BBT - Sau giai đoạn căng thẳng trong quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc, chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Tài chính Mỹ từ ngày 6 - 9/7/2023 hứa hẹn mở ra một giai đoạn hòa hoãn mới trong quan hệ giữa hai siêu cường. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ đang tìm cách hòa hoãn với Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử quan trọng vào năm 2024. Do vậy, trong ngắn hạn, quan hệ Mỹ - Trung sẽ có chiều hướng được cải thiện. Trên thực tế, chuyến thăm vừa qua của bà Yellen có những điểm gì đáng chú ý?
Chuyến thăm quan trọng trong giai đoạn quan trọng
Từ ngày 06 đến 09 tháng 07, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đã có chuyến thăm quan trọng tới Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, một Bộ trưởng Tài chính Mỹ đến Trung Quốc trong một chuyến đi có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã gặp bà Yellen và có các cuộc trao đổi quan điểm sâu sắc, thẳng thắn. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa lớn. Hai bên đều bày tỏ sẽ tiếp tục thúc đẩy đà cải thiện quan hệ Trung-Mỹ hiện tại theo sự đồng thuận mà nguyên thủ quốc gia hai nước đã đạt được vào tháng 11 năm ngoái. Bản thân bà Yellen đã có những tuyên bố tích cực về các vấn đề như quan hệ song phương, quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ..v.v. Bà bày tỏ phản đối việc “tách rời” với Trung Quốc, và đảm bảo không “xa lánh” Trung Quốc, thế giới đủ lớn để cho cả Mỹ và Trung Quốc cùng phát triển. Hai bên Mỹ-Trung đều có những đánh giá tích cực về các cuộc gặp song phương. Phía Hoa Kỳ cho rằng các cuộc gặp này là “thẳng thắn, mang tính xây dựng và toàn diện”. Còn phía Trung Quốc cũng nhận định là “sâu sắc, thẳng thắn và thực tế”.
Quan hệ Trung-Mỹ hiện đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Trong hai năm rưỡi kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, không có Trump nhưng họ đã thực thi một loạt các chính sách của thời Donald Trump. Điều này khiến áp lực tạo ra đối với sự phát triển của Trung Quốc so với chính quyền tiền nhiệm thậm chí còn tồi tệ hơn. Vào tháng 10 năm 2022, chính quyền Biden đã lần đầu tiên công bố “Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia”, trong đó xác định Trung Quốc là quốc gia có khả năng nhất đe dọa vị thế của của Mỹ trên trường quốc tế. Trong khi không ngừng hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ đồng minh, gây áp lực mạnh mẽ lên Trung Quốc về các vấn đề như eo biển Đài Loan, Biển Đông…v.v gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Mỹ đã cố gắng xây dựng một liên minh ý thức hệ, sử dụng cái gọi là vấn đề Tân Cương để chơi con bài “nhân quyền”, “ý thức hệ” nhằm bôi nhọ Trung Quốc. Về các vấn đề kinh tế và thương mại, Mỹ tiếp tục duy trì các chính sách dưới thời Trump, đánh mức thuế quan bổ sung đối với 370 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Đồng thời phát động một cuộc chiến công nghệ với gần 2.000 doanh nghiệp Trung Quốc được đưa vào cái gọi là “danh sách thực thể” hạn chế xuất khẩu kỹ thuật công nghệ, gây áp lực lên sự phát triển của các ngành công nghiệp như ngành sản xuất chất bán dẫn cao cấp của Trung Quốc.
Chuyến thăm của Yellen, cùng với chuyến thăm trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Blinken, thể hiện một mức độ điều chỉnh nhất định trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Giọng điệu thúc đẩy cái gọi là tiến hành “cạnh tranh chiến lược” với Trung Quốc của chính quyền Biden về cơ bản sẽ không thay đổi, nhưng sẽ có những điều chỉnh nhất định trong chiến lược chính sách đối với Trung Quốc. Đây không chỉ là kết quả của sự cạnh tranh song phương khốc liệt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà còn là kết quả của những cuộc đấu tranh nội bộ trong chính phủ Mỹ.
