Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Hoa Kỳ đã cam kết “ủng hộ vững chắc chủ quyền của Ukraine”. Sự hỗ trợ này đã được hiện thực hóa bằng việc hơn 75 tỷ đô la hỗ trợ an ninh được bơm cho Kiev. Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ Ukraine cho đến khi cuộc chiến chấm dứt, như Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói khi công bố đợt cung cấp vũ khí mới cho Ukraine: “Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi sẽ đoàn kết với Ukraine cho đến chừng nào còn có thể”.
Những cam kết không giới hạn về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại Nga đã gợi ra sự tương đồng với Thế chiến II. Vài tuần sau khi cuộc xung đột bắt đầu, nhà bình luận Paul Krugman của tờ New York Times đã lập luận rằng Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đang “đóng vai trò là kho vũ khí của nền dân chủ, mang lại cho những người bảo vệ tự do” ở Ukraine phương tiện vật chất để tiếp tục chiến đấu. Nhà báo Elliot Ackerman sau đó đã viết rằng các công nhân chế tạo tên lửa để phòng thủ cho Ukraine “là một thành phần quan trọng trong kho vũ khí của nền dân chủ”. Tổng thống Joe Biden cũng đã áp dụng phép loại suy “kho vũ khí của nền dân chủ”. Vào tháng 5 năm ngoái, khi đến thăm một nhà máy của Lockheed Martin ở Troy, Alabama, Biden đã nói với khán giả rằng Hoa Kỳ “đã chế tạo vũ khí, thiết bị giúp bảo vệ tự do, chủ quyền ở Châu Âu nhiều năm trước” và ngày nay vẫn đang tiếp tục làm như vậy.
Nhưng lời hoa mỹ cao cả này không còn phù hợp với thực tế. Tình trạng thiếu hụt trong sản xuất, nguồn lao động không đủ và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã cản trở khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine, làm giảm khả năng phòng thủ của nước này trên diện rộng hơn. Những vấn đề này liên quan nhiều đến lịch sử của ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ kể từ Thế chiến II. Tư nhân hóa ngày càng tăng trong Chiến tranh Lạnh, cùng với sự giảm dần đầu tư và giám sát hợp đồng quốc phòng của liên bang kể từ những năm 1960, đã góp phần gây ra sự kém hiệu quả, lãng phí, thiếu ưu tiên đang làm phức tạp hóa tình hình viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine ngày nay.
Sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, các công ty lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ đã củng cố, thu hẹp quy mô hoạt động và lực lượng lao động của họ. Họ cũng theo đuổi các hợp đồng của chính phủ về vũ khí thử nghiệm đắt tiền để thu được lợi nhuận lớn hơn gây bất lợi cho việc sản xuất vũ khí nhỏ và đạn dược. Do đó, ngành công nghiệp này đã không được chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine và bị tách rời khỏi các nhu cầu an ninh quốc gia của Hoa Kỳ cùng các đồng minh. Mặc dù có thể cải cách, nhưng không có cách khắc phục nhanh chóng những tổn thương tự gây ra này.
Chúng ta của ngày hôm qua
Ngành công nghiệp quốc phòng ngày nay không giống với hệ thống sản xuất quân sự của Hoa Kỳ trong Thế chiến II. Trước đó, ngành này chủ yếu là một doanh nghiệp do chính phủ điều hành. Chương trình New Deal của Tổng thống Franklin Roosevelt nhấn mạnh đến quy định kinh tế dựa vào “các cơ quan chữ cái” (Alphabet Agencies) chẳng hạn như Cơ quan Quản lý Tiến độ Công trình (WPA) để thúc đẩy việc làm, mở đường cho việc ký kết các hợp đồng thời chiến sau đó. New Deal đã truyền cảm hứng cho việc thành lập Ban sản xuất chiến tranh (WBP) vào năm 1942, cơ quan đóng vai trò huy động các nguồn lực kinh doanh và phân bổ cho mặt trận. Các công ty chủ yếu có trụ sở tại các trung tâm công nghiệp ở Đông Bắc và Trung Tây trong các cơ sở do chính phủ sở hữu, điều hành được gọi là nhà máy GOGO tập trung sản xuất tàu chiến và máy bay. Thời điểm này chính phủ sở hữu gần 90% năng lực sản xuất của máy bay, tàu, súng và đạn dược. Điều này trái ngược với môi trường ngày nay, khi mà hạng mục thương mại chiếm hơn 88% các hợp đồng mua sắm mới kể từ năm 2011 và vốn tư nhân đầu tư hơn 6 tỷ đô la mỗi năm vào ngành công nghiệp quốc phòng.
