Những ngày đầu tháng 9/2024, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến thăm Hàn Quốc trước khi rời nhiệm sở. Thông qua chuyến đi “chia tay” này để củng cố những thành quả ngoại giao và để lại “di sản chính trị” về sự ấm lên trong quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc. Tuy nhiên, đằng sau sự tương tác nồng nhiệt giữa các nhà lãnh đạo, quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc vẫn ẩn chứa nhiều lo ngại, con đường hòa giải vẫn dài đằng đẵng.
Chuyến đi “chia tay” của Kishida: Hình thức nhiều, thực chất ít
Nhìn lại ba năm nhiệm kỳ Thủ tướng của Fumio Kishida, việc “phá băng” quan hệ Nhật – Hàn được coi là một trong số ít “điểm sáng” trong thành tích chính trị của ông. Trước tháng 3 năm ngoái, quan hệ Nhật – Hàn vẫn bị mắc kẹt bởi các vấn đề lịch sử và ở vào giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1965. Thời điểm đó, quan hệ giữa Nhật Bản và 4 nước láng giềng Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Hàn Quốc cùng lúc bị đóng băng, khiến ngoại giao khu vực rơi vào bế tắc. Sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chủ động đưa ra “nhành ô-liu”, quan hệ Nhật – Hàn bắt đầu bước vào giai đoạn cải thiện. Tháng 3 năm 2023, sau hơn năm năm bế tắc liên quan đến vụ kiện đòi bồi thường lao động cưỡng bức thời Thế chiến II, chính phủ của Yoon Suk-yeol đã có đột phá rào cản trong quan hệ Nhật – Hàn bằng cách thỏa hiệp và nhượng bộ đơn phương. Sau đó, Yoon Suk-yeol và Kishida đã tiến hành các chuyến thăm qua lại, khôi phục hoạt động ngoại giao cấp cao giữa hai nước. Đồng thời mối quan hệ hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng theo đó mà hồi sinh.
Đây là chuyến thăm Hàn Quốc lần thứ ba của Fumio Kishida trong nhiệm kỳ thủ tướng và cũng là cuộc gặp thứ 12 với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Chuyến thăm lần này giống như một “chuyến đi chia tay” của Kishida, mang tính phô diễn nhiều hơn là đạt được thành quả thực tế. Trong cuộc hội đàm giữa Kishida và Yoon Suk-yeol, hai bên đã cùng nhìn lại những thành tựu cải thiện quan hệ song phương trong hơn một năm qua. Đồng thời thảo luận nhất trí về việc kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm tới nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trên nhiều lĩnh vực. Cả hai cũng tái khẳng định sẽ tiếp tục duy trì hợp tác trong việc ứng phó với vấn đề Triều Tiên. Về kết quả cụ thể, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận, bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho công dân hai nước, cho phép hoàn thành thủ tục nhập cảnh ngay tại sân bay trước khi bay. Ngoài ra, hai nước đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ kiều bào, thống nhất sẽ cùng nhau phối hợp sơ tán công dân trong trường hợp khẩn cấp xảy ra ở nước thứ ba. Tuy nhiên, về các vấn đề được quan tâm tại Hàn Quốc như lịch sử, xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima và tranh chấp đảo, hai nhà lãnh đạo đã tránh bàn luận. Kishida chỉ nhắc lại một cách nguyên tắc rằng ông sẽ kế thừa quan điểm lịch sử của các nội các trước, bày tỏ “sự đồng cảm” cá nhân trong vấn đề lao động cưỡng bức.
Dường như để thể hiện thiện chí, Fumio Kishida đã mang theo danh sách hành khách và các tài liệu lịch sử liên quan đến sự kiện tàu “Ukishima Maru”. Vào tháng 8 năm 1945, tàu vận tải hải quân Nhật Bản Ukishima Maru đã phát nổ và chìm khi đang đưa các lao động từ Bán đảo Triều Tiên về nước, khiến 524 người thiệt mạng. Sự kiện này được cho là một vụ thảm sát do quân đội Nhật Bản cố ý gây ra, trở thành một trong những tội ác chiến tranh nghiêm trọng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đối với người dân trên bán đảo Triều Tiên. Một số ý kiến cho rằng hành động của Kishida nên là hành động chuộc lỗi mà Nhật Bản sớm phải áp dụng, nhưng lại bị hai nhà lãnh đạo biến thành động thái thúc đẩy “tình hữu nghị Nhật Bản-Hàn Quốc”.
