Trong những năm gần đây, môi trường an ninh tại châu Âu đã xấu đi một cách rõ rệt. Sự kiện Brexit, tình trạng khủng bố, di cư bất hợp pháp, sự sụp đổ của các nhà nước yếu và các cuộc nội chiến tại khu vực phía Nam đã tạo ra nhiều mối đe dọa đối với an ninh khu vực. Bên cạnh đó, căng thẳng kéo dài với Nga liên quan đến tình hình Crimea và miền Đông Ukraine đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định tại châu Âu. Đồng thời, trật tự quốc tế tự do (liberal international order – LIO) đang rơi vào trạng thái phân mảnh, cùng với sự không chắc chắn về mức độ cam kết dài hạn của Mỹ đối với an ninh châu Âu, đặc biệt kể từ nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump (Costa et al. 2025). Thêm vào đó, cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc châu Á và Trung Đông tiếp tục gia tăng, khiến châu Âu đối mặt với những thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài khu vực. Trong bối cảnh đó, các vấn đề an ninh và quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU) ngày càng trở nên cấp thiết.
Những lời kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia thành viên EU, cùng các sáng kiến như việc xây dựng “quyền tự chủ chiến lược của EU” hay thậm chí thành lập một “quân đội châu Âu”, là ý tưởng cho nỗ lực thúc đẩy tiến trình của Chính sách An ninh và Quốc phòng Chung (Common Security and Defence Policy – CSDP), vốn được khởi xướng từ năm 1999. Đây không chỉ là những tuyên bố mang tính chính sách mà còn được hiện thực hóa thông qua các hành động cụ thể trên thực tiễn (Zieliński 2020).
Một trong những dấu mốc quan trọng trong tiến trình đó là việc công bố tài liệu “Chiến lược toàn cầu về chính sách đối ngoại và an ninh của EU” (European Union Global Strategy – EUGS) vào mùa hè năm 2016, trong đó nêu bật mức độ tham vọng của EU về vấn đề an ninh và quốc phòng. EUGS đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu đạt được năng lực tự chủ chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng, coi đây là một trụ cột quan trọng trong cấu trúc an ninh của EU (Zieliński 2020).
Mục tiêu đầy khó khăn
Khái niệm “tự chủ chiến lược” đã được nhiều học giả phân tích và xem như một yếu tố then chốt trong hệ thống quốc tế vô chính phủ, nơi các quốc gia buộc phải dựa vào năng lực của chính mình để bảo vệ lợi ích quốc gia. Theo quan điểm Hobbesian, an ninh tự chủ được xem là yếu tố bảo đảm cho sự sống còn của quốc gia trong trường hợp chúng xung đột hoặc không tương thích với lợi ích của các quốc gia khác. Trong bối cảnh đó, việc củng cố năng lực phòng thủ tập thể là điều tất yếu khi các quốc gia không đủ khả năng tự lực trong ứng phó với các mối đe dọa an ninh (Sempere 2024).
Quyền tự chủ là một thuật ngữ tuy phổ biến nhưng vẫn mang tính chất đa nghĩa. Có thể hiểu đơn giản là trạng thái không phụ thuộc trong việc đưa ra các quyết định trọng yếu, hoặc khả năng tự quản mà không chịu sự can thiệp từ bên ngoài. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, khái niệm “tự chủ chiến lược” được sử dụng theo định nghĩa của Hội đồng EU: “Tự chủ chiến lược là khả năng hành động một cách độc lập khi cần thiết, đồng thời sẵn sàng hợp tác với các đối tác khi điều kiện cho phép, trên tất cả các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược”.
Quyền tự chủ là một thuật ngữ mơ hồ có nhiều ý nghĩa khác nhau, đòi hỏi một định nghĩa chính xác hơn. Đầu tiên có thể hiểu đây là tình trạng không phụ thuộc vào các vấn đề quyết định, nói cách khác là có quyền tự do hành động trong các tình huống quan trọng. Thứ hai có thể là khả năng tự quản mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Mặc dù các định nghĩa này khá trực quan, nhưng bài viết này sẽ sử dụng khái niệm do Hội đồng EU đưa ra, theo đó “Tự chủ chiến lược được hiểu là năng lực hành động một cách độc lập trong những thời điểm và nơi chốn cần thiết, sẵn sàng hợp tác với các đối tác khi điều kiện cho phép, trong mọi vấn đề mang tính chiến lược.” (European Council 2016)
Về bản chất, quyền tự chủ chiến lược không phủ nhận sự hợp tác hay liên minh, mà nhằm bảo đảm khả năng hành động độc lập khi điều kiện khách quan đòi hỏi. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh EU phải tự mình đảm nhận vai trò gìn giữ hòa bình, ổn định lãnh thổ hoặc triển khai các hoạt động gìn giữ an ninh quốc tế. Trước những biến động trong môi trường an ninh khu vực, nhiều nhà hoạch định chính sách trong EU coi việc đạt được tự chủ chiến lược không chỉ là một ưu tiên chính trị mà còn là một yêu cầu tất yếu để khối này có thể định hình vai trò của mình trên bàn cờ quốc tế, thay vì chỉ đóng vai trò phụ thuộc vào các quyết định của các cường quốc bên ngoài (Helwig 2023).