Khi Nhật Bản ném bom Trân Châu Cảng vào năm 1941, quyền kiểm soát của liên bang đối với sản xuất quốc phòng cùng với sự phản ứng nhanh chóng của chính quyền Roosevelt đối với cuộc tấn công đã cho phép chuyển đổi các nhà máy từ sản xuất dân dụng sang sản xuất quân sự tại các công ty như Ford và General Motors, các công ty này đã chuyển đổi từ sản xuất ô tô sang máy bay ném bom. Các công ty lớn không phải là những công ty duy nhất phát triển thịnh vượng. Chính phủ liên bang cũng tìm cách hỗ trợ các nhà thầu phụ nhỏ sản xuất các vật liệu liên quan đến chiến tranh trong các nhà máy do chính phủ điều hành. Hồi đó, không có nhóm nhỏ các nhà thầu quyền lực nào thống trị ngành, không giống như “Big Five” ngày nay: Boeing, General Dynamics, Lockheed Martin, Northrop Grumman và Raytheon.
Mặc dù quy mô sản xuất vũ khí cho nhu cầu của Ukraine không thể so sánh với mức độ cấp thiết trong Thế chiến II, nhưng khoảng thời gian đó vẫn cung cấp cái nhìn sâu sắc có giá trị về các vấn đề ngày nay. Như nhà sử học Mark Wilson đã chỉ ra, sự thành công của việc huy động quân sự trong Thế chiến thứ hai – khả năng trở thành kho vũ khí của nền dân chủ – cần có kế hoạch tập trung và sự kiểm soát của chính phủ đối với ngành công nghiệp (sản xuất vũ khí). Đây là một bài học cần thiết cho những người quan tâm đến cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ và khả năng cung cấp vũ khí bổ sung cho Ukraine cùng các đồng minh của họ: các sản phẩm phục vụ chiến tranh do chính phủ ủy thác cung cấp cho các cường quốc Đồng minh những vật liệu cần thiết mà họ cần để đánh bại các cường quốc phe Trục và chấm dứt tình trạng thất nghiệp lan rộng do Đại suy thoái gây ra – chứ không phải chỉ riêng sự khéo léo của riêng mình.
Làm ăn lớn
Nỗ lực của liên bang nhằm thúc đẩy phát triển việc làm thông qua quốc phòng đã kết thúc vào những năm 1960. Các nhà thầu quốc phòng đã vận động Quốc hội nới lỏng các quy định của chính phủ nhằm tư nhân hóa hoạt động của ngành này ngay cả trước khi Thế chiến II kết thúc. Huy động quốc phòng trong Chiến tranh Triều Tiên cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của doanh nghiệp tư nhân trong các vấn đề quân sự của Hoa Kỳ. Khi chiến tranh nổ ra vào năm 1950, Tổng thống Harry Truman đã dựa vào cả mệnh lệnh hành pháp và luật quốc hội (bao gồm cả Đạo luật Sản xuất Quốc phòng – DPA năm 1950) để khuyến khích tư nhân chứ không phải chính phủ đầu tư vào quân đội. Như nhà sử học Tim Barker đã chỉ ra, 90% sản lượng vũ khí trong Chiến tranh Triều Tiên đến từ khối tư nhân.