Chính sách ngoại giao “cúi mình” của chính phủ Yoon Suk-yeol đối với Nhật Bản đang gây tranh cãi
Về chuyến thăm của Kishida, tờ “Nhật báo Dân tộc Hàn Quốc” đại diện cho phe tiến bộ ở Hàn Quốc đã đăng bài xã luận với tiêu đề “Kishida thăm Hàn Quốc trước khi rời nhiệm sở với hai bàn tay trắng, ngoại giao không có sự đồng thuận của người dân khó mà bền vững”. Bài báo chỉ trích rằng chuyến thăm này không đáp ứng được kỳ vọng của Hàn Quốc. Đặc biệt, chính phủ Kishida cho đến nay vẫn chưa thực hiện các biện pháp bồi thường tự nguyện liên quan đến vụ lao động cưỡng bức, gây thất vọng cho phía Hàn Quốc. Một số người trong nước Hàn Quốc thậm chí còn nghi ngờ rằng chính những người nộp thuế đang phải “trả tiền cho bữa tiệc chia tay” của Fumio Kishida.
Vào tháng 5 năm 2022, sau khi phe bảo thủ Hàn Quốc lên nắm quyền, chính sách đối ngoại của nước này đã có sự thay đổi lớn. Chính phủ của Yoon Suk-yeol đã từ bỏ đường lối “cân bằng Mỹ – Trung”, “hòa hợp với Triều Tiên, đối đầu Nhật Bản” trong thời Moon Jae-in, chuyển sang thúc đẩy chính sách “thân Mỹ, hòa Nhật”. Trong hai năm qua, hàng loạt phát ngôn và hành động “thân Nhật” từ các quan chức cấp cao của Chính phủ Yoon Suk-yeol đã gây ra tranh cãi lớn trong xã hội Hàn Quốc. Đầu tiên, trong bài phát biểu “Ngày độc lập” 01/03/2023, Yoon Suk-yeol tuyên bố rằng “Nhật Bản đã từ kẻ xâm lược trở thành đối tác”. Ngay sau đó, ông công bố việc bồi thường cho các nạn nhân của vụ lao động cưỡng bức Hàn Quốc trong Thế chiến II thông qua quỹ của một tổ chức Hàn Quốc, thay vì yêu cầu Nhật Bản chịu trách nhiệm bồi thường. Điều này đã loại bỏ một rào cản lớn trong quan hệ Nhật – Hàn. Sau đó, chính phủ Yoon Suk-yeol còn tỏ thái độ “nhượng bộ” trong vấn đề xả thải nước nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima của Nhật Bản, giảm nhẹ nội dung về thời kỳ Nhật chiếm đóng trong sách giáo khoa, cố gắng né tránh các tranh chấp chủ quyền đảo giữa hai nước. Thậm chí, Yoon Suk-yeol còn bổ nhiệm một nhân vật thân Nhật làm giám đốc của Bảo tàng Tưởng niệm Độc lập Hàn Quốc. Trong bài phát biểu ngày 15 tháng 8 năm nay tại Lễ Quốc khánh Hàn Quốc (ngày Quang phục), Yoon Suk-yeol hoàn toàn không đề cập đến trách nhiệm chiến tranh của Nhật Bản. Điều này đã vấp phải phản ứng gay gắt từ các đảng phái tiến bộ và một bộ phận lớn người dân Hàn Quốc. Họ chỉ trích mạnh mẽ chính sách “ngoại giao nhục nhã” của Chính phủ đối với Nhật Bản.
Trước những chỉ trích từ dư luận, Kim Tae-hyo, Phó Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc, cũng là một người thân cận của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã gây thêm sóng gió khi tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng “điều quan trọng là thành ý của Nhật Bản”. Phát ngôn này đã làm bùng nổ cuộc tranh luận trong xã hội. Sau đó, khi Phủ Tổng thống Hàn Quốc cố gắng xoa dịu tình hình, họ tuyên bố rằng “Nhật Bản đã xin lỗi hàng chục lần và đã mệt mỏi”. Việc này lại càng khiến người dân Hàn Quốc phẫn nộ hơn nữa. Các đảng đối lập lên tiếng chỉ trích gay gắt, gọi Chính phủ của Yoon Suk-yeol là “chính quyền bán nước thân Nhật.”
Trước sự thay đổi thái độ đột ngột của Hàn Quốc đối với Nhật Bản, phía Nhật tỏ ra khá lúng túng, thậm chí có phần bất ngờ. Nhiều người trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản vẫn giữ thái độ hoài nghi, thiếu lòng tin vào Hàn Quốc, lo ngại rằng quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc có thể “lặp lại vết xe đổ”. Bởi vì cách đây 10 năm, chính phủ bảo thủ của Tổng thống Park Geun-hye cũng đã ký thỏa thuận về vấn đề “phụ nữ mua vui” với Nhật Bản, nhưng sau đó thỏa thuận này bị chính phủ tiến bộ của Moon Jae-in hủy bỏ. Một số nghị sĩ trong Đảng Dân chủ Tự do thẳng thắn nhận định rằng “nếu phe tiến bộ giành lại quyền lực trong tương lai, Hàn Quốc có thể quay trở lại đường lối đối đầu với Nhật Bản.”
