Quan hệ giữa Mỹ, Philippines, và Trung Quốc hiện nay là một trong những vấn đề địa chính trị phức tạp và quan trọng nhất ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Có thể nói, mối quan hệ giữa hai bên diễn biến đa dạng, căng thẳng và hợp tác đan xen, tạo nên bức tranh đầy biến động và khó lường.
Thực trạng của các mối quan hệ song phương
Mỹ – Philippines
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., thế giới đã chứng kiến sự cải thiện rõ rệt trong quan hệ Mỹ – Philippines, đặc biệt sau những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông. Theo đó, Philippines đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, đồng thời, quan hệ kinh tế và văn hóa cũng tiếp tục được duy trì, với Mỹ là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Philippines.
Sau nhiều thăng trầm dưới thời cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khi ông thi hành chính sách cân bằng nước lớn, cùng với việc xích lại gần quan hệ với Trung Quốc [], sợi dây liên kết giữa hai đồng minh Mỹ và Philippines đã trở nên khăng khít trở lại dưới thời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr []. Chuyến thăm của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tới Mỹ hồi đầu tháng 5/2023 đặt một dấu mốc mới cho quan hệ giữa hai nước. Tuy là một trong những đồng minh hiệp ước quan trọng của Mỹ, trong 10 năm qua, ông Ferdinand Marcos Jr là tổng thống đầu tiên của Philippines đến thăm Mỹ. Chuyến công du đã đánh dấu trạng thái quan hệ giữa hai nước có những bước chuyển biến đáng kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr lên nắm quyền vào tháng 06 năm 2022 cho đến nay [].
Trong những năm qua, Philippines đã cố gắng khởi động lại quan hệ với Mỹ bằng việc nhất trí mở rộng Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) ký với Mỹ năm 2014. Theo đó, Mỹ có thêm 04 căn cứ quân sự tại Philippines, nâng tổng số căn cứ mà Mỹ được phép đưa quân tới luân chuyển lên 09. Dấu ấn tiếp theo trong quá trình tăng cường hợp tác giữa hai nước là việc nối lại đối thoại 2+2 giữa các quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của hai bên sau 07 năm bị đình trệ. Hai bên cũng không ít lần tổ chức tập trận chung tại các khu vực trọng điểm, trong đó không thể không kể đến cuộc tập trận thường niên Balikatan lớn nhất trong vòng 30 năm qua [].
Trong hội nghị thượng đỉnh chung đầu tiên với Manila và Tokyo ngày 11 tháng 04 năm 2024, Tổng thống Biden cùng Tổng thống Ferdinand R. Marcos, Jr. đã đánh dấu sức mạnh chưa từng có của liên minh giữa Mỹ và Philippines, đồng thời nhấn mạnh những thành tựu lịch sử trong quan hệ song phương và dự định tiếp tục các khoản đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực mà hai bên hợp tác.
Trong đó, an ninh – quốc phòng đóng vai trò nền tảng của liên minh Mỹ – Philippines, và hơn hết, Mỹ và Philippines ngày càng nỗ lực đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bảo vệ an ninh khu vực và lợi ích quốc gia. Kể từ khi ký EDCA, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phân bổ 109 triệu USD cho các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm hơn 59 triệu USD nhằm cải thiện sân bay tại Căn cứ Không quân Basa, giúp tăng cường khả năng tương tác với Lực lượng vũ trang Philippines (AFP). Ngoài ra, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng tăng cường đào tạo ứng phó dân sự – quân sự để rèn luyện sự thông thạo với các hệ thống ứng phó giữa các cơ quan dân sự và quân sự của Philippines và Mỹ cũng như các tổ chức nhân đạo quốc tế [].