Sau Chiến tranh Triều Tiên, chính phủ liên bang chỉ đặt mục tiêu tạo việc làm trong lĩnh vực quốc phòng tư nhân và trong các trường đại học làm việc cho các dự án do Lầu Năm Góc tài trợ; nó đã không tập trung vào việc làm xã hội. Chính phủ liên bang tin rằng họ có nghĩa vụ tạo việc làm để tăng cường “sự hợp tác với khoa học và công nghiệp”, theo lời của Tổng thống Dwight Eisenhower. Chính phủ Hoa Kỳ cũng tìm cách vượt qua Liên Xô trong cuộc chạy đua vũ trang và vũ trụ bằng cách phát triển lực lượng lao động Mỹ. Bị sốc trước việc Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik vào năm 1957, Eisenhower đã ký thành luật Đạo luật Giáo dục Quốc phòng (NDEA) năm 1958, cung cấp học bổng và khoản vay hỗ trợ của chính phủ cho người Mỹ theo đuổi bằng cấp thứ hai (bao gồm cả tiến sĩ) về khoa học và công nghệ liên quan đến công nghiệp quốc phòng. Chương trình đã tăng thêm tài sản cho tầng lớp trung lưu, tài trợ cho những sinh viên có nhu cầu muốn theo đuổi sự nghiệp quốc phòng. Đạo luật Giáo dục Quốc phòng đã nâng cao sinh kế của người Mỹ, đưa hàng nghìn người Mỹ vào tầng lớp trung lưu và tạo tiền lệ cho chính phủ trợ cấp tạo việc làm cho khối tư nhân vì mục đích an ninh quốc gia.
Trong thời chính quyền Kennedy và Johnson, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đã tiến hành một loạt cải cách: vừa làm giảm việc sản xuất vũ khí thông thường vừa đóng cửa các cơ sở GOGO lớn. Vào thời điểm cuộc xâm lược của Hoa Kỳ tại Việt Nam leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện vào năm 1965, hầu hết các cơ sở quốc phòng không còn là các nhà máy do chính phủ sở hữu và điều hành. Trong những năm sau đó, ngành công nghiệp ngày càng phụ thuộc vào các nhà máy thuộc chính phủ sở hữu, do nhà thầu vận hành, điều này giúp các công ty có nhiều thời gian hơn trong việc giám sát hoạt động của họ. Tính độc lập ngày càng tăng của ngành – và trách nhiệm giải trình lại giảm đi, đã dẫn đến phản ứng dữ dội trong những năm chiến tranh ở Việt Nam. Vào cuối những năm 1960, các thành viên của Quốc hội, đặc biệt là William Proxmire, một thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ từ Wisconsin, đã nói rất nhiều về sự lãng phí và lạm dụng ngân sách của Lầu Năm Góc. Proxmire đã phát biểu vào năm 1970: “Tôi, với tư cách là một công dân và thượng nghị sĩ, cảm thấy nản lòng khi biết rằng vũ khí có giá quá cao, được giao quá muộn và hoạt động kém hơn nhiều so với thông số kỹ thuật của chúng”. Tuy nhiên, Quốc hội tỏ ra không thể thực thi các quy định bền vững về công nghiệp quốc phòng.
Trong những thập kỷ sau đó, tốc độ tư nhân hóa và sự suy giảm giám sát của quốc hội ngày càng tăng nhanh. Khi chi phí vượt mức quản lý tài chính gần như buộc các công ty lớn như Lockheed gần phá sản, các công ty quốc phòng phàn nàn về lợi nhuận không đủ. Sau chiến tranh Việt Nam, Quốc hội ít chịu áp lực hơn trong việc xem xét kỹ lưỡng ngành này, Bộ Quốc phòng tìm cách giúp các công ty tích lũy thêm lợi nhuận bằng cách khuyến khích đầu tư tư nhân vào các nhà máy quốc phòng và sản xuất vũ khí tạo tiền đề cho những năm 1980 và 1990.
Bữa tối cuối cùng
Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh quy ước lớn cuối cùng đối với ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ. Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1973, ngân sách quốc phòng bắt đầu bị thu hẹp, ngành công nghiệp này chuyển sang xuất khẩu vũ khí cho nước ngoài. Sự gia tăng xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia ở Nam bán cầu – từ 404 triệu đô la năm 1970 lên 9,9 tỷ đô la năm 1974 – cũng diễn ra đồng thời với quá trình phi công nghiệp hóa và gia công quốc phòng từ nước ngoài. Điều này dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy trong nước và mất việc làm trong ngành sản xuất nội địa ở Hoa Kỳ. Nhiều bộ phận sản xuất quốc phòng được đặt ở nước ngoài, nhân lực ngành quốc phòng của Hoa Kỳ đã giảm 9,8% từ năm 1960 đến năm 1975. Các khu vực của Hoa Kỳ như New England đã chứng kiến sự sụt giảm lên tới 50% nhân viên dân sự và quân sự.
