Sự leo thang đột ngột của cuộc xung đột Palestine-Israel một lần nữa làm dấy lên những nhân tố bất ổn của cục diện quốc tế. Làm thế nào để thấy rõ những mâu thuẫn, xung đột phức tạp và khó có thể giải quyết trên thế giới hiện nay? Liệu trật tự quốc tế thời hậu chiến thanh thế giới lần thứ II có phải đang đối mặt với sự tan vỡ và định hình lại một cách khốc liệt? Có phải “Kỷ nguyên hỗn loạn” của thế giới đang đến?
Trong thời đại tranh chấp toàn cầu, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên rất rõ ràng, liệu đây có phải là một “cuộc Chiến tranh Lạnh mới”? Mỹ sẽ chơi quân bài như thế nào để kiềm chế Trung Quốc? Bắc Kinh sẽ đối phó như thế nào? Nước Mỹ vô cùng hoài niệm về quá khứ vinh quang, nhưng lực bất tòng tâm do thực lực của chính mình đang bị suy giảm, liệu họ có dấn thân vào con đường “đánh cược một phen” hay không?
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã trải qua một thập kỷ hiệu quả, trong khi các nước BRICS đang mở rộng, các nước Nam bán cầu và thế giới thứ ba của các nước đang phát triển ngày càng có tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế. Thế giới Ả Rập ở Trung Đông đang hướng tới hòa giải. Trong các sự kiện mang tính bước ngoặt này đều có thể nhìn thấy bóng dáng của Trung Quốc. Và các quốc gia này ngày càng kỳ vọng Trung Quốc sẽ có tiếng nói nhiều hơn nữa. Trong tình thế này, Trung Quốc nên định vị sứ mệnh, vai trò và tiếng nói của mình trên trường quốc tế như thế nào?
Thời đại tranh chấp toàn cầu là gì?
Gần đây, rất nhiều sự kiện lớn đã xảy ra trên thế giới: cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn chưa kết thúc, Azerbaijan pháo kích Armenia, và hiện tại là xung đột Palestine-Israel. Thế giới đang ở trong tình trạng đối đầu. Vài ngày trước, Ấn Độ và Pakistan đã xảy ra chiến tranh ở Kashmir, Mỹ ném bom Syria, sóng nọ nối tiếp sóng kia kéo đến.
Trung Quốc cũng đang “chiến đấu” – Cuộc chiến “thương mại điện tử” trên Internet của Trung Quốc. Cư dân mạng nước này đã đúc kết một câu rất hay: “Chúng ta không sống trong thời đại hòa bình, nhưng chúng ta may mắn được sống trong một đất nước hòa bình”.
Theo quan điểm cá nhân tác giả: Bất chấp sự hỗn loạn của trật tự thế giới, điều nguy hiểm nhất cho đến nay vẫn là xung đột Nga-Ukraine. Ukraine là đại diện và là con rối của Mỹ. Các chính trị gia và giới truyền thông ở Mỹ đã công khai gọi cuộc xung đột Nga-Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm. Trên thế giới có 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng ba quốc gia thực sự có quyền tự chủ chiến lược và khả năng tiêu diệt hoàn toàn lẫn nhau là Trung Quốc, Mỹ và Nga. Hai trong số đó đang ở trong tình trạng đối đầu quân sự.
Mỹ ngoài việc không trực tiếp đưa quân vào cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng gần như đã tham gia đầy đủ vào việc can dự quân sự. Tình báo Ukraine do Mỹ cung cấp, và một phần quân đội Ukraine được Mỹ trực tiếp huấn luyện. Chỗ nguy hiểm của xung đột Nga-Ukraine nằm ở đây, về cơ bản nó là một cuộc xung đột Nga-Mỹ và hình thức là một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.