Khả năng hành động một cách độc lập đồng nghĩa với việc phải có một hệ thống năng lực quân sự sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ do Chính sách An ninh và Quốc phòng Chung (CSDP) đặt ra. Điều kiện này bao gồm nguồn nhân lực, trang thiết bị cũng như các khuôn khổ phù hợp (thường được gọi là học thuyết quân sự) nhằm bảo đảm việc thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả và hiệu lực (Sempere 2024).
Việc thiết kế, phát triển và sản xuất các loại trang thiết bị cần thiết đòi hỏi phải có một nền tảng công nghiệp và công nghệ quốc phòng đủ mạnh, có khả năng tạo ra các trang bị đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tính năng và hiệu suất hoạt động, mang lại lợi thế tác chiến và vượt trội so với đối phương trong trường hợp sử dụng vũ lực. Hạ tầng này cũng cần có khả năng cung cấp và duy trì trang thiết bị với tốc độ phù hợp, nhằm bảo đảm đủ số lượng cần thiết cho các nhiệm vụ dự kiến, tính đến mức độ tiêu hao trong một cuộc xung đột có thể xảy ra (Sempere 2024). Theo nghĩa này, EU muốn tạo ra hoặc duy trì một không gian chiến lược đủ lớn để điều chỉnh các quyết định được đưa ra ở châu Âu về mặt an ninh và quốc phòng (Helwig 2023).
Quan điểm trong nội bộ EU
Lập trường của Liên minh châu Âu (EU) về xu hướng tự chủ quốc phòng phản ánh sự đan xen giữa tham vọng gia tăng năng lực chiến lược độc lập và hiện thực địa chính trị, đặc biệt là trong quan hệ với Hoa Kỳ. Những người ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này lập luận rằng EU cần đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong bảo vệ an ninh khu vực, đặc biệt trong bối cảnh vai trò của Hoa Kỳ ngày càng khó đoán định. Mục tiêu không phải là thay thế Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà nhằm nâng cao vị thế địa chiến lược của châu Âu trong bối cảnh thế giới đang trải qua các biến đổi mang tính hệ thống như chuyển đổi số và chuyển đổi xanh (Costa, Soler i Lecha, and Vlaskamp 2025).
Tuy nhiên, sự phân hóa trong nội bộ EU đặt ra những rào cản lớn cho tiến trình này. Những người ủng hộ, tiêu biểu như Pháp và Đức, cho rằng châu Âu nên đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo vệ chính mình, không nhằm thay thế các liên minh như NATO, mà để củng cố chúng thông qua sự tham gia chủ động và độc lập hơn của EU. Pháp đặc biệt nhấn mạnh quyền tự chủ chiến lược là điều kiện tiên quyết để bảo vệ chủ quyền quốc gia và vai trò toàn cầu của EU, trong khi Đức, dù thận trọng hơn, vẫn xem đó là một phần trong tiến trình hội nhập châu Âu rộng lớn hơn nhưng không phản đối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương với Mỹ (Helwig 2023). Ngoài ra, Ý và Tây Ban Nha cũng bày tỏ lập trường tích cực đối với việc tăng cường quyền tự chủ chiến lược trong dài hạn.
Trái lại, nhiều quốc gia thành viên ở Trung và Đông Âu như Ba Lan, và các nước Baltic lại tỏ ra dè dặt với xu hướng này. Những quốc gia này cho rằng giảm vai trò của Mỹ trong an ninh châu Âu là điều thiếu thực tế, do EU hiện chưa có đủ năng lực quân sự để tự đảm bảo khả năng răn đe. Đồng thời, họ lo ngại rằng quyền tự chủ chiến lược có thể làm suy yếu NATO – trụ cột bảo đảm an ninh truyền thống của khu vực – và tạo ra sự chia rẽ trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương (Helwig 2023).
Nhìn chung, có thể chia các quốc gia thành ba nhóm chính: nhóm ủng hộ mạnh mẽ (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha), nhóm trung lập (ví dụ: Hungary, các quốc gia vùng Baltic), và nhóm có xu hướng phản đối vì cho rằng quyền tự chủ chiến lược có thể làm suy giảm vai trò của NATO (Ba Lan, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch) (Helwig 2023).