Tiếp đến, Mỹ và Philippines tiếp tục chú trọng hợp tác hàng hải. Trong những năm qua, Mỹ và Philippines đã tăng cường hợp tác ở Biển Đông, bao gồm hoạt động hợp tác hàng hải đa phương phức tạp giữa Úc, Nhật Bản, Philippines và Mỹ. Ngoài ra, lực lượng Mỹ và Philippines đã tiến hành nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát kết hợp lần đầu tiên trên Biển Đông. Những nỗ lực chung giữa hai nước thể hiện quyết tâm, tăng cường quan hệ an ninh song phương và mở rộng hợp tác và đào tạo đa phương giữa các đối tác có cùng chí hướng []. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Cảnh sát biển Mỹ còn tích cực hỗ trợ đào tạo kỹ thuật cho Hạm đội Cảnh sát biển Philippines thông qua một trung tâm đào tạo được khánh thành vào tháng 9 năm 2023 [].
Tổng thống Biden đã cam kết bảo vệ Philippines khỏi bất kỳ cuộc tấn công nào ở Biển Đông trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp []. Khi gặp nhau trong dinh tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã ca ngợi đây là cuộc gặp “lịch sử”. Họ cho rằng liên minh này là một nền tảng của hòa bình và dân chủ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương [].
Thực tế cho thấy, mối quan hệ Mỹ – Philippines ở thời điểm hiện tại đang được “hâm nóng” hơn bao giờ hết. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã chủ trương thực thi một chính sách đối ngoại có sự tương phản rõ nét so với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte bằng thái độ tránh xa mọi lời chỉ trích hướng về Washington, thay vào đó là chiến lược thân thiện hơn với đối tác truyền thống của mình. Về phía Mỹ, Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ và tăng cường hợp tác với Philippines trong đa lĩnh vực, đặc biệt là an ninh – quốc phòng [].
Philippines – Trung Quốc
Quan hệ Philippines – Trung Quốc trong những năm gần gây tồn tại hai mặt song song, một bên là hợp tác kinh tế mạnh mẽ, một bên là căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Theo các chuyên gia phân tích, bất chấp tình trạng căng thẳng xảy ra ở Biển Đông, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Philippines vẫn không bị ảnh hưởng, có thể mô tả hai quốc gia này đang “nồng ấm về kinh tế, nhưng nguội lạnh về chính trị”.
Trung Quốc và Philippines là những đối tác tự nhiên vì sự gần gũi về mặt địa lý, mối quan hệ họ hàng gần gũi và những lợi thế bổ sung cho nhau. Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo chiến lược của hai nguyên thủ quốc gia, Trung Quốc và Philippines đã tăng cường sức mạnh tổng hợp giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và các Chương trình “Xây dựng Tốt hơn và Nhiều hơn” (BBM) của Philippines. Khoảng 40 dự án hợp tác giữa chính phủ với chính phủ đã được hoàn thành hoặc đang được tiến hành, bao gồm Cầu Binondo – Intramuros, Cầu Davao-Samal và Dự án thủy lợi bơm sông Chico, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, nguồn nhập khẩu lớn nhất, điểm đến xuất khẩu lớn nhất và nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ ba theo các hiệp định đã thúc đẩy hiệu quả quá trình phục hồi và thịnh vượng kinh tế sau đại dịch của hai nước. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đối với Philippines là 41 tỷ USD, vượt xa cả Nhật Bản với 21 tỷ USD và Mỹ với 20 tỷ USD []. Bộ trưởng Hoạch định kinh tế Philippines, ông Arsenio Balisacan cho biết nước này sẵn sàng đón nhận đầu tư và thương mại với “bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc”, ngay cả khi căng thẳng giữa hai nước tiếp tục gia tăng ở Biển Đông [].
Tuy nhiên, vào cuối tháng 10 năm ngoái, Philippines đã tuyên bố rút lui khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, khi Bộ trưởng Giao thông Philippines, ông Jaime Bautista nói với truyền thông rằng việc rút lui đột ngột diễn ra sau khi Bắc Kinh không đáp ứng các yêu cầu tài trợ cho các dự án đường sắt [].