Ngoài chiến tranh, kinh tế thế giới cũng tồn tại nhiều bất ổn. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đều đã hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm ngoái và năm nay, thương mại quốc tế hiện cũng không tốt lắm. Biến đổi khí hậu đang gia tăng, thiên tai xuất hiện nhiều hơn so với trước đây, hạn hán và lũ lụt thường xuyên xảy ra. Đây là tình trạng mà con người chúng ta đang phải đối mặt. Trong khi các nước lớn không hợp tác, và các nước trung bình thì rối ren, đó cũng là điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng “thế giới đã bước vào một sự thay đổi lớn chưa từng có trong một thế kỷ”.
“Đại tranh chấp”: xưa và nay
“Những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ” có thể được tóm tắt trong một câu khác, đó là, “thế giới đã bước vào một cuộc đại tranh chấp”.
Khi đọc sử sách Trung Quốc, đôi khi chúng ta bắt gặp từ “thời đại xung đột lớn”, thời đại xung đột lớn đề cập đến hai tình huống trong lịch sử Trung Quốc, một là thời Xuân Thu giành quyền bá chủ, thời Chiến Quốc tranh giành quyền lực. Đầu thời Xuân Thu, Trung Hoa rộng lớn có hàng vạn nước lập quốc. Còn vào thời Chiến Quốc từ hai mươi nước còn lại bảy nước, và cuối cùng từ bảy nước hợp nhất thành một. Quá trình này thấm đẫm máu xương, mặc dù từ góc độ sử cũ mà nói thì rất hào hùng, nhưng những người sống vào thời đó rất bi thảm. Vì vậy Khổng Tử đã nói “Xuân Thu vô nghĩa chiến”(chiến tranh thời Xuân Thu là vô nghĩa). Ngoài ra còn có trường hợp thay đổi triều đại. Triều đại cũ sụp đổ, triều đại mới chưa được thành lập, và quá trình này cũng là một cuộc đại tranh giành, chiến tranh liên miên, xương trắng đầy đồng.
Đặc điểm chung của hai thời kỳ trên là sự sụp đổ của trật tự cũ, và đang trong quá trình tìm kiếm hình thành trật tự mới. Từ ý nghĩa thời kỳ tranh đấu bi thương của Trung Quốc, chúng ta có thể thấy rằng thế giới ngày nay đã bước vào cuộc tranh chấp xung đột lớn. Trật tự cũ do phương Tây thống trị đang tan rã, nhưng trật tự mới vẫn chưa được thiết lập, đây là một giai đoạn quá độ điển hình của trật tự thế giới. Vì vậy, hiện nay cuộc đấu tranh vĩ đại trên thế giới đã đến. Thời “ Xuân Thu tranh bá, Chiến Quốc tranh hùng” đã bắt đầu trên toàn thế giới. Và thế giới ngày nay hoàn toàn khác với 40 năm qua mà chúng ta đã phải đối mặt.
Trong 40 năm qua, nó tương đối an toàn và các cường quốc chưa bao giờ nghĩ đến việc gây chiến với nhau, chủ yếu tham gia vào cạnh tranh thương mại và chiến tranh thương mại diễn ra hàng ngày. Mọi người không nghĩ về việc gây chiến, nhưng họ nghĩ về việc kiếm tiền, vì vấn đề tiền nhiều ít mà họ xích mích với nhau. Theo một số quan điểm cá nhân có một thực tế rằng cuộc chiến thương mại cho thấy mối quan hệ giữa hai nước là rất tốt. CHDCND Triều Tiên và Mỹ sẽ không bao giờ có một cuộc chiến thương mại vì họ không liên quan gì đến nhau cả. Với Trung Quốc và Mỹ cho thấy từ một khía cạnh khác mối quan hệ giữa hai nước là tốt đẹp và mật thiết, nếu không đã không có chiến tranh thương mại nổ ra giữa hai bên.
Trong quá khứ, các cuộc chiến thương mại trên thế giới phản ánh một tình hình tốt hơn vào thời điểm đó, nhưng ngày nay lại không phải như vậy.