Thương mại có còn là lực cản của quan hệ Trung-Mỹ?
Chuyến thăm của bà Yellen sẽ giúp khôi phục và củng cố nhận thức về lợi ích chung to lớn hiện đang tồn tại giữa Trung Quốc và Mỹ, góp phần thay đổi nhận thức phiến diện trong và ngoài nội các Mỹ về “cạnh tranh chiến lược” giữa các cường quốc.
Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Trong những năm qua, quan hệ kinh tế và thương mại đã đóng vai trò tích cực như “hòn đá làm lắng xuống” trong quan hệ Trung-Mỹ, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc xoa dịu căng thẳng trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, sau khi Donald Trump lên nắm quyền, ông đã phát động cuộc chiến thuế quan và chiến tranh thương mại với Trung Quốc, khiến quan hệ kinh tế – thương mại trở thành chiến trường cạnh tranh giữa hai nước và còn được gia tăng bởi sự lý giải xuyên tạc của những người Mỹ bảo thủ. Nó làm cho người dân Mỹ ngày càng hiểu rõ hơn về quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Mỹ từ góc độ trò chơi có lợi ích bằng không. Từ đó càng làm tăng thêm những khó khăn trong quan hệ song phương.
Yellen là một trong số ít quan chức ôn hòa đối với Trung Quốc trong Chính quyền Biden. Điều này liên quan nhiều đến tính chuyên nghiệp của bà với tư cách là một nhà kinh tế học cao cấp và kinh nghiệm làm việc phong phú trong ngành tài chính và kinh tế. Bà nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đối với nền kinh tế Mỹ. Ví dụ, trong nội các của Chính quyền Biden, bà ủng hộ việc dỡ bỏ thuế quan bổ sung đối với Trung Quốc do Chính quyền Trump áp đặt. Chủ trương này phù hợp với yêu cầu của đông đảo giới doanh nhân và người tiêu dùng Mỹ. Chỉ là đến cuối năm ngoái, cái gọi là sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong chính phủ mới giành được ưu thế. Trong bài phát biểu công khai ngày 20/4, bà Yellen đặc biệt nhấn mạnh việc “tách rời” với nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động thảm khốc đối với nền kinh tế Mỹ và ủng hộ “mối quan hệ tích cực và mang tính xây dựng” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tất nhiên, trong một khía cạnh khác, bà cũng nói rằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc không nên ảnh hưởng đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, lợi ích kinh tế phải phụ thuộc vào lợi ích an ninh.
Chính quyền Biden hiện nay sẵn sàng bắt đầu cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, bao gồm cả quan hệ kinh tế thương mại, ở một mức độ nhất định đã thừa nhận rằng trong cuộc chiến thuế quan và chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Mỹ đã thực sự thất bại. Nguyên nhân là do hơn 90% thuế quan bổ sung mà Hoa Kỳ áp đặt đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc cuối cùng lại do các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ gánh chịu. Đồng thời nó cũng làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát khó kiểm soát ở Mỹ. Quan trọng hơn, Yellen nhận ra rằng để giải quyết các vấn đề khó khăn của nền kinh tế vĩ mô Hoa Kỳ, bao gồm kiểm soát lạm phát và nợ công quốc gia thì không thể tách rời sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc. Sự ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu cần có sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ.
Liệu Trung Quốc và Mỹ có thể xây dựng lại cơ chế đối thoại?