Có thể thấy, tình trạng chia rẽ giữa chủ nghĩa châu Âu và chủ nghĩa Đại Tây Dương tiếp tục là trở ngại đáng kể đối với sự phát triển của một chính sách an ninh – quốc phòng chủ động của EU. Những người theo lập trường Đại Tây Dương coi quyền tự chủ chiến lược là một phần củng cố NATO, trong khi các nhà hoạch định chính sách theo chủ nghĩa châu Âu mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ nhằm tăng cường vai trò chiến lược độc lập của EU (Helwig 2023).
Ngoài ra, quyền tự chủ chiến lược còn được tiếp cận theo nhiều chiều cạnh khác nhau như: chính trị (năng lực quyết định độc lập), hoạt động (năng lực triển khai quân sự) và công nghiệp (năng lực sở hữu và phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng). Một số học giả còn phân loại quyền tự chủ thành “quyền tự chủ đối với” (autonomy from), “quyền tự chủ trong tình huống” (autonomy in case), và “quyền tự chủ từ trong nội tại” (autonomy for) (Costa, Soler i Lecha, and Vlaskamp 2025).
Tựu trung lại, những tranh luận xoay quanh khái niệm quyền tự chủ chiến lược cho thấy sự thiếu nhất quán trong cách hiểu và thực thi giữa các quốc gia thành viên. Dù vậy, xu hướng này vẫn tiếp tục phát triển như một phần không thể thiếu trong tham vọng địa chiến lược của châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine làm nổi bật mức độ phụ thuộc của EU vào cam kết an ninh từ Hoa Kỳ.
Các động thái chính sách
Để hiện thực hóa mục tiêu tự chủ quốc phòng, EU đã triển khai một loạt chính sách và sáng kiến quan trọng trong những năm gần đây. Vào tháng 7 năm 2016, một Tuyên bố chung EU – NATO đã được ban hành, nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Tiếp theo đó, Hội đồng EU đã thông qua các định hướng cụ thể về thực hiện Chiến lược toàn cầu EU (EUGS) trong lĩnh vực này vào tháng 11 năm 2016, được chính thức thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 12 cùng năm (Zieliński 2020).
Tiếp nối tiến trình này, vào tháng 6 năm 2017, Ủy ban châu Âu đã trình bày “Kế hoạch Hành động Quốc phòng châu Âu” (European Defence Action Plan – EDAP), với mục tiêu thúc đẩy tài trợ cho các năng lực quốc phòng. Kết quả là, Quỹ Quốc phòng châu Âu (European Defence Fund – EDF) được thành lập vào tháng 6 năm 2017. EDF có ngân sách lên tới 7,9 tỷ Euro cho giai đoạn 2021–2027, trong đó khoảng một phần ba dành cho các dự án nghiên cứu, còn lại hỗ trợ các chương trình phát triển năng lực. Quỹ này xây dựng một chương trình làm việc hàng năm được thực hiện với sự hợp tác của các quốc gia thành viên, Cơ quan Đối ngoại EU và Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA). Cùng năm, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, Federica Mogherini, đã công bố tầm nhìn về tương lai quốc phòng châu Âu trong khuôn khổ Sách trắng về Tương lai châu Âu (Sempere 2024).
Một bước tiến thể chế đáng kể là việc thiết lập Hợp tác có cấu trúc thường trực (Permanent Structured Cooperation – PESCO) vào tháng 12 năm 2017, dựa trên quy định của Hiệp ước Lisbon. Khác với các sáng kiến trước đó, PESCO có tính ràng buộc pháp lý, yêu cầu các quốc gia thành viên tham gia đưa ra các cam kết cụ thể dưới hình thức kế hoạch thực hiện quốc gia. Việc giám sát và đánh giá được thực hiện thường niên bởi Ban Thư ký PESCO, EDA, EEAS và Bộ Tham mưu quân sự EU, dưới sự chỉ đạo của Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU (Gotkowska 2018). Khi quá trình thực hiện dự án diễn ra, các quốc gia sẽ cập nhật kế hoạch thực hiện của mình và vào cuối mỗi giai đoạn (tức là vào năm 2021 và 2025), một đợt đánh giá chiến lược sẽ được tiến hành liên quan đến tiến độ thực hiện các cam kết của quốc gia và khả năng triển khai giai đoạn tiếp theo (Sempere 2024).
Năm 2020, EU thành lập Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Không gian (Directorate-General for Defence Industry and Space – DG DEFIS) nhằm quản lý và điều phối hiệu quả EDF. Đến năm 2022, EU chính thức công bố “La bàn Chiến lược” (Strategic Compass) – tài liệu định hướng chính sách quốc phòng đến năm 2030, với mục tiêu phát triển một EU mạnh mẽ hơn trong vai trò là nhà cung cấp an ninh. Văn kiện này đề xuất các biện pháp như huấn luyện quân sự chung, nâng cao năng lực mạng, tăng cường chi tiêu quốc phòng và đẩy mạnh mua sắm chung – tất cả nhằm củng cố quyền tự chủ chiến lược của EU (European Movement International 2022).