Nga và Mỹ đang trong tình trạng đối đầu quân sự, đồng thời, toàn bộ phương Tây đang được Mỹ dẫn dắt để đối đầu với Nga, nguy cơ chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ cũng tăng lên. Washington đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và áp chế toàn diện, chơi con bài Đài Loan rất nguy hiểm. Mỹ xác định rõ Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số 1. Trên thực tế Trung Quốc cũng coi Mỹ là đối thủ số 1. Bề ngoài thì hai bên bắt tay nhau, nhưng khi trở về thì “mài dao” để ứng phó. Bây giờ thì người Mỹ ngày càng không tin tưởng, họ bắt đầu “thực thi biện pháp bảo vệ” tái trang bị vũ trang cho Nhật Bản và liên tục khuyến khích Ấn Độ đối đầu với Trung Quốc.
Vì vậy, rủi ro đối với khu vực xung quanh của Trung Quốc hiện nay là rất lớn. Thế giới là “một thế giới xung đột lớn”, khả năng xảy ra tranh chấp giữa các nước lớn đang đến, và thế giới ngày nay nguy hiểm hơn trước nhiều.
Những điểm mới của thời đại “tranh chấp toàn cầu”
Một thế kỷ thay đổi là bản tóm tắt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tình hình thế giới, chính xác thì một thế kỷ thay đổi có ý nghĩa gì? Chúng ta nên hiểu nó với bốn cái mới:
Thứ nhất là một mô hình quốc tế mới đang nổi lên; Thứ hai là một mô hình hiện đại hóa mới đang bắt đầu được thiết lập; Thứ ba là một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang đến; Thứ tư là một kế hoạch quản trị toàn cầu mới được đại diện bởi Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Cục diện quốc tế mới đề cập đến sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia, đặc biệt là cán cân quyền lực giữa các nước lớn. Quy luật cơ bản là bất cứ ai có nhiều quyền lực nhất sẽ thống trị cục diện quốc tế. Sự thật lịch sử hơn 500 năm qua phương Tây có thực lực mạnh nhất. Theo một số nhà nghiên cứu, đặc điểm cơ bản của lịch sử loài người cận đại là phương Tây thống trị thế giới. Tại sao phương Tây có thể thống trị thế giới trong 500 năm? Có hai lý do, một là do khám phá địa lý, hai là cuộc cách mạng công nghiệp. Thông qua khám phá địa lý hơn 500 năm trước, phương Tây đã vượt qua phương Đông; Thông qua cuộc Cách mạng Công nghiệp hơn 300 năm trước, phương Tây đã bỏ xa phương Đông.
Tại sao hiện nay cục diện thế giới mới lại xuất hiện? Bước vào thế kỷ này, cục diện thế giới đã cho thấy xu thế “Đông lên Tây xuống”. Sự trỗi dậy của phương Đông trước hết là sự trỗi dậy của Trung Quốc, và Trung Quốc chắc chắn đang trỗi dậy, ngoại trừ những thế lực “thù ghét đất nước này”, sẽ không ai phủ nhận điều đó.
Ấn Độ hiện cũng đang trên đà phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Modi, nền kinh tế Ấn Độ phát triển tốt. Đặc biệt đáng chú ý là Modi dùng phương thức Ấn Độ giáo để tổ chức lại Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) tương tự như việc xây dựng các chi bộ tại các làng xã để xóa đói giảm nghèo cho hàng triệu người. Nhấn mạnh vào chủ nghĩa dân tộc, tạo ra mâu thuẫn xã hội theo cách đoàn kết Ấn Độ giáo.
Một số người không hề biết rằng trong số các nước phương Nam, Ấn Độ có sức ảnh hưởng không nhỏ. Đối với các nước đang phát triển, phương pháp của Ấn Độ có thể học tập theo, còn của Trung Quốc thì khó có thể. Đây là sức ảnh hưởng rất đặc thù của Ấn Độ.