Đến những năm 1980, cả Lầu Năm Góc và Quốc hội ngày càng lo ngại về những điểm yếu chung của các cơ sở công nghiệp quốc phòng. Các nhà lập pháp lo ngại rằng “sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các nguồn lực nước ngoài mọc lên như nấm” theo Đại diện Đảng Dân chủ Richard Ichord của Missouri, sẽ gây nguy hiểm cho sự chuẩn bị phòng thủ. Năm 1988, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng “trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, hậu quả của việc phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn lực nước ngoài có thể rất nghiêm trọng”.
Mặc dù Tổng thống Ronald Reagan theo đuổi việc xây dựng quốc phòng, tăng chi tiêu từ 176,6 tỷ đô la năm 1981 lên 325,1 tỷ đô la năm 1990 (chi tiêu quốc phòng tăng lên hơn 6% GDP từ năm 1982 đến 1988), nhưng ông đã không giải quyết được những lo ngại này. Thay vào đó, chi tiêu quốc phòng dưới thời Reagan lại ưu tiên cho các dự án thử nghiệm như tên lửa MX và Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI), một hệ thống phòng thủ tên lửa được đề xuất nhằm bảo vệ Hoa Kỳ khỏi cuộc tấn công hạt nhân. Được mệnh danh là chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao”, chính phủ Mỹ đã tiêu tốn 30 tỷ USD trước khi Tổng thống Bill Clinton hủy bỏ nó vào năm 1993. Chính quyền Reagan cũng đổ tiền vào các loại máy bay tiên tiến như máy bay ném bom tàng hình B-2 và máy bay chiến đấu tàng hình F-22 trong khi việc đầu tư mua pháo và đạn dược ít được quan tâm hơn.
Reagan cũng thất bại trong việc hiện đại hóa đúng mức các nhà máy quốc phòng ở Hoa Kỳ và hồi sinh lực lượng lao động sản xuất trong lĩnh vực quốc phòng. Các công ty quốc phòng lớn nhất là những công ty hoạt động tốt nhất dưới thời Reagan. Đến năm 1987, Paul Burnsky của AFL-CIO đã cảnh báo Quốc hội rằng “Các công ty Mỹ hình thành nên cốt lõi của quốc phòng Hoa Kỳ… đang nhận được rất ít sự hỗ trợ từ Chính quyền Reagan. Nhiều người đã phá sản, đặc biệt là các nhà thầu phụ trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ”. Các nhà thầu phụ khác nhận thấy hoạt động kinh doanh quốc phòng kém sinh lợi trong những năm 1980 và chuyển sang các nguồn thu khác.
Sự gia tăng quân sự của Reagan diễn ra đồng thời với tinh thần chống chính phủ thấm nhuần trong nền chính trị Hoa Kỳ và định hình các quyết định về quốc phòng của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Tinh thần này thậm chí đã định hình cuộc cải cách mua sắm quốc phòng vào những năm 1980. Khi các phóng viên phát hiện ra sự lãng phí và lạm dụng tràn lan trong quá trình mua sắm – bao gồm cả việc phát hiện ra rằng Hải quân đã trả 600 đô la cho bệ xí (toilet seats) – Ủy ban Packard năm 1986 đã chỉ trích sự kém hiệu quả của chính phủ là nguồn gốc của vấn đề. Ủy ban viết: “Các chương trình quốc phòng của quốc gia bị thất thoát do các thủ tục không hiệu quả nhiều hơn là do gian lận và không trung thực. Niềm tin vào thương mại tự do, cắt giảm chi phí và “hiệu quả” cũng thúc đẩy việc thuê ngoài quốc phòng, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp quốc phòng tiếp tục sa thải công nhân Mỹ. Thật vậy, lực lượng lao động quốc phòng có trụ sở tại Hoa Kỳ đã đạt đến đỉnh cao vào những năm 1980 với 3,2 triệu người, liên tục giảm xuống con số 1,1 triệu ngày nay.
