Cục diện Biển Đông trong năm 2023 đã có những bước chuyển mới đáng kể so với năm 2022. Mặc dù các bên liên quan đều cho rằng tình hình Biển Đông “về cơ bản vẫn ổn định”. Nhưng rõ ràng, với những gì đang diễn ra trên thực địa, tính chất ổn định này đang trở nên mong manh hơn. Mấu chốt nằm ở quan hệ căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh bãi Cỏ Mây, bãi Scarborough và các vùng lân cận. Đây là điều tương đối bất thường khi cả Manila và Bắc Kinh đã từng có những bước tiến ngoại giao đầy thiện chí hồi đầu năm 2023 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines. Căng thẳng trên biển giữa hai bên đã làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông, tạo ra cơ hội cho các nước lớn gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, chủ yếu là Mỹ và các nước đồng minh. Điều đó đang khiến cấu trúc an ninh trên biển đang thay đổi nhanh chóng. Đồng thời, hệ lụy của những va chạm giữa Trung Quốc và Philippines vốn xuất phát từ những mâu thuẫn trên Biển Đông nhưng đang có xu hướng vượt ra ngoài lý do ban đầu, mở ra một cuộc đối đầu khác có quy mô lớn hơn, với những mục đích chiến lược khác.
Tác động của một số nhân tố tới cục diện Biển Đông trong năm 2023
Tác động của các điểm nóng trên toàn cầu
Đánh giá về giai đoạn lắng dịu của tình hình Biển Đông năm 2022 cũng như quan hệ thiện chí Philippines – Trung Quốc trên biển từ trước đó nói riêng, nhà nghiên cứu Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc (tức Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam) cho rằng “cuộc khủng hoảng Ukraine, tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan và tình hình bán đảo Triều Tiên leo thang ở chừng mực nào đó làm phân tán sự đầu tư chiến lược của Mỹ và phương Tây vào Biển Đông”[1]. Tuy nhiên, điều đó không lý giải được vì sao căng thẳng trên Biển Đông vẫn leo thang năm 2023, trong bối cảnh các điểm nóng khác không những tiếp tục phức tạp mà còn bùng nổ thêm các điểm nóng mới. Trường hợp khủng hoảng ở Tây Phi và xung đột ở dải Gaza vừa qua là những minh chứng rõ nét.
Các điểm nóng dọc vành đai Âu – Phi – Á, từ Ukraine, Trung Đông cho tới eo biển Đài Loan hay bán đảo Triều Tiên vẫn chưa đủ để Mỹ “bỏ quên” biển Đông. Thực tế, Mỹ vẫn có hệ thống các quốc gia đồng minh quan trọng vây quanh các điểm nóng này, và họ vẫn đang thể hiện được vai trò nhất định trong việc kiểm soát các căng thẳng trên các điểm nóng thay vì Mỹ phải trực tiếp giải quyết tất cả các vấn đề.
Điều khiến Biển Đông bình lặng hơn, hoặc nói đúng hơn là quan hệ Philippines – Trung Quốc ổn định hơn ở thời điểm trước năm 2023 là bởi: Một, ông Marcos Jr. mới nắm quyền vào năm 2022, chưa thể ngay lập tức có những điều chỉnh với Trung Quốc. Đây là một yếu tố quan trọng. Hai, đó cũng là thời điểm Philippines chưa tăng cường mối quan hệ với các đối tác bên ngoài (chủ yếu là đồng minh của Mỹ: như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh và một số đối tác khác). Hệ quả của chính sách lạnh nhạt với đồng minh thời cựu Tổng thống Duterte vẫn còn tồn tại. Những điều đó khiến thực lực bên trong cũng như bên ngoài của Philippines tương đối hạn chế. Ba, lựa chọn cải thiện quan hệ với Mỹ, thận trọng hơn với những kế hoạch hợp tác với Trung Quốc, mở rộng các liên kết an ninh với các cường quốc bên ngoài có thể được xem là một bước ngoặt đối với quan hệ Philippines – Trung Quốc trong năm 2023.
Riêng với trường hợp căng thẳng trên eo biển Đài Loan vốn được đẩy cao kể từ thời điểm bà Nancy Pelosi thăm hòn đảo này, sự gia tăng áp lực của Đại Lục đối với Đài Loan khiến vai trò chiến lược của Philippines được thể hiện rõ hơn. Cả Trung Quốc và Mỹ đều có lý do mở rộng tầm ảnh hưởng của họ xung quanh ngoại vi Đài Loan. Trong hoàn cảnh đó, vùng biển xung quanh Philippines trở thành một điểm nóng khó tránh. Căng thẳng Philippines – Trung Quốc là điều cần thiết đối với Mỹ nhằm làm giảm áp lực đối với Đài Loan.