Đối với vấn đề an ninh – quốc phòng, trong năm nay, Philippines và Trung Quốc đã nhiều lần lên án và thể hiện sự phản đối mạnh mẽ của đối phương trước những động thái các các khu vực tranh chấp. Vào tháng 03 năm 2024, Philippines đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc sử dụng vòi rồng chống lại một tàu dân sự tiếp tế cho quân đội tại Bãi cạn Second Thomas, mà Philippines cho rằng đã làm hư hỏng tàu và làm bị thương một số thủy thủ đoàn. Đáp lại, Trung Quốc cáo buộc tàu Philippines xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển gần bãi cạn này. Cũng trong thời điểm này, Trung Quốc nói rằng Mỹ phải kiềm chế “gây rối” hoặc đứng về phía nào trong vấn đề Biển Đông, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, trong chuyến thăm Manila, một thỏa thuận an ninh với Philippines đã mở rộng sang các cuộc tấn công vào lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Tháng 04 năm 2024, lực lượng quốc phòng Mỹ, Nhật, Úc tiến hành “hoạt động hợp tác hàng hải” trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông []. Cuộc tập trận diễn ra sau các cuộc đối đầu liên tục giữa các tàu Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông trong những tháng trước đó.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi các lực lượng dân binh của Trung Quốc bị cáo buộc đâm vào hai thuyền bơm hơi của hải quân Philippines để ngăn chặn hải quân Philippines chuyển thực phẩm và các vật tư khác, bao gồm cả súng ống đến tiền đồn lãnh thổ của Philippines ở Bãi cạn Second Thomas, nơi cũng được Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trước đó không lâu [].
Đến tháng 07 năm 2024, các cuộc đàm phán quan trọng đã được tổ chức nhằm xoa dịu căng thẳng leo thang sau các cuộc đối đầu ở Biển Đông. Trong một tuyên bố sau đó, Bộ Ngoại giao tại Manila cho biết các phái đoàn Trung Quốc và Philippines “khẳng định cam kết giảm căng thẳng mà không ảnh hưởng đến lập trường của mỗi bên … Đã có tiến bộ đáng kể trong việc phát triển các biện pháp nhằm quản lý tình hình trên biển, nhưng vẫn còn những khác biệt đáng kể.”
Một thỏa thuận đã được ký kết nhằm cải thiện thông tin liên lạc trong các trường hợp khẩn cấp trên biển và cả hai bên đồng ý tiếp tục đàm phán về việc tăng cường quan hệ giữa lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và Trung Quốc. Một nỗ lực khác nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai bên là triệu tập một diễn đàn học thuật giữa các nhà khoa học và học giả để cải thiện hợp tác khoa học biển [].
Tuy còn những khác biệt trong quan điểm về địa – chính trị, cả Philippines và Trung Quốc đều cố gắng hạn chế viễn cảnh một cuộc xung đột lớn có thể xảy ra tại Biển Đông. Raul Lambino, chủ tịch Hiệp hội Hiểu biết Philippines – Trung Quốc đã chia sẻ mối quan hệ lịch sử lâu đời với tư cách láng giềng, bạn bè, anh em và thậm chí là thành viên trong gia đình giữa Philippines và Trung Quốc. Bất kỳ sự khác biệt nào giữa hai quốc gia cũng có thể giải quyết thông qua đàm phán, tham vấn, và cam kết tôn trọng mà không gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Mỹ – Trung Quốc
Tình trạng hiện tại trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc vẫn căng thẳng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược và thương mại. Vấn đề Đài Loan, Biển Đông, và các biện pháp trừng phạt kinh tế là những điểm nóng trong quan hệ hai nước. Tuy vậy, hai bên vẫn duy trì các kênh đối thoại để ngăn chặn xung đột leo thang.
Cạnh tranh Mỹ – Trung vẫn là cuộc cạnh tranh toàn diện, đối trọng trên mọi lĩnh vực. Trong đó, cạnh tranh địa – chính trị, đặc biệt là những động thái của hai quốc gia tại khu vực Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc nên cấu trúc an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và những nước láng giềng của Trung Quốc có chủ quyền biển đảo trên Biển Đông như Philippines, Việt Nam,…
Trong nhiều thập kỷ qua, Biển Đông đã nổi lên như một đấu trường cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm xây dựng đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ trên diện rộng tại các địa điểm mà nước này chiếm đóng ở Quần đảo Trường Sa, cũng như các hành động của lực lượng hàng hải nhằm khẳng định các yêu sách của Trung Quốc nhắm vào các nước láng giềng trong khu vực như Philippines và Việt Nam, đã làm gia tăng mối lo ngại của các nhà quan sát Mỹ rằng Trung Quốc đang cố gắng giành được quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông, một khu vực có tầm quan trọng về mặt chiến lược, chính trị và kinh tế đối với Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này [].