Dưới sự lãnh đạo của Modi, chỉ trong thời gian ngắn 8 năm, GDP của Ấn Độ đã vượt qua Canada, Ý, Pháp. Năm ngoái đã chính thức vượt qua Vương quốc Anh để trở thành nước đứng thứ năm trên thế giới, đó là một sự khích lệ rất lớn đối với họ. Vào ngày đầu năm nay, Thủ tướng Modi tuyên bố sẽ dùng thời gian 5 năm để vượt qua Đức và Nhật Bản. Bắt đầu từ năm 2027, bảng xếp hạng GDP của thế giới sẽ là Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Cư dân mạng Trung Quốc luôn gọi đùa Ấn Độ là “Anh Ba”, và từ năm 2027 trở đi, gọi Ấn Độ là “Anh Ba” quả là danh xứng với thực.
Vì vậy, Ấn Độ cũng đã trỗi dậy, và có một nơi cũng đang trỗi dậy – ASEAN. Năm 2000, GDP của ASEAN chưa đến 600 tỷ USD và hiện nay đã ở mức hơn 3 nghìn tỷ USD. Học giả người Singapore gốc Ấn Độ Kishore Mahbubani, đã đặt ra một thuật ngữ – nhân loại đã bước vào “kỷ nguyên CIA”, CIA này không phải là Cục Tình báo Trung ương Mỹ, mà là C – China, I – India, A – ASEAN. Sự ra đời của kỷ nguyên CIA là sự trỗi dậy của phương Đông.
Sau khi nói về “tăng ở phía Đông”, hãy nói về “giảm ở phía Tây”. Sự suy giảm về phía Tây là sự suy giảm của châu Âu và Nhật Bản. Mọi người luôn nói về phương Tây, nhưng rút cuộc thì phương Tây có nghĩa là gì? Phương Tây là chỉ “ba lớn – bốn nhỏ”, ba lớn là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản; bốn nhỏ là chỉ Canada, Úc, New Zealand và Israel tạo thành vòng tròn nhỏ khép kín, nước khác không thể gia nhập. Có một nhóm trí thức cánh hữu ở Trung Quốc vẫn mơ mộng về việc gia nhập phương Tây. Nhưng trên thực tế, ngay cả khi Tử Cấm Thành bị phá hủy và Nhà Trắng được xây dựng, họ cũng không thể vào được. Và nếu họ vào được cũng bị xem là kẻ bảo vệ thấp kém, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, họ sẽ không thể trở thành thành viên của đại gia đình phương Tây.
Nhìn chung, “bốn nhỏ” (Canada, Úc, New Zealand và Israel) không có tiếng nói đáng kể. Quyền quyết định thực sự đối với vị thế của phương Tây là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản. Với tình hình hiện tại, sức mạnh tổng thể của Mỹ vẫn tốt, nhưng cánh tay phải và trái của họ tức châu Âu và Nhật Bản không thực sự tốt lắm.
Đầu tiên là sức mạnh của châu Âu suy giảm. Liên minh châu Âu được thành lập vào năm 1992 với 15 quốc gia, GDP lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Đến năm 2022, EU mở rộng lên 27 thành viên, nhưng GDP của EU không bằng Trung Quốc, chỉ đứng thứ ba. Ngoài sự suy giảm kinh tế tổng thể, một vấn đề lớn ở châu Âu là các công nghệ mới không thể theo kịp.
Lấy trí tuệ nhân tạo, trọng điểm cạnh tranh giữa các cường quốc hiện nay làm ví dụ. Trí tuệ nhân tạo hiện có công nghệ mới nhất là Chat GPT – Mô hình ngôn ngữ học quy mô lớn. Ngoài nước Mỹ, Trung Quốc cũng đang dần bắt kịp. Không có công ty nào ở châu Âu có thể làm được, chính phủ châu Âu thậm chí còn không cho phép sử dụng. Chính phủ Ý đã thông qua luật, ai dùng sẽ bị phạt 20.000 Euro. Đây là ví dụ điển hình của một “quốc gia đóng cửa”.