Đặc biệt, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU đã đẩy mạnh các sáng kiến mới như Đạo luật Tăng cường Công nghiệp Quốc phòng châu Âu thông qua Mua sắm Chung (EDIRPA), Chương trình Đầu tư Quốc phòng châu Âu (EDIP), và Đạo luật Hỗ trợ Sản xuất Đạn dược (ASAP), được Nghị viện châu Âu thông qua vào tháng 7 năm 2023. Những nỗ lực này không chỉ nhằm tăng năng lực phòng thủ mà còn tăng tính phối hợp và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc phòng bên ngoài (Sempere 2024).
Dù đã có những tiến bộ đáng kể, các rào cản thể chế vẫn tồn tại. Cơ chế ra quyết định liên chính phủ trong Chính sách Đối ngoại và An ninh Chung (CFSP) khiến mọi quyết định đều cần sự đồng thuận tuyệt đối, từ đó cản trở khả năng phản ứng nhanh trước khủng hoảng. Hơn nữa, EU vẫn chưa xây dựng được một lực lượng quân sự châu Âu thực sự, đủ khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Mặc dù các sáng kiến “chia sẻ và gộp nguồn lực” (resource-sharing and -pooling) đã mang lại một số kết quả, như sự thành công của Bộ Tư lệnh Vận tải Hàng không châu Âu (EATC), song phần lớn vẫn dừng ở mức hạn chế. Ngoài ra, mức phân bổ nguồn lực quốc phòng hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu về khả năng tự chủ chiến lược, cả về số lượng lực lượng, trang bị hiện đại lẫn tổng thể năng lực tác chiến (Sempere 2024).
Những động thái tự chủ quốc phòng gần đây
Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thu hẹp cam kết an ninh đối với châu Âu, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang có xu hướng căng thẳng và biến động. Trước những lo ngại về sự bất định chiến lược, các nhà lãnh đạo EU đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào ngày 6 tháng 3 nhằm thảo luận về việc tăng cường quốc phòng của khối và hỗ trợ cho Ukraine.
Tại hội nghị này, kế hoạch “ReArm Europe” do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất đã được thông qua, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cụ thể hóa mục tiêu nâng cao quyền tự chủ quốc phòng của EU. Tuyên bố chung sau hội nghị mô tả cuộc xung đột tại Ukraine như một “thách thức hiện hữu” đối với an ninh của Liên minh, đồng thời kêu gọi EU tăng cường năng lực phòng thủ và giảm thiểu sự phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài (European Council 2025).
Một bước đi cụ thể là việc các lãnh đạo EU đồng thuận kích hoạt điều khoản “thoát hiểm quốc gia” theo Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng, cho phép các quốc gia thành viên linh hoạt điều chỉnh ngân sách nhằm ưu tiên tăng chi tiêu quốc phòng. Đặc biệt, bà von der Leyen đã chính thức công bố một kế hoạch tổng thể trị giá 800 tỷ euro vào ngày 4 tháng 3 nhằm gia tăng đáng kể năng lực phòng thủ của khối. Trong đó, một chương trình cho vay trị giá 150 tỷ Euro được thiết kế để hỗ trợ các quốc gia thành viên đầu tư chung vào các thiết bị quân sự thiết yếu (European Commission 2025).
Tuy nhiên, bất chấp sự đồng thuận chính trị ban đầu, kế hoạch này vẫn vấp phải một số lo ngại từ các quốc gia thành viên. Theo tường thuật của Politico Europe, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni bày tỏ sự quan ngại về tác động tiêu cực của gói vay đối với nhận thức thị trường về mức nợ công của Ý. Tương tự, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán viết trên nền tảng mạng xã hội X rằng mặc dù ông ủng hộ tăng cường năng lực phòng thủ của châu Âu, nhưng những nỗ lực như vậy nên đặt trọng tâm vào quyền tự quyết của các quốc gia thành viên, thay vì mở rộng thẩm quyền của các cơ quan tại Brussels (Politico 2025).
Bên cạnh đó, một số ý kiến phân tích cũng nhấn mạnh các trở ngại cơ bản trong việc triển khai kế hoạch ReArm Europe. Theo Jian Junbo, Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ Trung Quốc – Châu Âu tại Đại học Phục Đán (Trung Quốc), vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải quyết rõ ràng, chẳng hạn như mức độ sẵn sàng gánh vác chi phí của các quốc gia thành viên, hay cơ chế phân bổ ngân sách cụ thể. Jian cũng nhấn mạnh rằng sự phối hợp giữa EU và NATO, cũng như việc cân bằng giữa tham vọng quốc phòng của EU với lợi ích chiến lược của Mỹ, vẫn là những thách thức lớn (Shao Xinying 2025). Ông khẳng định: “Đây không chỉ là vấn đề ngân sách, mà còn là quyết định cốt lõi về định hướng chiến lược dài hạn của EU trong lĩnh vực quốc phòng, đòi hỏi sự thương lượng và điều phối sâu rộng hơn” (Xinhua 2025).