Ngoài ra, kể từ khi căng thẳng trên biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc leo thang trong năm 2023, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện thêm của 2 điểm nóng mới. Đầu tiên là cuộc khủng hoảng chính trị và nguy cơ bùng phát xung đột quân sự ở Tây Phi và cuộc xung đột mới bùng nổ ở dải Gaza. Nếu như vấn đề châu Phi chưa quá cấp bách đối với Mỹ thì ở Trung Đông, với tư cách là đồng minh quan trọng nhất của Israel, Mỹ chắc chắn sẽ phải dành những nguồn lực nhất định cho điểm nóng này. Mặc dù vậy, cuộc xung đột ở dải Gaza mới diễn ra được gần 2 tháng, và trong trường hợp cuộc xung đột này kéo dài, tác động của nó đối với tình hình Biển Đông sẽ được thấy rõ hơn trong năm 2024. Cục diện biển Đông năm 2023 sẽ khó có những thay đổi đáng kể trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Tác động từ cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở biển Đông
Nhà nghiên cứu Ngô Sĩ Tồn (Trung Quốc) cũng đã nhận định rằng, tình hình Biển Đông năm 2023 chịu ảnh hưởng bởi 3 nhân tố chính bao gồm: Cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung; cuộc đấu tranh lợi ích giữa Trung Quốc và các bên có yêu sách và nhân tố mới từ cuộc “đọ sức” giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ ở khu vực này[2]. Có thể thấy, nhân tố Mỹ cũng như cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung vẫn đóng vai trò quan trọng hàng đầu, chi phối mạnh mẽ đến tình hình ở Biển Đông.
Học giả Trung Quốc cũng từng đề cập tới khả năng tình hình biển Đông nóng trở lại vào năm 2023[3]. Việc Mỹ có thêm 5 căn cứ quân sự mới ở Philippines, trong đó có căn cứ ở vịnh Subic, gia tăng hoạt động của các tàu hải quân, thậm chí là đội tàu sân bay ở các nước trong khu vực được xem là những động thái báo hiệu rõ ràng tham vọng kiềm chế Bắc Kinh. Và kịch bản này thực tế đã xảy ra.
Một điều đáng chú ý khác, năm 2023 là thời điểm kỷ niệm 10 năm triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Đối với Mỹ, BRI tạo ra mối đe dọa lớn đối với vị thế của nước này. Do vậy, trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, loại bỏ BRI hoặc ít nhất là hạn chế tối đa tính hiệu quả của sáng kiến này là một ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, Philippines có vai trò đáng kể đối với “con đường tơ lụa trên biển” – một hợp phần trong đại Sáng kiến Vành đai và Con đường. Mỹ có đầy đủ động lực để thúc đẩy đồng minh từ bỏ hợp tác với Trung Quốc. Gần đây, Philippines cũng đã có dấu hiệu từ bỏ các dự án liên quan tới Sáng kiến Vành đai và Con đường ở quốc gia này. Bản thân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr cũng không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Sáng kiến Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh vừa qua[4]. Sẽ thật khó tin nếu quyết định của Philippines nằm ngoài tác động của yếu tố Mỹ, nhất là trong bối cảnh quan hệ Philippines – Mỹ được tăng cường và tỉ lệ nghịch với thực tiễn quan hệ giữa Trung Quốc với hai nước này.
Chính sách của các bên có yêu sách ở Biển Đông trong năm 2023
Các quốc gia và vùng lãnh thổ có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines. Trong khi Việt Nam, Malaysia, Brunei không có nhiều thay đổi về quan điểm cũng như chính sách ở Biển Đông, Đài Loan đang ưu tiên cho chiến lược ứng phó phi đối xứng với Đại Lục, sự thay đổi đáng chú ý chủ yếu đến từ Philippines và Trung Quốc.
Đối với Philippines, sau thời gian tạm gác quyết định của Tòa Trọng tài năm 2016 nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Chính sách An ninh Quốc gia giai đoạn 2023 – 2028 đã quay trở lại lập trường cứng rắn ở Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây Philippines). Theo đó, Manila khẳng định lợi ích hàng đầu của họ ở vùng biển này, đồng thời nhấn mạnh Công ước luật biển, và phán quyết của Tòa Trọng tài để bảo vệ lợi ích của Philippines[5]. Philippines đã có nhiều thay đổi kể từ sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Marcos Jr. Từ quan hệ cởi mở chuyển sang trạng thái phức tạp mới, có thể được mô tả là “gia tăng đấu tranh, giảm bớt hợp tác”.
Đối với Trung Quốc, việc Mỹ và các đồng minh của họ gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á thông qua Philippines là điều khó có thể chấp nhận. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong một tuyên bố đã cho rằng: “các nước trong khu vực cần có sự cảnh giác cần thiết đối với những thế lực bên ngoài, đồng thời tin tưởng rằng, Trung Quốc và các nước ASEAN có đủ năng lực và khôn ngoan trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông[6]”. Quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng rằng, vấn đề Biển Đông là câu chuyện của riêng Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Nước này không hoan nghênh sự xuất hiện của các thế lực bên ngoài. Do vậy, việc Philippines mở ra cánh cửa cho Mỹ và các nước đồng minh can thiệp vào tình hình khu vực tất yếu sẽ dẫn đến những biện pháp đáp trả từ phía Trung Quốc.
Một số diễn biến đáng chú ý về vấn đề Biển Đông trong năm 2023
Tranh chấp trên biển Đông trong năm 2023 đã thể hiện ở cả hai khía cạnh “căng thẳng, đấu tranh” và “duy trì hợp tác”. Mỗi khía cạnh có những bên tham gia cùng với những biểu hiện khác nhau. Căng thẳng xảy ra đáng kể và gây chú ý lớn nhất là các mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Philippines. Mâu thuẫn giữa các bên còn lại với Trung Quốc mặc dù vẫn tồn tại, nhưng không tạo ra các phản ứng dư luận lớn. Bên cạnh đó, năm 2023 cũng đã chứng kiến những tiến triển mới trong những nỗ lực của các bên nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông.