Một trong những vấn đề lớn nhất trong quan hệ Trung-Mỹ hiện nay là thiếu cơ chế đối thoại cấp cao cố định và thiếu các kênh liên lạc hiệu quả. Kể từ khi Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2017, trên thực tế Mỹ đã làm gián đoạn cơ chế gặp gỡ thường xuyên giữa Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế tài chính vẫn được duy trì, nhưng các thỏa thuận đối thoại cơ chế tương tự như “Đối thoại Chiến lược và Kinh tế” dưới thời chính quyền Obama đã không còn. Sau khi Biden lên nắm quyền, ông đã cường điệu nhấn mạnh và thực thi cái gọi là “cạnh tranh chiến lược” với Trung Quốc, cho rằng việc khôi phục cơ chế đối thoại cấp cao sẽ không có lợi cho Mỹ. Đây thực sự là một nhận thức sai lầm. Trên thực tế, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ càng gay gắt thì càng cần phải đối thoại, và càng cần có nhiều cuộc đối thoại thiết thực hơn giữa hai bên để hiểu rõ sự khác biệt, tù đó tìm ra giải pháp cho các vấn đề.
Đối mặt với áp lực liên tục của Mỹ dành cho các ngành công nghiệp và doanh nghiệp Trung Quốc, Trung Quốc cũng đã thực hiện các biện pháp đối phó có liên quan, bao gồm tăng cường kiểm tra lập pháp và an ninh. Quan trọng hơn, lệnh cấm vận hạn chế của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm công nghệ cuối cùng đã đẩy nhanh quá trình thay thế nhập khẩu cho các ngành công nghiệp Trung Quốc và tạo ra cơ hội lớn cho sự phát triển của các công ty Trung Quốc. Ngược lại, các doanh nghiệp Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ mất thị trường Trung Quốc ngày càng gia tăng. Đây là vấn đề đáng lo nhất của giới doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc. Ở một mức độ nào đó, chuyến thăm Trung Quốc của bà Yellen cũng có thể được coi là tiếng nói đại diện cho họ đối với các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Hiện tại, chính quyền Biden đã bắt đầu thay đổi chiến lược đối với Trung Quốc, cử các quan chức cấp cao như Blinken và Yellen sang thăm Trung Quốc. Đây là một thay đổi đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, liệu Hoa Kỳ có thực sự sẵn sàng thiết lập một cơ chế đối thoại thường xuyên để giải quyết những mâu thuẫn và khác biệt giữa hai bên hay không vẫn chưa được chắc chắn. Thậm chí, ngay cả khi Hoa Kỳ có ý định khôi phục cơ chế đối thoại, thì sự đánh giá sai lầm chiến lược về ý định của Trung Quốc cũng như sự lo lắng và không tin tưởng vào sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc sẽ vẫn khó thay đổi.
Chính trị nội bộ sẽ kiểm tra kết quả chuyến thăm của Yellen
Chính sách hiện tại của Mỹ đối với Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cuộc đấu tranh chính trị trong nước. Chủ yếu, dưới sự kích động của phe diều hâu chống Trung Quốc tại Hoa Kỳ công chúng Mỹ ngày càng có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Hiện tại, 80% người dân Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Sự phân cực chính trị của Hoa Kỳ diễn ra nghiêm trọng, cuộc đấu tranh giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa diễn ra gay gắt, chính sách với Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của cuộc đấu tranh giữa hai đảng. Nhằm giành lợi thế trong cuộc tổng tuyển cử năm 2023, Đảng Cộng hòa vốn bắt đầu kiểm soát Hạ viện từ năm nay đã không ngừng thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc. Chỉ trích Chính quyền Biden của Đảng Dân chủ đưa ra chính sách không đủ cứng rắn với Trung Quốc. Điều này đã gây áp lực lớn hơn đối với chính phủ của Đảng Dân chủ. Trong bầu không khí chính trị đó, vào tháng 2, Chính quyền Biden đã vội vàng xử lý cái gọi là sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc (Trung Quốc gọi là khinh khí cầu không người lái mất kiểm soát), làm gián đoạn đà cải thiện quan hệ Trung-Mỹ và gây ra những nhân tố khó khăn trong quan hệ Trung-Mỹ.