Ngành công nghiệp cạnh tranh nhất ở châu Âu là xe ô tô sử dụng nhiên liệu truyền thống. Những lái xe thường thừa nhận rằng ô tô Châu Âu vẫn là tốt nhất, đặc biệt là dòng xe cao cấp. Nhưng Trung Quốc và Mỹ đã vượt lên theo một cách khác, họ hướng thẳng đến phương tiện sử dụng năng lượng mới khiến Châu Âu mất đi lợi thế cạnh tranh truyền thống. Đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi phương tiện sử dụng năng lượng mới thay thế xe nhiên liệu truyền thống. Trên thực tế, sự phát triển của các ngành công nghiệp châu Âu rất tốt sau Thế chiến II, bao gồm năng lượng mới, năng lượng ánh sáng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học, năng lượng thủy điện, năng lượng hạt nhân… Châu Âu đã đứng đầu thế giới trong một thời gian dài, nhưng trong 20 năm qua đã bị Trung Quốc chiếm mất vị trí. Hiện tại Trung Quốc đã vượt qua Châu Âu một cách toàn diện. Đây chính là vấn đề nan giải của châu Âu hiện nay – kinh tế tổng thể suy giảm, công nghệ mới không thể theo kịp, và những lợi thế cũ không thể duy trì.
Nhật Bản từng là nước kém nhất trong nhóm Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, hiện tại tình trạng còn kém hơn nữa. Trước hết, tổng thu nhập quốc nội không được tốt cho lắm. Năm 2021, GDP của Nhật Bản là hơn 4,9 nghìn tỷ USD, Trung Quốc là 17,73 nghìn tỷ, gấp 3,5 lần. Năm ngoái đồng Yên bị mất giá nghiêm trọng, GDP giảm xuống còn 4,23 nghìn tỷ, trong khi Trung Quốc đạt gần 18 nghìn tỷ, gấp 4,5 lần. Năm nay vẫn tiếp tục đà suy giảm, rất có thể bị Đức vượt qua. GDP của Nhật Bản sẽ đứng thứ tư trong năm nay, và khoảng cách giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể nới rộng hơn 4,5 lần.
Các ngành công nghiệp cạnh tranh của Nhật Bản trong 20 năm qua đã phải gánh chịu hai tính toán sai lầm chiến lược nghiêm trọng và hai thị trường nghìn tỷ đô la cuối cùng đã biến mất.
Đầu tiên là điện thoại thông minh. Bạn có lẽ đã biết trong thời đại của điện thoại cầm tay analog, điện thoại cầm tay Nhật Bản là tốt nhất. Trong giai đoạn đầu của điện thoại thông minh, Nhật Bản có nhiều bằng sáng chế nhất và dự trữ công nghệ tốt nhất. Kết quả Nhật Bản đã mắc sai lầm chiến lược, từ chối tham gia thị trường điện thoại thông minh, để các nước khác qua mặt. Trong cuộc canh tranh giành thị phần giữa Samsung, Aple và một số hãng điện thoại Trung Quốc, Nhật Bản đã sớm mất đi sức cạnh tranh. Đến khi họ thức tỉnh thì đã không còn thị trường lớn nào để lại cho họ.
Tiếp đến là các phương tiện sử dụng nguồn năng lượng mới. Trên thực tế, Nhật Bản là quốc gia sớm áp dụng các phương tiện sử dụng năng lượng mới nhưng lại đi sai lộ trình kỹ thuật. Các dự án năng lượng hydro có mức độ ô nhiễm thấp, tiêu thụ ít năng lượng nhưng công nghệ quá khó. Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đã chuyển sang con đường dùng pin lithium, Nhật Bản vẫn ngoan cố tiếp tục như cũ. Vào ngày 27/01/2023, Chủ tịch Toyota thừa nhận rằng công nghệ này không khả thi, nhưng cơ hội đã bị bỏ lỡ.
Chỉ trong 20 năm, trong chớp mắt của lịch sử nhân loại, hai sai lầm khoa học và công nghệ cho thấy năng lực chiến lược yếu kém của Nhật Bản. Nhật Bản đang tuyệt vọng, và vì sự tuyệt vọng này mà Nhật Bản có thể bị phá vỡ cục diện.