Căng thẳng Philippines – Trung Quốc leo thang và kéo dài ở Biển Đông
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc bắt đầu nổi lên từ tháng 2/2023, xung quanh bãi Cỏ Mây, khi Philippines tố một tàu hải cảnh Trung Quốc đã chiếu tia laser vào tàu của Philippines ở khu vực này. Đến ngày 14/02/2023, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã triệu Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên tới để bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về sự việc. Trong khi đó, phía Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc từ phía Philippines. Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/02/2023, ông Uông Văn Bân cho rằng: “Tàu Trung Quốc đã sử dụng máy đo tốc độ laser cầm tay để đo khoảng cách và tốc độ của tàu Philippines. Việc sử dụng tia laser của nước này không nhằm gây hại đối với nhân viên và thiết bị của phía Philippines”[7]. Sự việc đã mở đầu cho một chuỗi dài các căng thẳng trên biển trong năm giữa hai bên.
Là một bên yếu thế hơn, Philippines đã có những động thái tìm kiếm sự ủng hộ của các đối tác thân cận, đáng chú ý là Mỹ và các đồng minh của Washington. Đáp lại, Mỹ đã nhanh chóng gia tăng các hoạt động quân sự của họ ở khu vực. Ngày 26/5/2023, một tiêm kích J-16 của Trung Quốc đã có những thao tác áp sát, được cho là nguy hiểm và không cần thiết đối với máy bay trinh sát RC-135 của Không quân Mỹ ở Biển Đông[8]. Đầu tháng 6/2023, Philippines cùng Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành tập trận chung tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Bataan của Philippines, ngoài ra, Australia cũng tham gia với tư cách quan sát viên. Ở phía Trung Quốc, vào tháng 5/2023, nước này cũng đã tiến hành tập trận chung với Lào, Campuchia và Singapore ở khu vực phía Nam Biển Đông[9].
Đến tháng 8/2023, tình hình tiếp tục trở nên căng thẳng hơn. Sau khi lệnh cấm đánh cá hàng năm của Trung Quốc được dỡ bỏ, các lực lượng do PLA hậu thuẫn đã tích cực ngăn chặn các tàu tiếp tế của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây nhằm phục vụ các hoạt động tiếp tế định kỳ cho căn cứ trên tàu BRP Sierra Madre[10]. Thậm chí, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines đã phản ánh việc Lực lượng hải cảnh Trung Quốc có hành động “nguy hiểm”, sử dụng vòi rồng “bất hợp pháp” đối với các tàu dân sự do Lực lượng Bảo vệ bờ biển và Lực lượng vũ trang Philippines thuê để tiếp tế cho căn cứ quân sự ở bãi Cỏ Mây (Philippines gọi là Ayungin). Đây là vụ va chạm “toàn diện” lớn thứ hai giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi Cỏ Mây trong năm 2023. Để duy trì việc tiếp tế ở bãi Cỏ Mây, Mỹ đã tham gia hỗ trợ Philippines, bất chấp những hành động ngăn chặn từ phía Trung Quốc[11].
Ngoài khu vực bãi Cỏ Mây, các va chạm cũng như căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã lan sang các điểm nóng tranh chấp khác. Ở bãi Scarborough, một thợ lặn thuộc Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) đã tiếp cận, cắt dây phao do Trung Quốc chăng xung quanh lối vào bãi cạn này với mục đích ngăn tàu thuyền Philippines tiếp cận ngư trường truyền thống. Giới chức Philippines khẳng định “hàng rào dây phao gây nguy hiểm cho hoạt động đi lại của tàu thuyền, trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế”, đồng thời cho biết việc cắt dây phao có sự chỉ đạo trực tiếp từ Tổng thống Ferdinand E. Marcos Jr[12].
Các sự việc cho thấy, phần lớn thời gian trong năm 2023, các căng thẳng trên biển Đông chủ yếu xoay quanh các va chạm, mâu thuẫn giữa Philippines và Trung Quốc. Đồng thời, với sự can thiệp ngày một gia tăng của Mỹ và đồng minh, các va chạm giữa lực lượng thuộc quản lý của Bắc Kinh với các lực lượng bên ngoài có dấu hiệu gia tăng, nhất là các “va chạm” giữa Trung Quốc và Mỹ ở trên biển cũng như trên không phận của Biển Đông.
Các căng thẳng này đã làm rõ hơn những điều chỉnh chính sách của Manila trong quan hệ với Bắc Kinh, từ hòa hoãn, hợp tác sang “gia tăng đấu tranh, giảm bớt hợp tác”. Trên thực tế, các kế hoạch hợp tác giữa hai nước đã bị ảnh hưởng đáng kể từ cuối năm 2022. Philippines đang chấp nhận đánh mất các lợi ích kinh tế có được từ mối quan hệ với Trung Quốc để đạt các mục tiêu chính trị của họ.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Philippines giai đoạn 2015 – 6/2023[13]
Trung Quốc và ASEAN vẫn ghi nhận những bước tiến tích cực nhất định
Bên cạnh các diễn biến tiêu cực xuất hiện ở Biển Đông trong năm 2023, không phủ nhận các bên có liên quan đã có những động thái tích cực nhằm tìm kiếm giải pháp cho việc quản lý tranh chấp trên biển.
Trước hết, ngoài các căng thẳng trên biển liên quan tới Philippines và Trung Quốc, các bên liên quan trực tiếp tới các tranh chấp trên Biển khác gồm Việt Nam, Malaysia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan đã không để xảy ra các sự biến đáng kể làm tình hình trở nên phức tạp hơn. Malaysia và Brunei có quan điểm tương đối ôn hòa đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam tỏ ra thận trọng hơn, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trong năm 2023 đã không phát sinh những căng thẳng đáng kể mới.