Với Mỹ, Mỹ có ba lợi ích hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm: (1) Duy trì các cam kết liên minh; (2) Đảm bảo quyền tự do hàng hải; (3) Duy trì ổn định an ninh khu vực. Từ ba lợi ích trên, Mỹ xác định mục tiêu cụ thể trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông gồm; (1) Ngăn cản Trung Quốc thực hiện các hoạt động xây dựng căn cứ ở Biển Đông; (2) Khuyến khích Trung Quốc giảm bớt hoặc chấm dứt các hoạt động của lực lượng hàng hải tại quần đảo Senkaku, ngăn chặn các hành động nhằm gây áp lực lên các địa điểm do Philippines chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa; (3) Tạo áp lực buộc Trung Quốc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.
Về phía Trung Quốc, Trung Quốc thường xuyên tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải và không can thiệp vào tự do hàng hải, minh chứng là vào tháng 11 năm 2023, Trung Quốc đã ký kết một thông cáo chung cùng 18 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương khác công nhận quyền tự do hàng hải theo khuôn khổ Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS) của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, động thái của Trung Quốc được cho là đi ngược lại với định nghĩa về tự do hàng hải mà phương Tây và Mỹ theo đuổi, qua đó, Trung Quốc thường xuyên can thiệp vào các hoạt động đánh bắt cá thương mại của các tàu đánh cá không phải của Trung Quốc, điều mà một số nhà quan sát coi là một hình thức can thiệp vào quyền tự do hàng hải của các tàu thương mại và vi phạm nặng nề đến Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS) [].
Trước những xung đột về lợi ích, Mỹ và Trung Quốc đã nỗ lực không ít trong việc thực hiện các cuộc đàm phán nhằm đưa ra phương hướng giải quyết. Mới đây, cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Jake Sullivan đã gặp gỡ các quan chức hàng đầu Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 27 và 28 tháng 08 năm 2024, với mục đích thảo luận về những bất đồng ở Trung Đông, Ukraine, và các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc từ Đài Loan đến Biển Đông [].
Đáng chú ý sau cuộc gặp mặt, theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Vương Nghị đã cảnh báo Washington không nên hỗ trợ Philippines trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, ông Vương đã nói với ông Sullivan rằng Mỹ không được sử dụng các hiệp ước song phương để làm suy yếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, cũng như không nên ủng hộ hay bao dung cho các hành động xâm phạm của Philippines [].
Về phía Mỹ, ông Sullivan cũng bày tỏ quan ngại về các hành động gây bất ổn của Trung Quốc chống lại hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines ở Biển Đông, đồng thời Mỹ cũng tăng cường cam kết trong việc bảo vệ các đối tác, đồng minh trong khu vực [].
Tóm lại, Mỹ và Trung Quốc đều có những lợi ích và mục tiêu mang tính chiến lược tại khu vực Biển Đông. Dù hai bên đã có những nỗ lực đàm phán nhằm giảm bớt căng thẳng leo thang và hạn chế xung đột trực tiếp, kết quả đến hiện tại vẫn chưa có nhiều chuyển biến đột phá và các tranh chấp vẫn tiếp tục diễn giữa Trung Quốc và các đối tác, đồng minh của Mỹ tai khu vực.
Cục diện quan hệ Mỹ – Philippines – Trung Quốc trên Biển Đông
Philippines đóng vai trò như một mắt xích quan trọng giúp Mỹ thực hiện mục tiêu tăng cường cam kết với đồng minh và đảm bảo tự do hàng hải trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm đối trọng với Trung Quốc.
