024), “Can China play a role in avoiding an all-out war in the Middle East?”, CNN, https://edition.cnn.com/2024/04/15/china/china-israel-iran-mediator-intl-hnk/index.html
[8] Kawala Xie (2024), “US Secretary of State Antony Blinken arrives in China hours after Senate TikTok ban vote, new funding for Taiwan”, South China Morning Post, https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3260246/us-secretary-state-antony-blinken-arrives-china-hours-after-senate-tiktok-ban-vote-new-funding
[9] Joe Leahy (2024), “China warns Antony Blinken US must choose between ‘co-operation or confrontation’”, Financial Times, https://www.ft.com/content/ef9d2f6f-3ef6-4249-af0c-649583e0ee43
[10] Anna Swanson (2024), “Blinken Tours China to Promote Some Ties, While the U.S. Severs Others”, The New York Times, https://www.nytimes.com/2024/04/25/business/economy/blinken-china-trade.html
[11] Simon Lewis, Antoni Slodkowski (2024), “Better US-China ties but still deep disagreements as Blinken starts visit”, Reuters, https://www.reuters.com/world/better-us-china-ties-still-deep-disagreements-blinken-starts-visit-2024-04-24/