Trong hợp tác đa phương, tính đến thời điểm hiện tại (tháng 11/2023), Trung Quốc và ASEAN đã hoàn tất 3 vòng đọc Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Các vòng đọc được diễn ra lần lượt vào các tháng: 3, 7 và 10/2023. Không những vậy, Trung Quốc và ASEAN còn đạt được thống nhất về mục tiêu nỗ lực hoàn tất COC vào năm 2026[14]. Liên quan đến căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc, tính đến hết tháng 10/2023, ASEAN không có động thái cụ thể nhằm ủng hộ hay phản đối bất cứ bên nào. Thay vào đó, các chương trình nghị sự đều cố gắng tìm kiếm giải pháp hòa hợp lợi ích của các bên có liên quan.
Căng thẳng xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines mặc dù không phản ánh một cục diện căng thẳng mang tính toàn diện ở Biển Đông. Nhưng sự việc này đã tạo ra một làn sóng dư luận lớn, chiếm ưu thế về mặt truyền thông về tình hình Biển Đông trong năm 2023.
Đặc tính của cục diện Biển Đông năm 2023: cơ bản vẫn “ổn định” nhưng ngày càng mong manh hơn
Gần đây, Hội thảo khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức trong hai ngày 25 – 26/10 đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả quốc tế. Điều đáng chú ý khi nhận định tổng quan về tình hình, phần lớn các học giả cho rằng Biển Đông vẫn đang có được trạng thái ổn định tương đối. Ngoài ra, không chỉ có các học giả, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đưa ra nhận định tương tự[15]. Rõ ràng, căng thẳng trên biển vẫn tồn tại, thậm chí có dấu hiệu leo thang giữa Philippines và Trung Quốc, vậy điều gì khiến các học giả và lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đưa ra nhận định như vậy?
Thứ nhất, mặc dù có những va chạm giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát của các bên liên quan. Căng thẳng chưa phát triển lên thành xung đột. Điều đó khiến tình hình Biển Đông vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, chưa phá vỡ tinh thần và những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Trên thực địa, cả hai bên vẫn giữ được sự kiềm chế khi giảm thiểu tối đa những va chạm vượt quá giới hạn. Thay vào đó, mặt trận ngoại giao được tăng cường. Tính đến đầu tháng 8/2023, Philippines đã gửi 34 công hàm phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông[16]. Ngược lại, Trung Quốc thường xuyên bác bỏ các cáo buộc từ phía đối thủ, đồng thời không quên nhắc đến vai trò của các thế lực đứng sau kích động quan hệ Philippines – Trung Quốc xấu đi[17].
Thứ hai, mặc dù các thế lực bên ngoài đã nhân cơ hội căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh để gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, nhưng các bên liên quan chủ yếu tới vấn đề biển Đông bao gồm: Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan vẫn được duy trì, chưa phát sinh thêm một bên mới nào tham gia vào tranh chấp trên Biển Đông. Hơn nữa, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc chỉ biểu hiện 1 khía cạnh trong hệ thống những tranh chấp phức tạp trên Biển Đông. 3 nước và 1 vùng lãnh thổ còn lại trong năm 2023 không có những động thái bất thường đáng kể nào đối với tình hình trên vùng biển này.
Thứ ba, mâu thuẫn, căng thẳng không phải là đặc tính bao trùm của vấn đề Biển Đông trong năm 2023. Bên cạnh đó, xu thế hợp tác trên biển vẫn đang có những bước tiến tích cực nhất định. Đáng chú ý là việc Trung Quốc và ASEAN đã tiến hành vòng đọc thứ ba Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông COC; phản ứng tích cực của phần lớn các nước Đông Nam Á về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc (trường hợp phản ứng của Philippines tỏ ra phức tạp hơn); các nước ASEAN đã có những hoạt động hợp tác cụ thể hơn như tập trận chung trên biển, thúc đẩy trao đổi hợp tác trong năm Indonesia giữ vai trò chủ tịch… Hợp tác và đấu tranh thực tế vẫn song hành, và đó cũng là biểu hiện vốn có ở Biển Đông trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, trạng thái ổn định này cũng đang ngày càng trở nên mong manh hơn. Và căng thẳng Philippines – Trung Quốc trong năm 2023 đang là nhân tố chính tạo ra sự mong manh đó.
Trước hết, căng thẳng trên biển vẫn đang tiếp tục gia tăng, cả Manila và Bắc Kinh đều chưa có dấu hiệu nhượng bộ. Mức độ nguy hiểm trong các va chạm cũng như quy mô căng thẳng đang có xu hướng tăng cường và mở rộng. Đáng chú ý, Philippines thường xuyên cáo buộc tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công các tàu của họ[18]. Những hình ảnh được các bên công bố có chủ ý đều đang cho thấy đã có những va chạm giữa các tàu của hai bên trên biển. Điều đó khiến hai bên tiến gần hơn tới nguy cơ đụng độ vũ trang cục bộ trong trường hợp xuất hiện các động thái thiếu tỉnh táo của bất cứ bên nào.
Tiếp đó, với việc Philippines là bên yếu thế hơn trong những tranh chấp cũng như va chạm với Trung Quốc, Manila đã có những động thái tăng cường và mở rộng quan hệ với các đối tác đồng minh quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Australia thậm chí cả các đồng minh Mỹ ở châu Âu. Sự can dự của các lực lượng bên ngoài chưa chắc có thể giúp Philippines chiếm lại được ưu thế, nhưng chắc chắn sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, đẩy căng thẳng lên cao hơn trong thời gian tới.