Về phía Mỹ, việc củng cố các liên minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương rất quan trọng để kiềm chế Trung Quốc, và việc Mỹ cải thiện quan hệ với Philippines là chìa khóa để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời bảo vệ lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Về phía Philippines, vị trí địa lý đã đặt nước này vào tâm điểm của các cuộc tranh chấp lãnh thổ và hoạt động quân sự. Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình ngoại giao trước những hành động gây rối của Trung Quốc, Philippines vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc để tối đa hóa lợi ích cả về kinh tế và an ninh. Với Mỹ, Philippines muốn đảm bảo sự hỗ trợ về quốc phòng, trong khi với Trung Quốc, Philippines tìm cách duy trì quan hệ thương mại và đầu tư, nhưng kiên quyết trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
Về phía Trung Quốc, nước này đề cao mối quan hệ láng giềng với Philippines, duy trì quan hệ kinh tế với Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nhiều lần yêu cầu Mỹ hạn chế can thiệp của Mỹ vào khu vực, đồng thời, Trung Quốc tiếp tục củng cố yêu sách của mình ở Biển Đông và ngăn chặn sự hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines trở nên quá mạnh mẽ.
Những động thái mạnh mẽ của Trung Quốc đối với Philippines, bao gồm quấy rối các tàu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được quốc tế công nhận của Manila, đáng chú ý nhất là Bãi cạn Second Thomas và Bãi cạn Scarborough, đã dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang ở Biển Đông trong tình trạng đáng báo động và dễ xảy ra hơn bao giờ hết.
Liên minh an ninh của Philippines với Mỹ cho đến nay đã ngăn cản Trung Quốc thực hiện các cuộc tấn công nghiêm trọng hơn vào quân đội Philippines hoặc các tài sản khác của chính phủ. Tuy nhiên, Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 đánh dấu cam kết Washington sẽ hỗ trợ Manila nếu Manila bị tấn công quân sự đã không đạt hiệu quả trong việc ngăn cản Bắc Kinh leo thang các chiến thuật “vùng xám” nhằm thực hiện những hành động hung hăng mà không cần dùng đến các biện pháp quân sự như tăng cường hiện diện của các tàu dân quân biển, sử dụng các thiết bị theo dõi, bắn vòi rồng, tia laser,… nhằm ngăn chặn đường tiếp tế lương thực của dân quân Philippines.
Trên thực tế, Trung Quốc đang đặt Philippines vào tình thế khó khăn khi liên tục chèn ép và làm tổn hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Đông Nam Á này. Nếu cả Philippines và Mỹ muốn Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và dừng mọi hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo, Mỹ cần có những động thái mạnh mẽ hơn nữa để giúp đỡ Philippines. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, cả Manila và Washington dường như đều không có kế hoạch khả thi nào để chống lại các chiến thuật vùng xám khiến Bắc Kinh từng bước khẳng định chủ quyền trên các khu vực được quốc tế công nhận thuộc các quốc gia khác.
Trước tình hình đó, vào tháng 03 năm 2024, Philippines đã công bố “Khái niệm phòng thủ quần đảo toàn diện”. Đây được xem là một chiến lược phòng thủ mới chuyển từ mô hình truyền thống lấy quân đội làm trung tâm của Manila sang nâng cấp hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển để đối phó với “dân binh” của Trung Quốc. Song song với đó, Manila có những động thái chủ động hơn nhằm giải vây cho mình. Cụ thể:
Đầu tiên, nước này tăng cường liên minh với Washington. Thông qua các cuộc tập trận quân sự thường niên, bao gồm việc thực hiện các chuỗi đảo ở phía Bắc Philippines (cách Đài Loan 125 dặm về phía Nam) cũng như diễn tập khởi động một vụ phóng thử tên lửa hành trình chống hạm để đánh chìm một con tàu đã ngừng hoạt động.