Sự trỗi dậy ở phía Đông và sự sụp đổ ở phía Tây đã ảnh hưởng đến cục diện thế giới. Lịch sử thống trị thế giới 500 năm của phương Tây đã kết thúc. Đây là hàm nghĩa cơ bản nhất của một thế kỷ thay đổi hoặc một thế giới đại tranh chấp.
Tâm lý phương Tây hiện nay đã thay đổi. Trong 500 năm qua phương Tây đã làm rất tốt, vì vậy người phương Tây có tâm lý kiêu ngạo rằng hiện đại hóa chỉ có một con đường – mô hình phương Tây. Nếu bạn không đi theo mô hình này, bạn sẽ lạc lối. Nhưng trong 10 năm qua, sự kiêu ngạo của họ đã bị phá vỡ. Phương Tây nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đe dọa phương Tây, dựa vào hình thức lý luận mối đe dọa từ Trung Quốc đã thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hơn nữa còn thừa nhận rằng con đường của Trung Quốc khác với con đường của họ. Điều này đã phá vỡ tâm lý kiêu ngạo của người phương Tây cũng như tính độc tôn, tuyệt đối của mô hình phương Tây. Sự thay đổi tâm lý quan trọng này cũng là nội hàm của sự thay đổi thế kỷ.
Nhân loại đang tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Không giống như ba lần đầu tiên, ở lần thứ tư, Trung Quốc có sự đóng góp quyết định. Đó là một trong những đặc điểm của những thay đổi lớn chưa từng thấy trong hàng trăm năm.
Bản chất của lịch sử cận đại là công nghiệp hóa, và chỉ khi cách mạng công nghiệp mang lại sự tiến bộ của lực lượng sản xuất, thì nền văn minh nhân loại mới có thể được cải thiện một cách tổng thể. Cách mạng xã hội, cách mạng tư tưởng, cách mạng thể chế, cách mạng quản lý và cách mạng nghệ thuật của thế giới đều là sản phẩm của nó. Người Anglo-Saxon nói tiếng Anh dựa vào 3 cuộc cách mạng công nghiệp đã thống trị hai lần rưỡi trong 3 cuộc cách mạng công nghiệp, tiếp quản phần lớn các quyền của thế giới.
Bây giờ các quốc gia Anglo-Saxon tạo thành “Liên minh ngũ nhãn”, lãnh đạo của liên minh là Mỹ, quyền bá chủ chính trị nằm trong tay của họ, bao gồm cả Liên Hợp Quốc và hầu hết các tổ chức quốc tế khác. Thương mại quốc tế 90% đều đi theo đường biển, ai kiểm soát được đại dương là kiểm soát thế giới. Hiện tại Mỹ đang là bá chủ kiểm soát quân sự trên đại dương. Tiếp đến là quyền bá chủ của đồng đô la. Mọi người đều chỉ trích đồng đô la Mỹ nhưng vẫn kiếm tiền đô la, đây là bá quyền kinh tế. Ngoài ra còn có quyền bá chủ khoa học và công nghệ, hầu hết các giải thưởng Nobel về khoa học và công nghệ thuộc về Mỹ. Bốn lĩnh vực mạnh nhất đều thuộc về Mỹ.
Về quyền lực mềm, hầu hết hệ tư tưởng là chủ nghĩa tự do Anh-Mỹ, quyền phát ngôn của truyền thông và khoa học xã hội đều nằm ở đây. Ví dụ, các ngành luật, khoa học chính trị, quan hệ quốc tế, xã hội học, nhân khẩu học, giáo dục, báo chí, tâm lý học v.v.. Và nó cũng tương đồng với các lý thuyết chính thống của Trung Quốc.