Cuối cùng, lựa chọn chiến lược của Philippines đang có tác động tiêu cực tới vai trò trung tâm của ASEAN. Khả năng điều phối, giải quyết các mâu thuẫn trên biển của ASEAN sẽ gặp khó khi Manila thể hiện một quan điểm không thuận chiều với tinh thần chung của khu vực. Hơn nữa, điều này cũng khiến quá trình đàm phán COC đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc rơi vào tình trạng bất đồng.
Có thể thấy, “ổn định nhưng mong manh” đang là trạng thái nổi bật của cục diện Biển Đông trong năm 2023.
Cán cân lực lượng ở Biển Đông đang thay đổi
Trên cơ sở trạng thái tổng quan của vùng biển này cũng như những diễn biến liên quan trong năm 2023, điểm đáng chú ý cần làm rõ hơn đó là tình hình bố trí lực lượng xung quanh biển Đông đã có nhiều điểm mới. Tình thế phức tạp giữa Philippines và Trung Quốc đang gián tiếp mở ra xu hướng thay đổi cấu trúc quyền lực ở khu vực này. Philippines có vẻ không đơn độc trong việc ứng phó với Trung Quốc.
Chuyên gia nghiên cứu biển Đông của Trung Quốc, ông Ngô Sĩ Tồn cho rằng: hiện nay, các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ liên tục tăng cường mức độ can dự vào vấn đề Nam Hải (Biển Đông) khiến vấn đề này từ chỗ là tranh chấp chủ quyền đảo/đá, yêu sách quyền tài phán vùng biển giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN như Philippines, Việt Nam, Malaysia, trở thành tranh chấp phức tạp và đan xen giữa cuộc đọ sức chiến lược nước lớn trong và ngoài khu vực với cuộc đọ sức chiến thuật nước nhỏ[19]. Bản thân các nước có liên quan trực tiếp tới vấn đề Biển Đông bao gồm: Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan không có những điều chỉnh chiến lược đáng kể trong năm 2023. Cán cân lực lượng ở khu vực này có sự thay đổi chủ yếu liên quan tới những điều chỉnh chiến lược từ phía Philippines.
Đối với Mỹ, bước đầu cho quá trình tăng cường lực lượng ở biển Đông là việc Philippines đồng ý cho nước này sử dụng thêm 5 căn cứ quân sự. Tiếp đó, bằng vị thế của mình, Mỹ đã nỗ lực kêu gọi các nước đồng minh tăng cường quan hệ với Philippines, tạo ra các liên kết “tiểu đa phương” với Philippines làm trung tâm, như liên kết ba bên Mỹ, Nhật Bản, Philippines hay liên kết Mỹ, Australia, Philippines, thậm chí là tham vọng đưa Philippines gia nhập Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ). Đồng thời, Washington cũng khuyến khích các đồng minh châu Âu tăng cường hỗ trợ Manila, nổi bật như trường hợp của London.
Các học giả Trung Quốc đã bình luận về mục đích của những tính toán chiến lược từ phía Mỹ nhằm: (i) làm tăng chi phí cho các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm kiềm chế Trung Quốc bao gồm: chi phí quân sự; chi phí pháp lý; chi phí chính trị; chi phí ngoại giao; chi phí kinh tế và chi phí dư luận. (ii) xây dựng “tính chính đáng” cho sự can dự của Mỹ vào Biển Đông. (iii) xây dựng mạng lưới quan hệ đồng minh-đối tác gia tăng sức mạnh để can thiệp vào Biển Đông[20]. Để thực hiện các mục tiêu đó, Mỹ đang tận dụng tối đa “sự tham gia đóng góp” của các đồng minh, thay vì dồn toàn lực của chính họ vào chiến lược kiềm chế Trung Quốc.
Nhật Bản và Australia đã thể hiện sự hưởng ứng nhiệt thành đối “lời kêu gọi” của Mỹ. Tháng 9/2023, Australia và Philippines đã nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược, đồng thời Canberra đang có những động thái hỗ trợ an ninh cho Manila trong những năm tiếp theo. Tại Hội thảo Khoa học Quốc tế “50 năm quan hệ Việt Nam – Australia: nhìn lại và hướng tới” được Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức, các học giả của Australia đã chỉ rõ, nước này cần một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và Australia cần phải tham gia vào các vấn đề của khu vực. Dĩ nhiên, vấn đề Biển Đông cũng được xem là một phần quan trọng. Giáo sư Nick Bisley (Đại học La Trobe, Australia) cũng nhấn mạnh đến tham vọng thay đổi nguyên trạng khu vực của Trung Quốc. Và Australia coi đây là một thách thức lớn[21]. Trong khi đó, Nhật Bản và Philippines đã bắt đầu đàm phán về một hiệp định được gọi là “Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng về an ninh và hỗ trợ Philippines tăng cường an ninh ở Biển Đông”. Sự ủng hộ của Nhật Bản đối với Philippines không chỉ về mặt vật chất mà bao gồm cả những tuyên bố chính trị[22]. Đồng thời, hai nước này cùng với Mỹ đang nỗ lực xây dựng cơ chế an ninh ba bên (JAPHUS) nhằm cùng chia sẻ các thách thức an ninh chung ở khu vực, bao gồm chính thách thức từ phía Trung Quốc.