Thứ hai, Philippines đã và đang tiến hành các cuộc tập trận an ninh và mở rộng thỏa thuận với các nước khác trong khu vực. Có thể kể đến cuộc tập trận chung trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila với sự tham gia của Úc, Nhật, Mỹ vào tháng 04 năm 2024. Vào tháng 07, Nhật Bản và Philippines đã ký một thỏa thuận quốc phòng song phương nhằm tạo điều kiện cho các cuộc tập trận chung trong nỗ lực hợp tác an ninh chặt chẽ hơn []. Philippines và Úc đã nâng cấp hợp tác về an ninh hàng hải và nâng tầm quan hệ đối tác lên tầm “chiến lược” sau chuyến thăm của Marcos tới Canberra vào tháng 02. Philippines cũng đang nhận được một số hỗ trợ vũ khí từ Ấn Độ, như việc cung cấp tên lửa hành trình chống hạm BrahMos gần đây.
Cuối cùng, Manila đã áp dụng chiến lược cứng rắn và minh bạch trước sự xâm phạm của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của mình. Các thuyền viên Philippines hiện đang ghi lại từng vụ cưỡng bức của Trung Quốc và công khai cho thế giới biết với mục đích khiến Bắc Kinh không còn có thể phủ nhận các hành động của mình như họ đã làm trong quá khứ [].
Trước những nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo của Philippines, Mỹ đã nhiều lần nhắc lại cam kết “bền thép” của mình với Philippines. Hiện tại, Mỹ đã đưa những thỏa thuận chưa từng có trong lịch sử đối với đồng minh, vượt ra ngoài phạm vi viện trợ quân sự. Trong hội nghị thượng đỉnh ba bên vào tháng 04 năm 2024, Tổng thống Marcos Jr., Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố một hành lang kinh tế trên đảo Luzon của Philippines, dự án đầu tiên trong Quan hệ đối tác đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu của Washington, đối trọng với “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc [].
Don McLain Gill, nhà phân tích địa chính trị và giảng viên khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila, cho biết dự án có thể giảm bớt sự phụ thuộc của Philippines vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc và cho phép Manila mở cửa thị trường khoáng sản quan trọng của mình sang Nhật Bản và Mỹ. Hành lang kinh tế này cũng sẽ là một “phép thử” lớn về khả năng của Washington trong việc cung cấp giải pháp thay thế cho những lời hứa của Trung Quốc về các khoản vay và các dự án cơ sở hạ tầng thông qua BRI [].
Mặc dù mối quan hệ giữa Manila và Washington hiện tương đối bền chặt nhưng có thể dễ dàng bị tổn thương trước những làn gió chính trị thay đổi khó lường. Cựu Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte và gia đình ông vẫn được nhiều người dân Philippines ủng hộ, con gái ông, Sara Duterte, đang là phó tổng thống Philippines. Bên cạnh đó, việc ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đắc cử cũng có thể chứng kiến Washington rút lui hoặc thay đổi các cam kết quốc phòng ở châu Á – Thái Bình Dương [].
Ông Gill chia sẻ nhận định, “Trong khi chính quyền hiện tại tìm cách giải quyết tham vọng bành trướng của Trung Quốc, có khả năng xu hướng này có thể thay đổi một lần nữa” [].
Dự báo xu hướng quan hệ trong thời gian tới
Trong thời gian tới, cục diện quan hệ Mỹ – Philippines – Trung Quốc trên Biển Đông có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.
Giữa hai ứng cử viên đại diện cho Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa của Mỹ, tình hình Biển Đông có thể sẽ có những chuyển biến khác biệt khi vị trí Tổng thống Mỹ được xác định.
Nếu bà Kamala Harris đắc cử, có thể cách tiếp cận của Mỹ với Philippines và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông sẽ không có quá nhiều thay đổi so với người tiền nhiệm trước đó là ông Joe Biden. Bởi “Kamala Harris là học trò của Joe Biden. Ông ấy đã đào tạo ra cô”, Phó Thống đốc California Eleni Kounalakis, một người bạn của bà Harris, từng là đại sứ tại Hungary, cho biết [].
