Với sự dịch chuyển các cực quyền lực, tương lai gần sẽ buộc các quốc gia phải đổi mới hơn để thúc đẩy lợi ích của họ.
Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, đã kéo dài gần một năm và hiện không có dấu hiệu tiến tới bất kỳ thỏa hiệp hay giải pháp hòa bình nào, đã buộc các quốc gia trên thế giới phải điều chỉnh lại vị trí địa chính trị của mình trong bối cảnh chiến tranh một lần nữa quay trở lại châu Âu cùng với sự cạnh tranh quyền lực ngày càng gay gắt hơn giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc.
Trong thời điểm hiện tại, Nga không phải là một siêu cường khi so sánh tương quan với Mỹ hay Trung Quốc, đặc biệt là khi đề cập đến sức mạnh kinh tế của nước này. Sức mạnh của Moskva, cho đến nay, phần lớn được “vay mượn” từ thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai và năng lực được xây dựng dưới thời Liên Xô (USSR) trước đây, dẫn đầu là năng lực hạt nhân. Tuy nhiên, Moskva vẫn là một cường quốc và về mặt địa lý, là quốc gia lớn nhất thế giới và cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đã có tác động lan tỏa trên toàn cầu, từ giá cả hàng hóa như thực phẩm và năng lượng đến sự gián đoạn nghiêm trọng trong thương mại toàn cầu do các biện pháp trừng phạt chống Nga, tại thời điểm mà thế giới vẫn đang quay cuồng với những hậu quả của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc châu Âu nói chung và phương Tây thúc đẩy thế giới lên án các hành động gây hấn của Nga chống lại Ukraine và cô lập Moskva đã vấp phải sự phản đối từ các nền kinh tế đang phát triển và các quốc gia khu vực Nam bán cầu. Những lo lắng liên quan đến nguy cơ lạm phát và thiếu hụt hàng hóa, đã trở thành một thách thức đối với các chính phủ và xã hội, khiến nhiều người buộc phải tính đến các biện pháp phòng ngừa rủi ro nhằm đảm bảo lợi ích của họ. Theo báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, khủng hoảng chi phí sinh hoạt là vẫn là vấn đề thách thức nhất cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Có lẽ hai ví dụ thú vị nhất về những điều trên trong năm qua là trường hợp của Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Được nhiều chuyên gia phân loại là “cường quốc tầm trung”, cả New Delhi và Ankara đều cố gắng sử dụng cuộc xung đột mới của phương Tây với Moskva để nâng cao các mục tiêu địa chính trị và địa chiến lược của riêng họ. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO sở hữu vũ khí hạt nhân của Mỹ, điều này đặc biệt thú vị khi nước này cố gắng sử dụng sự đa dạng về địa lý giữa châu Âu và châu Á thông qua eo biển Bosphorus để giành được lợi ích lớn nhất cho mình. Trong khi đó, Ấn Độ đã thể hiện mình là một quốc gia ủng hộ chính cho hòa bình, đưa ra nhiều thông điệp phản chiến nhằm mục đích thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực cho tương lai. Mặc dù Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ không có mối quan hệ song phương tốt nhất, nhưng các hoạt động cá nhân của họ xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine rất đáng chú ý.
Ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện nỗ lực ngoại giao nhiều tầng lớp, trong đó, nước này đóng vai trò là mỏ neo khu vực, dẫn dắt chính mình vượt qua căng thẳng giữa phương Tây và Nga để giành ưu thế trong các mục tiêu chiến lược và ngoại giao láng giềng, dựa trên thực tế là mặc dù thường xuyên bất hòa với các đối tác NATO khác, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một bên tham gia quan trọng để phương Tây cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mối quan hệ tốt đẹp với Nga, mối quan hệ này chỉ phát triển kể từ khi Moskva can thiệp vào cuộc khủng hoảng Syria năm 2015. Tất nhiên, mối quan hệ này cũng có nhiều căng thẳng. Vào tháng 11 năm 2015, các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga, cho rằng chiếc máy bay này đã bay vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Người Nga tuyên bố nó đã bị bắn hạ trong không phận Syria. Tháng 12 năm 2016, trong chuyến thăm triển lãm nghệ thuật ở Ankara, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, Andrei Karlov, bị một sĩ quan cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ ám sát trước công chúng. Bất chấp thời gian đầy biến động này, Ankara và Moskva đã cố gắng giữ cho mối quan hệ không bị sụp đổ. Tua nhanh sang năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đóng vai trò quan trọng đối với cả hai bên trong cuộc xung đột để thúc đẩy lợi ích của chính mình. Nước này đã cung cấp máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB-II nổi tiếng của mình cho Ukraine để sử dụng chống lại Quân đội Nga, đồng thời làm trung gian giữa Moskva và Kiev cùng với Liên hợp quốc để đạt được thỏa thuận, đồng ý về hành lang hàng hải an toàn cho các lô hàng ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ Nga sử dụng Biển Đen. Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã được ký kết giữa Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine tại Istanbul vào tháng 7 năm 2022. Họ cũng đang tham gia vào các hoạt động ngoại giao khác như trao đổi tù nhân giữa Moskva và Kiev.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây khó khăn cho hoạt động của NATO khi Thụy Điển và Phần Lan cố gắng gia nhập liên minh quân sự vào năm 2022, đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ trong nền chính trị châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh. Một trong những mục tiêu chiến lược hàng đầu của Ankara là dập tắt chủ nghĩa cực đoan của người Kurd, bao gồm cả việc tiêu diệt Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Ankara đang yêu cầu một thỏa thuận tự do với Stockholm, nơi họ tìm cách đơn giản hóa các thủ tục dẫn độ những người Kurd mà nước này cho là có liên quan đến khủng bố, để đổi lấy việc ủng hộ Thụy Điển việc gia nhập NATO.
Gần đây hơn, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố kế hoạch có thể tiến hành các hoạt động quân sự vào miền Bắc Syria để nhằm vào các lực lượng dân quân do người Kurd lãnh đạo như Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG). Điều này trái ngược với các hoạt động do phương Tây lãnh đạo chống lại IS ở Syria, nơi mà trên thực địa, người Kurd đã đi đầu trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố và “Nhà nước Hồi giáo” của chúng, đặc biệt là trong thời kỳ đỉnh cao từ năm 2013 đến 2018. Hiện nay, khu vực này vẫn có các căn cứ của các chiến binh ủng hộ ISIS, lên tới hàng nghìn người, và người Kurd đã nói rằng, họ sẽ phải trả tự do cho các chiến binh này nếu Ankara bắt đầu bất kỳ hoạt động quân sự nào. Một số người gọi chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ là “chính trị con tin”, cố gắng đi dây giữa Moskva và Washington. Dù tốt hay xấu, Ankara dường như đang quản lý hiệu quả những áp lực này để có lợi cho mình trong thời điểm hiện tại.
Ấn Độ và đa cực
Trong khi đó, chính sách ngoại giao của Ấn Độ xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine là sự kết hợp giữa việc thúc đẩy chấm dứt cuộc xung đột thông qua đối thoại, tập hợp một Nam bán cầu ngày càng quyết đoán, có tiếng nói và rõ ràng, cũng như các quốc gia đang phát triển đứng sau để bảo đảm lợi ích của chính họ. Tại một hội nghị thượng đỉnh gần đây về Nam bán cầu do Ấn Độ tổ chức, Thủ tướng Narendra Modi đã nhấn mạnh các vấn đề như tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và cải tổ Liên hợp quốc như những nhân tố quan trọng đối với sự ổn định toàn cầu. Lời kêu gọi của Modi về thời đại ngày nay không phải là kỷ nguyên chiến tranh được đưa vào chương trình nghị sự của New Delhi với tư cách là chủ tịch của định dạng G20 cho năm 2023, với hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào cuối năm 2023. Ông Modi đã nói chuyện với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, khẳng định, tiếp tục tôn vinh mối quan hệ lịch sử của Ấn Độ với Moskva, đồng thời cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine và duy trì sự hiện diện ngoại giao đầy đủ ở đó. Tại một cuộc tranh luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngoại trưởng Mexico đã đề xuất thành lập một ủy ban bao gồm Tổng thống Mỹ, Giáo hoàng Francis và Modi để làm trung gian cho một nền hòa bình lâu dài.