Ngành công nghiệp quốc phòng đã không được chuẩn bị đầy đủ để đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc dẫn đến cuộc thảo luận về “cổ tức hòa bình” và các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ bắt đầu đánh giá lại số tiền chi tiêu cho quốc phòng, các nhà thầu quân sự cảm thấy họ phải đưa ra lựa chọn: củng cố hoặc diệt vong. Tại một bữa tối nổi tiếng năm 1993 tại Lầu Năm Góc, nơi được những người trong ngành gọi là “Bữa tối cuối cùng”, các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc đã cảnh báo các CEO của các công ty quốc phòng lớn nhất đất nước rằng ngân sách quốc phòng sắp giảm nhanh chóng. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng William Perry nói với họ: “Chúng tôi cho rằng các công ty quốc phòng sẽ phá sản. Chúng tôi sẽ đứng bên cạnh và xem điều đó xảy ra.”
Các nhà thầu nhận được thông điệp và bắt đầu hợp nhất. Các vụ sáp nhập được định giá từ 300 triệu đô la năm 1990 lên 20 tỷ đô la vào năm 1996. Số lượng nhà thầu cho tên lửa chiến thuật giảm từ 13 còn 3 và đối với máy bay cánh cố định, con số này giảm từ 8 về 2. Tổng thống Clinton hy vọng hợp nhất sẽ giảm chi phí và hợp lý hóa quy trình hợp đồng. Nhưng điều này đã không thành hiện thực. Hàng nghìn việc làm đã bị mất và chính quyền Clinton chỉ cung cấp hỗ trợ ít ỏi cho những người mất việc làm.
Mặc dù ngân sách dành cho quốc phòng tăng trở lại sau sự kiện 11/9, ngành công nghiệp quốc phòng không có nhiều thay đổi. Hợp nhất tiếp tục phát triển trong “cuộc chiến chống khủng bố” và hiện đã đạt con số kỷ lục do ảnh hưởng của các công ty cổ phần tư nhân. Thật vậy, các số liệu thống kê gần đây cho thấy hơn 500 công ty đã được mua lại bằng vốn cổ phần tư nhân trong hai thập kỷ qua, điều này càng làm tăng thêm sự bất ổn và trách nhiệm giải trình đối với các thương vụ mua lại quốc phòng. Tỷ lệ nợ cao do các công ty cổ phần tư nhân nắm giữ, việc họ thiếu trách nhiệm giải trình trước sự giám sát của công chúng và nguy cơ vỡ nợ cao hơn, và không phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Ngoài vai trò của vốn cổ phần tư nhân, sự gia tăng của các công ty khởi nghiệp quốc phòng có trụ sở tại Thung lũng Silicon trong vài năm qua đã hứa hẹn sự đổi mới và hiện đại hóa cơ sở công nghiệp quốc phòng. Nhưng những mong ước đó vẫn chưa thành hiện thực.
Trong khi đó, các nhà thầu quốc phòng tiếp tục theo đuổi các mặt hàng và hợp đồng có giá trị lớn hơn là những thương vụ vũ khí thông thường chi phí thấp hơn. Ví dụ, chương trình Máy bay chiến đấu tấn công F-35 ước tính tiêu tốn 1,6 nghìn tỷ đô la. Việc sản xuất các bộ phận nhỏ như động cơ tên lửa, ổ bi, ống, vỏ thép và các vật liệu thiết yếu khác mà Ukraine đang cần – không mang lại nhiều lợi nhuận và cho đến gần đây, thậm chí nó thiếu sự quan tâm từ cả chính phủ Hoa Kỳ và các nhà thầu quốc phòng. Chính trị và vận động hành lang cũng đã làm sai lệch các ưu tiên của Lầu Năm Góc buộc quân đội phải duy trì các hợp đồng cho các chương trình lỗi thời như tàu chiến ven biển. Như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng William LaPlante (người chịu trách nhiệm cho mua sắm và bảo trì quốc phòng Hoa Kỳ) đã nói với Eric Lipton của The New York Times vào tháng 3, “[Hoa Kỳ] thực sự đã để dây chuyền sản xuất nguội lạnh và nhìn các bộ phận trở nên lỗi thời.” Mặc dù vậy, ngành công nghiệp này vẫn tiếp tục theo đuổi đầu tư vào máy bay và tên lửa tiên tiến có chi phí cao như máy bay ném bom tàng hình B-21, tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-35 Sentinel, mặc dù các loại chương trình này có thể dự đoán sẽ gây ra sự chậm trễ và vượt chi phí trên diện rộng – điều mà người nộp thuế Mỹ phải gánh chịu.