Những diễn biến trên phản ánh một thực tế rằng, dù EU đang từng bước tiến tới việc xây dựng năng lực tự chủ quốc phòng thực chất hơn, nhưng tiến trình này vẫn phụ thuộc vào sự đồng thuận nội khối và sự phối hợp với các đối tác truyền thống như Mỹ và NATO. Việc cân bằng giữa mong muốn độc lập chiến lược và tính thực tế của năng lực triển khai sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt trong tương lai chính sách quốc phòng của Liên minh.
Khả năng phòng thủ của EU liệu có khả thi?
Việc xây dựng năng lực phòng thủ độc lập của Liên minh châu Âu (EU) vẫn là một quá trình tương đối mới mẻ và đầy thách thức. Chính sách Đối ngoại và An ninh Chung (CFSP) mới chỉ được định hình từ Hiệp ước Maastricht, và phải đến năm 1999 mục tiêu quốc phòng chung mới bắt đầu được xác lập rõ ràng. Cơ chế phối hợp để hiện thực hóa các mục tiêu này chỉ thực sự khởi động từ sau năm 2016 (Sempere 2024).
Dù đã có những tiến bộ đáng kể, EU vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng hoặc chỉ sở hữu năng lực hạn chế trong nhiều lĩnh vực trọng yếu như triển khai lực lượng, hệ thống chỉ huy – kiểm soát, thu thập tình báo và năng lực răn đe hạt nhân. Những điểm yếu này khiến EU vẫn phụ thuộc phần lớn vào sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ thông qua khuôn khổ NATO. Thực tế này đã bộc lộ rõ qua các cuộc xung đột như ở Nam Tư cũ, Kosovo, Libya, Syria, Mali; cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan; cũng như việc NATO tăng cường hiện diện quân sự ở sườn phía Đông châu Âu sau khủng hoảng Ukraine.
Trên thực tế, bản đánh giá đầu tiên về Kế hoạch Phát triển Năng lực (Capability Development Plan – CDP) cũng cho thấy khoảng cách lớn giữa năng lực hiện tại và tham vọng chiến lược của EU (Brzozowski 2020). Để minh họa, Fiott (2018) cho biết trong năm 2017, EU chỉ triển khai khoảng 52.000 binh sĩ trong các nhiệm vụ quốc tế (bao gồm EU, NATO, OSCE, LHQ), so với 208.000 quân nhân do Mỹ triển khai cùng năm. Nói cách khác, mức độ triển khai của EU chỉ bằng một phần tư so với Mỹ, trong khi ngân sách quốc phòng của EU cũng thua xa về quy mô.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến năng lực tự chủ của EU. Thứ nhất, vẫn tồn tại sự thiếu thống nhất giữa các quốc gia thành viên trong việc phân bổ ngân sách quốc phòng, như được minh họa trong Hình 1. Số liệu từ Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA, 2018) cho thấy tổng chi tiêu quốc phòng của EU chỉ đạt 214,3 tỷ Euro, thấp hơn nhiều so với 821,8 tỷ USD của Mỹ. Báo cáo của Barrie và cộng sự (2019) đã chỉ ra rằng nếu EU muốn đạt mức độ tự chủ chiến lược, khối này sẽ cần ít nhất một đến hai thập kỷ và đầu tư tối thiểu khoảng 375 tỷ Euro để phát triển năng lực phòng thủ tương ứng (Barrie et al. 2019)
Thứ hai, cơ cấu đầu tư quốc phòng của EU chưa tương xứng. Trong khi Mỹ dành gần 33% ngân sách quốc phòng cho hiện đại hóa trang bị, tỷ lệ này ở EU chỉ đạt khoảng 21% (European Political Strategy Centre 2015). Thứ ba, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và áp lực từ các chính sách xã hội như y tế và lương hưu khiến nhiều quốc gia thành viên không thể tăng mạnh ngân sách quốc phòng – trái ngược với xu hướng tăng chi ngân sách quốc phòng ở các nước như Trung Quốc. Thứ tư, xu hướng mua sắm thiết bị quốc phòng từ bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, đã làm suy yếu nỗ lực xây dựng nền công nghiệp quốc phòng nội khối. Các quốc gia như Ba Lan lựa chọn tiêm kích F-16, còn Đức mua sắm F-35 từ Mỹ – những quyết định này tuy nhằm tăng khả năng tương tác kỹ thuật, nhưng lại góp phần gia tăng sự phụ thuộc vào Mỹ.