Đối với Trung Quốc, đa phần người Mỹ vẫn coi Trung Quốc là đối thủ chính của họ. Trong cuộc khảo sát vào tháng 02 năm 2023 do Gallup thực hiện, kết quả cho thấy 50% người trưởng thành ở Mỹ cho rằng Trung Quốc là đối thủ lớn nhất, đứng sau là Nga với 32%. Tuy nhiên, các đảng viên giữa Đảng Cộng hòa và Dân chủ lại có quan điểm khá khác nhau về vấn đề này. Cụ thể thì 76% đảng viên Đảng Cộng hòa coi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất, trong khi chỉ có 32% đảng viên Dân chủ có cùng ý tưởng, còn 46% những người không thuộc Đảng phái nào tin rằng, Trung Quốc mới là đối thủ lớn nhất của Mỹ.
Như vậy, nếu trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay, bà Kamala Harris dành chiến thắng thì cục diện Biển Đông sẽ không có quá nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, nếu Donald Trump của Đảng Cộng hòa là người tiếp quản Nhà Trắng thì tình hình Biển Đông có thể sẽ lại nóng lên, giống như trong nhiệm kỳ trước đó của ông.
Đối với quan hệ với Philippines, nếu Kamala Harris, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Philippines trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, nếu Philippines không có bất kỳ thay đổi trong bộ máy chính quyền. Việc triển khai các dự án quân sự và tập trận chung cũng sẽ được tăng cường. Điều này có thể giải thích vì hai bên đều có những lợi ích chung trong việc kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời đảm bảo được lợi ích của Mỹ về việc bảo vệ đồng minh và duy trì an ninh trong khu vực.
Trong trường hợp Trump tái đắc cử, tiến sĩ Aries Arugay, thành viên cấp cao thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) cho biết Philippines có thể sẽ phải lo ngại rằng Mỹ, dưới thời Trump, có thể sẽ không chú ý nhiều đến liên minh này. Tiến sĩ Arugay cho biết Philippines là đồng minh quan trọng của Washington và nhiệm kỳ 2017 – 2021 của Trump đã làm tăng khả năng Mỹ “về cơ bản không hiện diện” trong việc hỗ trợ các nhu cầu quốc phòng, an ninh và lợi ích của khu vực nếu ông trở thành tổng thống một lần nữa [].
Về phía Philippines, dù trong tương lai có tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Mỹ hay không, Philippines vẫn sẽ tiếp tục kiên quyết trong vấn đề khẳng định chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, bởi chính phủ Philippines đã và đang thực hiện những chính sách chủ động và quyết đoán hơn, từ việc mở rộng hệ thống đối tác an ninh – quốc phòng, đến nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân trên biển nhằm đối phó với Trung Quốc. Vì vậy, chính sách của Philippines về việc đối phó với Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ không có quá nhiều thay đổi. Quan hệ hai bên vẫn tiếp tục dao động giữa hợp tác và căng thẳng đan xen. Và nếu Trung Quốc có những động thái vượt quá giới hạn, Philippines sẵn sàng có những phản hồi thích đáng, và căng thẳng ở Biển Đông sẽ chưa thể chấm dứt trong tương lai gần. Bên cạnh đó, Philippines cũng sẽ tăng cường hợp tác an ninh và tổ chức tập trận với các đồng minh khác của Mỹ như Úc, Nhật Bản vì những nước này đều có lợi ích an ninh trong khu vực.
Về phía Trung Quốc, Trung Quốc tiếp tục sẽ là nhân tố chính quyết định sức nóng tại Biển Đông, và nước này sẽ duy trì các hoạt động “vùng xám”. Song song với đó, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục coi Biển Đông là địa bàn cạnh tranh nước lớn, nhằm tăng răn đe quân sự và bán quân sự. Hai quốc gia này có khả năng vẫn ở mức đối đầu căng thẳng, nhưng không leo thang thành xung đột quân sự trực tiếp. Đối với chủ quyền biển đảo, theo lập trường của nước này, Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vững quan điểm về việc lên án Mỹ không có quyền can thiệp vào các vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Philippines. Đồng thời, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền lợi trên biển của mình.