Hậu phương trong thời chiến
Lịch sử 70 năm hợp nhất, tư nhân hóa, gia công ở nước ngoài, cắt giảm việc làm, sự trì trệ của liên bang, và việc theo đuổi những khoản lợi nhuận lớn đã tạo ra một cơn bão hoàn hảo cản trở hỗ trợ an ninh cho Ukraine và cả những xung đột tiềm ẩn trong tương lai. Như đã đưa tin trên Politico và The Wall Street Journal, Hoa Kỳ không có đủ lực lượng lao động cần thiết để sản xuất số lượng tên lửa Javelin mà Ukraine yêu cầu, ngay cả sau khi Ukraine đốt hết nguồn cung Javelin giả định đủ dùng cho 5 năm trong 6 tháng đầu của cuộc xung đột và lượng tên lửa Stinger đủ dùng cho 6 năm chỉ trong 10 tháng. Một trong số ít nhà máy do chính phủ Hoa Kỳ sở hữu, được vận hành bởi nhà thầu sản xuất bột đen cần thiết cho đạn pháo đã phát nổ vào năm 2021 và không được xây dựng lại vì không thể tạo ra đủ lợi nhuận. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng được cho là sẽ gây ra tai họa cho ngành công nghiệp quốc phòng trong tương lai gần. Mặc dù dự kiến doanh thu và tỷ suất lợi nhuận của ngành sẽ tăng trong năm tới, nhưng các tồn đọng lâu dài, gián đoạn nguồn cung và vượt chi phí vẫn còn.
Hoa Kỳ không thể khắc phục những vấn đề này trong thời gian ngắn hoặc đảo ngược lịch sử này chỉ sau một đêm. Các giải pháp toàn diện đòi hỏi sự tham gia của chính phủ và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với ngành trước mắt và lâu dài. Cải cách quốc phòng phải vượt ra ngoài việc mua lại hoặc kiểm toán – mặc dù cần có những thay đổi trên cả hai mặt trận. Quốc hội phải mô phỏng lại cải cách quốc phòng, rút ra bài học từ lần cuối cùng Hoa Kỳ thực sự là một kho vũ khí dân chủ. Một điểm rút ra quan trọng từ thời điểm này là cần có sự can thiệp nhiều hơn của liên bang vào ngành công nghiệp quốc phòng nếu ngành này muốn sản xuất vũ khí “không sinh lời”.
Dấu hiệu cải cách toàn diện quốc phòng đến từ lưỡng đảng đang xuất hiện. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đảng viên Đảng Dân chủ từ Massachusetts, đã đi đầu trong việc xây dựng luật hợp nhất và độc quyền, những nỗ lực của bà được một số đảng viên Cộng hòa ủng hộ, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, đảng viên Cộng hòa từ Iowa. Những nỗ lực của họ rất đáng khen ngợi vì nhiều nhà thầu phụ được chứng minh là có vai trò quan trọng trong việc giành chiến thắng trong Thế chiến thứ hai đã không tồn tại đến ngày nay vì họ không thể cạnh tranh với sức mạnh độc quyền của “Big Five”.