Lịch sử cận hiện đại của Trung Quốc bắt đầu vào năm 1840. Từ năm 1840 đến năm 1949, nước này đã trải qua một thế kỷ đầy tủi nhục và chỉ bắt đầu phục hưng dân tộc từ năm 1949 đến nay. Sau năm 1949, Trung Quốc mới đã dùng 74 năm thực hiện thành công lịch sử công nghiệp hóa của phương Tây trong 300 năm. Thành tựu lớn nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong 74 năm qua là đưa đất nước từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp, và trở thành một trong số rất ít quốc gia trên thế giới hoàn toàn làm chủ hệ thống công nghiệp.
Vào tháng Mười năm ngoái, Ngân hàng Thế giới đã tiến hành một báo cáo về phân phối công nghiệp hóa trên thế giới và kết luận rằng chỉ có 10 trong số 233 quốc gia và khu vực trên thế giới đã công nghiệp hóa, 30 quốc gia đã đạt được công nghiệp hóa trước Thế chiến II và chỉ có hai quốc gia, Hàn Quốc và Trung Quốc, đã đạt được công nghiệp hóa sau Thế chiến II. Hàn Quốc là một nước chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ (tác giả bài viết dùng từ “bán thuộc địa của Mỹ”) và được thúc đẩy bởi Mỹ. Còn Trung Quốc đã tự mình bước tới thành công.
Sau khi bỏ lỡ hai cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, trong giai đoạn cách mạng công nghiệp thứ ba, Trung Quốc đã bắt kịp. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh trên 4 đường đua bao gồm: trí tuệ nhân tạo, khoa học đời sống, vật liệu công nghiệp và năng lượng mới. Nhật Bản về cơ bản đã đứng yên tại chỗ, châu Âu đang dần rút lui, Ấn Độ vừa mới nhìn nhận ra còn Nga từ lâu đã không có thời gian để quan tâm đến.
Vậy là trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong tương lai Trung Quốc và Mỹ sẽ có đóng góp nhất định. Đây là một biến cục lớn chưa từng thấy trong hàng trăm năm. Sau khi thám hiểm địa lý, nhân loại đã trở thành một thể thống nhất. Toàn cầu hóa bắt đầu chắc chắn dẫn đến việc quản trị toàn cầu. Trong quá khứ, quản trị toàn cầu đều do phương Tây chi phối, nhưng kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, họ đã tích cực tham gia vào công cuộc chung. Trước đó, Trung Quốc có tham gia nhưng không sâu rộng như bây giờ. Nguyên nhân là do Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển đòi hỏi sự tham gia sâu rộng vào quản trị toàn cầu. Trung Quốc mới đã trải qua ba giai đoạn: đứng lên, làm giàu và trở nên mạnh mẽ. Một Trung Quốc phát triển mạnh phải tham gia quản trị toàn cầu, và quản trị toàn cầu đã thay đổi từ bị phương Tây thống lĩnh sang đồng quản trị bởi Trung Quốc và phương Tây. Trong trăm năm biến cục, đây là hàm nghĩa cuối cùng của “thời đại tranh đấu toàn cầu”.
Nói tóm lại bốn điều “mới” trong thời đại đại xung đột đều liên quan đến Trung Quốc. Trong thời đại đại xung đột, Trung Quốc là biến số độc lập lớn nhất. Thế giới đang phải đối mặt với những thay đổi lớn chưa từng thấy trong 500 năm qua. Những thay đổi này sâu sắc hơn nhiều so với Thế chiến thứ nhất và thứ hai. Về cơ bản những biến đổi này thực chất là một cuộc nội chiến ở phương Tây. Giờ đây, nó là sự thay đổi hoàn toàn trong quan hệ Đông-Tây trong 500 năm. Chúng ta đang chứng kiến 500 năm đầu tiên với những thay đổi sâu sắc nhất. Do đó, nhiều xung đột chắc chắn sẽ xảy ra, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Kim Xán Vinh (金灿荣 – Jin Canrong) là Giáo sư trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ, cố vấn chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Bản quyền dịch thuật thuộc về dịch giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ: [email protected]