Hơn nữa, việc Anh rời khỏi EU (Brexit) cũng giáng một đòn mạnh vào năng lực phòng thủ của khối. Vương quốc Anh là một trong những quốc gia có lực lượng vũ trang lớn, hiện đại và đóng góp đáng kể vào chi tiêu quốc phòng của EU. Dữ liệu minh họa trong Hình 2 cho thấy sức mạnh quân sự của Anh vượt trội so với hầu hết các quốc gia thành viên khác (Barrie et al. 2018). Dù hợp tác quốc phòng giữa EU và Anh vẫn có thể được duy trì thông qua các thỏa thuận song phương hoặc khuôn khổ hợp tác riêng biệt, nhưng sự thiếu vắng Anh trong cơ cấu thể chế quốc phòng EU rõ ràng là một tổn thất đáng kể. Việc Anh ký kết Hiệp định AUKUS vào tháng 9 năm 2021 với Mỹ và Australia cũng cho thấy sự chuyển hướng chiến lược của Anh ra khỏi châu Âu, từ đó càng làm lu mờ vai trò của EU trong các cấu trúc an ninh quốc tế.
Tác động đến khu vực và thế giới
Xu hướng theo đuổi quyền tự chủ quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU) đang tạo ra những tác động đa chiều, không chỉ trong nội khối mà còn đối với cấu trúc an ninh toàn cầu.
Trong nội bộ EU, quyền tự chủ chiến lược được kỳ vọng sẽ gia tăng khả năng hành động độc lập của EU, từ đó giúp khối này chủ động hơn trong việc định hình các tiến trình toàn cầu trên cơ sở lợi ích và giá trị riêng (Helwig 2023). Điều này phản ánh một tầm nhìn chiến lược sâu rộng, hướng tới việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ. Bằng cách đó, EU mong muốn trở thành một chủ thể có khả năng kiến tạo trật tự quốc tế thay vì chỉ phản ứng thụ động trước các diễn biến bên ngoài.
Tuy nhiên, tính khả thi của mục tiêu này đang bị giới hạn bởi sự thiếu đồng thuận trong nội khối về cách tiếp cận quyền tự chủ chiến lược. Sự phân hóa quan điểm giữa các quốc gia thành viên – đặc biệt giữa nhóm ủng hộ tự chủ và nhóm nghiêng về duy trì vai trò của Mỹ – đã làm suy giảm tiềm năng của EU trong việc xây dựng một lập trường an ninh – quốc phòng thống nhất (Costa et al. 2025). Thực tiễn từ cuộc chiến Ukraine càng làm nổi bật sự phụ thuộc hiện hữu của EU vào các cam kết an ninh từ Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ quân sự, hậu cần và chỉ huy tác chiến. Điều này phần nào thúc đẩy các quốc gia thành viên tìm đến những công nghệ quân sự “có sẵn”, phần lớn đến từ Mỹ, thay vì đầu tư dài hạn cho công nghiệp quốc phòng nội khối (Helwig 2023).
Bên cạnh đó, EU vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế. Tuy nhiên, sự chia rẽ nội khối – giữa các quốc gia có và không có vũ khí hạt nhân, giữa các thành viên NATO và ngoài NATO – đã hạn chế đáng kể khả năng của EU trong việc định hình các chính sách kiểm soát vũ khí toàn cầu. Dù vậy, EU vẫn duy trì định hướng hỗ trợ các thiết chế đa phương hiện hành và siết chặt các cơ chế kiểm soát xuất khẩu vũ khí quốc tế (Costa et al. 2025).
Trên bình diện toàn cầu, thứ nhất, quyền tự chủ chiến lược được EU định vị như một công cụ nhằm bảo vệ trật tự đa cực, qua đó nâng cao vị thế và năng lực hành động độc lập của châu Âu trong các vấn đề an ninh quốc tế (Młynarski, Tomasz 2024). Thứ hai, phản ứng phối hợp của EU trước cuộc khủng hoảng Ukraine đã thể hiện khả năng huy động nguồn lực và điều phối hành động, từ đó gia tăng sức mạnh đàm phán của khối trong các diễn đàn đa phương (Helwig 2023). Thứ ba, sự phụ thuộc kéo dài vào năng lực quân sự của Mỹ khiến nhiều người hoài nghi về tính khả thi của một quyền tự chủ hoàn toàn, khi một bộ phận lớn các quốc gia thành viên vẫn thận trọng trước khả năng xa rời mối liên kết xuyên Đại Tây Dương (Helwig 2023). Ngược lại, một số ý kiến cho rằng việc EU quá chú trọng vào quyền tự chủ quốc phòng có thể vô tình làm suy yếu quan hệ với Mỹ và NATO, dẫn đến sự phân mảnh trong chính sách an ninh châu Âu. Những căng thẳng này phản ánh sự đan xen phức tạp giữa khát vọng độc lập và nhu cầu duy trì sự phụ thuộc chiến lược trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.