Mặc dù cải cách là có thể, nhưng không thể ngay lập tức sửa đổi
Mối quan tâm hàng đầu của các nhà phân tích là làm thế nào để bổ sung kho dự trữ để đảm bảo Hoa Kỳ không cạn kiệt toàn bộ kho vũ khí của mình. Nhưng dự trữ vũ khí là điều không thể do tình trạng khan hiếm lao động lành nghề của Mỹ. Các nhà thầu quốc phòng đã phải vật lộn để tuyển dụng công nhân trong nhiều năm trong một ngành công nghiệp thường yêu cầu đã qua đào tạo nghề hoặc kinh nghiệm 2 năm từ nhân viên của mình. Giáo dục và đào tạo các công nhân quốc phòng tương lai cần có thời gian – nhưng thời gian là thứ mà Ukraine không có vào lúc này. Việc sản xuất vũ khí không thể tồn tại theo ý muốn. Để có được lực lượng lao động được đào tạo và ổn định hơn, Hoa Kỳ phải hỗ trợ tạo việc làm trên tất cả các lĩnh vực việc làm, không chỉ quốc phòng, để người Mỹ có các kỹ năng cần thiết và được đào tạo cần thiết trong thời kỳ khủng hoảng. Biden đang cố gắng giải quyết vấn đề này bằng Đạo luật CHIPS và Khoa học mà ông đã ký thành luật vào năm 2022. Động lực cho luật mới là sự cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc, luật hỗ trợ các khoản tài trợ và khoản vay cho sinh viên theo đuổi sự nghiệp trong các lĩnh vực STEM. Nhưng chính quyền Biden có thể vượt ra ngoài chương trình và theo đuổi các chính sách bổ sung trợ cấp cho giáo dục đại học và tạo việc làm trong thời bình – để hồi sinh các thành phố hậu công nghiệp đang gặp khó khăn tham gia hỗ trợ quốc phòng Ukraine nhưng chắc chắn sẽ gặp suy thoái kinh tế khi chiến tranh kết thúc, chẳng hạn như Camden, Arkansas, hoặc Troy, Alabama, nơi có hơn 25 phần trăm dân số sống dưới mức nghèo khổ. Hoa Kỳ nên mở rộng lực lượng lao động của mình trong dài hạn, vì sức khỏe của nền dân chủ của chính mình, không chỉ vì lợi ích an ninh quốc gia liên quan đến Nga và Trung Quốc.
Điều này đặc biệt quan trọng do sự miễn cưỡng lịch sử của ngành trong việc đa dạng hóa hoạt động của mình hoặc nhanh chóng thích ứng với nhu cầu của quân đội Mỹ tham gia xung đột. Trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, binh lính Mỹ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị và đạn dược. Điều này liên quan nhiều đến thực tế là vào năm 2004, chỉ có một nhà máy ở Missouri sản xuất đạn dược cho toàn bộ quân đội Hoa Kỳ, giảm so với 5 nhà máy trong Chiến tranh Việt Nam, cộng với chỉ có một nhà sản xuất áo giáp bảo vệ. Trong nhiều năm, ngành công nghiệp này – được hỗ trợ bởi Lầu Năm Góc – đã cố gắng làm được nhiều việc hơn với ít chi phí hơn, để củng cố các hoạt động của mình rồi đẩy mạnh sản xuất trong thời kỳ khủng hoảng. Nhưng chiến lược này đã không hiệu quả với Hoa Kỳ trong quá khứ và hiện tại nó cũng không hiệu quả với Ukraine.
Hoa Kỳ không thể là một kho vũ khí dân chủ cho Ukraine, hoặc cho bất kỳ quốc gia nào, nếu Hoa Kỳ không sắp xếp tốt hơn các chính sách đối nội và đối ngoại của mình theo cách cải thiện cuộc sống của công dân Hoa Kỳ. Để phục vụ Ukraine tốt hơn, Hoa Kỳ phải đầu tư nhiều hơn vào tương lai của người Mỹ, không chỉ vào khả năng phòng thủ của chính mình./.
Biên dịch: Bùi Toàn
Tác giả: Michael Brenes là Giám đốc lâm thời của Chương trình Brady-Johnson về Đại Chiến lược và Giảng viên Lịch sử tại Đại học Yale.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]