Sự tham gia sâu hơn của Nhật Bản và Australia góp phần củng cố thêm chiến lược chuỗi đảo mà ở đó, Philippines là một trong những mắt xích quan trọng hàng đầu.
Đối với các đối tác ở châu Âu, tháng 8/2022, Chính phủ Anh tuyên bố rằng “một Biển Đông ổn định và an toàn là rất quan trọng đối với nước Anh”. Đồng thời, Anh sẽ không chỉ sử dụng một loạt công cụ để thúc đẩy và bảo vệ tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, mà còn tiếp tục nêu quan ngại về “hành vi quân sự hóa, cưỡng ép và đe dọa” ở khu vực Biển Đông. Anh cũng sẽ hợp lực với các đồng minh để hỗ trợ các đối tác ASEAN củng cố năng lực về luật hàng hải và an ninh biển trong khu vực. Rõ ràng, Anh đã coi tranh chấp ở Biển Đông là mối đe dọa thực sự đối với các lợi ích an ninh quốc gia của mình, đồng thời từng bước làm nổi bật nhận thức về “mối đe dọa Trung Quốc”. Điều này không chỉ đặt nền tảng chiến lược cho sự chuyển đổi chính sách của Anh ở khu vực vùng biển này, mà còn chắc chắn tạo ra những tác động đối với sự phát triển của quan hệ Trung-Anh[23]. Sau Anh, Pháp cũng có những động thái tác động tới Philippines. Để tăng cường tiềm lực hải quân, Philippines được cho là có khả năng mua tàu ngầm lớp Scorpène của Pháp. Sự xuất hiện của Pháp ở Biển Đông với những tuyên bố “bảo đảm tự do hàng hải” là điều có thể diễn ra trong những năm tới.
Ấn Độ cũng đang có những động thái hiện diện trong cấu trúc lực lượng của khu vực. Tháng 5/2023, Ấn Độ lần đầu tiên cử tàu chiến tổ chức tập trận chung với thời gian 2 ngày với hải quân 7 nước ASEAN ở Biển Đông. Tháng 6/2023, Ấn Độ tuyên bố tặng Việt Nam một tàu hộ vệ tên lửa đang hoạt động. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ tặng một tàu khu trục hạng nhẹ vẫn đang hoạt động bình thường cho nước ngoài. Trong tương lai gần, Ấn Độ có thể trở thành nước cung cấp vũ khí chủ yếu cho các nước ASEAN. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ-Philippines được tổ chức cuối tháng 6/2023, Ấn Độ nhấn mạnh trong tuyên bố chung giữa hai nước rằng cần phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển và “Phán quyết” của PCA. Đây không những là lần đầu tiên Ấn Độ đề nghị tuân thủ “Phán quyết”, mà còn được cho là tín hiệu cho thấy lập trường của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông đã có những thay đổi quan trọng[24].
Cùng với quá trình hiện đại hóa, tăng cường năng lực quốc phòng của các quốc gia Đông Nam Á, cấu trúc lực lượng ở Biển Đông đã có nhiều thay đổi so với năm 2022. Sự thay đổi đáng chú ý nhất là việc căng thẳng Philippines – Trung Quốc đã kéo theo sự can dự của nhiều cường quốc bên ngoài. Điều đó làm cục diện Biển Đông trở nên phức tạp hơn, thế yếu của Philippines đã được cải thiện, ưu thế của Trung Quốc đang đứng trước những thách thức mới. Nhưng điều quan trọng là cán cân lực lượng ở Biển Đông đang thay đổi theo hướng bất lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực.
Dự báo tình hình biển Đông năm 2024
Với những gì đã và đang diễn ra trong năm 2023, cục diện Biển Đông trong năm 2024 sẽ tiếp tục có những thay đổi phức tạp chưa từng có từ sau Chiến tranh Lạnh.
Thứ nhất, sự tham gia can dự của Mỹ và các nước đồng minh trên danh nghĩa hỗ trợ Philippines sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Các liên kết an ninh tiểu đa phương lấy Philippines làm trung tâm sẽ không chỉ dừng lại ở những diễn ngôn mang tính hình thức. Các hoạt động cụ thể của các nước này sẽ được triển khai. Tuy nhiên, phạm vi của các hoạt động này sẽ có những tính toán kỹ lưỡng, để tránh những va chạm trực tiếp với các lực lượng từ phía Trung Quốc. Mặc dù vậy, Mỹ sẽ là nhân tố khó lường nhất, quá trình vận động tranh cử ở Mỹ vào cuối năm 2024 có thể có những tác động không tốt đối với tình hình Biển Đông. Căng thẳng với Trung Quốc tại các điểm nóng, đặc biệt là ở Biển Đông có thể được sử dụng làm công cụ vận động tranh cử ở nước này. Do vậy, tình thế phức tạp ở vùng biển này khó có thể được cải thiện trong năm 2024.
Thứ hai, Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên Biển Đông, nguy cơ va chạm với Philippines và các bên khác có thể xảy ra, căng thẳng trên biển có thể mở rộng về số lượng các bên liên quan. Trước sự thay đổi về cán cân lực lượng ở khu vực trong năm 2023 mà chủ yếu là sự gia tăng lực lượng hỗ trợ Philippines, Trung Quốc chắc chắn sẽ có những biện pháp đối ứng trong thời gian tới. Các lực lượng trên biển của Trung Quốc ở vùng biển phía Nam sẽ được tăng cường, đồng thời, hoạt động mở rộng, nâng cấp các căn cứ ở biển Đông, bao gồm các những điểm đảo mà nước này chiếm đóng trái phép sẽ được tăng cường. Nghiễm nhiên, mặt trận ngoại giao sẽ nóng lên với những tuyên bố phản đối từ các bên liên quan, bao gồm cả Việt Nam đối với phần chủ quyền của mình đang bị nước ngoài chiếm đóng.