Hiện tại, Chính quyền Biden đã phải điều chỉnh thái độ đối với quan hệ Trung Quốc, hy vọng khôi phục liên lạc cấp cao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nhằm tránh nguy cơ hai bên xảy ra mâu thuẫn và nguy cơ khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát. Đồng thời hy vọng sẽ khôi phục hợp tác thiết thực giữa hai nước về các vấn đề kinh tế thương mại, biến đổi khí hậu… và các lĩnh vực hợp tác khác.
Chuyến thăm Trung Quốc của bà Yellen đóng vai trò cải thiện liên lạc trao đổi giữa hai nước. Tuy nhiên, phe diều hâu chống Trung Quốc của Mỹ đã lợi dụng cái gọi là thái độ “khiêm tốn” trong chuyến thăm Trung Quốc của Yellen làm ầm ĩ lên để ngăn cản sự cải thiện trong quan hệ Trung-Mỹ và đạt được lợi thế chính trị trong chiến dịch tranh cử.
Hiện nay có thể nói, trước khi chính thức bước vào cuộc tổng tuyển cử năm 2024 của Mỹ, quan hệ Trung-Mỹ đã mở ra một “cửa sổ cơ hội” nhỏ để cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, liệu Yellen và các quan chức đảng Dân chủ có thể chống lại các cuộc công kích chính trị của phe diều hâu chống Trung Quốc hay không vẫn còn là một ẩn số.
Lối thoát cho quan hệ Trung-Mỹ
Mối quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai sẽ vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn, chúng ta không thể vì sự cải thiện liên lạc trao đổi hiện nay mà lạc quan một cách mù quáng. Thách thức này chủ yếu đến từ những người theo đường lối cứng rắn ở Mỹ đối với Trung Quốc vì lợi ích bầu cử trong nước và mục đích duy trì quyền bá chủ của Mỹ mà không ngừng thúc đẩy quan hệ hai bên xấu đi. Hơn nữa, các nhóm lợi ích phức hợp quân đội-công nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tạo ra khủng hoảng, các sự kiện tin tức, trói buộc chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Môi trường chính trị liên quan đến Trung Quốc ở Mỹ khó có thể thay đổi, thêm nữa khả năng ông Trump có thể giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024 và trở lại nắm quyền, khi đó tương lai quan hệ Trung-Mỹ sẽ đầy tính bất ổn.
Hy vọng quan hệ Trung-Mỹ sẽ được duy trì và mở rộng giao lưu giữa nhân dân hai nước. Trung Quốc và Mỹ nên nắm bắt nắm bắt “cửa sổ cơ hội” đang hé mở để cải thiện quan hệ và duy trì sự ổn định tổng thể của quan hệ Trung-Mỹ. Đồng thời, khôi phục và mở rộng trao đổi ở tất cả các cấp, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm bớt những đánh giá sai lầm, mở rộng sự đồng thuận, từ đó nâng cao sự tin cậy lẫn nhau, tăng cường hợp tác thiết thực. Dịch bệnh kéo dài ba năm đã ảnh hưởng quá lớn đến việc trao đổi liên lạc giữa hai bên, hai bên phải đối mặt với nó và thực hiện các biện pháp tích cực hơn. Cần tăng cường giao lưu trao đổi nhân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt là trao đổi giữa cộng đồng doanh nghiệp, giới học giả, du học sinh và giới truyền thông nhằm thúc đẩy giảm căng thẳng quan hệ Trung-Mỹ, tăng cường mối quan hệ dựa trên nền tảng quan hệ nhân dân hai nước. Chuyến thăm Trung Quốc của bà Yellen sẽ giúp thúc đẩy trao đổi giao lưu về vấn đề này./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Vương Dũng (王勇) hiện là Giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Bắc Kinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ và Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế của Đại học Bắc Kinh.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]