Nhiều khả năng đất nước tỷ dân sẽ mở rộng sự hiện diện trên biển, dưới biển, và cả trên không. Do đó, các sự cố như tại Bãi Cỏ Mây năm 2023 có thể sẽ xảy ra với tần suất dày đặc hơn. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn sẽ kiềm chế sự can dự của hải quân, ưu tiên sử dụng cảnh sát biển để xử lý tình huống nhằm giữ động lực đàm phán bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.
Tóm lại, tình hình Biển Đông trong thời gian tới vẫn tiếp tục ở mức căng thẳng, tuy nhiên, dựa trên xu thế hòa bình, ổn định và nỗ lực thương lượng, đàm phán giữa các bên, khu vực này trong tương lai gần sẽ chưa thể gay gắt đến mức xung đột hoặc chiến tranh.
Tác động tới khu vực, Biển Đông và Việt Nam
Tình hình căng thẳng tại Biển Đông, cùng với diễn biến phức tạp giữa Mỹ, Philippines, Trung Quốc cùng các quốc gia khác trong khu vực có tác động mạnh mẽ đến cấu trúc an ninh khu vực, trên Biển Đông, và cả với Việt Nam.
Biển Đông trở thành “miếng mồi” hấp dẫn trong cạnh tranh nước lớn, vì vậy, đây sẽ là điểm tiếp tục thu hút các quốc gia có lợi ích trực tiếp tại đây. Ngoài Mỹ, Philippines, Trung Quốc, Biển Đông có thể sẽ gia tăng các cuộc tập trận với Philippines cũng như các quốc gia khác trong khu vực. Trong khi các nước Đông Nam Á tiếp tục thực hiện việc cân bằng với các nước lớn, nhưng sẽ với mức độ liên kết chặt chẽ hơn trước tham vọng trở thành cường quốc biển của Trung Quốc.
Các thành viên trong Hiệp hội Đông Nam Á thể hiện vai trò an ninh lớn hơn, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, nhằm buộc Trung Quốc thể hiện thái độ chuẩn mực và tuân thủ với Công ước quốc tế về Luật biển mà Trung Quốc đã ký kết trước đó.
Trước cạnh tranh địa – chính trị tại Biển Đông, có một số quy luật và nghịch lý tác động đến Việt Nam.
Một là, khi cạnh tranh Mỹ – Trung tăng lên thì vai trò của Việt Nam trong bàn cờ nước lớn và bức tranh địa chính trị khu vực cũng tăng lên. Việt Nam có vị trí địa chiến lược xung yếu, vai trò ngày càng lớn trong ASEAN, và bề dày kinh nghiệm chống ngoại xâm. Vì vậy, lập trường của Việt Nam nghiêng về bên nào có thể sẽ có lợi cho bên đó. Và việc Việt Nam có gắng duy trì thế trung lập sẽ càng giúp Việt Nam có giá trị hơn trong chiến lược cạnh tranh chiến lược của các cường quốc.
Hai là, nếu vai trò an ninh của Philippines giảm đi vì ngả theo Trung Quốc (dưới thời Duterte), thì vai trò của Việt Nam sẽ tăng lên. Nếu vai trò của Philippines tăng lên như hiện nay (dưới thời Marcos Jr) thì vai trò của Việt Nam có thể giảm đi, nếu không biết cách duy trì. Gần đây, Mỹ và Nhật đang tăng cường quan hệ an ninh với Philippines, vì Philippines có vị trí địa chiến lược xung yếu, không chỉ với Biển Đông mà còn với Đài Loan.
Ba là, dưới thời Joe Biden, Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực. Nhưng nếu Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm tới thì tình thế có thể khác.
Chính trị nội bộ của Mỹ thường tác động đến chính sách đối ngoại một cách khó lường. Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ là một quyết sách “đúng lúc, đúng người, đúng việc”, đã tạo ra một bước ngoặt mới và cơ hội lớn cho Việt Nam. Việt Nam cần duy trì chính sách đối ngoại sáng suốt, linh hoạt, đồng thời cũng giữ vững thái độ cứng rắn, kiên quyết trước vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ./.
Tác giả: Nguyệt Hằng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]