Con đường hòa giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn còn dài
Mặc dù Fumio Kishida thông qua chuyến thăm lần này cố gắng phát đi tín hiệu rằng “bất kể ai kế nhiệm vị trí Thủ tướng cũng sẽ coi trọng quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc”. Nhưng các mâu thuẫn liên quan đến vấn đề lịch sử như lao động cưỡng bức, phụ nữ mua vui và tranh chấp chủ quyền đảo Dokdo (Nhật gọi là Takeshima) giữa hai nước vẫn còn rất sâu sắc. Tờ “Nhật báo Trung ương” của phái bảo thủ Hàn Quốc đã đăng bài viết chỉ ra rằng các vấn đề lịch sử vẫn là những rào cản mà quan hệ hai nước cần vượt qua. Các học giả tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, một viện nghiên cứu bảo thủ, cũng cho rằng việc hai bên liên tục né tránh những vấn đề cốt lõi sẽ không có lợi cho quan hệ hai nước. Họ nhấn mạnh rằng Hàn Quốc và Nhật Bản cần tiếp tục đối thoại để tìm ra các giải pháp mới nhằm vượt qua những vấn đề lịch sử này.
Năm tới sẽ đánh dấu kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, một cột mốc quan trọng cho mối quan hệ hai nước. Một mặt, những mâu thuẫn và ân oán lịch sử kéo dài hàng nghìn năm giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của cả hai phía. Đặc biệt là những vết thương dân tộc do cuộc xâm lược và chế độ thực dân của Nhật Bản trong thời cận đại gây ra cho Hàn Quốc vẫn khó có thể lành lại. Mặt khác, theo thời gian và sự thay đổi của môi trường trong và ngoài nước, ký ức lịch sử giữa hai nước đang dần mờ nhạt. Trong nửa đầu năm nay, số lượng du khách Hàn Quốc đến Nhật Bản đã đạt hơn 4,4 triệu người, đứng đầu trong số các quốc gia. Theo kết quả khảo sát mới nhất, mức độ thiện cảm của thế hệ trẻ Hàn Quốc đối với Nhật Bản đã vượt ngưỡng 50%, đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Sự thay đổi trong dư luận này có nguyên nhân sâu xa từ sự thu hẹp nhanh chóng khoảng cách sức mạnh quốc gia giữa hai nước. 40 năm trước, khi Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan lần đầu tiên thăm Nhật Bản, GDP bình quân tính theo đầu người của Hàn Quốc chỉ bằng 1/5 so với Nhật Bản. Đến nay, sau 40 năm, trình độ phát triển kinh tế của Hàn Quốc đã bắt kịp Nhật Bản, với GDP bình quân đầu người của cả hai nước vào năm 2023 đều xấp xỉ 33.000 USD, gần như không còn chênh lệch.
Khi sự tự tin đối với Nhật Bản gia tăng, người dân Hàn Quốc dần có thể giao tiếp với phía Nhật Bản bằng một tâm thế bình tĩnh và rộng lượng hơn. Nhưng đồng thời, tâm lý của xã hội Nhật Bản đối với Hàn Quốc dường như có phần phức tạp. Người Nhật đang dao động giữa cảm giác tự mãn và lo lắng bị vượt mặt. Trong khi các lực lượng bảo thủ cánh hữu vẫn tiếp tục kích động “thái độ bài Hàn”. Hàng trăm ngàn kiều bào Hàn Quốc sinh sống tại Nhật Bản vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử có hệ thống trong xã hội Nhật Bản.
Xung quanh việc kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, phía Hàn Quốc hi vọng Nhật Bản sẽ mời Tổng thống Hàn Quốc thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản lần đầu tiên sau 22 năm. Tại đây, hai nước sẽ công bố một văn kiện chính trị mới, tổng kết và định vị lại quan hệ song phương. Tuy nhiên, Nhật Bản dường như không tỏ ra tích cực trong vấn đề này vì lo ngại các vấn đề lịch sử sẽ lại trở thành tâm điểm tranh luận. Tờ “ Nhật báo Trung ương” của Hàn Quốc đã chỉ ra một cách sắc bén rằng Nhật Bản chỉ đơn giản là không muốn “lại xin lỗi Hàn Quốc một lần nữa.”
Không khó để nhận thấy con đường đi tới hòa giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn còn rất gian nan và cần nhiều nỗ lực.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Hạng Hạo Vũ là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương, Học viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]