Ấn Độ cũng nhấn mạnh rằng, họ đóng một vai trò thầm lặng trong thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc đứng đầu và trong việc xoa dịu tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nơi lực lượng quân sự Nga bị cáo buộc đã ngăn cản các kỹ thuật viên tiếp cận nhằm duy trì sự ổn định của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Quan điểm của Ấn Độ xung quanh cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine có thể được coi là một công thức không chính thức về việc không theo phe phương Tây hay Nga (bất chấp lịch sử), mà đại diện cho những người đang “ốm yếu” do thiệt hại kinh tế liên quan và chống lại xung đột nói chung. Những nỗ lực ban đầu đã được thực hiện, phần lớn là từ phương Tây nhằm lôi kéo New Delhi lên án Moskva một cách thẳng thừng, đặc biệt bằng cách nhấn mạnh rằng, Ấn Độ đang mua dầu thô giá rẻ của Nga, trên thực tế giúp tài trợ cho cuộc chiến chống Ukraine. Tuy nhiên, những thứ này đã sớm được chứng minh là không đạt được hiệu quả như mong đợi.
New Delhi đã phản bác điều này một cách chính xác bằng cách nhấn mạnh sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga (hiện tại và trong quá khứ) và nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển, thiếu năng lượng để duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho những công dân dễ bị tổn thương của họ, bất kể điều gì có thể xảy ra. Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới cũng sẽ, trong mọi khả năng, buộc các bên tham chiến phải đối mặt với nhau ở New Delhi. Kết quả này, nếu nó thực sự diễn ra (Putin đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022 tại Bali, Indonesia, mặc dù Tổng thống Indonesia đã có chuyến thăm Moskva), sẽ được coi là một thành tựu quan trọng đối với đường lối ngoại giao và định vị độc lập của Ấn Độ, nếu cuộc xung đột tiếp tục không suy giảm cho đến cuối năm 2023. Hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ trong việc nghiên cứu quan điểm của Ấn Độ về tính đa cực và “con đường” để Ấn Độ thực hiện những tham vọng về một thế giới đa cực của mình
Phần kết luận
Không chỉ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng vạch ra con đường riêng của họ sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Từ Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) ở Tây Á đến Nam Phi và các nước ở Mỹ Latinh, các quốc gia “trung dung” đã cố gắng giữ thái độ rõ ràng và không công khai đứng về phía nào. Mặc dù có xu hướng đánh đồng tư thế như vậy với Phong trào Không liên kết trước đây, nhưng thực tế địa kinh tế và chiến lược điều hành địa chính trị toàn cầu ngày nay khác hẳn so với cách đây vài thập kỷ, nơi các cường quốc bậc trung có ý nghĩa hơn về mặt lý thuyết nhưng không chuyển thành thực tiễn. Trong những năm tới, với sự dịch chuyển các cực quyền lực, củng cố các liên minh cũ, hình thành các chính thể đa phương mới, ổn định “chính trị hỗn loạn”, tương lai gần sẽ buộc các quốc gia phải đổi mới hơn để thúc đẩy lợi ích của họ trong một kỷ nguyên sắp tới, nơi những đặc điểm cơ bản của trật tự sau Thế chiến thứ hai có thể sẽ phải thay đổi.
Biên dịch: Phương Thảo
Tác giả: Kabir Taneja là thành viên của chương trình Nghiên cứu Chiến lược. Nghiên cứu của ông tập trung vào mối quan hệ của Ấn Độ với Tây Á, đặc biệt xem xét các động lực chính trị trong nước, chủ nghĩa khủng bố, các chủ thể chiến binh phi nhà nước và mô hình an ninh chung của khu vực.
Kabir đã viết nhiều trên The New York Times, The Hindu, Suddeutsche Zeitung, The Huffington Post, Politico, Quartz, The Wire, cùng nhiều tờ báo khác.