Hàm ý cho Việt Nam
Việc Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy quyền tự chủ quốc phòng đang tạo ra những tác động sâu rộng đối với Việt Nam, đan xen giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh, đồng thời đặt ra cả cơ hội và những điều chỉnh chiến lược cần thiết. Về kinh tế, mặc dù Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã góp phần thúc đẩy đáng kể kim ngạch thương mại song phương và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, việc EU ngày càng ưu tiên chi tiêu quốc phòng nội khối có thể dẫn tới sự điều chỉnh trong cấu trúc ngân sách, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam nếu mức độ cam kết thương mại bị thu hẹp (Khoát, Nghiêm Xuân et al. 2019) (Thi 2024). Tuy nhiên, Việt Nam cũng có cơ hội đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghiệp quốc phòng của EU, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng, điện tử và sản xuất công nghệ cao. Xu hướng này phù hợp với định hướng chiến lược của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao và nâng cấp năng lực công nghiệp quốc phòng quốc gia (Delegation of the European Union to Vietnam 2020).
Về chính trị, quyền tự chủ quốc phòng của EU có thể kéo theo sự điều chỉnh trong cơ chế hành động đối ngoại của khối, theo hướng chọn lọc và dựa trên lợi ích chiến lược. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần tăng cường khả năng thích ứng ngoại giao để duy trì vị thế chiến lược trong bối cảnh EU ngày càng tập trung vào các ưu tiên an ninh nội tại và chương trình nghị sự toàn cầu (Oxford Analytica 2024). Bên cạnh đó, chính sách quốc phòng tự chủ của EU luôn gắn liền với chương trình nghị sự về giá trị, đặc biệt là quyền con người và quản trị quốc gia. Điều này có thể khiến các điều kiện hợp tác và thương mại với Việt Nam ngày càng chịu ảnh hưởng từ các yếu tố chuẩn mực, phản ánh xu hướng ngoại giao dựa trên giá trị của EU (Sicurelli 2017).
Về phương diện an ninh, một EU tự chủ trong quốc phòng có khả năng tái định hình cục diện quyền lực tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt khi các quốc gia thành viên EU từng bước giảm phụ thuộc vào bảo trợ an ninh từ Mỹ. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU, nhấn mạnh vào “một trật tự khu vực mở và dựa trên luật lệ”, đã khẳng định rõ cam kết của EU trong việc tăng cường hiện diện và hợp tác chiến lược tại châu Á, trong đó có ASEAN và Việt Nam. Các sáng kiến như Đối thoại An ninh – Quốc phòng EU – Việt Nam được triển khai trong thời gian gần đây chính là nền tảng xây dựng lòng tin chiến lược và thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như an ninh biển, phòng thủ mạng và quản lý khủng hoảng (Phương Linh 2023). Theo đó, quyền tự chủ quốc phòng của EU có thể vừa đóng vai trò là yếu tố cân bằng trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc, vừa góp phần định hình một khuôn khổ đối tác ổn định và đa phương, phù hợp với lợi ích chiến lược dài hạn của Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Như Việt Anh
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Barrie, D., Barry, B., Béraud-Sudreau, L., Boyd, H., Childs, N., & Giegerich. B. 2019. “IISS Report: Defending Europe: Scenario-Based Capability Requirements for NATO’s European Members.” IISS. 2019. https://www.iiss.org/research-paper/2019/05/defending-europe/.
2. Barrie, Douglas, Ben Barry, Henry Boyd, Marie-Louise Chagnaud, Nick Childs, Bastian Giegerich, Christian Mölling, and Torben Schütz. 2018. “Protecting Europe: Meeting the EU’s Military Level of Ambition in the Context of Brexit the International Institute for Strategic Studies.” https://dgap.org/system/files/article_pdfs/protecting_europe.pdf.
3. Brzozowski, Alexandra. 2020. “EU Lacks Defence Capabilities to Meet ‘Strategic Autonomy’ Goals.” Euractiv. November 23, 2020. https://www.euractiv.com/section/defence/news/eu-lacks-defence-capabilities-to-meet-strategic-autonomy-goals/.
4. Costa, Oriol, Eduard Soler i Lecha, and Martijn C. Vlaskamp, eds. 2025. EU Foreign Policy in a Fragmenting International Order. The European Union in International Affairs. Cham: Springer Nature Switzerland. https://doi.org/10.1007/978-3-031-64060-5.
5. Delegation of the European Union to Vietnam. 2020. “Stepping up Cooperation on Security and Defence.” May 4, 2020. https://www.eeas.europa.eu/delegations/vietnam/stepping-cooperation-security-and-defence_en?s=184.