Thứ ba, gần như không có khả năng Trung Quốc lôi kéo các cường quốc bên ngoài hỗ trợ tham vọng biển Đông của họ. Thay vào đó, Bắc Kinh lựa chọn chiến lược sử dụng các chính sách ưu đãi kinh tế, khả năng tác động vào các nước Đông Nam Á, hạn chế các động thái tiêu cực của ASEAN đối với các hành động của Trung Quốc. Đáng chú ý, năm 2024, Lào giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, với mối quan hệ hữu nghị, sâu sắc với Bắc Kinh, sẽ khó có sự bất ngờ nào đến từ ASEAN liên quan đến tình hình căng thẳng trên Biển Đông vào năm tới.
Thứ tư, quá trình đàm phán COC vẫn sẽ được các bên nỗ lực tiếp tục, nhưng kết quả đạt được sẽ không đáng kể. Tinh thần chung của ASEAN sẽ gặp nhiều thách thức liên quan đến định hướng chiến lược khác nhau giữa Philippines và phần còn lại. Khó có thể mong đợi một bước tiến lớn cho quan hệ ASEAN – Trung Quốc về vấn đề đàm phán COC nói riêng và toàn cục vấn đề Biển Đông nói chung trong năm 2024.
Như vậy, có thể dự báo, tình hình biển Đông trong năm 2024 sẽ không được giảm nhiệt, mặc dù có thể có những khoảng lặng nhất định. Tính chất phức tạp sẽ gia tăng, không loại trừ khả năng căng thẳng sẽ mở rộng và leo thang, không chỉ đơn thuần là căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc mà có thể xuất hiện căng thẳng mới giữa Trung Quốc và một bên khác. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng vẫn chưa đến mức xảy ra xung đột.
Một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Với tư cách là một bên liên quan trực tiếp tới vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, sự thay đổi trong cục diện trên biển thời gian qua và dự báo trong năm tới có tác động vô cùng sâu sắc đến những tính toán chiến lược của Việt Nam. Thời cơ và thách thức mới sẽ xuất hiện, dường như thách thức sẽ nhiều hơn so với thời cơ. Trước tình hình đó, Việt Nam có thể tham khảo một số khuyến nghị sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần nỗ lực bảo vệ vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh tác động tiêu cực từ căng thẳng Philippines – Trung Quốc. Sự xuất hiện của nhiều lực lượng bên ngoài khu vực không có lợi đối với vai trò trung tâm của ASEAN cũng như mong muốn xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định. Việt Nam và ASEAN cần có quan điểm cụ thể về sự xuất hiện của các lực lượng mới này. Quan điểm này cần vừa đảm bảo được xu thế mở rộng hợp tác giữa ASEAN và cộng đồng quốc tế, vừa đảm bảo giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, không hoan nghênh các bên có tham vọng biến khu vực Đông Nam Á nói chung và biển Đông nói riêng trở thành mặt trận đối đầu của các nước lớn.
Thứ hai, Việt Nam có thể và nên nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải cho quan hệ căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc thông qua cả 2 kênh song phương với 2 đối tác và đa phương thông qua ASEAN và các diễn đàn khu vực. Việt Nam có đầy đủ các yếu tố có thể đứng ra giữ vai trò trung gian hòa giải bao gồm: là đối tác quan trọng đối với cả Bắc Kinh và Manila; là một bên liên quan trực tiếp tới vấn đề Biển Đông; là một quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ những diễn biến tiêu cực có thể xảy ra ở Biển Đông; đồng thời cũng là một bên đã có nhiều kinh nghiệm xử lý các tranh chấp trên biển từ lịch sử. Thể hiện được vai trò trung gian này sẽ giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.
Thứ ba, song song với các biện pháp ngoại giao, Việt Nam cần theo dõi sát sao tình hình căng thẳng trên biển Đông, đồng thời tăng cường triển khai các lực lượng chấp pháp trên biển, ngăn ngừa khả năng lan rộng căng thẳng tới các khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam, tiếp tục xử lý các vấn đề trên biển dựa trên tinh thần của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Thứ tư, Việt Nam cần tiếp tục bảo vệ tinh thần ngoại giao cây tre và chính sách bốn không trong bối cảnh sự can dự của các nước lớn gia tăng vào khu vực. Trong thời gian qua cũng như thời gian tới, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác quan trọng trong và ngoài khu vực. Điều đó sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới cho việc xử lý các mối quan hệ chồng chéo giữa các lực lượng hiện diện trên biển Đông. Các chính sách quốc phòng, an ninh vốn có của Việt Nam cần được duy trì chặt chẽ và không bị ảnh hưởng, gián đoạn bởi các đối tác có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”.
Nhìn chung, việc hạn chế tối đa khả năng biến Việt Nam trở thành một bên tham gia vào các căng thẳng trên biển trong thời gian tới là việc cần được xem xét ưu tiên. Cục diện biển Đông trong năm 2024 khó có thể được cải thiện, việc tránh tham gia vào các căng thẳng, tận dụng thời cơ từ môi trường khu vực và quốc tế phức tạp sẽ có lợi cho chặng đường phát triển của Việt Nam trong những năm tiếp theo./.