6. European Commission. 2025. “Press Statement by President von Der Leyen on the Defence Package.” 2025. https://www.google.com/url?q=https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/sv/statement_25_673&sa=D&source=docs&ust=1742467142741011&usg=AOvVaw02Gd_lz4bh4f6A52dVzSRa.
7. European Council. 2016. “Council Conclusions on Implementing the EU Global Strategy in the Area of Security and Defence.” November 14, 2016. https://www.consilium.europa.eu/en/press/press-releases/2016/11/14/conclusions-eu-global-strategy-security-defence/pdf/.
8. European Council. 2025. “European Council Conclusions.” 2025. https://www.consilium.europa.eu/en/documents/public-register/euco-conclusions/.
9. European Movement International. 2022. “Future of European Security and Defence Cooperation.” December 2022. https://www.google.com/url?q=https://europeanmovement.eu/policy/future-of-european-security-and-defence-cooperation/
10. European Political Strategy Centre. 2015. “In Defence of Europe.” European Commission. Brussels. 2015.
11. Fiott, Daniel. 2018. “Strategic Autonomy: Towards ‘European Sovereignty’ in Defence?” https://www.iss.europa.eu/sites/default/files/EUISSFiles/Brief%2012__Strategic%20Autonomy.pdf.
12. Gotkowska, Justyna. 2018. “The Trouble with PeSCo the Mirages of European Defence.” https://www.osw.waw.pl/sites/default/files/pw_69_pesco_ang_net.pdf.
13. Helwig, Niklas. 2023. “EU Strategic Autonomy after the Russian Invasion of Ukraine: Europe’s Capacity to Act in Times of War.” Journal of Common Market Studies 61 (1). https://doi.org/10.1111/jcms.13527.
14. Khoát, Nghiêm Xuân ; CISMAS, Laura Mariana. 2019. “The Eu – Vietnam Free Trade Agreement (Evfta) Opportunity and Challenges for Vietnam.” Association of Educational and Cultural Cooperation Suceava from Stefan cel Mare Universit. June 2, 2019. https://www.econbiz.de/Record/the-eu-vietnam-free-trade-agreement-evfta-opportunity-and-challenges-for-vietnam-kho%C3%A1t-nghi%C3%AAm-xu%C3%A2n/10012014610.
15. Młynarski, Tomasz. 2024. “The Implications of Strengthening ‘European Strategic Autonomy’ and Its Defence Capabilities for the Growth of France’s Global Importance and Power.” Politeja. 2024. https://orcid.org/0000-0002-7713-6307.
16. Oxford Analytica. 2024. “EU Defence Ambitions Face Constraints.” Emerald Expert Briefings, April. https://doi.org/10.1108/oxan-db286249.
17. Phương Linh. 2023. “Đối Thoại Quốc Phòng an Ninh Việt Nam- EU Lần Thứ 3.” Báo Quân Đội Nhân Dân. May 12, 2023. https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/doi-thoai-quoc-phong-an-ninh-viet-nam-eu-lan-thu-3-727953.
18. Politico. 2025. “EU Leaders Boost Defense despite Hungarian Veto — as It Happened.” March 5, 2025. https://www.politico.eu/article/european-council-summit-eu-defense-spending-ukraine-war/.
19. Sempere, Carlos Martí. 2024. “The European Difficult Goal of Being Strategically Autonomous.” Cuadernos Económicos de ICE, no. 107 (July). https://doi.org/10.32796/cice.2024.107.7801.
20. Shao Xinying. 2025. “Europe’s Defense Push Fuels Autonomy Talks.” China Daily. March 13, 2025. https://www.chinadaily.com.cn/a/202503/13/WS67d292eda310c240449daa4b.html.
21. Sicurelli, Daniela. 2017. “The Conditions for Effectiveness of EU Human Rights Promotion in Non-Democratic States. A Case Study of Vietnam.” Journal of European Integration 39 (6): 739–53. https://doi.org/10.1080/07036337.2017.1327527.
22. Thi, Nguyen. 2024. “A Preliminary Analysis on the Vietnam’s Exports into the Eu after Three-Year Implementation of the Evfta: Practice, Challenges and Prospects.” VNU Journal of Foreign Studies 40 (3): 151–60. https://doi.org/10.63023/2525-2445/jfs.ulis.5306.
23. Xinhua. 2025. “World Insights: EU Seeks Defense Autonomy as Transatlantic Rifts Widen.” March 7, 2025. https://english.news.cn/20250307/ae6083f34a534a6787eaca1f4d412bc3/c.html.
24. Zieliński, Tadeusz. 2020. “Strategic Autonomy of the European Union in Security and Defence.” Lithuanian Annual Strategic Review, December, 1–18. https://doi.org/10.47459/lasr.2020.18.1.