Tác giả: Hoàng Hải
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Chú thích tham khảo
[1] 吴士存 (2023), 展望 2023 年南海局势,重回动荡风险几何, 世界知识, 01/01/2023, tr. 34
[2] 吴士存 (2023), 展望 2023 年南海局势,重回动荡风险几何, 世界知识, 01/01/2023, tr. 35
[3] 吴士存 (2023), 展望 2023 年南海局势,重回动荡风险几何, 世界知识, 01/01/2023, tr. 35
[4] Richard Javad Heydarian (2023), Why the Philippines is exiting the Belt and Road, Asia Times, https://asiatimes.com/2023/11/why-the-philippines-is-exiting-the-belt-and-road/
[5] National Security Council Philippines (2023), National Security Policy 2023 – 2028, https://nsc.gov.ph/images/NSS_NSP/National_Security_Policy_Manual_FINAL_E-COPY_with_WATERMARK_140823.pdf, p.12
[6] 中华人民共和国外交部 (2023), 王毅谈当前南海地区局势, 12/8/2023, https://www.mfa.gov.cn/wjbzhd/202308/t20230812_11126090.shtml
[7] 中华人民共和国外交部 (2023), 2023年2月15日外交部发言人汪文斌主持例行记者会, https://www.fmprc.gov.cn/fyrbt_673021/jzhsl_673025/202302/t20230215_11025417.shtml. Dẫn theo: Hoàng Hải (2023), “Căng thẳng Philippines – Trung Quốc gia tăng trên Biển Đông: hệ lụy và hàm ý đối với Việt Nam”, Nghiên cứu Chiến lược, 19/10/2023.
[8] Duan Dang (2023), Chiến đấu cơ Trung Quốc gây hấn với máy bay Mỹ ở Biển Đông, 01/6/2023, https://duandang.substack.com/p/brief-16-chien-au-co-trung-quoc-gay
[9] Al Jazeera (2023), US, Philippines, Japan set to hold first-ever joint naval drills, https://www.aljazeera.com/news/2023/6/1/us-philippines-japan-set-to-hold-first-ever-joint-naval-drills
[10] Ghio Ong (2023), Pinoy fishermen harassed ‘with or without China fishing ban’, The Philippine Star, https://www.philstar.com/headlines/2023/08/21/2290140/pinoy-fishermen-harassed-with-or-without-china-fishing-ban
[11] Duan Dang (2023), Mỹ hỗ trợ Philippines tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây, 23/8/2023, https://duandang.substack.com/p/brief-238-my-ho-tro-philippines-tiep
[12] Sebastian Strangio (2023), Philippines Says It Removed ‘Floating Barrier’ From Disputed Shoal, The Diplomat, https://thediplomat.com/2023/09/philippines-says-it-removed-floating-barrier-from-disputed-shoal/. Dẫn theo nguồn tin từ Jay Tarriela thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippine PCG trên trang mạng X (trước đây là Twitter), https://twitter.com/jaytaryela/status/1706277974163730805
[13] 华经情报网 (2023), 2023年6月中国与菲律宾双边贸易额与贸易差额统计, https://www.huaon.com/channel/tradedata/916333.html
[14] Thông tấn xã Việt Nam (2023), Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 đạt được nhất trí về nhiều vấn đề quan trọng trong khu vực, https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-quoc-te-1049/hoi-nghi-cap-cao-asean-43-dat-duoc-nhat-tri-ve-nhieu-van-de-quan-trong-trong-khu-vuc-6972905.html
[15] 中华人民共和国外交部 (2023), 王毅谈当前南海地区局势, 12/8/2023, https://www.mfa.gov.cn/wjbzhd/202308/t20230812_11126090.shtml
[16] Charie Abarca (2023), PH has filed 34 diplomatic protests against China in 2023, https://globalnation.inquirer.net/217362/fwd-ph-has-so-far-filed-34-diplomatic-protests-against-china-in-2023-dfa
[17] 中华人民共和国外交部 (2023), 王毅谈当前南海地区局势, 12/8/2023, https://www.mfa.gov.cn/wjbzhd/202308/t20230812_11126090.shtml
[18] The Guardian (2023), Philippines accuses China of water cannon attack in Spratly Islands, https://www.theguardian.com/world/2023/aug/06/philippines-accuses-china-of-water-cannon-attack-in-spratly-islands
[19] 吴士存 (2023), “从国际秩序演变视角看南海问题形成与发展”, 爱思想, 26/9/2023.
[20] Thông tấn xã Việt Nam (2022), “Chính sách và lựa chọn hành động của Chính quyền Biden ở Biển Đông”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 290, ngày 9/11/2022.
[21] Tác giả ghi lại nội dung tại Hội thảo Khoa học Quốc tế “50 năm quan hệ Việt Nam- Australia: nhìn lại và hướng tới” do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) phối hợp với Đại sứ quán Australia tổ chức tại Hà Nội ngày 24/10/2023.
[22] The Japan Times (2023), The South China Sea is a test for Japan, https://www.japantimes.co.jp/editorials/2023/09/29/japan-south-china-sea-test/
[23] 王传剑, 黄诗敬 (2022), “印太转向”下英国的南海政策:解析与评估, 东南亚研究, tr. 85-86.
[24] Thông tấn xã Việt Nam, “Lý do Ấn Độ tăng cường can dự vào Biển Đông”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 263, ngày 8/10/2023
Bình Luận 1